Trong
bài Bên lề Hiến pháp tương lai: “Quốc thiều, Quốc kì, Quốc huy” (B.K.
số 179, ngày 15-4-1964), anh Đoàn-Thêm có nhắc lại những cuộc
bàn cãi của các vị dân biểu Quốc hội Lập hiến năm 1956 trong việc thay
đổi quốc thiều và quốc kì, trong đó có đoạn:
“Bài quổc thiều hiện nay, thực ra chỉ là bài Tiếng gọi sinh viên mà Lưu-Hữu- Phước làm cho Tổng hội Sinh viên Hà-nội (AGEl) hồi 1938.
“Về
sau, có phong trào thanh niên ái quốc, nhất là sau ngày 9-3-1945, khi
Nhật đánh đổ Pháp trên khắp Đông-dương ; Thanh niên phải có bài đồng ca
mạnh mẽ, trong những cuộc mét tinh
lớn ; vì chưa kịp soạn bản nhạc khác, L.H. Phước chỉ cho đổi lời ca
thành Tiếng gọi Thanh niên (...)”
Có ba điểm không đúng:
1 - Bài quốc thiều hiện nay thực ra không phải hẳn là bài Tiếng gọi Sinh viên,
2-
Bài này không phải soạn năm 1938 (lúc bấy giờ tác giả còn là học sinh
nội trú ban Tú tài, năm thứ nhất, trường Trung học Trương-Vĩnh-Kí) và
Lưu soạn nó không phải vì “Sinh viên”
mà vì “Quốc dân”.
3- Không phải Lưu-Hữu-Phước cho đổi lời ca Tiếng gọi sinh viên ra Tiếng gọi Thanh niên.
Nghĩ
rằng đa số đồng bào có thể hiểu lầm như các vị dân biểu nói trên, và
cũng nhơn Quốc hội Lập hiến 1966-67 đang soạn thảo Hiến pháp mới, tôi
xin thử kể qua lịch sử bản hát lịch sử
này, theo chỗ tôi được biết, phối hợp với những điều gom góp đó đây, do
vài bạn đồng lứa thuật lại từ lâu. Và sau đó, thêm vài ý nghĩ.
Năm học 1940-41, có ba người bạn thân nhau lâu từ Hậu-giang ra Hà-nội để vào Đại học. Họ trọ chung một gác ở phố Thể dục cũ (phố Wiélé). Ba người sinh viên cùng
nặng tình với đất nước ấy là : Lưu-Hữu-Phước, Mai-Văn-Bộ và Nguyễn-Thành-Nguyên.
Tháng
5 năm 1941 họ có gặp một cán bộ cao cấp của một đảng cách mạng dân
tộc; họ biết qua đường lối, chủ trương và có cảm tình với đảng cách mạng
này. Sau đó, một đảng viên cao cấp
khác, sinh viên trường Luật, tìm người bạn nhạc sĩ dân tộc họ Lưu lúc
bấy giờ đã nổi tiếng với những bản “Sông Bạch-đằng, Kinh cầu
nguyện”..., tỏ bày cặn kẽ lí tưởng đảng mình để rồi nhờ Lưu soạn cho một
bài hát hô hào đồng bào, một bài hát mà nay mai có
thể trở thành một hành khúc của Quốc dân. Lưu nhận lời, vì từ lâu, Lưu
ôm ấp ý định đặt một bài hành khúc hùng mạnh để kêu gọi toàn thể Quốc
dân. (Sau này, chính Lưu nói nửa đùa nửa thật với vài bạn thân rằng mình
đã cố ý làm cho tiết
tấu câu thứ nhì bản nhạc mình tương tợ như tiết tấu câu nhạc thứ nhất của bản La Marseillaise).
Những
phút dằn vật, khổ sở của thời đặc biệt sáng tạo, Lưu đều nếm đủ.. Tâm,
trí chẳng khác lúc nào yên, và tiềm thửc cũng âm thầm góp sức. Rồi sự
giải thoát. Một đêm nọ, đang ngủ say,
Lưu bỗng thức giấc, lại bàn học, ghi lại một hơi bản nhạc hoàn thành
trong tiềm thức, với chiếc măngđôlin. “Quốc dân hành khúc” chào đời. Nhưng phải đợi ngày tựu trường
mới có lời, gồm ba ca khúc: Tranh đấu, Khải hoàn và Kiến thiết.
Người
bạn làm cách mạng nọ đến gặp lại Lưu, được nghe bài hát mong chờ, rất
đỗi vui mừng. Nhưng sau cuộc gặp gỡ hôm ấy, anh đi không trở lại: anh
mất tích. Dạo ấy, người cách mạng Việt
ở vào cảnh một cổ đôi tròng: thực dân Pháp và quân phiệt Nhật ; sự sống
và tự do, mất chẳng biết lúc nào. Bài hành khúc soạn cho Quốc dân đành
nằm yên vậy. Chẳng ngờ sau đó không lâu, nó phải thay hình đổi dạng.
Số
là cuối năm ấy, hoàng đế Bảo-Đại định ra thăm đất Bắc. Chốn ngàn năm
văn vật lo chuẩn bị cuộc tiếp rước. Học sinh tập diễn hành và tập hát
“Allons, enfants de la patrie,
“Le jour de gloire est arivé...”
(La Marseillaise)
“Kìa núi vàng bể bạc,
Có sách trời, sách trời định phận...”
(Đăng đàn cung) (1)
Nghĩ
mình là lớp đàn anh, phải có cái gì hơn bọn đàn em sinh viên thấy cần
phải có một bài hát cho trường Đại học. Ban Âm nhạc của Tổng hội Sinh
viên tích cực hoạt động. Người trưởng
ban, Nguyễn-Tôn-Hoàn (cũng người miền Nam và bạn thân với
Lưu-Hữu-Phước) sực nhớ đến bài hành khúc nằm chờ thời, bèn bàn với Lưu
lấy Quấc dân hành khúc làm Sinh viên hành khúc.
Như thế là thu hẹp
quá nhiều phạm vi bản nhạc mến yêu, (dân ta hai chục triệu, mà sinh
viên lúc ấy chưa tới số ngàn!) nên Lưu soạn ngay một bản nhạc khác cho
anh chị em sinh viên. Nhưng ban Âm nhạc không ưng ý : bài nầy không bằng
bài kia, và đòi lấy
Quấc dân hành khúc làm hành khúc của giới mình cho được mới nghe. Vốn giàu tình cảm và đặt quyền lợi đoàn thể lên trên, Lưu đành nhượng bộ, và Quốc dân hành khúc đành ra mắt quốc
dân với cái tên tạm
Sinh viên hành khúc
Ca khúc
Này Sinh viên ơi! Chúng ta kết đoàn hùng tráng.
Đồng lòng cùng nhau ta đi đến nguồn tươi sáng.
Vì tương lai quấc gia, vì tương lai quấc dân,
Từ nay ta tiến lên, từ nay ta rán cần.
Làm sao cho tiên nhân không hổ
Dù khó thế mấy, cùng nhau cố
Rèn đúc chí khí dũng cường thuở xưa,
Đoàn Sinh viên ta quyết đồng tâm hứa ;
Bền chí, cố gắng sức đoàn ta tiến lên.
Trau chuốt từ tấm thân cho tới tâm hồn.
Sinh viên ơi ! Ta quyết đi đến cùng !
Sinh viên ơi ! Ta nguyền đem hểt lòng !
Tiến lên ! Đồng tiến ! vẻ vang đời sống,
Chớ quên rằng ta là giống Lạc-Hồng !
*
Tổng
hội sinh viên Đông-Dương (AGEI : association générale des étudiants de
l’Indochine) còn có sinh viên Miên, Lào, Pháp nên Mai-Văn-Bộ và Nguyễn
Thành-Nguyên đặt lại lời ca cho thích
hợp.
La Marche des Etudiants
Musique: Lưu - Hữu Phước
Paroles: Mai-Văn-Bộ & Nguyễn- Thành-Nguyên
COUPLET
Étudiants ! Du sol l’appel tenace,
Pressant et fort retentit dans l’espace.
Des côtes d’ Annam aux ruines d’ Angkor,
À travers les monts, du Sud jusqu’au Nord,
Une voix monte ravie :
Servir la chère Patrie,
Toujours sans reproche et sans peur
Pour rendre l’ avenir meilleur
La joie, la ferveur, la jeunesse
Sont pleines des fermes promesses.
REFRAIN
Te servir, chère Indochine !
Avec cceur et discipline,
C’est notre but, c’est notre loi,
Et rien n’ébranle notre foi.
Tạm dịch :
CA KHÚC
Sinh viên ! Từ lòng đất, tiếng gọi dai dẳng,
Thúc hối và mãnh liệt dội vang trong không trung.
Từ miền duyên hải nước Việt đến cảnh hoang tàn Đế-Thiên Đế Thích,
Qua núi non trùng điệp, từ Bắc chí Nam,
Một tiếng vút lên, hân hoan :
Phụng sự Tổ quốc thân yêu,
Mãi mãi không hề biết ngại và không hề biết sợ
Để làm cho tương lai xán lạn
Niềm vui đời, lòng nhiệt thành và tuổi trẻ
Đều đầy những hứa hẹn vững mạnh
ĐIỆP KHÚC
Hỡi Đông-dương thân yêu ! Chúng tôi nguyền phụng sự
Với lòng dũng cảm và tinh thần kỉ luật,
Đó là mục đích, đó là luật của chúng tôi,
Và không gì làm lay chuyển đức tin này của chúng tôi.
Tiếc
thay, hoàng đế của cái “đế quốc An-nam” không được nghe bản... quốc
thiều tương lai của nước Việt-Nam... Cộng-hòa mà ông sẽ là quốc trưởng,
tại cố đô Thăng Long, năm ấy : đế quốc
Nhật châm ngòi chiến tranh ở Thái-bình- dương, cuộc Bắc du phải hoãn lại đề rồi bãi bỏ.
Sẵn nói đến vua chúa với bài hát lịch sử này, cũng xin ghi lại đây một hiện tượng: một sinh viên đem “La Marche des Étudiants”
về phổ
biến ở Nam- vang, được ông Jekyll, trưởng ban Âm nhạc nhà vua thích,
tập cho ban này và trình bày cho Sihanouk. Sihanouk nghe xong, rất lấy
làm thích thú và nhờ ông Jekyll dạy ông ta hát:
. . . . . . . . . . .. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Des côtes d’ Annam aux ruines d’ Angkor,
À travers les monts, du Sud jusqu’ au Nord,
Une voix monte ravie :
Servir la chère Patrie....
Ta hãy trở về Hà-nội, thăm lại Tổng hội Sinh viên.
Để
dễ bề phổ biến ra ngoài giới sinh viên, lời ca Việt và Pháp được đưa đi
kiểm duyệt. Lời Pháp được qua ải, lời Việt thì không. Đáng ghi là câu
chót của Điệp khúc, mà cũng là câu chót
của bài hát, bị đến năm gạch chì đỏ phũ phàng gạch bỏ.
Lúc bấy giờ là khoảng đầu năm 1942.
Tổng
hội Sinh viên bèn mở cuộc thi đặt lời ca (gồm có ba đoạn). Giải nhất về
Lê-Khắc-Thiền, giải nhì về Đặng-Ngọc-Tốt. Cả hai đều là sinh viên
trường Thuốc, lời ca của hai người trúng
giải được hợp lại — Điệp khúc thì lấy từ bài Sinh viên hành
khúc - để rồi bay đi, từ thành thị đến thôn quê, từ ải Nam- quan đến mũi Cà-mau.
Tiếng gọi Sinh viên (2)
(Bài hát chánh thức của trường Đại học Đông-dương)
Nhạc: LƯU-HỮU-PHƯỚC
Lời: LÊ-KHẮC-THIỀN & ĐẶNG-NGỌC-TỐT
Đoạn I
Này Sinh viên ơi ! Đứng lên đáp lời sông núi !
Đồng lòng cùng đi đi đi mở đường khai lối.
Vì non sông nước xưa truyền muôn năm chớ quên,
Nào anh em Bắc, Nam ! cùng nhau ta kết đoàn
Hồn thanh xuân như gương trong sáng,
Đừng tiếc máu nóng, tài xin rán.
Thời khó, thế khó, khó làm yếu ta,
Dù muôn chông gai, vững lòng chi sá !
Đường mới, kíp phóng mắt nhìn xa bốn phương,
Tung cánh hồn thiếu niên ai đó can trường.
Điệp khúc
Sinh viên ơi ! ta quyết đi đến cùng !
Sinh viên ơi ! ta nguyền đem hết lòng !
Tiến lên ! Đồng tiến ! vẻ vang đời sống !
Chớ quên rằng ta là giống Lạc-Hồng !
Đoạn II
Này Sinh viên ơi ! Nhớ xưa dấu còn chưa xóa,
Hùng cường trời Nam, ghi trong bảng vàng bia đá !
Lùa quân Chiêm nát tan, thành công Nam tiến luôn;
Bình bao phen Tống, Nguyên, từng ca câu khải hoàn;
Hồ Tây tranh phong, oai son phấn ;
Lừng tiếng Sát Đát ! Trần-Quốc-Tuấn ;
Mài kiếm cứu nước, nhớ người núi Lam !
Trừ Thanh, Ọuang-Trung giết hằng bao đám.
Nòi giống có khí phách từ xưa, chớ quên,
Mong thấy ngày vẻ vang, ta thắp hương nguyền.
(Qua Điệp khúc)
Đoạn III
Này Sinh viên ơi ! Muốn đi đến ngày tươi sáng,
Hành trình còn xa, anh em phải cũng nhau gắng
Ngày xưa, ai biết đem tài cao cho núi sông,
Ngày nay, ta cũng đem lòng son cho giống dòng,
Là Sinh viên, vun cây Văn hoá
Từ trước sẵn có nhiều hoa lá...
Đời mới, kiến thiết, đáp lòng những ai
Hằng mong ta ra đứng cầm tay lái.
Bền chí, cố gắng sức, đoàn ta tiến lên,
Dù sấm, dù gió mưa, không núng gan bền.
(Qua Điệp khúc)
Điệu
“Tiếng gọi sinh viên” được hoan nghinh và phổ biến đến đỗi người ta
nhiều lần cất lời ca theo nó để nhắm những mục đích mà tác giả nó không
bao giờ nghĩ đến, tỉ dụ như để ca ngợi Quốc trưởng... Pétain ! Và trong
một tờ báo cũ, mấy dòng này in sau bài hát
có tiếng nói trên chứng minh điều ấy : “Bài hát này mới thật là bài hát
chánh thức của Tổng hội Sinh viên trường Đại-học Hà-nội gửi cho chúng
tôi và hội cấm đặt bài hát khác theo điệu này”.
(Nam-kì tuần báo, số 37, ngày 18-3-1943)
Tuổi
trẻ thích nó đến đỗi học sinh trường Bưởi (tức Lycée du Protectorat;
trường Trung học Bảo hộ) có bài hát chánh thức do ông xếp kèn Parmentier
đặt, lời bằng tiếng Pháp, bài Lypro mà
không chịu hát, chê dở, và mặc dầu chưa phải là sinh viên, vẫn hát, khoảng cuối 1941 đầu 1942 :
“Étudiants ! Du sol l’appel tenace...”
Và sau khi bài hát chánh thức bằng tiếng Việt được công bố :
“Này Sinh viên ơi ! Đứng lên đáp lời sông núi...”
Hoan
nghinh “Tiếng gọi sinh viên” hăng nhất và trước hết là học sinh các
trường Trung học ở Bắc cũng như ở Nam, ở Trung. Để hợp với mình, họ đổi
hai tiếng Sinh viên ra Thanh
niên, còn hướng đạo sinh thì: “Này Anh em ơi !” Chính anh chị em sinh viên cũng thấy dùng hai tiếng sinh viên ngoài giới của mình, nó có hơi hẹp, nên khi phổ biến ra ngoài,
cũng:
-
Này Thanh niên ơi ! đứng lên đáp lời sông núi...
-
Này Thanh niên ơi ! Nhớ xưa dấu còn chưa xóa...
-
Này Thanh niên ơi! Muốn đi đến ngày tươi sáng...
Và
khi nó chánh thức ra mắt công chúng tại Đại giảng đường trường Đại học
Hà-nội, năm 1942, nhân dịp lễ hằng năm của sinh viên, thì được hoan
nghinh nhiệt liệt. Mà lần trình bày ấy,
giàn nhạc sinh viên do Trần-văn-Khê điều khiển chỉ gồm có vĩ cầm và
trống nhịp ! Trên hai mươi năm qua, nhiều người chưa quên bầu không khí
gây cấn lúc ấy : Sau hai bài La Marseillaise và Đăng đàn cung,
cử tọa ngồi xuống, trừ anh chị em sinh viên. Hành khúc của Sinh viên trổi
lên. Quan khách đứng dậy, trừ viên toàn quyền Đông-dương. Rồi trong lúc
tất cả mọi cặp mắt đều hướng vào phó thủy sư đô đổc Decoux thăm dò cử
chỉ của y
thì ông ta từ từ đứng dậy.
Rồi
hè năm ấy, Hành khúc của sinh viên ra mắt công chúng miền Nam tại nhà
hát Tây Sài-gòn trong đêm kịch của sinh viên, lại được hoan nghinh hết
sức, và cả cử tọa cũng đứng nghiêm chào
bài hát của những ai quyết “đứng lên đáp lời sông núi”.
Ở Nam vốn dễ dãi hơn — xứ thuộc địa có khác xứ bảo hộ ! — nên anh em đưa bài hát kiểm duyệt, thì được chấp nhận. Sài gòn đã cho phép thì sau đó, Hà-nội cũng cho
luôn.
Và
từ đó, nó theo những hoạt động văn hóa và xã hội của Tổng hội Sinh viên
đã ý thức vai trò mình trước lịch sử sắp đến khúc quanh, mà lên tiếng
gọi khắp cùng : những đêm hát Thanh
niên và Lịch sử, những cuộc truyền bá quốc ngữ, truyền bá vệ sinh và
tân y học, những trại sinh viên, học sinh, hướng đạo, thanh niên...
*
1942 — 1943 — 1944 — 1945.
Tháng ba, mùng 9, Nhật lật Pháp.
Tinh thần ái quốc được nung cao hơn bao giờ hết.
Lúc bấy giờ, Lưu-Hữu-Phước, Mai-Văn-Bộ, Nguyễn-Thành-Nguyên đã về Nam từ
năm trước cũng như hầu hết sinh viên miền Nam, miền Trung, khi “Hà- thành nay suốt năm còi rú, báo động hoài trưa sớm, hoài ngày xuân”... (3)
Một sinh viên trong số ít sinh viên người Nam ở lại Hà nội, cũng là bạn của Lưu, thừa vận hội mới này, tung ra “Tiếng gọi thanh niên” (còn có tên : Thanh niên hành
khúc), chắc nghĩ rằng nay là lúc cần phải kêu gọi thanh niên, với những lời quyết liệt hơn ; mà còn phương tiện nào nhanh và có hiệu quả bằng nhờ điệu hát
cũ hay, có tiếng, được nhiều người trong nước biết—nhất là giới có đầy nhiệt huyết là giới học sinh, thanh niên ; lại thêm điều lợi này, là người
ta sẽ cho đó là lời ca mới đo tác giả, hoặc do đoàn thể của tác giả : Tổng hội Sinh viên, đưa ra, mà tác giả, được mọi người quí, còn Tổng hội
Sinh viên được mọi người mến. Quả nhiên bài hát Tiếng gọi Thanh niên hay Thanh niên hành khúc theo điệu Tiếng gọi Sinh viên hay Sinh viên hành khúc được phổ biến rất mau, nhất là khi nó được
Phan-Anh, trong chánh phủ Trần-Trọng Kim, dùng nó làm bài hát chánh thức cho phong trào Thanh niên tiền tuyến. Lời nó như sau :
CA KHÚC
Này Thanh niên ơi ! Quốc gia đến ngày giải phóng !
Đồng lòng cùng đi, hi sinh, tiếc gì thân sống.
Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha khói tên,
Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền.
Dù cho thây phơi trên gươm dáo,
Thù nước, lấy máu đào đem báo.
Nòi giống lúc biến phải cần giải
nguy,
Người thanh niên luôn vững bền tâm trí
Hùng tráng, quyết chiến đấu, làm cho khắp nơi
Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời.
ĐIỆP KHÚC
Thanh niên ơi ! mau hiến thân dưới cờ !
Thanh niên ơi! mau làm cho cõi bờ
Thoát cơn tàn phá, vẻ vang nòi giống,
Xứng danh nghìn năm dòng giống Lạc-Hồng.
*
Các tác giả “Quấc dân hành khúc” (người soạn
nhạc và người đặt lời) biết được thì sự đã rồi. Buồn và bực, nhưng đối phó cách nào giờ ? Cũng là anh em với nhau; đường đi tuy có khác,
nhưng đích là một : nước nhà độc lập, nòi giống vinh quang. Đánh chữ làm thinh, chờ cơ hội vậy. Cơ hội ấy đến mấy tháng sau, khi mấy bạn
thân đã “Mau về Nam” đoàn tụ ở Sài-gòn chung sức với vài bạn khác mở nhà xuất bản Hoàng - Mai - Lưu, với biểu
trưng : hoa Mai Vàng Trôi trên dòng Nước, ở 40 đại lộ Bô-na (Lê-Lợi bây giờ), khởi đầu việc xuất bản nhạc phụng sự dân
tộc.
Khoảng tháng 8, Quấc dân hành khúc mới ra đời,
in tại nhà Xưa - Nay, bìa do Dỉệp-Minh-Châu trình bày : đại dương nổi sóng, lời của Hoàng-Mai-Lưu (họ ba bạn thân cùng chung chí hướng)
; các bạn không lạ gì Mai, Lưu, còn Hoàng là Huỳnh-văn-Tiễng! (một lãnh tụ Thanh niên tiền phong). Mời các bạn nghe
QUẤC DÂN HÀNH KHÚC
Âm nhạc : Lưu-Hữu-Phước Lời ca : Hoàng-Mai-Lưu
L — CA KHÚC TRANH ĐẤU
Nào dân Việt-Nam ! Tiến lên đến ngày giải phóng !
Đồng lòng cùng ! đi ! đi ! đi ! sá gì thân sống !
Nhìn non sông nát tan, thì nung tâm chí cao ;
Nhìn muôn dân khóc than, hờn sôi trong máu đào.
Liều thân xông pha ta tranh đấu,
Cờ nghĩa phất phới vàng pha máu,
Cùng tiến quét nát những loài dã man !
Hầu đem Quê hương thoát vòng u ám
Thì quyết lấy máu nóng mà rửa oán chung,
Muôn thuở vì núi sông lưu tiếng anh hùng.
ĐIỆP KHÚC
Anh em ơi ! (Nào dân Việt-Nam!) Mau tiến theo bóng cờ !
Anh em ơi ! (Nào dânViệt-Nam !)
Quật cường nay đến giờ !
Tiến lên ! Đồng tiến ! Sá chi đời
sống !
Chớ quên rằng ta là giống Lạc-Hồng !
II - CA KHÚC KHẢI HOÀN
Nào dân Việt-Nam ! nước ta thoát vòng u ám,
Hùng cường từ đây chung nhau sống ngày tươi sáng.
Cờ Nam tung gió mây, lừng bay trên núi sông !
Lòng muôn dân đắm say, hò reo trong nắng hồng.
Đầu non vinh quang vương hơi máu,
Luồng gió đắc thắng rèn gươm dáo.
Nghìn bóng chiến sĩ thác vì núi
sông,
Truyền ta thiên thu giữ lòng anh dũng.
Đồng hát khúc chiến thắng mừng cho nước non,
Thân ái dìu dắt nhau nung đúc tâm hồn.
(Qua Điệp khúc)
III..— CA KHÚC KIẾN THIẾT
Nào dân Việt-Nam ! Hãy mau tiến cùng Thế giới !
Kìa nhìn trời xa kêu nhau đón trào lưu mới.
Làm sao cho quốc dân hòa vui trong sáng tươi
Làm sao khi sống chung người không uy hiếp người
Đời dân nâng cao thêm sung sướng,
Nền móng Đất Nước càng yên vững.
Đồng tiến phá nát những thành kiến
xưa
Và xây Tương lai chói loà muôn thuở.
Đoàn kết, rán kiến thiết nền công lí chung !
Mong thấy toàn chúng dân vui sướng tưng bừng.
(Qua Điệp khúc)
“CHÚ Ý.— Từ trước tới nay, chúng tôi chưa bao giờ xuất bản bài TIẾNG GỌI SINH VIÊN, vì chúng tôi
mong in được bài ấy lời ca đặt cùng một lúc với nhạc.
“ — Chỉ có những lời ca này là nhứt định. Tất cả các lời ca khác đều đặt sau và chỉ là tạm
thời. Có bài chỉ là “Ca khúc tranh đấu” của bài này mà đã bị người khác sửa đổi.
“Nhà xuất bản “HOÀNG-MAI-LƯU”
Sau đó ít lâu là toàn dân khởi nghĩa (4), rồi quân Anh đến, rồi Nam bộ kháng chiến. Bản Quấc dân
hành khúc chưa được phát hành trong khắp nước. Chắc nhiều bạn nay đọc bài này mới biết nó mới chính là “thứ thiệt”, còn “Tiếng gọi Thanh
niên” hay “Thanh niên hành khúc” là “thứ... không phải chánh hiệu con Nai”.
Và hẳn vì chẳng rõ ngọn ngành, hoặc không được còn trong tay bản
nhạc Quấc dân
hành khúc để chú ý, mà thủ tướng Nguyễn-Văn-Xuân của nước Việt- Nam cộng hoà ra sắc lịnh số 3 ngày
2-6-1948, điều 3 :
“Biểu hiệu quốc gia là một lá cờ...”
“Quốc thiều là bản “Thanh niên hành khúc”.
Cử nhạc, thì muôn người đều im. Cất lời (mà nghĩ cũng kỳ : "Quốc ca là lời của “Thanh niên hành
khúc”, mà hai tiếng thanh niên lại đổi khi thì công dân, khi lại dân
Nam) thì là điềm nước ta chưa thể thống nhất ?
Chớ quên rằng ta là giống Lạc-Hồng !
Mười năm về trước, khi Quốc hội lập hiến nêu lên vấn đề thay đổi quốc kỳ và quốc ca, nhiều báo đã
góp ý. Tôi để dành lại bài ông Trần-Trọng-San đăng ở tuần báo Văn nghệ tiền-phong, số 12, ngày 23-8-1956,
để nay xin trích đoạn cốt yếu:
“Về việc hủy bỏ lá cờ nền vàng ba gạch đỏ hiện nay, theo ý chúng tôi, không có điều gì đáng thảo
luận. Vì lá cờ này đã được chế ra bởi một chế độ chính trị lỗi thời thối nát, không hợp với nguyện vọng của nhân dân.
“Nhưng về việc thay thế bài “Tiếng gọi Thanh niên” bằng
một bài quốc ca mới, chúng tôi có một vài ý kiến muốn trình bày. Trước hết, chúng tôi xin đặt hai câu hỏi:
“Có nên bỏ bài quốc ca hiện nay, tức là bài Tiếng gọi Thanh niên của Lưu- Hữu-Phước không ?
“Chúng tôi cho rằng không nên, vì mấy lý do sau đây :
1. - Nhạc điệu của bài này có đủ tính chất của một bài quốc ca.
2. - Bài
này đã từng có công thức tỉnh tinh thần ái quốc của thanh niên
Việt-Nam, đã đánh dấu một giai đoạn tiến bộ của lịch sử dân tộc.
3. - Bài này đã được làm ra trong lúc tác giả có xúc động mạnh mẽ vì quốc
gia, dân tộc. Ngày nay, tuy Lưu-Hữu-Phước ở bên kia bờ Bến-hải, song không phải vì thế mà ta bỏ bài nầy. Chúng ta giữ bài nầy vì nó là sản phẩm của cao trào giải phóng của
toàn dân Việt, vì nó là tác phẩm của Lưu-Hữu Phước năm ấy, một chiến sĩ quốc gia hăng hái, nhiệt thành (...)
“Một bài quốc ca không phải chỉ cần có sự tuyệt xảo về nghệ thuật là đủ, mà lại cần phải có một
thành tích lịch sử ! Vì vậy nên theo ý chúng tôi, cũng là ý kiến của một số độc giả “Văn nghệ tiền phong” Tiếng gọi Thanh niên rất nên
được giữ lại làm quốc ca.”
Theo anh Đoàn-Thêm, (5) thì lúc ấy, Quốc hội chia làm hai phe, phe đòi đổi cả quổc
kì lẫn quốc thiều, phe quyết giữ lại quốc ca, quốc kì. Những lí lẽ đưa ra thật là vì nước vì dân, nhưng Đoàn-quân có cho một chú thích bất ngờ này:
“Hai bên cãi nhau rất hăng. Song ngoài những luận điệu vừa kể, hình như còn ẩn ý mà hai bên không muốn phơi bày, mãi
về sau, ẩn ý đó mới được lộ ra cho một vài
người : nhóm chủ trương thay đổi, thực ra tranh đấu cho cờ “Bụi Trúc” và bài “Suy Tôn”; nhóm đòi giữ cờ và bài ca cũ, vì biết thóp mục đích kia, mới cố gắng, chớ chẳng
binh vực gì Lưu-Hữu-Phước, và cũng chẳng ao ước một lá cờ nào đẹp hơn”.
Nhưng nay, bàn đến việc nên giữ hay nên đổi quốc thiều, quổc kì, hẳn các dân biểu không vì người
nào trong dòng họ nào.. Tôi xin miễn bàn đến quốc kì, mà chỉ góp ý về quốc ca. Trong một lá thư, cách đây mười năm, một bạn cùng lứa chuyên về nhạc cổ
truyền mà cũng hiểu nhiều về nhạc Mĩ-Âu, có nhận xét như sau :
“Về ý kiến quốc ca thì bạn không nên nhọc công mà binh vực một bài này hay chỉ trích một bài khác, cái đó tùy nhiều nhất nơi chánh phủ và chánh
thể của một giai đoạn. Nếu là một nghị sĩ hay một nhóm nghị sĩ trong quốc hội, chưa chắc giải quyết được vấn đề đó.. Bài đó theo tôi thì có một
lịch sử và về nhạc thuật cũng đáng làm một bài quốc ca. Nhưng nó đã vì Bắc, Nam chia rẽ mà người cha đẻ nó ra đã lên tiếng phản đối việc dùng nó làm quổc ca miền Nam.
Chuyện ấy ra ngoài phạm vi nghệ thuật và đứng hẳn trong lĩnh vực chánh-trị.”
Người nghệ sĩ có thể trách nó thiếu tánh cách dân tộc, tiếc nó có một câu
tương tợ một câu ở quốc thiều Pháp về tiết tấu.. Người chính khách sẽ đặt nặng vấn đề tác giả nó hiện ở bên kia vĩ tuyến, đi theo chủ nghĩa Mác-Lê rồi cũng nên và đã từng
lên tiếng phản đối việc nó bị Chánh phủ Cộng hòa Việt-Nam sung công làm bản quốc thiều.
Nhưng tôi chỉ đứng ở địa vị một người công dân thường, một người mà khi nó ra
đời, vừa độ thanh xuân, đã thấy giá trị lịch sử lớn lao và đặc biệt của nó mà có một thái độ phải chăng :
Hai mươi năm xưa, ở thủ đô nước Việt-Nam dân chủ cộng hòa, tại nhà Hát lớn, tôi đã âm thầm nuốt
nỗi bất bình vì chứng kiến một bất công lịch sử. Không một đại biểu Quốc hội lập hiến nào trong số hai trăm mười người
có mặt nhắc đến bản “Quấc dân hành khúc — Tiếng gọi Sinh viên — Thanh niên” khi
xét đến khoản quốc ca.
Và giờ đây, ở thủ đô nước Cộng hòa Việt-Nam, khi một trăm mười bảy dân biểu Quốc hội Lập hiến đang
bàn xét những điều khoản bản Hiến pháp tương
lai, tôi lại công khai mong rồi đây lúc Bắc Nam hợp lại một nhà sẽ có
một cái gì cao cả, thiêng thiêng thấm qua bao lớp vỏ tạm thời dày, mỏng,
cứng, mềm khác nhau để làm
rung động cái tâm, cái hồn, duy nhất và vĩnh viễn của những lớp người từ ải Nam-quan đến mũi Cà-mau
đã “đứng lên đáp lời sông núi” và dầu ra sao, vẫn chưa quên mình là giống Lạc-Hồng, và dù thế nào, cũng còn “thương nhau nhớ nhau...” (6)
Điều mong này, bạn có thể cho là ngây thơ hay không tưởng ; nhưng nếu không nói
nó lên, thì lại e mình lại phụ mình.
Nguiễn Ngu-Í
Chú thích :
1. “Đăng
đàn cung” vốn !à một bản nhạc thường dùng khi nghinh giá trong thành
nội. Nó chẳng có gì đặc sắc. Năm 1933, Pháp mở cuộc đấu xảo thuộc địa
ở Paris. Việt,
Miên, Lèo có một khu vực riêng để triển lãm, gọi là khu vực Đông-Pháp.
Ngày khánh thành nó mà nước Việt ta không có bài Quốc thiều để cử “thì
coi sao được” nên người đội trưởng phường quân nhạc của Nam triều lúc
bấy giờ, thầy đội Tú, mới lấy bài nhạc rước
vua nói trên mà lo ghi nó lại theo kí âm nhạc Tây-phương. Mãi
đến khi tàu vào Hồng-hải, việc nầy mới xong. Thầy đội Tú mới trình cùng
nhạc trưởng mình là ông Fournier. Ông này mới hoà âm “Đăng đàn cung” rồi
đội nhạc tập dượt.
Và ngày khánh thành khu vực Đông-Pháp, bản “La Marseillaise” vừa dứt
thì đội nhạc Việt cử bài “Đăng đàn cung” với lời giới thiệu cùng thiếu
vương Bảo-Đại và quan khách đó là Quốc thiều của “đế quốc An-Nam”.
(Theo tài liệu của Lê-Thương)
2. Nhan này vốn của Đặng-Ngọc-Tốt.
(3) Trong bài hát “Mau về Nam” của Lưu Hữu Phước.
(4) Xin sao lại đây những dòng cảm tưởng này của Nguyễn- Hoàng-Tư, một thanh
niên tài hoa đã đứng lên đáp lời sông núi và đã hiến thân cho Tổ quốc, những
dòng này viết ngày 26-8-1945, sau khi anh
dự cuộc biểu tình và mết tinh vĩ đại mừng Độc lập ở Sài Gòn và đăng ở
tuần báo Tiến, cơ quan của Thanh niên tiền phong số 3-4 ra ngày
1-9-1945. Giữa lúc mấy vạn
người tụ họp và đang mong chờ một cái gì giữa cờ xí trang nghiêm phất trên trời cao như tiêu biểu cái ý chí muốn vượt gió để tiến thủ của dân ta, điệu nhạc Quấc dân hành khúc (trước là Tiếng gọi sinh
viên) được tấu lên với tất cả cái tính cách hùng dũng, cái phấn
khởi của nó. Bài ấy, tôi đã nghe bao lần, nhưng hôm nay sao mà nó làm
tôi cảm thế? Trường hợp nghiêm trọng chăng? Nhạc khí hoàn hảo chăng? Tôi
không biết rõ. Tôi như thấy một luồng cảm xúc
chạy rờn rợn trong người. (Ắt hẳn một người dân nước khác phải cảm xúc
như tôi khi họ được nghe quốc thiều của họ).
(5) Trong bài “Bên lề Hiến pháp tương lai, Quốc thiều, Quốc kỳ, Quốc huy’ nhắc ở đoạn đầu.
(6) Nguyễn Mỹ Ca: “Xin giữ lời nguyền”.
Nguồn:
Báo Bách Khoa số 244 ngày 1-3-1967 và 245
ngày 15-3-1967..