26 tháng 3, 2017

Trận đụng độ lớn đầu tiên giữa các tàu sân bay trong lịch sử

Hải chiến trên biển Coral năm 1942 giữa Mỹ và Nhật được xem là lần giao tranh trực tiếp đầu tiên giữa các tàu sân bay.

Hải chiến biển Coral năm 1942 giữa Nhật Bản và liên quân Mỹ-Autralia là lần đầu tiên các tàu sân bay đối đầu trực tiếp với nhau trong lịch sử thế giới, theo War History.
Mùa xuân năm 1942, để cô lập Australia và dụ Mỹ giao tranh, các chiến lược gia Nhật Bản thông qua kế hoạch gồm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là chiến dịch MO, đặt theo tên chữ cái trong tiếng Nhật của cảng Moresby, nhằm chiếm đảo Tulagi ở phía nam quần đảo Solomon, sau đó thiết lập căn cứ hải quân để kiểm soát phía bắc vùng biển Coral, đổ bộ lên cảng Moresby phía nam New Guinea, giúp tàu sân bay Nhật vươn tới miền bắc Australia.
Hải quân Nhật đã sử dụng lực lượng cảnh giới và tấn công để chiếm đảo Tulagi và cảng Moresby. Chuẩn đô đốc Takagi chỉ huy tàu Shokaku và Zuikaku, hai tàu sân bay mới nhất của Nhật Bản khi đó. Ngoài ra, còn có biên đội tàu hộ tống gồm tuần dương hạm hạng nặng Myoko và Haguro, khu trục hạm Ariake, Yugure, Shigure, Shiratsuyu, Ushio, Akebono và tàu tiếp liệu Toho Maru, cùng một lực lượng đổ bộ hùng hậu lên cảng Moresby.
Tuy nhiên, nhờ thông tin tình báo, Mỹ đã nắm được kế hoạch này và hiệp đồng với Australia để đối phó. Đội ngũ giải mã cho biết chiến dịch tập kích Moresby dự kiến diễn ra ngày 3/5, đồng thời hải quân Nhật Bản sẽ băng qua vùng biển Coral, điều này giúp Mỹ tổ chức mai phục.

Phía Mỹ triển khai lực lượng tác chiến tàu sân bay do chuẩn đô đốc Frank J. Fletcher chỉ huy gồm 10 tuần dương hạm cùng hai cụm tàu sân bay Yorktown (CV-5), Lexington (CV-2) và khu trục hạm Morris (DD-417), Anderson (DD-411), Hammann (DD-412) và Russell (DD-414), cùng lực lượng tàu yểm trợ và tiếp liệu.

Ngày 3/5, Nhật Bản chiếm được đảo Tulagi. Mỹ điều 12 oanh tạc cơ ngư lôi cùng 28 oanh tạc cơ bổ nhào tấn công, gây thiệt hại nghiêm trọng cho một khu trục hạm và đánh chìm ba tàu quét mìn.
Ngày 5/5, lực lượng Nhật Bản do đô đốc Takagi chỉ huy đi vào vùng biển Coral, trong khi chuẩn đô đốc Fletcher di chuyển theo hướng tây bắc, hướng về lực lượng đổ bộ cảng Moresby của Nhật Bản mà không hề biết về quy mô và vị trí của đối phương.
Các máy bay do thám Nhật quần thảo trên không theo dõi tàu Mỹ và thông báo cho chiến hạm của họ trong khu vực. Oanh tạc cơ Mỹ cuối cùng cũng tấn công và đánh chìm một khu trục hạm đồng minh, làm hơn 375 người thiệt mạng. Trong lúc bối rối, phi công đã nhầm tưởng tàu bạn là đối phương và bắt đầu dội bom.
tran-dung-do-lon-dau-tien-giua-cac-tau-san-bay-trong-lich-su
Quá trình cơ động của hai phe trong trận hải chiến. Ảnh: Dels Journey.
Ngày 6/5, cả hai phe cách nhau chỉ 11 km nhưng chưa phát hiện ra nhau do thời tiết xấu cản trở máy bay trinh sát. Ngày hôm sau, do báo cáo trinh sát không chính xác, cả hai phía đều tiến hành các cuộc tấn công đường không quy mô lớn.
Đô đốc Takagi điều lực lượng đến phía nam-tây nam, nơi tàu tiếp liệu Neosho và khu trục hạm Sims của Mỹ bị hiểu nhầm là tàu sân bay và tàu tuần dương. Cả hai tàu Mỹ đều bị phá hủy. Chuẩn đô đốc Fletcher ra lệnh điều lực lượng lớn tấn công hai tàu sân bay Nhật, nhưng thực chất đó chỉ là nhóm cảnh giới dưới quyền chuẩn đô đốc Goto.
Quân Mỹ tiếp tục tấn công chiến hạm Nhật Bản nhờ máy bay do thám chỉ thị mục tiêu. 93 máy bay Mỹ đã tập kích hai tàu sân bay hạng nhẹ và hai tàu vũ trang trong biên đội hộ tống. Một nhóm khá đánh chìm tàu sân bay hạng nhẹ Shoho, sau khi nó trúng 13 quả bom và 7 ngư lôi.
Hải quân Nhật Bản đáp trả trong buổi chiều và ban đêm bằng cách triển khai máy bay xuất kích đánh chìm tàu sân bay Mỹ. Tuy nhiên, do thời tiết xấu và kế hoạch không có sự chuẩn bị kỹ càng, đợt phản công này trở thành thảm họa. Trong số 27 máy bay xuất kích thực hiện nhiệm vụ, chỉ có 6 chiếc trở về an toàn. Một số báo cáo cho thấy phi công Nhật trong lúc rối trí đã hạ cánh xuống tàu sân bay Mỹ.
Đỉnh điểm trận hải chiến diễn ra hôm 8/5, khi hải quân Nhật Bản rút toàn bộ tàu chiến để tàu sân bay tấn công. Lực lượng hai bên khá cân bằng, mỗi tàu sân bay đều mang theo 20 máy bay. Phi cơ trinh sát hai bên phát hiện ra vị trí đối phương từ cách gần 320 km.
Cả hai phe đều sử dụng máy bay để tấn công tàu sân bay của nhau. Lúc 10h57, oanh tạc cơ Mỹ tấn công tàu sân bay Shokaku gặp nhiều khó khăn do thời tiết xấu và bị tiêm kích Zero đáp trả, nhưng cuối cùng cũng thả một quả bom 450 kg trúng tàu.
Trung úy John Power trên một máy bay bốc cháy tiếp tục bồi thêm một quả bom tương tự, sau đó lao vào tàu Shokaku khiến nó bị hư hỏng và bốc cháy. Thiệt hại của Shokaku nặng tới mức máy bay chỉ có thể hạ cánh chứ không thể xuất kích, buộc các phi đội phải sơ tán sang tàu sân bay Zuikaku đang ẩn mình an toàn trong mưa bão.
Trong đợt phản công của Nhật Bản, tàu sân bay USS Lexington bị trúng bom và ngư lôi làm kho đạn phát nổ và bốc cháy, buộc thủy thủ đoàn phải bỏ tàu nhưng không có tổn thất con người. Một khu trục hạm Mỹ sau đó phóng 5 quả ngư lôi để đánh chìm tàu sân bay này. Sau trận đánh, cả hai bên đều rút quân.
tran-dung-do-lon-dau-tien-giua-cac-tau-san-bay-trong-lich-su-1
Máy bay Nhật ghi lại cảnh tàu sân bay USS Lexington bốc cháy dữ dội. Ảnh: Wikipedia.
Kết thúc trận chiến biển Coral, Nhật Bản hủy kế hoạch xâm chiếm New Guinea vì lo sợ Mỹ tiếp tục đánh chìm thêm tàu sân bay. Cả hai phe đều tuyên bố chiến thắng, Nhật thành công về chiến thuật khi đánh chìm được nhiều tàu địch với tổn thất chỉ là một tàu sân bay hạng nhẹ, Mỹ thắng lợi về chiến lược dù mất một tàu sân bay cỡ lớn.
Đây là lần đầu tiên Mỹ chặn đứng được một cuộc xâm lược của Nhật Bản trong Thế chiến II, đồng thời gây thiệt hại cho tàu sân bay Shokaku và Zuikaku, khiến chúng không thể tham gia trận đánh then chốt ở Midway sau đó một tháng.
Duy Sơn

Chiếc xe tăng suýt đẩy Trung Quốc - Liên Xô vào chiến tranh hạt nhân

Vụ Trung Quốc tấn công đồn biên phòng Liên Xô và đánh cắp xe tăng T-62 khiến hai nước suýt leo thang xung đột thành chiến tranh hạt nhân.

Năm 1964, căng thẳng trong tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Liên Xô gia tăng, lực lượng quân sự hai nước bắt đầu được tăng cường ở khu vực tranh chấp, theo National Interest.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Trung Quốc tố lính Liên Xô tấn công dân thường ở khu vực biên giới, còn Liên Xô tố ngược lính Trung Quốc có hành vi khiêu khích. Để tránh leo thang căng thẳng, biên phòng Liên Xô được lệnh dùng gậy xua đuổi dân Trung Quốc vượt qua biên giới.
Bắc Kinh đáp trả bằng việc sử dụng gậy dài hơn, khiến tranh chấp hai bên trở thành một cuộc đấu gậy. Hai bên cử võ sĩ và đô vật ra biên giới, bởi cả hai phía đều không muốn nổ ra chiến tranh hay bị mất mặt.
Ngày 2/3/1969, lấy lý do trả thù cho dân thường thiệt mạng, lính Trung Quốc tấn công các đồn biên phòng của Liên Xô trên đảo Zhenbao nằm giữa sông biên giới Ussuri, khiến 59 người thiệt mạng và 94 người khác bị thương.
Để chiếm lại đảo Zhenbao, Liên Xô ngày 15/3 điều 4 xe tăng chiến đấu chủ lực T-62 tham chiến. Đây là khí tài mới nhất và vẫn được Moscow giữ bí mật vào thời điểm đó. Tuy nhiên khi vượt qua khúc sông hẹp bị đóng băng, một chiếc xe tăng dính mìn, đứt xích và khựng lại, ba chiếc còn lại vội vã rút về phía Liên Xô.
chiec-xe-tang-suyt-dy-trung-quoc-lien-xo-vao-chien-tranh-hat-nhan
Đảo Zhenbao nằm trên sông biên giới Ussuri giữa Liên Xô và Trung Quốc. Đồ họa: Wikipedia
Lính Trung Quốc ném lựu đạn vào trong xe, khiến kíp lái Liên Xô thiệt mạng. Các chỉ huy Trung Quốc muốn kéo chiếc xe tăng tối tân này về phòng tuyến của mình, nhưng vấp phải hỏa lực bắn tỉa bên sườn của Liên Xô.
Ngày hôm sau, được sự cho phép của Trung Quốc, quân Liên Xô quay lại để mang xác đồng đội về. Tuy nhiên, khi lính Liên Xô cố gắng cứu kéo chiếc xe tăng, quân Trung Quốc lại nổ súng buộc họ phải rút lui. Ngày 21/3, Liên Xô điều đội công binh đến để phá hủy chiếc xe tăng, ngăn nó rơi vào tay Trung Quốc, nhưng họ tiếp tục bị hỏa lực đối phương đẩy lùi.
Ngay sau khi quân Liên Xô rút lui, hải quân Trung Quốc được lệnh hỗ trợ kéo chiếc xe tăng T-62 về phía nước này. Ngày 28/3, lực lượng này đến nơi nhưng bị Liên Xô nã pháo, khiến họ phải thay đổi chiến thuật.
chiec-xe-tang-suyt-dy-trung-quoc-lien-xo-vao-chien-tranh-hat-nhan-1
Lính Trung Quốc sau khi đánh cắp được chiếc T-62. Ảnh: War History.
Dưới sự cảnh giới của lính bắn tỉa, công binh Trung Quốc ẩn nấp sau chiếc T-62 bắt đầu tháo dỡ từng bộ phận của chiếc xe tăng cho đến ngày 2/4, khi khối băng trên mặt sông bắt đầu tan chảy. Phát hiện điều đó, phía Liên Xô liên tục bắn vào khối băng xung quanh xe tăng cho đến khi nó bị chìm xuống sông mới rút quân.
Tuy nhiên hải quân Trung Quốc vẫn không bỏ cuộc, tìm mọi cách trục vớt chiếc xe tăng bằng các thiết bị thô sơ, khiến nhiều binh sĩ thiệt mạng do hạ thân nhiệt. Đến ngày 29/4, họ lấy được các bộ phận còn lại của chiếc T-62 và chuyển tới nhà máy chế tạo xe tăng ở Lyshuen.
Tuy nhiên, Liên Xô vẫn chưa từ bỏ chiếc xe này. Giữa tháng 5, một người Trung Quốc bị bắt gần nhà máy ở Lyshuen với chiếc túi chứa đầy thuốc nổ. Người này thừa nhận làm việc cho Liên Xô với ý định phá hủy nhà máy cùng chiếc T-62.
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân
Theo chuyên gia quân sự Robert Farley, sự cố trên đảo Zhenbao năm 1969 đã đẩy Liên Xô và Trung Quốc đến bờ vực chiến tranh, cuộc xung đột có thể khiến hai bên sử dụng vũ khí hạt nhân.
Việc Trung Quốc thử vũ khí hạt nhân năm 1964 giúp Bắc Kinh có khả năng răn đe độc lập. Tuy nhiên, họ phải dựa vào các tên lửa nhiên liệu lỏng có độ tin cậy kém, đòi hỏi nhiều giờ chuẩn bị, trong khi chỉ có thể ở trên bệ phóng trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, tên lửa Trung Quốc không thể vươn tới các mục tiêu quan trọng của Liên Xô ở khu vực gần châu Âu. Lực lượng oanh tạc cơ Trung Quốc với vài chiếc T-4 và H-6 hoàn toàn bất lực trước hệ thống phòng không tối tân của Liên Xô.
Ngược lại, Liên Xô đạt khả năng hạt nhân tương đương với Mỹ, sở hữu kho vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược mạnh, dễ dàng xóa sổ khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc, cũng như các tập đoàn quân trung tâm và các thành phố lớn.
chiec-xe-tang-suyt-dy-trung-quoc-lien-xo-vao-chien-tranh-hat-nhan-2
Biên phòng Liên Xô và Trung Quốc xô xát bằng gậy ở biên giới. Ảnh: War History.
Tuy nhiên, lãnh đạo Liên Xô vẫn tỏ ra thận trọng, họ hiểu rằng không thể tấn công hạt nhân Trung Quốc mà không phải trả giá. Liên Xô coi tấn công hạt nhân là phương án dự phòng, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông tin rằng lãnh thổ rộng lớn và quân số đông của họ đủ sức bảo vệ Trung Quốc trước mọi cuộc tấn công hạt nhân.
Cuộc giằng co quanh chiếc xe tăng T-62 trên đảo Zhenbao chỉ kéo dài trong vòng hai tuần rồi kết thúc. Chiếc xe tăng bị đánh cắp không thể giúp cán cân sức mạnh nghiêng về phía Trung Quốc, nhưng nó góp phần quan trọng giúp lãnh đạo nước này nhận ra việc không thể đối đầu với phương Tây và Liên Xô cùng lúc. Điều đó thúc đẩy Bắc Kinh cải thiện quan hệ với Washington sau đó.
Năm 1991, đảo Zhenbao được trao trả cho Trung Quốc. Tới tận năm 2003, Nga và Trung Quốc mới hoàn thành việc phân định biên giới.
Duy Sơn

Trận đại chiến xe tăng lớn nhất thế giới từ sau Thế chiến II

Với hơn 500 xe tăng tham chiến, trận đánh ở Chawinda giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1965 được coi là đại chiến xe tăng lớn nhất thế giới kể từ sau Thế chiến II.

Kể từ khi tách ra khỏi Ấn Độ ngày 14/8/1947, Pakistan luôn trong tình trạng chiến tranh với Ấn Độ cả bí mật lẫn công khai. Trận chiến diễn ra từ tháng 8 đến ngày 23/9/1965 được coi là giai đoạn mang tính quyết định trong mọi cuộc chiến giữa hai nước.
Trong trận chiến này, hai bên đều sử dụng xe thiết giáp và vũ khí cũ do Mỹ, Nga và Anh cung cấp. Trận đánh Chawinda đến nay vẫn được coi là đại chiến xe tăng lớn nhất thế giới kể từ sau trận Kursk trong Thế chiến II, theo War History.
Ấn Độ muốn sử dụng thành phố Sialkot ở Pakistan để làm bàn đạp luồn sâu trong lãnh thổ đối phương. Thị trấn Chawinda, trung tâm của cuộc chiến, chỉ cách thành phố chính này vài km. Để tiến hành kế hoạch, tướng Dunn, tư lệnh Quân đoàn I của Ấn Độ nhận nhiệm vụ chỉ huy một sư đoàn thiết giáp, một sư đoàn sơn cước và hai sư đoàn khác.
Ấn Độ triển khai khoảng 80.000 đến 150.000 bộ binh cùng 230 xe tăng Centurion và Sherman.
Phía Pakistan dự định đối phó bằng một sư đoàn thiết giáp, một sư đoàn bộ binh và một sư đoàn pháo binh với quân số 30.000 đến 50.000 và 132 xe tăng.
Khi chiến tranh xảy ra, Pakistan được tăng cường thêm một sư đoàn bộ binh và một sư đoàn thiết giáp với 150 xe tăng, lực lượng rút lui sau khi tham chiến trong trận đấu tăng ở Phillora gần đó không bị tổn thất nhiều. Cả hai loại xe tăng Sherman và Patton đều tham gia trận đánh này.
Ngày 7/9, Sư đoàn thiết giáp số 1, Sư đoàn bộ binh số 14 và Sư đoàn sơn cước số 6 của Ấn Độ lên kế hoạch cắt đứt tuyến hậu cần của Pakistan, khiến giao tranh chớp nhoáng nổ ra với kết quả Pakistan thiệt hại 10 xe tăng. Trước việc Ấn Độ giành thế áp đảo trên tuyến đường sắt Sialkot, Pakistan điều hai trung đoàn thuộc Sư đoàn thiết giáp số 6 đến chi viện cho Sư đoàn bộ binh số 7 khi đó đang đẩy lùi cuộc tấn công của Ấn Độ.
Ngoài ra, đơn vị diệt tăng độc lập gồm 24 xe M47 và M48 Patton, cùng một số xe Sherman cũng được Pakistan điều đến tham chiến. Phán đoán được động thái di chuyển của Sư đoàn thiết giáp số 6 Pakistan, quân đội Ấn Độ lên kế hoạch chia cắt lực lượng ở Sialkot với sư đoàn này.
tran-dai-chien-xe-tang-lon-nhat-the-gioi-tu-sau-the-chien-ii
Phân bố lực lượng Pakistan (đỏ) và Ấn Độ (xanh) trước trận đánh. Ảnh: 18News.
Lợi thế của Ấn Độ khi đó là Pakistan chỉ có một trung đoàn, dù hai sư đoàn khác được lệnh đến tăng cường. Lữ đoàn thiết giáp số 1 Ấn Độ chia nhỏ lực lượng cùng với Lữ đoàn bộ binh số 43 tiến về phía Pakistan.
Mũi chủ lực của Lữ đoàn thiết giáp số 1 được triển khai đến gần thị trấn Phillora. Trận chiến xe tăng tại đây kết thúc với phần thắng thuộc về Ấn Độ, do các trung đoàn Pakistan rút lui sau vài ngày giao tranh. Đó là quyết định sáng suốt, giúp họ giành lợi thế chiến lược do bảo toàn được lực lượng thiết giáp để chiếm ưu thế trong trận đại chiến ở Chawinda.
Ngày 10/9, Ấn Độ tiếp tục tấn công với nhiều quân đoàn tham gia để đẩy lùi tuyến phòng ngự của Pakistan ở Sialkot. Pakisan bị đẩy vào tình thế nguy hiểm. Mọi cuộc phản công của họ đều vấp phải sự kháng cự quyết liệt, quân số Ấn Độ đông hơn gấp 10 lần. Tuy nhiên, viện binh của Pakistan gồm một sư đoàn bộ binh và một sư đoàn tăng trên đường đến nơi và sẵn sàng tấn công Chawinda, mọi cuộc tấn công của Ấn Độ đều bị đẩy lùi.
Sáng ngày 14/9, Sư đoàn thiết giáp số 6 Pakistan dưới quyền chỉ huy của đại tá Wajahat giữ một cứ điểm quan trọng ở Chawinda. Ấn Độ muốn cắt đứt tuyến tiếp tế giữa quân Pakistan đồn trú tại đây và quân trung ương, nhằm bao vây cầm chân họ lâu nhất có thể.
Tới tận đêm muộn, Ấn Độ mới chiếm được vài ngôi làng gần đó, do 4 trung đoàn nước này không thể xuyên thủng đội hình của ba trung đoàn Pakistan. Mặt đất rung chuyển khi các xe tăng Patton của Pakistan  giao tranh với tăng Centurion và Sherman Ấn Độ.
Đội kỵ binh số 25 với trang bị mới tinh và đội ngũ sĩ quan nắm chắc nghệ thuật tác chiến hiện đại đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến, nhất là khi không quân và pháo binh bị hạn chế do lực lượng hai bên hòa lẫn vào nhau.
Hai bên đối đầu toàn diện cho đến khi giãn ra khoảng cách đủ để pháo binh Pakistan sử dụng loại pháo mới mua của Mỹ để tấn công lực lượng Ấn Độ rút lui. Vào cuối trận đánh, chiến trường trông như một nghĩa địa xe tăng.
tran-dai-chien-xe-tang-lon-nhat-the-gioi-tu-sau-the-chien-ii-1
Một xe tăng Ấn Độ bị bắn hạ trong trận đánh. Ảnh: Wikipedia.
Nhưng một lần nữa, quân Ấn Độ tái tập hợp đội hình để thọc sườn phía Pakistan hôm 16/9. Vào thời điểm đó, pháo binh Pakistan triển khai dễ dàng hơn và chặn đà tiến công của Ấn Độ. Bộ binh Ấn Độ bị dàn mỏng dọc chiến tuyến, mỗi lần họ cố gắng hội quân đều bị Pakistan tấn công với 90 khẩu pháo, trong đó gồm 12 khẩu lựu pháo cỡ nòng 203 mm.
Sau trận đánh, Pakistan tuyên bố mất 44 xe tăng các loại và bắn hạ 120 xe tăng Ấn Độ. Trong khi đó, phía Ấn Độ cho biết chỉ mất 29 xe tăng.
Ngày 21/9, Ấn Độ rút lui về các cứ điểm phòng thủ ban đầu, chấm dứt mọi hoạt động tham chiến. Chỉ huy phía Pakistan bác bỏ đề xuất phản công của sĩ quan trên thực địa, bởi họ không có kế hoạch dự trù cho việc này. Ngày 22/9, nỗ lực ngoại giao chấm dứt chiến tranh được tiến hành khi Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu hai nước ngừng bắn vô điều kiện.
Cả hai nước đồng ý chính thức chấm dứt tình trạng thù địch vào ngày 23/9. Các vùng lãnh thổ giành được của nhau được trao trả sau khi Tuyên bố Tashkent được ký kết dưới sự bảo trợ của Liên Xô. 
Duy Sơn

17 tháng 3, 2017

Khu lăng mộ có 3 vua triều Nguyễn an giấc nghìn thu

Vua Thành Thái, vua Duy Tân, sau khi mất đi được con cháu đưa thi hài về chôn cất trong khu vực  An Lăng nơi có lăng tẩm vua Dục Đức.

Nằm trên đường Duy Tân (phường An Cựu, TP Huế), An Lăng có diện tích rộng gần 6 ha, bao gồm lăng vua Dục Ðức, hoàng hậu và 42 tẩm mộ ông hoàng bà chúa cùng 121 ngôi mộ đất của những người thuộc Ðệ Tứ Chánh phái Nguyễn Phước tộc.
Đây cũng là nơi an nghỉ của vua Thành Thái và vua Duy Tân, hai vị vua yêu nước bị thực dân Pháp phế truất và an trí ở nước ngoài.
khu-lang-mo-co-3-vua-trieu-nguyen-an-giac-nghin-thu
Nhiều hạng mục đã xuống cấp ở Lăng vua Dục Đức. Ảnh: Võ Thạnh.
Theo chính sử triều Nguyễn, vua Tự Đức (1847 - 1883) qua đời truyền ngôi lại cho người con nuôi của mình là Hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Ái, tức vua Dục Đức. Nhưng vua Dục Đức chỉ trị vì được mấy ngày thì bị phế truất và bị quản thúc tại Thái Y Viên, sau đó chết đói ở nhà ngục Thừa Thiên để lại 8 bà vợ, 11 người con trai và 8 người con gái. 
Giai thoại ở Huế lưu truyền rằng, vua Dục Đức mất, vợ vua đã thuê người gánh thi hài vua từ ngục Thừa Thiên mang về chùa Tường Quan để chôn cất với mong muốn ngày ngày tiếng kinh Phật sẽ siêu thoát linh hồn. Nhưng chưa đến vườn chùa, thi hài nhà vua rơi xuống gần khe cồn Phước Quả và được chôn cất tạm bợ tại đây. Mấy hôm sau triều đình nhà Nguyễn mới cho người vợ chính là bà Từ Minh được phép lên thăm mộ và làm lễ chịu tang ở chùa Tường Quang.
Vào năm 1889, con trai của vua Dục Đức là Nguyễn Phúc Bửu Lân được đưa lên ngôi vua, lấy niên hiệu Thành Thái. Sau đó, vua Thành Thái cho xây lăng mộ của cha đàng hoàng và đặt tên là An Lăng. Nơi thờ thì ở chùa Tường Quang cách 200 mét. 
khu-lang-mo-co-3-vua-trieu-nguyen-an-giac-nghin-thu-1
Lăng vua Thành Thái trong khu vực An Lăng. Ảnh: Võ Thạnh.
Đến tháng 7 năm Thành Thái thứ 11 (8/1899), nhà vua cho xây dựng điện Long Ân gần khu vực lăng mộ vua Dục Đức để thờ cha. Trong khuôn viên này có xây dựng thêm một số nhà cửa dành cho 7 bà vợ thứ của vua Dục Đức ăn ở để lo hương khói phụng thờ. Năm 1906, bà Từ Minh tạ thế, triều đình cho quy hoạch lại khu vực lăng mộ vua Dục Đức, làm thành một khu lăng kép, xây mộ bà gần mộ ông theo kiểu "song táng".
Cuối năm 1945, vua Duy Tân tử nạn máy bay ở châu Phi, một cuộc lễ truy điệu nhà vua được tổ chức tại điện Long Ân và thờ tại đây. 
Đến năm 1954, khi vua Thành Thái mất, thi hài được đưa về chôn cất trong khu vực An Lăng và cũng được thờ ở điện Long Ân. Năm 1987, hài cốt vua Duy Tân được đưa về an táng cạnh lăng vua cha Thành Thái.  
Gần hai bên lăng vua Thành Thái và Duy Tân còn có lăng mộ của 3 bà vợ vua Thành Thái và năm 1994, hài cốt bà Mai Thị Vàng (mất năm 1980), vợ vua Duy Tân được đưa về chôn gần lăng mộ của vua.
khu-lang-mo-co-3-vua-trieu-nguyen-an-giac-nghin-thu-2
Phần mộ vua Duy Tân nằm cạnh mộ vua cha Thành Thái trong khu vực An Lăng. Ảnh: Võ Thạnh. 
Lăng vua Thành Thái và vua Duy Tân nhỏ gọn, nằm ngay mặt tiền đường Duy Tân, trong khi đó lăng tẩm vua Dục Đức đã xuống cấp nặng nề. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đơn vị quản lý An Lăng phải dùng các thanh sắt để gia cố tạm bợ. 
Hiện bài vị vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân đang được thờ trong khu vực điện Long Ân. Hằng năm, dòng Nguyễn Phúc tộc thường tổ chức ngày giỗ cho các vị vua ngay trong khu vực lăng.
khu-lang-mo-co-3-vua-trieu-nguyen-an-giac-nghin-thu-3
Bìa vị vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân được thờ trong điện Long Ân. Ảnh: Võ Thạnh.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, một phần khu vực An Lăng đã bị người dân lấn chiếm làm nhà cửa sinh sống.
Vua Dục Đức (23/2/1852 - 6/10/1883) là vị vua thứ năm của triều đại nhà Nguyễn và là cha của vua Thành Thái, ông nội vua Duy Tân. 
Vua Thành Thái (14/3/1879 - 24/3/1954) là vị vua thứ 10, tại vị từ 1889 - 1907.
Vua Duy Tân (19/9/1900 - 26/12/1945), tên là Nguyễn Phúc Vĩnh San, vị vua thứ 11 của nhà Nguyễn, ở trên ngai vàng từ 1907 - 1916. Khi cuộc khởi nghĩa Duy Tân thất bại, nhà vua bị thực dân Pháp đưa đi an trí ở Châu Phi.
Võ Thạnh

12 tháng 3, 2017

4 trận đánh diễn ra trong thời tiết khắc nghiệt nhất lịch sử

Có những trận đánh đã diễn ra trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt, làm thay đổi kết quả một cách rõ rệt, theo War History.

4-tran-danh-dien-ra-trong-thoi-tiet-khac-nghiet-nhat-lich-su
Đội quân của Napoleon co ro trong giá lạnh mùa đông nước Nga. Ảnh: War History.
Trận chiến trên sông Trebia năm 218 trước Công nguyên
Người La Mã và cư dân thành Carthage chưa đã đối đầu trong trận giao tranh quy mô lớn thời Chiến tranh Punic lần hai. Hannibal, vị tướng và chiến lược gia người Carthag, đã ở Italy nhiều tháng và khiến miền trung Italy đang bị đe dọa. Đối thủ của Hannibal là lãnh sự Tiberius Sempronius Longus, người rất tự tin vào quân đội của mình, nhưng lại chọn phương án khó thành công nhất để tiến hành trận đánh.
Vào ngày đông chí cuối tháng 12, Hannibal điều các cánh quân nhỏ băng qua sông Trebia để tấn công doanh trại quân La Mã, trong khi số quân còn lại quây quần ăn sáng trước bình minh. Quân La Mã bị bất ngờ, Sempronius Longus lập tức cho quân xông ra đánh sống mái nhằm đẩy lùi quân Hannibal.
Phía La Mã buộc phải băng qua sông Trebia lạnh giá dưới trời mưa tuyết. Các cánh quân nhỏ của Hannibal cưỡi ngựa, trong khi lính bộ binh La Mã phải lội nước ngang tới ngực, khiến họ không thể cầm vũ khí do tay lạnh buốt. Khi cuộc giao tranh diễn ra, Hannibal điều kỵ binh bí mật tấn công vào phía sau đội hình La Mã khi họ vừa lên khỏi dòng sông lạnh. Nhờ đó, quân Carthage dễ dàng giành chiến thắng gây chấn động khắp La Mã.
Cuộc chiến Mùa đông năm 1812
Khi xâm lược Nga, Napoleon tự tin rằng đội quân lớn của mình sẽ thẳng tiến đến chiếm Moscow,  buộc người Nga phải đầu hàng trước mùa đông.
Người Nga biết rõ sức mạnh của đội quân Napoleon và quyết định tiến hành chiến lược vườn không nhà trống. Họ giao tranh nhiều trận với quân Pháp nhưng liên tục rút lui, ngay cả khi giành chiến thắng. Trước khi rút, quân Nga mang theo mọi lương thực khiến lính Pháp gặp khó khăn về nguồn tiếp tế. Sau trận đánh lớn ở Borodino, ngoại thành Moscow, Napoleon dễ dàng chiếm được thành phố lớn này nhưng người Nga vẫn không hề đầu hàng.
Do cạn nguồn lương thực, quân Napoleon buộc phải rút lui. Trong quá trình lui binh, mùa đông khắc nghiệt ở Nga khiến quân Pháp bị tổn thất nặng nề. Ngoài ra, cuộc tấn công chớp nhoáng của Nga ở trận Vyazma cũng cản trở đà lui binh của Napoleon khi vừa mới bắt đầu.
Vào giữa tháng 10, nhiệt độ dưới 0 độ C giúp người Nga tận dụng lợi thế trong trận Krasnoi. Dù quân Napoleon trốn thoát với lực lượng còn nguyên vẹn, những người lính lạnh cóng và đói khát luôn lo sợ về cuộc tấn công tiếp theo của quân Nga.
Cuối cùng, Napoleon cũng đến được sông Berezina. Người Pháp chỉ cần băng qua sông băng để thoát thân, nhưng lớp băng vừa mới nứt đã gây khó khăn cho họ. Một số lính công binh dũng cảm đã lội xuống dòng nước băng giá để xây cầu thô sơ, trong khi quân Nga liên tục tấn công ác liệt vào đội hình quân Pháp đã mệt mỏi.
Lính Pháp hoảng loạn tràn lên các cây cầu, rất nhiều người rơi xuống sông khiến hàng nghìn quân bị hạ thân nhiệt và tê cóng. Quân Napoleon cuối cùng cũng qua được sông nhưng bị tổn thất tới hàng chục nghìn người. Thảm bại của chiến dịch này đã khiến quân đội Pháp suy yếu đáng kể, đồng thời gây ảnh hưởng đến danh tiếng của họ ở nước ngoài. Các đồng minh của Pháp chuyển phe khi Chiến tranh Liên minh thứ 6 nổ ra, khiến Napoleon phải sống lưu vong ở Elba.
Chiến tranh công sự ở dãy Alps trong Thế chiến I
Trong Thế chiến I, Italy cùng phe với Đức, Áo, Hungary ở giai đoạn đầu chiến tranh, sau đó chuyển sang phe Anh và Pháp với hi vọng giành thêm lãnh thổ quanh dãy Alps và Dalmatia. Chiến dịch quân sự của nước này sa lầy ở rặng núi Dolomite thuộc dẫy Alps, nơi tồi tệ nhất trong Thế chiến I.
4-tran-danh-dien-ra-trong-thoi-tiet-khac-nghiet-nhat-lich-su-1
Một trong các đường hầm trên dãy Alps. Ảnh: War History.
Các công sự chiến đấu được hình thành ở những nơi gây khó khăn cho các chuyên gia leo núi hiện nay. Những trận tuyết lở và đá sập không phải là hiếm gặp, trong khi lượng lớn thuốc nổ được sử dụng khiến các vụ sạt lở diễn ra nhiều hơn.
Italy cố gắng tiến lên phía trước nhưng viện binh Đức đẩy lùi họ đến mức gần như phải bỏ phòng tuyến.  Đến khi ở thế giằng co, cả hai bên đều đào các đường hầm đáng kinh ngạc xuyên qua núi, thường chỉ cách đỉnh núi khoảng 30 m.
Trong trận đánh này, các ngọn núi dựng đứng với địa hình hiểm trở đã gây khó khăn cho cả hai phía. Tuy nhiên, thời tiết lạnh giá, băng tuyết rơi thường xuyên cùng không khí loãng cũng có ảnh hưởng sâu sắc. Cuối cùng, Italy tung đòn tấn công quyết định để chọc thủng tuyến phòng thủ nơi đây vào năm 1918 và tiến sâu vào lãnh thổ đế chế Áo - Hung.
Chiến dịch Neptune trong Thế chiến II
Trận đổ bộ Normandy là bước ngoặt ở chiến trường châu Âu trong Thế chiến II. Thời tiết là một trong những yếu tố quan trọng nhất của quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến dịch này. Eo biển Manche thường có các cơn bão quét qua, thời tiết mưa gió, biển động mạnh ảnh hưởng đến mọi hoạt động từ oanh tạc trên không cho đến đổ bộ bằng lính dù và xuồng.
4-tran-danh-dien-ra-trong-thoi-tiet-khac-nghiet-nhat-lich-su-2
Xe tăng 29 DD được quây vải ngăn sóng đánh chìm trong trận Normandy. Ảnh: War History.
Do tầm quan trọng của thời tiết, đội ngũ nhà khí tượng học tốt nhất thế giới của quân Đồng minh đã làm công tác dự báo, nhưng kết quả không thực sự chính xác trước thềm cuộc đổ bộ ngày 5/6/1944. Tối 4/6, người đứng đầu nhóm khí tượng cho rằng thời tiết rất xấu trong ngày 5/6. Đây là dự báo liều lĩnh bởi thời tiết khi đó khá yên ả và dễ chịu, tuy nhiên đã có các cơn bão trong ngày hôm đó, dự báo thời tiết xấu sẽ kéo dài trong gần hai tuần.
Dự báo cho biết trong thời gian này có lúc thời tiết tốt nên quân Đồng minh có thể đổ bộ sáng ngày 6/6. Đây lại là một dự báo rất mạo hiểm bởi thời tiết khi đó rất xấu. Dù chỉ huy Đồng minh Eisenhower có thể trì hoãn đợt tấn công, việc chờ đợi hơn một tuần sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực, buộc ông phải tái di chuyển lượng lớn binh sĩ và tàu thuyền.
Eisenhower quyết định tận dụng ngay dự báo này, thay vì chờ đến gần ngày 19/6. Cuộc đổ bộ đã thành công vào ngày 6/6, dù phải chịu nhiều thương vong. Thời tiết không hẳn là tốt, nhưng vẫn có thể triển khai chiến dịch. Trên thực thế, vào ngày 19/6 còn xuất hiện một cơn bão tồi tệ hơn quét qua eo biển Manche.
Ngược lại, công tác dự báo thời tiết của Đức không tốt. Họ không thể kiểm soát biển phía bắc và phía tây, đồng thời cho rằng các cơn bão sẽ hoành hành liên tục nên chắc chắn không thể diễn ra một cuộc đổ bộ. Nhiều chỉ huy Đức đã rời căn cứ, trong khi lượng lớn binh sĩ được cho nghỉ phép. Điều này đã gây ảnh hưởng tới sức chiến đấu của Đức khi cuộc đổ bộ diễn ra tại Normandy.
Duy Sơn

4 tháng 3, 2017

200 NĂM VUA GIA LONG TUYÊN BỐCHỦ QUYỀN HOÀNG SA (1816 – 2016)

anh-1
Chân dung vua Gia Long do một họa sĩ người Pháp vẽ vào thế kỷ XIX.

1. Kế nghiệp tiền nhân
Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, năm 1802, Nguyễn Ánh (1762 – 1820) lên ngôi vua ở Phú Xuân, lấy niên hiệu là Gia Long, chính thức khai lập vương triều Nguyễn. Không chỉ cai quản một nước Việt Nam thống nhất và dài rộng như ngày nay, vua Gia Long còn quan tâm đến việc chiếm hữu và xác lập chủ quyền đối với những vùng biển đảo mà tiền nhân đã dày công khai phá, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

1.1. Tiền nhân mở lối
Theo ghi chép trong nhiều thư tịch cổ như Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư  (Đỗ Bá, 1686), Hải ngoại kỷ sự (Thích Đại Sán, 1699), Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn, 1776)… thì từ thế kỷ 17, người Việt đã dong thuyền đến các hải đảo ở giữa biển Đông để đánh bắt hải sản và khai thác yến sào trên các hòn đảo. Họ gọi tên dải đảo, đá, bãi ngầm này là Bãi Cát Vàng hoặc Cồn Vàng, còn các sử liệu Hán văn thì ghi là Hoàng Sa, Vạn Lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa…, trong khi tư liệu và bản đồ của phương Tây thì định danh nơi này là Parcel, Pracel, Paracels, Paraselso
Cuối thế kỷ 17, chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã lập đội Hoàng Sa, hàng năm cử đội này ra Hoàng Sa để thăm dò, đo đạc hải trình, khai thác yến sào trên đảo và thu nhặt vũ khí, vàng bạc, hàng hóa… từ các con tàu của nước ngoài khi đi ngang qua Hoàng Sa thì gặp nạn và bị chìm trong vùng biển này. Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư dẫn của Đỗ Bá  chép: “Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh. Mỗi lần có gió tây nam thì thuyền buôn các nước đi ở phía trong trôi giạt ra đây; gió đông bắc thì thuyền buôn chạy phía ngoài cũng trôi giạt vào đây, đều bị chết đói hết cả. Hàng hóa đều vứt bỏ nơi đây. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối đông, đưa 18 chiếc thuyền đến đây thu nhặt hàng hóa, của cải, phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn. Danh xưng Bãi Cát Vàng – Hoàng Sa bấy giờ được dùng để gọi tên cho cả dải đảo, đá, bãi ngầm ở giữa biển Đông, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Về sau, người Việt mới phân biệt quần đảo Hoàng Sa với các hải đảo, bãi ngầm khác nằm trong vùng biển phía nam Hoàng Sa. Vùng biển này được đặt tên là Bắc Hải; hải đảo, bãi ngầm nơi đây về sau được gọi là Vạn Lý Trường Sa hay Trường Sa.
ky-1-anh-02
Đoạn viết về Bãi Cát Vàng và hoạt động của đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư dẫn của Đỗ Bá, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội).
Năm 1708, Mạc Cửu, một người Hoa lưu vong đã có công khai phá vùng đất Hà Tiên ở phía nam trở thành một vùng đất trù phú, đã dâng vùng đất này cho chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa Nguyễn sáp nhập Hà Tiên vào lãnh thổ Đàng Trong, ban cho Mạc Cửu chức Tổng binh cai quản trấn Hà Tiên. Năm 1711, Tổng binh Mạc Cửu ra Phú Xuân để tạ ơn chúa Nguyễn Phúc Chu, được chúa hậu thưởng và giao cho tổ chức khảo sát đo vẽ quần đảo Trường Sa.
Như vậy, đến đầu thế kỷ 18, chính quyền của chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã quản lý một vùng lãnh thổ rộng lớn, trải đến tận Hà Tiên và mũi Cà Mau, bao gồm cả các hải đảo ở biển Đông và trong vịnh Thái Lan. Từ nửa sau thế kỷ 18, ngoài đội Hoàng Sa, chúa Nguyễn còn lập thêm đội Bắc Hải (trực thuộc đội Hoàng Sa) có trách nhiệm khai thác hải vật; kiểm tra, kiểm soát thực thi chủ quyền của Việt Nam ở khu vực “các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên” (Phủ biên tạp lục). Hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải kéo dài cho đến cuối thế kỷ 18, được tổ chức có hệ thống và liên tục. Hàng năm từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, chính quyền đều sai cử hai đội này ra Hoàng Sa và Trường Sa thực thi công vụ.
Các bộ lịch sử và địa chí được biên soạn vào thời Nguyễn (1802 – 1945) như: Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí, Hoàng Việt địa dư chí… đều ghi chép về việc các chúa Nguyễn đã khai phá, chiếm hữu và tổ chức khai thác các nguồn lợi ở Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng biển đảo khác của Việt Nam, với biên chế chặt chẽ, hoạt động chuyên nghiệp: đội Hoàng Sa chuyên khai thác ở vùng biển đảo Hoàng Sa; đội Bắc Hải trực thuộc đội Hoàng Sa nhưng phụ trách các đảo xa hơn về phía nam, gồm quần đảo Trường Sa, đảo Côn Lôn và các đảo trong vịnh Thái Lan; đội Thanh Châu chuyên khai thác yến sào ở các đảo ngoài khơi vùng biển Bình Định; đội Hải Môn hoạt động ở Cù lao Thu và các đảo phụ cận ở ngoài khơi vùng biển Bình Thuận…
Kế tiếp các chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn (1771 – 1801), dù ở trong tình trạng chiến tranh với họ Nguyễn và đối phó với ngoại xâm như Xiêm La (1785), Mãn Thanh (1788 – 1789) vẫn quan tâm và duy trì hoạt động của đội Hoàng Sa. Một thư tịch cổ đề ngày 14 tháng 2 năm Thái Đức thứ 9 (1786) do quan Thái phó Tổng lý quân binh dân chư vụ thượng tướng công của triều Tây Sơn gửi cho Cai đội Hoàng Sa thời đó có chép: “Sai Hội Đức hầu, Cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, cưỡi bốn chiếc thuyền câu vượt biển, thẳng đến Hoàng Sa và các xứ cù lao ngoài biển, thu lượm vàng bạc, đồ đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, hải ba, cá quý… mang về kinh đô dâng nộp theo lệ”. Điều này chứng tỏ nhà Tây Sơn vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của đội Hoàng Sa nhằm khai thác các lợi ích kinh tế và kiểm soát chủ quyền biển đảo nước ta đương thời.
1.2. Nguyễn triều kế nghiệp
Năm 1803, sau khi lên ngôi được một năm, vua Gia Long đã cho tái lập các đội Hoàng Sa, Bắc Hải và đặt vào trong cơ cấu tổ chức chung của các đội Trường Đà, có chức năng khai thác và quản lý toàn bộ khu vực biển Đông.
anh-3
Đoạn viết về việc vua Gia Long cho tái lập đội Hoàng Sa trong Đại Nam thực lục chính biên, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội).
Sách Đại Nam thực lục chính biên do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cho biết: năm 1803 vua Gia Long ra lệnh cho quan chức ở phủ Quảng Ngãi “lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa1; năm 1815 vua “sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa xem xét, đo đạc thủy trình2; năm 1816 vua “lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để xem xét, đo đạc thủy trình3; năm 1817 vua tiếp nhận địa đồ đảo Hoàng Sa do thuyền Ma Cao vẽ và dâng lên, ban thưởng 20 lạng bạc cho họ về việc này.4
anh-4
Đoạn viết về việc vua Gia Long sai Phạm Quang Ảnh ra Hoàng Sa khảo sát và đo đạc thủy trình trong Đại Nam thực lục chính biên, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội).
anh-5
Đoạn viết về việc vua Gia Long tiếp tục sai thủy quân ra khảo sát Hoàng Sa vào năm 1816 trong Đại Nam thực lục chính biên, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội).
Đặc biệt, vua Gia Long sai đội Hoàng Sa phối hợp cùng thủy quân của triều đình ra thăm dò, đo đạc thủy trình và cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816 được nhiều nguồn tư liệu phương Tây đương thời ghi nhận, coi đây là dấu mốc quan trọng xác nhận sự chiếm hữu chính thức đối với quần đảo Hoàng Sa và là biểu tượng của việc xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Đây là một sự chuyển biến quan trọng về nhận thức của vua Gia Long, từ kế nghiệp tiền nhân khai thác Hoàng Sa, Trường Sa một cách tự nhiên, tiến đến việc công khai việc chiếm hữu Hoàng Sa, tạo điều kiện cho các triều đại kế vị thúc đẩy mạnh mẽ việc xác lập, kiểm soát và thực thi chủ quyền đối với quần đảo này và những vùng biển đảo khác của Việt Nam.
anh-6
Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở trên đảo Lý Sơn.
2. Dấu mốc 1816 trong tư liệu phương Tây
Việc vua Gia Long chính thức tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816, dù được ghi chép ngắn gọn trong sử sách của triều Nguyễn, nhưng lại được người phương Tây coi là một sự kiện trọng đại và được phản ánh trong nhiều tư liệu xuất bản ở phương Tây vào đầu thế kỷ 19 bằng các ngôn ngữ: Pháp, Anh, Đức, Ý…
2.1. Nhân chứng và bằng chứng
Hồi ký Le mémoire sur la Cochinchine (tiếng Pháp) của Jean-Baptiste Chaigneau, một người Pháp là đại thần của triều đình Gia Long, xuất bản ở Paris (Pháp) năm 1820, có đoạn viết: “Vương quốc Cochinchine (tên người phương tây gọi Việt Nam lúc đó) mà vị vua hiện nay (vua Gia Long) tuyên xưng hoàng đế gồm xứ Nam Hà theo đúng nghĩa của nó, xứ Bắc Hà, một phần vương quốc Cao Miên, một vài đảo có dân cư ở không xa bờ biển và quần đảo Paracel (quần đảo Hoàng Sa) hợp thành từ những đảo nhỏ, bãi ngầm và mỏm đá không có người ở. Chỉ đến năm 1816 đương kim hoàng đế mới chiếm hữu được quần đảo này”.
Tập san Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin China (tiếng Anh) do John Crawfurd biên soạn, xuất bản tại London (Anh) năm 1830, có đoạn viết: “Năm 1816, vua Cochin China đã chiếm một quần đảo không có người ở và hiểm trở bao gồm nhiều đá, đảo nhỏ, bãi cát… gọi là Paracels. Theo đó, nhà vua tuyên bố quần đảo này thuộc chủ quyền nước này, mà hầu như sẽ không bị tranh chấp”.5
Journal of an embassy from the governor-general of India to the
Đoạn viết về việc vua Gia Long tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816 trong tập san Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin China, do John Crawfurd biên soạn, xuất bản tại London năm 1830.
Sách Die Erdkunde von Asien (tiếng Đức) của Carl Ritter, xuất bản tại Berlin (Đức) năm 1834, đã miêu tả các đảo thuộc vương quốc Cochinchina, trong đó có Paracels là “dãy đảo đá san hô đầy nguy hiểm, nổi tiếng vì nhiều rùa và cá, nằm ở phía đông nam đảo Hải Nam. Những đảo nhỏ đầy cát và rong này vốn được hoàng đế Cochinchina tuyên bố chủ quyền từ năm 1816 và không gặp bất kỳ sự phản đối nào của các nước lân bang”.6
Bài Note on the Geography of Cochin China (tiếng Anh) của Jean Louis Taberd, Giám mục người Pháp bên cạnh triều đình Gia Long, in trên tạp chí The Journal of the Asiatic Society of Bengal, xuất bản tại Calcutta (Ấn Độ) năm 1837, có đoạn viết: “Quần đảo Pracel hay Paracels là một khu vực chằng chịt những hòn đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát… Những người dân xứ Cochinchina gọi khu vực đó là Cồn Vàng… Mặc dù rằng hình như loại quần đảo này chỉ có độc những tảng đá ngầm mà không có gì khác, và độ sâu của biển hứa hẹn những điều bất tiện hơn là sự thuận lợi, nhưng vua Gia Long vẫn nghĩ rằng ông đã tăng cường được quyền thống trị lãnh thổ của mình bằng sự sáp nhập tội nghiệp đó. Vào năm 1816, nhà vua đã tới long trọng cắm lá cờ của mình và đã chính thức giữ chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc chắn là sẽ không có một ai tìm cách tranh giành với ông”.7
Journal of the Asiatic Society of Bengal
Đoạn viết về việc vua Gia Long tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816 trong bài Note on the Geography of Cochin China của Giám mục Jean Louis Taberd, in trên tạp chí The Journal of the Asiatic Society of Bengal, xuất bản tại Calcutta năm 1837.
Sách Taschenbuch zur Verbreitung geographischer Kenntnisse (tiếng Đức) của Johann Gottfried Sommer, xuất bản tại Praha (Czech) năm 1839, có đoạn viết: “Trong vùng biển (Nam) Trung Hoa, chỉ có các đảo sau thuộc chủ quyền Cochinchina là quan trọng: Pulo-Condore (Côn Đảo), Pulo-Canton hay là Col-lao-Ray (Cù lao Ré) và Tscham-col-lao hay là Col-lao-Tscham (Cù lao Chàm). Ngoài các đảo này ra, năm 1816, vua Cochinchina đã chiếm hữu bãi đá san hô nguy hiểm và không có người sinh sống, gồm nhiều bãi đá và cồn cát có tên là Paracles. Khó ai có thể phản đối chủ quyền của Cochinchina về phần đất mới chiếm của vương quốc này”.8
Traité élémentaire de géographie
Đoạn viết về việc vua Gia Long tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816 trong sách Taschenbuch zur Verbreitung geographischer Kenntnisse của Johann Gottfried Sommer, xuất bản tại Praha năm 1839.
Sách Del vario grado d’importanza degli stati odierni (tiếng Ý) của Cristoforo Negri, xuất bản tại Milano (Ý) năm 1841, ghi nhận: “Vào năm 1816, vua của vương quốc Cocincina đã chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa”.9
Hồi ký Voyage pittoresque en Asie et en Afrique (tiếng Pháp) của J.B. Eyriès, xuất bản tại Paris (Pháp) năm 1841, có đoạn viết: “Có nhiều đảo tại đế chế An Nam: ta lưu ý về phía nam – đông nam của đảo Hải Nam có quần đảo Paracels, là một chuỗi đá ngầm rất nguy hiểm do các bãi cát và mỏm đá ở xung quanh. Các đảo này không có người ở, nhưng do việc khai thác đồi mồi và cá ở đây rất nhiều, hoàng đế An Nam đã cho chiếm hữu nó vào năm 1816 mà các lân bang không hề có ý kiến gì”.10
Sách L’Univers: Histoire et description de tous les peuples (tiếng Pháp) do Jean Yanoski và Jules David biên soạn, xuất bản tại Paris (Pháp) năm 1848, có đoạn viết: “Chúng tôi nhận xét rằng từ 34 năm nay, quần đảo Paracels (người Annam gọi là Cát Vàng) đã có người An Nam chiếm đóng… Chúng tôi không biết là họ có thiết lập ở đây một cơ sở hay không (có lẽ là với mục đích để bảo vệ việc đánh cá chẳng hạn); nhưng chắc chắn là hoàng đế Annam đã thiết tha muốn gắn thêm cái hoa nhỏ này vào vương miện của mình, vì nhà vua đã phán đoán về vấn đề tự mình đi chiếm hữu nó, và năm 1816 vua đã long trọng cắm tại đây lá cờ của Annam”.11
Voyage pittoresque en Asia et en Afrique
Đoạn viết về việc vua Gia Long tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816 trong sách L’Univers: Histoire et description de tous les peuples do Jean Yanoski và Jules David biên soạn, xuất bản tại Paris năm 1848.
– Sách L’univers. Histoire et description de tous les peuples. Japon, Indo-Chine, etc. (tiếng Pháp) của Adolphe Dubois de Jancigny, xuất bản tại Paris (Pháp) năm 1850, có đoạn viết: “…Từ hơn 34 năm, quần đảo Paracel, (người Annam gọi là Cát Vàng), là một dải đảo quanh co với nhiều đảo chìm và nổi, quả là rất đáng sợ cho các nhà hàng hải, đã do những người Annam chiếm giữ. Chúng tôi không biết rằng họ có xây dựng cơ sở của mình hay không, nhưng chắc chắn rằng hoàng đế Annam đã quyết định giữ nơi này cho triều đại mình, vì rằng chính ông đã thấy được rằng tự mình phải đến đấy chiếm hữu nó, và năm 1816 nhà vua đã trịnh trọng cắm ở đây lá cờ của Annam”.12
anh-11
Bản đồ Partie de la Cochinchine trong bộ Atlas Universel do nhà địa lý học người Bỉ Philippe Vandermaelen biên soạn và xuất bản tại Bruxelles (Bỉ) năm 1827. Trên tờ bản đồ này có vẽ quần đảo Paracels và ghi chú đó là một phần thuộc về vương quốc Cochinchine thuộc đế chế An-nam.
2.2. Không hề có tranh chấp với láng giềng
Những trích dẫn trên đây từ các tư liệu của phương Tây đương thời cho thấy người phương Tây đánh giá cao việc vua Gia Long cho người ra Hoàng Sa cắm cờ và tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa. Sự kiện này chứng minh việc kế thừa hoạt động khai phá, chiếm hữu tự nhiên quần đảo Hoàng Sa mà nhiều thế hệ người Việt đã thực thi liên tục trong hàng trăm năm trước, nay được vua Gia Long tuyên bố chiếm hữu chính thức. Điều quan trọng là lời tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa của vua Gia Long, theo các tư liệu phương Tây ghi nhận, đã không gây nên một cuộc tranh chấp nào với các nước láng giềng đương thời.
Các tư liệu phương Tây cũng ghi nhận rằng mặc dù quần đảo Hoàng Sa xa xôi, cách trở, chứa đựng nhiều bất trắc và nguy hiểm hơn là hứa hẹn những thuận lợi nhưng vua Gia Long vẫn quyết định sáp nhập quần đảo này vào lãnh thổ Việt Nam nhằm để “tăng cường quyền thống trị” (lời của Giám mục Jean Louis Taberd).
Sự sáp nhập này đã thể hiện một “tầm nhìn chiến lược” của vua Gia Long đối với một quần đảo có vị trí quan yếu trong chiến lược làm chủ mặt biển của vua Gia Long, đồng thời đề phòng các nước láng giềng dòm ngó và tranh chấp với Việt Nam về chủ quyền trên quần đảo này.
Sự kiện này cũng khẳng định các nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa một cách liên tục và hòa bình từ hàng trăm năm trước, thông qua các hoạt động do nhà nước tổ chức, do nhà vua trực tiếp chỉ đạo. Vua Gia Long là người đã kế thừa xuất sắc vai trò chỉ đạo này và đã củng cố vững chắc chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa mà các thế hệ tiền nhân đã xác lập từ trước.
3. Triều Nguyễn thực thi chủ quyền
anh-14
Thuyền chiến thời Nguyễn. Tranh vẽ của Nguyễn Thứ, họa sĩ cung đình thời Nguyễn.
Sự kiện vua Gia Long tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816 được ghi nhận trong sách Đại Nam thực lục bằng một dòng ngắn gọn: “Gia Long năm thứ 17 (1816)… [vua] lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để xem xét, đo đạc thủy trình”.13
3.1. Nhân chứng đầu tiên
Trong khi đó, nhiều tư liệu do người phương Tây biên soạn và xuất bản vào đầu thế kỷ 19 đã ghi nhận việc này như một sự tuyên bố chiếm hữu chính thức của vua Gia Long, kèm theo đó là những miêu tả về địa lý – tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa, điểm lược quá trình khai phá và chiếm hữu của người Việt đối với quần đảo này và bình luận về mục đích sáp nhập Hoàng Sa vào lãnh thổ Việt Nam của vua Gia Long. Thậm chí có tư liệu còn viết rằng đích thân nhà vua đã đến cắm cờ và long trọng tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa như các ghi chép của Giám mục Jean Louis Taberd (1838), của các tác giả Jean Yanoski và Jules David (1848), của Adolphe Dubois de Jancigny (1850).
Đối chiếu với các nguồn sử liệu Việt Nam và căn cứ vào thực tế cai trị đất nước của các vua triều Nguyễn, có thể xác quyết rằng vua Gia Long không đích thân đi ra Hoàng Sa để cắm cờ và tuyên bố chủ quyền. Nhà vua chỉ sai cử đội Hoàng Sa cùng với thủy quân của triều đình ra Hoàng Sa để làm việc này, coi đó là một hoạt động thường xuyên, tiếp nối việc khai chiếm Hoàng Sa và Trường Sa từ các thời trước để duy trì sự chiếm hữu của người Việt đối với hai quần đảo này. Có lẽ vì thế mà sử sách của triều Nguyễn ghi chép sự kiện này khá khiêm tốn. Tuy nhiên theo quan điểm của học giới phương Tây thì sự kiện này có một ý nghĩa to lớn. Bởi lẽ, trong thời kỳ này chủ nghĩa tư bản đang ráo riết chinh phục những vùng đất còn lại ở phương Đông, sau khi đã hoàn tất quá trình chinh phục và thực dân ở châu Phi và châu Mỹ. Vì thế họ coi việc tuyên bố chiếm hữu lãnh thổ theo kiểu thức phương Tây là những dấu mốc quan trọng để xác lập sự chiếm hữu và chủ quyền đối với những vùng đất mới khai phá.
Ghi chép đầu tiên của người phương Tây về tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa của vua Gia Long vào năm 1816, là của Jean-Baptiste Chaigneau trong cuốn hồi ký Le mémoire sur la Cochinchine, viết vào khoảng trước năm 1820.
Jean-Baptiste Chaigneau (1769 – 1832) là sĩ quan hải quân người Pháp đã phụng sự Nguyễn Ánh từ năm 1796 theo tiến cử của Giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc). Ông được Nguyễn Ánh phong chức Đại úy hải quân và được giao chỉ huy chiếc tàu Long Phi trang bị 32 khẩu đại bác với 300 thủy thủ đoàn, và đã tham gia tất cả các trận thủy chiến với quân Tây Sơn, trong đó, có trận đánh lớn đánh bại lực lượng thủy quân Tây Sơn tại vùng biển Quy Nhơn vào năm 1801. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, Jean-Baptiste Chaigneau trở thành một trong ba đại thần người Pháp trong triều đình Gia Long, được giao chỉ huy những chiến hạm thiện chiến nhất của triều Nguyễn đương thời: Jean-Baptiste Chaigneau chỉ huy tàu Long Phi, Philippe Vannier (1762 – ?) chỉ huy tàu Phụng Phi và De Forçanz (? – 1811) chỉ huy tàu Bằng Phi. Jean-Baptiste Chaigneau tiếp tục phục vụ vua Gia Long cho đến tháng 11 năm 1819 thì mới đưa gia đình trở về Pháp để nghỉ phép 3 năm theo ân đãi của vua Gia Long, sau đó thì trở lại Nam Kỳ làm Lãnh sự Pháp ở Sài Gòn theo lệnh vua Louis XVIII vào năm 1821.14
Như vậy, Jean-Baptiste Chaigneau đã ở bên cạnh vua Gia Long trong giai đoạn cuối của công cuộc phục quốc (cuối thế kỷ 18) cho đến những năm cuối của triều Gia Long. Vì thế, ông là chứng nhân trong sự kiện vua Gia Long sai cử binh thuyền và đội Hoàng Sa đi ra quần đảo Hoàng Sa “để xem xét, đo đạc thủy trình” vào năm 1816. Với tầm nhìn của một sĩ quan hải quân thiện chiến, đã từng là tình nguyện quân trên các tàu chiến của Hải quân hoàng gia Pháp từ năm 12 tuổi.15
Jean-Baptiste Chaigneau đã chinh chiến ở các vùng biển Ấn Độ, Macao và biển Đông, khai chiếm nhiều vùng đất mới ở phương Đông để phục vụ lợi ích của nước Pháp, trước khi trở thành cận thần của vua Gia Long. Có lẽ vì thế mà ông hiểu được giá trị và ý nghĩa của việc vua Gia Long sai người ra Hoàng Sa “cắm cờ và long trọng tuyên bố chiếm hữu Hoàng Sa” vào năm 1816. Ông coi đây là sự tuyên bố chủ quyền chính thức đối với quần đảo Hoàng Sa của vương triều Nguyễn và đã ghi chép sự kiện này trong cuốn hồi ký Le mémoire sur la Cochinchine, xuất bản ở Paris năm 1820. Có lẽ đây là nguồn sử liệu đầu tiên của phương Tây đề cập sự kiện vua Gia Long tuyên bố chiếm hữu Hoàng Sa vào năm 1816, tạo niềm cảm hứng và cơ sở dữ liệu cho những ghi nhận sự kiện này của học giới phương Tây sau này.
3.2. Những hoạt động thực thi chủ quyền
Từ tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa của vua Gia Long vào năm 1816, hoạt động thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được tiến hành liên tục và triệt để hơn dưới triều Minh Mạng (1820 – 1841): năm 1833, vua Minh Mạng phái người ra Hoàng Sa dựng miếu, lập bia và trồng cây (Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 104, tờ 18b-19a). Năm 1834, vua Minh Mạng sai Giám thành vệ đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng hơn 20 thủy quân đi ra Hoàng Sa vẽ bản đồ (Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 122, tờ 23a). Năm 1835, vua Minh Mạng sai Cai đội thủy quân Phạm Văn Nguyên đem lính và thợ ở Giám thành vệ cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định chở vật liệu ra Hoàng Sa dựng miếu, lập bia đá và xây bình phong trước miếu.16
anh-12
Đoạn viết về việc vua Minh Mạng chuẩn tấu của bộ Công, sai Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền ra Hoàng Sa vẽ bản đồ và cắm mốc chủ quyền vào năm 1836 trong Đại Nam thực lục chính biên.
Đặc biệt, năm 1836, vua Minh Mạng sai Chánh đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền ra Hoàng Sa đo đạc, vẽ bản đồ các đảo, hòn, bãi cát… thuộc quần đảo này. Khi ra đo đạc ở Hoàng Sa, Phạm Hữu Nhật đã mang theo 10 cọc gỗ, trên cọc có khắc dòng chữ Hán (Việt dịch): “Năm Minh Mạng thứ 17, Bính Thân, Chánh đội trưởng thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc, đến đây khắc lưu chữ này” (Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 165, tờ 24b-25a). Đây là hình thức cắm mốc chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa do Phạm Hữu Nhật thực hiện theo lệnh của vua Minh Mạng. Những chuyến đi ra Hoàng Sa đo đạc, lập bản đồ từ năm 1834 đến năm 1836 của Thủy quân, Giám thành vệ và phu thuyền trong đội Hoàng Sa đã cung cấp thông tin, dữ liệu để triều đình Minh Mạng hoàn thành bản đồ chính thức của nước Đại Nam vào năm 1838. Đó là Đại Nam nhất thống toàn đồ, bản đồ hành chính đầu tiên của nước ta có sự phân biệt Hoàng Sa với Vạn Lý Trường Sa.
anh-13
Mộc bản triều Nguyễn (tại Trung tâm lưu trữ quốc gia IV) khắc in sách Đại Nam thực lục chính biên về việc vua Minh Mạng chuẩn tấu của bộ Công, sai Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền ra Hoàng Sa vẽ bản đồ và cắm mốc chủ quyền vào năm 1836.
Các đội Hoàng Sa, Bắc Hải hoạt động mạnh và hiệu quả dưới thời Gia Long cho đến đầu thập kỷ 20 của thế kỷ 19 thì được tích hợp vào đội Thủy quân của triều Nguyễn. Những “hùng binh Hoàng Sa – Bắc Hải” nay đã trở thành thủy quân trong quân đội chính quy của triều đình, tham gia vào hoạt động thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam dưới thời Nguyễn.
Về mặt pháp lý, sự kiện tuyên bố chiếm hữu Hoàng Sa năm 1816 dưới triều Gia Long đã góp phần xác lập nội dung: “Chủ quyền bắt nguồn từ sự chính thức chiếm hữu thực sự và thực thi chủ quyền một cách liên tục” suốt thời Nguyễn (trong thế kỷ 19), sau khi các chúa Nguyễn đã xác lập nội dung “Chủ quyền bắt nguồn từ sự sử dụng và chiếm hữu lâu đời một lãnh thổ vô chủ” (trong các thế kỷ 17 – 18). Đây là hai trong bốn nội dung của nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” đã được đưa ra trong Định ước Berlin ký ngày 26.6.1885 và được tái khẳng định trong Tuyên bố của Viện Pháp luật quốc tế Lausanne năm 1888 về nguyên tắc “chiếm hữu thực sự” có giá trị phổ biến trong luật pháp quốc tế để xem xét giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia trên thế giới sau này.
3.3. Kẻ đến sau
Gần 100 năm sau sự kiện vua Gia Long tuyên bố chiếm hữu Hoàng Sa, tháng 5 năm 1909, Tổng đốc Lưỡng Quảng (Trung Quốc) là Trương Nhân Tuấn mới sai Thủy sư đô đốc Lý Chuẩn chỉ huy ba chiếc thuyền đi ra thám thính quần đảo Hoàng Sa. Ngày 6.6.1909, Lý Chuẩn cho quân đổ bộ lên đảo Hoàng Sa và tuyên bố “chiếm hữu” quần đảo này, chính thức nhảy vào cuộc tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, mà trước đó gần một thế kỷ vua Gia Long đã chính thức tuyên bố chiếm hữu và các thế hệ kế thừa đã thực thi chủ quyền đó một cách liên tục, hòa bình và không có một quốc gia láng giềng nào lên tiếng tranh chấp.
T.Đ.A.S.
Chú thích
1 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 22, tờ 2a.
2 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 50, tờ 6a.
3, 13 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 52, tờ 15a.
4 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 55, tờ 19b.
5 John Crawfurd, Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin China, (London, 1830), 243-244.
6 Carl Ritter Die Erdkunde von Asien, Vol. 3, (Berlin, 1834), 922.
7 Jean Louis Taberd, “Note on the Geography of Cochin China”. The Journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol. 6, Part 2, (Calcutta, 1837), 745.
8 Johann Gottfried Sommer, Taschenbuch zur Verbreitung geographischer Kenntnisse, (Praha, 1839: 296).
9 Cristoforo Negri, Del vario grado d’importanza degli stati odierni, (Milano, 1841), 421.
10 J.B. Eyriès, Voyage pittoresque en Asie et en Afrique, (Paris, 1841),  201.
11 Jean Yanoski et Jules David, L’Univers: Histoire et description de tous les peuples, (Paris, 1848), 555.
12 Adolphe Dubois de Jancigny, L’univers. Histoire et description de tous les peuples. Japon, Indo-Chine, etc. (Paris, 1850), 550.
14, 15 H. Cosserat, “Những người Pháp phục vụ vua Gia Long”, Những người bạn cố đô Huế (BAVH), tập 4, (Huế: Thuận Hóa, 1917), 200-207, 201.
16 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 154, tờ 4a-4b).