30 tháng 12, 2018

TRẢ LỜI TẤT CẢ VỀ TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA - Tác giả: Lê Văn Thự

 

Dẫn nhập: Trận hải chiến ở Hoàng Sa năm 1974 là một trận duy nhất đối chiến trên bỉển của Hải Quân VNCH. Đáng buồn thay đó là một trận thua bại, mất tàu, mất người, mất đảo. Vì nhu cầu tuyên truyền những người có trách nhiệm chỉ huy đã được tuyên dương, vinh danh rầm rộ thay vì nhận lãnh kỷ luật vì đã thua một trận không đáng thua, thua vi khi lâm trận một nửa hải đội yểm trợ đã sớm tháo chạy điều đó chứng minh rằng các vị chỉ huy của VNCH không hề nắm vững tình thế, quân đội miền Nam không đủ can đảm và dũng khí làm chủ chính mình. Những lời nói thật, như bài thứ nhất của cựu hạm trưởng tàu HQ-16 Lê văn Thự đã lột trần sự thật về vòng hào quang giả dối do vài người đã tìm cách tự khoác lên bản thân họ mấy chục năm qua. Và đương nhiên, những lởi lẽ dối trá, vu khống cá nhân không xóa bỏ được sự thật. 

Bài thứ hai của cựu Trung Tá Lê Văn Thự chúng tôi trích đăng sau đây là bài trả lời dứt điểm tất cả các phản hồi nhảm nhí. Nói theo tựa đề của trang doi-mat.vn, "Thuyền trưởng HQ16 bẻ gãy các lời chỉ trích của đồng đội." Khi đăng bài này, trang mạng Hoangsa.org cũng nhận định: Sau khi có nhiều ý kiến phản đối, ông Lê Văn Thự đã đăng tiếp bài viết thứ 2 (CN: 1/6/04) cũng trên Calitoday để đưa ra lập luận phản bác. Sau khi  được đăng, Cho đến nay mặc dù bài thứ 2 này đã đăng khá lâu (CN: từ 1/6/04 đến 1-12-2007), những người trong cuộc vẫn chưa có ai đưa thêm ý kiến nào khả dĩ để bác bỏ được những gì ông Thự đã viết.

HQ-16 được đón tiếp tại Sài Gòn

Trong thời gian qua, calitoday.com có đăng bài "Sự thật về trận hải chiến Hoàng Sa" của ông Lê văn Thự. Nhiều ý kiến đã tham gia bàn luận, đồng ý cũng có và phản đối cũng có. Nay, Cali Today vưà nhận được bài trả lời của ông Lê văn Thự. Xin trân trọng giới thiệu với qúy độc giả trong nỗ lực tìm kiếm sự thật cho lịch sử VN.

-- oo0oo --
Calitoday, 1/6/04
Lê Văn Thự
Kính qúi độc giả,
Sau khi bài viết "Sự thật về trận hải chiến Hoàng Sa" của tôi được đưa lên website Calitoday, nhiều độc giả góp ý trên mạng này, trong đó đồng ý cũng có mà chỉ trích cũng có. Tôi nghĩ đó là chuyện thường tình, nhưng tôi cũng xin phép được trả lời một vài độc giả đã buộc tội tôi, trong số này có cựu Hải Quân Thiếu Tá Nguyễn Chí Toàn là người trong cuộc - ông Toàn có mặt trên HQ5 là chiến hạm đã dự trận Hoàng Sa - và ông Hoàng văn Tâm mà tôi chắc cũng là một cựu HQ tuy ông không nói ra.

Những ý kiến của hai ông này nếu tôi không trả lời thì có thể gây ảnh hưởng sai lạc hay tạo nghi vấn nơi độc giả khi đọc bài viết cuả tôi. Trước khi trả lời thẳng vào những điểm ông Toàn và ông Tâm chỉ trích tôi, tôi xin nói rộng ra một chút về những gì liên quan đến trận chiến Hoàng Sa để quí độc giả hiểu rõ vấn đề hơn.

(CN: Những lời phản hồi sau đây do trang nhà http://www.doi-mat.vn/ chụp lại)


 1. Trận hải chiến Hoàng Sa xảy ra cách đây 30 năm ở giữa biển khơi nên không ai có thể biết để kiểm chứng những gì tôi hay các người khác có dự trận hải chiến Hoàng Sa viết ra, ngoại trừ những người trong cuộc. Nhưng những người trong cuộc một số hoặc vì không đủ điều kiện hoặc vì ngại ngùng không muốn lên tiếng để nói lên sự thật, một số khác thì vì lý do này hay lý do khác lại muốn che dấu sự thật bằng cách nói khác đi, do đó nếu độc giả chỉ đọc một vài ý kiến nêu lên trong mục góp ý của mạng này thì khó mà biết đâu là sự thật.


Phóng đồ hành quân tấn công của Hạm trưởng HQ16

Muốn biết rõ về trận hải chiến Hoàng Sa phải tìm đọc tất cả các bài viết liên hệ rồi phân tích, so sánh mới may ra thấy được đâu là sự thật. Chưa kể là phải sưu tầm thêm tài liệu của Bộ Tư Lệnh Hải Quân VN Cộng Hòa (BTL/HQ/VNCH) cũng như từ phía Trung Cộng có liên quan đến trận hải chiến Hoàng Sa.. Công việc này đòi hỏi chuyên môn và chỉ dành cho những nhà nghiên cứu.

Trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 tôi nghĩ là một thất bại trước mắt mọi người trong nước lúc đó (trong cũng như ngoài Hải Quân) vì đã không giữ được đảo Hoàng Sa, chứ không phải là một chiến thắng như một số người trong Hải Quân đang huênh hoang lúc này ở hải ngoại. Dân chúng Miền Nam thì rộng lượng chấp nhận thất bại vì cho rằng VN Cộng Hòa qúa yếu so vơí Trung Quốc nên dư luận qua báo chí thời đó không hề chỉ trích hay lên án Hải Quân VN đã để mất Hoàng Sa, còn trong nội bộ Hải Quân tôi đoán đa số cảm thấy không có gì để hãnh diện, không thỏa mãn và nghi ngờ tinh thần chiến đấu của các cấp chỉ huy trong trận chiến Hoàng Sa mặc dầu họ không biết sự thật như thế nào.


Phóng đồ trận đánh của phía Trung Cộng theo Vũ Hữu San

2.  Tôi xin trích đoạn từ bài viết "Tường Thuật Trận Hải Chiến Hoàng Sa" của Đại Tá Hà văn Ngạc (page 21 of 33) để quí độc giả thấy phản ứng của vị Tư Lệnh Hải Quân VNCH đối với cấp chỉ huy trận chiến Hoàng Sa.

Đại Tá Ngạc viết: "Vào khoảng 01:00 giờ trưa (ngày 19/1/74), hai chiến hạm HQ4 và HQ5 đã cách Hoàng Sa chừng 10 hải lý, trời nắng và quang đãng. Tư Lệnh HQ đích thân ra lệnh cho cả hai chiến hạm trở lại Hoàng Sa và đánh chìm nếu cần, tôi nhận được giọng nói của Đô Đốc. Lệnh được thi hành nghiêm chỉnh ngay tức khắc. Sau khi liên lạc vô tuyến siêu tần số được điều hòa trở lại thì mọi báo cáo chi tiết về tổn thất và tình trạng lúc bấy giờ của hai chiến hạm được chuyển đầy đủ. Trên Tuần Dương Hạm HQ5 tôi cũng được thông báo về Tuần Dương Hạm HQ16 được Tuần Dương Hạm HQ6 tới hộ tống về Căn Cứ Hải Quân Đà Nẳng.
Đến khoảng 2:30 chiều , khi cả hai chiến hạm đang trở về Hoàng Sa, quá ngang Hòn Tri Tôn, nghĩa là cách đảo Hoàng Sa chừng 1 giờ rưỡi hải hành nữa (tức là cách Hoàng Sa chừng 22 hải lý nếu chạy với vận tốc 15 hải lý/giờ:ghi chú của người viết) thì hai chiến hạm được phản lệnh trở về Đà Nẳng."

Tại sao Tư Lệnh Hải Quân(TLHQ) đích thân ra lệnh cho cả hai chiến hạm HQ4 và HQ5 quay trở lại Hoàng Sa?

Tôi đoán là TLHQ sau khi nghe Đại Tá Ngạc báo cáo có phản lực cơ và chiến hạm trang bị hỏa tiễn của Trung Cộng xuất hiện để có lý do rút lui, đã không tin những gì Đại Tá Ngạc báo cáo nên mơí bắt Đại Tá Ngạc quay trở lại Hoàng Sa.

Nhưng tại sao một giờ rưỡi sau, TLHQ lại ra phản lệnh cho phép Đại Tá Ngạc và HQ4, HQ5 trở về Đà Nẳng?

Tôi đoán là vì TLHQ cảm thấy bất lực trước một cấp chỉ huy tỏ ra tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ ở giữa biển mà ông không thể nào kiểm soát được. Nếu đã sợ mà rút lui thì khi bắt quay trở lại: hoặc Đại Tá Ngạc có thể cho HQ4, HQ5 lềnh bềnh giữa biển mà vẫn báo cáo là đang tiến về Hoàng Sa như trích đoạn bài viết của Đại Tá Ngạc ở trên cho thấy lúc 1:00 giờ cách Hoàng Sa 10 hải lý; lúc 2:30 giờ lại cách Hoàng Sa 22 Hải lý. Như vậy là đi thụt lùi chứ đâu có tiến về Hoàng Sa như Đại Tá Ngạc viết?
Có thể vị trí thật sự của HQ4, HQ5 ở các thời điểm nêu trong bài viết của Đại Tá Ngạc còn ở xa đảo Hoàng Sa hơn nữa - hoặc Đại Tá Ngạc viện dẫn lý do trở ngại kỹ thuật (như HQ4 hay HQ5 hư máy chánh chẳng hạn) để không thể thi hành lệnh được nữa.
Còn nếu có ra lệnh bắt đánh đến chìm thì Đại Tá Ngạc và HQ4, HQ5 cũng không thể thắng được địch. Không có tinh thần chiến đấu thì làm sao thắng? Do đó theo suy đoán của tôi, TLHQ nghĩ rằng tốt hơn là cho họ trở về để đỡ tổn thất thêm hai chiến hạm mà chẳng mang lại lợi ích gì.
3.  Sau trận chiến Hoàng Sa, BTL/HQ/VNCH có báo cáo lên Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội VN Cộng Hòa (BTTM/QĐ/VNCH) thì tôi chắc BTL/HQ ở trong cái thế phải che dấu sự thật và phải báo cáo là cả 4 chiến hạm (HQ4, HQ5, HQ10, và HQ16) đã tận lực chiến đấu và chiến hạm nào cũng bị thiệt hại không nhiều thì ít, riêng HQ10 bị chìm. Hải Quân VNCH đã nỗ lực bảo vệ Hoàng Sa nhưng không thể thắng được một địch quân hùng hậu và tối tân hơn.


Còn nếu báo cáo HQ4, HQ5 vô sự thì có êm xuôi không? Sau trận chiến tôi nghe nói BTL/HQ có thành lập ủy Ban Điều Tra trận chiến Hoàng Sa (do HQ Đại Tá Phạm Mạnh Khuê điều khiển thì phải) nhưng tôi chưa bao giờ được ai hỏi một câu hỏi nào!

Tôi nghĩ BTL/HQ muốn che dấu sự thật nên khi phóng viên đài BBC phỏng vấn, hỏi tôi có phản lực cơ Trung Cộng xuất hiện trong trận chiến không? Tôi trả lời không có thì ngày hôm sau BTL/HQ phái một sĩ quan xuống HQ16 chỉnh tôi về câu trả lời của tôi.

Tuy BTL/HQ che dấu sự thật nhưng trong nội bộ Hải Quân, BTL/HQ đã đánh giá đúng thành tích chiến đấu của các đơn vị dự trận Hoàng Sa khi chỉ tiếp đón và ban huy chương cho một mình Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ16.
Cũng chính vì sự che dấu này mà mọi chuyện không rõ trắng đen nên bây giờ ra hải ngoại, ai muốn viết sao về trận Hoàng Sa cũng được, kể cả viết sai sự thật, miễn người viết đề cao Hải Quân.

4.  Sau khi trình bày những nhận xét của tôi về tình hình bên ngoài và bên trong Hải Quân đối với trận chiến Hoàng Sa vào thời điểm đó; tôi xin trả lời những điểm ông cựu HQ Thiếu Tá Nguyễn Chí Toàn chỉ trích tôi.
Trước hết tôi xin trích đoạn bài viết của Đ/Tá Ngạc (page 10 of 33) nói về nhiệm vụ của Thiếu Tá Toàn như sau:
"...Ngoài ra vị Tư Lệnh HQ Vùng (Vùng I Duyên Hải ) còn tăng phái cho tôi HQ Thiếu Tá Toàn (ghi chú của Trần Đỗ Cẩm: HQ Thiếu Tá Nguyễn Chí Toàn, Khóa 11 SQHQ/Nha Trang) mà tôi chưa biết khả năng nên trong suốt thời gian tăng phái tôi chỉ trao nhiệm vụ giữ liên lạc với các Bộ Tư Lệnh cho vị sĩ quan nàỵ"
Ông Toàn được tăng phái cho Đ/Tá Ngạc chứ không phục vụ trên HQ5 như ông ta nói. Ông Toàn viết trong mục góp ý của Calitoday.com ngày Apr.20,2004:
"...tôi là một trong các nhân viên trên chiến hạm HQ5 bị thương tích và tôi được biết với các tài liệu còn lưu giữ tại Hoa Kỳ bởi các giới chức Hải Quân VN liên hệ đến cuộc chiến, cho biết HQ4, HQ5 bị đạn từ hơn 30 đến 50 vết đạn lớn, không kể rất nhiều vết đạn nhỏ khác, kết quả này do tài liệu của Hải Quân Công Xưởng VNCH kiểm chứng thiệt hại các chiến hạm sau trận chiến..."
Ông Toàn nói ông bị thương nhưng ông có được chiến thương bội tinh không? Mà bất cứ quân nhân nào dự trận bị thương cũng đương nhiên được cấp. Lúc còn ở trong nước, tôi và có lẽ nhiều HQ khác không nghe nhân viên HQ4, HQ5 bị thương hay chết trong trận Hoàng Sa cũng như HQ4, HQ5 bị trúng đạn như ông nói. Nếu có thì tại sao HQ4, HQ5 không được tiếp đón và ban huy chương mà chỉ một mình HQ16 được thôi?
Ông Toàn cũng biết là sau khi bài viết "Sự Thật Về Trận Hải Chiến Hoàng Sa" của tôi đăng trên Thời Luận trong đó có nói HQ4, HQ5 chẳng bị trầy một vết sơn nào cả thì Hội Đồng Hải Sử (HĐHS) gồm hai vị cựu Đại Tá HQ đã lên tiếng chỉ trích tôi y hệt ông Toàn chỉ trích và còn nói thêm là một trong hai vị Đại Tá có mang theo ra hải ngoại đầy đủ phúc trình của BTL/HQ lên BTTM về trận Hoàng Sa cũng như phúc trình kiểm chứng thiệt hại của Hải Quân Công Xưởng về HQ4, HQ5, nhưng khi một số cựu HQ yêu cầu HĐHS công bố tài liệu để mọi người được biết thì HĐHS vẫn giữ im lặng!

Như vậy sự kiện ông Toàn bị thương, HQ4, HQ5 bị thiệt hại không có gì chứng minh cả.

Nếu ông Toàn có nêu tên vài ba người trên HQ5 đã chứng kiến ông Toàn bị thương thì tôi cũng khó mà kiểm chứng được mấy người đó có thuộc thủy thủ đoàn của HQ5 không? Ngay cả 3 chiến sĩ hy sinh thuộc HQ5 được nói đến trong "Tài Liệu Hải Chiến Hoàng Sa" của Trần Đỗ Cẩm và Vũ Hữu San (trang 248) gồm 1 Thiếu úy và 2 Hạ sĩ quan nhưng cũng không rõ tên họ của họ, trong khi tác giả cuốn sách này chuẩn bị tài liệu để viết từ năm 1990 (trang 16 sách đã dẫn) mà vẫn chưa tìm được danh tánh của 3 người này!

Một chi tiết nữa mà ông Toàn cũng biết là Hạm Trưởng HQ5 - HQ Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh - hiện ở San Jose- CA, được rất nhiều cựu HQ góp ý về "Tuyển Tập Hải Sử" yêu cầu lên tiếng về trận chiến Hoàng Sa, nhưng Trung Tá Quỳnh vẫn giữ im lặng, chỉ cho biết, qua Trung Tá Trần Quang Thiệu bạn cùng khóa, trận Hoàng Sa là một thất bại, không có gì hãnh diện để lên tiếng.
5.  Tiếp theo là phần trả lời ông Tuấn Nguyễn.
Ông Tuấn viết: "Viết sự thật là 1 chuyện nên làm. Tuy nhiên nay Đại Tá Ngạc đã ra người thiên cổ thì làm sao mở miệng được. Tại sao không lên tiếng khi Đại Tá Ngạc còn sống???".
Không phải tôi chờ Đại Tá Ngạc ra người thiên cổ rồi mới viết bài "STVTHCHS".. Tôi không biết Đại Tá Ngạc có viết bài về trận Hoàng Sa. Chỉ khi ông Vũ Hữu San quảng cáo ra mắt sách về trận Hoàng Sa trên báo, tôi mới có ý định viết bài về trận Hoàng Sạ Trong khi nói chuyện với người bạn cùng khóa là HQ Trung Tá Võ Hữu Danh tôi mới được cho biết có bài viết về trận Hoàng Sa của Đại Tá Ngạc và Trung Úy Đào Dân và Trung Tá Danh đã cung cấp các bài viết đó cho tôi.

Tôi chỉ đề cập đến Đại Tá Ngạc khi thấy những điều ông nói liên quan đến HQ16 mà sai sự thật.
Những điều này cũng có liên quan đến HQ4, HQ5 dưới quyền điều động của Đại Tá Ngạc. Nếu ông không còn sống thì Hạm Trưởng HQ4, HQ5 có thể lên tiếng thay cho ông. Cũng như hai vị Đại Tá trong HĐHS cũng đã lên tiếng thay cho Đại Tá Ngạc khi buộc tội tôi "vạch áo cho người xem lưng và nói xấu đồng đội", để không chịu tu sửa "Tuyển Tập Hải Sử" phần viết về trận chiến Hoàng Sa.
Hai vị này cũng nói là HQ4, HQ5 bị trúng đạn trong trận Hoàng Sa nhưng lại không chịu công bố tài liệu chứng minh!

Tôi chỉ nói sự thật và nói những cái sai của Đ/Tá Ngạc chứ không nói xấu ông ta.
Đại Tá Ngạc không còn sống nhưng có nhiều người lên tiếng thay cho ông trong đó có cả ông Toàn, ông Tâm và ông Tuấn.
6.  Sau cùng là phần trả lời ông Hoàng Văn Tâm.
Ông Tâm nói tôi có 3 điểm sai lầm sau đây:
1. "Chính tác giả (Lê văn Thự) tiết lộ không biết gì về hoạt động tác chiến của HQ4, HQ5 vậy mà dám đề tựa bài là: "Sự Thật Về Trận Hải Chiến Hoàng Sa"... Ngoài ra ông còn cho biết ông mất liên lạc với CHT Hành quân là Đại Tá Ngạc vậy mà ông dám phê bình bài tường thuật trận đánh của Đại Tá Ngạc là hoàn toàn sai".
Thật sự tôi không hay biết gì về hoạt động của HQ4, HQ5 từ ngày 18/1/74 đến ngày 19/1/74. Trong khi HQ16 di chuyển ra vào lòng chảo quần đảo Hoàng Sa trong 2 ngày đó, tôi không thấy HQ4, HQ5 trong tầm nhìn của tôi.
Trong trận chiến ngày 19/1/74, bài viết của ông Ngạc cũng như của ông San đều nói là HQ4, HQ5 chỉ cách đảo Quang Hòa 4 đến 5 hải lý mà sao tôi không thấy được? Tôi đoán là họ ở cách xa từ 8, 9 hải lý trở lên, và phải quan sát thật kỹ may ra mới thấy được hoặc không thể thấy được vì quá xa.
Tôi nói sự thật những gì xảy ra trong trận chiến và đính chính những điều ông Ngạc viết sai. Ông Tâm đọc lại bài viết của tôi sẽ thấy tôi nêu rõ từng điểm một ông Ngạc viết sai.
Tôi không biết hoạt động của HQ4, HQ5 nhưng tôi biết chắc là họ không tham chiến vì họ ở rất xa trận chiến.. Đó là sự thật.
2. Ông Tâm viết: "Thú nhận không biết hoạt động của HQ4, HQ5 vậy mà ông viết như đinh đóng cột: "Sự thật HQ4, HQ5 chẳng bị trầy 1 mảnh sơn nào cả. Cả Hải Quân đều biết... Nếu HQ4, HQ5 không bị trầy 1 mảnh sơn nào thì sao lại được Tuyên Dương Công Trạng trước Quân Đội?... Trong khi đó HQ4, HQ5 phải ứng chiến với 8 tàu TC còn lại để chúng không thể tập trung tiêu diệt tàu ông. Tình thế như vậy HQ4, HQ5 chắc chắn cũng phải mang đầy thương tích và tàu ông có bị 1 viên đạn lạc thì cũng chuyện thường. Nếu không xui xẻo bị trái đạn này thì tàu ông cũng đâu có trầy 1 mảnh sơn nào ?"
Nếu HQ4, HQ5 mang đầy thương tích kể cả người chết thì chắc chắn HQ4, HQ5 phải được Tuyên Dương Công Trạng. Nhưng sự thật HQ4, HQ5 không có mặt trong lễ tiếp đón chiến hạm trở về từ Hoàng Sa mà chỉ có một mình HQ16 được tiếp đón và gắn huy chương. Sự kiện này xảy ra ở bến Bạch Đằng trước sự chứng kiến của bao nhiêu người trong và ngòai HQ và diễn ra ngay trước BTL/HQ, chứ đâu phải xảy ra giữa biển khơi không ai thấy? Ông Tâm có nằm mơ không đây?

Ngoài ông Tâm ra, còn có ông Chu Bá Yến khóa 11 (cấp bậc Thiêú Tá hay Trung Tá HQ tôi không rõ) cũng gửi e-mail trong nội bộ HQ kèm theo 1 tấm hình TLHQ đang gắn huy chương cho một HSQ và nói đó là tấm hình TLHQ đang tuyên dương HQ4.

Cựu HQ Thiếu Tá Phạm Đình San đã trả lời bằng e-mail như sau: "...để tránh sự nghi ngờ là hình đã được ghép bằng kỹ thuật điện toán..., xin anh cho trích 1 đoạn phóng sự của báo Lướt Sóng Đặc Biệt đã nói về buổi lễ cùng danh tánh 1 vài nhân viên của HQ4 được gắn huy chương thì tốt hơn nữa...".
Tôi xin thêm là tấm hình có thể không ghép nhưng không phải là hình tuyên dương cho trận Hoàng Sa. Sau đó ông Yến trả lời là tấm hình này được "scan" từ trong quyển "Lướt Sóng-Tiếng nói của HQ-Số Đặc Biệt Chiến Thắng Hoàng Sa" mà không viện dẫn thêm được điều gì nữa để chứng minh tấm hình là thật chẳng hạn như trích dẫn bài viết trong tờ Lướt Sóng.
Buổi lễ tiếp đón một mình HQ16 diễn ra trước mắt bá quan mà nay ông Yến, ông Tâm cố nói lấy được là HQ4 được Tuyên Dương Công Trạng thì tôi hết còn ý kiến. Thế cho nên trận chiến Hoàng Sa xảy ra giữa biển khơi khuất mắt mọi người nên những người trong cuộc thiếu tự trọng lại háo danh tha hồ nói theo ý họ bất chấp sự thật.

Đây là một dẫn chứng khác cho thấy người trong cuộc nói sai sự thật (không đánh mà nói có đánh) nhưng lại lòi đuôi ra: trong sách"Tài Liệu Hải Chiến Hoàng Sa"(TLHCHS) của Trần Đỗ Cẩm và Vũ Hữu San trang 111 có câu: "Hai đánh một, chẳng chột cũng què" chăng. Chúng ta phục vụ trên HQ4 ngày đó đều biết rằng sau hải chiến, chúng ta vẫn tiếp tục công tác tại vùng Duyên Hải Đà Nẵng không hề hấn gì." (tức là không bị thiệt hại, không về Sài Gòn dự lễ tiếp đón và tuyên dương: ghi chú của người viết).

Ông Tâm nói HQ4 phải ứng chiến với 8 tàu TC. Xin ông Tâm đọc các phần trích dẫn sau đây trước khi nói. Sách "TLHCHS" của TDC và VHS (trang 67 từ dòng 18) viết:
"Ngay sau khi nhận được lệnh tác xạ vào tàu địch, hai khẩu đại bác 76,2 ly đã chuẩn bị từ lâu, khai hỏa chính xác trúng ngay tàu địch lúc đó nằm trong khoảng cách 1,600 yards. Chỉ trong vòng vài phút đầu tiên, chiếc Kronstadt 271 là soái hạm của hải đội Trung Cộng đã bị bắn cháy không còn khả năng tác chiến. Có nguồn tin nói rằng chiếc tàu này sau đó phát nổ và đã bị chìm."
Trang 68 (sách đã dẫn) từ dòng 5 viết: "Mục tiêu của HQ5 là chiếc Kronstadt mang số 274 mặc dầu chống trả mãnh liệt nhưng bị hư hại nặng vì trúng nhiều đạn 40 ly và 20 ly nên bị loại ra khỏi vòng chiến ...Tuy nhiên bị trúng đạn quá nặng, chiết Kronstadt này bắt buộc phải ủi vô bờ san hô phía Nam đảo Quang Hòa để tránh bị chìm."

Như vậy là 2 chiến hạm Kronstadt bị loại ra khỏi vòng chiến, còn lại 6 chiến hạm Trung Cộng đi đâu mà tôi không thấy trong trận chiến. Nếu có 6 chiến hạm đó thì chúng phải tiếp cứu các chiến hạm Trung Cộng khác bị thiệt hại trong lòng chảo quần đảo Hoàng Sa hay truy kích và đánh chìm HQ16, HQ4, HQ5 để trả thù chứ?

Chưa kể các Phi Tiễn đĩnh loại Komar cuả địch đang trên đường tiếp viện. Loại Komar này chạy rất nhanh và sắp đến đảo Quang Hòa vì trang 68 (sách đã dẫn) viết: "...Trung Tá San cho biết cũng trong lúc đó, các chiến hạm VNCH quan sát thấy (không có HQ16 trong các chiến hạm này: ghi chú của người viết) có bốn lượn sóng lớn trắng xóa đang tiến từ hướng Đông Bắc với vận tốc rất nhanh và có tin các phi tiễn của địch đang trên đường tiếp viện."
HQ16 lúc đó như con gà què, lê lết rời Hoàng Sa sau cùng thì phải thấy các chiến hạm Trung Cộng đó chứ, và nếu có chúng thì HQ16 đã bị đánh chìm rồi!
Trong bài "Tường Thuật Trận Hải Chiến Lịch Sử Hoàng Sa" (TTTHCLSHS) của Đại Tá Ngạc (page 18 of 33) lại viết:
"...Nhưng chẳng may, HQ4 báo cáo bị trở ngại tác xạ ngay từ phút đầu tiên và phải chờ sửa chữạ Việc này đã làm đảo các dự tính của tôi và làm tôi bối rối. Sau vài phút chiến hạm này xin bắn thử và kết qủa vẫn bị trở ngại và cần tiếp tục sửa chữa thêm, nhưng tôi vẫn còn chút hy vọng. Khu trục hạm HQ4 vài phút sau lại xin tác xạ thử lần thứ ba nhưng vẫn không có kết quả..."
Như vậy ông Tâm thấy HQ4 có hạ được chiếc Kronstadt 271 không? Và có ứng chiến được 8 tàu Trung cộng không? Hay Đại Tá Ngạc nói sai? Hay hai ông TDC và VHS nói sai? Hay tất cả các ông đó đều sai?
3.. Điểm thứ 3, Ông Tâm viết: "Cuối bài viết, sau những suy luận vớ vẫn, ông gán cho Đại Tá Ngạc và bình luận gia Trần Bình Nam cái quyết định do ông nghĩ ra, để ông đưa ra một hàm ý nhục mạ các cấp chỉ huy HQVNCH trong trận HS."
Bài viết của tôi có đề cập đến bài "Biển Đông Dậy Sóng"(BDDS) của ông Trần Bình Nam. Tôi rất tiếc là tôi đã không trích đầy đủ để dẫn chứng điều ông Trần Bình Nam nói: là có lẽ có sự thỏa thuận ngầm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của VNCH. Nay tôi không còn giữ bài "BĐDS" nữa nên không trích ở đây được để ông Tâm thấy. Bây giờ tôi trích nguyên văn từ bài "TTTHCLSHS" của Đại Tá Ngạc (page 29 of 33) để ông Tâm thấy:
"...HQ Đại Tá Đỗ Kiểm, tham mưu phó hành quân tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân còn đặc biệt cho tôi hay là có chiến hạm bạn (là Hoa Kỳ:ghi chú của người viết) ở gần, nhưng với sự hiểu biết của tôi, tôi không có một chút tin tưởng gì vào đồng minh này kể từ tháng 2 năm 1972 khi Hoa Kỳ và Trung Cộng đã chấm dứt sự thù nghịch nên Hải Quân họ sẽ không một lý do gì lại tham dự vào việc hỗ trợ Hải Quân VN trong vụ tranh chấp về lãnh thổ. Họa chăng họ có thể cứu vớt những người sống sót nếu các chiến hạm VN lâm nạn. Nhưng thực tế cho thấy trong suốt cuộc tìm kiếm những nhân viên từ Hộ Tống hạm HQ10 và các toán đổ bộ lên trấn giử các đảo đã đào thoát để trở về đất liền, chúng ta không nhận thấy một hành động nhân đạo nào từ phiá đồng minh kể cả của phi cơ không tuần...".
Cũng trang 29 of 33 sách đã dẫn viết:
"...Một suy luận nữa là có thể trận hải chiến là một cuộc điều chỉnh sự nhượng quyền chiếm giữ từ một nhược tiểu đến một cường quốc theo một chiến lược hoàn cầu mà vài cường quốc đã ngầm thỏa thuận trước..."
Đại Tá Ngạc tuy không nói thẳng ra là Trung quốc quá mạnh (với phi tiễn đỉnh, với phản lực cơ, với tiềm thủy đỉnh) và đã có sự nhượng quyền giữa hai cường quốc nên Hải Quân VN Cộng Hoà có đánh cũng không thắng được (nếu không muốn nói là vô ích), nhưng những ý tưỏng này bàng bạc trong bài viết của Đại Tá Ngạc và cũng là lý do biện bạch cho sự rút lui của Đ/Tá Ngạc.
Không biết ông Tâm có thấy không nhưng nếu độc giả đọc bài "TTTHCLSHS" của Đại Tá Ngạc thì chắc sẽ thấy.
Chính vì bị ám ảnh bởi các ý tưởng này nên Đại Tá Ngạc quá lo sợ mà không dám đánh. Nội việc trên đường trở về Đà Nẳng mà còn sợ tiềm thủy đĩnh Trung Cộng phục kích thì còn đâu tinh thần để chiến đấu ?
Chính vì sợ mà Đại Tá Ngạc chỉ để cho HQ16 và HQ10 đánh cho lấy có (theo ý nghĩ của Đại Tá Ngạc) rồi cùng HQ4, HQ5 rút lui.
Phần sau cùng bài viết "STVTHCHS" của tôi chủ ý muốn nói là nếu cấp chỉ huy trận chiến và các đơn vị tham chiến đồng tâm hiệp lực mà đánh thì Hoàng Sa đã không mất lúc đó. Còn chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai nơi đảo Hoàng Sa thì tôi không thể biết được.
7.  Trong phần đầu của bài "STVTHCHS", tôi có nói muốn biết rõ trận Hải Chiến Hoàng Sa, những nhà nghiên cứu cần phải truy tầm tài liệu cả về phiá Trung Cộng nữa.
Hai ông TĐC và VHS đã làm công việc đó. Từ trang 102 đến trang 115 sách "TLHCHS" của TĐC và VHS nói về các website Trung Cộng mà nội dung đề cập đến HQ4. Các website này viết bằng Hoa ngữ và được trích dịch sang Anh ngữ nhưng khi đọc tôi thấy lủng củng, sai văn phạm và rất khó hiểu. Tôi chỉ đoán chừng thôi.
Tôi chắc các website này nếu có, cũng không nói lên sự thật vì Trung Cộng cách nay 30 năm là một nước độc tài sắt máu và cho đến bây giờ chính quyền Trung Cộng vẫn còn bắt giam những ai khác chính kiến, đòi tự do dân chủ hay chỉ trích chính quyền..
Trận Hải Chiến Hoàng Sa lại liên quan đến Quân Đội nhân dân Trung Quốc tức là thuộc loại bí mật Quốc Phòng thì ai trong nước họ dám lên tiếng đề cao kẻ địch là HQ4 như sách "TLHCHS" đã khoa trương?
Nếu đề cao kẻ địch chẳng được lợi ích gì mà còn mang họa vào thân thì có ai điên khùng để làm việc đó không?
Sự thật đọc mấy đoạn website trích dẫn trong "TLHCHS", tôi chẳng thấy họ đề cao gì đến HQ4 cả.
Các website Trung Cộng nói về trận chiến Hoàng Sa nếu có, thì chỉ là do sự dàn dựng của chính quyền Trung Cộng mà thôi. Mục đích là để nói với thế giới quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của họ. Họ có dân ở đó, có cả một đội ngư thuyền ở đó và Hải Quân VNCH đã đến khiêu khích, đe dọa ngư dân, ủi và làm hư hại ngư thuyền của họ, cũng như xâm chiếm đảo của họ như một vài website đã trích dẫn trong sách "TLHCHS" của TĐC và VHS nói.
Trong bài "STVTHCHS" và bài trả lời này của tôi, tôi luôn luôn khẳng định HQ4, HQ5 không trực chiến với tàu Trung Cộng, họ chỉ ở bên ngoài "wait and see" rồi rút lui, nhưng tại sao Trung Cộng lại biết HQ4 và nói đến HQ4 trong website ?
Cái đó là vì Trung Cộng có bắt và đem về Trung Quốc một số quân nhân của HQ10 còn sống sót gồm sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ và một Trung úy cùng một số nhân viên thuộc HQ4 đưa lên giữ đảo.
Trung Cộng đã điều tra để lấy tin tức từ nhóm quân nhân này nên mới biết rõ tên và chi tiết của từng chiến hạm VN cũng như cấp chỉ huy VN trong trận chiến.
Trong bốn chiến hạm VN thì Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ4 là tối tân nhất do đó Trung Cộng mới nói đánh cho HQ4 tơi bời hoa lá thì mới oai hùng, (như website trích trong "TLHCHS" nói) chứ đánh với các chiến hạm tầm thường như HQ16, HQ10 thì đâu có gì oai phong. Trung Cộng đã cường điệu khi nói như vậy và HQ4 cũng dựa vào đó để cường điệu theo, chứ tối tân nhất mà chịu nhận là không đánh đấm gì cả thì coi sao được?
Sau khi trả lời rất chi tiết những góp ý của ba độc giả nêu trên và đề cập đến tính bất khả tín của tài liệu do BTL/HQ VN Cộng Hòa và Trung Cộng đưa ra nếu có, tôi nghĩ là bài trả lời của tôi đã quá đủ, kể cả cho những thắc mắc chưa được nêu lên.
Tôi xin cám ơn Calitoday đã đăng bài "STVTHCHS" cũng như bài trả lời độc giả này của tôi.

Kính,
Lê Văn Thự
Calitoday, 1/6/04

Nguồn :

28 tháng 12, 2018

Đại tướng Phạm Văn Trà: 'Pol Pot chống phá Việt Nam từ năm 1972'

Trước khi nổ súng tấn công biên giới Tây Nam năm 1977, Pol Pot đã thực hiện rải rác các vụ sát hại người Việt từ năm 1972.

Chiều 28/12, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy An Giang tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia "40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979-7/1/2019)".

Đại tướng Phạm Văn Trà phát biểu tham luận. Ảnh: Phước Tuấn.
Đại tướng Phạm Văn Trà phát biểu tham luận. Ảnh: Phước Tuấn.

Là người tham luận đầu tiên, Đại tướng Phạm Văn Trà (nguyên Bộ trưởng Quốc phòng) khẳng định thực chất Pon Pot đã tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam từ năm 1972.
"Tôi vào Quân khu 9 từ năm 1963, theo dõi kỹ nên biết tình hình này. Không phải nghiễm nhiên Pol Pot chống chúng ta mà phải có một thế lực bên ngoài đứng đằng sau mới có đủ sức", tướng Trà quả quyết.
Ông cho hay, khi đó, Việt Nam đang tập trung cho chiến tranh chống Mỹ nên "chúng ta bỏ qua, cố gắng chịu đựng, thắng Mỹ rồi mới thương lượng với họ".
Năm 1972, nhiều đội quân của Quân khu 9 sang Campuchia đã bị Pol Pot giết hại. Sư đoàn 1 được tăng cường cho quân khu này, hoạt động chủ yếu ở An Giang, Hà Tiên cũng bị Pon Pot cho phá hủy một bệnh viện của đơn vị này ở Tà Keo.
Tướng Trà giải thích, đã hòa bình nhưng Bộ Tổng tham mưu quyết định thành lập Sư đoàn 330 từ nhiều đơn vị khác (mà ông là Sư đoàn phó Tham mưu trưởng) nhằm bảo vệ biên giới Tây Nam trước sự uy hiếp của Pol Pot.
"Năm 1972, tập đoàn giết hại nhiều người Campuchia vô tội và đánh chiếm biên giới nước ta. Sau hòa bình, Pol Pot - Ieng Sary đã ra Thổ Chu, Kiên Giang nói đưa gần 500 người dân vào đất liền. Nhưng sau đó chúng đã giết chết hết rồi đánh đảo Phú Quốc", ông Trà khẳng định.
Đại đội 9 (Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18) phòng ngự tại chùa Xà Xía, Hà Tiên, Kiên Giang tháng 7/1978. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân.
Đại đội 9 (Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18) phòng ngự tại chùa Xà Xía, Hà Tiên, Kiên Giang tháng 7/1978. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân.
Tham luận tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu sử học và quân sự cho biết, từ những năm 60 của thế kỷ trước, Pol Pot - Ieng Sary từng bước thao túng quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Campuchia. Sau 30/4/1975, Pol Pot - Ieng Sary công khai coi Việt Nam là "kẻ thù số một, kẻ thù truyền kiếp", họ vừa tập trung phát triển lực lượng, vừa triển khai hàng loạt hoạt động gây hấn, thăm dò chiến tranh.
Đến cuối năm 1976, các cuộc tiến công của quân Pol Pot vào lãnh thổ Việt Nam ngày càng tăng, quy mô ngày càng lớn, có nơi tiến sâu vào tới 15 km (Kiên Lương, Kiên Giang), làm cho tình hình biên giới Tây Nam hết sức căng thẳng. Chỉ tính từ tháng 4/1975 đến tháng 6/1977, Pon Pot đã xâm phạm biên giới Việt Nam trên 2.000 lần, gây tổn thất hơn 4.000 người.
Những cuộc tiến công của quân đội Pol Pot không phải là hành động bột phát mà được chuẩn bị kỹ lưỡng, mang tính hệ thống, hành động tàn bạo.
Chiến tranh biên giới Tây Nam chính thức mở đầu bằng sự kiện ngày 30/4/1977, quân Pol Pot sử dụng lực lượng cấp sư đoàn và lực lượng địa phương các tỉnh biên giới, bất ngờ đồng loạt tiến công xâm lược toàn tuyến biên giới của tỉnh An Giang.
Thiếu tướng Bùi Thanh Sơn, nguyên Trưởng Sư đoàn 320 (Quân khu 3) cho biết phạm vi không gian cuộc chiến tranh diễn ra ở địa bàn các tỉnh biên giới, nơi đối đầu trực tiếp giữa hai bên.
Pon Pot luôn luôn tập trung lực lượng mạnh, thời điểm cao nhất lên đến 23 sư đoàn bộ binh cùng các quân binh chủng mạnh, lực lượng các quân khu và tỉnh trên tuyến biên giới giáp Việt Nam. Tổng số quân cao nhất lên đến 120.000 với nhiều loại vũ khí hiện đại.
Thiếu tướng Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Phước Tuấn.
Thiếu tướng Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Phước Tuấn.
Không chỉ thực hiện quyền tự vệ, quân đội và nhân dân Việt Nam giúp người dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng của Pon Pot - được đánh giá là "tàn bạo và kỳ lạ nhất trong lịch sử loài người".
GS Võ Văn Sen (nguyên Hiệu trưởng Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM) cho rằng, 40 năm trôi qua nhưng khi nhắc lại thảm họa này, nhiều người vẫn còn bàng hoàng, căm giận.
"Họ tự đặt câu hỏi vì sao từ nửa sau thế kỷ 20, khi nền văn minh nhân loại đã đạt đến đỉnh cao lại có thể tồn tại một chế độ nô dịch, tự giết hại chính dân tộc mình, phá nát chính đất nước mình", ông Sen nói và cho biết đây vẫn là vấn đề mà giới chính trị và nghiên cứu thế giới tiếp tục tìm kiếm, lý giải.
Theo số liệu thống kê của Hội đồng Mặt trận đoàn kết xây dựng và bảo vệ tổ quốc Campuchia điều tra về tội ác của Pol Pot - Ieng Sary, từ năm 1975-1979, số người bị sát hại là hơn 2,7 triệu. Hàng nghìn trường học, bệnh viện, hàng trăm nghìn ngôi nhà bị phá hủy.
"Nhà báo Wilfred G. Burchett đã thốt lên rằng xin hãy đừng bảo bất kỳ đứa trẻ Campuchia nào vẽ lại bức tranh cuộc sống dưới thời Pol Pot theo trí nhớ của nó. Thông thường, hình ảnh bao trùm bức tranh ấy là một gã thanh niên trong bộ đồ đen đang dùng roi quất ai đó trên công trường hoặc đang dùng gậy đập chết ai đó trên mép một hố chôn tập thể", Giáo sư Sen nói.
Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói chỉ trong gần bốn năm tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary đã xóa bỏ gần hết cơ sở, vật chất xã hội và đẩy dân tộc Khmer trước thảm họa diệt vong. Sự giúp đỡ của Việt Nam với Campuchia trước nạn diệt chủng này là "trong sáng, vô tư, chí tình chí nghĩa".
"Cùng với thời gian, sự giúp đỡ và tình đoàn kết giữa Việt Nam - Campuchia sẽ trở thành biểu tượng của tình đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng", ông nói.
Hội thảo cũng tập trung phân tích những điểm mạnh cũng như hạn chế về mặt khoa học quân sự của Việt Nam trong chiến tranh biên giới Tây Nam, đồng thời đúc kết những bài học kinh nghiệm nhằm vận dụng cho bối cảnh hiện tại.
Huy Phong - Mạnh Tùng

22 tháng 12, 2018

Ngày 23-12-1978, đúng 40 năm trước, Quân đoàn 4 VN thực hiện phản công đánh vào lực lượng Khmer Đỏ ...

Ngày 23-12-1978, đúng 40 năm trước, Quân đoàn 4 VN thực hiện phản công đánh vào lực lượng Khmer Đỏ lấn chiếm khu vực Năm Căn-Hòa Hội, Bến Sỏi thuộc tỉnh Tây Ninh, đánh dấu thời điểm mở màn chiến dịch tổng tiến công ở biên giới Tây Nam sớm hơn dự định.

Chiến dịch huy động 1 lực lượng quy mô lớn của 3 quân đoàn, 3 quân khu, các quân chủng hải quân, không quân cùng với các đơn vị công an vũ trang biên phòng, thanh niên xung phong và các binh chủng bảo đảm khác, bao gồm:
- 18 sư đoàn bộ binh.
- 12 trung đoàn và một số tiểu đoàn, đại đội bộ đội địa phương.
- 3 trung đoàn và một số tiểu đoàn, đại đội đặc công.
- 6 lữ đoàn, trung đoàn cùng một số tiểu đoàn, đại đội tăng thiết giáp.
- 24 lữ đoàn, trung đoàn cùng một số tiểu đoàn, đại đội pháo binh, tương đương 48 tiểu đoàn, trong đó có 2 tiểu đoàn tên lửa chống tăng.
- 4 trung đoàn không quân.
- 1 hạm đội tàu chiến đấu, 1 lữ đoàn tàu vận tải, 1 hải đoàn hải quân và 1 trung đoàn hải quân đường sông.
- 2 lữ đoàn hải quân đánh bộ.
- 94 tiểu đoàn công binh.
Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia theo 1 số nguồn tin có khoảng 9 tiểu đoàn và 1 số đội công tác, mặc dù thực binh và mức độ tham gia của những đơn vị này vẫn còn là dấu hỏi.
Tổng cộng, QĐNDVN huy động vào chiến dịch phản công:
- 250.000 quân.
- 621 xe tăng, thiết giáp.
- 487 khẩu pháo cơ giới và 1.328 khẩu pháo cối mang vác.
- 137 máy bay.
- 160 tàu hải quân.
- 7.000 xe vận tải.
Về phía đối phương, lực lượng Khmer Đỏ có trong tay:
- 23 sư đoàn bộ binh.
- 1 sư đoàn tăng thiết giáp.
- 1 sư đoàn pháo binh.
- 1 sư đoàn phòng không.
- 1 sư đoàn không quân.
- 1 hải đoàn hải quân.
Tổng cộng:
- 170.000 quân.
- 275 xe tăng, thiết giáp.
- 274 khẩu pháo cơ giới.
- 200 khẩu pháo phòng không.
- 79 máy bay.
- 94 tàu, thuyền.
Đồng thời với cuộc phản công của Quân đoàn 4, trên các hướng khác lực lượng của Quân đoàn 2, 3 và Quân khu 5, 7, 9 được hải quân, không quân yểm trợ cũng đồng loạt tiến công.
Ngày 30-12-1978, thị xã đầu tiên của Campuchia là Kratie được Quân khu 7 giải phóng.
Ngày 3-1-1979, phần lãnh thổ cuối cùng của VN bị lấn chiếm trái phép ở khu vực kênh Vĩnh Tế, An Giang được Quân đoàn 2 giải phóng.
Ngày 7-1-1979, thủ đô Phnom Penh được Quân đoàn 4 giải phóng.
Ngày 17-1-1979, thị xã cuối cùng của Campuchia là Koh Kong được Quân đoàn 2 và HQNDVN giải phóng.
Tuy nhiên chiến tranh chưa chấm dứt ở đây. Khmer Đỏ của Pol Pot và các nhóm phiến quân thân phương Tây như ANS của Sihanouk và KPNLF của Son Sann liên minh với nhau tiếp tục các hoạt động chiến tranh du kích. Mỹ, Trung Quốc, phương Tây và ASEAN (đặc biệt là Thái Lan và Singapore) đã tích cực hỗ trợ cho các nhóm phiến quân trên nhiều phương diện: vũ khí trang bị, nhu yếu phẩm, tài chính, huấn luyện... Thái Lan cho phép phiến quân đặt căn cứ trên lãnh thổ mình và cho quân đội tham chiến, hỗ trợ phiến quân chống lại các đợt truy quét của VN. Trên phương diện ngoại giao, Mỹ và Trung Quốc gây ảnh hưởng lên LHQ tiếp tục công nhận Khmer Đỏ là đại diện hợp pháp của Campuchia, đồng thời áp đặt cấm vận lên VN.
Sau hơn 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế, đến tháng 8-1991, những đơn vị Quân tình nguyện và chuyên gia VN cuối cùng đã hoàn tất rút khỏi Campuchia về nước, kết thúc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ xa.

16 tháng 11, 2018

Lương Thế Vinh - người thầy giỏi Toán 'khác mọi thầy'

Lương Thế Vinh chủ trương học trò cần học tập chuyên tâm, nhưng cũng phải biết kết hợp với giải trí và phải vận dụng kiến thức vào cuộc sống.

Lương Thế Vinh sinh năm 1441 ở làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam, nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo (Vụ Bản, Nam Định). Hồi nhỏ, ông nổi tiếng khỏe mạnh, học một biết mười, nhưng nghịch ngợm cũng bằng mười chúng bạn. Lớn lên một chút, ông được bố mẹ gửi tới học với cụ Giải nguyên Lương Hay ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa) và trở thành học trò giỏi của cụ, đỗ trạng nguyên ngay trong lần đầu lều chõng đi thi vào năm 22 tuổi.

Ông Trạng Lường với hơn 30 năm ở chốn quan trường
Lương Thế Vinh được gọi là Trạng Lường bởi rất giỏi đo lường, tính toán. Sách Thần đồng xưa của nước ta viết, tương truyền từ thuở nhỏ, có lần chơi cùng chúng bạn dưới gốc cây cổ thụ, cả nhóm thách đố nhau làm thế nào để biết được cây cao hay thấp. Một số cho rằng chỉ có cách trèo lên ngọn cây rồi dùng dây thòng xuống đất mà đo. Riêng Lương Thế Vinh nói không cần.
Lương Thế Vinh lấy chiếc gậy đo xem dài ngắn bao nhiêu, rồi dựng gậy lên mặt đất và đo chiều dài bóng gậy. Tiếp đoạn, ông đo bóng cây và sau một lát nhẩm tính đã tìm ra chiều cao của cây. Bọn trẻ không tin bèn dùng thừng nối lại, buộc hòn đá phía dưới rồi trèo lên tít ngọn cây dong thừng xuống đất để đo. Kết quả đúng như Vinh đã tính.

"Ngày nay, cách tính chiều cao của cây mà Lương Thế Vinh áp dụng chắc học sinh không lấy gì làm lạ. Nhưng cách đây gần 5 thế kỷ thì việc Lương Thế Vinh tính được tỷ lệ chiều cao của cây và chiếc gậy bằng tỷ lệ bóng của chúng trên mặt đất là một sáng tạo, thể hiện nước ta ở thế kỷ 15 đã có nhà toán học đầy tài năng", tác giả Quốc Chấn viết trong cuốn Thần đồng xưa của nước ta.

Trạng Lường Lương Thế Vinh.
Trạng Lường Lương Thế Vinh.
Học giỏi có tiếng, Lương Thế Vinh tham dự khoa thi Quý Mùi (1463) dưới thời vua Lê Thánh Tông và đỗ ngay trạng nguyên. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép năm đó có tới 4.400 người dự thi, lấy đỗ 44 người. Phấn khởi trước thắng lợi của khoa thi khi mình mới lên ngôi, vua Lê Thánh Tông đã ban lá cờ khoa, tự tay đề ba vị khoa khôi thành một bài thơ: Trạng nguyên Lương Thế Vinh/ Bảng nhãn Nguyễn Đức TrinhThám hoa Quách Đình BảoThiên hạ cộng tri danh.
Sau khi đỗ đạt, Lương Thế Vinh ra làm quan 32 năm, nổi tiếng thanh liêm, chính trực. Ông làm ở Viện hàn lâm, được thăng đến chức cao nhất trong viện. Ông thường khuyên vua chọn người hiền tài, đặt quan chức để "vì dân mà làm việc", nhà vua và triều đình phải "đồng tâm nhất thể"; đồng thời cũng khuyên vua xử tội các quan lại làm sai.
Lương Thế Vinh còn được vua giao soạn nhiều biểu sớ quan trọng liên quan đến ngoại giao với nhà Minh. Trong lần làm sứ nhà Thanh, Chu Hy phải thán phục tài năng tính toán của ông. Lần đó, Chu Hy yêu cầu quan trạng cân trọng lượng của một con voi rất to. Lương Thế Vinh đưa voi lên một chiếc thuyền rồi đánh dấu mép nước bên thuyền, sau đó dắt voi lên.
Tiếp theo, ông ra lệnh đổ đá hộc xuống thuyền, cho đến lúc thuyền chìm xuống đến đúng dấu cũ. Việc còn lại là đưa từng viên đá lên cân và cộng kết quả. Chu Hy thán phục, nhưng tiếp tục đố Lương Thế Vinh đo bề dày của một tờ giấy xé ra từ quyển sách. Vị quan nhà Lê trả lời rằng chỉ cần đo bề dày cả cuốn sách rồi chia đều cho số tờ là ra. Sứ nhà Thanh khi đó đã phải thốt lên: Nước Nam quả có lắm người tài.
Ngoài việc triều chính, Lương Thế Vinh tham gia dạy học ở Quốc Tử Giám, Sùng Văn Quán và Tú Lâm cục - những trường cao cấp đào tạo nhân tài cho đất nước thời bấy giờ.

Quan điểm giáo dục của thầy giáo có nhiều trò giỏi
Trong cuốn Những người thầy trong sử Việt, tác giả Nguyễn Huy Thắng viết Lương Thế Vinh là "người thầy khác mọi thầy". Tác giả cho rằng quan điểm giáo dục của thầy giáo Lương Thế Vinh không giống những bạn đồng liêu. Bằng kinh nghiệm, ông chủ trương học trò cần học tập chuyên tâm, nhưng cũng phải biết kết hợp với giải trí thoải mái, gần gũi với người dân, hòa mình với thiên nhiên và phải tìm mọi cách vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống.
Trong số các chế, biểu dâng lên vua, nhiều lần ông mạnh dạn đề xuất những cải cách về học hành, thi cử, đưa việc học xuống tận thôn dân, không ưu đãi các quan lại đương chức trong việc thi cử để chọn đúng kẻ thực tài, quan tâm đến việc dạy đạo đức và những tri thức khác có ứng dụng trong thực tế.
Với quan niệm "Thần cơ diệu toán vạn niên sư" (ai tính toán giỏi là người thầy muôn đời), Lương Thế Vinh đã dành nhiều tâm huyết để biên soạn cuốn Đại thành toán pháp. Đây là cuốn sách toán học cổ, bằng chữ Nôm, nội dung nói về kiến thức số học, có bảng cửu chương, phép tính nhân, phép bình phương (khai căn), đồng phân (chia đều); phương pháp đo lường bóng (phương pháp tam giác đồng dạng); hệ thống đo lường (cách cân, đong, đo, đếm...); cách đo điền, đo diện tích hình vuông, chữ nhật, tam giác, hình tròn...
Ở mỗi phần, mỗi phương pháp, Lương Thế Vinh đề một bài thơ cho người đọc dễ thuộc, dễ nhớ. Ví dụ, khi dạy cách tính diện tích hình thang, ông viết "Tam giác bị cụt đầuDiện tích tính làm saoCạnh trên cạnh dưới cộng vàoĐem nhân với nửa bề cao khắc thành. Cuốn sách của Lương Thế Vinh không chỉ nổi tiếng khắp trong nước mà còn vang danh ở cả nước ngoài.
Ngoài viết sách toán, Trạng nguyên của triều Lê còn là tác giả của Hý phường phả lục nêu những nguyên tắc có tính lý luận về nghệ thuật biểu diễn, diễn viên, múa hát và đánh trống.
Trong thời gian dạy học của mình, Lương Thế Vinh có nhiều học trò đỗ đạt cao như Trần Tất Đạt - tiến sĩ năm 1469, Trần Bích Hoành - thám hoa năm 1478, Trần Xuân Vinh - tiến sĩ năm 1499 và đặc biệt là Lương Đắc Bằng - thầy của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông luôn được học trò quý mến và kính trọng.
Ông trạng đa tài Lương Thế Vinh mất năm 1495 tại quê nhà, thọ 54 tuổi. Vua Lê Thánh Tông rất thương tiếc, làm một bài thơ Nôm gửi về phúng điếu. Câu cuối, nhà vua ai oán than "Lấy ai làm Trạng nước Nam ta"?
"Hẳn rồi, ý nhà vua muốn nói Lương Thế Vinh đã đi xa, liệu tìm đâu được ai xứng đáng làm Trạng nước Đại Nam này nữa? Nhưng tại sao không thể hiểu rằng, không còn ông nữa, biết lấy ai làm (đào tạo) ra được những người tài giỏi, những ông nghè, ông trạng như ông từng làm một cách trực tiếp hoặc gián tiếp", tác giả Nguyễn Huy Thắng đặt câu hỏi trong cuốn sách của mình.
Quan điểm giáo dục và những đóng góp của Lương Thế Vinh được người đời ghi nhận. Ngày nay, nhiều đường phố, trường học được đặt theo tên của người thầy giáo mẫu mực này. Đền thờ Lương Thế Vinh tại huyện Vụ Bản (Nam Định) năm 1990 đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.
Dương Tâm