26 tháng 3, 2016

Chuyện Một Thời Khói Lửa Chiến Chinh! Trung Tá Bùi Đức Lạc



  

Di ảnh Cố Đại Úy Nguyễn Văn Đương


Trung Tá Bùi Đức Lạc Kể Về Cái Chết Của “Người Anh Hùng Mũ Đỏ Tên Đương”

Trung Tá Bùi Đức Lạc kể: “Lúc Nguyễn Văn Đương chết, tôi đang bay trên trời ngay trên đầu Nguyễn Văn Đương, nên tôi biết rất rõ, tại sao Nguyễn Văn Đương chết và chết như thế nào! Nguyễn Văn Đương là Pháo Đội Trưởng Pháo đội B3 Nhẩy Dù.

Trong căn cứ của anh, hiện có một pháo thủ là anh Đào Văn Thương, có thể đang có mặt tại đây, sau này là Mục Sư Đào Văn Thương. Những người trong căn cứ 31 hiện giờ không còn ai ở đây, nhưng các pháo thủ có mặt trong trận Hạ Lào, thì có Thiếu Tá Đào Kim Trọng (Pháo Đội Trưởng Pháo Đội A.3 Dù), Thiếu Tá Lý Kim Điền (Pháo Đội Trưởng Pháo Đội C1 Dù), Nguyễn Kim Việt (Pháo Đội Phó Nhảy Dù) và Pháo Đội Trưởng Pháo Đội C3 là Đại Úy Bành Kim Trí. Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh có một Pháo Đội 155 ly của Đại Úy Trương Như Hy, đóng tại căn cứ 30.

Ngày mà chúng tôi nhận được tin Trung Tướng Đỗ Cao Trí chết tức là ngày 21-2, ngày mà căn cứ chúng tôi bị pháo khoảng 2.000 trái đạn. Đạn dược trong trận Hạ Lào, tụi Việt cộng rất là dư thừa, nhưng mình rất là khan hiếm nó ngược lại như vậy, và các súng tối tân của nó cũng trên mình hết, tức là các súng 130 ly và hỏa tiễn.

Ở miền Nam chúng ta chỉ bị pháo hỏa tiễn 122 ly, cùng lắm là 2 nòng mà thôi. Nhưng sang Hạ Lào, chúng dùng 6 nòng, bắn một lúc 6 trái và nó bắn không bao giờ dưới 6 tràng, tức là không bao giờ dưới 60 trái; đạn dược của nó dư dả như vậy, nên căn cứ 31 của chúng tôi bị pháo khoảng 2.000 trái đủ các loại đạn. Nhưng thật sự, chúng ta ở trong Pháo Binh biết, nếu mà 2.000 trái mà trúng căn cứ, thì chắc chúng tôi thành bụi hết rồi.

Nó pháo 2.000 trái chỉ trúng căn cứ tối đa là 10 trái; cũng may như thế mà giờ đây tôi có dịp trình bày với quý vị. Không có ngày nào nó pháo dưới 1.000 trái, nhưng đa số ra ngoài căn cứ hết. Hôm 21, khi nó tấn công căn cứ 31, thì chúng tôi bị pháo như thế và căn cứ 30 cũng bị pháo tương tự. Ngày 24, là ngày căn cứ 31 bị thất thủ, tôi và Đại Tá Lưỡng, không biết ai xin, nhưng khi máy bay trực thăng đáp xuống thì hai chúng tôi phải lên máy bay đi.

Chúng tôi đang bay quan sát cho Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù, lúc đó Tiểu Đoàn 8 và một Thiết Đoàn đang đụng độ với sư đoàn 320 Việt cộng. Ở bên các cánh quân khác như Lữ Đoàn 3, chỉ bị một sư đoàn tấn công, còn riêng Lữ Đoàn 1, ba Tiểu Đoàn Dù bị ba sư đoàn tấn công ngày đêm, không có lúc nào mà không có đơn xin tác xạ trên hệ thống tác xạ hết, thành ra trong trận Hạ Lào, anh em chúng tôi không bao giờ có một giấc ngủ trọn vẹn 10 phút, kể cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi đang bay quan sát trên không phận của Tiểu Đoàn 8, thì căn cứ 31 bị tấn công rất mạnh, tấn công giữa ban ngày.

Tất cả những trận đánh tại căn cứ 31 đều diễn ra ban ngày hết. Ban đêm chỉ là đặc công đánh nhỏ mà thôi. Khi nó tấn công thì từ chỗ tôi đang bay, nhìn qua căn cứ 31, chỗ Đương đang đụng trận, thì thấy những chiến xa của Việt cộng lờ mờ không thấy rõ, tôi ước lượng khoảng 10 chiến xa. Lúc đó Nguyễn Văn Đương gọi cho tôi nói ‘Nó đông lắm anh ơi!’. Tôi hỏi: ‘Tình trạng bây giờ như thế nào?’.

Đương cho biết: ‘Lủng tuyến rồi anh ơi!’. Tôi nhìn đồng hồ khoảng 2 giờ 50 chiều. Vào khoảng 3 giờ thiếu 10, Nguyễn Văn Đương gọi nói: ‘Em chỉ còn hai cây súng bắn được thôi’, và sau đó Đương nói, ‘Em chỉ còn một cây súng bắn được thôi. Tức là 5 cây hư, chỉ còn độc nhất một cây’. Khoảng 4 giờ, Đương cho tôi biết là, ‘Chiến xa địch đang nằm trên đầu em’.

Lúc đó Đương đang ở dưới hầm và qua máy liên hợp, tôi nghe Đương nói với một nhân viên của anh: ‘Băng cho tao, máu ra nhiều quá rồi’. Lúc bấy giờ tôi mới biết tay phải của Nguyễn Văn Đương đã bị rớt rồi và chân Đương cũng bị trúng đạn, nhưng Đương vẫn bình tĩnh nói với tôi: ‘Em lên đạn bằng cái kiểu ngày xưa đó, tức là súng Col của Đương, Đương phải dùng tay phải tỳ vô cái dây nịt bụng mà lên đạn, không thể lên đạn bằng hai tay được nữa.

Khoảng 4 giờ hay 4 giờ 05 thì Đương nói: ‘11 ơi, em không liên lạc với 11 nữa, vĩnh biệt 11!’ và rồi tôi không nghe gì nữa.

Tôi nghĩ lúc đó Đương đã vĩnh biệt tất cả đồng đội. Trước khi chết, Đương cho tôi biết, anh chỉ còn có hai viên đạn cuối cùng trên nòng súng mà thôi! Và đó là cái chết của Nguyễn Văn Đương trên mặt trận Hạ Lào. Sau đó khoảng 5 phút, Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 gọi cho tôi nói: ‘11 làm ơn bắn ngay trên đầu tao đi’. Trên máy bay tôi cho lệnh tất cả các pháo đội sử dụng đạn nổ CVT, dù sao tôi cũng sợ bắn đạn thường rơi vào hầm hố của quân mình, nên tôi dùng đạn CVT.

Khai hỏa vào khoảng 4 giờ 15, thì tất cả 4 pháo đội đồng khai hỏa bắn vào căn cứ 31 và bắn giết cả bạn lẫn thù, lần đầu tiên trong đời pháo thủ của tôi! Khi tôi vừa ra lệnh bắn, thì Đại Tá Lưỡng và tôi cùng cả phi hành đoàn đều bật khóc. Đó là cái chết của Đại Úy Nguyễn Văn Đương và Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù tại mặt trận Hạ Lào!

18/03/2016

Trung tá Bùi Đức Lạc

Tháng Ba Chôn Súng - Mũ Xanh Lê Khắc Phước ĐĐ2/TĐ7/LĐ147/TQLC



Cứ mỗi tháng Ba về, lòng tôi lại chùng xuống, phải nói là buồn đau, cay đắng, ngậm ngùi đến tận cùng tim gan mỗi khi nhìn thấy những hình ảnh đau thương đập vào mắt tại bãi biển Thuận An vào những ngày 25, 26, 27 hay tại bờ biển Đà Nẵng ngày 28, 29 tháng 3/1975.

Đã 39 năm trôi qua, đã có quá nhiều bài viết về những ngày cuối tháng 3/1975 tại bãi biển Thuận An. Tôi không muốn lập lại nhưng với cương vị là Trung Úy, ĐĐP/ĐĐ2, TĐ7, LĐ147/TQLC, là lữ đoàn bị kẹt lại trên bãi biển Thuận An, tôi xin ghi lại những gì mắt thấy, tai nghe cùng suy nghĩ của mình về những ngày chiến đấu tới tận cùng sức sống của TĐ7/TQLC mà Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Phạm Cang, Tiểu Đoàn Phó là Thiếu Tá Lê Quang Liễn, cả 2 vị đều xuất thân từ Khóa 20 Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

Viết để thấy rõ hơn là trong trận đánh cuối cùng đó của TĐ7/TQLC, chúng tôi đã chiến đấu với ai, với 1 đại đội du kích Việt Cộng hay là chiến đấu với cấp tiểu đoàn, trung đoàn chính quy Bắc Việt với hỏa tiễn tầm nhiệt AT3 cùng với chiến xa T54 yểm trợ…
 
Phu Hieu Su Doan Thuy Quan Luc Chien Viet Nam Cong Hoa
 
Khoảng 5 giờ chiều ngày 19/3/1975, trời nhá nhem tối, tôi là đại đội phó ĐĐ2/TĐ7 TQLC, bàn giao vị trí phòng thủ cho 1 trung úy đại đội trưởng đại đội Biệt Động Quân. Đi theo tuyến phòng thủ dưới cơn mưa phùn gió bấc của tháng 2 âm lịch tại miền núi rừng miền Trung, lạnh cắt da, miệng đánh bò cạp. Tôi hỏi ông về khả năng tham chiến thì được biết quân số của đại đội ông là khoảng 80, mới đụng nặng trở về nên quân số chưa bổ sung kịp. Như vậy là gay cấn rồi đây, quân số của ông vừa đủ trám tuyến cho 2 trung đội TQLC chúng tôi.


Tieu Doan 7 Hum Xam TQLC

Tôi hướng dẫn cho ông hệ thống phòng thủ, giao thông hào hình chữ Z, hầm hố cá nhân, những vị trí đặt súng nặng đại liên M60, những hầm hàm ếch dưới giao thông hào sâu gần 2 mét để tránh pháo 130 ly và hỏa tiễn 122 ly. Tuyến phòng thủ là một đồi đá nhiều hơn đất, muốn lấy nước là phải theo những con đường đặc biệt từ trên đồi xuống thông thủy. Bàn giao cả những vị trí gài bẫy, gài mìn claymore, lựu đạn và có cả những vọng gác giả, lính giả để nghi binh… Ban ngày thấy vậy nhưng không phải vậy, ban đêm mà mò vào là biết thế nào là TQLC phòng thủ, biết thế nào là Sinh Bắc Tử Nam ngay… Bàn giao cho ông những hỏa tập tiên liệu trên bản đồ. Coi chừng bị bắn sẻ. Riêng 2 cái máy sensor để dò tiếng động thì chúng tôi phải đem theo. Khoảng 8 giờ tối thì chúng tôi mới bàn giao xong. Tôi chúc ông may mắn ở lại, còn chúng tôi từ giã Quảng Trị Anh Hùng…

TĐ7/TQLC được lệnh rút về lập Tuyến Đỏ tại đèo Hải Vân. Mỗi sĩ quan nhận 10 tấm bản đồ trải dài từ Quảng Trị đến Đà Nẵng. Từ khi tình nguyện về TQLC, đây là lần đầu tiên tôi nhận một số bản đồ nhiều kỷ lục cho một cuộc hành quân. Chúng tôi thống nhất đánh số xấp bản đồ từ 1 đến 10 và mỗi bản đồ đều có những soát điểm, di chuyển đến đâu là phải báo cáo cho BCH/TĐ biết để kịp thời yểm trợ. Kèm theo đó còn có những hỏa tập tiên liệu… tất cả đều được mã hóa, VC có bắt được tần số của chúng tôi thì cũng mù vì chỉ có sĩ quan mới có tập giải mã này. Nói đến đây không thể không nhắc đến Thiếu Tá Lê Quang Liễn, TĐP/TĐ7, ông là người soạn ra tập mã hóa này, tất cả đều bằng số, và các sĩ quan cũng như hiệu thính viên đều phải cố gắng nhớ càng nhiều càng tốt…
 
Cầu An Lỗ trước 1975

Ngày 20/3/1975, đơn vị tôi rút về đóng quân tại cây số 17, nhiệm vụ là bảo vệ cầu An Lỗ để bảo đảm an ninh lộ trình cho Lữ Đoàn 369 của Tr/Tá Nguyễn Xuân Phúc đi chuyển qua rồi mới tới TĐ7 sẽ rút sau cùng theo chiến thuật cuốn chiếu. Tôi còn nhớ rõ là sáng hôm đó tôi đã đứng nghiêm chào khi Thiếu Tá Lâm Tài Thạnh, TĐT/TĐ9 đi ngang qua cầu. Ngồi trên xe ông chào lại và mỉm cười. Ông và tôi quá quen thuộc vì trước đó không lâu ông là TĐP/TĐ7 và tôi là ĐĐP/ĐĐ2/TĐ7, cùng chung cánh B do ông chỉ huy.

Ngày 21/3/1975, thật là bất ngờ khi được Thiếu Tá Phạm Cang cho tôi 6 giờ phép về thăm gia đình. Bất ngờ là vì suốt hơn 2 năm hành quân ở Quảng Trị, qua 2 đời TĐT, Th/Tá Nguyễn Kim K16 VB rồi Th/Tá Phạm Cang K20 VB, qua 2 cái Tết, tôi chưa bao giờ được cấp 1 giờ phép, mặc dù gia đình tôi ở Huế, chỉ cách nơi tôi hành quân khoảng 50 cây số…
 

Thiếu Tá Phạm Cang, TĐT/TĐ7 TQLC @ tqlcvn.org
 
Cầm tờ giấy phép trong tay, tôi đu theo chiếc GMC tiếp tế trên đường trở về hậu trạm ở Mang Cá và về đến nhà khoảng 11 giờ sáng. Đến 12 giờ trưa thì ba tôi đi làm về, tôi cùng gia đình ăn một bữa cơm sau hơn 2 năm xa cách từ ngày ra trường (15/12/1972). Ba tôi làm việc tại Viện Đại Học Huế, ông cho tôi biết là tất cả nhân viên đã sẵn sàng di tản vào Đà Nẳng khi có lệnh. Khoảng 1 giờ trưa, từ giã gia đình, tôi đi xe Honda qua Bưu Điện Huế để gọi điện thoại về cho “em gái hậu phương” ở Sài Gòn. Tôi chỉ cho biết là tôi sẽ đi thăm chú K. (chú K. là chú của tôi đang dạy học tại Đà Nẵng). Nói chuyện được 5 phút, phải ngưng, nhường cho người khác vì người chờ để gọi quá đông. Có một ông nhận là ký giả hỏi tôi là có gởi hay nhắn gì về Sai Gòn không, ngày mai ông sẽ về SG. Tôi cám ơn ổng vì chẳng có gì để gởi.

Lại leo lên xe Honda ra bến xe để trở lại nơi hành quân. Hơn 2 năm trời được 6 giờ phép vể thăm cha mẹ ngay trong vùng hành quân! Những ai không ở trong hoàn cảnh lính chiến trên địa đầu giới tuyến thì tưởng đó là chuyện đùa, chính tôi cũng tưởng đùa, nhưng mà là thật. Không phải cấp chỉ huy làm khó thuộc cấp, chúng tôi, từ trên xuống dưới đều thế cả, vì nhiệm vụ mà phải hy sinh, vì tụi VC xâm lăng muốn “làm khó, làm khổ” đồng bào.

Ba giờ chiều, ra đến vị trí đóng quân, thì một ngạc nhiên khác lại đến với tôi, đó là đơn vị của tôi đã không còn ở chỗ cũ như hồi sáng nữa mà đã hành quân trở ra lại Quảng Trị rồi!.

Ngày 22/3/1975, một ngày khá yên tĩnh, khoảng 8 giờ sáng, toán tiền đồn báo về là từ hướng Quảng Trị có một số quân và dân đang di chuyển về tuyến chúng tôi. Tôi được lệnh là chận tất cả lại. Hỏi chuyện một Trung Úy Địa Phương Quân thì được biết là quân chính quy Bắc Việt rất đông cùng với nhiều chiến xa đã chiếm Quảng Trị, nơi mà mấy ngày trước, TQLC vừa bàn giao tuyến lại cho BĐQ và ĐPQ.

Đến chiều thì địch xuất hiện, ngang nhiên như chỗ không người, họ đâu có ngờ là TQLC vẫn còn đây, và được chúng tôi tiếp đón rất nồng hậu bằng hỏa lực cơ hữu cùng với 1 M41 tăng phái. Địch rút.

Ngày 23/03/1975, một ngày khá căng thẳng, 2 bên gờm nhau, địch biết ta, ta biết địch nhưng 2 bên đều án binh bất động. Hai bên đều đánh hơi được là thế nào cũng sẽ có 1 cuộc thư hùng xa xảy ra nhưng chưa biết sẽ xảy ra khi nào thôi. Gọi pháo binh không được, không biết tại sao. Từ khi tôi làm ĐĐP, luôn luôn có 1 Thiếu Úy “đề lô” thuộc pháo binh cơ hữu của TQLC đi với tôi nhưng mấy ngày gần đây không còn thấy nữa. Đã 3 tháng nay, sĩ quan “đề lô” của pháo binh TQLC đi với tôi là Thiếu Úy Lê Hạ Huyền. Tôi nhớ rõ họ tên vì ông T/U Huyền là bà con với tôi, tôi gọi ông bằng chú măc dù tuổi ông nhỏ hơn tôi.

Ngày 24/03/1975, tôi nằm trên tuyến với 3 Trung Đội 1, 2 và 3. Cả 3 trung đội dàn hàng ngang nằm trên những đụn cát, chỉ có những bụi dương liễu cao khoảng nửa mét, không có chỗ ngụy trang. Xin nói thêm là trong giai đoạn lính tổng trừ bị TQLC “được” làm lính địa phương, đối phó với giặc có chiến xa thì quân số của một đại đội TQLC trung bình là 160, bao gồm một tiểu đội chống chiến xa (TĐCCX). Mỗi quân nhân trong TĐCCX ngoài 1 cấp số đạn M16 còn mang 3 khẩu M72. Tức là mỗi đại đội TQLC có hơn 30 khẩu M72, một loại vũ khí diệt tank hữu hiệu vào thời điểm đó.

Hôm ấy khoảng 10 giờ sáng mà trời vẫn còn sương mù dày đặc, tầm nhìn rất giới hạn, toán tiền đồn báo là có tiếng của chiến xa (CX) nhưng chưa xác định được loại nào vì chưa thấy rõ. Mặt trời từ từ xuyên thủng màn sương mù dày đặc và chúng tôi đã thấy chiến xa địch xuất hiện, 1 rồi 2, rồi 3, rồi 4, rồi 5 chiếc T54 với bộ binh tùng thiết, dàn hàng ngang tiến thẳng về hướng phòng thủ của đại đội tôi. Tôi gọi máy báo cho ĐĐT là Đại Úy Ngô Kim Anh biết tình hình và xin pháo binh yểm trợ. Tôi gọi pháo binh, cho tọa độ. Tràng đầu tiên hơi xa, tôi điều chỉnh gần lại 50, vẫn còn xa, gần lại 50 nữa thì đạn đã nổ chụp ngay trên đội hình của địch. Địch bắt đầu dừng lại, lúng túng rồi hoảng hốt, địch chưa thấy ta. Yếu tố bí mật và bất ngờ đang nằm phía ta. Lệnh đại đội cho tôi chơi ống thổi lửa (M72) nhưng chưa cần thiết, một khi phóng M72 ra là phải chắc ăn, “cua phải bị nướng”, phải chờ chúng tới thật gần, nhất 9 nhì bù, CX còn ở xa, không trúng mục tiêu mà vị trí của mình bị lộ thì… với hỏa lực của T54, một khẩu đại bác 100 ly cộng với đại liên nó mà quạt lại thì tiêu, TQLC sống hùng, sống mạnh nhưng chắc là không sống lâu.

Cái hấp dẫn, hồi hộp, căng thẳng, bình tĩnh, sống chết trong đường tơ, mạng của hằng trăm lính trên tuyến đối diện với CX địch chính là tùy thuộc vào cấp chỉ huy lúc này đây. Lúc này đây, tôi không nghĩ gì đến cha mẹ tôi ở Huế, ngừơi yêu ở Saigòn, em hậu phương ở Đà Lạt, những nụ cừoi duyên BTX sáng Chúa Nhật trên khu phố Hòa Bình, nhà Thủy Tạ v.v… mà là mạng sống của anh em tôi, của tôi trứơc họng súng 100 ly của T54.

Tôi còn nhớ thời gian TĐ7 về “hấp” ở TTHL Đống Đa tại Phú Bài, trong 1 buổi huấn luyện và thực tập bắn M72, tôi được chỉ định bắn M72 cho quân nhân trong ĐĐ xem. Với cự ly 150 mét, trời nắng, gió nhẹ, tầm quan sát rõ, tôi đã bắn bay mục tiêu là 3 cái thùng phuy tượng trưng cho T54. Đó là kết quả của những ngày thao trường đổ mồ hôi, công sức huấn luyện của các Đ/Úy Tôn, Đ/U Nhồng, Đ/U Thái, Đ/U Dục … Xin thành thật cám ơn quý vị, nhờ các vị huấn luyện đã tạo cho tôi niềm tự tin trứơc họng súng CX T54, tôi sẽ chờ chúng tới thật gần, vào tầm hủy diệt 99% của súng chống CX M72.
 

Chiến xa T54 của CSBV bị bắn cháy

 
Chúng tôi quyết ém quân chờ chiến xa địch, lọt ăn, không lọt đền, phải tương đối chắc ăn mới khai hỏa. 200 mét, rồi 180 mét, rồi 150 mét, tôi ra hiệu cho TĐCCX chuẩn bị, sẵn sàng rút chốt an toàn của M72. T54 cùng bộ binh tùng thiết rõ dần dần, mặc quần áo kaki Nam Định, đầu đội nón cối, tất cả đều ngụy trang bằng những cành dương. Pháo binh vẫn rót vào vị trí địch, 1 tràng, 2 tràng, 3 tràng… Bùm! Bùm! Bùm! Khói lửa mịt mùng, 1 T54 đã bị trúng đạn pháo binh, 2 chiếc bị trúng M72, bộ binh tùng thiết bắt đầu rụng, địch nao núng rồi chuyển hướng chạy về phía rừng dương ẩn núp. Nhưng khốn khổ cho chúng là nơi đó có Trung Đội 2 phòng thủ được tăng cường chiến xa M41. Tôi nhìn ra đàng sau thì thấy đại đội trưởng đang bàn luận với Thiếu Tá Lê Quang Liễn, Tiểu Đoàn Phó, ông là người chỉ huy trực tiếp cánh B. Mỗi lần đụng trận, ông luôn có mặt tại tuyến đầu với tụi tôi. Đó là cách đánh giặc của VB/TQLC.

Ta và địch gần như “sáp lá cà”, không dùng PB được nữa, TQLC và M41 trực diện với T54 và VC tùng thiết! Thiệt hại cả hai bên, chiến trường là thế, địch chết la liệt thì anh em TQLC chúng tôi cũng thiệt hại không ít. Nhưng biết làm sao hơn, chúng tôi đã tận dụng những gì học hỏi được ở quân trường và kinh nghiệm chiến trường, đã tận lực sức người và khả năng chỉ huy để giảm thiểu thiệt hại cho đồng đội và quan trọng hơn, chúng tôi vẫn đứng, thuộc cấp thấy chúng tôi vẫn đứng, đó là điều trường Mẹ không hổ thẹn có những đứa con như thế, như thế.

Đến chiều tối thì được lệnh rút, mang theo thương binh tử sĩ, bỏ mặc vũ khí chiến lợi phẩm, súng ta còn mang không hết thì mang theo “củi” của địch làm gì? Súng không đạn là củi. Mang theo “củi” để kể công để thượng cấp cho ADBT! Địch cũng án binh bất động.
 

Thiếu tá Lê Quang Liễn, TĐP/TĐ 7 TQLC @ 
tqlcvn.org

Đêm 24/3/1975, khoảng 12 giờ khuya, trên đường lui binh, chúng tôi lại bắn cháy 1 chiến xa, không phải T54 mà là M41 của ta. Không phải bắn lầm đơn vị bạn vì tối trời mà cố tình bắn vì M.41 đã hết xăng, phải dùng M72 để bắn cháy M41 sau khi đã thảy vào pháo tháp 2 trái lựu đạn. Dứt khoát không để lọt vào tay địch.

Khoảng 2 giờ sáng, trên đường rút quân, Thiếu Tá Lê Quang Liễn gặp tôi, ông và tôi im lặng xiết tay nhau như chúc mừng nhau còn sống, rồi chụm đầu trên tấm bản đồ dưới ánh đèn pin trong M113 để xác định…, ông dặn tôi nhớ chuyển thương binh nặng ưu tiên đi trước, vì có tín hiệu báo cho biết địch đang áp sát theo sau.
 
Bản đồ khu vực cửa Thuận An

Ngày 25/3/1975, khoảng 8 giờ sáng TĐ7/TQLC về tới cửa Thuận An, ở đây đã có rất đông dân chúng cùng các đơn vị bạn khác trong tình thế vô cùng hỗn độn mà chắc chắn có du kích và đề-lô PB địch trộn vào, sẽ vô cùng nguy hiểm khi có súng nổ hay làm mục tiêu cho pháo địch, vì thế Th/Tá Phạm Cang cho lệnh tiếp tục di chuyển dọc theo bờ biển xuôi về phía Nam để bắt tay với đơn vị đi trước là TĐ4/TQLC của Th/Tá Đinh Long Thành K19. Vì TĐ7 là tiểu đoàn đoạn chiến, đi sau cùng trong hệ thống chỉ huy của Lữ Đoàn 147/TQLC được lệnh lui về Đà Nẵng theo lộ trình dọc theo bờ biển Thuận An rồi vượt qua cửa Tư Hiền để vào Đà Nẵng, nếu không có tàu HQ vào bốc.

Đến trưa, gặp TĐ4/TQLC, tiểu đoàn cho lệnh dừng quân, lập tuyến phòng thủ ngay trên các đồi cát.
 
Vị trí của các TĐ TQLC

Nhìn lại phía sau, chúng tôi thấy cả một đám đông, rất đông bám sát theo sau chúng tôi. Thật là cảm động và xót thương cho đồng bào tôi, nhưng “tình dân quân cá nước” trong hoàn cảnh này thì thật nguy hiểm cho cả hai bên. Chúng tôi mở đường hướng dẫn cho họ tiến về phía trước, xuôi Nam, nhưng hình như đồng bào không muốn rời xa chúng tôi!

Giữa bãi cát bao la, trên trời ánh nắng chói chan rọi xuống, trước mặt là biển cả xanh ngắt, sau lưng là đầm Cầu Hai, đầm Hà Trung nước mênh mông, nhưng bi đông chúng tôi đã cạn khô, cổ chúng tôi đắng nghét vì khói thuốc và khói súng, khát, khát và khát! Một chiếc trực thăng từ hướng Đà Nẵng bay ra và thả tự do xuống một số thùng gạo sấy để tiếp tế cho chúng tôi, gạo sấy lấy nước nào đổ vào để thành cơm?

(Sau này trong bài viết Tháng Ba Buồn Hiu của Tiểu Cần, âm thoại viên của Tướng Tư Lệnh TQLC thì trực thăng đó là C&C của Tư Lệnh, người mang gạo ra tiếp tế chính là chánh văn phòng, NT Nguyễn Quang Đan K21 và Tiểu Cần, vì xin nhưng không còn trực thăng để tiếp tế lương thực và nước uống cho quân sĩ! Trực thăng bay đi đâu hết rồi!)

Đến chiều thì gặp Trung Úy Hoàng Công Một K25 thuộc Tiểu Đoàn 5 TQLC điều quân, 2 thằng chỉ thăm hỏi nhau được vài câu và sau đó thì ai làm phận sự người đó. Trung đội trưởng Cúc của ĐĐ H.C. Một đã hy sinh tại đây.

Đến tối thì VC đã tấn công TĐ4/TQLC, Thiếu Tá Nguyễn Trí Nam K22, Tiểu Đoàn Phó và Đại Úy Tô Thanh Chiêu, Đại Đội Trưởng Đại Đội 2 hy sinh..


Thiếu Tá Phạm Cang, TĐT/TĐ7 bị thương nhẹ do trúng miểng của cối 82 ly VC khi điều động M113 đánh chiếm mục tiêu.

Em ruột TT Liễn cũng bị tử thương vào buổi chiều.

Theo kế hoạch, 12 giờ khuya sẽ có tàu vào bốc, nhưng chờ mãi chẳng thấy.

Ngày 26/03/1975, nhìn ra khơi thấy nhiều tàu của Hải Quân, lớn có nhỏ có. Đến trưa thì có 1 chiếc tàu há mồm vào để bốc thương binh và BCH/LĐ. Một chiếc thứ 2 vào, nhưng lần này thì không được may mắn như chiếc trước, địch đã dùng hỏa tiễn tầm nhiệt AT3 bắn vào ngay ống khói của tàu và tàu coi như bất khiển dụng. Một số chết và bị thương ngay trên tàu.

Kể từ giờ phút này, Thiếu Tá Phạm Cang, TĐT/TĐ7 nắm quyền Xử Lý Thường Vụ Lữ Đoàn Trưởng LĐ 147 TQLC. Theo kế hoạch của ông thì TĐ7 bung rộng ra, sẽ là nốt chặn cuối cùng, làm an toàn bãi bốc cho các TĐ bạn và TĐ7 sẽ là đơn vị cuối cùng lên tàu sau TĐ4, TĐ3, TĐ5 TQLC. Rất tiếc là chẳng có chiếc tàu nào vào bốc kể từ đó mặc dù đến chiều vẫn có lệnh là 8 giờ tối sẽ có tàu vào, rồi đến tối lại có lệnh là 12 giờ khuya sẽ có tàu vào…và chẳng bao giờ có tàu HQ vào đón chúng tôi. Đứng trên cát, tứ bề nước mênh mông, không nước, không đạn, nhưng chúng tôi còn có cấp chỉ huy và đồng đội.

Th/Tá Phạm Cang, TĐT/TĐ7 kiêm xử lý thường vụ chỉ huy LĐ147/TQLC khi đó đã bắt liên lạc được với ngừơi bạn cùng K20 chỉ huy đoàn tàu LCM sẵn sàng bốc TĐ7 vào Đà Nẵng, nhưng Th/Tá Cang đã từ chối, không thể chỉ đi có TĐ7, mà phải ở lại cùng toàn thể Lữ Đoàn, trong đó có TĐ4 của NT Đinh Long Thành K19, TĐ5 của NT Phạm Văn Tiền K20, TĐ3 của NT Nguyễn Văn Sử K20. Tôi xin trích đoạn bài viết của Th/Tá Phạm Cang:

_ “10 giờ sáng ngày 25/3/75, trên tần số không lục tôi nhận ra tiếng người bạn cùng khóa, Thiếu Tá Trần Văn Thao, anh chỉ huy đoàn tàu Quân Vận (LCM) từ Đà Nẵng ra Thuận An để đón BĐQ, nhưng không thể nào liên lạc được. Anh hỏi tôi có thấy anh em Mũ Nâu không. Nhìn quanh tôi chỉ thấy 5, 3 anh. Tôi cho Thao biết. Anh nói: “Tôi sẽ đưa các bạn vào Đà Nẵng, hãy chuẩn bị và đánh dấu bãi bốc.”. Rất tiếc tôi không thể chỉ đưa TĐ7 đi, vì còn trách nhiệm với các tiểu đoàn bạn. Tôi cám ơn Thao”.

Một tấm gương sáng khác của cấp chỉ huy mà tôi cần nhắc đến: Th/Tá Lê Quang Liễn, tải thương xác ngừơi em ruột lên tàu xong rồi vị Tiểu Đoàn Phó TĐ7 của chúng tôi nhẩy xuống biển, bơi trở lại vào bờ để cùng sống chết với chúng tôi.

Đêm 26 rạng ngày 27 tháng 3 năm 1975, một đêm trăng sáng vằng vặc, biển động, nhìn ra xa vẫn thấy đèn của Hải Quân lấp lánh ngoài khơi… và chúng tôi “chôn súng”!

Những người lính TQLC đã bắn cháy chiến xa T54 của địch, đã bị hỏa tiễn tầm nhiệt AT3 của địch bắn cháy tàu của họ. Họ đã nhai những hạt gạo sấy sau cùng vào ngày hôm qua, đã bắn những viên đạn cuối cùng vào ngày hôm nay. Và khi không còn gì để chiến đấu, họ đã tự đào hố để chôn súng, bản đồ, địa bàn, thẻ bài, bằng lái xe, bằng dù, thẻ quân nhân…và đã cắn răng chôn ngay cả cái nhẫn Võ Bị, là vật bất ly thân của những sĩ quan xuất thân từ Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

Những người lính Tổng Trừ Bị thuộc ĐĐ2/TĐ7/Lữ Đoàn 147 Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu và bị bắt làm tù binh chiến tranh (POW: Prisoner Of War) như vậy đó.

Bất cứ ai, đừng bao giờ bảo Lữ Đoàn 147/TQLC là những hàng binh, nguy hiểm vô cùng, hãy cẩn thận trong lời nói, thưa các ông, xin nhắc lại: NGUY HIỂM VÔ CÙNG!!!

Riêng cá nhân tôi, 1 người lính VNCH, 1 kẻ chiến bại, tôi chưa bao giờ oán trách cấp chỉ huy của tôi dù là cấp Tiểu Đoàn Trưởng hay vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Đội. Cái nhìn của tôi chỉ là ở cấp chiến thuật, làm sao biết được cấp chiến lược… Bao nhiêu đắng cay, tủi nhục… đổ lên đầu kẻ chiến bại. Nếu sau khi mất QĐI, rồi QĐII, Hoa Kỳ giữ đúng cam kết với đồng minh VNCH, lại nhảy vào cuộc chiến, như đã xảy ra tại Triều Tiên năm 1953, nếu kết thúc cuộc chiến mà VNCH là kẻ chiến thắng, chúng ta sẽ nói gì? Nói ngược lại chăng? Hỏi tức là trả lời. Chúng ta hãy suy nghĩ 1 cách công bằng.

*

Một người bạn đã hỏi tôi sẽ làm gì nếu lịch sử được lập lại hay nếu có kiếp sau?

Vâng, câu trả lời của tôi là tôi sẽ lại tình nguyện thi vào Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, rồi khi ra trường lại sẽ tình nguyện gia nhập lực lượng Tổng Trừ Bị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Và nếu được chọn lựa thì tôi xin được chiến đấu dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Tư Lệnh Phó TQLC Nguyễn Thành Trí, Trung Tá Lữ Đoàn Trưởng TQLC Nguyễn Xuân Phúc, Trung Tá Lữ Đoàn Phó Đỗ Hữu Tùng, Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Phạm Cang, Thiếu Tá Tiểu Đoàn Phó Lê Quang Liễn v.v… Đó là những cấp chỉ huy mà tôi rất ngưỡng mộ và kính phục, trên chiến trường cũng như trong “tù trường”…


Người trong cuộc
Mũ Xanh Lê Khắc Phước ĐĐ2/TĐ7/LĐ147/TQLC
--------------------------------------------------------

Phụ chú của HVR

Tại thôn An Dương, thuộc quận Phú Vang Huế, một địa điểm chỉ cách bờ biển Thuận An khoảng 2km về phía Nam, vào cuối tháng 3/1975, dân chúng địa phương sau cuộc chiến đã chôn cất rất nhiều chiến sĩ TQLCVN hy sinh ngay trên bãi biển. Sau hơn 35 năm, nước biển đã lấn chiếm đất liền và nhất là trận bão lụt năm 1999 đã cuốn một số hài cốt ra khơi.

Với sự mong mỏi của đồng bào làng An Dương, nhất là những người đã tự tay chôn cất những người tử nạn, từ bao nhiêu năm nay, là làm sao để cải táng và di chuyển những hài cốt xiêu lạc này vào một khu đất khô ráo xa bờ biển; đến tháng 7/2010, với sự trợ giúp tài chánh của người Việt tỵ nạn CS ở hải ngoại, Hoa Kỳ và Canada, đồng bào thôn An Dương đã di chuyển hài cốt của các tử sĩ VNCH từ ngoài bờ biển vào đất liền với mộ phần khang trang, có bia mộ và nhà lăng.

Trong dịp này người dân thôn An Dương chỉ tìm thấy 132 bộ hài cốt gói trong poncho. Trong số bộ hài cốt này, tiếc thay, chỉ có 7 thẻ bài và một căn cước của những người đã hy sinh.

Số 132 bộ hài cốt này được cải táng, mỗi hài cốt được đặt vào một tiểu sành riêng, loại quan tài nhỏ gọi là cách tiểu hay quách. Mỗi mộ phần có đánh dấu nhưng chỉ mộ của di cốt nào có thẻ bài mới có tên trên bia mộ.

Một vài hình ảnh trên báo chí Việt ngữ (hải ngoại) về khu vực cải táng và xây mộ những chiến sĩ TQLC/VNCH đã hy sinh tại Thuận An, cuối tháng Ba, 1975.
 





Khu mộ tập thể 123 mộ, chia làm 4 khu, ở giữa là bia thờ

__._,_.___

Chủ quyền không thể xác lập bằng vũ lực

Hiến chương Liên hợp quốc cũng như tất cả các văn bản luật quốc tế đều không thừa nhận việc sử dụng vũ lực để chiếm đóng. Hành động của Trung Quốc năm 1974 có nhiều chứng cứ cho thấy là một cuộc xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam.

Suốt quá trình trước, trong và sau trận hải chiến Hoàng Sa, Việt Nam Cộng hòa (VNCH) liên tục phản đối các hành động của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao VNCH đã ra Tuyên cáo lên án Trung Quốc xâm chiếm và khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của VNCH tại quần đảo này.
Trên thực địa, nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền, hải quân VNCH đã phải nổ súng, thực hiện quyền tự vệ chính đáng, dù biết đối phương mạnh hơn.
Một ngày sau trận chiến, Bộ Ngoại giao VNCH tiếp tục có công hàm gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc để yêu cầu Tổng thư ký, theo Điều 99 Hiến chương, lưu ý Hội đồng Bảo an về tình hình nghiêm trọng xảy ra bởi hành động xâm chiếm của Trung Quốc. Tiếp đó, VNCH gửi thư cho các quốc gia thành viên của Hiệp định Paris 1973 để cảnh báo về hiểm họa gây ra bởi việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa.
hs-JPG-6935-1389952648.jpg
Đơn vị lính bảo an thực hiện nghi thức chào cờ trên đảo Hoàng Sa. Ảnh tư liệu
Ngày 21/1/1974, Ngoại trưởng VNCH Vương Văn Bắc đã triệu tập sứ quán các nước để tố cáo hành động của Trung Quốc và yêu cầu các nước lên tiếng bày tỏ thái độ, ban hành những biện pháp thích hợp trước biến cố này.
Ngày 14/2/1974, Chính phủ VNCH công bố một bản Tuyên cáo xác nhận chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; khẳng định VNCH sẽ tiếp tục đấu tranh để tái lập và bảo vệ chủ quyền của mình trên những quần đảo này. Tuy sẵn sàng giải quyết bằng đường lối thương lượng, nhưng điều này không có nghĩa là VNCH từ bỏ chủ quyền trên những quần đảo này.
Ngày 22/3/2974, Ngoại trưởng Vương Văn Bắc đã đến New York (Mỹ) hội kiến Tổng thư ký Liên hợp quốc để tái xác định lập trường của VNCH về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.
Trong khi đó, nhìn ở khía cạnh luật pháp quốc tế, hành động của Trung Quốc có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để cưỡng chiếm Hoàng Sa.
Hiến chương Liên hợp quốc tại Khoản 4 Điều 2 quy định: “Các nước thành viên Liên hợp quốc trong quan hệ quốc tế không được đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, hoặc nhằm những mục đích khác không phù hợp với mục đích của Liên hợp quốc”.
Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc quy định rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu từ một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.
Nghị quyết cũng quy định: “Các quốc gia có nghĩa vụ không đe dọa hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hay như một biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”.
Nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực ra đời đã đặt dấu chấm hết cho phương thức thụ đắc lãnh thổ bằng xâm chiếm (conquest). Nguyên tắc này ra đời trước khi trận hải chiến tại Hoàng Sa diễn ra. Do đó, Trung Quốc bằng hành vi sử dụng vũ lực, không thể xác lập chủ quyền phi pháp của mình trên quần đảo Hoàng Sa theo luật pháp quốc tế.
Nguyên tắc này cũng được cụ thể hóa trong một loạt các văn kiện quốc tế quan trọng khác như: Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc 1974 về định nghĩa "xâm lược", Định ước của Hội nghị Hensinki 1975 về an ninh và hợp tác của các nước châu Âu, Tuyên bố năm 1987 về việc nâng cao hiệu quả của nguyên tắc khước từ đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế…
tolenh-2788-1389952648.jpg
Tờ lệnh của Quan Bố Án Sát tỉnh Quảng Ngãi về việc phái binh thuyền vâng mệnh triều đình ra đảo Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ vào ngày 15/4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834).
Điều 301 Công ước Luật biển 1982 cũng quy định rằng: “Trong việc thực hiện các quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình, các quốc gia thành viên tránh dựa vào việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực để xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của mọi quốc gia, hoặc tránh dùng bất kỳ cách thức nào khác không phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật quốc tế đã được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc”.
Việc Trung Quốc xâm chiếm các đảo Phú Lâm và Lin Côn năm 1956 và dùng quân đội chiếm đóng các đảo Quang Hòa, Duy Mộng, Cam Tuyền, sau đó là toàn bộ nhóm đảo Trăng Khuyết là hành động cưỡng chiếm bằng vũ lực, phù hợp định nghĩa về hành vi “xâm lược” theo luật pháp quốc tế.
Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc số 3314 ngày 12/4/1974 đã đưa ra danh mục các hoạt động được coi là hành vi xâm lược, không phụ thuộc có tuyên bố chiến tranh hay không và ở nơi nào. Theo đó, việc sử dụng lực lượng vũ trang chiếm đóng, thôn tính toàn bộ hay một phần lãnh thổ quốc gia khác được coi là hành vi xâm lược.
Nguyễn Hùng Cườn
g

Lính Trung Quốc châm ngòi trận hải chiến Hoàng Sa 1974

Khi lính Việt Nam Cộng hòa lên các đảo cắm cờ khẳng định chủ quyền, lính Trung Quốc đã nổ súng, bắn chết một thiếu úy và một trung sĩ, châm ngòi trận đấu pháo ác liệt, nhân chứng Trần Dục kể.

Quãng thời gian 40 năm sau trận hải chiến khiến cựu thượng sĩ Trần Dục (74 tuổi, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), quản trưởng khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ4) Việt Nam Cộng hòa, không còn nhớ rõ khuôn mặt đồng đội, nhưng ký ức về giây phút sinh tử bảo vệ quần đảo Hoàng
 Sa vẫn hiển hiện.
Đưa đôi mắt nhăn nheo nhìn ra khoảng trống trước mặt, cựu binh già kể, ngày 16/1/1974, tàu HQ4 đang làm nhiệm vụ tuần tiễn dọc bờ biển từ Bình Định - Quảng Trị thì được lệnh ra Hoàng Sa. Khi nhận lệnh, giống hơn 160 binh sĩ trên tàu, ông không hay biết việc tàu chiến Trung Quốc đã đến sát đảo.
Hoangsa1-5294-1389950880.jpg
Ông Trần Dục với những kỷ niệm về Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Đông
Điều ông Dục “không biết” đó là động thái gây hấn của Trung Quốc vào ngày 15/1/1974, khi lên án chính quyền Việt Nam Cộng hòa “xâm lấn đất đai của Trung Quốc” và tuyên bố các quần đảo Nam Sa, Tây Sa, Đông Sa và Trung Sa là lãnh thổ của họ. Cùng với động thái này là việc đưa quân đổ bộ và cắm cờ Trung Quốc lên các đảo Quang Hòa, Duy Mộng, Quang Ảnh…, bất chấp sự kịch liệt phản đối từ phía Việt Nam Cộng hòa.
Ghé bờ biển Đà Nẵng tiếp nhiên liệu, vũ khí và lương thực, HQ4 do hạm trưởng Vũ Hữu San chỉ huy vượt sóng ra Hoàng Sa. Lúc này, 6 tàu quân sự Trung Quốc đang chạy lòng vòng phía ngoài, trong đó có hai tàu chiến giả dạng dân sự.
Khu trục HQ4 nhanh chóng phối hợp với tuần dương hạm HQ16 có mặt ở Hoàng Sa từ trước để xua đuổi tàu chiến Trung Quốc. “Suốt đêm 17/1, anh em hầu như không ngủ mà thường xuyên di chuyển tàu quanh đảo, đề phòng đối phương gây hấn”, ông Dục nhớ lại.
hq41-4690-1389950880.jpg
Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ4) nơi ông Trần Dục từng trải qua chức vụ thượng sĩ - quản trưởng.
Ngày 18/1, phía Việt Nam Cộng hòa được tăng cường thêm hai tàu. Sĩ quan HQ4 bắc loa yêu cầu tàu Trung Quốc rút khỏi vùng biển Hoàng Sa bằng cả tiếng Việt và tiếng Trung (thông qua những binh sĩ người Việt gốc Hoa).
"Tàu Trung Quốc không chịu rút mà ngang ngược nói rằng Hoàng Sa thuộc chủ quyền của họ. Trung tá San lệnh cho tàu chúng tôi tông thẳng vào tàu 407 của Trung Quốc chắn ngang phía trước, khiến tàu này bị bể buồng lái, chao đảo. Hai tàu của đối phương phải rút về đảo Duy Mộng và Quang Hòa", ông Dục tiếp lời.
Sáng 19/1, người nhái Việt Nam Cộng hòa cùng lính biệt hải nhận lệnh lên các đảo Quang Ảnh, Hữu Nhật, Kim Tiền hạ cờ Trung Quốc, phá những ngôi mộ giả họ ngụy tạo trước đó để cắm cờ Việt Nam Cộng hòa. Đúng lúc này, ông Dục kể, mấy loạt đạn vang lên, hai binh sĩ gồm một thiếu úy và một trung sĩ, đổ gục xuống.
“Ngang nhiên chiếm đảo trái phép, họ còn nổ súng trước. Hơn 10h, pháo trên tàu của hai phía đồng loạt nã đạn vào nhau. Cách nhau chừng 100m nên cả hai bên đều trúng đạn”, ông Dục nói. Theo nhân chứng này, vũ khí phía Trung Quốc được trang bị tối tân hơn, trong khi các tàu của Việt Nam Cộng hòa chỉ có hai khẩu đại bác 76 ly, một đại bác 20 ly và tiểu liên M16.
HQ4 thủng lỗ chỗ. Binh lính vừa lo chiến đấu, vừa thay phiên nhau tát nước tránh chìm tàu, dùng nệm vá tạm những lỗ hổng trên thân để nước không tràn vào, lấy đà chống để tàu không mất thăng bằng. “Hỏa lực của chúng tôi hầu như không phát huy được tác dụng, bởi nhiều nguyên nhân, nhưng nói thật là hải quân lúc đó chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu thực địa”, ông Dục nhận xét thêm.
15 phút giao tranh quyết liệt, HQ10 bốc cháy rồi chìm dần. Các tàu còn lại cũng trúng đạn, nhận lệnh tạm thời rút khi hơn 70 binh sĩ đã thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương nặng.
“Giáp mặt với tàu Trung Quốc ai cũng cầm chắc cái chết. Anh em muốn ở lại tiếp tục chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, song buộc phải tuân lệnh cấp trên. Cứ nghĩ lui ra vòng ngoài sẽ được chi viện quay lại phản công, nhưng sau đó Trung Quốc rầm rộ kéo tàu chiến đến, còn tàu chúng tôi được lệnh về lại Đà Nẵng”, ông Dục tỏ vẻ tiếc nuối.
Là lính công binh làm nhiệm vụ lấy mẫu đất từ Hoàng Sa về khảo sát, cựu binh Nguyễn Văn Cúc (62 tuổi, trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đứng trên đảo Hoàng Sa, lòng như lửa đốt, dõi theo chiến hạm Việt Nam Cộng hòa và Trung Quốc trong trận đấu. Tiếng đạn pháo chát chúa, khói bốc cao vào trưa 19/1/1974 khiến hơn 20 người ở đảo đứng ngồi không yên.
hoangsa2-1137-1389950880.jpg
Ông Nguyễn Văn Cúc hồi kể những câu chuyện về Hoàng Sa - nơi ông đã đặt chân đến ít nhất 3 lần. Ảnh:Nguyễn Đông
Khi những chiến hạm của Việt Nam Cộng hòa rút khỏi khu vực đụng độ, lính Trung Quốc tràn lên chiếm đảo Hoàng Sa. Từng người lần lượt bị lính Trung Quốc uy hiếp, bắt đưa lên tàu về đảo Hải Nam. Theo lời ông, ngoài những sĩ quan bị biệt giam, quân y và lính công binh được sinh hoạt chung với nhau, ăn uống đầy đủ.
“Họ cũng không tra khảo gì, nhưng cố giải thích một điều phi lý rằng Hoàng Sa thuộc chủ quyền của họ. Còn chúng tôi vẫn một mực khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, không chỉ ở thời điểm hiện tại mà quần đảo thiêng này đã là địa danh ghi trong sử sách và là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam”, ông Cúc nhớ lại.
Khoảng một tháng sau trận hải chiến, những tù binh Việt Nam Cộng hòa được đưa về Bắc Kinh để trao trả cho chính quyền Sài Gòn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), binh sĩ chiến đấu ở Hoàng Sa hồi hương mưu sinh. 
Bây giờ, ông Dục, ông Cúc cũng như nhiều binh sĩ năm xưa không còn đủ sức để ra Hoàng Sa. “Nhưng chúng tôi luôn nung nấu hy vọng đến đời con, đời cháu mình sẽ được đặt chân lên hòn đảo mà đời cha ông đã chiếm giữ, khẳng định chủ quyền lãnh thổ”, ông Dục bồi hồi.
“Những người lính đã bỏ mạng trong trận hải chiến Hoàng Sa, dù rằng họ ở một chiến tuyến khác, nhưng khi ngã xuống đều trong tâm thế chiến đấu, hy sinh để bảo vệ lãnh thổ Việt Nam. Họ cũng xứng đáng được ghi danh hoặc tưởng thưởng”, ông Dục nêu mong muốn.
Nguyễn Đôn
g

Vì sao Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa

Chỉ một tuần sau chuyến công du của Ngoại trưởng Henry Kissinger, thấy rõ ý định "bỏ rơi" của Mỹ cũng như các điều kiện bất lợi với Việt Nam Cộng hòa, Trung Quốc đã điều chiến hạm ra cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa.
40 năm trước, ngày 19/1/1974, một biến cố trọng đại trong lịch sử Việt Nam hiện đại đã diễn ra - hải chiến Hoàng Sa giữa Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hải quân Trung Quốc. Sau trận chiến, quần đảo Hoàng Sa - một bộ phận thiêng liêng và không thể tách rời của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm giữ. 
Thạc sĩ Nguyễn Hùng Cường (Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo), đã có bài viết tái hiện những sự kiện chính diễn ra trước, trong và sau trận hải chiến:
Suốt nhiều thế kỷ, Việt Nam đã chiếm hữu thật sự, hòa bình và công khai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa khi các quần đảo đó chưa thuộc chủ quyền bất cứ quốc gia nào. Từ thế kỷ XVII, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện hiệu quả chủ quyền với hai quần đảo này và luôn bảo vệ các quyền, danh nghĩa của mình trước mưu đồ và hành động xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi của Việt Nam với hai quần đảo thiêng liêng của mình.
Đầu thế kỷ XX, nhận thấy vị trí chiến lược cũng như tầm quan trọng của biển Đông nói chung và quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng, một số quốc gia (điển hình là Trung Quốc) đã xâm chiếm bất hợp pháp các vùng lãnh thổ này của Việt Nam. 
Trung Quốc luôn coi biển Đông, đặc biệt là các quần đảo của Việt Nam là bàn đạp quan trọng để thực hiện chiến lược bành trướng xuống Đông Nam Á. Vì vậy, giới cầm quyền Trung Quốc từ Trung Hoa Dân Quốc cho đến Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã không ngừng đẩy mạnh thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông.
Lợi dụng tình hình rối ren khi Nhật đầu hàng đồng minh và việc giải giáp quân Nhật theo Hiệp định Postdam 1945, Trung Hoa Dân Quốc đã đem quân chiếm giữ đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa) vào cuối năm 1946. Sau đó Trung Hoa Dân Quốc rút quân khỏi Hoàng Sa, và Nhật rút quân khỏi quần đảo này theo Hòa ước San Fransisco 1951. Sau khi Hiệp định Geneva 1954 được ký kết, Pháp rút khỏi Đông Dương, ngày 21/1/1956 Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đưa quân chiếm đóng đảo Phú Lâm và Lin Côn.
Năm 1974, nhận thấy thời cơ đã chín muồi, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực toàn bộ nhóm đảo Trăng Khuyết phía tây nam quần đảo Hoàng Sa. Thời cơ này xuất phát từ tình hình, bối cảnh quốc tế và trong nước.
Đầu thập niên 1970, phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam diễn ra sôi nổi và rộng khắp trên thế giới khiến Mỹ ngày càng xa lánh Việt Nam Cộng hòa; đặc biệt sau khi ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh phải rút quân khỏi Việt Nam. Do không muốn tham gia vào một cuộc chiến đã bước vào hồi kết, tháng 6/1973 Lưỡng viện Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật "Case-Church" cấm cơ quan hành pháp nước này tái can thiệp quân sự vào ba nước Đông Dương trừ khi được chấp thuận của Lưỡng viện.
Ngoài ra, Mỹ được cho là có một “toan tính” sâu xa hơn khi không can dự vào trận Hải chiến 1974 vì khi đó, Việt Nam và Trung Quốc đều đi theo con đường Xã hội chủ nghĩa. Việc Washington “làm ngơ” cho Bắc Kinh ngang nhiên chiếm Hoàng Sa sẽ tạo thù địch giữa Hà Nội và Bắc Kinh, dẫn đến chia rẽ giữa các nước cộng sản. Khi người "bảo trợ" đã ra đi, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa rơi vào tình thế đơn độc và bất lợi trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa.
Cuộc đụng độ biên giới năm 1969 mang lại cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) niềm tin rằng họ có thể chống trả Hồng quân Liên Xô. Từ đó, Trung Quốc bắt đầu thực hiện sáng kiến đối ngoại mới bằng cách thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Mỹ, cao trào là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon tháng 2/1972. Sau chuyến công du đó, Trung Quốc trở thành "đồng minh giai đoạn" của Mỹ để kìm chân và chống lại Liên Xô. Mỹ không muốn quan hệ chiến lược này bị rạn nứt vì vụ Hoàng Sa. Việc lựa chọn giữa "đồng minh cũ" hay "người bạn mới"trong “thời kỳ trăng mật” này không phải là sự lựa chọn khó khăn đối với Mỹ.
Ngoại trưởng Kissinger trong chuyến thăm Trung Quốc. Ảnh tư liệu
kisswall-2435-1389846099.jpg
Thực tế, trong trận Hải chiến Hoàng Sa chính quyền Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã nhiều lần thông báo tình hình với Đại sứ quán Mỹ nhưng Washington đã không có động thái hỗ trợ nào.
Trên vùng biển Đông ngoài khơi Việt Nam gần với đảo Hải Nam (Trung Quốc) và Hoàng Sa (Việt Nam) thời điểm đó có mặt Hải đoàn 77 (Task Force 77) của Hải quân Mỹ gồm các hàng không mẫu hạm và các chiến hạm yểm trợ. Hải đoàn này đủ khả năng kiểm soát không và hải phận, cũng như hoạt động của các tàu ngầm trong vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, Mỹ đã hoàn toàn đứng ngoài cuộc.
Cũng thời điểm đó, Việt Nam Cộng hòa mới chỉ là quan sát viên mà chưa phải thành viên của Liên Hợp Quốc trong khi Trung Quốc là một trong 5 nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Vị thế quốc tế của Trung Quốc khiến nước này tự tin rằng, Việt Nam Cộng hòa không có đủ tư cách sử dụng các cơ chế để tự vệ và bảo vệ Hoàng Sa theo các điều khoản của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Ngày 30/1/1974, Lãnh sự quán Mỹ ở Hồng Kông đã báo cáo về Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Mỹ ở các nước liên quan về những tính toán của Trung Quốc trong việc thôn tính quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cơ quan này nhận định, Trung Quốc đã có ý đồ đánh chiếm Hoàng Sa từ trước.
Theo phân tích của lãnh sự quán Mỹ, quyết định đánh chiếm Hoàng Sa phụ thuộc vào một số yếu tố như tiềm năng về dầu khí tại khu vực, lo ngại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể đưa ra tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa cũng như lợi ích chiến lược về lâu dài của quần đảo.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có thể lo sợ việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ không tiếp tục giữ thái độ im lặng trước vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Bằng việc sử dụng vũ lực, Trung Quốc đã tránh tình huống nguy hiểm hơn nhiều sau khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra tuyên bố chủ quyền về Hoàng Sa. Điều này đã được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tiến hành sau khi đất nước thống nhất.
Theo nhận định trong các hồ sơ ngoại giao được giải mật, nỗi lo sợ ngày càng lớn của Trung Quốc trước hoạt động của hải quân Liên Xô tại biển Đông và các vùng biển khác ở châu Á có thể là yếu tố dẫn đến quyết định của Trung Quốc. Đây là thời kỳ đỉnh điểm rạn nứt quan hệ Xô - Trung liên quan đến tranh chấp lãnh thổ dọc biên giới hai nước, cũng như các vấn đề Nam Phi, Trung Đông và Đông Dương.
Trong lúc nhiều yếu tố bên ngoài nghiêng về hướng có lợi cho một cuộc chiến chớp nhoáng của Trung Quốc thì bối cảnh trong nước cũng hết sức bất lợi cho Việt Nam Cộng hòa khi Lưỡng viện Mỹ giảm dần viện trợ từ 1,4 tỷ USD năm 1972 xuống 1 tỷ USD năm 1973 và 700 triệu USD vào năm 1974. Quân đội Việt Nam Cộng hòa dần rơi vào thế thụ động vì thiếu nhiên liệu, vũ khí. Bất lợi hơn là ý định “bỏ rơi” miền Nam Việt Nam của Mỹ. Tình trạng phân chia Bắc - Nam cũng là một trở ngại cho phía Việt Nam Cộng hòa trong trận hải chiến 1974.
Lợi dụng bối cảnh đó, Trung Quốc đã không e ngại khi điều động chiến hạm đến cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Nguyễn Hùng Cường

30 phút đấu pháo trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974

Đúng 10h25 ngày 19/1/1974, đại tá Hà Văn Ngạc ra lệnh tấn công các chiến hạm Hải quân Trung Quốc nhằm tái chiếm Hoàng Sa. Hải pháo hai bên nã đạn trực tiếp không ngừng.

Chu
ẩn bị cho trận chiến, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 duyên hải Việt Nam Cộng hòa đã thành lập Hải đoàn đặc nhiệm bảo vệ Hoàng Sa, gồm các chiến hạm và sĩ quan được bổ sung từ Bộ Tư lệnh Hải quân tại Sài Gòn. Chỉ huy trưởng Hải đoàn đặc nhiệm là đại tá Hà Văn Ngạc.
Các thập niên 1950, 1960 và 1970, Hải quân Mỹ thường tân trang chiến hạm cũ từ Chiến tranh thế giới thứ II rồi viện trợ cho đồng minh ở châu Á như Đài Loan, Việt Nam Cộng hòa, Philippines… Vũ khí, hệ thống điện tử, hệ thống điều khiển của tàu viện trợ đều lỗi thời. Trong khi đó, Liên Xô, Trung Quốc và một số quốc gia Đông Âu đã trang bị cho hải quân theo quan điểm đổi tiện nghi, trang bị điện tử để lấy ưu thế về tốc độ, vũ khí và dùng những chiến thuyền nhỏ tấn công các chiến hạm lớn.
Trận chiến Hoàng Sa diễn ra chủ yếu trong lòng của vùng đảo Nguyệt Thiềm, chiến hạm Trung Quốc nhỏ, nằm sát mặt nước nên rất khó bắn trúng, đồng thời dễ dàng nâng cao độ của hải pháo, tạo thế tấn công hữu hiệu. 
Hải pháo của chiến hạm Việt Nam Cộng hòa nằm trên cao so với hải pháo Trung Quốc nên khó xoay trở ở cự ly gần. Hơn nữa, khi Mỹ chuyển giao các chiến hạm cho Hải quân Việt Nam Cộng hòa, các trang bị tối tân như pháo 76,2 ly bắn nhanh tự động với hệ thống radar kiểm soát (radar control) và khóa mục tiêu (lock-on system) đã bị tháo gỡ hoặc không còn sử dụng được. 
Khẩu 127 ly trên các tuần duyên hạm của Việt Nam Cộng hòa đều phải điều chỉnh bằng tay nên nhịp bắn rất chậm, chỉ hữu hiệu trong việc yểm trợ hải pháo.
Trung Quốc có đủ tất cả lực lượng hải, lục, không quân và tiềm thủy đỉnh (tàu ngầm) túc trực, sẵn sàng tham chiến. Việt Nam Cộng hòa chỉ có chiến đấu cơ tốt nhất là loại F5E, tầm hoạt động ngắn, đủ nhiên liệu bay ra Hoàng Sa rồi quay về mà không thể ở lại yểm trợ hoặc chiến đấu.(Tương quan lực lượng hai bên).
Máy bay F5E của Việt Nam Cộng hòa chỉ đủ nhiên liệu bay ra Hoàng Sa rồi quay về. Ảnh tư liệu
f5e1.jpg
Trước giờ khai hỏa
Diễn biến được coi là khởi đầu trận hải chiến vào ngày 11/1/1974, khi Trung Quốc tuyên bố quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và quần đảo Nam Sa (Hoàng Sa) thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Ngay lập tức, Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa Vương Văn Bắc lên tiếng bác bỏ lời tuyên bố vô căn cứ và lên án hành động gây hấn của Trung Quốc. Từ thời điểm này, liên tục có những diễn biến căng thẳng cả trên thực địa lẫn mặt trận ngoại giao đến khi cuộc nổ súng bắt đầu.
Bốn chiến hạm Việt Nam Cộng hòa tham gia trận chiến.
TTg2-4892-1389814152.jpg
Ngày 15/1/1974, Hải quân Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam khi đổ bộ chiếm đóng các đảo Quang Hòa, Duy Mộng và Cam Tuyền.
10h, HQ16 đi tuần tiễu phát hiện trên đảo Cam Tuyền cắm cờ Trung Quốc và gần đó là một tàu đánh cá Trung Quốc màu xanh xám, mang tên Nam Ngư, số 402, có đại bác 25 ly. Tàu HQ16 đã dùng quang hiệu yêu cầu tàu Trung Quốc rời đảo nhưng tàu này không trả lời. Chiều cùng ngày, tàu Trung Quốc mới rời khỏi đảo.
Ngày 16/1/1974, Ngoại trưởng Vương Văn Bắc gửi công hàm cho Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để lưu ý tình hình căng thẳng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, xảy ra bởi lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Sáng sớm hôm đó, HQ16 đi tuần và phát hiện trên đảo Quang Hòa có chòi canh, vọng gác cao gắn cờ Trung Quốc cùng một chiến hạm Trung Quốc di chuyển quanh đảo. HQ16 yêu cầu tàu này rút lui nhưng không có tín hiệu trả lời. Đảo Duy Mộng không có người nhưng có hai tàu nhỏ của Trung Quốc ở gần bờ.
Trưa 16/1, HQ16 đưa 16 nhân viên cơ hữu lên đảo Vĩnh Lạc để thám sát, phát hiện có mộ và bia đã đề chữ Hán. Lúc 15h35, HQ16 ghi nhận tại Tây Nam đảo Cam Tuyền có hai tàu đánh cá Trung Quốc được vũ trang đại bác 25 ly, mang số 402 và 407.
Ngày 17/1, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa gửi công hàm cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đề nghị ban bố mọi biện pháp thích hợp để cải thiện tình hình.
Trên thực địa, lúc 11h, HQ16 hoàn tất đổ bộ đoàn 15 nhân viên cơ hữu lên tăng cường giữ đảo Vĩnh Lạc. Nhóm này có nhiệm vụ phá hủy các tấm mộ bia và tổ chức phòng thủ trên đảo.
15h cùng ngày, HQ16 đến đảo Cam Tuyền, án ngữ tại phía Đông Nam để yểm trợ cho HQ4 đổ bộ 27 biệt hải lên phía Tây đảo Cam Tuyền trong khi hai tàu Trung Quốc 402 và 407 đang ở phía Nam đảo Cam Tuyền.
18h, HQ4 phát hiện hai tàu Trung Quốc Kronshtadt 271 và 274 từ đảo Quang Hòa tiến về đảo Cam Tuyền. HQ4 đã dùng quang hiện yêu cầu các tàu này rời đi, tàu Trung Quốc cũng dùng quang hiệu trả lời rằng các đảo này thuộc chủ quyền của họ và yêu cầu chiến hạm Việt Nam Cộng hòa rút lui. Tiếp đó, các tàu này chạy quanh HQ4 và di chuyển chặn đầu chiến hạm, bất chấp quy tắc hàng hải quốc tế.
Ngày 18/1, một trong bốn tàu Trung Quốc rời đảo Quang Hòa tiến về HQ4 lúc 4h30. Nhưng sau khi HQ4 tiến sát tàu địch thì tàu này rút lui về phía đảo Quang Hòa. 8h45, HQ16 phát hiện thêm một tàu Trung Quốc di chuyển phía Đông Nam đảo Duy Mộng. Trên đảo đã thấy cờ Trung Quốc.
10h30, HQ4 hoàn tất đổ bộ đoàn 15 nhân viên cơ hữu lên tăng cường giữ đảo Cam Tuyền và rút tất cả 27 biệt hải trở về chiến hạm. Tàu Trung Quốc mang số hiệu 407 tiến về phía HQ16.
15h cùng ngày, Đại tá Hà Văn Ngạc và HQ5 đến Hoàng Sa. Hải đoàn gồm HQ4, HQ5, HQ16 tiến về Quang Hòa với hy vọng có thể đổ bộ toán hải kích lên đảo. Hai tàu Trung Quốc 271 và 274 tiến tới chặn đường. Hai bên liên lạc quang hiệu, xác nhận Hoàng Sa là lãnh hải của mình và yêu cầu phía bên kia phải rời ngay lập tức. Với hành động cố tình chặn đường có thể gây đụng tàu, Hải đoàn trở về phía Nam đảo Hoàng Sa, tiếp tục theo dõi chiến hạm Trung Quốc.
19h15, HQ5 phát hiện thêm hai chiến hạm Trung Quốc loại T43 cải biến mang số 389 và 396.
23h, Đại tá Hà Văn Ngạc nhận lệnh tái chiếm đảo Quang Hòa một cách hòa bình. Vị Chỉ huy trưởng chia Hải đoàn ra làm hai phân đoàn đặc nhiệm: Phân đoàn một gồm HQ4 và HQ5 do trung tá Vũ Hữu San, chỉ huy với nhiệm vụ có mặt tại phía Nam và Tây Nam đảo Quang Hòa để đổ bộ hai toán hải kích và biệt hải. Phân đoàn hai gồm HQ10 và HQ16 do trung tá Lê Văn Thự chỉ huy với nhiệm vụ giữ nguyên vị trí trong lòng vùng đảo Nguyệt Thiềm để yểm trợ cho việc đổ quân. Nếu cuộc đổ bộ không thành thì các chiếm hạm sẽ dùng hỏa lực tiêu diệt hai chiến hạm chủ lực của địch (271 và 274), còn quân Trung Quốc sẽ là mục tiêu tấn công cuối cùng.
19/1/1974 - Cuộc đấu pháo 30 phút
7h sáng, HQ5 đổ bộ 22 hải kích lên bờ Tây Nam và HQ4 đổ bộ 27 biệt hải lên bờ Nam để tái chiếm đảo Quang Hòa nhưng thất bại trước hỏa lực quá mạnh của Trung Quốc. Cũng trong thời gian này, tàu Trung Quốc 402 và 407 tăng cường khoảng 2 đại đội lên bờ đông bắc đảo Quang Hòa.
8h50 và 10h, Tư lệnh Vùng 1 Duyên hải chỉ thị cho đại tá Hà Văn Ngạc tấn công tối đa vào các đảo. Nếu địch bắn phá, dùng mọi khả năng để chống trả. Nhận thấy chỉ thị này sẽ bất lợi cho hải đoàn vì chiến hạm địch có toàn lực trong lúc hải đoàn Việt Nam đang bị phân tán nên đại tá Hà Văn Ngạc đề nghị Tư lệnh Vùng 1 Duyên hải cho triệt hạ tàu địch trước. Tư lệnh đồng ý. 
10h, Chỉ huy trưởng Hà Văn Ngạc ra lệnh rút hải kích và biệt hải. Các phân đoàn chuẩn bị tấn công tại các vị trí ấn định. Phân đoàn một gồm HQ4 và HQ5 đối đầu với hai hộ tống hạm 271 và 274 tại phía Tây Nam đảo Quang Hòa. Phân đoàn hai gồm HQ16 và HQ10 đối đầu với hai hộ tống hạm T43 là 389 và 396 tại phía Tây Bắc đảo Quang Hòa. 
Sơ đồ trận chiến theo mô tả trong sách Tài liệu Hải chiến Hoàng Sacủa Vũ Hữu San và Trần Đỗ Cẩm
HCHSa08-7983-1389814152.jpg
Cuộc tấn công của Phân đoàn 2 gồm HQ16, HQ10 diễn ra ở phía Bắc đảo Quang Hòa. Đúng 10h25, đại tá Hà Văn Ngạc ra lệnh tấn công các chiến hạm Hải quân Trung Quốc tại Hoàng Sa. HQ16 và HQ10 đứng yên, mọi ổ súng lớn, nhỏ từ mũi tàu ra sau lái đều nhắm bắn vào tàu Trung Quốc. Hải pháo giữa chiến hạm hai bên nã đạn trực tiếp không ngừng. 
10h35, HQ10 báo cáo Đài chỉ huy trúng đạn, Hạm trưởng bị trọng thương, hầm máy bị cháy và ngập nước. Hạm trưởng HQ16 ra lệnh cho Hạm phó HQ10 là đại úy Nguyễn Thành Trí lên thay quyền chỉ huy. HQ10 vẫn tấn công ào ạt vào chiếc 396 của Trung Quốc đang tiến gần.
10h45, chiếc 389 bị trúng đạn bốc khói mù mịt.
10h55, chiếc 396 bị bắn không điều khiển được, đụng vào HQ10 rồi lại bật ra xa, bị trúng thêm đạn bốc cháy xoay vài lần rồi dạt vào bãi san hô Tây Bắc đảo Duy Mộng. HQ10 cũng bị thiệt hại nặng nề, bị trúng đạn và không thể điều khiển được.
Trong khi đó, HQ16 bị trúng đạn lạc của HQ5, hầm máy bên phải ngập nước, vài phút sau, tàu bị nghiêng. Phòng vô tuyến liên lạc truyền tin bị gián đoạn vì mất điện. Nhận thấy không thể tiếp tục tham chiến, HQ16 rời khỏi lòng chảo, chạy về hướng Đà Nẵng.
11h10, HQ10 bị bỏ lại. Hạm trưởng và một số nhân viên tử thương. Hạm phó ra lệnh đào thoát.
Cuộc tấn công của Phân đoàn 1 gồm HQ5, HQ4 diễn ra ở phía Tây Nam đảo Quang Hòa. 10h25, hải pháo 76,2 ly của HQ4 ở sân mũi gặp sự cố ngay từ phút đầu tiên và phải chờ sửa chữa. Việc này đã làm đảo lộn các dự tính của đại tá Hà Văn Ngạc. Tuy vậy, HQ4 vẫn tận dụng hỏa lực còn lại, tiếp tục bám sát mục tiêu của mình trong tầm đại liên.
10h40, khẩu 76,2 ly của HQ4 ở sân lái sau bị hỏng bộ phận tấn công tự động nên phải điều chỉnh bằng tay, bắn từng phát một nặng nề và chậm chạp. Đại tá Ngạc đã ra lệnh cho HQ4 rút lui khỏi vòng chiến để sửa chữa và chỉ thị HQ5 yểm trợ cho HQ4 rút ra xa. HQ4 tuy bị trúng nhiều đạn nhưng máy móc chính và hệ thống truyền tin vẫn điều khiển tốt.
10h55, chiếc 274 bị trúng đạn, bốc cháy và dạt vào bờ san hô phía Nam đảo Quang Hòa. Đa số súng trên HQ5 bị trở ngại, trừ khẩu pháo 40 ly bên trái, máy siêu tần không còn liên lạc được, máy truyền tin trên đài chỉ huy cũng bị trúng đạn bể nát, đại tá Ngạc phải vào Trung tâm chiến báo dùng máy VRC46 để chỉ huy.
Sau trận hải chiến, HQ10 không điều khiển được, bị bỏ lại và sau đó bị Trung Quốc đánh chìm; 3 chiến hạm (HQ4, HQ5, HQ16) bị hư hại; 74 binh sĩ hy sinh, 28 người bị thương và 48 người bị bắt làm tù binh khi Trung Quốc tăng quân đổ bộ lên chiếm các đảo vào ngày 20/1/1974.
Về phía Trung Quốc, 2 chiến hạm (274 và 396) bị chìm hoặc dạt vào bãi san hô; 2 chiến hạm (271 và 389) bị thiệt hại nặng; không rõ số nhân viên bị thương và chết.
11h, chiếc 271 được chiếc 389 tiếp trợ, hợp lực quay lại tấn công HQ5. HQ5 bị trúng nhiều đạn nhưng phản công dữ dội khiến tàu địch thiệt hại nặng phải chùn lại. 
Nhận được tin báo tăng viện của địch sắp đến, với tình trạng HQ10 không thể sử dụng, HQ16 nước vào hầm máy, tàu bị nghiêng, HQ4 và HQ5 trúng nhiều đạn chỉ còn hỏa lực rất hạn chế, Chỉ huy trưởng Hải đội đặc nhiệm ra lệnh cho HQ5 rút lui về hướng Đông Nam.
Hai tàu địch cũng bị hư hỏng nặng nên rút về hướng Đông Bắc Hoàng Sa. HQ5 cùng HQ4 rút về hướng Đông Nam và tiến về Đà Nẵng.
11h10, ba chiến hạm của Hải quân Việt Nam Cộng hòa buộc phải rút khi lực lượng tăng viện Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc nhập vùng (tàu hộ tống 281, 282 đến nơi sớm nhất, khoảng 30 phút sau khi Hải quân Việt Nam Cộng hòa rút). 15 nhân viên cơ hữu thuộc HQ16 bị kẹt lại đảo Vĩnh Lạc, 15 nhân viên cơ hữu thuộc HQ4 bị kẹt lại Cam Tuyền, các đảo của Việt Nam chỉ còn lực lượng quân đội trú phòng vệ, không còn hải pháo yểm trợ.
Toàn bộ quần đảo Hoàng Sa kể từ thời điểm này rơi vào tay Trung Quốc.
Diễn biến sau trận chiến Hoàng Sa
11h50 ngày 19/1/1974, hai chiến hạm tăng viện của Trung Quốc 281, 282 nhập vùng tiếp cứu các chiến hạm thiệt hại và nhân viên Trung Quốc bị thương, thiệt mạng. Hạm đội Trung Quốc tiếp tục sử dụng hải, lục, không quân tấn công và chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, bắt 50 tù binh (có 1 người Mỹ). Các tù binh này sau đó được trao trả vào ngày 17/2.
14h15 ngày 19/1/1974, HQ4 và HQ5 được lệnh quay lại Hoàng Sa tiếp cứu nhân viên đào thoát từ HQ10 đồng thời nhận được tin HQ16 sẽ được HQ6 hộ tống về Đà Nẵng. 
17h20 ngày 19/1/1974, HQ4 và HQ5 gần đến Hoàng Sa thì nhận được lệnh trở về Đà Nẵng. 
7h ngày 20/1/1974, HQ16 về đến vịnh Tiên Sa, cập cầu căn cứ hải quân Đà Nẵng. 
7h30 ngày 20/1/1974, HQ4 và HQ5 cập cầu thương cảng Thống Nhất, Đà Nẵng. 
Trong khi đó, ở trên bờ, 12h ngày 19/1/1974 Sư đoàn 1 không quân Việt Nam Cộng hòa nhận được lệnh chuẩn bị cuộc hành quân đánh bom các chiến hạm Trung Quốc tại Hoàng Sa. Sáng 20/1, Kế hoạch không tập các chiến hạm Trung Quốc tại Hoàng Sa hoàn tất và lực lượng tham chiến thuộc Phi đoàn 538 sẵn sang chờ lệnh.
Trưa hôm sau, kế hoạch dội bom các chiến hạm Trung Quốc tại Hoàng Sa bị hủy bỏ.
Nguyễn Hùng Cường
(Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo
)