Thứ ba, 31/10/2017 -
Giáo
sư Phó Côn Thành đã nhầm lẫn hoặc cố tình “nhầm lẫn” khi đưa ra một
khái niệm “hầm bà lằng” để bảo vệ cho cái gọi là “chủ quyền lịch sử”
Trao đổi với ông Quốc Phương, BBC tiếng Việt bên lề Hội thảo về giải
pháp cho xung đột trên Biển Đông tổ chức ở một đại học tại Oxford, hôm
20/10/2017, Giáo sư Phó Côn Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Đông,
thuộc Đại học Hạ Môn, nói:
“Quí vị biết cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thực tế là Trung Quốc đã ‘giành lại’ toàn bộ khu vực Hoàng Sa và trên Trường Sa, người Việt Nam chiếm nhiều hơn các đảo và đá.
Nhưng với tôi, mọi việc cần phải trở lại với luật pháp quốc tế.
Chúng ta không thể xem những gì đã xảy ra đầu thập niên 1970 và
sau đó, chúng ta phải xét xem ai phát hiện những quần đảo này trước, ai
quản lý những đảo đó trước và ai thực sự đã duy trì và kiểm soát những
quần đảo đó trước.
Giáo sư Phó Côn Thành, ảnh: BBC Tiếng Việt.
Trong luật pháp quốc tế, người ta gọi đây là nguyên tắc thủ đắc,
với thủ đắc sớm, quản lý sớm và kiểm soát sớm một vùng đất, khi đó một
quốc gia sẽ tuyên bố chủ quyền trên đó.
Tôi biết rằng một số bạn bè Việt Nam của chúng tôi nói rằng họ có những bằng chứng từ sớm.
Rất tốt thôi! Hãy đưa cho nhân dân Trung Quốc và thế giới xem những bằng chứng đó.
Vậy đối với chính phủ và người Việt Nam, các quí vị phải đưa các
bằng chứng cho người Trung Quốc và thế giới, nếu triển lãm là sự kiện
đóng cửa, ở Việt Nam, tôi được cho biết là chính quyền địa phương đã có
một số triển lãm đưa ra bằng chứng về chủ quyền với các quần đảo, họ gọi
đó là Trường Sa và Hoàng Sa.
Nhưng những triển lãm này không mở cửa với người Trung Quốc…
Điều này tạo ra sự kỳ lạ. Các vị biết là phải thuyết phục người
Trung Quốc của chúng tôi, nhưng nếu triển lãm của quí vị lại đóng cửa
với người Trung Quốc, thì làm sao người ta có thể được thuyết phục?
Do đó tôi nghĩ rằng chính quyền Việt Nam cần phải đối diện với luật pháp quốc tế, cùng với những bằng chứng lịch sử của họ.”
Về lời phát biểu này của Giáo sư Phó Côn Thành, Giám đốc Viện Nghiên
cứu Biển Đông, thuộc Đại học Hạ Môn, có 2 vấn đề chúng tôi thấy cần phải
được làm sáng tỏ.
Trong phạm vi bài viết này, xin được làm rõ vấn đề thứ nhất:
Về nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ dưới ánh sáng của Luật pháp quốc tế
Trước hết, chúng tôi đồng tình với ý kiến của Giáo sư “… mọi việc cần phải trở lại với luật pháp quốc tế…”.
Vâng, thật là tuyệt vời, là những chuyên gia, những người “có học” về
Công pháp quốc tế, chúng ta phải biết thượng tôn pháp luật;
Mà trước hết chúng ta phải biết sử dụng kiến thức pháp lý của mình để
có thể giúp cho công chúng, kể cả những nhà lãnh đạo, quản lý đất nước
đáng kính của chúng ta, có được những thông tin thật sự chính xác và
đúng đắn về luật pháp quốc tế để hành xử thích hợp, nhằm chứng minh và
bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Nhưng, thật đáng tiếc, nếu không muốn nói là rất bất ngờ về kiến thức pháp lý của Giáo sư Phó Côn Thành, khi ông nói rằng:
“… Chúng ta phải xét xem ai phát hiện những quần đảo này trước, ai
quản lý những đảo đó trước và ai thực sự đã duy trì và kiểm soát những
quần đảo đó trước…
Trong luật pháp quốc tế, người ta gọi đây là nguyên tắc thủ đắc, với
thủ đắc sớm, quản lý sớm và kiểm soát sớm một vùng đất, khi đó một quốc
gia sẽ tuyên bố chủ quyền trên đó”.
Với nội dung này, chúng tôi thấy Giáo sư Phó Côn Thành đã nhầm lẫn
hoặc cố tình “nhầm lẫn” khi đưa ra một khái niệm “hầm bà lằng” để bảo vệ
cho cái gọi là “chủ quyền lịch sử”.
Bởi Giáo sư lập luận rằng Trung Quốc đã “phát hiện, khám phá, khai
thác đầu tiên”, rồi tiến tới “quản lý”…dựa theo những tư liệu, hiện vật
lịch sử của Trung Quốc có từ thời cổ đại, đối với các hải đảo ở giữa
Biển Đông.
Để làm sáng tỏ những khái niệm này, chúng tôi một lần nữa xin được
tóm tắt quá trình hình thành nguyên tắc pháp lý hiện hành về quyền thụ
đắc lãnh thổ trong luật pháp và thực tiễn quốc tế:
Sự hình thành các quốc gia với đúng nghĩa của nó trên hành tinh này
là cả một quá trình mở mang và định hình bờ cõi giữa các quốc gia.
Nó đã diễn ra trong lịch sử phát triển của nhân loại kể từ thời cổ
đại, qua trung đại, đến cận đại và hiện đại, theo những phương thức thụ
đắc lãnh thổ phổ biến và thừa nhận có hiệu lực cho từng thời kỳ lịch sử
đó.
(Thời kỳ cổ đại là thời kỳ chiếm hữu nô lệ khoảng 3000 năm trước công nguyên.
Thời kỳ trung đại là thời đại của xã hội phong kiến, bắt đầu từ thế kỷ thứ V sau công nguyên đến năm 1640, cách mạng tư sản Anh.
Thời kỳ cận đại từ năm 1640 đến năm 1917, là thời đại của chủ nghĩa tư bản, từ cách mạng tư sản Anh đến Cách mạng tháng 10 Nga.
Thời kỳ hiện đại là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, từ Cách mạng tháng 10 Nga cho đến nay).
Chẳng hạn, thời kỳ cổ đại, trung đại, tại lưu vực sông Nin, Tigre,
Euphzate, đến lưu vực sông Ấn, sông Hằng, sông Hồng, sông Hoàng Hà, các
nhà nước đầu tiên xuất hiện, được củng cố trong những phạm vi lãnh thổ
nhỏ hẹp.
Sau đó, các nhà nước này được mở rộng ra bằng những cuộc chiến tranh
chinh phạt đẫm máu giữa các quốc gia theo quy luật bất thành văn “cá lớn
nuốt cá bé”.
Nhiều quốc gia nhỏ bé bị chinh phục, diệt vong, bị sáp nhập vào các quốc gia hùng mạnh hơn.
Đến thời kỳ đầu cận đại, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa bắt đầu phát triển mạnh.
Kết quả là những cuộc viễn chinh đi tìm các miền đất hứa để biến
chúng thành thuộc địa đã trở thành nhu cầu tất yếu và phương thức thụ
đắc lãnh thổ đối với các vùng đất vô chủ đã được hình thành.
Trong lịch sử phát triển lâu dài của pháp luật quốc tế, những nguyên
tắc và quy phạm pháp luật xác lập chủ quyền lãnh thổ đã được hình thành
trên cơ sở thực tiễn quốc tế, trong đó có các phương thức thụ đắc lãnh
thổ.
Từ thế kỷ XVI, các nước như Hà Lan, Anh, Pháp,… phát triển và lớn
mạnh trở thành những cường quốc cạnh tranh với các nước Tây Ban Nha và
Bồ Đào Nha.
Sắc lệnh của Giáo hoàng Alexandre VI ký ngày 04/5/1493 đã phân chia
khu vực ảnh hưởng cho 2 nước này ở các phạm vi lãnh thổ mới phát hiện
ngoài châu Âu.
Trước thực trạng đó, các cường quốc hàng hải đã tìm ra nguyên tắc
pháp lý áp dụng cho việc thụ đắc lãnh thổ đối với những vùng lãnh thổ mà
họ mới phát hiện.
Đó là nguyên tắc
“quyền ưu tiên chiếm hữu”, hay còn được gọi là nguyên tắc
“quyền phát hiện”.
Nguyên tắc này dành quyền ưu tiên chiếm hữu một vùng lãnh thổ cho một quốc gia nào đã phát hiện vùng lãnh thổ đó đầu tiên.
Tuy nhiên, trên thực tế nguyên tắc “quyền phát hiện” chưa bao giờ tự
nó đem lại chủ quyền quốc gia cho quốc gia đã phát hiện ra vùng lãnh thổ
mới đó.
Bởi vì, người ta không thể xác định được thế nào là phát hiện, giá
trị pháp lý của việc phát hiện, ai là người phát hiện trước, lấy gì để
ghi dấu hành vi phát hiện đó…
Vì thế, việc phát hiện đã nhanh chóng được bổ sung bằng việc
“chiếm hữu trên danh nghĩa”, nghĩa là quốc gia phát hiện ra một vùng lãnh thổ phải để lại dấu tích trên vùng lãnh thổ mới phát hiện ra đó.
Mặc dù vậy, nguyên tắc “chiếm hữu trên danh nghĩa” không những không
thể giải quyết được một cách cơ bản những tranh chấp phức tạp giữa các
cường quốc đối với các vùng “đất hứa”;
Đặc biệt là những vùng lãnh thổ thuộc châu Phi và các hải đảo nằm cách xa đất liền hàng ngàn, hàng vạn hải lý…;
Mà nguyên tắc này còn ngày càng dẫn đến những đối đầu quyết liệt hơn
giữa các cường quốc, vì người ta không thể lý giải được cụ thể cái “danh
nghĩa” đã được lập ra bao giờ và tồn tại như thế nào?
Vì vậy, sau Hội nghị về châu Phi do 13 nước châu Âu và Hoa Kỳ tổ chức
vào năm 1885 và sau khóa họp của Viện Pháp luật quốc tế ở Lausanne
(Thụy Sĩ) vào năm 1888, người ta đã thống nhất áp dụng một nguyên tắc
thủ đắc mới.
Đó là nguyên tắc
“chiếm hữu thật sự”.
Điều 3, Điều 34 và Điều 35 của Định ước Berlin ký ngày 26/6/1885 đã
xác định nội dung của nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” và các điều kiện
chủ yếu để có việc “chiếm hữu thật sự” như sau:
– Phải có thông báo về việc chiếm hữu cho các quốc gia ký Định ước nói trên.
– Phải duy trì trên vùng lãnh thổ mà nước đã thực hiện hành vi chiếm
hữu trên vùng lãnh thổ ấy một quyền lực đủ để khiến cho các quyền của
nước chiếm hữu được tôn trọng….
Tuyên bố của Viện Pháp luật quốc tế Lausanne năm 1888 đã nhấn mạnh:
“… Mọi sự chiếm hữu muốn tạo nên danh nghĩa chủ quyền… thì phải là thật sự, tức là thực tế, không phải là danh nghĩa”.
Chính Tuyên bố này đã khiến cho nguyên tắc “chiếm hữu thực sự” của
Định ước Berlin có giá trị phổ biến trong luật pháp quốc tế để xem xét
giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia trên thế
giới.
Nội dung chủ yếu của nguyên tắc “chiếm hữu thực sự” trong luật pháp quốc tế bao gồm:
– Việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do
Nhà nước tiến hành.
– Sự chiếm hữu phải được tiến hành một cách hòa bình trên một vùng
lãnh thổ vô chủ (res nullius) hoặc là trên một vùng lãnh thổ đã bị từ bỏ
bởi một quốc gia đã làm chủ nó trước đó (derelicto).
Việc
sử dụng vũ lực để xâm chiếm là hành động phi pháp.
– Quốc gia chiếm hữu phải thực thi chủ quyền của mình ở những mức độ
cần thiết, tối thiểu thích hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trên
vùng lãnh thổ đó.
– Việc thực thi chủ quyền phải liên tục, hòa bình.
Do tính hợp lý và chặt chẽ của nguyên tắc này, nên mặc dù Công ước
Saint Germain ra đời vào ngày 10/9/1919 tuyên bố hủy bỏ Định ước Berlin
năm 1885 vì lý do thế giới không còn lãnh thổ vô chủ nữa, các luật gia
và các cơ quan tài phán quốc tế vẫn vận dụng nguyên tắc này để giải
quyết các tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo.
Chẳng hạn, Tòa án Trọng tài Thường trực Quốc tế The Hague vào tháng
4/1928 đã vận dụng nguyên tắc này để xử vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ
và Hà Lan;
Phán quyết của Tòa án Quốc tế của Liên hợp quốc vào tháng 11/1953 đối
với vụ tranh chấp chủ quyền giữa Anh và Pháp về các đảo Minquiers và
Ecrehous…
Tuy nhiên, những định chế mang tầm vóc quốc tế nói trên cũng không
thể ngăn cản được tình trạng sử dụng vũ lực hoăc đe dọa dùng vũ lực để
tiếp tục tranh giành thị trường;
Thực hiện tham vọng bá quyền, tranh chấp lãnh thổ; nhất là đối với
các hải đảo, lãnh thổ biển…, các khu vực địa lý có giá trị về địa – kinh
tế, địa – chính trị, địa – chiến lược…
Đỉnh điểm của những tranh chấp khốc liệt giữa các nước tư bản là Đại
chiến thế giới lần thứ 1, lần thứ 2 xảy ra vào những năm đầu của thế kỷ
XX, đã cướp đi hàng chục triệu sinh mạng và tàn phá biết bao làng mạc,
phố phường, của cải vật chất của nhân loại…
Và sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nhiều nước trên thế giới bị xâm phạm nghiêm trọng.
Tiếp đến là tình trạng chạy đua vũ trang của thời kỳ chiến tranh
lạnh, đến nạn khủng bố, tranh chấp sắc tộc, tôn giáo, biên giới, lãnh
thổ không ngừng xảy ra ở hầu khắp hành tinh này…
Gần đây hơn, Tòa án Công lý Quốc tế đã quyết định cho Malaysia thắng
trong vụ kiện với Indonesia vào tháng 12/2002 về chủ quyền đối với Pulau
Ligitan và Pulau Sipadan vì tòa nhận thấy rằng Malaysia đã thực hiện
một cách thường xuyên một loạt các hoạt động của nhà nước.
Như vậy, rõ ràng nguyên tắc
thụ đắc lãnh thổ hiện hành là nguyên tắc
chiếm hữu thật sự, còn nguyên tắc
“chủ quyền lịch sử” không phải là nguyên tắc pháp lý quốc tế hiện hành.
Bởi vì nó là sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan; rất mơ hồ, thậm chí là phản khoa học, thiếu khách quan.
Tiến sĩ Trần Công Trục