11 tháng 9, 2016

Sân bay Tân Sơn Nhất 100 năm trước của Sài Gòn

Tọa lạc tại ngôi làng nằm trên gò đất cao nhất của Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất hồi đầu thế kỷ 20 chỉ có một đường băng bằng đất, xung quanh trồng cỏ. 

Nằm cách trung tâm TP SG 8 km về phía Bắc, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) là đầu mối giao thông quan trọng của cả miền Nam. Năm 2015, sân bay phục vụ hơn 26,5 triệu lượt khách, nằm trong nhóm 50 sân bay có lượng khách nhiều nhất thế giới.
san-bay-tan-son-nhat-100-nam-truoc-cua-sai-gon
Không ảnh sân bay Tân Sơn Nhất năm 1968, khu vực trên và dưới đường băng vốn là căn cứ quân sự nay thành khu dân cư và sân golf. Ảnh: Flickr
Theo cuốn Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam KỳTân Sơn Nhứt (tên ngày xưa) trước năm 1919 là tên một ngôi làng nằm trên gò đất cao ráo phía Bắc Sài Gòn có từ thời Nguyễn Hữu Cảnh vào khai phá, lập nên đất Sài Gòn – Gia Định. Về địa giới hành chính, làng thuộc phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định và giáp các thôn Tân Sơn Nhì, Hạnh Thông Tây, Phú Nhuận... nay đều là tên các địa danh ở thành phố.
Đến năm 1920, khi thành lập phi đội Nam kỳ, chính quyền thực dân Pháp lấy phần lớn diện tích của làng Tân Sơn Nhứt để xây dựng sân bay. Tên của làng cũng thành tên sân bay từ đó. Phần đất còn lại của ngôi làng nhỏ hẹp không đủ tiêu chuẩn lập làng riêng, nên hợp với làng Chí Hòa thành làng Tân Sơn Hòa.
Ban đầu sân bay Tân Sơn Nhứt có một đường băng, nền đất, xung quanh trồng cỏ chỉ dùng cho quân sự. Năm 1921 tuyến bay thẳng Hà Nội – Sài Gòn đầu tiên được khai trương, một lượt bay mất 8 giờ 30 phút.
Năm 1930, chính quyền Sài Gòn muốn mở rộng sân bay phục vụ mục đích dân sự nhưng giá đất xung quanh sân bay đã cao vọt lên, không đủ ngân sách để bồi thường. Người ta nghĩ tới việc tìm ở Cát Lái thuộc Thủ Đức một khu đất vuông vức, mỗi chiều 1.400 m để xây dựng sân bay khác.
Công việc chưa kịp tiến hành thì gặp lúc khủng hoảng kinh tế thế giới, nếu xây dựng lại từ đầu tốn kém nên chương trình làm sân bay mới đành hủy bỏ. Nhà chức trách lúc bấy giờ quay lại việc đền bù để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhứt.
san-bay-tan-son-nhat-100-nam-truoc-cua-sai-gon-1
Sân bay Tân Sơn Nhất năm 1938 trong lần đón Bảo Đại bị thương khi đi săn ở Đà Lạt về Sài Gòn chữa trị. Ảnh: Tư liệu
Cuối năm 1933, chuyến bay quốc tế đầu tiên của Hãng hàng không Pháp (Air France) bay tuyến Paris – Sài Gòn (hồi đó không bay đêm) mất đúng một tuần mới hạ cánh Tân Sơn Nhất. Sau đó, nhiều tuyến bay quốc tế khác được mở. Đến năm 1937, toàn quyền Đông Dương cho thành lập Sở hàng không dân dụng Đông Dương thay thế cho Sở Hàng không dân sự, để lo việc khai thác các chuyến bay.
Khi vào Việt Nam, Mỹ cho xây dựng sân bay rộng hơn, dài hơn 3.000 m bằng bêtông thay cho đường băng đất đỏ Pháp làm trước đó. Sân bay mới vừa phục vụ thương mại vừa là nơi không quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn sử dụng làm căn cứ.
Theo một chuyên gia ngành hàng không, trước năm 1975, Tân Sơn Nhất có số lượng chuyến bay mỗi ngày cao nhất tại Đông Nam Á. Quỹ đất để phát triển lâu dài sân bay lúc đó khoảng 3.600 ha, gấp ba lần quỹ đất sân bay Changi ở Singapore.
Phần đất này sau 1975 được cắt ra trong quá trình đô thị hóa, giao cho một số quận như Tân Bình, Gò Vấp quản lý. Theo đó, đoạn từ ngã tư Bảy Hiền dọc đường Trường Chinh về ngã tư An Sương hay từ Phổ Quang sang Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung... vốn nằm trong hàng rào sân bay Tân Sơn Nhất xưa.
Hiện sân bay chỉ còn khoảng 1.500 ha, trong đó 850 ha được sử dụng dân dụng, phần còn lại do Bộ Quốc phòng quản lý. Trong đất quân đội này có 160 ha để làm sân golf và dịch vụ. Cuối năm 2015, Bộ Quốc phòng cũng thông tin sẵn sàng nhường 20 ha đất ở khu vực sân bay cho Bộ Giao thông Vận tải để mở rộng Tân Sơn Nhất nhưng đến nay việc bàn giao chưa hoàn tất.
san-bay-tan-son-nhat-100-nam-truoc-cua-sai-gon-2
Không ảnh sân bay Tân Sơn Nhất hiện tại. Ảnh: Panoramio
Tân Sơn Nhất hiện quá tải do tốc độ phát triển nhanh trong khi việc mở rộng bị đình trệ. Thêm nữa, sân bay phải đối diện việc ngập nước, ảnh hưởng đến hàng chục chuyến bay cũng như đe dọa an toàn bay.
Chiều tối 26/8 mưa lớn, khu vực bãi đỗ máy bay gần kênh thoát nước A41 bị ngập hơn 30 cm khiến hàng chục chuyến bay bị ảnh hưởng, nhiều chuyến phải chuyển sang đáp ở các sân bay lân cận hoặc nước ngoài.
Sơn Hòa

Vợ chồng võ tướng nức danh sử Việt

Được xem là trường hợp đặc biệt nhất trong lịch sử Việt Nam là vợ chồng Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân khi ông bà đều là tướng lĩnh trụ cột của một triều đại.

Trong các vị tướng tài thuộc hàng trụ cột của nhà Tây Sơn, vợ chồng võ tướng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân là những người sớm tham gia cuộc khởi nghĩa. Họ cũng là trường hợp hiếm hoi trong lịch sử khi đều là danh tướng lập nhiều chiến công hiển hách và cùng phò tá vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) từ khi còn áo vải đến khi lên ngôi hoàng đế.
Trần Quang Diệu (1746-1802) người làng Kim Giao, xã Liên Chiểu (nay thuộc xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Cũng có tài liệu cho rằng ông tên Trần Văn Đạt, là người ở làng An Hải (trước thuộc huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam nay thuộc quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
Tham gia phong trào Tây Sơn từ những ngày đầu, theo sử liệu, Trần Quang Diệu là võ tướng quan trọng nhất của nhà Tây Sơn, được coi là một trong "Tây Sơn Thất Hổ Tướng" và cũng là một trong những tướng lãnh trung thành cuối cùng đã chiến đấu bảo vệ sự tồn tại của triều Tây Sơn.
vo-chong-vo-tuong-nuc-danh-su-viet
Tượng thờ thái phó Trần Quang Diệu trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt ở Bảo tàng Quang Trung, tỉnh Bình Định. Ảnh: Wikipedia
Bùi Thị Xuân (chưa rõ năm sinh-1802) người làng Phú Xuân (xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định) là cháu của thái sư Bùi Đắc Tuyên. Theo sử sách, bà rất xinh đẹp, giỏi võ nghệ. Ngoài tài kiếm thuật, bà còn giỏi bắn cung, cưỡi ngựa và luyện voi.
Cùng với ý chí kiên cường và lòng dũng cảm bà đã lập được nhiều chiến công, trở thành nữ tướng kiệt xuất của nghĩa quân Tây Sơn với tư cách là người chỉ huy đội tượng binh - binh chủng đặc biệt và dũng mãnh này khiến quân Trịnh, Nguyễn và Mãn Thanh khiếp sợ.
Ngay từ khi chưa theo quân Tây Sơn bà đã tự phong là "Tây Sơn nữ tướng". Đến khi gặp Nguyễn Huệ, ông cũng thừa nhận bà rất xứng với danh xưng đó và còn ban tặng thêm bốn chữ "Cân quắc anh hùng" - bậc nữ lưu có khí phách.
Tương truyền, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân gặp gỡ rất tình cờ. Trên đường đến Tây Sơn tụ nghĩa ông Diệu đã đánh nhau với con hổ lớn, rất hung dữ. Nhân đi qua, bà Xuân rút kiếm xông vào cứu và đưa ông Diệu bị hổ vồ trọng thương về nhà chữa trị.
Sau hai người thành gia thất rồi cùng về tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn, nhanh chóng trở thành những tướng lĩnh trụ cột, góp công lớn trong cuộc chiến chống quân Xiêm, Mãn Thanh và những trận chiến quyết liệt với quân của Nguyễn Ánh trong suốt 10 năm trời.
Trước khi đưa quân đánh chiếm thành Quy Nhơn mở đầu cho khởi nghĩa Tây Sơn, Trần Quang Diệu được phong làm Đô đốc, vợ ông được phong Đại Tổng lý, cả hai đều là quan võ. Riêng Bùi Thị Xuân còn có nhiệm vụ rèn luyện voi chiến và điều hành đội nữ binh trên 2.000 người. Sau khi chiếm được thành Quy Nhơn, Trần Quang Diệu được phong Thiếu phó và Bùi Thị Xuân là Đô đốc.
Suốt những năm tháng theo nhà Tây Sơn, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân có lúc phải cách xa, có lúc cùng nhận một trọng trách như trận Rạch Gầm - Xoài Mút cả hai đều thống lĩnh, điều khiển lực lượng bộ binh. Trong trận này, Bùi nữ tướng đã chém bay đầu tướng Xiêm là Lục Côn.
Trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa chống quân nhà Thanh xâm lược (Tết Kỷ Dậu 1789), vợ chồng Thiếu phó là hai trong những vị tướng đã lập công xuất sắc. Sau chiến thắng này, Quang Diệu được Nguyễn Huệ cử làm Đốc Trấn Nghệ An, ông nhanh chóng ổn định xã hội tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm làm ăn sinh sống, ngoài ra ông còn chứng tỏ được biệt tài của mình khi tổ chức xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô.
vo-chong-vo-tuong-nuc-danh-su-viet-1
Tượng Đô đốc Bùi Thị Xuân trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt tại Bảo tàng Quang Trung, tỉnh Bình Định. Ảnh: Wikipedia
Theo sách Đại Nam Liệt truyện chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn, năm 1792, Quang Trung (Nguyễn Huệ) đột ngột qua đời. Triều đại Tây Sơn bắt đầu suy yếu do vua Cảnh Thịnh (Quang Toản) còn nhỏ, bị họ ngoại chuyên quyền, dẫn đầu là cậu họ Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Các đại thần kết bè phái, nội bộ lục đục, triều chính suy vi khiến lòng dân vốn đã sống quá nhiều năm trong cảnh máu lửa càng thêm oán ghét cảnh phân tranh, loạn lạc...
Năm 1799, Nguyễn Ánh xua quân chiếm lại Quy Nhơn. Bùi Thị Xuân cùng chồng vừa tham gia củng cố triều chính vừa chỉ huy quân sĩ giữ lũy Trấn Ninh, chống lại quân nhà Nguyễn. Trong cuộc đối đầu quyết liệt với Nguyễn Ánh (vua Gia Long), vợ chồng tướng Trần Quang Diệu đã nhiều phen làm quân của Nguyễn Ánh thất điên bát đảo, nhất là trận Quy Nhơn năm 1801.
Cũng trong trận chiến này, sau khi chiếm được Quy Nhơn, Trần Quang Diệu đối xử rất tử tế với các tướng và binh sĩ của nhà Nguyễn chỉ để giữ lời hứa với tướng địch là Võ Tánh trong giờ phút cuối cùng. Với việc tha chết cho binh sĩ của đối phương, Trần Quang Diệu được các nhà sử học đánh giá là người tín nghĩa, nhân đức.
Tuy nhiên, lúc này triều Tây Sơn đã không còn vững như trước. Với sự tấn công mạnh mẽ từ nhiều phía của quân Nguyễn Ánh, các thành luỹ của Tây Sơn nhanh chóng bị mất. Năm 1802, trong một trận ác chiến với quân Nguyễn Ánh ở Nghệ An, vợ chồng tướng quân Trần Quang Diệu cùng con gái bị bắt khi đang dọc đường rút quân ra Bắc.
Khi vua Gia Long chiêu hàng Trần Quang Diệu, ông đáp: "Trung thần không thờ hai vua, nay tôi bị bắt thì chỉ có tội chết. Nếu nhà vua rộng lượng tha cho, như trước đây tôi đã tha cho các tướng ở Quy Nhơn, thì tôi sẽ về ở nơi thôn dã, cày ruộng, nộp thuế như người thường dân, chứ nhận chức quan của triều đại mới thì không phải là trượng phu". Sau đó, vợ chồng tướng Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và cô con gái 15 tuổi đều bị xử tội chết.
Theo tư liệu của De La Bissachère - một giáo sĩ phương Tây, người chứng kiến cuộc hành hình, đã miêu tả cái chết lẫm liệt của bà như sau: "Bùi Thị Xuân không hề biến đổi sắc mặt, tiến trước đầu voi một cách bình tĩnh. Mấy tên lính thét la om sòm, bảo bà quỳ xuống nhưng bà vẫn thản nhiên tiến bước. Voi lùi lại, bọn lính phải lấy giáo nhọn thọc vào đùi con vật mới dùng vòi quặp bà tung lên trời...".
Giáo sư sử học Nguyễn Khắc Thuần thì đánh giá: "Trong khởi nghĩa Tây Sơn nói riêng và trong lịch sử quân sự Việt Nam nói chung, Bùi Thị Xuân là một hiện tượng rất đặc biệt. Cùng với chồng và hàng vạn các nghĩa sĩ Tây Sơn, bà đã đi suốt cả một cuộc trường chinh ba chục năm trời, anh dũng chống cả thù trong lẫn giặc ngoài, một lòng một dạ vì sự nghiệp cứu dân cứu nước. Từ một phụ nữ bình thường, Bùi Thị Xuân đã trở thành một danh tướng được đời đời kính trọng...".
Trung Sơn

2 tháng 9, 2016

Vua Khải Định làm gì trong chuyến ‘Ngự giá Bắc tuần'

Đi bằng tàu hỏa và ôtô, nhiều nơi đi bộ, vua Khải Định đã có chuyến hành trình dọc các tỉnh Bắc Trung Bộ tới Hà Nội, lên tới biên giới ở Lạng Sơn, rồi về đến Hải Phòng, trước khi quay về.

Theo sử triều Nguyễn, các vua đầu nhà Nguyễn đều có chuyến “ngự giá Bắc tuần” trong thời gian trị vì. Vua Gia Long vào năm 1803 và 1804, vua Minh Mạng năm 1821, vua Thiệu Trị năm 1842. Đa phần các vua đều ra thành Thăng Long nhận sắc phong của vua nhà Thanh. Từ triều Tự Đức, khi Pháp kéo quân xâm lược và bắt đầu áp đặt chế độ bảo hộ, việc nhận sắc phong từ nhà Thanh không còn nữa.
Là vua thứ 12 nhà Nguyễn, lên ngôi từ năm 1916 khi 31 tuổi, vua Khải Định rất mong muốn được ra thăm miền Bắc. Trước khi lên làm vua, ông từng có những chuyến thăm thú tới Quảng Trị, Đà Nẵng, Sài Gòn, Chợ Lớn, Biên Hòa… 
Chuyến thăm miền Bắc của vua Khải Định được tác giả R.Orband ghi lại trong phóng sự “Voyage de S.M. Khai Dinh dans le Nord Annam et au Tonkin” (Chuyến du hành của Hoàng đế Khải Định ra Bắc kỳ và Trung kỳ), đăng trong Tập san Đô thành Hiếu cổ (Buletin des Amis due Vieux Hue - BAVH, số 3 năm 1918).
Trái với các vua khác đi cùng phái đoàn tới cả nghìn quan văn võ và vài nghìn lính hộ vệ, phái đoàn của vua Khải Định chỉ có 20 người, gồm: Viện trưởng Viện Cơ mật kiêm Thượng thư Bộ Hình Tôn Thất Hân, Thượng thư Bộ Công kiêm Bộ Binh Đoàn Đình Duyệt, Thống chế Lê Văn Bá, Tham tri Bộ Lễ Lê Bửu Trạch, Chưởng vệ Nguyễn Hữu Tiễn, Tham tá Nội các Phạm Hoan, Ngự tiền văn phòng kiêm thông ngôn Hường Đề, Lang trung Ty Cẩn tín Ưng Bàng, hai quan ngự y, tám thị vệ, hai quan Nội các và một nhân viên Viện Cơ mật.
vua-khai-dinh-lam-gi-trong-chuyen-ngu-gia-bac-tuan
Vua Khải định đang làm việc. Ảnh tư liệu.
Trong khi vắng mặt, vua ra dụ ngày 12/4/1918 giao cho Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài và Thượng thư Bộ Học Hồ Đắc Trung điều hành việc triều chính. Trung quân Đô thống Hường Thỏa và Thống chế Võ Văn Khiêm trông coi về an ninh kinh thành và đại nội.
Đoàn tùy tùng của vua Khải Định xuất hành lúc 12h30 ngày 19/4/1918 tại ga Huế, với lễ tiễn đưa của các quan chức Pháp, quan Nam triều và tỉnh Thừa Thiên, học sinh các trường và rất đông dân chúng. Tàu dừng bánh tại ga Quảng Trị ít phút để Công sứ Pháp (đại diện chính quyền bảo hộ) và Tuần vũ Quảng Trị (đại diện chính quyền Nam triều) lên tàu chào vua và tiễn phái đoàn ra Đông Hà.
Thời đó, đoạn đường sắt Đông Hà - Vinh chưa hoàn thành, nên phái đoàn lên 8 ôtô để theo đường bộ ra Đồng Hới. Khi qua sông, người ta kết đò lót ván làm cầu phao cho xe qua. Ngày 20/4, đoàn ra đến Hà Tĩnh, nghỉ lại 2 ngày rồi 22/4 ra đến Vinh, và 23/4 đến Thanh Hóa. Nơi nào vua cũng được chào đón bằng 21 phát đại bác, có quân lính dàn chào, có các quan chức Pháp Việt trong tỉnh cùng các học sinh nghênh đón.
Tại các tỉnh, vua thường về nghỉ tại tòa Công sứ Pháp, trừ ở Thanh Hóa có Hành cung nằm trong Thành Thanh Hóa có đầy đủ tiện nghi thì vua và phái đoàn nghỉ tại Hành cung. Chương trình làm việc tại các tỉnh gồm đi thăm bệnh viện, trại lính, trường học. Ở các tỉnh Hà Tĩnh và Thanh Hóa, vua còn thăm các đồn điền, xưởng kỹ nghệ.
Từ Vinh ra Thanh Hóa, phái đoàn đi tàu hỏa. Ở Thanh Hóa, quê hương phát tích của nhà Nguyễn, có 3.000 dân ra ga đón chào. Ngày 24/4, vua dành trọn một ngày đi viếng lăng Trường Nguyên (lăng Triệu tổ của nhà Nguyễn là tướng Nguyễn Kim) tại núi Triệu Tường, Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn (nay là Hà Trung) và làm lễ tế tại Nguyên Miếu (miếu thờ các tổ nhà Nguyễn là Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng).
Sau đó viếng đền Phố Cát thờ công chúa Liễu Hạnh. Sang đến ngày 25, vua mới nhận lễ lạy mừng của các quan tỉnh Thanh Hóa ở Hành cung, rồi thăm trường học, bệnh viện, trại lính, cơ sở từ thiện, lò gốm Nguyễn Văn Được, nhà máy Diêm Hàm Rồng.
13h chiều 26/4, vua lêu tàu tiếp tục hành trình. Khi đến ga Đồng Giao là ranh giới giữa Trung kỳ và Bắc kỳ, tỉnh Ninh Bình đã dựng cổng chào rất lớn để đón mừng, đại diện Thống sứ Bắc kỳ là Thanh tra Conrandy vào đón.
Ra đến Hà Nội, vua được Toàn quyền Albert Sarraut đón tận ga. Sau khi nghe diễn văn chào mừng của Đốc lý (thị trưởng) Hà Nội Jabouille, vua về dinh Toàn quyền (nay là Phủ chủ tịch). Tại đây, Toàn quyền Sarraut đọc diễn văn chào mừng và vua đọc đáp từ bằng tiếng Việt. Sau lễ tiếp tân, vua về phòng riêng trong dinh Toàn quyền.
Sáng 27/4, vua nhận lễ lạy mừng của các quan người Việt ở Hà Nội. Sau đó, vua thay thường phục để đến đặt vòng hoa tại tượng đài Toàn quyền Paul Bert (tại vị trí vườn hoa Lý Thái Tổ hiện nay). Sau đó, vua vào bệnh viện trực tiếp xem một ca mổ, rồi đi thăm trường y, trường trung học bảo hộ (trường Bưởi, nay là trung học Chu Văn An), nhà máy thuốc lá.
Ngày 28/4, vua đi thăm Viện bảo tàng Thương mãi, dự lễ khánh thành Đại học Đông Dương (tại vị trí Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia ở phố Lê Thánh Tông hiện nay), thăm Văn Miếu và dự hội chợ từ thiện do Hội chữ thập đỏ Pháp ở Đông Dương tổ chức.
Ngày hôm sau, vua cùng toàn quyền dự lễ duyệt binh. Trong bức ảnh chụp buổi lễ này, vua Khải Định mặc bộ võ phục do vua tự cải tiến, đội nón vàng, đeo ngù vàng ở vai, mang kiếm ở thắt lưng và đi bốt da cao tới gần đầu gối. Sau đó, vua đi thăm tỉnh Sơn Tây, thăm đồn điền cà phê dưới chân núi Ba Vì.
vua-khai-dinh-lam-gi-trong-chuyen-ngu-gia-bac-tuan-1
Bộ võ phục do vua Khải Định cải biên. Ảnh tư liệu.
Ngày 30/4, vua cùng toàn quyền đi thăm tòa án tối cao của Pháp tại Đông Dương, trường trung học Paul Bert (nay là trường trung học Trưng Vương) và Bệnh viện Mắt, tòa báo và nhà in Viễn Đông, cơ sở in ấn to nhất Đông Dương lúc đó. Vua ngạc nhiên khi chứng kiến nhà in đang in số báo “Tập san đô thành hiếu cổ”, chuyên đề nghệ thuật Huế, với rất nhiều hình màu đẹp mắt. Đến chiều, vua cùng Toàn quyền Sarraut và Thống sứ Bắc kỳ Bouvier St-Chaffray lên tàu hỏa đi thăm Lạng Sơn.
Qua cầu Long Biên, đến ga Gia Lâm, đoàn lại xuống tàu đi ôtô. Tại tỉnh Bắc Ninh, do quan lại và dân chúng chào đón nồng nhiệt, vua và phái đoàn xuống đi bộ để đáp lễ. Chiều hôm đó, đoàn viếng nghĩa trang của các binh lính và sĩ quan Pháp chết trong trận đánh với quân Trung Quốc năm 1884 trong trận Bắc Lệ.
Sáng 1/5, đoàn đi thăm pháo đài Brière de I’Isle, đồn Đồng Đăng, hang Kỳ Lừa, các động Nhị Thanh, Tam Thanh. Bức ảnh ghi lại sự kiện này cho thấy vua Khải Định mặc áo đen, đeo kim khánh trước ngực, quần trắng, đội khăn xếp bên trong và nón bên ngoài, mang giày da cổ thấp và đi bộ trên một con đường giữa hai khoảnh ruộng. Đoàn về Hà Nội chiều hôm đó bằng tàu hỏa.
Ngày 2/5, vua cùng Thống sứ Bắc kỳ lên tàu đi thăm Hải Phòng, trên đường có dừng chân nhận sự chào mừng của người dân tại ga Hải Dương. Đốc lý Hải Phòng Maspéro cùng các quan chức thành phố đưa vua về tòa Đốc lý. Trưa hôm đó, vua đi thăm biển Đồ Sơn và ăn trưa ở biệt thự St. Mathurin. Buổi chiều, đoàn thăm nhà máy cơ khí Robert, Guerin et Théard. Vua thích thú quan sát các máy móc hoạt động. Đoàn cũng thăm bến cảng, nhà máy thủy tinh, nhà máy xi măng.
vua-khai-dinh-lam-gi-trong-chuyen-ngu-gia-bac-tuan-2
Cảnh đón tiếp vua Khải Định ở ga Nam Định.
Tối hôm đó, Toàn quyền Sarraut mới đến. Đêm, cả đoàn đi xà-lúp sang tỉnh Quảng Yên và sáng 3/5 thăm vịnh Hạ Long. Tối khuya, xà-lúp về neo tại bến Cẩm Phả và sáng hôm sau lên thăm mỏ than. Chiều ngày 4/5, đoàn về Hải Phòng và lên tàu về Hà Nội ngay đêm đó.
Chiều 5/5, Toàn quyền Sarraut đưa vua đi thăm thư viện (nay là Thư viện quốc gia) và Viện bảo tàng của trường Viễn Đông Bác cổ (nay là Bảo tàng lịch sử Việt Nam) và Phòng Thương mãi.
Ngày 6/5, vua rời Hà Nội, Toàn quyền Đông Dương, Thống sứ Bắc kỳ, Khâm sứ Trung kỳ (mới từ Huế ra) đều lên tàu cùng vua. Tàu dừng ở ga Phủ Lý để nhận sự nghênh đón của địa phương. Tại đây, nhân danh chính phủ Pháp, Toàn quyền tặng vua Bắc đẩu bội tinh. Ở Nam Định, vua đi thăm bệnh viện, nhà máy sợi và nhà máy dệt.
Sáng 7/5, vua và Khâm sứ lên tàu từ Nam Định về Huế, Toàn quyền và Thống sứ Bắc kỳ quay về Hà Nội. Đoàn đi thẳng về đến Quảng Trị, có thái tử Vĩnh Thụy ra đón. Tại đây, vua đi thăm rất nhanh đồn điền của Thượng thư Nguyễn Hữu Bài. Chiều 8/5, đoàn về đến ga Huế trong sự tiếp đón long trọng của chính quyền Nam triều và dân chúng, với bảy phát súng lệnh nổ trước kỳ đài.
Chuyến “Ngự giá Bắc tuần” của Vua Khải Định kết thúc tốt đẹp, đúng như mong muốn nhà vua. 
Lê Tiên Long