26 tháng 9, 2014

Võ Nguyên Giáp và De Lattre

Trọng Đạt 
Untitled-1

Sơ lược tình hình

Việt Minh tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ngày 19- 8-1945 .
Ngày 2-9 Hồ chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập tại Hà Nội.

 Thực dân Pháp trở lại Đông Dương, họ theo chân quân Anh tới giải giới quân Nhật, 300 người lính đầu tiên tới Tân Sơn Nhất ngày 11-9, sau họ đưa thêm nhiều quân sang chiếm các tỉnh dưới vĩ tuyến 16. Từ giữa tháng 10-1945 tới đầu tháng 2-1946 quân Pháp đã bình định được miền nam VN, chiếm lại được Vĩnh Long, Cần Thơ, Tây Ninh, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Long Xuyên, Châu Đốc, Cà Mâu….

Trong thời gian này họ đã đưa vào 50,000 quân tham chiến, 7,425 xe cộ đủ loại , 21,000 tấn quân nhu, tổng kết Pháp có 630 người chết và mất tích, 1,037 người bị thương. (1)
Đầu năm 1946, Pháp bắt đầu thương thuyết với chính phủ Tưởng Giới Thạch tại Trùng Khánh để được ra miền bắc VN thay thế quân Tầu giải giới Nhật. Sau đó thương thuyết với Việt Minh.

Đầu tháng 3-1946, Tướng Leclerc cho đổ bộ lên Hải Phòng. Việt Minh ký với Pháp Hiệp định sơ bộ thuận cho Pháp vào BV. Họ mượn tay Pháp để đuổi Tầu về nước và củng cố nội bộ, tiêu diệt các đảng phái quốc gia không CS. Theo tờ tường trình của Tướng Leclerc gửi chính phủ Pháp ngày 27-3-1946 thì tính tới cuối năm, VM đã thủ tiêu, giết hại tổng cộng khoảng 50,000 người.

 Trước đây Việt minh được Mỹ giúp súng đạn chống Nhật, khi Nhật đầu hàng họ giao lại nhiều vũ khi và huấn luyện cho VM, ngoài ra VM cũng mua súng lậu của Tầu.
Ngày 19-12-1946 Võ Nguyên Giáp ra lệnh tấn công quân Pháp tại Hà Nội, toàn quốc kháng chiến bùng nổ mở đầu cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ ba mươi năm núi xương sông máu.

 Việt Minh yếu thế rút vào hậu phương. Quân Pháp tại phía trên vĩ tuyến 16 có hơn một sư đoàn không đủ để bình định hết miền Bắc mà chỉ đủ giữ các thành phố. Từ 1947-1949 Pháp mở những cuộc hành quân tiêu diệt chủ lực quân VM nhưng họ lẩn tránh để bảo toàn lực lượng, tổng cộng khoảng 40,000 người. (2)

 Người lãnh đạo quân sự của cuộc kháng chiến là Võ Nguyên Giáp, ông ta không học qua trường võ bị nào, tháng 1-1948 được Hồ Chí Minh phong làm Đại tướng Tổng tư lệnh quân đội. Tài liệu phía CSVN (3) nói ông đã tham gia, chỉ huy trực tiếp, gián tiếp hầu như tất cả các mặt trận, chiến dịch trong cả ba cuộc chiến tranh VN: Từ trận Cao Bắc Lạng, Điện Biên Phủ, cho tới Hạ Lào, Mùa hè đỏ lửa 1972, cuộc chiến 1975, cuộc chiến biên giới Việt Hoa 1979-1980. Võ Nguyên Giáp mất ngày 4-10-2013, thọ 102 tuổi.

 Sau khi chiếm trọn vẹn nước Tầu, Trung Cộng tiến tới biên giới Bắc Việt tháng 11-1949 là lúc chấm dứt chương một của cuộc chiến tranh Đông Dương và nó đã quyết định số phận của người Pháp, không hy vọng gì chiến thắng.
Chẳng bao lâu, Việt Minh được Trung Cộng huấn luyện tại biên giới, họ thành lập nhiều trung đoàn chính qui võ trang đầy đủ, thành lập trung đoàn pháo. Sau gần một năm được huấn luyện, Võ Nguyên Giáp cho rằng họ đủ sức sẵn sàng chiến đấu với Pháp. Đầu tháng 10-1950 Giáp tấn công các đồn biên giới, Pháp mặc dù có tới 10,000 người nhưng cách trung ương (Hà Nội) 300 dặm.

 Từ giữa và cuối 1949, Trung Cộng thắng thế tại Hoa lục, tình hình biến chuyển, chính phủ Pháp cử Tướng Revers sang Đông dương nghiên cứu tình hình, ông đề nghị rút bỏ Cao bằng. Nếu thực hiện cuối 1949 thì thuận lợi nhưng vì để tới gần cuối 1950 mới cho rút nên đã bị thảm bại. Tại đây Võ Nguyên Giáp đã đánh thắng Pháp một trận lớn mà họ gọi là chiến thắng Cao Bắc lạng.

 Trận đánh kéo dài từ từ 29-9 tới 7-10-1950, toàn bộ quân Pháp triệt thoái gồm 7,000 người. Đại tá Charton chỉ huy đạo quân rút khỏi Cao Bằng về Đông Khê nhưng lại bị VM chiếm. Đại tá Le Page chỉ huy một lực lượng khoảng 5 tiểu đoàn để tái chiếm Đông Khê. Cả hai cánh quân bị một lực lượng lớn của VM khoảng 30 tiểu đoàn chận đánh tan nát.
Tổng cộng Pháp mất hai liên đoàn phải bỏ Lạng Sơn. Trận đánh rung động cả nước Pháp, người ta không ngờ Việt Minh mạnh như thế. Về nhân mạng thiệt hại trên 7,000 người vừa bị giết vừa mất tích, mất 13 khẩu đại bác 105 ly, 125 súng cối, gần 480 xe cộ, 3 chi đội thiết giáp, 940 đại liên, 1,200 trung liên và trên 8,000 súng trường. Số vũ khí này VM có thể trang bị cho 5 trung đoàn bộ binh hoặc cả một sư đoàn. (4)

 Tháng 1-1951 Pháp không kiểm soát được toàn miền Bắc cho tới bắc sông Hồng, nay chỉ giữ được châu thổ sông Hồng. Võ Nguyên Giáp lấn tới, các đơn vị du kích trong thời gian 1946-1949 nay thành tiểu đoàn, trung đoàn và cuối cùng thành các sư đoàn. Năm 1950 năm sư đoàn đầu tiên được thành lập: 304, 318, 312, 316, 320, sau đó sư đoàn 351 vũ khí nặng theo lối sư đoàn pháo của Nga gồm hai trung đoàn pháo và một trung đoàn công binh chiến đấu, Việt Minh sẵn sàng tống khứ pháp xuống biển.

 Năm 1950 Võ Nguyên Giáp nghiên cứu đưa ra kế hoạch ba giai đoạn:
Thứ nhất rút về chiến khu để huấn luyện, thứ hai tấn công các đồn bót Pháp, thứ ba giai đoạn cuối, tổng tấn công, ông ta nói:
“Địch sẽ dần dần chuyển từ tấn công sang phòng thủ. Cuộc tấn công chớp nhoáng (của Pháp) sẽ thành cuộc chiến kéo dài. Địch sẽ rơi vào tình trạng bế tắc, chúng sẽ kéo dài chiến tranh để thắng, ngoài ra chúng không có điều kiện tâm lý chính trị để chiến đấu trong một cuộc chiến kéo dài” (5)
Võ Nguyên Giáp biết rõ tinh thần người dân tại Pháp và cũng biết Mỹ do dự, ông nghĩ cần thanh toán Pháp sớm trước khi Mỹ viện trợ ồ ạt. Giáp nhận định:
“Chiến lược giai đoạn ba là tổng tấn công, tấn công liên tục cho tới khi quét sạch quân thù ra khỏi Đông Dương, trong giai đoạn một và hai là đánh tiêu hao địch nay phải đánh tiêu diệt địch, mọi chiến địch quân sự giai đoạn ba nhằm mục đích tiêu diệt quân Pháp….
….trong giai đoạn này vận động chiến là chính, du kích chiên hay trận địa chiến là phụ”. (6)

Các trận đánh lớn năm 1951

Say men chiến thắng Cao Bắc Lạng, tháng giêng năm 1951, Giáp cho rằng Việt Minh đã đủ sức tấn công Pháp ban ngày tại đồng bằng trong các trận Vĩnh Yên, Mạo Khê, Bờ sông Đáy. Lần này ông đụng trận với một dũng tướng mới được chính phủ Pháp cử sang.

Trận Vĩnh Yên
Sau trận thảm bại Cao Bắc Lạng, ngày 7-12-1950 chính phủ Pháp hốt hoảng cử Tướng De Lattre De Tassigny sang Đông Dương, vào lúc này người Pháp đang mất tinh thần. Ông vừa làm Cao ủy (xưa gọi là toàn quyền) vừa giữ chức Tư lệnh quân viễn chinh, lần đầu tiên một Tướng lãnh chỉ huy cả dân sự và quân sự. De Lattre tới Đông Dương ngày 17-12-1950 để cứu vãn tình thế và cũng để rửa hận cho trận thảm bại nhục nhã Cao -Bắc- Lạng cách đây hai tháng.(7)

Tân Tư lệnh dám quyết định những việc mà các Tư lệnh trước không ai dám làm như tập trung xử dụng những người dân sự Pháp để đảm nhiệm canh phòng thay thế cho người lính để ra trận.
Sau trận đại thắng Cao Bằng mới đây, Việt Minh thừa thắng sông lên đem binh về “lấy nốt Thăng Long”. Ngày 10-1-1951 Võ Nguyên Giáp đưa hai sư đoàn 308, 312 chuẩn bị một cuộc tấn công lớn tại Vĩnh Yên gần Hà Nội và Châu thổ Bắc Việt. Việt Minh giải truyền đơn “Bác Hồ về Hà Nội ăn Tết”, tình báo Pháp đã biết VM tập trung quân ở đâu và mục tiêu chọn vào ngày nào.

 Lần đầu tiên trong chiến tranh Đông Dương Pháp được đánh một trận diện địa chuẩn bị trước. Võ Nguyên Giáp được cố vấn Tầu dậy cho lối đánh biển người, đẩy thanh niên vào tử địa. Trận đánh diễn ra tại một vùng đồi trọc chiều ngang 12 km, dọc 10 km, phía Bắc tỉnh lỵ Vĩnh Yên. VM tập trung quân tại vùng núi Tam Đảo, lực lượng gồm 2 sư đoàn 308, 312; Pháp có hai liên đoàn: liên đoàn bắc phi của Đại tá Edon, liên đoàn 3 của Đại tá Vanuxem đóng tại các đồn phía Tây để ngăn chận VM.

 Ngày 13-1 Giáp cho tấn công chia cắt hai liên đoàn Pháp, Võ Nguyên Giáp gần hoàn thành lời hứa, Hà Nội mất tinh thần, báo chí Paris đăng tin Hà Nội sắp mất.

 De Lattre bèn đích thân chỉ huy trận đánh. Ngày 14-1-1951 ông bay tới Vĩnh Yên, cho trưng dụng tất cả máy bay chở quân trừ bị từ miền nam VN ra Bắc, và cho tiếp tế từ Hà Nội và từ miền Bắc. De Lattre lệnh cho cho hai lữ đoàn chiếm các ngọn đồi phía bắc Vĩnh Yên. Ngày 16-1 lúc 15 giờ Pháp chiếm lại đồi 101, 210, lúc 17 giờ sư đoàn 308 tập trung tấn công mạnh, lần đầu tiên quân Pháp đối diện với trận đánh biển người.

 VM xung phong biển người hết lớp này đến lớp khác cùng với yểm trợ của súng cối, hai bên đã trộn trấu. De Lattre quyết định thật táo bạo, ông huy động hàng trăm máy bay oanh tạc cơ và vận tải ném bom napalm. Đây là trận oanh tạc lớn nhất trong chiến tranh Đông Dương, lửa cháy ngút trời giết hại đối phương và hy sinh cả binh sĩ của Pháp.
Với lối đánh táo bạo, dũng mãnh, De Lattre đánh cho Võ Nguyên Giáp và các cố vấn Tầu tả tơi, VM bị thiệt hại nặng, 6,000 bị giết, bị thương 8,000, 500 bị bắt làm tù binh, Pháp tổn thất một nửa.
alt
VM đánh trộn trấu tưởng là Pháp sẽ không dám pháo hay oanh tạc nhưng không ngờ De Lattre táo bạo, thí quân cả hai bên. De Lattre tung vào trận địa các đơn vị trừ bị trưa 17-1 và cho ném bom napalm đã đẩy lui những đợt tấn công cuối cùng của VM.

 De Lattre đã cứu được Vĩnh Yên và Hà Nội, ông cho tổ chức duyệt binh tại Hà Nội để trấn an dân chúng. (8)
Võ Nguyện Giáp thất bại nặng ở Vĩnh Yên, ngày 23-1 ông ta nhận sai lầm, cũng lên án các chiến binh thiếu can đảm, hèn nhát và ca ngợi dân công đã mang tới mặt trận 5,000 tấn thực phẩm, súng đạn. (9)

Trận Mạo Khê
Mặc dù mới thua một trận lớn, tháng 3-1951 Võ Nguyện Giáp lại mở trận tấn công định chiếm vùng núi Đông Triều ở Tây Bắc Hải Phòng, trận đánh đe dọa Hải Phòng. Phía Pháp có ba căn cứ bảo vệ khu quân sự Mạo Khê: Một đồn trên đồi mỏ Mạo Khê, một đơn vị chiên xa đóng tại khu phố Mạo Khê, một đại đội đóng tại nhà thờ Mạo Khê, tổng cộng 400 người.

 Phía VM gồm sư đoàn 308, 312, 316, đêm 23-3 họ tấn công hạ 7 đồn dọc theo tỉnh lộ 18, đêm 26-3 De Lattre tiên đoán VM sẽ tấn công đồn Mạo Khê ông cho huy động gửi 3 tiểu đoàn tới, cho hải đoàn xung phong vào sông Bạch đằng yểm trợ hải pháo. Một giờ khuya 27-3 VM pháo kích, tấn công đồn mỏ Mạo Khê, sau nhiều đợt tấn công nhưng binh sĩ trong đồn chống cự và đẩy lui các đợt xung phong.
alt
Mười giờ sáng VM tấn công đồn và cả khu nhà thờ Mạo khê, quân Pháp có máy bay và hải quân yểm trợ nhưng VM rất đông, một máy bay Hellcat bị bắn hạ. Tối 27-3, VM mở cuộc tấn công chót vào đồn và khu phố Mạo khê, phá hủy ba chiến xa Pháp. Sáu giờ sáng VM rút lui và không chiếm được mục tiêu.
Phía VM có 500 người bị giết, Pháp khoảng 200, đây là trận thứ hai của VM đánh vào đồng bằng nhưng thất bại, De Lattre coi đây là chiến thắng quan trọng, ông tânTư lệnh sang Đông dương từ đầu năm 1951 tới nay được gần nửa năm đã phải đương đầu với hai trận lớn của VM. Sau trận thảm bại Cao Bắc Lạng, quân Pháp mất tinh thần nhưng De Lattre với chiến thuật táo bạo, dũng mãnh đã chuyển bại thành thắng nâng cao tinh thần chiến đấu quân sĩ. De Lattre cho lập phòng tuyến bảo vệ châu thổ BV, chuyển bớt các đơn vị đóng đồn không cần thiết thành những đơn vị lưu động. (10)

Trận Bờ sông Đáy
Đây là trận qui mô được Võ Nguyện Giáp chuẩn bị chu đáo, phía VM đưa vào ba sư đoàn 304, 308 và 320, Pháp cũng huy động lực lượng lớn gồm: 3 liên đoàn lưu động, một liên đoàn thiết giáp, hai tiểu đoàn nhẩy dù, 3 hải đoàn, 4 tiểu đoàn pháo, 30 chiến đấu cơ. Một trận đánh kéo dài 26 ngày trên một chiến tuyến dài 80km gồm nhiều giai doạn. Sư đoàn 308 đánh Ninh Bình, sư đoàn 304 đánh Phủ lý, sư đoàn 320 đánh vào giáo khu Phát Diệm phía nam Ninh Bình.
Gồm có 4 trận:
1- Ninh Bình (29-5 tới 30-5)
2- Yên cư Hạ (4-6 tới 18-6)
3- Phát Diệm (8-6 tới 9-6)
4- Đông bắc Phủ lý (20-6 tới 23-6)
Tại trận Ninh bình VM để lại 350 xác chết , 153 súng trường, 40 tiểu liên, 12 trung liên, 2 đại liên, 9 súng cối. Phía người Pháp chết và bị thương 1,000 người, nhiều đại bác bị phá hủy, các tầu chiến bị hư hại, con trai De Lattre tử trận tại đây.
Trận Yên Cư Hạ từ 4-6 tới 18-6-1951, đây là một đồn kiên cố, xây bằng bê tông, có hàng rào kẽm gai. Tại trận này VM chết 200 người, hai đại đội Pháp giữ đồn chỉ còn vài chục người sống sót.
Trận Phát Diệm từ 8-6 tới 9-6. Sư đoàn 320 vào giáo khu Phát Diệm, uy hiếp tinh thần, phô trương lực lượng.
Trận Đông Bắc Phủ lý từ 20-6 tới 23-6. Trận phản công qui mô của Pháp vào vùng Phủ lý, Ninh bình, VM bị thiệt hại rất nhiều
Qua các trận đánh thấy VM chưa thể thắng ở đồng bằng nhưng địch đã mạnh hơn trước. Hai bên tổn thất nặng. Pháp huy động nhanh các lực lượng tiếp viện hải, không quân.
Trận Hòa Bình 
Tháng 9-1951, De Lattre chuẩn bị đánh Thanh Hóa nhưng đoàn tầu chở quân gặp bão nên phải quay về. De Lattre đổi ý cho đánh chiếm Hòa Bình, ông huy động 15 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiếu đoàn nhẩy dù, 2 liên đoàn thiết giáp , 7 tiểu đoàn pháo binh , 2 tiểu đoàn công binh, 2 hải đoàn xung phong . Cuộc hành quân Hòa Bình ngày 9-11-1951 gồm 3 lực lượng và chiếm tỉnh dễ dàng. VM huy động các sư đoàn 304, 308, 312 tới mặt trận.
Đầu tháng 12 VM gây áp lực quanh Hòa Bình qua trận Tu Vũ, Xóm Phèo, họ chiếm được đồn nhưng bị thiệt hại nặng , VM phục kích đoàn tầu trên sông và bộ binh Pháp trên đường số 6, tại trận Xóm Phèo VM thiệt hại nhiều.

Salan thay thế De Lattre tháng 1-1952 cho rút khỏi Hòa Bình, chiếm Hòa Bình bất lợi vì địch có cao xạ bắn chính xác những máy bay hạ cánh, phục kích đoàn tầu. Binh lính hay bị sốt rét, chiến trường rừng núi không thích hợp với Pháp. Ngày 22-2-1952 bắt đầu rút, giữ Hòa Bình bất lợi, bị tiêu hao lực lượng rút để lo bảo vệ đồng bằng, tới 24-2 cuộc triệt thoái coi như chấm dứt. (11)

Kết luận

De Lattre bị bệnh nặng phải đưa về Pháp, ông mất tháng 1-1952 thọ 63 tuổi, đúng một năm sau khi sang phục vụ tại Đông Dương, lễ quốc táng được cử hành trọng thể tại Ba Lê được coi là lớn nhất kể từ năm 1929. Ông đã đưa tinh thần quân Pháp lên cao, đã đánh bại Võ Nguyện Giáp và các cố vấn Tầu nhiều trận, gây thiệt hại nặng nề cho VM, nếu de Lattre còn sống cuộc chiến Đông Dương có triển vọng nhiều thay đổi.

 De Lattre lập phòng tuyến quanh vùng châu thổ Bắc Việt để ngăn cách đồng bằng với rừng núi miền Bắc sau trận Vĩnh Yên, bắt đầu cho xây cất từ tháng 2-1951 gọi là phòng tuyến de Lattre (ligne de Lattre) gồm hàng nghìn pháo đài kiên cố bằng bê tông. Tướng Navarre năm 1956 đã nhận xét phòng tuyến quá tốn kém nhưng không có lợi ích gì, nó không thể đẩy lui được các cuộc tấn công lớn của VM, không ngăn cản được địch ra vào. (12)

 De Lattre bành trướng quân lực, nâng Quân đoàn viễn chinh từ 143,000 lên 189,000 trong đó 121,000 là người Pháp, Bắc Phi, Lê Dương còn lại 68,000 là VN. Ông đã thuyết phục được người Mỹ viện trợ cho Pháp tại Đông Dương, đã xin được tăng viện binh từ Ba Lê và trích bớt các đơn vị đóng đồn để thành lập quân lưu động.
De Lattre thành công vận động Ba Lê cho tăng quân, đánh bại các cuộc tấn công lớn của VM, nhờ quyết tâm theo đuổi chiến tranh ông giành được cảm tình của Mỹ để được viện trợ. (13)

 Navarre cũng đánh giá cao thành công của de Lattre: Ông đã xin được chính phủ Pháp tăng viện, thành lập được bốn liên đoàn lưu động mới, chỉ trong vài tuần de Lattre đã tạo cho lực lượng tại Bắc Kỳ có khả năng chiến đấu ngang hàng với Quân đoàn chiến đấu Việt Minh (5 sư đoàn). Hai trận tấn công lớn, một hướng về Hà Nội (trận Vĩnh Yên) và một vào Hải Phòng (trận Mạo Khê) đều đã bị đẩy lui (14). Ông kết luận sự ra đi của Thống chế de Lattre đã mở ra một giai đoạn chiến tranh ngày càng trở nên tồi tệ trong tất cả mọi lãnh vực.

 Vừa đặt chân tới Bắc Kỳ de Lattre đã phải đối đầu với nhiều trận đánh biển người, ông đã chuyển bại thành thắng, khiến Pháp lấy lại tinh thần. Một dũng tướng đầy thao lược nhưng mới chỉ huy được gần một năm thì mất, đó là điều thật đáng tiếc.

 Salan, Navarre, hai Tướng Tư lệnh kế vị khả năng không bằng de Lattre. Cùng với sự chán nản mệt mỏi của người dân và chính phủ Pháp cuộc chiến đã kết thúc bi thảm ngay trong 1954.

Trọng Đạt
Chú thích:
(1) Quân Sử 4, Quân lực VNCH Trong Giai Đoạn Thành Hình, Bộ TTM
VNCH trang 95, 96.
(2) Bernard Fall, Street Without Joy trang 28
(3) Wikipedia VN, Tiểu sử Võ Nguyên Giáp
(4) Quân sử 4 trang 124, Street Without Joy trang 33
(5) Street Without Joy trang 34
(6) Sách kể trên trang 35
(7) Sách trên, trang 36
(8) Quân sử 125, Street Without Joy trang 37-40
(9) Street Without Joy trang 40
(10) Quân Sử trang 131-133
(11) Sách kể trên trang 133-139
(12) Henri Navarre, Agonie de l’Indochine trang 22
(13) Quân sử trang 54
(14) Agonie de l’Indochine trang 21

12 tháng 9, 2014

Nạn đói ở Thái Bình: Nấm mồ tập thể của vạn số phận tang thương - Kỳ 3 (kỳ cuối): Nấm mồ tập thể

 - Chúng ta không được quyền quên kỷ niệm đau thương và rùng rợn nhất của lịch sử.


Ông Nguyễn Văn Duy, ở xóm 8 xã An Ninh (Tiền Hải, Thái Bình) bật khóc nức nở khi nghĩ lại thảm cảnh nạn đói 1945: “Giá như phát xít Nhật không kìm kẹp, bóc lột người dân, hoặc cho chở lương thực ra bắc, thì đã không xảy ra thảm cảnh như thế!”.
Ông Duy vốn đi ở cho địa chủ, nên khi nạn đói xảy ra, được địa chủ giữ lại trong nhà làm bảo vệ, vì sợ bị cướp bóc, nên ông sống sót.


Nạn đói ở Thái Bình: Nấm mồ tập thể của vạn số phận tang thương
Ông Nguyễn Văn Duy
Nhưng những lần lên tận thị xã Thái Bình, sang Nam Định mua đồ cho chủ, ông không quên nổi cảnh tượng từng đoàn người rách rưới, giơ xương, âm thầm dắt díu nhau đi. 

Họ không ồn ào, không cười nói, và ông cũng không phân biệt nổi nam nữ, chỉ có thể nhìn vào những thân hình cao thấp để biết đâu là trẻ con, đâu là người lớn. Cứ đi được một lát, lại có người đổ gục, mắt mở trừng trừng không biết sống hay là chết.


Ông cho một người đàn bà nắm cơm, bà ta kéo đầu đứa con để chia cho nó, nhưng gọi mãi không thấy thưa, mới biết con đã chết trên lưng từ bao giờ.


Những người có anh em họ hàng ở tỉnh xa như Yên Bái, Phú Thọ, họ lên ở nhờ thì còn sống. Những người không ở nhờ được thì đi khắp nơi, rồi kiệt sức mà chịu chết.
Cứ đi một đoạn, ông lại thấy cảnh tuần đinh lấy dây buộc vào cổ tay, cổ chân, cổ họng người chết rồi kéo lê ra hố chôn tập thể quăng xuống. Có người chưa chết hẳn, bỗng dưng bản năng trỗi dậy, giãy giụa được 1 tý rồi lại nằm im.

Nạn đói ở Thái Bình: Nấm mồ tập thể của vạn số phận tang thương
Hình ảnh con người trong nạn đói Ất Dậu Ảnh: internet 

Thời điểm ông Tô Minh Thuyết lên đường ra Hà Nội theo bố lánh nạn, ông hãi hùng khi trước mắt mình là những tốp người ùn ùn kéo nhau đi. Đó là những cái đầu trơ sọ, hai con mắt vàng trũng thất thần. Họ nằm, bò, lê, và chết gục giữa đường, bên lề đường. 

Những người còn sống sót, còn sức đi ăn xin, thì điểm hẹn sinh tồn của họ chính là thủ đô Hà Nội cùng những đô thị lớn khác. Nhưng con đường hành hương tìm sự sống ấy, phần lớn là tìm đến cái chết.


Nghĩa trang Hợp Thiện, nằm cuối một con hẻm trên đường Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), tuy nhỏ nhưng khang trang sạch sẽ. Bước qua cánh cổng là tấm bia đá lớn, có khắc bài thơ của Giáo sư Vũ Khiêu, truy điệu đồng bào chết đói năm 1945: “Một cơn gió bụi vừa tan/ Hai triệu sinh linh đã mất/ Khí oan tối cả mây trời/ Thây lạnh phơi đầy cỏ đất...”.


Những dòng chữ ấy khiến ai bước chân vào đây, đều cảm thấy cay cay nơi khóe mắt.


Nạn đói ở Thái Bình: Nấm mồ tập thể của vạn số phận tang thương
 
Nạn đói ở Thái Bình: Nấm mồ tập thể của vạn số phận tang thương
Dưới tấm bia này là xương cốt của hàng vạn đồng bào trong nạn đói Ất Dậu

Ông Đặng Văn Tuyến, người tự nguyện trông coi nghĩa trang này đã 10 năm nay, xúc động cho biết: “Dưới tấm bia là bể xương khổng lồ, xương nhiều không đếm nổi. Hàng vạn số phận tang thương nằm lẫn lộn dưới đó”.

Ngôi mộ tập thể ở Kim Ngưu là nơi chôn đồng bào chịu chung nạn đói từ khắp nơi đổ về Hà Nội. Nhưng đối với tỉnh Thái Bình, là nơi thảm cảnh xảy ra khủng khiếp nhất, thì không biết có bao nhiêu người con đã nằm lại oan ức tại đây?


Ông Tuyến chỉ cho tôi xem những tấm ảnh người kéo xe chở đầy hài cốt, hình ảnh người dân đào móng xây bể mộ, những bãi xương trắng chất chồng. 


Ông bảo, ông đã đón rất nhiều đoàn khách đến đây thăm viếng, tây ta đủ cả.
 Nhiều nhất vẫn là người Nhật, họ rất ăn năn. Có người bày tỏ: “Người Nhật đã gây ra thảm họa này. Chúng tôi tuy không trực tiếp gây nên, nhưng chúng tôi đến đây mong được tạ lỗi với các vong…”.

Gần 70 năm đã qua đi, Thái Bình giờ thay da đổi thịt, đô thị phát triển sầm uất, xóm Trại, thôn Hiên, thôn Thượng... nơi chết gần hết cả làng, cả dòng họ, đã là những làng quê đầm ấm khang trang.

Tuy nhiên, một số người vẫn thắc mắc, khi tỉnh Thái Bình không có một khu tưởng niệm nào, một đài tưởng niệm, hay một tấm bia ghi chép... để tưởng nhớ, để nhắc nhở mọi người không bao giờ quên nỗi đau khủng khiếp của nạn đói 1945.

Nhà nghiên cứu sử Đặng Hùng cho biết, nạn đói Ất Dậu là sự kiện đặc biệt của quê lúa, quá thảm khốc, quá đau thương. Theo ông, cần thiết có một nơi tưởng niệm những linh hồn xấu số của nạn đói, để nhắc nhớ con cháu biết trân trọng cuộc sống hiện tại.

Hải Minh

Nạn đói ở Thái Bình: Đãi phân ngựa tìm hạt ngô để ăn - Kỳ 2: Tấn thảm kịch không ai tưởng tượng nổi

– Hàng đoàn người lũ lượt bò đi, đói quá không ai đứng dậy nổi. Họ nằm la liệt chờ chết hai bên vệ đường.

Tháng 7-1992, Viện Sử học Việt nam cử đoàn về điều tra, khảo sát số người chết đói ở xã Tây Lương (Tiền Hải, Thái Bình). Giáo sư Văn Tạo đã kết luận trong bản tổng kết: Xã điểm Tây Lương có số người chết đói năm Ất Dậu (1945) bằng 2/3 dân số lúc ấy. Riêng Lương Phú là làng nghề, đời sống khá giả mà số người chết đói đã lên tới 594/1.374 người (bằng 43,07%). 

Nguyên nhân chính là do vụ mùa tháng 10/1944 mất sạch, các nhà giàu trong xã không cho dân vay thóc vì họ phải bán thóc tạ cho Nhật, rồi nhiều nơi phải nhổ lúa trồng đay. Mặt khác, phát xít Nhật đã cấm tiệt việc vận chuyển lương thực từ Nam ra Bắc cứu đói, mặc cho thảm cảnh diễn ra.
Nạn đói ở Thái Bình: Đãi phân ngựa tìm hạt ngô để ăn
Đoàn Viện Sử học điều tra nạn đói Ất Dậu 1945 tại xã Tây Lương 

Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Tây Lương ghi rõ: Gia đình bà Nhang Vui ở xóm Trại (Hoàn Khê) có 30 người thì tới 27 người chết đói. Gia đình ông Hoàng Bê ở thôn Hiên, có 5 người gồm 2 vợ chồng và 3 đứa con, chết sạch cả nhà mà không ai biết. Mãi sau này có mùi hôi thối bốc lên, người làng mới phát hiện, không mang đi chôn, họ đốt cháy ngôi nhà đó.

Hay gia đình cụ Hoàng Phúc, 4 thế hệ gồm bố, con, cháu, chắt, tổng số 31 người thì chết 26 người. 2 người đi xa đến giờ không rõ tung tích.

Một ngõ ở xóm giữa thôn Thượng, có 9 gia đình với 61 nhân khẩu, thì chết đói mất 59 người.
Bên cạnh đó, còn có nhiều gia đình cả con, cháu tới 23-24 người chết không còn một ai. Nhiều chi, cành chỉ còn một vài gia đình. Theo số liệu thống kê của các dòng họ, hậu quả của nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu khiến 3.968 người ở xã Tây Lương bị chết.
Nạn đói ở Thái Bình: Đãi phân ngựa tìm hạt ngô để ăn
 
Nạn đói ở Thái Bình: Đãi phân ngựa tìm hạt ngô để ăn
Những hình ảnh về nạn đói năm Ất Dậu Ảnh: Internet 

Đó là chưa tính đến những người do đói phải tha phương cầu thực và bỏ mạng ở những nơi khác. Trong khi dân chết đói thì các kho thóc của Nhật đóng chặt để phục vụ chiến tranh.

Thời điểm ấy, Tây Lương chìm trong cảnh xóm làng xơ xác, tiêu điều. Cỏ dại lút đầu gối mọc khắp đường đi. Sân nhà, ngõ xóm, tiếng trẻ con khóc như mèo hoang ai oán suốt đêm. Đến củ chuối, con gián, con chuột cũng không còn để ăn. Ở các làng, xóm, qua mỗi đêm lại có thêm hàng chục, hàng trăm người chết đói. Thậm chí người chết nhiều đến nỗi những người còn sống không chôn kịp.

Nhiều người trong lúc hơi tàn, sức tận vẫn cố lê lết đến trước cổng các nhà giàu có, địa chủ trong vùng, chờ chủ nhà mở cổng để xin ăn, và nếu có chết trước khi có miếng ăn vào bụng thì còn được chôn cất, vì chủ nhà sẽ thuê khoán người ở lôi đi chôn.

Từ thành phố Thái Bình chạy xe chừng hơn nửa giờ đồng hồ thì đến xã Tây Lương. Con đường phẳng rộng mênh mang, lúa chiêm non xanh trải từ bờ ruộng mải miết đến tận mãi chân trời. Tây Lương hiện ra với những nếp nhà còn thơm mùi sơn mới, làng mạc trù phú, điện, đường, trường, trạm khang trang, 2 bên đường trẻ em nô nức vui đùa.
Nếu không tìm hiểu những số liệu, sách báo, tranh ảnh... bản thân tôi cũng không bao giờ dám nghĩ 70 năm trước, đây là nơi kiệt cùng của nạn đói Ất Dậu.
Nạn đói ở Thái Bình: Đãi phân ngựa tìm hạt ngô để ăn
Không ai nghĩ, gần 70 năm trước, nơi đây là địa ngục trần gian 

Những nhân chứng sống sót trong thảm họa khủng khiếp ấy, giờ cũng trên 80 tuổi, và chỉ còn vài người.

Cụ Lại Văn Hằng ở thôn Trung Tiến, năm nay 86 tuổi. Cụ đã già yếu lắm, phải ngồi xe đẩy, đôi lúc hơi lú lẫn. Tuy nhiên, những ký ức về nạn đói 1945 vẫn còn hằn sâu, in đậm. Nhắc lại, cụ rơm rớm nước mắt, nấc lên khô khốc, tiếng nấc của nỗi đau khổ tột cùng.
Ngày ấy, cái bóng của đồn Tây và cổng đình bao năm đè nặng lên kiếp người. Cuộc sống lại càng thêm ngột ngạt khi đường làng in thêm dấu giày của phát xít Nhật. Bữa cơm hàng ngày bao gồm ít gạo, tấm, trộn với ngô, khoai, củ chuối... Mỗi bữa được một nắm nho nhỏ, mùi ngai ngái, nhưng gia đình cụ như vậy vẫn là khá giả ở trong vùng.
Nạn đói ở Thái Bình: Đãi phân ngựa tìm hạt ngô để ăn
Cụ Lại Văn Hằng: "Cái đói đã dày vò, đày đọa người Tây Lương đến cùng cực" 

Nạn đói ập đến vào năm cụ 17 tuổi. Trước đó gia đình thu hoạch được hơn 3 mẫu lúa, nhưng bị cướp sạch, còn sót lại một ít do cất giấu từ trước. 

Gạo hết, nhà cụ giết chó, giết gà, không chỉ để ăn, mà bởi cũng không còn gì để nuôi chúng. Hết gia súc, gia cầm, cụ Hằng theo mọi người trong làng đi bắt chuột, đào củ chuối, hái rau má, bẻ cây ngô... Cuối cùng tất cả cũng hết.


Có người ăn cả đất, có người ăn cả trấu, mùn cưa, lại có người thấy quan Tây cưỡi ngựa đi qua, họ liền đi theo hốt phân về đãi, hy vọng tìm thấy những hạt ngô chưa bị tiêu hóa hết để nấu lên ăn. 

Cụ bảo, cái đói dày vò, đày đọa con người đến cùng cực. Ở cái xóm này, họ Lại nhà cụ chết nhiều nhất. Cụ Hằng không nhớ rõ là bao nhiêu người, nhưng qua nạn đói, chỉ còn có cụ, bà, một cô em và một người chú họ là còn sống.

Cụ Hằng sống sót nên phải trực tiếp đi chôn cất người chết, toàn những thi thể cứng đờ, dúm dó, chỉ còn da bọc xương. Chẳng đêm nào cụ Hằng ngon giấc, bởi cứ thỉnh thoảng lại nghe tiếng khóc khô khản vẳng lên từ những ngôi nhà xung quanh.

Nạn đói Ất Dậu xảy ra khi ông Tô Minh Thuyết mới hơn 10 tuổi. Sở dĩ ông còn sống sót là vì có bố làm phu xe ở trên Hà Nội, đã dẫn cả gia đình đi lánh nạn. Khi không có người thuê xe nữa, bố ông quay về quê định bán nhà kiếm ít tiền, không có ai mua, cũng không còn gì ăn, cuối cùng bố chết đói ngay tại nhà.

Trong sâu thẳm ký ức, ông vẫn lưu giữ hình ảnh đoàn người lũ lượt bò đi, đói quá không ai đứng dậy nổi, nằm la liệt hai bên vệ đường.

Nạn đói ở Thái Bình: Đãi phân ngựa tìm hạt ngô để ăn
Ông Tô Minh Thuyết: "Tôi may mắn sống sót, nhưng bố tôi đã chết trong nạn đói" 

Ông Thuyết kể rằng, ở xã Tây Lương họ Tô là dòng họ lớn nhất. Nhưng trong nạn đói, dòng họ Tô ở xóm Trại, thôn Nghĩa chỉ còn duy nhất ông Tô Văn Nuôi sống sót. Lúc đó, ông Nuôi còn bé tý.

Nhà ông Nuôi có 1 bà cô làm dâu của một gia đình địa chủ khá lớn ở xã bên cạnh. Khi bà cô nghe tin cả dòng họ chết hết đã mò về tìm kiếm và thấy đứa cháu đang nằm khóc không thành tiếng. Cạnh đó là mấy người trong làng còn sống sót, họ đang đào hố, tìm chiếu, lá chuối, lá cói, bó xác người thân mình như bó giò, rồi mang đi chôn cất.

Bà cô đưa ông Tô Văn Nuôi về bên nhà chồng, nuôi cho đến năm 17 tuổi. Về sau, ông Nuôi xung phong đi bộ đội, ra quân lại trở về sinh sống ở quê hương, trên mảnh đất đau thương năm xưa.

Nạn đói ở Thái Bình: Bóp cổ, moi thức ăn từ miệng người khác - Kỳ 1: Những câu chuyện bi thương



  - Chúng ta có thể tự hào bởi những trang sử hào hùng và kiêu hãnh, nhưng chúng ta cũng không thể quên những đau thương, mất mát của dân tộc mình.


Trong Viện Sử học Việt Nam có lưu bức thư của một tác giả nước ngoài là Vespy viết tháng 4/1945 tả về thảm cảnh nạn đói 1945: “Họ đi thành rặng dài bất tuyệt, người nào người ấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc giơ xương, ngay cả những thiếu nữ đến tuổi dậy thì đáng lẽ hết sức e thẹn cũng thế.

Thỉnh thoảng họ dừng lại vuốt mắt cho một người đã ngã và không bao giờ dậy được nữa, hay để lột một miếng giẻ rách không biết gọi là gì cho đúng để che thân người đó. Nhìn những hình người xấu hơn con vật xấu nhất, nhìn thấy những xác chết nằm co quắp cạnh đường chỉ có vài nhành rơm vừa làm quần áo vừa làm vải liệm, người ta thật lấy làm xấu hổ cho cái kiếp con người”.

Theo thống kê của Viện Sử học, số người chết trong nạn đói Ất Dậu lên tới 2 triệu người. Nạn đói xảy ra trên diện rộng, từ Quảng Trị trở ra Bắc Kỳ. Mở lại những trang hồ sơ về sự kiện bi thảm ấy, cũng không còn nhiều câu chuyện cụ thể được ghi chép lại.
 
Nạn đói ở Thái Bình: Bóp cổ, moi thức ăn từ miệng người khác
Nạn đói năm Ất Dậu - 1945. (Ảnh: Võ An Ninh)

Nạn đói xảy ra trên địa phận tỉnh Thái Bình là khủng khiếp nhất. Cảnh chết đói diễn ra khắp nơi trong tỉnh, nhất là các huyện phía nam. 

Hàng ngày, từng đoàn người đói rét dắt díu nhau đi lang thang ăn xin rồi chết ở đầu đường xó chợ. Nhiều gia đình chết không còn một ai. Nhiều làng chết đói từ 50 đến 80% dân số. Chỉ trong vòng 5 tháng, số người chết đói trong toàn tỉnh lên đến 28 vạn người, chiếm khoảng 1/4 dân số toàn tỉnh.


Chúng ta có thể tự hào bởi những trang sử hào hùng và kiêu hãnh, nhưng chúng ta cũng không thể quên đi những đau thương, mất mát của dân tộc mình. Hiện tại, cũng không mấy người còn hình dung ra những thảm cảnh kinh hoàng 70 năm trước.

Mùa thu năm 2014, tôi lên đường tìm lại những dấu tích cũ, những nhân chứng sống của nỗi đau lịch sử đó. Thái Bình giờ thay da đổi thịt, làng quê khang trang như phố thị, người xe nườm nượp, đầy tiếng trẻ nô cười. Có ai ngờ rằng, nơi đây từng là địa ngục trần gian.

Khi tôi đặt vấn đề tìm hiểu về những số liệu của thời kỳ đau thương ấy, nhà sử học Đặng Đình Hùng, một nhà nghiên cứu lịch sử tỉnh Thái Bình cho biết, mặc dù sinh sau nạn đói gần 10 năm, nhưng ông vẫn được nghe, được kể rất nhiều về nạn đói. Những câu chuyện, những con số của nỗi đau năm 1945 vẫn luôn ám ảnh ông.

Khi vụ mùa gần như mất trắng, cộng thêm thiên tai, vỡ đê, dân Thái Bình rơi vào nạn đói kéo dài từ tháng 8 năm Giáp Thân (1944) sang đến những tháng đầu năm Ất Dậu (1945). 

Trong khi đáng lẽ phải cứu đói khẩn cấp thì chính quyền phát xít Nhật lại thực hiện chính sách thu mua thóc tạ thời chiến. Họ tỏa về các làng xã thu vét thóc gạo.

Vào cuối 1944, khi chiến tranh thế giới thứ 2 đi vào giai đoạn quyết liệt, Nhật – Pháp chuẩn bị chiến tranh, bọn đế quốc càng ráo riết tích trữ các mặt hàng chiến lược, đặc biệt là lương thực thực phẩm.


Đến đầu năm 1945, nạn đói bùng nổ khi dân chúng không còn bất cứ cái gì để ăn, thóc gạo cũng hết, ăn sạch cả củ sắn, củ mài, nhặt cỏ rau má ăn, củ chuối cũng đào hết.

Nạn đói ở Thái Bình: Bóp cổ, moi thức ăn từ miệng người khác
Những bức ảnh ghi lại thời kỳ đau thương trong lịch sử dân tộc (Ảnh: Võ An Ninh) 

Thời kỳ đó, không ai còn nghĩ đến ai cả, họ hàng, bố con, anh em bỏ nhau hết, con đến nhà bố thì bố đóng cửa không cho vào, bố đến nhà con thì con không nhận, vì quá đói, sợ đến lại không còn cái gì để ăn.

Người ta bắt đầu đổ ra ngoài, tìm mọi cách để giành giật lấy mọi thứ có thể cho vào mồm. Có lẽ không lời nào có thể tả hết được thảm cảnh đó. Lúc cao điểm, ở các con đường, người chết lẫn người sống nằm la liệt, hoặc không thì bò lê bò lết, đói quá không ai còn sức đứng dậy nổi.

Rất nhiều trẻ con nằm chết, bởi bố mẹ sinh ra không nuôi nổi đành bế ra đường bỏ. Một cụ già ở xã Tây Lương (Tiền Hải, Thái Bình) kể rằng, ông nhớ mãi hình ảnh 2 mẹ con nằm ngay bên vệ đường trong lần ông đi mua rượu cho địa chủ, mẹ chết trước, con ánh mắt đờ đẫn cứ nằm trên bụng mẹ bú vào cặp vú, là mẩu da nhỏ dính trên bộ ngực toàn xương xẩu.
Cây số 3 trên đường từ Thái Bình đi Hà Nội, nay là một khu vực sầm uất, hàng quán san sát, chỉ có một cột mốc cũ kỹ bên vệ đường. Thời nạn đói xảy ra, ở đó đã từng có hàng vạn người đói rách quằn quại tụ tập ở đây với hy vọng có thể tìm được một con đường sống.
Nạn đói ở Thái Bình: Bóp cổ, moi thức ăn từ miệng người khác
Cây số 3 trong nạn đói Ất Dậu 1945 (Ảnh: Võ An Ninh)

Câu chuyện được nhà sử học Đặng Đình Hùng ghi chép: Có người đàn ông đi làm thuê, bốc vác, ông có mang theo mấy củ khoai cùng với nắm cơm. Gọi là cơm nhưng thực ra là cám trộn với một ít gạo, một ít rau, trấu... làm lương thực ăn dọc đường. Lúc về qua địa phận đó, xung quanh là những con người nằm im bất động, sống hay chết cũng không biết. Mệt quá nên ông đành ngồi lại nghỉ ngơi, vừa mới móc tý lương thực ít ỏi ra thì bất thần những thây ma ngóc đầu dậy, rồi xúm vào vồ lấy nắm cơm.

Có một người giật được, cho ngay vào mồm, nhưng chưa kịp nuốt thì đã bị những kẻ khác dùng tay bóp nghẹt cổ họng, thè cả lưỡi và rơi miếng cơm ra. Cả nhóm lại nhảy vào xâu xé cái miếng cơm ít ỏi đó...
Nạn đói ở Thái Bình: Bóp cổ, moi thức ăn từ miệng người khác
Nhà sử học Đặng Đình Hùng bên cột mốc số 3 hiện tại, nay là một khu vực sầm uất 

Bảo tàng tỉnh Thái Bình trông thật khang trang, bề thế. Cạnh đó là những công trình, nhà cửa san sát, những dấu tích cũ cũng đã biến mất. Nhưng cách đây gần 70 năm, ngay cạnh đó là trại tế bần do những thân hào, nghĩa sỹ yêu nước đứng ra thành lập. Họ vận động những nhà giàu có trong vùng quyên góp để cứu đói. 

Nơi đây, các nghĩa sĩ đã nấu cháo phát chẩn. Dù lượng cháo quá ít ỏi nhưng đó là niềm hy vọng sống nhỏ nhoi của hàng vạn con người đang lay lắt từng ngày. 
Nạn đói ở Thái Bình: Bóp cổ, moi thức ăn từ miệng người khác
Địa danh từng là trại tế bần 

Mỗi người được một bát nhỏ, toàn nước cháo loãng, có tý gọi là chất gạo. Nhưng ai nhận được cháo phát chẩn mà ăn ngay tại chỗ thì còn được vào người, được an toàn, chứ chỉ cần bê tô cháo quay ra ngoài, ra khỏi hàng là y như rằng bị cướp. 

Thậm chí, lúc giằng co bát cháo rơi xuống, có người ngay tức khắc nằm ra để hứng, không hứng được, họ cào cả lớp đất vừa ngấm tý nước gạo cho ngay vào mồm. Có người rách lưỡi, rách họng vì nuốt vội cả mảnh bát vỡ.


Vể sau, người ta gọi đùa trại tế bần đó là Nhà máy cháo, ký ức về một thời đau thương của dân tộc.