Trích sách “Giải Mã Những Bí Ẩn của Chiến Tranh Việt Nam” của Bùi Anh Trinh )
Tại sao lại bỏ Pleiku, Kontum ?
Tài liệu của CIA : “Từ cuối tháng 12-1973 đến đầu tháng Giêng 1974 Tướng John Murray và ban tham mưu của ông đã làm việc ngày đêm để cố gắng tìm đáp số cho bài toán viện trợ quân sự. Nhưng mỗi lần họ tìm ra một giải pháp để giải quyết vấn đề thì lại phát sinh một vấn đề khác mà kết quả cũng chỉ đưa tới bí lối” ( Frank Snepp, Decent Interval, trang 95 ).
Cũng theo Frank Snepp, ngày 16-8-1974, John Murray họp buổi họp chót với Tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng; Tướng Đồng Văn Khuyên, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiếp vận và một số tướng lãnh của Bộ TTM. John Murray khuyên Tướng Viên nên liệu cơm gắp mắm, gấp rút lên kế hoạch sẵn sàng bỏ Vùng 1, Vùng 2, và cả Vùng 3 để về cố thủ Vùng 4. Tuy nhiên “Tướng Viên lẫn Tướng Khuyên đều nói rằng lên kế hoạch về quân sự thì được, nhưng về mặt chính trị thì không thể nào thi hành nổi”. Sau bổi họp này thì John Murray giải ngũ, trở về Hoa Kỳ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Bộ trưởng Bộ kế hoạch của VNCH thì ông đã tình cờ trông thấy bản kế hoạch “cắt đất theo lượng viện trợ” của Murray nằm trên bàn của Tổng thống Thiệu vào tháng 5 năm 1974, nghĩa là 2 tháng trước khi Nixon từ chức. Như vậy Murray chính là tác giả của kế hoạch bỏ Vùng 1, Vùng 2 vào năm 1975, một kế hoạch mà cho tới 39 năm sau người ta vẫn cho là sáng kiến ( tối kiến ) của Nguyễn Văn Thiệu.
Theo Tướng Cao Văn Viên, ngày 11-3 Tướng Thiệu mời các Tướng Khiêm, Viên, Quang ăn sáng tại dinh Độc Lập và sau đó trình bày ý định muốn cắt bỏ bớt lãnh thổ cho vừa với mức viện trợ quân sự của HK vào năm 1975. Tướng Viên ghi lại cảm nghĩ của ông lúc đó :
“Quyết định của Tổng thống Thiệu cho chúng tôi thấy đây là một quyết định ông đã suy xét thận trọng. Hình như Tổng thống Thiệu đã ngần ngại về quyết định đó, và bây giờ ông chỉ thổ lộ cho ba người chúng tôi trong bữa ăn sáng…”
“… Tổng thống Thiệu phác họa sơ : …Một vài phần đất quan trọng đang bị Cọng sản chiếm, chúng ta sẽ cố gắng lấy lại bằng mọi giá… …Ban Mê Thuột quan trọng hơn hai tỉnh Kontum và Pleiku nhập lại… …” ( Cao Văn Viên, The Final Collapse, bản dịch của Nguyễn Kỳ Phong, trang 129-131 ).
“…VNCH không còn hy vọng nào. Một thực tế gần như hiển nhiên là HK không muốn cuộc chiến tiếp tục, và biểu quyết viện trợ để VNCH đánh tiếp là chuyện sẽ không xảy ra. Đối với HK, cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc” ( trang 132 ).
Các đoạn trích dẫn trên đây đã giải thích vì sao Tổng thống Thiệu bỏ Kontum-Pleiku. Và vì sao Tướng Viên không nhiệt tình tham gia kế hoạch của Tướng Thiệu.
Tại sao không cho Mỹ biết ?
Tài liệu của CIA : “Lý cho Nicol biết ngày mai 14/3 tướng Phạm Văn Phú sẽ họp với tổng thống Thiệu tại Cam Ranh. Buổi họp được giữ kín và máy bay của tướng Phú sẽ đi Qui Nhơn trước để đánh lạc hướng. Lý hứa với Nicol có tin gì sau khi Phú đi họp về Lý sẽ cho hay” ( CIA và Các Ông Tướng, Bản dịch của Trần Bình Nam ).
Đại tá Lý là một điệp viên của CIA, được Tướng Cao Văn Viên đưa vào làm tham mưu trưởng của Tướng Phú. Lần này Tổng thống Thiệu muốn đánh lạc hướng theo dõi của CIA nhưng không ngờ mật thám của CIA đứng ngay sau lưng Tướng Phú. Do đó mưu tính đánh lạc hướng của TT Thiệu trở thành vô ích.
Tài liệu của Phạm Huấn : “Để bảo mật cho chuyến đi của ông Thiệu, nên đã không có một chuẩn bị nào tiếp đón ông và phái đoàn. Ngay cả một cái thang cao dùng cho loại máy bay lớn DC.6, DC.4 cũng không có.
Chiếc “biệt thự bay” tiến vào chỗ đậu. Một chiếc xe jeep được lái tới sát bên. Ông Thiệu và các tướng Khiêm, Viên, Quang lần lượt… “tụt” bằng đít khỏi chiếc DC.6 rồi bước lên mui xe !” ( Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên, trang 80 ).
Hồi ký của Đại tá Phạm Bá Hoa : Ngày 15-3-1975, ngay đầu giờ buổi làm chiều, điện thoại reo : “Đại tá Hoa tôi nghe”. – “Có ai ngồi gần anh không?” – “Dạ không, thưa Đại tướng”. Đó là Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cọng Hòa. Ông tiếp : “Tuyệt đối là anh không cho ai biết lệnh này ngoài những sĩ quan trách nhiệm thi hành”. – “ Vâng, tôi rõ thưa Đại tướng”… ….
Để giấu ai mà các nhà lãnh đạo VNCH phải khổ sở như vậy ? Chắc chắn không phải để che mắt báo chí hay CSVN, bởi vì che mắt báo chí hay CSVN thì không cần giấu CIA. Nhưng đằng này giấu cả CIA thì có nghĩa là không cho Mỹ biết.
Vấn đề còn lại là tại sao không cho Mỹ biết ? Câu trả lời là nếu Mỹ biết thì những người Miền Núi ở Tây Nguyên sẽ biết, và họ sẽ không để yên cho quân đội VNCH bỏ rơi họ.
Tài liệu The Final Collapse của Đại tướng Cao Văn Viên viết cho Ngũ Giác Đài là năm 1976, thuở đó còn nhiều sự thật chưa được phép tiết lộ, cho nên ông không giải thích vì sao các ông phải khổ sở giấu lén như vậy. Dĩ nhiên ít nhất trên đường đi từ Sài Gòn ra Đà Lạt rồi Cam Ranh Tướng Thiệu phải cho các tướng biết về ý đồ bỏ Cao Nguyên của ông và vì sao phải giấu người Mỹ : Đó là VNCH buộc phải bỏ rơi người Miền Núi.
Ngày nay lịch sử còn lại lời chứng của Tướng Phạm Duy Tất : Chuẩn tướng Tư lệnh phó Quân đoàn 2 Trần Văn Cẩm hỏi : “ Còn các tỉnh trưởng, lực lượng địa phương và dân chúng có tổ chức cho họ rút không?”. Phú trả lời: “Theo lệnh ông Thiệu, bỏ lực lượng này lại, không được thông báo cho các tỉnh trưởng, cứ để họ tiếp tục chống giữ. Khi chúng ta rút xong, ai biết thì biết. Địa phương quân toàn là người Thượng thì trả chúng về với cao nguyên” ( Văn Tiến Dũng, Đại Thắng Mùa Xuân, Việt Nam thư quán ).
Dĩ nhiên khi Tổng thống Thiệu ra lệnh bỏ người Thượng lại Cao Nguyên thì ông và các tướng cùng đi đều biết rằng lực lượng địa phương là 45 ngàn cựu Biệt kích Mỹ ( CIDG, Dân Sự Chiến Đấu ). Sau khi quân Mỹ rút đi thì 45 ngàn quân này trở thành Địa phương quân và Biệt động quân Biên phòng. Danh tính 4 liên đoàn Biệt động quân Biên phòng của Quân khu II xuất thân từ Biệt kích Mỹ là Liên đoàn 21, Liên đoàn 22, Liên đoàn 24, và Liên đoàn 25 BĐQ.
Người Mỹ và lực lượng chiến đấu người Miền Núi có quan hệ với nhau như thế nào mà Tướng Thiệu không muốn cho người Mỹ biết ? Tài liệu của Nguyễn Tiến Hưng ( sau nhiều cuộc phỏng vấn cựu Tổng thống Thiệu ) cho biết : “…năm 1960 khi CIA ( Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ ) và Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ gởi người lên Cao Nguyên tổ chức và võ trang dân Thượng chống CS Bắc Việt. Người Mỹ cung cấp dược phẩm, súng đạn, thực phẩm, và xử sự như giới trung gian giữa người Việt và người Thượng…” ( Bí Mật Dinh Độc Lập trang 444 )
Và : “Để bảo vệ an ninh cho cuộc rút lui này, ông Thiệu ra lệnh bảo mật tối đa, để các lực lượng địa phương, phần lớn là dân Thượng, không biết trước về vụ này.
Ngay sau khi 200 chiếc xe vận tải đầu tiên rời khỏi Pleiku đã được tung ra khắp tỉnh. Đám người Thượng thấy mình bị bỏ rơi bèn quay mũi súng về đoàn quân đang tháo lui…” ( trang 449 ).
Vậy thì đã rõ, nguyên nhân của việc tạm giấu người Mỹ là vì người Mỹ có trách nhiệm với các dân tộc Miền Núi cho nên họ sẽ không chấp nhận chuyện bỏ rơi người Miền Núi, chắc chắn họ sẽ thông báo cho các lực lượng cựu Biệt kích Mỹ biết để họ tự lo cho dân tộc của họ. Dĩ nhiên một khi các lực lượng vũ trang của người Miền Núi tự lo thì chỉ còn có cách là bắt giữ các sĩ quan và công chức người Kinh làm con tin, để làm áp lực buộc chính phủ Sài Gòn không được bỏ rơi họ.
Tài liệu của Nguyễn Tiến Hưng cho biết sáng ngày 16-3 thì người Miền Núi biết tin VNCH rút khỏi Cao Nguyên. Nhưng nếu so lại với tài liệu “CIA and The Generals” của CIA thì mới lòi ra sự thật đau lòng : Sáng ngày 15-3 chính Lê Khắc Lý báo cho người Mỹ biết kế hoạch mật của VNCH và sau đó người Mỹ đã báo cho lực lượng vũ trang của người Miền Núi biết. Mọi chuyện trở nên loạn là từ lúc này; loạn tại Kon Tum, loạn tại Pleiku, loạn tại Phú Bổn, loạn trên LTL.7 …
Kế hoạch của Tổng thống Thiệu và kế hoạch của Tướng Phú chủ yếu dựa trên yếu tố bí mật và bất ngờ. Thế nhưng hành vi phản bội của Lê Khắc Lý đã làm đảo lộn tất cả, cuộc rút quân đã biến thành cuộc chạy loạn.
Lực lượng vũ trang của người Miền Núi
Liên đoàn 22 BĐQ tại Kon tum do Trung tá Bùi Văn Huấn chỉ huy, nhưng liên đoàn này có nguồn gốc là 3 tiểu đoàn cải tuyển từ Lực lượng Biệt kích Mỹ, tất cả gia đình của họ đều sinh sống tại Kontum và Pleiku cho nên họ không có lý do gì để di tản. Họ phải ở lại buôn làng của họ. Đây là một đòi hỏi chính đáng và hợp lý. Nhưng một khi đòi hỏi của họ không được thỏa mãn thì sẵn súng trong tay họ phải dơ súng ra để làm áp lực, và cuối cùng trong cơn tức giận họ đã thanh toán các cấp chỉ huy người Kinh để trị tội đã bỏ rơi các dân tộc Miền Núi.
Cùng có nguồn gốc như Liên đoàn 22 BĐQ là Liên đoàn 21, 24, 25. Nhưng Liên đoàn 21 BĐQ do Trung tá Lê Quý Dậu chỉ huy đã cởi áo tan hàng tại Phước An, Ban Mê Thuột vào ngày 16-3. Trong khi đó Liên đoàn 24 BĐQ do Trung tá Hoàng Kim Thanh chỉ huy, bị kẹt lại Quảng Đức sau khi BMT thất thủ cho nên binh lính trong Liên đoàn nghe theo Trung tá Thanh (và sau đó là Thiếu tá Vũ Mộng Long ), đưa toàn Liên đoàn về Bảo Lộc để rồi hy vọng sẽ theo đoàn quân tái chiếm BMT. Còn Liên đoàn 25 BĐQ do Đại tá Đặng Hưng Long chỉ huy cũng là một Liên đoàn Biệt kích cải tuyển, được dự trù sẽ đi trong ngày chót của kế hoạch di tản. Nhưng đến giờ cuối Liên đoàn tan hàng tại Thanh An, phía Tây của Pleiku.
Ở đầu đoàn di tản có Tiểu đoàn 34 của Liên đoàn 6 BĐQ của Trung tá Khánh. Đây là Liên đoàn trừ bị của TTM tại Sài Gòn, hầu hết là người Sài Gòn, Tây Ninh. Trong tháng 3 năm 1975 BCH Liên đoàn 7 BĐQ cùng 2 tiểu đoàn trực thuộc từ Pleiku di chuyển xuống Bắc Bình Định để trấn giữ đèo Bình Đê thay thế cho Liên đoàn 4 BĐQ , chỉ còn Tiểu đoàn 34 BĐQ trụ lại ở Trung Nghĩa để tiếp tục trấn giữ Quốc lộ 19, cách Pleiku khoảng 20 cây số. Tại Trung Nghĩa lúc đó còn có 1 Thiết đoàn Kỵ binh đang chuẩn bị hành quân giải tỏa Quốc lộ 19 đang bị CSVN chiếm đóng tại đèo An Khê. Trong ngày đầu di tản, Tiểu đoàn 34 BĐQ do Thiếu tá Trịnh Trân chỉ huy được lệnh theo Thiết đoàn Kỵ binh di chuyển về Pleiku rồi xuống Phú Bổn.
Ở giữa đoàn di tản có Liên đoàn 7 BĐQ do Đại tá Nguyễn Kim Tây chỉ huy, là Liên đoàn trừ bị của TTM tại Sài Gòn cho nên binh sĩ trong Liên đoàn trở thành lực lượng chính để giữ gìn an ninh trật tự cũng như bảo vệ an ninh cho đoàn di tản. Ở cuối đoàn quân có Liên đoàn 4 BĐQ do Đại tá Vũ Phi Hùng chỉ huy cũng là Liên đoàn trự bị của Bộ TTM tại Sài Gòn. Liên đoàn 4 có gốc gác là Liên đoàn chủ lực của Quân khu 4 cho nên đa số binh sĩ là người Miền Tây Nam Bộ.
Trách nhiệm an ninh trục lộ cho đoàn di tản tại Phú Bổn được giao cho Liên đoàn 23 BĐQ do Đại tá Lê Tất Biên chỉ huy. Liên đoàn này xuất thân từ tiểu đoàn BĐQ đầu tiên được thành lập tại Cao Nguyên, hầu hết binh sĩ là người Kinh, gia đình, thân nhân sinh sống tại Pleiku, Kontum. Liên đoàn lên đường cùng với Lữ đoàn 2 Thiết giáp vào ngày đầu của chiến dịch nhưng sĩ quan và binh sĩ chỉ nhận được lệnh là hành quân xuống Phú Bổn để từ đó đánh qua Khánh Dương, tái chiếm Bam Mê Thuột.
Ban đầu Đại tá Biên đã cho bố trí Tiểu đoàn 11 BĐQ tại đèo Tu Na, Tiểu đoàn 23 tại đèo Tử Sĩ, Tiểu đoàn 22 đóng ở phía Tây thị xã Hậu Bổn để bảo vệ toàn bộ thị xã. Nhưng trong đêm 17-3 binh sĩ của Liên đoàn biết được tin Pleiku, Kontum di tản trong khi gia đình của họ đang còn kẹt ở lại cho nên họ nổi loạn uy hiếp các xe quân vận phải chở họ trở lại Pleiku. Đại tá Lê Khắc Lý đích thân tới giải quyết nhưng bị binh sĩ BĐQ đòi bắn nên ông ta rút lui về báo cáo cho CIA tại Sài Gòn là thị xã Hậu Bổn đã hỗn loạn vô phương cứu vãn (sic).
Ngoài các liên đoàn BĐQ, tại Phú Bổn còn có các tiểu đoàn và đại đội ĐPQ, tất cả đều là người Miền Núi, cũng có nguồn gốc từ các đại đội Biệt kích Mỹ. Khi biết được quân đội VNCH sẽ bỏ Cao Nguyên thì họ rất tức giận, cho rằng người Kinh đã phản bội họ, cho nên có một số đã xả súng bừa vào đoàn di tản để trút hận.
Tại Sài Gòn, một nhà báo nổi tiếng của Pháp là Paul Leandri đã nhanh chóng loan tin tàn sát cấp chỉ huy người Kinh ra toàn thế giới cho nên ông ta bị bắt ngay và bị bắn chết trong một đồn cảnh sát. Cơ quan CIA (Frank Snepp) loan tin rằng ông ta bị bắn do chạy ra một chiếc xe toan trốn khỏi nơi bị giam. Tuy nhiên không ai tin rằng một nhà báo gạo cội lại ngu xuẩn đến như vậy. Chính tin tức mà ông muốn loan đã hại ông ta :
Sở dĩ Leandri bị giết bởi vì trong khi mà 3 Liên đoàn Biệt Động Quân gốc Biệt kích Mỹ thanh toán các cấp chỉ huy người Kinh thì cùng lúc đó, tại Sài Gòn, cơ quan CIA đang cho thì hành kế hoạch di tản người Mỹ ra khỏi Việt Nam. Nhưng tin tức của Paul Leandri nếu được lan truyền sẽ tạo thành một làn sóng tâm lý, rủ nhau thanh toán người Mỹ một khi các quân nhân Việt Nam thấy người Mỹ bỏ chạy. Nhất là các quân nhân thuộc Lực Lượng Đặc biệt Việt Nam; họ sẽ suy ra ai đã lập ra Lực lượng Biệt kích Mỹ mà rốt cuộc thì đồng đội của họ phải nhận lãnh mọi sự trả thù của các quân nhân người Thượng. Và nay tới phiên người Mỹ rút chạy thì họ cũng sẽ bị thanh toán. Đó là ngón đòn dành cho kẻ phản bội.
Theo biên bản xét nghiệm tử thi của bệnh viện Grall thì Leandri bị bắn bằng một phát đạn kê sát mang tai bắn lên. Và theo một bài tùy bút của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích thì Leandri bị Đại tá cảnh sát Phạm Kim Qui bắn chết rồi bắt Việt Tấn Xã phải loan tin theo như báo cáo của đồn cảnh sát.
Cũng theo sách của Frank Snepp thì giám đốc CIA tại Sài Gòn là Polgar đã được Đại sứ Pháp gọi đến Tòa đại sứ Pháp vào giữa khuya hôm đó để “nói chuyện phải quấy”. Điều này chứng tỏ CIA là người chịu trách nhiệm về cái chết của Leandri chứ không phải là Đại tá Phạm Kim Qui. Ông Qui chỉ là người thừa hành.
BÙI ANH TRINH