26 tháng 6, 2014

Các tranh chấp lãnh hải và tác động đối với chiến lược biển: Một góc nhìn lịch sử

 *Đây là bản dịch Chương 3: “Maritime territorial disputes and their impact on maritime strategy: A historical perspective” trong cuốn Security and International Politics in the South China Sea (An ninh và chính trị quốc tế ở biển Đông) do Sam Bateman và Ralf Emmers chủ biên
Trung Quốc đã nhiều lần đơn phương tuyên bố chủ quyền tại các đảo trên biển Đông từ hơn 100 năm nay. Đô đốc Tát Trấn Băng (Sa Zhenbing), tổng tư lệnh Hải quân Thanh triều đã từng dẫn đầu một tầu viễn dương đến những vùng biển đang trong vòng tranh chấp này vào năm 1907 để khẳng định các tuyên bố về chủ quyền của Thanh triều. Vào thập niên 1930, Nhật Bản đã cho quân đồn trú tại nhiều đảo ở đó cho tới khi những hòn đảo này lọt vào vòng kiểm soát của Trung Hoa Quốc Dân Đảng sau Thế Chiến Thứ Hai. Bất chấp các cuộc phản đối của Trung Quốc, Đài Loan vẫn tiếp tục chiếm đóng một số đảo mang tính chiến lược, bao gồm đảo Đông Sa (Pratas) và Ba Đình (Itu Aba – Taiping Island).
Bù lại việc Trung Quốc đã muộn màng trong việc hiện đại hóa quân đội và ngay cả chưa có hàng không mẫu hạm cho đến tận bây giờ, Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (People’s Liberation Army  ̶  PLA) vẫn phải bám quân ở nhiều đảo và vỉa san hô đang trong vòng tranh chấp ở biển Đông. Để tăng cường khả năng chỉ huy quân báo, Trung Quốc đang từng bước xây dựng các trạm vô tuyến trên các đồn trú quân rải rác này với các thiết bị điện tử đa dạng, từ các máy chuyển tiếp tín hiệu truyền thông hiện đại cho đến các radar sóng ngắn. Điều này không những cho thấy sự gia tăng về tiềm năng quân sự của Trung Quốc trong khu vực, mà rõ ràng còn là những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị ráo riết cho việc bành trướng thêm nữa đối với các vùng biển còn đang trong vòng tranh chấp ở biển Đông.
Bằng việc phân tích các mâu thuẫn trong quá khứ ở biển Đông, bài viết này sẽ cho thấy tác động của việc tranh chấp chủ quyền lên việc tăng cường lực lượng hải quân Trung Quốc cũng như tác động lên một chiến lược hiếu chiến hơn về quyền lợi biển nhằm khoanh vùng và ngăn cản các nước khác xâm phạm các vùng lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố là thuộc về họ. Rõ ràng, việc xây dựng dần dần các căn cứ trên các đảo sẽ cho phép Bắc Kinh một ngày nào đó khẳng định nhiều hơn chủ quyền của họ ở biển Đông. Điều suy đoán này đã được xác định vào ngày 4 tháng 12, 2007 khi Trung Quốc đơn phương thông báo thành lập “một thành phố mới” thuộc tỉnh Hải Nam để quản lý hành chánh quần đảo Hoàng Sa (Paracels), quần đảo Trung Sa (Maccles­field Bank) và quần đảo Trường Sa (Spratlys) bất chấp rằng chủ quyền của những quần đảo này vẫn còn đang trong vòng tranh chấp.
Các tuyên bố lịch sử về chủ quyền tại biển Đông trước Thế chiến Thứ Hai
Có rất nhiều tranh chấp căng thẳng và tiềm tàng giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng Đông Nam Á tại vùng biển phía nam Trung Quốc, bao gồm tranh chấp chủ quyền ở đảo Đông Sa (Pratas – Dongsha), quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa, và quần đảo Trường Sa. Tranh chấp công khai về những hòn đảo này đã nổ ra vào năm 1974, khi hải quân Trung Quốc đánh bật hải quân Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi Hoàng Sa, và một lần nữa vào năm 1988 khi quân đội Trung Quốc đánh bật quân đội Việt Nam ra khỏi bãi đá Gạc Ma (Johnson South Reef) thuộc quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh luôn lớn tiếng tuyên bố rằng chỉ Trung Quốc mới có chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa (theo cách gọi của Trung Quốc, và là biển Đông theo cách gọi của Việt Nam – người dịch). Điểm đặc biệt là cả Bắc Kinh và Đài Bắc cùng tranh nhau tuyên bố chủ quyền trên rất nhiều vùng lãnh hải tương tự, bao gồm cả các đảo đang nằm trong sự kiểm soát của Đài Loan như đảo Đông Sa và đảo Ba Đình (Itu Aba)  – đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa.
Đơn phương tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với biển Đông và các đảo phía nam đã được lặp đi lặp lại nhiều lần qua việc Trung Quốc rêu rao rằng đã từng có giao thương hàng hải rộng khắp trong vùng bắt đầu từ thời nhà Hán (206TCN – 220 SCN).[1] Thời nhà Minh (1368-1644), các đoàn tàu viễn dương Trung Quốc thường đi ngang các vùng nước này để đi đến eo biển Malacca, và các đoàn thuyền đầy chở đầy của cải của Trịnh Hòa (Zheng He) có thể đã ghé lại một vài đảo lớn ở đây. Mặc dù nếu tính tất cả diện tích, lãnh hải bao quanh quần đảo Trường Sa lên đến 180,000 km2, nhưng chỉ khoảng một trên một chục các đảo ở đó là có thể ở được với tổng cộng chưa đến 10 km2 đất liền.[2] Vào giữa thế kỷ 19, nhà Mãn Thanh đã thiết lập được mối quan hệ thương mại “phồn vinh” giữa Đông và Tây và do đó “các thương thuyền Trung Quốc và thương nhân phương Tây đã có thế mạnh trong nền kinh tế khu vực.”[3]
Mặc dù các ngư dân Trung Quốc thường đến đánh bắt hải sản ở biển Đông trong hai thiên niên kỷ vừa qua, nhưng chẳng có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã đánh dấu các lãnh hải của họ ở biển Đông. Nước phương Tây đầu tiên tuyên bố chủ quyền chính thức đối với Trường Sa là Vương Quốc Anh vào năm 1864, và sau đó Nhật cũng tuyên bố chủ quyền ở đây vào năm 1877 và 1889. Thật ra những hòn đảo này chỉ là một vài đảo trong số hơn 100 hòn đảo trên Thái Bình Dương mà Vương Quốc Anh đã từng tuyên bố chủ quyền để sử dụng chúng như những trạm tiếp liệu. Rất nhiều những hòn đảo như thế sau này đã được chuyển quyền cai quản sang Tân Tây Lan.[4]
Sau xung đột Trung-Pháp 1884-1885, Pháp biến An Nam (Việt Nam) thành một xứ bảo hộ và sau đó thành thuộc địa, và trong chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất năm 1894-1895, Nhật chiếm cứ Đài Loan. Bắt đầu từ đấy, Trung Quốc đã phản đối các hoạt động khai mỏ bất hợp pháp trên các đảo giàu phốt-pho và phân chim ở Đông Sa và Trường Sa. Đó là lý do vào năm 1907 đô đốc Tát Trấn Băng đã dẫn đầu đội hải quân viễn chinh đòi lại những đảo này cho nhà Thanh như đã nhắc ở trên. Sự xuất hiện bất ngờ của đô đốc họ Tát đã buộc những phu mỏ đang làm việc ở đó phải rút lui.
Lo sợ rằng các đảo mà họ tuyên bố có chủ quyền sẽ dần rơi vào tay các nước khác, tháng 9 năm 1909 chính quyền nhà Thanh đổi tên Ủy ban Cải Tổ Hải Quân thành Bộ Hải Quân nhằm chính thức hiện đại hóa hải quân Trung Quốc. Ngay sau khi được đổi tên, Bộ Hải Quân Trung Quốc lập tức tiến hành một số hoạt động trên biển Đông, và vào năm 1909 và 1910, họ đã chính thức tuyên bố sáp nhập những đảo đang còn trong vòng tranh chấp này vào tỉnh Quảng Đông và đồng thời tuyên bố hàng năm sẽ biệt phái một tàu đến biển Đông “để duy trì liên lạc với những người Trung Quốc ở những đảo này.”[5]
Cùng với sự sụp đổ của Thanh triều, Trung Quốc đã rơi vào tình trạng hỗn loạn trong nhiều năm. Vào năm 1926, hải quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng vừa mới thành lập đã xây dựng một trạm vô tuyến ở Đông Sa. Nhân lúc Trung Quốc suy yếu, người Pháp ở Đông Dương đã sát nhập quần đảo Hoàng Sa vào thuộc địa Đông Dương vào năm 1932. Thấy thế, sau khi chiếm được Trung Quốc vào năm 1937, Nhật cũng tuyên bố chủ quyền của họ đối với quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, và Trường Sa. Cũng vào năm đó, Nhật chiếm đảo Đông Sa, bắt giữ và thẩm vấn 29 lính Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Quan ngại trước những đe dọa từ Nhật Bản, Pháp đã tức tốc gửi một đội tàu viễn dương tới Hoàng Sa, và chính thức tuyên bố chủ quyền đảo này là thuộc Việt Nam vào ngày 4 tháng 7 năm 1938. Ngay lập tức, chính phủ Quốc Dân Đảng ở Trùng Khánh và chính phủ Nhật Bản đã phản đối hành động của Pháp; thậm chí vào ngày 8 tháng 7 năm 1938 Nhật Bản còn ra tuyên bố phản đối Pháp đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc khi Pháp chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Sau đó, Pháp lại tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa như là một phần của Liên Hiệp Pháp vào năm 1939. Đáp trả lại, vào ngày 31 tháng 3 năm 1939, Nhật Bản thay mặt Đài Loan, lúc đó đang là một phần của đế quốc Nhật Bản, lên tiếng phản đối về việc tuyên bố chủ quyền của Pháp. Tuy nhiên, khi Pháp rút quân một năm sau đó, Nhật tái chiếm Hoàng Sa, nhưng lúc này không phải trên danh nghĩa cho Đài Loan mà là cho chính chủ quyền của Nhật dựa trên tuyên bố chủ quyền từ năm 1917, mà theo đó chủ quyền của họ đối với quần đảo Trường Sa là từ 7 đến 12 vĩ độ Bắc và 111’30’’ đến 117 kinh độ Đông! Từ năm 1939 đến 1946, Nhật chiếm đóng đảo Ba Đình, xây dựng các kho nhiên liệu, căn cứ tàu ngầm, và trạm vô tuyến ở đây. Mãi đến gần cuối Thế Chiến Thứ Hai thì Nhật Bản bị buộc phải rút lui.
Các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông sau Thế Chiến Thứ Hai
Trước Thế Chiến Thứ Hai, Trung Quốc đã bỏ mặc Hải Nam mặc dù đã có một trạm hải quân ở Hải Khẩu được xây dựng vào đầu những năm 1900. Mãi đến năm 1926, quân của Tưởng Giới Thạch mới tiếp thu quyền kiểm soát Hải Nam từ tay các lãnh chúa ở Quảng Đông. Tuy nhiên Hải Nam vẫn chưa được dùng làm là căn cứ hải quân hay quân sự quan trọng nào cho đến khi chính phủ bù nhìn Trung Quốc, dưới quyền Vương Tinh Vệ, cho phép Nhật chiếm đóng Hải Nam và Nhật đã nhanh chóng xây dựng một căn cứ không quân và hải quân ở Hải Khẩu vào tháng 2 năm 1939.
Trong thời gian chiếm đóng Hải Nam, người Nhật đã xây dựng nhiều khu công nghiệp và quân sự rộng lớn song song với việc khai thác các mỏ sắt và than đá lớn, cũng như thiết lập những đường xe lửa đầu tiên nối các khu công nghiệp đó với các căn cứ tàu ngầm của Nhật ở Ngọc Lâm (Yulin). Sau khi Nhật rút quân khỏi Hải Nam vào năm 1945, một cơn bão lớn vào năm 1946 đã tàn phá nhiều khu mỏ, đường sắt và các căn cứ hải quân ở đó. Quân đội Trung Quốc thuộc quân khu Bốn đã chiếm được Hải Nam sau khi đè bẹp sự chống trả quyết liệt từ quân đội của Tưởng Giới Thạch vào ngày 1 tháng 5 năm 1950.[6]  Căn cứ không quân Hải Khẩu được chính thức được tái khánh thành bởi tư lệnh quân đội Trung Quốc vào tháng 6 năm 1952. Vào thời điểm đó, hệ thống liên lạc thông tin duy nhất của hạm đội Nam Hải Trung Quốc là một trạm vô tuyến tần số thấp ở Trạm Giang. Mãi đến năm 1957 hải quân Trung Quốc mới bắt đầu mở rộng các cở sở quân sự hạ tầng ở Hải Nam.
Sau Thế Chiến Thứ Hai, Trung Hoa Quốc Dân Đảng lại chiếm lại đảo Đông Sa từ tay Nhật Bản và một lần nữa xây dựng một trạm vô tuyến ở đó. Năm 1947, chính phủ Trung Hoa Quốc dân Đảng tuyên bố chủ quyền của họ đối với gần như toàn bộ biển Đông với “đường yêu sách chín đoạn” qua những bản đồ được in ở Trung Quốc vào thời đó. Năm 1949, khi Trung Hoa Dân Quốc phải rút về cố thủ ở Đài Loan thì Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã tiếp nhận quan điểm chủ quyền “đường yêu sách chín đoạn” nói trên về biển Đông mà còn tranh chấp cả với Đài Loan về chủ quyền quần đảo Đông Sa.
Khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, tranh chấp quốc tế về quần đảo Hoàng Sa lại tái diễn với việc Trung Hoa Quốc Dân Đảng xây một căn cứ trên đảo Phú Lâm (Woody Island) tại phía Bắc nhóm đảo An Vĩnh (hay Tuyên Đức – Amphitrite group), và tái khẳng định các tuyên bố chủ quyền của họ đối với quần đảo Trường Sa bằng cách đóng quân ở đảo Ba Đình từ năm 1948 đến 1950. Trong khi đó, Pháp cho đồn trú hải quân An Nam xa hơn ở phía Tây trên đảo Hoàng Sa thuộc nhóm đảo Nguyệt Thiềm (hay Trăng Khuyết – Crescent group) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Khi Trung Hoa Quốc Dân Đảng bị buộc phải rút lui khỏi đảo Hải Nam vào năm 1950, họ cũng bị đánh bật khỏi đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo sau việc rút quân của Quốc Dân Đảng, Trung Quốc đưa ra các tuyên bố chính thức về chủ quyền đối với các đảo này và Pháp cũng đại diện Việt Nam tuyên bố chủ quyền như thế. Năm 1951, Nhật Bản từ bỏ tất cả các tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa như là một phần trong Hiệp ước Hòa Bình San Francisco và, một cách gián tiếp, trao quyền quản lý các đảo này cho Pháp. Khi Việt Nam bị chia thành hai miền Nam – Bắc, các đảo này trở thành một phần lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa.
Đảo Phú Lâm gần như không có người ở trong suốt những năm cuối của thập niên 1950. Vào năm 1974, lợi dụng cuộc tổng tiến công của quân đội Bắc Việt xuống miền nam Việt Nam, hải quân Trung Quốc đã đánh bật hải quân Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi Tây Hoàng Sa, và một lần nữa tuyến bố chủ quyền với tất cả các đảo ở đây. Sau khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975, chính quyền Hà Nội đã gửi công văn chính thức phản đối Bắc Kinh và tái khẳng định chủ quyền của mình đối với tất cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm 1979, e rằng hải quân Trung quốc đang đồn trú ở Trường Sa có thể tham gia vào cuộc xâm lăng Việt Nam, và Trung Quốc rất có thể sẽ tìm cách chiếm thêm nhiều đảo nữa trong vùng đang tranh chấp, một số các tàu chiến Xô-Viết đã được lập tức gửi đến Việt Nam. Ngày 22 tháng 2 năm 1979, tùy viên quân sự Liên Xô ở Hà Nội, Đại tá N.A. Trarkov, thậm chí đe dọa rằng Liên Xô sẽ “thực hiện các nghĩa vụ của họ như đã được thỏa thuận trong hiệp ước hữu nghị Việt – Xô”; một mặt, các nhà ngoại giao Xô-Viết đã tỏ rõ quan điểm của Liên Xô là họ sẽ không can thiệp khi mà xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam còn ở mức hạn chế.[7]
Năm 1988, Trung Quốc chính thức sáp nhập quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Hải Nam. Tháng 3 năm 1988, hải quân Trung Quốc, gồm ba khu trục hạm có trang bị tên lửa, đã đánh bật bộ đội Việt Nam ra khỏi vị trí họ đang trú đóng tại bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Mặc dù không có thêm những cuộc chạm súng những năm sau đó, quan hệ Việt-Trung vẫn tiếp tục căng thẳng. Ví dụ như là vào năm 1992, tàu chiến Trung Quốc đã áp giải một loạt các tàu hàng Việt Nam, ngược lại vào năm 1994 một tàu nghiên cứu địa chấn, điều hành bởi công ty Crestone Energy – một đối tác đầu khí của Trung Quốc đóng trụ sở ở Colorado, bị một tàu hải quân Việt Nam chĩa súng và ra lệnh rời khỏi khu vực còn trong vòng tranh chấp.
Trong năm 2002, Trung Quốc và các nước thuộc khối ASEAN đã đồng ý giải quyết các tranh chấp còn tồn tại trên nguyên tắc hòa bình. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền của họ trên toàn bộ quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, vì không được mời, nên trước ngày các hiệp định được ký kết, Đài Loan đã tuyên bố là họ sẽ không tuân thủ bất kỳ một thỏa ước đa phương nào mà họ không được chấp nhận là thành viên. Cần hiểu rằng Đài Loan vẫn đang thực sự kiểm soát một số hòn đảo thuộc loại lớn nhất và sẵn sàng đáp trả với lực lượng hải quân đáng gờm của họ, do đó bất cứ giải pháp lâu dài nào cũng phải tính đến Đài Loan.
Các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông xem ra rất phức tạp. Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ đối với quần đảo Hoàng Sa, trong khi đó Đài Loan và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với đảo Đông Sa và Trung Sa. Đối với quần đảo Trường Sa, thì Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan tuyên bố toàn bộ chủ quyền, các nước Philippines, Brunei, Indonesia, Malaysia và Indonesia có những tuyên bố giới hạn hơn (tuyên bố chủ quyền một phần – người dịch). Ngoại trừ Brunei, thì tất cả các quốc gia trong danh sách kể trên đều đã từng có các hoạt động quân sự để hỗ trợ cho các tuyên bố chủ quyền của họ trong vùng tranh chấp này; chỉ riêng trong năm 1990 đã có trên một chục các báo cáo về tranh chấp lãnh hải ở đây. Tuy nhiên, trong tất cả các nước đang tuyên bố chủ quyền lãnh hải ở biển Đông, chỉ có Trung Quốc liên tục tìm cách xây dựng và củng cố rất nhiều các cơ sở hạ tầng để phục vụ các mục tiêu chiến lược cho một ngày nào đó nếu họ cần dùng đến vũ lực.
Các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở biển Đông
Các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở biển Đông dần dần được củng cố và có khả năng tác chiến cao hơn. Điển hình là đảo Hải Nam với hạ tầng cơ sở viễn thông được nối kết rất tinh vi và được ngụy trang rất khó phát hiện từ khi Trung Quốc chủ động bành trướng xuống phía nam đảo Hải Nam qua việc cưỡng chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam vào năm 1974. Trong thập niên 1990 Trung Quốc tiếp tục xây dựng thêm các căn cứ quân sự trên một số hòn đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa. Dựa trên các thiết bị điện tử và cơ sở vật chất được quan sát qua vệ tinh, thì đảo Phú Lâm và bãi đá Gạc Ma dường như là hai căn cứ chính cho các hoạt động bành trướng của hải quân Trung Quốc kéo dài từ biển Đông đến tận eo biển Malacca. Các đảo và các rặng đá ngầm khác có vũ trang của Trung Quốc được nối kết qua vệ tinh hay trạm vô tuyến mặt đất, và thậm chí họ còn có mạng Internet để liên lạc giữa các tướng lĩnh địa phương và các hạm đội. Đó là chưa kể đến các thiết bị điện tử tinh vi trên các chiến đấu cơ, tàu chiến, và tàu ngầm, tất cả đều phục vụ vào việc tăng cường tiềm năng quân sự sẵn có trên đất liền của Trung Quốc rất nhiều.[8]
 Các căn cứ quân sự trên đảo Hải Nam
Phần lớn các căn cứ quân sự ở bờ biển phía nam Trung Quốc được kết nối vô tuyến với các hoạt động hải quân ở ngoài khơi. Trung tâm đầu não của hệ thống viễn thông này dường như tập trung ở đảo Hải Nam. Mặc dù là tỉnh nhỏ nhất của Trung Quốc tính về mặt lãnh thổ, chỉ khoảng 35000 km2, tỉnh Hải Nam là nơi đặt tổng hành dinh của Cục bờ biển và hải đảo Trung Bộ, Tây, và Nam Trung Quốc để giám sát quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa, và quần đảo Trường Sa. Theo tính toán này, vùng biển đảo Hải Nam xấp xỉ khoảng 2 triệu km2, hay là gấp 50 lần diện tích lãnh thổ đất liền của nó cho nên việc quản lý của Trung Quốc đối với các vùng lãnh hải này rất là khó khăn và tốn nhiều thời gian.[9]
Để kiểm soát được một khu vực rộng lớn như thế, một ra-đa lớn loại quét sóng quá chân trời (OverTheHorizon Backscatter Radar- OTHB Radar) được đặt gần bờ biển Hải Nam và chĩa thẳng về hướng Nam. Trong thập niên 1970, Trung Quốc đã từng thử nghiệm radar loại OTH có đường kính 2,3 mét với khả năng phát hiện tàu qua lại trong vòng bán kính 250 km.[10] Để tuần tra khu vực này, các tàu hải quân Trung Quốc được trang bị hệ thống định vị có khả năng bắt tín hiệu vệ tinh của Trung Quốc cũng như là của nước ngoài. Một thiết bị hướng dẫn hải quân chính khác là hệ thống định vị mặt đất kỹ thuật số DGPS, được sản xuất bởi công ty thiết bị viễn thông Hoa Kỳ, công ty Communication Systems International, có độ chính xác khoảng 5 đến 10m trong phạm vi hoạt động 300 km. Việc nghiên cứu được bắt đầu vào thập niên 1970 qua ba trạm tín hiệu hỗ trợ hướng dẫn vô tuyến điện công suất lớn ở miền nam Trung Quốc. Trong khi đó các trạm tín hiệu hỗ trợ hướng dẫn vô tuyến kết nối hàng hải (RBN-DGPS) được đặt ở Tam Á, Hải Khẩu, và Haifou. Một trạm tín hiệu DGPS khác có công suất cao hơn với tần số 295 kHz được đưa vào hoạt động vào năm 1999 tại Tam Á, và sau đó thêm hai trạm ở Yangpu và Baohujiao cũng tại miền nam Trung Quốc.
Từ năm 2000, Trung Quốc đã phóng ba vệ tinh lên quỹ đạo không gian để thiết lập cho riêng họ hệ thống vệ tinh định vị Beidou, còn gọi là “Big Dipper”. Khác với hệ thống GPS của Mỹ và GLONASS của Nga, Beidou là hệ thống vệ tinh định vị khu vực. Từ khi được đưa vào hoạt động vào năm 2008, hệ thống định vị Beidou đã giúp Trung Quốc ít lệ thuộc hơn và đang dần dần “trở thành một đối thủ đáng gờm đối với vai trò tiền phong của các vệ tinh định vị của Mỹ và châu Âu,”[11] đặc biệt là một thách thức đối với vị trí dẫn đầu trong hai thập niên qua của hệ thống định vị GPS của Mỹ. Mặc dù chỉ có khả năng giúp định vị một cách hạn chế, chủ yếu là vùng bờ biển Trung Quốc, hệ thống Beidou có thể phủ sóng tới toàn bộ phần lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền ở biển Đông.
Trong khi đó, dịch vụ kiểm soát hàng hải (VTS) được đặt ở Trạm Giang với sự hỗ trợ của hệ thống vi tính hiện đại và các radar được xây dựng dọc theo bờ biển phía Tây Hải Nam tại Dong Fang và ở Hải Khẩu. Hệ thống kiểm soát hàng hải này “được trang bị một trạm radar tần số X – một ở trong đất liền và ba được điều khiển từ xa cùng một thiết bị xác định phương hướng tần số VHF.”[12] Đa số các thiết bị vô tuyến cao cấp kể trên Trung Quốc đã mua của công ty Hoa Kỳ Lockheed Martin nhằm trang bị các phần cốt lõi của hệ thống hàng hải viễn liên. Vì các căng thẳng liên tục với Việt Nam, Trung Quốc cũng đặt mua một số hệ thống tình báo điện tử (ELINT) quan yếu để lắp đặt trên đảo Hải Nam gồm có một trạm tại phía Tây Nam và một trạm ở bờ biển phía Đông Nam thuộc căn cứ không quân Lăng Thủy (Lingshui), khu liên hợp quân sự được thành lập
vào năm 1968 và sau đó được mở rộng rất nhiều vào năm 1995, với khoảng 1000 chuyên gia phân tích tín hiệu ở đây. Một trung tâm thu thập tín hiệu vệ tinh cùng một khu liên hợp vi tính kết nối với Bắc Kinh có thể được đặt ở Trường Thành (Changcheng), Hải Nam, mặc dù vai trò chính thức của khu liên hợp này là để hỗ trung tâm hải dương học quốc gia thu thập các số liệu về thời tiết từ một trung tâm thời tiết của Trung Quốc đặt ở Nam cực.
Để hỗ trợ cho các hoạt động tàu ngầm ở khu vực này, một trạm vô tuyến tần số thấp công suất cao đã được xây dựng ở Hải Nam vào năm 1965. Một căn cứ tàu ngầm ở Ngọc Lâm (Yulin) được nối kết chặt chẽ với Tổng hành dinh của các tàu nhỏ và tàu ngầm Thứ 32. Những trung tâm này bao gồm việc thông tin vô tuyến tần số rất thấp (VLF) với tàu ngầm và các tàu mặt biển ở vùng biển Đông. Tính tới năm 1985, năm trung tâm vô tuyến VLF được đặt ở Phúc Châu (Fuzhou), Lữ Thuận Khẩu (Lushun), Ninh Ba (Ningbo), Trạm Giang (Zhanjiang), và Ngọc Lâm (Yulin). Ngoài các nhiệm vụ dân sự kể trên, hệ thống quản lý giao thông vô tuyến này còn giúp điều phối một cách hiệu quả các tàu ngầm quân sự đang di chuyển trong vùng nước nông trên eo biển Quỳnh Sơn (Qiongzhou) nằm giữa đảo Hải Nam và lục địa.
Các căn cứ quân sự ở Hoàng Sa
Quần đảo Hoàng Sa là nơi Trung Quốc có các căn cứ quân sự đứng thứ hai về tầm quan trọng chỉ sau Hải Nam xét về phương diện hệ thống hỗ trợ điện tử vô tuyến. Một bức không ảnh về Hoàng Sa vào thập niên 1980 cho thấy một chuỗi ăng-ten lớn gồm 16 cái, mỗi cái gồm 8 nhánh ăng-ten trời (Yagi cross arm).  Đây có thể là một trạm VHF, nhưng lại được miêu tả rất khác nhau như là một ăng-ten thông tin vệ tinh,”[13] hay là một mảnh hình thánh giá của radar cảnh báo thế hệ cũ.[14]  Đảo Phú Lâm hình như được trang bị một radar tiếp cận chính xác (PAR), tần số X kiểu 791. Tháng 6 năm 2001, có một nguồn tin không chính thức cho rằng Trung Quốc đã đưa tên lửa chống hạm HY-2 lên đảo. Nếu tin đồn này là đúng thì nhiên hậu Trung Quốc sẽ phải xây dựng một radar thám sát tầm xa đặt trên đảo để phát hiện các mục tiêu di động trên mặt biển Đông.[15]
Đầu tiên Trung Quốc đã xây dựng một đường băng dài khoảng 360 mét ở đảo Phú Lâm.[16] Sau đó, đường băng được mở kéo dài thành trên hai kí-lô-mét, và cuối cùng là hai kí-lô-mét rưỡi. Đường băng bê-tông này có thể tiếp nhận các máy bay ném bom và các máy bay vận tải lớn. Trong khi đó, một cầu tàu dài hơn được xây dựng để tăng cường cho cầu tàu duy nhất trên đảo. Gần với đường băng là “một khu chứa máy bay bao gồm bốn nhà khối bê tông có mái che, mỗi cái có thể chứa hai máy bay chiến đấu, và một bãi đậu có thể chứa thêm 30 chiếc nữa. “Ngoài ra còn có thêm một khu đặt súng cao xạ bắn máy bay ở đầu cuối phía Bắc đảo Phú Lâm. Từ năm 1991, cả thảy đã có 67 chiến đấu cơ với tổng cộng 14 lần điều động đến đảo này.”[17]
Đảo lớn nhất ở quần đảo Hoàng Sa cũng có tên là Hoàng Sa (Pattle Island), nơi từng đặt một trạm ghi nhận thời tiết. Trong khi đó một cảng thuộc đảo Quang Hòa Đông (Duncan) – đảo lớn thứ hai ở Hoàng Sa mà theo báo cáo đã được mở rộng với việc gia cố các công sự phòng thủ và lắp đặt các trang thiết bị điện tử viễn thông. Mặc dù chưa thấy có tin tức gì về các thiết bị vô tuyến được xây dựng trên đảo Duy Mộng, trọng tâm của cuộc hải chiến Việt Trung vào năm 1974, nhưng giữa năm 1995, một trạm thám báo vô tuyến mới được đưa vào hoạt động ở đảo Hòn Đá (Rocky) gần đảo Phú Lâm.[18]
Mặc dù Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố là sẽ không can thiệp vào việc tự do đi lại của các tàu bè quốc tế, nhưng họ từ chối minh bạch hóa những vùng nào mà họ tuyên bố là có chủ quyền. Bằng cách vẽ “đường yêu sách chín đoạn” bao quanh quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh rõ ràng đã đơn phương sát nhập vào họ các vùng lãnh hải và không phận thuộc vùng tự do đi lại quốc tế từ xưa đến nay. Theo Mark Valencia, rất có thể Bắc Kinh sau này sẽ bắt buộc các tàu bè qua lại phải xin phép khi đi qua các vùng đang được tự do di chuyển hiện nay. Dĩ nhiên là bây giờ Trung Quốc chưa thể áp đặt một chính sách như thế nhưng khi họ đủ mạnh, họ có thể sẽ thực hiện điều này.[19] Việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự và thám báo trên quần đảo Trường Sa khiến khả năng có một chính sách kiểm soát qua lại trên biển Đông nghiêm ngặt như thế ngày càng trở nên hiện thực hơn.
Các căn cứ trên quần đảo Trường Sa
Mặc dù phân tán trên một vùng rộng lớn, một vài đảo thuộc quần đảo Trường Sa có thể trở thành căn cứ quân sự của Trung Quốc. Trong quá khứ quần đảo Trường Sa gần như không có người ở cho mãi đến Thế Chiến Thứ Hai khi Nhật Bản xây dựng các công sự ở đảo đá Danger (Danger Reef- nay là đảo đá Kingman – người dịch), cồn Tizard (Tizard Bank) và đảo Nam Yết (Namyit); rất nhiều khu vực đó hiện nay đang có quân đội Việt Nam và Philippines trú đóng. Đảo Ba Đình là một trong những đảo nằm xa nhất về hướng Bắc của quần đảo Trường Sa và là một trong số rất ít những đảo đủ lớn để xây dựng một sân bay và một căn cứ tàu ngầm.[20]  Đài Loan vẫn tiếp tục chiếm giữ đảo Ba Đình, và gần đây đã kéo dài đường băng ở đấy để có thể tiếp nhận được những máy bay trọng tải lớn hơn.
Trung Quốc đang tìm mọi cách để nhanh chóng thay đổi cán cân quyền lực mỏng manh trong vùng bằng cách xây dựng các căn cứ ở những đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa này. Vào thập niên 1980, các cuộc tuần tra trên biển bằng các tàu nghiên cứu đại dương đều được các tàu chiến Trung Quốc hộ tống. Sau khi các tàu dân sự và tàu khoa học thăm dò khu vực này vào tháng 10 năm 1987, Trung Quốc đánh chiếm bãi đá Chữ Thập (Fiery Cross Island hay là Chigua Atoll) vào tháng 3 năm 1988. Các bức không ảnh cho thấy một tòa nhà xi-măng dài trên bãi đá chữ thập có vẻ giống như các ăng-ten ra-đa HF tiêu chuẩn của các tầu chiến:
Một ăng-ten Trung Quốc làm nhái theo kiểu Bean Sticks của Mỹ có tần số từ 70 đến 73 MHz và phạm vi hoạt động trong vòng bán kính 180 km. Hai vòm của hai ăng-ten phát sóng đặt trên tòa nhà tương tự như là thiết bị RWS-1 đặt trên các khu trục hạm của Mỹ. Một vài cáp của ăng-ten truyền thông và cột ăng-ten cao hơn cũng được đặt trên nóc nhà.[21]
Vào năm 1988-1989, vài chục tàu chiến Trung Quốc cũng tiến hành các cuộc tập trận lớn trùng với việc chiếm đoạt thêm một số dải đá ngầm chiến lược ở quần đảo Trường Sa. Sau đó vào tháng 11 năm 1990, Trung Quốc công bố một bản báo cáo về hải lưu rất dài của các tàu “nghiên cứu”.[22] Tới thập niên 1990, Trung Quốc lại khởi công xây dựng các trạm đóng quân tạm thời và các công trình bát giác bằng gỗ trên các cọc gỗ ở sáu rặng đá ngầm. Những công sự này được chính quyền Bắc Kinh gọi là “những chòi trú bão”.[23]
Một căn cứ quân sự nhỏ khác cũng được xây dựng ở bãi đá Gạc Ma. Theo các bức không ảnh, các nhà gỗ bát giác tạm thời này ban đầu được xây trên những cọc gỗ nhưng đến năm 1989 thì hai ăng-ten liên lạc vệ tinh đường kính 2,5m đặt cạnh một trụ ăng-ten cao 2,4m được lắp đặt trên hai tòa tháp tròn xi-măng nằm trên hai đầu của một tòa nhà xi măng hai tầng. Trong khi đó ở rặng đá Su bi (Subi Reef), Trung Quốc cho xây một trại lính và một tòa nhà hai tầng cùng với một ăng-ten liên lạc vệ tinh. Trạm này cũng có “một sân đáp trực thăng và một cầu xi-măng kiên cố với nhịp uốn xi măng nối liền với tòa nhà sở chỉ huy.”[24]
Năm 1995, Trung Quốc bắt đầu xây dựng trên bãi đá Vành Khăn (Mischief Reef) và tháng 10 năm 1998 họ bắt đầu mở rộng thêm với việc lắp đặt những chảo ăng-ten vệ tinh 2,5m. Theo một nguồn tin, những tòa nhà xi-măng 2 tầng này giống với những công sự phòng thủ được trang bị với những ăng-ten râu tần số cao liên lạc trực tiếp qua vệ tinh.[25] Hai năm sau đó, các bệ súng và các thiết bị điện tử chính được lắp đặt thêm ở một tòa nhà nhỏ hơn ở phía Bắc. Các cầu tàu, bãi đáp trực thăng, và một số súng phòng không đã được dựng lên, cùng với một hệ thống tên lửa chưa xác định được là loại gì. Có một vài báo cáo cho rằng đó là những tên lửa chống hạm Silkworm.[26]
Trong khi đảo Hải Nam là nơi đồn trú tất cả các căn cứ hải quân và không quân chủ lực, thì các phương tiện thiết bị nhỏ hơn nhiều ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa giúp liên lạc và thám báo cho các cuộc viễn chinh hàng hải trong tương lai và cho các tàu ngầm Trung Quốc thường xuyên qua lại biển Đông. Để hỗ trợ cho các tàu trên mặt biển, Trung Quốc đã dần dần tăng số lượng máy bay, tàu ngầm và hạm đội trong vùng này. Vài năm gần đây, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động tuần thám và tập trận ở rất xa vươn tới vịnh Bengal và biển Andaman, nơi mà Trung Quốc bắt đầu xây dựng trạm tình báo điện tử (SIGINT) quan yếu đời mới vào năm 1993, và “đang nắm quyền kiểm soát đảo Coco của Miến Điện với hệ thống thám báo vô tuyến điện tử và ra-đa công suất cao của Nga cùng với các trạm thám báo điện tử bổ sung ở Man-aung, Hainggyi và Zadetkyi Island.”[27]
Các lực lượng hải quân, tàu ngầm và thủy lục không quân của Trung Quốc
Hạm đội Nam Hải cuả Trung Quốc đóng ở Trạm Giang (Zhanjiang), tỉnh Quảng Đông. Trực chỉ về hướng nam, đảo Hải Nam, là căn cứ cho rất nhiều máy bay đánh chặn tầm xa SU-27K và hạm đội tàu ngầm Thứ 32. Từ đây, các lực lượng mặt biển tinh nhuệ của Trung Quốc được hỗ trợ bởi các trạm thám báo vô tuyến ở Hoàng Sa và Trường Sa với thông tin liên lạc, thông tin tình báo và hậu cần hải quân. Các căn cứ trải rộng như vậy cũng giúp đỡ các hoạt động hàng hải khác của Trung Quốc gần đây được nhắc đến như là những mắt xích quan trọng trong “chuỗi ngọc trai”, nối Trung Quốc với các nhà cung cấp dầu quan trọng ở Trung Đông.[28]
Thủy không quân
Để hỗ trợ cho các mục tiêu hàng hải trên biển Đông, Trung Quốc phải gia tăng tối đa việc kiểm soát không phận của họ. Hải quân và không quân hỗ trợ các hoạt động chiến đấu ở Hoàng Sa vào thập niên 1970 và ở quần đảo Trường Sa vào thập niên 1980. Việc hỗ trợ bằng không quân này đã tăng theo thời gian rất nhiều từ việc cung cấp các máy bay trực thăng cho đến các máy bay ném bom hải quân. Trong suốt hai thập niên vừa qua, quân số của hải quân và không quân Trung Quốc đã tăng gấp đôi, từ 15.000 lên hơn 30.000, và số lượng máy bay tăng từ 400 lên 700 chiếc. Việc tăng cường khả năng tiếp nhận của thủy không quân vào biển Đông càng được đẩy mạnh hơn nữa bằng việc hoàn thành đường băng trên đảo Phú Lâm. Một bức ảnh vệ tinh vào tháng một năm 1999 đã cho thấy một cơ sở tiếp nhiên liệu cho các máy bay hải quân đang được xây dựng.[29] Cùng với việc có thể chứa một lúc đến 1000 binh sĩ ở Hoàng Sa, các quan sát không ảnh cũng cho thấy: “các máy bay đặt căn cứ ở đảo Phú Lâm có thể vươn tới nhiều mục tiêu dọc bờ biển Việt Nam và các đảo Trường Sa.”[30]
Trung Quốc cũng đang tiến hành kết nối các hệ thống hướng dẫn hàng hải, bao gồm mạng lưới hỗ trợ hướng dẫn bao quát tầm xa từ Hàn Quốc cho tới Hải Nam với tầm hoạt động vào ban ngày là 1200-1700km, có thể vươn tới Đài Loan và Nhật Bản, và tầm hoạt động ban đêm có thể đạt tới gần 3000km. Vào tháng 4 năm 1984, Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh đầu tiên của họ dùng sức đẩy của tên lửa Trường Chinh-3. Kể từ đó, đã có thêm hàng chục cuộc phóng vệ tinh khác trong đó ít nhất đã có 9 vệ tinh viễn thông thuộc 3 kiểu khác nhau được sử dụng để hỗ trợ các phương tiện liên lạc quân đội của Trung Quốc.
Trung Quốc không thiết kế hay là phóng các vệ tinh hải dương học cảm ứng từ xa, mà nâng cấp các trạm thu tín hiệu trên mặt đất của Cục Hải dương học Trung Quốc để có thể thu thập các thông tin dữ liệu giúp giám sát đại dương từ các vệ tinh nước ngoài như các vệ tinh của Nhật Bản, GMS, Landsat, Nimbus-1, và NOAA của Mỹ
Trung Quốc cũng lắp đặt các trang thiết bị đặc biệt cho nhiều tàu nghiên cứu hải dương học của họ. Mười tàu nghiên cứu hải dương lớn Xiang Yang Hong (East is Red) có trọng tải rất khác nhau từ 15.000 tấn đến chỉ có 1.000 tấn. Ngoài ra cũng có khoảng mười hai tàu nghiên cứu hải dương học khác, mỗi chiếc khoảng 3000 tấn, và nhiều tàu nhỏ được trang bị hiện đại để khảo sát đại dương. Tất cả những con tàu này đều có thể được sử dụng để hỗ trợ cho việc phát triển hạm đội tàu ngầm Trung Quốc
Các tàu ngầm của Trung Quốc.
Các điểm dễ xảy ra xung đột ở biển Đông có thể cần đến tàu ngầm vì theo báo cáo trong trận hải chiến Trung-Việt ở quần đảo Hoàng Sa năm 1974 có cả 2 tàu ngầm Trung Quốc tham gia. Trong suốt thập niên 1970, Ngọc Lâm trở thành căn cứ của Hạm đội tàu ngầm Thứ 32. Cuối thập niên 1980, tàu ngầm tiếp nhiên liệu 10.000 tấn R-327 Yong Xing Dao đã hỗ trợ các tàu Yulin kiểu 033. Các hoạt động sửa chữa và bảo trì lớn cho các tàu ngầm ở Nam Hải được thực hiện tại xưởng đóng tàu ngầm ở Quảng Châu phía nam Trung Quốc.  Ngoài 3 tàu ngầm loại Dajang dùng hỗ trợ các tàu mặt biển được đóng từ 1978 đến 1980, Trung Quốc còn có khoảng 10 tàu ngầm cứu hộ dùng hỗ trợ các tàu mặt biển khác được  phân bổ rải rác ở các căn cứ.
Đầu thập niên 1990, các tàu ngầm Trung Quốc có thể đi đến bất cứ chỗ nào trong vùng biển Đông đang tranh chấp để chứng tỏ các tuyên bố chủ quyền của mình. Các căn cứ tàu ngầm Trung Quốc có thể sẵn sàng hoạt động không chỉ ở quần đảo Hoàng Sa, bao gồm cả đảo Phú Lâm, mà còn có thể vươn xa tới Ấn Độ Dương. Ấn Độ đã từ lâu nghi ngờ căn cứ hải quân mà Trung Quốc xây dựng ở Myanmar vào năm 1992 có thể một ngày nào đó được sử dụng để hỗ trợ cho các tàu ngầm của hải quân Trung Quốc. Được đặt ở đảo Hainggyi trên sông Irrawaddy, căn cứ này có thể mở rộng ra đến vịnh Bengal và Ấn Độ Dương. Căn cứ này có vị trí chiến lược rất quan trọng vì ngoài việc cung cấp thông tin tình báo cho các căn cứ và cho các tàu mặt biển hay tàu ngầm, nó còn được nối trực tiếp với tỉnh Côn Minh Trung Quốc chỉ qua một con sông và một hành lang đường bộ
Việc Trung Quốc mua các tàu ngầm loại Kilo của Nga và việc Trung Quốc tiếp tục tự sản xuất các tàu ngầm sơ khai chạy bằng diesel càng làm gia tăng mối đe doa đối với các nước đang có tuyên bố chủ quyền một phần hay toàn bộ ở biển Đông. Các cở sở hạ tầng hỗ trợ cho tàu ngầm của Trung Quốc đang được gấp rút triền khai.  Trong tháng 5, 2005, một tàu ngầm nguyên tử kiểu Hán đã bị phát hiện đang dừng lại ở đảo hải Nam. Đây là “lần đầu tiên một tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử được chính thức triển khai ở biển Đông, cho thấy tầm quan trọng chiến lược của vùng này đối với Trung Quốc.”[31]
Lực lượng tàu ngầm ngày càng đóng vài trò quan trọng hơn đối với hải quân Trung Quốc qua việc một số lớn tàu đang được chuyển về phía Nam để sẵn sàng cho các hoạt động trên biển Đông.  Trước đây các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc chỉ là để bảo vệ các cơ sở phương tiện của hạm đội phương Bắc nhưng từ thập niên 1990, Trung Quốc đã xây dựng các đường hầm bí mật cho các tàu ngầm ở phía Nam. Những đường hầm này, mỗi cái có vài cửa, được báo cáo là đặt ở Yalongwan.[32] Nếu các báo cáo này là đúng sự thật, thì các cơ sở này có thể chứa được các tàu lớn, ngay cả các tàu ngầm nguyên tử và thậm chí cả Luyang DDGs (các tàu khu trục có dàn phóng tên lửa).[33]  Vào tháng 2 năm 2008, một tàu ngầm kiều Jin bị chụp ảnh tại căn cứ Ngọc Lâm ở đảo Hải Nam.
Trong suốt thập niên vừa qua, việc Trung Quốc mua của Nga 4 khu trục hạm có trang bị tên lửa loại Sovremenny và thêm 8 tàu ngầm diesel loại Kilo đã tăng cường một cách cực kỳ nhanh chóng tiềm năng quân sự của Trung Quốc ở biển Đông. Mối đe dọa của các tàu ngầm Trung Quốc thực nghiêm trọng vì trong khi tổng số tàu ngầm đang hoạt động của Trung Quốc là 30 chiếc, so với 50 chiếc của hải quân Mỹ, nhưng số tàu ngầm Trung Quốc đã đóng mới trong năm năm vừa qua nhiều hơn Mỹ gấp 8 lần! Một chuyên gia quân sự cho rằng, “Mặc dù tính tổng quát họ vẫn chưa bắt kịp Mỹ nhưng chỉ đến cuối thập niên này thôi, Trung Quốc sẽ có nhiều tàu ngầm hơn Mỹ.”[34]  Cứ với đà này Trung Quốc sẽ đủ sức trong việc sử dụng sức mạnh tàu ngầm để cũng cố quyền kiểm soát phần lãnh thổ đang trong vòng tranh chấp tại biển Đông.
 Các đơn vị hải quân Trung Quốc.
Biết là có nhưng lực lượng thủy quân lục chiến của Trung Quốc ít được biết đến trước đây. Lữ đoàn thủy quân lục chiến đầu tiên của Trung Quốc gồm khoảng 4000 lính và thiết giáp lội nước được thành lập ở Hải Nam vào thập niên 1980, trong khi một lữ đoàn thủy quân lục chiến thứ hai gồm 5000 lính được thành lập ở Trạm Giang năm 1991. Thay vì đặt căn cứ gần vùng tranh chấp Đài Loan, nơi đáng lẽ ra là địa điểm hợp lý nhất, lữ đoàn thủy quân lục chiến đầu tiên này lại được đặt căn cứ ở Hải Nam. Điều này cho thấy chủ ý của Trung Quốc là nhắm tới phía nam, và rõ ràng là họ đang lên kế hoạch sử dụng hải quân để hỗ trợ cho những hoạt động cả ở trên lục địa và lãnh hải ở biển Đông. Những sự kiện sau đó, chẳng hạn như là việc Trung Quốc chiếm nhiều đảo và đảo san hô trong suốt thập niên 1980 đã minh xác quan điểm này.
 Hải quân Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong những xung đột ở biển Đông. Quần đảo Hoàng Sa đã bị đánh chiếm từ tay Nam Việt Nam bằng vũ lực vào ngày hai ngày 19 và 20 tháng 1 năm 1974.  Trong trận hải chiến này hải quân của Trung Quốc, với sự tham gia của 42 tàu chiến đủ kích cỡ và chủng loại, đã đánh bại hải quân Việt Nam. Trận chiến dành đảo Quang Hòa Đông (Duncan Island) được triển khai với một số tàu ngư lôi, 2 tàu đánh cá lưới rà có vũ trang, và một tàu biển đổ bộ, được hỗ trợ bởi các chiến đấu cơ Mig đồn trú ở đảo Hải Nam.
 Vào thập niên 1980, có một vài báo cáo cho rằng quân đoàn hải quân Trung Quốc đã lớn mạnh và chia thành ba hạm đội, gồm tổng cộng 56000 quân. Đầu thập niên 1980, Trung Quốc cũng thành lập các hạm đội nhỏ phản ứng nhanh, hầu hết là để bảo vệ trong nước và biên giới, nhưng một hạm đội lớn hơn dành cho các hoạt động tấn công ven biển được thành lập ở Vùng Quân Sự Quảng Châu vào năm 1990. Vào tháng 11 năm 1995, một cuộc tập trận có đổ bộ lên đất liền lớn nhất đã diễn ra ở đây.
Để hỗ trợ cho hải quân, một loạt thuyền đổ bộ đất liền được đóng ở Trung Quốc. Từ năm 1962 đến năm 1972, Trung Quốc đã đóng tổng cộng 50 chiếc LCM  lớp Yuqin (tàu đổ bộ hạng trung). Vào năm 1968, Trung Quốc lại bắt đầu cho đóng hơn 30 chiếc LCM lớp Yuchai và 235 chiếc LCM lớp Yunnan. Giữa năm 1972 và 1974 có đến 23 chiếc LCU hạng Yuling (hệ thống phụ trợ tàu đổ bộ) được đóng. Còn tàu đổ bộ lớn nhất đầu tiên được thiết kế và đóng tại Trung Quốc vào năm 1979 là chiếc LST (tàu đổ bộ với xe tăng lội nước) loại Yukan 4100 tấn.  Tổng cộng bảy chiếc tàu thuộc loại này đã được hoàn thành từ năm 1980 đến năm 1995 bắt chước loại tàu American World War II LSTs mà Trung Quốc đã tiếp thu được vào năm 1949, loại LST lớp Yukan này có thể chở tới 5 xe tăng cùng với các loại xe cơ giới và binh lính.
Vào năm 1980, Trung Quốc bắt đầu xây dựng các xe chuyển lính lớp Qiongsha 2150 tấn mà mỗi lần có thể chuyên chở 400 lính. Hai chiếc Qiongsha khác cũng được đóng để làm tàu bệnh viện để cứu thương cả trên đất liền và trên biển.[35] Năm 1980 cũng tiến hành đóng 4 chiếc LSM (landing ships medium – tàu đổ bộ cỡ trung- người dịch) lớp Yudao trọng tải 1460 tấn, và trong suốt năm 1991 đến năm 1996 tiến hành  đóng 6 chiếc cỡ lớn LST lớp Yuting. Những chiếc này có trọng tải lên đến 4800 tấn gồm 10 xe tăng, 4 LCUs cho 250 lính , và 2 máy bay trục thăng cỡ trung. Chiếc LST lớp Yuting này có trọng tải này gấp 2 lần so với LST của Mỹ hoặc loại LST lớp Yukan của Trung Quốc được đóng trước đó. Vào năm 2000, Trung Quốc bắt đầu cho đóng các LST hạng Yuting, được biết đến với tên gọi Yuting – III . Ít nhất 4 chiếc loại này đã được hoàn thành.
 Việc đóng quân của lực lượng hải quân Trung Quốc và các tàu hỗ trợ ở đảo Hải Nam cho thấy rằng họ đang chuẩn bị các cơ sở cần thiết để sử dụng những con tàu đổ bộ và hải quân cho những cuộc xung đột ở biển Đông. Vào tháng 3 năm 1992 , trước những báo cáo về tình hình khoan dầu tại biền Đông của Việt Nam, hải quân Trung Quốc đã đổ bộ lên dải đá ngầm Da Ba Dau, gần đảo Sinh Tồn do Việt Nam nắm giữ, và một cuộc chạm sung đã diễn ra vào ngày 19 tháng 3 năm 1992. Bốn tháng sau đó hải quân Trung Quốc lại đổ bộ lên dải Da Lac trên cồn Tizard. Một chuyên gia hải quân đã có giả thuyết rằng, những hành động của Trung Quốc “là một lời cảnh cáo đinh tai nhức óc tới những nước láng giềng để họ hiểu rằng họ không thể thoát khỏi tay Trung Quốc khi tính đến chuyện khai thác những nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực”.[36]
Nhờ vào các thủy không quân, tàu ngầm, lực lượng hải quân của PLAN đóng tại đảo Hải Nam và một số đảo xa bờ, Trung Quốc có thể tiến hành rất nhiều hoạt động quân sự ở biển Đông. Từ các căn cứ kể trên, quân đội Trung Quốc có thể:
dùng tàu để ngăn chặn đối phương đến từ rất xa – nếu tính từ Trung Hoa lục địa. Một lực lượng hải quân như vậy có thể làm khó dễ cho việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu, đặc biệt là những con tàu chở dầu tới Nhật Bản và Hàn Quốc.  Quan trọng là hạm đội Nam Hải có một dải đất lớn nhất để tập trận, tổng cộng có 7 bãi tập trận.[37]
Hải lực hung hậu này một ngày nào đó sẽ giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu chiến lược dài hạn là nắm quyền kiểm soát hoàn toàn biển Đông.

Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc ở biển Đông
Sau khi tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ biển Đông, Trung Quốc liên tục lập luận rằng họ cần khai thác trữ lượngdầu khí để phát triển nền kinh tế. Trong suốt thập niên 1990, Việt Nam liên tục phản đối hoặc điều động tàu để can thiệp và gây trở ngại cho việc khảo sát dầu khí của Trung Quốc. Vào ngày 25 tháng 2 năm 1992 , Đại Hội đại biểu Nhân dân toàn quốc đã thông qua luật của Trung Quốc về hải phận và những vùng tiếp giáp.  Bất chấp những phản đối gay gắt từ phía Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Phillipines, Indonesia, và Brunei, Trung Quốc vẫn khăng khăng tuyên bố chủ quyền lãnh hải đối với tất cả đảo, rặng đá ngầm và những bãi đá ở quần đảo Trường Sa.
Ngoại giao có thể là con đường mà Bắc Kinh sẽ chọn để giải quyết cuộc tranh chấp này, nhưng sự lớn mạnh rất nhanh của hải quân Trung Quốc rõ ràng đóng một vai trò rất quan trọng. Theo Giang Trạch Đông (Yuan Jing-dong), chiến lược của Trung Quốc gồm hai bước: “Bước đầu là dùng ngoại giao là để duy trì tình hình hiện tại và phát triển hợp tác; đồng thời với việc tăng cường sức mạnh hải quân để trong trường hợp ngoại giao không được thì mới phải dùng đến vũ lực”.[38] Vào năm 1995, Phillipines và Trung Quốc đã thông qua 8 “nguyên tắc ứng xử”. Tuy nhiên , Bắc Kinh vẫn tiếp tục nâng cấp các công sự ở Trường Sa mặc dù đang có những tranh chấp với Phillipines về chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough (Scarborough Shoal-Huangyan Dao), bãi đá lộ Luzon. Theo một bản báo cáo từ trung tâm nghiên cứu chiến lược RAND thì từ năm 1999, những việc như vậy chứng tỏ rằng “Trung Quốc có thể dùng vũ lực để thực hiện các tuyên bố chủ quyền đối với các đảo đang trong vòng tranh chấp ở biển Đông”[39]
Chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và những lợi ích kinh tế luôn đi đôi với nhau vì những hải lộ quan yếu, các vùng đánh bắt thủy sản trù phú, và hàng loạt tiềm năng dầu khí ở biền Đông. Đặc biệt là trữ lượng lớn dầu khí của Trung Quốc đều nằm ở ngoài khơi, và vì những khu vực này đều nằm ngoài tầm  kiểm soát trực tiếp của quân đội Bắc Kinh, những mối đe doạ này chỉ có thể giải quyết bởi lực lượng hải quân và không quân. Rất nhiều nguồn năng lượng ngoài khơi vẫn chưa được khai thác và những ước tính của Trung Quốc về trữ lượng dầu và khí đốt ở biển Đông rất lớn, đạt đến 213 tỉ thùng dầu thô cho lần khai thác đầu tiên và 33 tỉ mét khối cho lần khai thác thứ hai.[40]
Khi nhìn vào bối cảnh lịch sử của Trung Quốc về việc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, biến cố EP-3 vào tháng tư năm 2001 khiến người Mỹ thấy rõ ràng rằng đây là “dấu hiệu gần đây nhất cho thấy Bắc Kinh đang cố tìm mọi cách để thâu tóm chủ quyền trên toàn bộ biển Đông”.[41] Vào ngày 1 tháng 4 năm 2001, hai chiếc máy bay chiến đấu F-8 được chế tạo ở Trung Quốc đã tiếp cận máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ trên vùng biển Đông khoảng 150km về phía đông nam đảo Hải Nam, và một trong số 2 máy bay F-8 đã vô tình va chạm với máy bay trinh sát EP-3. Trong khi EP-3 hạ cánh an toàn xuống Hải Nam thì máy bay của Trung Quốc đã bị rơi. Chu Shulong, giám đốc khu vực Bắc Mỹ tại Học viện quan hệ Quốc tế đương đại tuyên bố rằng: “Đối với dân chúng, dường như máy bay Mỹ đã bay vào lãnh thổ của Trung Quốc và gây ra cái chết cho viên phi công của chúng ta”. Nhắc đến viên phi công máy bay F-8, Wang Wei, người đã tử thương trong vụ va chạm kể trên thì Chu Shulong cho rằng: “Có cảm giác rằng chúng ta đang bị xâm lăng.”[42]
Mặc dù rằng máy bay Mỹ đã ở bên ngoài giới hạn địa phận Trung Quốc 22km và đang bay trên vùng biển quốc tế, giới chức Trung Quốc vẫn khăng khăng cho rằng vụ va chạm đã xảy ra cách đảo Hải Nam 150km, chính phủ Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền trên không phận những vùng biển này bởi vì có một số đảo nhỏ thuộc vùng biển Đông và chính những đảo này đã mở rộng lãnh hải của Trung Quốc. Một người dân Trung Quốc đã tức giận nói: “Biển Đông là lãnh thổ của chúng ta. Chúng ta phải dạy cho người Mỹ một bài học và cho họ thấy Trung Quốc không phải là Iraq.”[43] Để tranh luận với những lý lẽ có vẻ hợp pháp của Trung Quốc, Lori F. Damrosch, giáo sư Công Pháp Quốc Tế tại trường Đại Học Columbia, đã vạch ra rằng những đảo nhỏ mà Trung Quốc đã đưa ra như là một phần của biên giới thực chất chỉ là “những cụm đá nhỏ lốm đốm”, và chúng không đủ lớn để có hải phận của riêng chúng.[44]
Trong suốt những cuộc đàm phán nhằm thả tự do cho phi hành đoàn của Mỹ, Trung Quốc đã cố gắng lợi dụng vụ xung đột EP-3 để làm giảm tầm ảnh hưởng của quân đội Mỹ ở châu Á. Richard Solomon, Chủ Tịch Học viện Hoà Bình Hoa Kỳ (the US Institute of Peace) thậm chí đã cảnh cáo rằng:
Bối cảnh [cho cuộc xung đột máy bay này] đã khiến người ta nhớ lại hồi đầu thập niên 1990, khi mà người Trung Quốc đã tìm mọi cách để gạt bỏ Hoa Kỳ ra khỏi vùng Châu Á Thái Bình Dương nếu như họ muốn lấy lại những gì mà họ cho là của họ: Đài Loan và biển Đông,
và nếu như Trung Quốc đã có thể ngăn chặn máy bay của Mỹ bay gần đảo Hải Nam thì điều này vô hình chung  “làm giảm sự có mặt tổng quát của chúng ta [Hoa Kỳ] ở vùng này” [45]
Trung Quốc vẫn không ngừng tìm cách thâu tóm toàn bộ biển Đông. Gần đây nhất, vào ngày 4 tháng 12 năm 2007, Trung Quốc thông báo rằng tất cả lãnh thổ ở biển Đông sẽ được đặt dưới quyền quản lý như là một quận được chia trong phạm vi hành chánh của tỉnh Hải Nam. Thành phố mới khổng lồ được gọi là Nam Sa, quản lý 3 quần đảo Hoàng Sa , Trường Sa và Trung Sa.  Ngay sau thông cáo này của Trung Quốc, “làn sóng phản đối nổi lên khắp nơi trong vùng: cả Việt Nam và Indonesia đều đã chính thức phản đối lại hành động đơn phương và phủ đầu của Trung Quốc.”[46] Để đáp trả cho hành động tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc, đầu tháng hai năm 2008, chủ tịch Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian) đã bay sang đảo Ba Đình, đảo lớn nhất ở Trường Sa đang nằm trong vòng kiểm soát của Đài Loan. Chuyến viếng thăm của Trần Thủy Biển không những chứng tỏ rằng việc kéo dài đường phi đạo trên đảo Ba Đình trong thời gian gần đây để có thể tiếp nhận máy bay vận tải khổng lồ C-130, mà còn khằng định các tuyên bố về chủ quyền của Đài Loan đối với các vùng lãnh thổ đang trong vòng tranh chấp. [47]
Kết luận
Sau khi xem xét những dẫn chứng lịch sử về việc tranh chấp hải phận của Trung Quốc, bao gồm cả đảo Đông Sa, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, cùng các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc song song với việc bắt đầu từ năm 2002 mà theo đó Trung Quốc hứa sẽ làm việc cùng với các quốc gia ASEAN để hạn chế những xích mích và giải quyết những mối bất đồng về chủ quyền các đảo này một cách hoà bình, ở một chừng mực nào đó cần được theo dõi và xem xét một cách cẩn trọng. Đặc biệt vì Đài Loan bị loại trừ ra khỏi hiệp định  – mặc dù Đài Bắc vẫn là bên đưa ra những tuyên bố chủ quyền đối với các lãnh thổ đang trong vòng tranh chấp này và hiện đang chiếm hữu một số đảo lớn –  thì lại càng không thể hy vọng đạt được một giải pháp lâu dài qua đường lối ngoại giao. Điều này rõ ràng đã mở rộng cửa để một ngày không xa Trung Quốc sẽ áp đặt và sử dụng vũ lực ở biển Đông.
Nhìn vào việc phát triển nhanh chóng tiềm năng liên lạc vô tuyến, vệ tinh thám báo, và các công trình hỗ trợ của hải quân trên các đảo ở biển Đông, Trung Quốc rõ ràng đang tiến hành một chiến lược hải quân nhằm gia tăng việc kiểm soát hàng hải ở vùng này. Thay vì đầu tư vào việc xây dựng một hàng không mẫu hạm đắt tiền và phải mất thời gian khá lâu để có thể đưa vào sử dụng, Trung Quốc đã quyết định xây dựng các căn cứ đa năng, đa dụng trên các đảo nằm ở các vị trí chiến lược ngoài khơi và đã liên kết các căn cứ này bằng một mạng thông tin điện tử vô tuyến hiện đại. Hầu hết những căn cứ này đều có những bãi đáp trực thăng và những bến tàu từ nhỏ đến trung bình để có thể tiếp nhận thêm nhân sự cũng như tiếp tế hậu cần bằng đường biển.
Nếu xung đột quân sự nổ ra, hoặc nếu như Bắc Kinh có những chính sách hiếu chiến hơn, thì những con tàu trên mặt biển của Trung Quốc, hải lục không quân, tàu ngầm, và những lực lượng hải quân khác có thể sử dụng những căn cứ này một cách dễ dàng để hỗ trợ cho việc bành trướng xa hơn nữa. Từ những bài học trong quá khứ, Bắc Kinh sẽ không do dự để có những hành động chống lại những gì mà họ cho là một “sự thách đố” đối với “thanh thế đang lên của Trung Quốc như là một siêu cường.” Mi Chấn Ngọc (Mi Zhenyu), nguyên sĩ quan chỉ huy của Học viện Khoa học Quân sự của quân đội Trung Quốc, đã phát biểu rằng: “Trung Quốc phải phát triển sức mạnh hải quân đề bảo vệ và nhất định không nhân nhượng dù chỉ một inch trong tổng số ba triệu km đường lãnh hải. Trung Quốc phải xây dựng cho được một Vạn Lý Trường Thành trên biển.”[48]
Tuy nhiên, để bảo đảm cho các tuyên bố mở rộng chủ quyền ở biển Đông, Bắc Kinh trước hết sẽ phải vượt qua rất nhiều những nhược điểm và thiếu sót nghiêm trọng trong lực lượng hải quân của họ. Không thể chỉ với một quan điểm quân sự đơn thuần, hải quân Trung Quốc lại có thể thách thức cùng một lúc với tất cả các nước láng giềng Đông Nam Á. Rất có thể Trung Quốc sẽ tìm cách triển khai những chiến lược về hàng hải dài hạn hơn để họ có đủ thời gian vượt qua các nhược điểm về học thuyết, về trang thiết bị, và về huấn luyện. Cũng như Michael McDevitt đã từng cảnh báo một cách khéo léo rằng:
Việc tranh giành diễn ra liên tục trong vùng ở biển Đông về chủ quyền của quần đảo Trường Sa….và hồi ức lịch sử còn đó về một “thế kỷ nhục nhã” của Trung Quốc… gây ra bởi các nước phương Tây “đến từ biển” tất cả đã kết hợp lại thành vấn đề trọng tâm của việc cần thiết phải có một chiến lược đối với biên giới biển đảo của Trung Quốc. [49]

Chú thích

[1] Rafe de Crespigny, Generals of the South: The Foundation and Early History of the Three Kingdoms State of Wu, originally published in Asian Studies Monographs, New Series No.  16 (Canberra: The Australian National University, Faculty of Asian Studies, 1990), chapter 1.
[3] Robert J.  Antony, Like Froth Floating on the Sea; The World of Pirates and Seafarers in Late Imperial South China (Berkeley, CA: China Research Monograph, 2003), p.  9.
[4] James Truslow Adams, Empire on the Seven Seas: The British Empire, 1784-1939 (New York: Charles Scribner’s Sons, 1940), p.  264.
[5] Bruce Swanson, Eighth Voyage of the Dragon: A History of China’s Quest for Seapower(Annapolis, MD: Naval Institute Press, 1982), pp.  117-120.
[6] He Di, “The Last Campaign to Unify China: The CCP’s Unrealized Plan to Liberate Taiwan, 1949-1950,” in Mark A.  Ryan, David M.  Finkelstein, and Michael A.  McDevitt (eds), Chinese Warfighting: The PLA Experience Since 1949 (Armonk, NY: M. E.  Sharpe, 2003), p.  83.
[7] John Blodgett, “Vietnam: Soviet Pawn or Regional Power?” in Rodney W.  Jones and Steven A.  Hildreth (eds), Emerging Powers: Defense and Security in the Third World (New York, Praeger Publishers, 1986), p.  98.
[8] Information for the following sections references James Bussert and Bruce Elleman, “People’s Liberation Army Navy (PLAN) Combat Systems Technology: 1949-2007″ (currently being reviewed for publication).
[9] “Anti-smuggling Drill in Haikou,” People’s Daily Online, July 28, 2006;http://english.peopledaily.com.cn/200607/28/eng20060728_287664. html.
[10] Le-wei Li, “High-frequency Over-the-horizon Radar and Ionospheric Backscatter Studies in China,” Radio Science, 33, 5 (1998), pp.  1445-1458.
[12] James Bussert, “China Expands Influence Through Electronics,” Signal (October 2003), p.  61.
[13] Bradley Hahn, “Maritime Dangers in the South China Sea,” Pacific Defence Reporter 11,11(May 1985), pp.  13-16 at p.  15.
[14] James Doman, Chinese War Machine (New York: Crescent Books, 1974), p.  158.
[15] Bill Gertz, “Woody Island Missiles,” Washington Times, June 15, 2001.
[16] Keith Jacobs, “China’s Military Modernization and the South China Sea,” Jane’s Intelligence Review 4, 6 (June 1992), pp.  278-281 at p.  280.
[17] “China Unlikely to Launch War in S.  China Sea,” Asian Political News, September 27, 1999.
[19] Mark J.  Valencia, “Tension Increasing in South China Sea,” Honolulu Advertiser, April 5, 2001.
[20] Wolfgang Schippke, DC3MF, “Itu Aba Island,” www.425dxn.org/dc3mf/ituaba. html.
[21] Bussert, “China Expands Influence Through Electronics,” p.  62.
[22] Jacobs, “China’s Military Modernization,” p.  280.
[23] Frederic Lasserre, “Once Forgotten Reefs . . .  Historical Images in the Scramble for the South China Sea,” www.cybergeo.presse.fr/ehgo/lasserre. htm.
[24] Bussert, “China Expands Influence Through Electronics,” p.  62.
[25] Ian Storey, “Manila Looks to USA for Help over Spratlys,” Jane’s Intelligence Review 11, 8 (August 1999), pp.  46-50 at pp.  46-47.
[26] Sujit Dutta, “Securing the Sea Frontier: China’s Pursuit of Sovereignty Claims in the South China Sea,” Strategic Analysis 29, 2 (April—June 2005), p.  288.
[27] A. B.  Mahapatra, “Commanding the Ocean,” Newslnsight, May 16, 2001.
[28] This term is not Chinese, but was coined in a study entitled “Energy Futures in Asia,” commissioned from consulting firm Booz Allen Hamilton in 2005 by the US Department of Defense’s Office of Net Assessment.
[29] Bill Gertz, “Beijing Readies China Sea Exercises,” Washington Times, May 17, 2001.
[32] “Underground Facilities of Chinese Nuclear Submarine,” Kanwa Intelligence Review (Internet), March 30, 2006 at www. kanwa. com.
[33]Kanwa Defence Review, May 2006, p.  56, at www.kanwa.com.
[34] David Lague, “US Military Officials Wary of China’s Expanding Fleet of Submarines,”International Herald Tribune, February 7, 2008.
[36] Lieutenant Michael Studeman, US Navy, “Calculating China’s Advances in the South China Sea: Identifying the Triggers of ‘Expansionism,’” Naval War College Review (Spring 1998), pp.  68-90.
[37] “Was America Hunting for a New, Killer Submarine?” www.stratfor.com, April 4, 2001.
[38] Yuan Jing-dong, Asia-Pacific Security: China’s Conditional Multilateralism and Great Power Entente (Carlisle, PA: Strategic Studies Institute, US Army War College, 2000), pp.  18-19.
[39] Zalmay M.  Khalilzad, Abram N.  Shulsky, Daniel L.  Byman, Roger Cliff, David T.  Orletsky, David Shlapak, and Ashley J.  Tellis, The United States and a Rising China: Strategic and Military Implications (Santa Monica, CA: Rand, 1999), p.  30.
[41] Bruce Elleman and S. C. M.  Paine, “A Spy Plane Caught in a Chinese Web of Reviving Grandeur,” International Herald Tribune, April 9, 2001.
[42] John Pomfret, “Chinese Driven by Anger, Pride,” Washington Post, April 4, 2001.
[43] Calum MacLeod, “Beijing Blames US for Plane Collision,” Washington Times, April 3, 2001.
[44] Christopher Drew, “Old Hijinks May Pull the Rug from the US Claim to Plane,” New York Times, April 4, 2001.
[45] Jim Mann, “Crisis Forces Bush Team to Speed up Decisions on China Policy,” Los Angeles Times, April 3, 2001
[46] Vu Duc Vuong, “Between a Sea and a Hard Rock,” Asian Week, January 8, 2008.
[47] Brian McCartan, “Roiling the Waters in the Spratlys,”Asia Sentinel, February 4, 2008.
[48] Yuan Jing-dong, Asia-Pacific Security: China’s Conditional Multilateralisni and Great Power Entente (Carlisle, PA: Strategic Studies Institute, US Army War College, January 2000), pp.  18-19.
[49] Michael McDevitt, The PLA Navy: Past, Present and Future Prospects (Alexandria, VA: The CNA Corporation, May 2000), pp.  1-2.

24 tháng 6, 2014

“Công hàm 1958″ qua đánh giá của các học giả quốc tế

Nhiều học giả, nhà nghiên cứu có tên tuổi trên thế giới dự hội thảo quốc tế “Hoàng Sa – Trường Sa: Sự thật lịch sử” tại Đà Nẵng đã phản bác luận điệu của Trung Quốc liên quan đến “Công thư Phạm Văn Đồng 1958”


Thứ ba, 24/06/2014, 08:05 (GMT+7)

(Biển Đảo) - Nhiều học giả, nhà nghiên cứu có tên tuổi trên thế giới dự hội thảo quốc tế “Hoàng Sa – Trường Sa: Sự thật lịch sử” tại Đà Nẵng đã phản bác luận điệu của Trung Quốc liên quan đến “Công thư Phạm Văn Đồng 1958”
Biển Đông chưa bao giờ là lãnh thổ Trung Quốc
Theo GS Carl Thayer (nguyên GS Học viện Quốc phòng Úc, chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á), Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) không chấp nhận yêu sách lịch sử hay sự biện minh lịch sử như là yếu tố quyết định trong việc xác định chủ quyền đối với các cấu trúc biển và các vùng biển.
GS Carl Thayer phát biểu tại cuộc hội thảo (Ảnh: HC)
Luật pháp quốc tế hiện đại cũng không chấp nhận sự phát hiện mang tính lịch sử đối với các đảo, tính gần gũi của các cấu trúc biển với đất liền, hay việc bao gồm các cấu trúc biển đó trong những tấm bản đồ do quốc gia phát hành, coi đó là bằng chứng đầy đủ để hỗ trợ cho một yêu sách chủ quyền.
“Luật pháp quốc tế đòi hỏi một quốc gia yêu sách chủ quyền phải chứng minh việc chiếm hữu và quản lý liên tục” – GS Carl Thayer nhấn mạnh. Từ đó, ông cùng nhiều học giả dự hội thảo đã khẳng định, nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền hoà bình, liên tục đối với Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ 17 – 18. Dưới thời thực dân, Pháp đã nhân danh Việt Nam thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này và khi rút khỏi Việt Nam thì Pháp đã bàn giao lại quyền quản lý cho Việt Nam
Trong khi đó, diễn giả Leszek Buszynski đến từ Trường An ninh quốc gia, Đại học Quốc gia Úc nêu rõ: “Theo các quan điểm hiện đại trên thế giới, Biển Đông chưa bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc. Đó là một khu vực ở rất xa lục địa và thực sự không phải là một phần của đế chế Trung Quốc”.
“Việt Nam đã chiếm hữu hiệu quả, lâu dài và thực thi chủ quyền hoà bình, liên tục đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Trung Quốc không có bất cứ bằng chứng thuyết phục nào chứng minh họ chiếm hữu hai quần đảo này trước khi dùng vũ lực đánh chiếm phi pháp Hoàng Sa năm 1974 và một số bãi ngầm thuộc Trường Sa năm 1988” – GS Carl Thayer nhấn mạnh.
Nhà nghiên cứu Jean-Pierre Ferrier (Đại học Paris 2, Pháp) cũng khẳng định: “Nghiên cứu về lịch sử chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa cho thấy dưới góc nhìn của luật pháp quốc tế, Trung Quốc chưa hề thực hiện “chiếm đóng hiệu quả, liên tục và bình thường” cho tới sau cuộc tấn công và chiếm đóng trái phép năm 1974. Việc chiếm đóng và triển khai quân sự của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế (sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp), không thể hợp lý hóa việc Trung Quốc thay thế quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này”.
“Nghị định thư cấp Tỉnh” năm 1921 hoàn toàn vô giá trị!
Jean-Pierre Ferrier chỉ rõ: “Mặc dù chiếm đóng kéo dài đã 40 năm nhưng cơ sở của việc chiếm đóng vẫn không có gì thay đổi và không có gì khác để hỗ trợ, tăng cường hoặc thiết lập bất kỳ giả định nào về chủ quyền của Trung Quốc!”. Bên cạnh đó, ông cũng nêu rõ: “Chiếm đóng quân sự là chưa đủ để hợp thức hóa chủ quyền. Vẫn còn thiếu ít nhất một yếu tố thứ hai trong việc xác minh chủ quyền bằng lịch sử và đó là sự nhận thức của công chúng”.
Từ góc nhìn này, Jean-Pierre Ferrier xác quyết: “Trung Quốc chưa bao giờ thực hiện bất kỳ hành động chính thức nào đáp ứng theo quan điểm của luật pháp quốc tế. “Nghị định thư cấp Tỉnh” năm 1921 là không đủ, bởi tác giả không phải là chủ thể luật quốc tế; và nghị định này hoàn toàn mang mục tiêu kinh tế (cấp phép khai thác phế thải chim biển, nguồn phốt pho trên quần đảo – PV)!”.
Nhà nghiên cứu Jean-Pierre Ferrier (trái) trả lời báo chí trong khuôn khổ cuộc hội thảo
Theo ông Jean-Pierre Ferrier, ngày 2/4/1921, Thống đốc Quân sự Quảng Đông ra tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa khi ban hành nghị định về vấn đề này trong Tạp chí chính thức của tỉnh. Ông cho rằng: “Nhà cầm quyền chỉ định việc thiết lập chủ quyền của một hòn đảo cần có đủ thẩm quyền để làm việc đó, và sau đó thì chủ quyền mới được thực thi”.
Từ đó Jean-Pierre Ferrier đặt vấn đề: “Vì sao chúng ta không loại bỏ hoàn toàn tuyên bố chủ quyền của Thống đốc Quân sự Quảng Đông khi ông ta ban hành nghị định về vấn đề này trong Tạp chí chính thức của Tỉnh ngày 2/4/1921?”.
Nhà nghiên cứu đến từ Đại học Paris 2 giải thích: “Ông ta tuyên bố việc sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào đảo Hải Nam mà không có một cơ sở mang tính hiệu lực nào (không có sự chiếm hữu của một “nhà đương cục” Tỉnh, mặc dù có thể những ngư dân đảo Hải Nam, như ngư dân từ các nơi khác, đã đôi lúc tạt vào vài giờ đồng hồ); hay cơ sở quốc tế nào (thể hiện qua việc Quảng Đông không tồn tại trên bình diện quốc tế)!”.
Về “Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958” 
Theo ông Jean-Pierre Ferrier, “đã không có một lời phản đối hay ủng hộ nào từ cộng đồng quốc tế đối với Nghị định thư cấp Tỉnh 1921 của Thống đốc Quân sự Quảng Đông, mà cho dù có thật sự diễn ra thì hành động đó có lẽ cũng không tồn tại mục tiêu nhất định hay thu hút sự quan tâm rộng rãi!”.
Từ sự phân tích đó, trước những luận điệu bám vào “Công thư Phạm Văn Đồng 1958” để bịa ra việc Việt Nam bỏ Hoàng Sa và thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này, Jean-Pierre Ferrier nói: “Vào thời điểm đó và cho tới thời điểm thống nhất Việt Nam năm 1975, ông Phạm Văn Đồng không có quyền tài phán nào đối với quần đảo Hoàng Sa, mà lúc đó trực thuộc Đà Nẵng của Việt Nam Cộng hòa (VHCH).
GS Erik Franckx trả lời phỏng vấn Infonet khi xem triển lãm "Hoàng Sa – Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam”
GS Erik Franckx (Đại học Tự do Brussel – Bỉ; thành viên Tòa trọng tài thường trực) tiếp tục nêu quan điểm về các “bằng chứng lịch sử”: “Bản đồ rất quan trọng nhưng không có giá trị pháp lý cuối cùng và duy nhất nếu nó không được đính kèm với những tài liệu ký kết giữa hai nước, các quốc gia và các tổ chức quốc tế có liên quan. Nghĩa là một văn bản luật. Còn nếu bản đồ chỉ đứng một mình, ví dụ như bản đồ do NXB này xuất bản năm đó, năm kia cũng là những tư liệu, chứng cứ quan trọng nhưng không phải có giá trị pháp lý cuối cùng”.
Tuy nhiên khi PV Infonet đặt tiếp câu hỏi: “Vậy ông nhận định thế nào về “Công thư Phạm Văn Đồng 1958”? thì GS Erik Franckx trả lời: “Cần tìm hiểu và đọc công thư này một cách hết sức cẩn thận. Vì nội dung chính của nó thực ra là nói về lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố chứ không phải là nói về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do đó chúng ta nên diễn giải vấn đề theo tinh thần đó”.
Vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam
Trong khi đó, GS Carl Thayer khẳng định “Bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Trung Quốc không đề cập tới Hoàng Sa hay Trường Sa, cũng như không hề thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Năm 1958, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) vẫn hy vọng thống nhất Việt Nam theo các điều khoản chính trị của Hiệp định Geneva 1954, còn VNCH duy trì sự hiện diện liên tục ở nhóm Nguyệt Thiềm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) từ năm 1956 tới tháng 1/1974”.
Ông nhắc lại “sự phản đối của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (PRG) ngay sau khi Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa và sau đó (ngày 26/1 và 14/2/1974), PRG không những là một bên ký Hiệp định hòa bình Paris mà trước khi Việt Nam chính thức thống nhất năm 1975 thì PRG là người đứng đơn cùng với VNDCCH tham gia và trở thành thành viên của Liên hợp quốc. Sau khi thống nhất, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trở thành quốc gia kế thừa và tiếp tục chính sách của PRG liên quan đến biển Đông”.
HẢI CHÂU (Theo Infonet)

18 tháng 6, 2014

Giàn khoan 981 không nằm trong vùng biển Việt Nam?


Những Vấn Đề Việt Nam: Cuộc xung đột giữa Việt Nam và Trung Cộng ở Biển Đông - Phần 1

Ngày 08/06/2014, trang web của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đăng bài “Giàn khoan 981 tiến hành hoạt động tác nghiệp: Hành vi khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc”[1] nhằm biện hộ cho hành động ngang ngược của mình đồng thời vu cáo Việt Nam trước công luận thế giới. Bài viết đó đưa ra nhiều luận điểm sai trái, nhưng trước mắt chúng tôi chỉ tập trung phân tích luận điểm chính trong mục III cho rằng khu vực đặt giàn khoan không thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa (CS) của VN.
Cụ thể là theo Bộ Ngoại giao TQ “Giữa quần đảo Tây Sa của Trung Quốc và bờ biển Việt Nam tồn tại vấn đề phân định ranh giới, cho đến thời điểm này, hai bên vẫn chưa phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tại vùng biển này. Hai bên đều có quyền đưa ra chủ trương về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Song, bất cứ phân định ranh giới theo nguyên tắc gì, vùng biển này đều không thể trở thành vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.”
Mặc dù Việt Nam có nhiều bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minhchủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa (mà TQ gọi là Tây Sa) nhưng để thấy lập luận của Bộ Ngoại giao TQ sai trái, bất chấp luật pháp và tập quán quốc tế đến mức nào tạm thời thử giả định quần đảo Hoàng Sa (HS)là của TQ như họ nói. Sau đó, thử xét việc phân giới giữa HS và bờ biển VN theo luật lệ quốc tế xem có đúng là dù “phân định ranh giới theo nguyên tắc gì, vùng biển này đều không thể trở thành vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”hay không.
Cơ sở cho việc phân định sẽ là các điều khoản liên quan trong Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS) mà cả TQ và VN đều là thành viên cũng như các án lệ quốc tế có liên quan.
Cơ sở từ UNCLOS là Điều 74 [83], đoạn 1 quy định:
“Việc phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế [thềm lục địa] giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng với pháp luật quốc tế như đã nêu ở Điều 38 của Quy chế Tòa án quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng(người viết nhấn mạnh).”
Để đi đến một giải pháp công bằng theo quy định này phải xét đến nhiều yếu tố, điều kiện cụ thể liên quan đến độ dài và hình dạng bờ biển, vị trí và tính chất các đảo, vấn đề kinh tế-xã hội, an ninh, tài nguyên… Tập quán quốc tế và nhiều án lệ từ trước tới nay thường dùng độ dài bờ biển tương ứng làm tiêu chuẩn chínhđể kiểm tra và điều chỉnh cho tính công bằng. Theo đó, đường phân giớithường là trung tuyến [cách đều] có điều chỉnh theo tỉ lệ thích hợp dựa trên độ dài hai bờ biển tương ứng(tỉ lệ khoảng cách từ điểm trên đường phân giới tới điểm cơ sởcủa đảo và tới điểm cơ sở của bờ biểnđất liền bằng tỉ lệ điều chỉnh) và sau đó có thể tinh chỉnh theo các yếu tố thích đáng khác hay đơn giản hóa cho dễ thực hiện. Do độ dài bờ biển đất liền nói chung lớn nhiều lần so với độ dài bờ biển các đảo nhỏ nên tỉ lệ này thường nghiêng về bờ biển đất liền.
Thông lệ quốc tế cho ta nhiều ví dụ về việc điều này (các đảo chỉ được cho một phần hiệu lực hoặc thậm chí không có được hiệu lực) trong các hiệp định phân giới biển giữa Indonesia và Singapore, Iran và Qatar, Bahrain và Saudi Arabia, Iran và the United Arab Emirates, Canada và Denmark (Greenland).[2] Đặc biệt, hiệp định phân giới vịnh Bắc Bộ năm 2000, chính TQ cũng thỏa thuận với VN chỉ cho đảo Bạch Long Vĩ của VN một phần tư hiệu lực. (Xem H.1)
H.1: Đảo Bạch Long Vĩ được hưởng khoảng ¼ hiệu lực (tỉ lệ 15 hl:55hl ≈ 1:3,7)
Đối với các vụ đã đưa ra toà án quốc tế xảy ra trước UNCLOS hoặc trước khi UNCLOS có hiệu lực thì cũng cho ta nhiều ví dụ. Vụ Tunisia – Libya năm 1982thì đảo Kerkennah (180 km², 15 000 dân) chỉ được cho một phần hiệu lực do có kích thước nhỏ so với bờ biển của Lybya. Vụ Libya – Malta năm 1985, đảo chính của Malta (122 km², 350 000 dân) cũng chỉ được cho nửa hiệu lực. Vụ Pháp – Anhnăm 1977, trong 48 đảo/đá của quần đảo Scilly thì trọng tài chỉ cho 6 đảo có người ở phân nửa hiệu lực và đặc biệt là các đảo/đá nằm sai phía của trung tuyến không ảnh hưởng đến việc phân giới… Đặc biệt, vụ Nicaragua – Colombia sau khi UNCLOS có hiệu lực, mới được phân xử vào năm 2012 khá tương tự với trường hợp HS của VN thìTòa trọng tài dùng tỉ lệ 1:3[3] (xem H.2).Tuy nhiên, trước nhất lưu ý rằng trong vụ này quần đảo San Andrés, Providencia và Santa hoàn toàn thuộc Colombia, không có vấn đề tranh chấp chủ quyền. Hơn nữa, đó là một quần đảo lớn có diện tích đất tổng cộng khoảng 52,5 km² và cư dân tại chỗ hơn 75 ngàn người.[4]Dù vậy, chỉ các đảo lớn thỏa đúng định nghĩa ở điều 121 UNCLOS như Providencia / Santa Catalina (18 km²), San Andrés (26km²), Albuquerque mới được Tòa trọng tài xem xét tới EEZ với tư cách từng đảo riêng. Các điểm cơ sở đều nằm trên các đảo này, không cóđiểm cơ sở nào trên các thể địa lí không phải là đảo theo nghĩa của UNCLOS như bãi Quitasueño hoặc đảo [đá] Serrana… Hoàn toàn không có đường cơ sở thẳng chung lạ lùng như TQ tự vẽcho HS để làm cơ sở cho việc phân định ranh giới biển.Ngay cả trong vụ Qatar – Bahrain năm 2002, dù Bahrain trên thực tế là một quần đảo vốn được phép có đường cơ sở thẳng theo UNCLOS[5] nhưng tòa vẫn không chấp nhập đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các đảo đá của quần đảo. Lí do là vì Bahrain đã không đưa vào hồ sơ của mình.
Trong khi đó, HS có chủ quyền đang tranh chấp (thuộc VN nhưng đang bị TQ kiểm soát)chỉ gồm những đảo/ đá nhỏ rải rác với diện tích đất tổng cộng chỉ khoảng 7,75 km² (bé hơn quần đảo San Andrés, Providencia và Santa khoảng 7 lần) còncư dân thì chỉ độ 1 000 người do TQ đưa tới để thể hiện chủ quyền như chính Tiểu Kiệt (Xiao Jie), Thị trưởng Tam Sa thú nhận “Ở đây không có đất trồng trọt. Mục tiêu chính là để bảo vệ chủ quyền trên biển của đất nước chúng tôi.”[6]Đặc biệt lưu ý rằng TQ không phải là nước quần đảo và trong quần đảo HS may rachỉ có đảo Phú Lâm mới có thể là đảo không phải đảo đátheo điều 121 UNCLOS[7].Như vậy, ngay cả khi giả định TQ có chủ quyền đối với HS là đúng thì so với những điều vừa trình bày, khó có thể có tòa án quốc tế nào chấp nhậnđường cơ sở thẳng mà TQ tự vẽ cho HS. Do đó, dù vị trí giàn khoan có gần với đường đó bao nhiêu cũng đều vô nghĩa.
H. 2: Đường phân giới (màu đỏ) giữa quần đảo San Andrés, Providencia và Santa và Nicaragua được điều chỉnh theo tỉ lệ 1:3 và được đơn giản hoá chứ không phải là trung tuyến [cách đều]
Hai đảo [đá]Quitasueño và Serrana chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lí
Nếu vận dụng luật pháp và thông lệ quốc tế như vừa trình bày vào từng đảo cụ thể thì cũng chẳng cải thiện thêm điều gì về giá trị của tuyên bố nói trên của TQ. Trước nhất, hãy xét đảo Tri Tôn là đảo gần giàn khoan nhất. Theo những nghiên cứu về địa pháp lí thì đảo Tri Tôn không thể là một đảo theo điều 121 UNCLOS mà chỉ là đảo đá. Do đó, nó chỉ có lãnh hải 12 hải lí, không được hưởng EEZ lẫn thềm lục địa. Do đó, dù giàn khoan 981 ở gần đảo Tri Tôn(17 hải lí và 25 hải lí), nó vẫn nằm ngoài vùng biển mà đảo này có thể được hưởng theo UNCLOS, tức là vẫn nằm trong EEZ của VN (xem H.3)
Ngoài đảo này ra, trong quần đảo HS chỉ có đảo Phú Lâm với diện tích khoảng 2,13 km² (tính luôn phần TQ mới mở rộng thêm) là có khả năng tạm coi là một đảo theo UNCLOS như đã nêu. Tuy nhiên, nếu chú ý tới tỉ lệ khoảng cách từ vị trí giàn khoan 981 tới bờ biển VN và tới đảo này là 103 hl:132 hl (≈1:1,3) và 88 hl:153 hl (≈1:1,74) thì hai tỉ lệ này quá lớnso với tỉ lệ 1:3 trong vụ Nicaragua và Colombia vừa nêu. Đặc biệt 2 tỉ lệ này cũng lớn hơn nhiều so tỉ lệ điều chỉnh 15 hl:55 hl (≈1:3.7)[8]dành cho đảo Bạch Long Vĩ(có diện tích tương đương với Phú Lâm và nhất là thỏa mãn chế độ đảo của theo điều 121 UNCLOS) mà VN và TQ đã thoả thuận năm 2000. [9] Ngoài ra, đáng lưu ý rằng đảo Phú Lâm không có nước ngọt, phải nhờ vào việctích trữ nước mưa và nước ngọt đưa từ Hải Nam tới để sinh hoạt[10] cùng với điều kiện đất trồng thiếu thốn và cư dân tạm bợ như thị trưởng Tam Sa thú nhận như đã nêu. Do đó, khó có cơ sở để cho rằng nó có thể ‘duy trì được sự cư trú của con người và có đời sống kinh tế riêng’ để được hưởng quy chế đảo như quy định trong điều 121 UNCLOS như chúng ta giả định. Như vậy, khá chắn chắn đểnói rằng theo UNCLOS, tập quán và các án lệ quốc tế thì chỗ TQ đặt giàn khoan 981 (trước và sau) đều nằm trong EEZ của VN.
H.3: tỉ lệ khoảng cách từ 981 đến Phú Lâm và đến bờ biển đất liền VN 88:153 (hay tới đảo Lí Sơn 88:141) khó cho phép giàn khoan nằm trong EEZ, nếu có của đảo Phú Lâm.
Theo phân tích trên, rõ ràng TQ đã hết sức hồ đồ khi nói rằng dù “phân định ranh giới theo nguyên tắc gì, vùng biển này đều không thể trở thành vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.” Họ đã hoàn toàn phớt lờ luật pháp, thông lệ quốc tếvàngay cả luật pháp của chính họ[11]. Nếu TQ tin chắc rằng câuphát biểu này là đúng thì hãy rút lại tuyên bố ngày 25/8/2006 vể việc không chấp nhận các thủ tục giải quyết tranh chấp theo quy định của điều 298 UNCLOS[12], gác vấn đề chủ quyền để giải quyết sau và cùng VN ra tòaán quốc tế nhờ phân xử về hiệu lực của quần đảo HS để làm sáng tỏ ‘chính nghĩa’ của mình. Liệu TQ có dám thực hiện điều này không?

Phan Văn Song (CTV Quỹ NCBĐ)
Bài viết được sự góp ý của Dương Danh Huy (TV Quỹ NCBĐ)