29 tháng 8, 2018

[1858] 160 năm liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng vào Đà Nẵng


Tiếng súng của liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã nổ ở cửa sông Hàn (Đà Nẵng) tròn 160 năm trước, mở đầu cho cuộc xâm lược Việt Nam.

Giữa thế kỷ 19, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế đã thúc đẩy các nước tư bản phương Tây, trong đó có Pháp, mở những cuộc chiến tranh xâm chiếm thuộc địa, tìm kiếm thị trường. Triều Nguyễn thấy được nguy cơ bị xâm lược nên chọn Đà Nẵng làm cửa ngõ giao thương chính, thay vì ở tất cả hải cảng như trước và cho xây dựng tại đây nhiều thành, đồn phòng thủ kiên cố, cử binh lính trấn giữ.

Pháp chọn Đà Nẵng nổ súng
Từ năm 1847, quân Pháp nhiều lần thăm dò, thử sức lực lượng phòng thủ của triều Nguyễn ở vịnh Đà Nẵng và quyết định chọn Đà Nẵng làm nơi nổ súng. Đây là cảng biển nước sâu có vị trí chiến lược quan trọng trên con đường giao thương bằng đường biển từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương; dễ bề chia đôi đất nước và có thể đánh chớp nhoáng kinh đô Huế - cơ quan đầu não của triều đại phong kiến Việt Nam khi chỉ cách khoảng 100 km về phía Bắc...

Viện cớ triều đình nhà Nguyễn cấm đạo Công giáo, giết hại nhiều giáo sĩ, giáo dân, trong đó có một giáo sĩ người Tây Ban Nha, Pháp liên quân với Tây Ban Nha gấp rút chuẩn bị lực lượng, vũ khí tấn công xâm lược Việt Nam với sứ mệnh "khai hoá", "cứu đạo", mở ra cuộc chiến tranh 1858-1960.
Ngày 30/8/1858, Pháp huy động tàu hộ tống hạng nặng Némésis và ba tàu hộ tống hạng nhẹ, năm tàu pháo, một tàu trinh sát, ba tàu chở quân, hai tàu mượn của thương nhân, hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến, một đội pháo thủy quân lục chiến và vài tàu nhỏ khác xâm chiếm Đà Nẵng. Phía Tây Ban Nha có tàu trinh sát El Cano, hai tàu chở quân lính Âu châu và da đen từ Philippines qua.

Liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược Đà Nẵng ngày 1/9/1858. Ảnh: Tư liệu.
Liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược Đà Nẵng ngày 1/9/1858. Ảnh: Tư liệu.
Đội quân khoảng 3.000 người do Phó đề đốc người Pháp Rigault de Genouilly chỉ huy. Một ngày sau, liên quân Pháp - Tây bố trí lực lượng kín cửa sông Đà Nẵng (sông Hàn) chờ lệnh khai hỏa. Phía Việt Nam khi đó hơn 2.000 quân đang trấn giữ tại các đồn, thành ở Đà Nẵng với vũ khí thô sơ là giáo mác, số ít súng thần công và súng hỏa mai.
Sớm 1/9, Rigault de Genouilly gửi tối hậu thư đòi Tỉnh thần Quảng Nam phải đầu hàng và nộp đồn lũy. Chưa qua thời hạn hai giờ, tướng Rigault de Genouilly đã lệnh cho pháo kích và các ổ súng đại bác nã pháo vào quân lính triều Nguyễn dưới chân núi Sơn Trà.
Ở mũi tấn công khác, hai tàu pháo của Pháp và tàu trinh sát của Tây Ban Nha tiến đến cửa sông Hàn thả neo, pháo kích vào hai đồn Nại Hiên Đông (đồn phía đông) và Điện Hải (đồn phía tây). Thành An Hải cũng bị tấn công ngay sau đó. Nhờ đông quân và hỏa lực mạnh, đến 10h ngày 1/9, liên quân đổ bộ chiếm đóng ba thành và làm chủ tình thế ở Đà Nẵng.
Nghe tin cửa sông Hàn lâm nguy, vua Tự Đức lệnh cho đặc phái viên Đào Trí dẫn theo 2.000 lính chi viện cho Tổng đốc Nam Ngãi là Trần Hoàng. Nhưng khi đến nơi thì hai đồn và thành Điện Hải đã mất. Triều đình lại cử thêm đô đốc Lê Đình Lý làm Tổng đốc đem thêm 2.000 binh lính trong cung tức tốc vào Đà Nẵng cứu vãn tình thế. Khi liên quân Pháp - Tây mở cuộc tuần chiến đến làng Cẩm Lệ, Đô thống Lê Đình Lý dù dũng cảm cầm cự đến cùng, nhưng bị trúng đạn và hy sinh sau đó ít ngày.
Chức Phòng triệt đồn Hòa Khê là Hồ Đắc Tú đáng lẽ phải mang quân ra cứu viện nhưng án binh bất động. Vua Tự Đức cho một quan tham tri đem cờ biển vào bắt Tú và cho Tống Phúc Minh thay Lê Đình Lý làm Tổng đốc. Nhà vua sau đó còn cử tướng Nguyễn Tri Phương đang làm quan trông coi ở Nam Kỳ ra làm Tổng đốc thay Tống Phúc Minh.

5 tháng sa lầy với thiếu thốn, bệnh tật
Tháng 11/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha bất ngờ tấn công hai đồn Hòa Khê và Nại Hiên. Hai tướng giữ đồn là Nguyễn Triều và Nguyễn An kháng cự quyết liệt nhưng đã tử trận vì quân của Tống Phúc Minh cứu viện không kịp. Tống Phúc Minh và thuộc hạ sau đó bị cách tất cả chức vụ.

Vua Tự Đức đã nhìn nhận 6 điều hạn chế trong cuộc chiến chống lại quân xâm lược Pháp - Tây Ban Nha: Mọi hoạt động của quân lính không được bảo mật; vũ khí ít hiệu năng; tình báo ít xác thực; đồn ải không vững chắc; tinh thần binh sĩ không vững, tướng lệnh không nghiêm; phân tán thì bị yếu thế. Triều đình sau đó lệnh cho binh sĩ chỉnh đốn hàng ngũ, sửa sang lại đồn lũy.
Ngay từ đầu cuộc kháng chiến, triều Nguyễn đã lệnh cho nhân dân thực hiện kế sách vườn không nhà trống. Sau hơn 5 tháng sa lầy ở Đà Nẵng, liên quân Pháp - Tây Ban Nha bắt đầu đối mặt với bệnh tật, nhiều người bị sốt rét, kiết lỵ, thậm chí bỏ mạng vì bệnh tả. Làng mạc, nhà cửa đã bị chính quân xâm lược phá hoại, nên binh lính phải căng lều hoặc dựng nhà tạm làm nơi trú thân. 
Thành Điện Hải - nơi đầu tiên kháng Pháp. Ảnh: Nguyễn Đông.
Thành Điện Hải - nơi đầu tiên kháng Pháp. Ảnh: Nguyễn Đông.
Nhân dân đất Quảng ngày đêm dùng lưới đánh cá căng ngang dòng sông, làm sọt tre, đổ đất lấp sông Vĩnh Điện để thay đổi dòng chảy, khiến hạ lưu sông Hàn nông cạn và tàu thuyền của liên quân Pháp - Tây Ban Nha không thể tiến sâu vào trong bờ xả súng. Người công giáo đã không làm nội ứng tiếp tay như dự tính ban đầu của Pháp, khiến nội bộ chỉ huy liên quân lục đục.
Chiến công bước đầu ở Đà Nẵng được báo về Pháp và chỉ huy Rigault de Genouilly được thăng chức Đề đốc ngay sau đó. Nhưng toan tính tiến ngay ra Huế để đánh vào kinh đô triều Nguyễn của viên tướng này đã không thể thực hiện khi liên quân đã bị hao tổn nhiều sinh lực, không nắm rõ địa hình, địa vật cũng như không có thuyền nhỏ để di chuyển.
Giai đoạn này, Pháp - Tây Ban Nha không mở rộng phạm vi chiếm đóng. Hai bên có một vài trận đụng độ lẻ tẻ khi liên quân đi tuần vào ban đêm. Đến đầu năm 1959, thế trận của liên quân ở Đà Nẵng vẫn chưa rõ rệt.
Cuộc nổ súng lần hai đến lệnh cầu hòa
Nhận thấy không thể kéo dài mãi việc chiếm đóng cho kỳ được Đà Nẵng, ngày 2/2/1859, Rigault de Genouilly kéo 2/3 quân và phương tiện chiến đấu vào chiếm đóng Sài Gòn và chỉ 15 ngày sau thành Gia Định thất thủ. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng ở mặt trận Đà Nẵng lúc này đang thay đổi theo hướng bất lợi cho liên quân nên Rigault de Genouilly phải kéo quân trở ra. Trận đánh chiếm Đà Nẵng lần hai vào ngày 8/5/1859.
Sơ đồ hai trận đánh lớn cuối cùng của Pháp trong giai đoạn 1858-1860.
Sơ đồ hai trận đánh lớn cuối cùng của Pháp trong giai đoạn 1858-1860.
Binh lính triều Nguyễn dưới sự chỉ huy của tướng Nguyễn Tri Phương đã xây dựng hệ thống phòng thủ kéo dài từ chân núi Cẩm Khê đến đồn Liên Trì, bố phòng cẩn thận và chống trả quyết liệt những đợt tấn công của lính Tây bằng những đợt pháo đại bác. Tuy nhiên, do nhiều đợt đạn không trúng đích, quân giặc vẫn hùng hổ tiến lên, chọc thủng được phòng tuyến thứ nhất, buộc quân triều đình phải rút về phòng tuyến thứ hai và rút về Huế.
Dù chiếm đóng được thêm trận địa, liên quân Pháp - Tây Ban Nha lại tiếp tục đối mặt với thiếu thốn lương thực, đạn dược, bệnh tật... Trong khi đó nhiều nơi ở Việt Nam đã chiêu mộ nghĩa quân, tập hợp dũng sĩ ngày đêm thao luyện binh thư, quân sự và xin triều đình đến Đà Nẵng chống Pháp.
Giai đoạn này, bang giao giữa Pháp và nhà Thanh (Trung Quốc) căng thẳng. Rigault de Genouilly đưa ra đề nghị mở cuộc hòa đàm với nội dung tự do truyền đạo, thương mại và xin một khu đất làm sứ quán nhằm đảm bảo việc thi hành hiệp ước. Tháng 6/1859, Pháp phái đại úy Lafont đến nghị hòa, mục đích để trì hoãn chiến tranh ở Việt Nam nhằm đối phó với Trung Quốc.
Vua quan triều Nguyễn bàn qua tính lại vẫn không chốt việc nên hòa hay nên đánh thì đầu tháng 11/1959, Page (người thay Rigault de Genouilly phải về Pháp chữa bệnh) nổi nóng đã lệnh cho hạm đội Pháp - Tây nổ pháo kích hủy diệt mọi công sự ở Đà Nẵng. Trận đối đầu đó, nhờ ổ trọng pháo bố trí trên một ngọn đồi, quân nhà Nguyễn bắn trúng tàu Némésis - nơi viên tướng Page đứng chỉ huy.
Liên quân Pháp - Tây Ban Nha chịu nhiều thất bại sau đó. Le Page phải hạ lệnh rút toàn bộ quân viễn chinh ra khỏi Đà Nẵng ngày 23/3/1860, kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 18 tháng. Quân xâm lược để lại Đà Nẵng những làng mạc bị tàn phá và một nghĩa trang chôn xác binh lính nằm ở lưng chừng bán đảo Sơn Trà.
Nỗ lực kháng Pháp, giữ chân để liên quân chỉ có thể đánh chiếm được các thành, đồn mà không thể tiến sâu vào nội địa, phá tan kế hoạch đánh chiếm Đà Nẵng để mở đường tấn công Huế của quân dân triều Nguyễn được coi là thắng lợi lớn và duy nhất ở mặt trận Đà Nẵng trong hơn một phần tư thế kỷ chống quân xâm lược (từ 1858 đến 1884).
Vua Tự Đức vui mừng xuống chiếu động viên nhân dân. Tuy nhiên, hơn hai năm sau, triều đình nhà Nguyễn buộc phải ký Hiệp ước hòa bình và hữu nghị 1862 (thường gọi là Hòa ước Nhâm Tuất). Trong đó có điều khoản thương nhân Pháp - Tây Ban Nha được ra vào buôn bán ở cửa biển Đà Nẵng, tạo cơ hội cho liên quân có chỗ đứng chân ở Đà Nẵng để tiếp tục xâm lược sau này.
Không có thống kê cụ thể về số nghĩa sĩ Việt Nam tử trận trong gần hai năm đầu tiên chống Pháp, nhưng tại các nghĩa trang ở Đà Nẵng hiện có khoảng 5.000 hài cốt được quy tụ.
Nguyễn Đông
Tư liệu do Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp

28 tháng 8, 2018

Tỷ phú 'tàn đời' vì trái ý quan chức: Hàn vi cơ cực đến thành công tột đỉnh

“Sông có khúc người có lúc”, qua cuộc đời tỷ phú Nguyễn Tấn Đời, người ta thấy những của cải vật chất tiền bạc trong đời người chỉ là phù du, chỉ còn lại những kinh nghiệm sống cho hậu thế.

Thành công không ngờ trong lĩnh vực nhà hàng
Tỷ phú 'tàn đời' vì trái ý quan chức: Hàn vi cơ cực đến thành công tột đỉnh
Ông Nguyễn Tấn Đời (ngoài cùng bên trái) trong buổi dự lễ khánh thành xưởng ráp máy thu thanh và truyền hình tại Thủ Đức
“Đời tôi, đây là lần thứ hai, những điều tôi cho rằng tôi với không tới, mà không dám mơ ước lại đến với tôi như khi tôi bị làm chủ ngân hàng bất đắc dĩ, rồi sau cùng cũng là điều tôi thích thú và say mê như tôi bất chợt gặp một tri kỷ…
Thế rồi ông đến gặp người quản lý xin cho người bếp giỏi nhất nấu cho bàn chúng tôi ăn, sau khi ông đã nói chuyện với người bếp, ông cho biết người bếp Nhật mà ông vừa nói chuyện là phụ tá Head Chef chịu nghỉ đi làm cho tôi, trách nhiệm hoàn toàn về kỹ thuật, huấn luyện và tìm người, với các điều kiện: Ký giao kèo hai năm; Tăng lương ở Tokyo Restaurant từ 250$ lên 400$ 1 tuần; Trả tiền huấn luyện, tổ chức bếp 8,000$; Nếu tôi bãi ước trước hạn định thì tôi bồi thường thiệt hại là 8,000$, trừ trường hợp người làm tự ý ra đi thì khỏi trả.
Các bàn Tappanyaki thì ông sẽ mua chịu cho tôi, được trả làm 3 năm, đối với bếp thì phải nói rằng, trong công ty ông có hùn với tôi mà tôi là người quản lý. 

Thế rồi tôi biến Salle de reception trên lầu của nhà hàng Maitiki sửa thành ra nhà hàng Nhật Bản hiệu kobe, khai trương vào ngày 20/11/1978. Ngày khai trương Kobe, khách hàng sắp hàng 4 ra đến ngoài đường, phải chờ đợi từ 45 phút đến 90 phút mới được vào bàn ăn, thế mà khách vẫn vui lòng chờ đợi. Ở Bar Salon hết chỗ ngồi họ phải ngồi cầu thang chờ đợi, buộc lòng tôi phải dẹp bỏ nhà hàng Maitiki dù đang đông khách, biến thành Bar Salon để đủ chỗ cho khách ngồi chờ, thêm được 160 ghế.
Tiền thâu vô rất nhiều mỗi tháng tuỳ theo mùa, chỉ trong vòng 6 tháng tôi trả hết tiền mua chịu 8 bàn. Trong 3 tháng sau tôi mua và xây cất thêm 3 bàn, và cứ 3 tháng thêm 3 bàn, trong 3 lần được thêm 9 bàn tổng cộng là 17 bàn chứa được 148 khách và Bar Salon được 160. Tổng cộng là 344 ghế.
Để lưu lại kỷ niệm mỗi lần xây cất thêm ra, tôi xây tường gạch phía ngoài mỗi lần mỗi mẫu khác nhau, nếu ai có đến Kobe Montréal đều dễ nhận rõ… Tôi say mê làm việc 18/24h và 7 ngày trên 7, không biết mệt mỏi mà còn thích thú suốt 5 năm.

Cạnh tranh với người Nhật
Nhà hàng Nhật đã có trước, khi họ hay tin tôi lập nhà hàng Kobe họ tung tin ra: “Người Nhật đi “cóp nghề” ở xứ  ngoài đem về làm giầu cho xí nghiệp Nhật và xứ sở, chứ đừng hòng ai “cóp nghề” của người Nhật mà làm nên được…”
Nghe được như vậy tôi phát run sợ, mà không thể ngừng lại được vì dụng cụ và sửa chữa sắp hoàn thành.
Tỷ phú 'tàn đời' vì trái ý quan chức: Hàn vi cơ cực đến thành công tột đỉnh
Sai Gòn 1965, trên đường Trần Hưng Đạo, phía bên trái là hãng gạch bông Đời Tân và khách sạn Victoria của ông Đời
Tôi lo mất ăn, mất ngủ vì biết rằng lời nói của họ không phải hăm doạ mà rất chí lý. Tôi phải cẩn thận thêm để nghiên cứu, quyết tìm một lối đi riêng rẽ để sinh tồn mà phải giữ được căn bản Nhật, như tôi đã tìm được lối đi với Tín Nghĩa Ngân Hàng trước đây.
Tôi nhận thức, thấy người Nhật có cái tự hào về truyền thống bất khuất của dân tộc họ, nên trong việc ăn uống họ bắt khách phải ăn uống theo đúng khẩu vị của họ, không như những dân tộc khác như: Trung Hoa, Ý, Hy Lạp…
Tôi nhận biết rằng, đồ ăn được ngon và khoái khẩu một phần lớn là nhờ sauce: Pháp, Ý, Nhật, Mỹ… để ăn thử, hầu biến chế tìm ra loại sauce đặc biệt cho nhà hàng Kobe. Hiểu được như vậy khi tôi chế biến được 4 loại sauce: Salad sauce, gà sauce, bò sauce, đồ biển sauce.
Vì tôi không chủ quan, các sauce của tôi vừa biến chế, tôi phải dò hỏi cơ quan khách sạn và du lịch của chính phủ Canada các người ăn uống sành điệu. Tôi mời một số Canadien đến ăn và nếm thử để so sánh, phần đông họ rất hài lòng các loại sauce này.
Kế đến tôi biến chế soupe mà một phần lớn tôi nấu “ nước dùng” theo lối phở Bắc, nên được khách hàng ưa thích hơn. Bây giờ tôi phải tạo khung cảnh ấm cúng, chọc cười “tiếu lâm” gây thêm sự vui nhộn như: Giá sống được đem đố khách là cái gì, khách nói là chop suey, bếp nói không phải, đây là spaghetti Japonais.
Xì dầu khi xịt vào thức ăn đang nấu cũng đố khách là cái gì, khách nói là soya sauce, bếp nói không phải, đây là Coca cola Japonais. Thay vì rắc mè thì thảy lên cao cho rớt xuống bếp nói rằng “tuyết nhật”. Để nấm xuống bàn, bếp nói đây là “nấm Nhật” mua ở Alberson…
Bài bản huấn luyện nhân viên
Về huấn luyện nhân viên, tôi nghiên cứu viết thành một tập “ Huấn thị và điều hành” trong đó ghi rõ các trách nhiệm và hành động dây chuyền phải được ăn khớp và nhịp nhàng.
Khi người khách đến cửa, đến lúc họ ra về, từ người tiếp viên (front desk), service, bus boy, barman… đến Quản lý đều phải theo sát nhau làm việc và còn phải hỗ trợ nhau đến cùng”.
Nhân viên trước khi vào làm, đều phải học thuộc lòng tập “ Huấn thị và điều hành”, rồi mới được sang giai đoạn thực hành theo video, để chẳng những làm việc nhịp nhàng mà còn phải đồng nhất, đồng phục Nhật cũng bắt buộc phải mặc.
Tỷ phú 'tàn đời' vì trái ý quan chức: Hàn vi cơ cực đến thành công tột đỉnh
Ông Nguyễn Tấn Đời khoảng năm 1970
Không cho nhân viên tự mãn và luôn luôn làm cho họ linh động tăng gia năng suất bằng cách “chấm điểm”, mỗi ngày Quản lý và Bếp chính (head chef) cho điểm nhân viên, để căn cứ vào đó mà chia tiền “tip” cho được công bằng với mọi người, với khẩu hiệu “Làm giỏi hưởng nhiều, làm dở hưởng ít”.
Ngoài ra còn khích lệ, nung chí cho nhân viên tranh đua làm hay, làm giỏi, đa năng, đa nhiệm, đúng kỹ thuật, đúng kỷ luật để được trở thành một nhân viên gương mẫu và xuất sắc trong tháng, được chụp hình lên bảng danh dự và còn được lĩnh tiền thưởng.
Xí nghiệp nhà hàng Kobe thành công được là nhờ: Tổ chức – Vật thực – Không khí ấm cúng, quản trị chu đáo, giữ được khách hàng vừa lòng, mà nhân viên cần phải nhớ mặt, nhớ tên khách để gọi và chào hỏi khi họ trở lại,  điều này rất quan trọng, vì đây là niềm hãnh diện của khách hàng. Tóm lại bất luận làm việc gì, nếu không tìm được cách biến cải, mà cứ đi theo dấu chân người đi trước, thì khó mà bằng kẻ đã đi trước được.
Tự vẽ mẫu cho chuỗi nhà hàng
Đến cuối năm 1979, tôi đã tổ chức ngăn nắp, công việc được chạy đều, sự có mặt thường xuyên của tôi không cần thiết, nên là năm đầu tiên tôi đi Tây Ban Nha, Pháp để gặp lại bạn bè… và lấy lại sức khoẻ, bồi dưỡng tinh thần.
Nhân dịp này tôi có đến thăm vợ chồng anh Trương Thái Tôn (cựu Tổng trưởng Kinh tế  thời VNCH) tại nhà hàng của ông ta ở Paris. Ông rất tiến bộ bặt thiệp, không mặc cảm với địa vị cũ, hoà mình với mọi người nên tiệm của ông rất đông khách. Nhân thấy ông cực nhọc như tôi lúc làm nhà hàng Maitiki, nên tôi rất thương cảm với hoàn cảnh hiện tại của ông.
Trước đây ông bà Tôn có sang Canada thăm con, ông bà Võ Văn Nhung là sui gia gái, có mời vợ chồng ông đến Kobe dùng cơm. Do đó mà ông bà Tôn rất thích loại nhà hàng Kobe vì hoạt động rất dễ kiểm soát phẩm lượng, người chủ chỉ kiểm soát, và quản trị rất khoẻ.
Nhân dịp này, tôi có mời ông bà Tôn sang Canada hùn mở thêm một nhà hàng Kobe nữa với tôi và ông bà Nhung, tất cả chúng tôi đều đồng ý về Montreal thành lập chính thức công ty để ông bà Tôn xin ở lại Canada, đồng thời tôi mua một miếng đất ở đường Tachereau Brossard, Montreal. Thế nhưng công việc mở nhà hàng bất thành vì ông Tôn bán nhà hàng tại Paris gặp khó khăn, không được như dự tính vì thời cuộc xứ Pháp thay đổi. 
Năm 1980, tôi bắt đầu đi chu du gần hết nước Mỹ như Washington DC, Texas, Chicago, New York, California, Hawai, Florida… Dụng ý là tìm địa điểm mở thêm nhà hàng, để mở rộng tầm hoạt động cho các con tôi và để xả hơi bồi dưỡng…
Tỷ phú 'tàn đời' vì trái ý quan chức: Hàn vi cơ cực đến thành công tột đỉnh

Cuối đời, ông Đời thành công với chuỗi nhà hàng châu Á trên đất Canada và Mỹ
Năm 1982, tìm mua được một miếng đất địa điểm tôi rất vừa ý, ở Orlando Florida, để xây cất nhà hàng Kobe, ở 468 W.Hwy 436 Altomonte Spings Florida 32714 bây giờ, nên tôi bán miếng đất ở Canada.
Tôi đi hầu như khắp cả thành phố lớn của nươc Mỹ, vừa để xả hơi, tìm địa điểm và chọn một mẫu nhà hàng Kobe tương lai, nhận thấy nhà hàng loại này ngoại trừ nhà hàng Bénihana ở Miami, Fort Lauderdale, Anahiem California ra thì không còn nơi nào khác nữa. Tôi đã bỏ công đi tìm gần 3 năm về việc này, chi phí tốn kém, phải ghi vào sổ sách Kobe lên đến 150,000$.
Vì tiền vốn tôi có hạn, nên không thể “cóp” mẫu nhà theo kiểu Benihana được, bởi họ đã có gần 50 nhà hàng, rải rác khắp nước Mỹ. Họ dám xài tiền, những vật liệu đắt tiền như: Ngói ceramique, gỗ giá ty, trang trí hình ảnh, tượng bằng đồ sứ quí giá…
Kinh doanh ở Mỹ, trước tiên phải có “cái hào quang” bên ngoài cho đồ sộ mới thu hút được khách hàng, thực khách, rồi sau đó phải giữ cho được khách hàng như: Quản trị, đồ ăn, không khí ấm cúng và còn phải tiếp đãi nồng hậu…
Tôi phải nhọc công khổ trí, đúc kết các nhà hàng mà tôi đã đi qua và đã lưu ý, tôi “ đẻ ra một mẫu hình xây cất” rẻ vừa ý, vừa túi tiền, nhưng không kém phần thanh nhã… Mẫu nhà tôi tự vẽ ra sơ đồ, giao cho kiến trúc sư Fugleberg Kock thực hiện y theo mẫu, mà cho đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Phần trang trí, tôi không giao cho kiến trúc sư và nhà thầu, mà tôi tự làm lấy với vài thợ phụ lực như: Cây Anh Đào, hồ cá và cầu bắc qua hồ, hòn non bộ, các hình các cửa sổ để đèn lồng kiến, quầy rượu, phòng họp…
Phần nhà bếp, thông thường chủ nhà hàng khoán trắng cho kiến trúc sư và nhà buôn bán dụng cụ, họp lại vẽ đồ án rồi gắn, còn tôi thì sợ tốn tiền nên tự vẽ đồ án rồi gắn lấy, vừa được rẻ tiền, vừa đúng với nhu cầu cần dùng vì đã nhận thấy nhiều nhà hàng khoán trắng như vây, rất tốn kém và quá thừa thãi như là một nơi trưng bày.

Bất trắc không ai ngờ
Việc xây cất nhà mới này tôi rất gian nan, khổ trí mới được hoàn thành, dù tính tôi rất cản thận, mỗi thương thuyết, giấy tờ, tiền bạc với nhà thầu cũng như kiến trúc sư tôi đều giao cho luật sư Jam Panico xem xét, làm hết. Mỗi lần trả tiền cho nhà thầu thì do kiến trúc sư Fugleberg Koch kiểm soát công tác, tính ra thành tiền rồi đưa sang luật sư xét lại, giấy tờ hợp lệ mới trả tiền, thế mà vẫn bị nhà thầu gạt và bị kẹt như thường.
Câu chuyện như sau đây: Theo điều kiện trong giao kèo, mỗi lần thanh toán với nhà thầu phải có sự xác nhận của kiến trúc sư về số tiền mà nhà thầu đã làm rồi, nhà thầu đã xuất trả tiền trước, phải kèm theo văn kiện chứng minh hợp đồng và các khoản tiền đã nhận, có văn bản chứng thực chữ ký, chừng ấy luật sư Jame Panico đại diện cho tôi mới làm cheque trả nhà thầu.
Công việc trôi chảy nhưng nhà thầu đã trễ hạn, đến khi còn chừng 15% thì hoàn tất, lúc ấy tôi chưa biết lý do gì, dù đã trễ hạn, tôi hối thúc họ cũng ỳ ra đó, không thêm thợ, chỉ làm lấy lệ 1,2 người kéo dài mãi.
Rồi bất ngờ tôi nhận được thư luật sư nhà thầu cho biết rằng: Nhà thầu chưa trả đủ tiền cho họ, nên luật sư họ vào đơn thưa tôi, và đã úp bộ nhà đất, nhà hàng, và báo tin cho ngân hàng nơi tôi mượn tiền, vì vậy mà ngân hàng ngưng xuất tiền ra cho tôi ( đã xuất 900,000 trên 1,100,000 vay).
Đến lúc đó nhà thầu mới lộ mặt ra, viện lẽ đã lỗ, đòi tôi trả thêm 100,000$ mới có thể điều đình với những công ty úp bộ nhà hàng, và sẽ hoàn tất công tác trong một thời gian ngắn.
Bây giờ tôi mới rõ, họ kéo dài không sợ phạt 500$ mỗi ngày trễ là có dụng ý. Sau nhiều lần tôi và luật sư thảo luận và thuương thuyết với nhà thầu, họ đều ngoan cố nên bất thành.
Tôi nhờ luật sư Jame Panico doạ thưa hầu toà về tội giả mạo văn tự và chữ ký và tội lường gạt. Họ bảo ngược lại rằng tôi cứ thưa đi, họ chưa ở tù là tôi sập tiệm trước rồi. Tôi ở trong tình trạng nuốt không trôi, mà nhả ra cũng không được, luật sư cũng đành bó tay.
Tỷ phú 'tàn đời' vì trái ý quan chức: Hàn vi cơ cực đến thành công tột đỉnh
Sài Gòn 1968, building lớn nằm phía bên phải của hình là tòa nhà President 727 Trần Hưng Đạo của ông Nguyễn Tấn Đời 
Tôi nghĩ, mình phải tìm cách giải quyết vấn đề của mình, luật sư chỉ hướng dẫn và giúp thêm phần luật pháp, thủ tục, nên tôi không thể chờ đợi, trông cậy vào luật sư trong trường hợp này được. Tôi cũng tự biết nhà thầu nghĩ rằng nếu tôi không chịu điều kiện của họ thì ngân hàng không ra tiền nữa, làm sao tiếp tục xây cất cho hoàn thành.
Tôi hiểu rằng nhà thầu có âm mưu với thủ đoạn như vậy, tôi phải dứt khoát chứ không thể tin cậy vào việc thương lượng được. Tôi liền nhờ luật sư Bách hẹn thời gian 2 tuần lễ phải hoàn tất, trong lúc đó tôi về Canada bán nhà tôi đang ở 6952 Jean Tavernier Montreal tôi dọn về nhà con trai tôi ở 5196 Blvd langelier Montreal ở tạm, để số tiền hoàn tất công tác còn dở dang.
Đến hạn định, luật sư làm thủ tục đưa họ ra khỏi nơi xây cất dưới sự ngạc nhiên của nhà thầu.Tôi mướn người tiếp tục xây cất hoàn thành trong vòng 20 ngày, tôi cũng không quên tịch thu tiền ký quỹ, để bù trừ vào việc trễ hạn định mà tôi phải thiệt hại nuôi nhân viên vài tháng mới khai trương được và hoạt động bình thường.
Trước đây, tôi có ý định, nếu nhà thầu có thiện chí cố gắng làm việc mà trễ hạn, chắc rằng tiền phạt 6 tháng tôi sẽ giảm cho họ phần nào theo tình cảm của người Á Đông, vì tính tôi không thích đánh người ngã ngựa. Nhưng tình thế này họ đưa tôi vào ngõ bí, tôi đành áp dụng đúng luật, tôi tịch thu tiền ký quỹ và tiền đảm bảo 10% công tác mà tôi đã giữ lại mỗi lần trả tiền, tôi nhờ đó mà đỡ  thiệt và có thêm số tiền làm quỹ luân chuyển. 
Ngày khai trương tưng bừng náo nhiệt, khách hàng hiếu kỳ chờ đợi lâu nay vô ào ào tràn ngập, đến nỗi mỗi ngày phải từ chối độ vài trăm khách hàng, dù rằng chúng tôi không làm quảng cáo, chỉ để hai chữ ngoài bảng hiệu “Now Open”.
Vài dòng tâm tình
Viết xong những hồi ức này, tôi có cảm tưởng như đã hoàn thành được một cuốn phim trung thực về đời tôi, từ lúc hàn vi cơ cực, đến lúc thành công tột đỉnh, sau khi đã trải qua bao nỗi thăng trầm.
Trên đường đời, tôi đã từng gặp lắm kẻ tiểu nhân tìm hại tôi bằng mọi cách đê tiện, cũng như nhiều bậc quân tử, nhiều đấng quý nhân đã giúp tôi thành công, cứu tôi thoát chết.
Nhưng, dù là tiểu nhân hay quân tử, tôi suy nghĩ kỹ đều là ân nhân của tôi, vì tất cả đều thúc đẩy tôi bằng lối này đường nọ để đi tới thành công và mở đường tiến thủ.
Hồi ký này, cũng là một gia tài kinh nghiệm sống của đời tôi để lại cho con cái. Tôi nghĩ rằng sự may mắn là một cơn mưa cho mọi người, nếu ai biết chuẩn bị kịp thời được đồ chứa, đồ chứa tốt và lớn thì hứng được nước trời cho bền vững và nhiều.
Đồ chứa tốt lớn ấy là đức độ, khả năng làm việc, sự tìm tòi, học hỏi, sự kiên nhẫn về tổ chức và nhất là nhạy cảm biết quan sát để suy nghiệm tìm nhiều sáng kiến mới hầu cạnh tranh với đời.
Muốn thành công trong mọi việc phải hội đủ ba điều kiện người xưa thường nói: “ Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hoà”.
Đó là những điều mà trong khi hành nghề tôi không bao giờ sao lãng.
Trong hồi ký này, tôi sở dĩ phải nêu ra nhiều tên tuổi, không có ý gì khác hơn là nói tất cả sự thật, không hề bịa đặt và tôi sẵn sàng đón nhận mọi phê phán của quý độc giả.
Ngày 21/4/1973, Nguyễn Tấn Đời bị bắt giam, hệ thống Tín Nghĩa Ngân hàng bị phong tỏa và đánh sập. Và người ra lệnh này là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. 
Khi lệnh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ban ra, hệ thống Ngân hàng Tín Nghĩa tại Sài Gòn và các chi nhánh khắp miền Nam đều bị cảnh sát niêm phong. Tất cả các cơ sở, xí nghiệp của Nguyễn Tấn Đời cũng cùng chung số phận. 
Đồng thời cảnh sát, công an còn cô lập toàn bộ những người trong gia đình Nguyễn Tấn Đời, kể cả ban lãnh đạo Ngân hàng Tín Nghĩa. Cùng đó, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tung tin thất thiệt trên đài phát thanh, truyền hình và báo chí… với dụng ý tuyên truyền cho một cuộc đảo chính kinh tế. 
Vụ bắt giam Nguyễn Tấn Đời, đóng cửa Ngân hàng Tín Nghĩa một cách bất hợp pháp đã gây nên phản ứng mạnh mẽ trong dân chúng và một số tờ báo tự do. Họ lên án sự phi lý của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và kêu gọi Quốc hội phải can thiệp. Hai quản trị viên Ngân hàng Quốc gia vì danh dự và lòng can đảm đã từ chức để phản đối về hành động vô lý trên của Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu. 
Người thân Nguyễn Tấn Đời nhờ luật sư Lê Văn Mão làm thủ tục xin chữ ký của các dân biểu, hội đủ số đông theo quy định để yêu cầu đưa Nguyễn Tấn Đời ra trước phiên họp khoáng đãi của Quốc hội trực tiếp trả lời với Hành pháp, Tư pháp… hầu làm sáng tỏ vấn đề, để Quốc hội toàn quyền quyết định. Nhưng tiếc thay, vì lý do nào đó Quốc hội không hề được triệu tập. Những cố gắng đều trở nên vô ích. 
Ngồi tù 2 năm nhưng không hề được xét xử hay tuyên án, cũng không biết bị bắt về tội gì, Nguyễn Tấn Đời lại bị tịch thu toàn bộ gia sản. Thậm chí gần 1 tỷ ông gửi ở ngân hàng Thụy Sĩ cũng bị Nguyễn Văn Thiệu ép buộc ký giấy rút sạch. Sau năm 1975, ông làm đơn kiện ngân hàng Thụy Sĩ.
Cuộc kiện tụng kéo dài 20 năm, đến khi ông qua đời năm 1995, sự việc vẫn chưa được giải quyết. Nhiều nguồn tin cho rằng không phải Nguyễn Văn Thiệu nẫng tay trên số tiền đó mà đứng đằng sau là CIA. Tuy nhiên đó chỉ là tin đồn, đến nay sự việc vẫn còn là một bí ẩn. 
Ngày 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu được người Mỹ hộ tống cho việc đào thoát khỏi miền Nam Việt Nam. Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên thay. Trần Văn Hương đã ký lệnh trả tự do cho 26 nạn nhân của Nguyễn Văn Thiệu, trong đó có Nguyễn Tấn Đời. 
Ngày 29 tháng 4 năm 1975, lệnh phóng thích được thi hành, Nguyễn Tấn Đời được trả tự do. 
Tại Canada, ông vô tình gặp chủ một công ty người Nhật là ông Sato - một người bạn làm ăn với ông khi còn ở Sài Gòn. Biết được hoàn cảnh khó khăn của Nguyễn Tấn Đời, ông Sato đã đứng ra giúp vốn và hỗ trợ kỹ thuật để mở một nhà hàng Kobe tại Canada. Từ một nhà hàng, dần dần Nguyễn Tấn Đời phát triển thành một hệ thống, thành công ngoài sự mong đợi. 
Sau sự thành công của hệ thống nhà hàng Kobe tại Canada, năm 1980, Nguyễn Tấn Đời đầu tư mở thêm hàng loạt chi nhánh tại tại Mỹ như Washington, D.C., Texas, Chicago, New York, Califonia, Hawaii, Florida. 
Trở thành tỷ phú nơi đất khách, Nguyễn Tấn Đời dự định về Việt Nam xin phép kinh doanh các ngành nghề trước kia như mở ngân hàng, xây cao ốc, mở xí nghiệp sản xuất… với một tham vọng rất lớn là sẽ trở lại “ngôi vua” thời trước. Nhưng mọi kế hoạch đang tính toán dở dang thì ông lâm bệnh và từ trần ngày 6/7/1995 tại Orlando, Florida.
(Theo Tin Pháp luật VN)

Trận đối đầu ác liệt giữa MIG -21 Việt Nam với không lực Mỹ

Cuộc chạm trán vô cùng ác liệt với “Con Ma”
 
Sau chiến công bắn hạ các máy bay không người lái của Mỹ, trong tháng 04/1966 các tiêm kích MiG-21 đã vài lần xuất quân đánh chặn các tiêm kích của Không quân Mỹ nhưng thành công đã không đến với các phi công Bắc Việt.

Trận không chiến với tiêm kích Mỹ đầu tiên diễn ra vào ngày 23/04/1966, lúc đó biên đội 2 MiG-21 đã tấn công phi đội tiêm kích chiến thuật F-4 Phantom (biệt danh Con ma). Mặc dù nắm được yếu tố bất ngờ song các phi công MiG-21 đã không thể chiếm được vị trí thuận lợi để phóng tên lửa.
Liên tiếp trong 2 tháng 04 và 05/1966 đã có không dưới 14 lần các phi công MiG-21 phóng tên lửa về phía các tiêm kích Mỹ nhưng không một tên lửa nào trúng mục tiêu. Trong khi chưa diệt được tiêm kích nào của Mỹ, Trung đoàn 921 đã phải chịu những tổn thất đầu tiên, một số phi công MiG-21 đã buộc phải nhảy dù do máy bay hết nhiên liệu không kịp hạ cánh.

Ngày 26/04/1966, Không quân Mỹ xác nhận việc bắn rơi 1 chiếc MiG-21 được ghi nhận cho một chiếc tiêm kích F-4 Phantom phi đội 480 thuộc đơn vị Không quân chiến thuật số 35. Trước những tổn thất nói trên, Bộ chỉ huy Quân chủng Phòng không-Không quân đã tiến hành họp khẩn cấp để phân tích các trận không chiến vừa qua để rút kinh nghiệm.

Kết quả phân tích đã chỉ ra những hạn chế lớn của MiG-21 trong việc tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu. Ban đầu các phi công sẽ sử dụng radar để phát hiện mục tiêu, sau khi mục tiêu được xác định các phi công phải chuyển sang dùng hệ thống quang học để khóa mục tiêu và xác định cự ly bắn.

Trận đối đầu ác liệt giữa MIG -21 Việt Nam với không lực Mỹ - ảnh 1
Ngay khi vào trận không chiến với các tiêm kích Mỹ, MiG-21 đã bộc lộ khá nhiều hạn chế song đã được Việt Nam khắc phục qua từng trận đánh.
Việc chuyển từ radar sang hệ thống quang học tạo ra một độ trễ nhất định về thời gian, trong quãng thời gian đó, các phi công đối phương sẽ tìm mọi cách cơ động để thoát khỏi tầm ngắm của hệ thống quang học. Mặt khác, hệ thống quang học trên MiG-21 có phạm vi hoạt động tương đối hẹp, đòi hỏi phi công phải điều khiển máy bay một cách chính xác để duy trì mục tiêu trong phạm vi hoạt động của nó.
Với thời gian sử dụng MiG-21 vỏn vẹn có vài tháng của các phi công Việt Nam thì việc duy trì mục tiêu trong phạm vi của hệ thống quang học không phải là điều đơn giản trong năm 1966. Bên cạnh đó những chiếc tiêm kích MiG-21PF chuyển giao cho Việt Nam không được trang bị pháo GP-9 làm giảm hiệu quả tác chiến. Từ kết quả phân tích điểm yếu của MiG-21, Quân chủng Phòng không-Không quân đã đề ra chiến thuật mới cho biên đội MiG-21.
Theo đó, biên đội MiG-21 làm nhiệm vụ đánh chặn sẽ được trang bị vũ khí hỗn hợp. Một chiếc được trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn K-13 lắp đầu tự dẫn hồng ngoại, chiếc còn lại lắp 2 khối phóng rocket không điều khiển S-5M để tấn công mục tiêu trong trường hợp hệ thống quang học không thể khóa mục tiêu.
Với chiến thuật mới, thành công đã đến với các tiêm kích MiG-21 của Việt Nam. Biên đội MiG-21 trang bị vũ khí hỗn hợp đã dành chiến thắng đầu tiên trước tiêm kích của Mỹ vào ngày 07/06/1966, 2 chiếc MiG-21PF xuất kích đã tiêu diệt thành công một chiếc tiêm kích-ném bom F-105 Thunderchief (Việt Nam gọi là Thần Sấm). Tuy nhiên, việc bắn hạ chiếc F-105 trong ngày hôm đó không được phía Mỹ xác nhận.
Nhằm tăng cường hiệu quả chiến đấu cho các tiêm kích MiG-21, Quân chủng PK-KQ đã chỉ thị cho các phi công hoạt động chiến đấu trong trình tự tương đối chặt chẽ. Cự ly giữa các máy bay theo chính diện là 50 mét, theo chiều sâu là 200 mét, trong trường hợp hoạt động theo biên chế phi đội, cự ly giữa các cặp MiG-21 là từ 300 đến 700 mét. Sau đó, các cự ly giữa các máy bay trong cặp sẽ tăng lên từ 500- 800 mét và 800 mét giữa các cặp. Thông thường, các máy bay MiG-21 hoạt động trên độ cao hơn 2.500 mét.
Trận đối đầu ác liệt giữa MIG -21 Việt Nam với không lực Mỹ - ảnh 2
Những chiếc MiG-21PF chuyển giao cho Việt Nam không được trang bị pháo làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả tác chiến.
Trong tháng 06/1966 có thêm 13 phi công Việt Nam hoàn tất quá trình chuyển loại sang sử dụng tiêm kích MiG-21 tại Liên Xô về nước bổ sung đáng kể cho lực lượng phi công lái tiêm kích MiG-21. Ngày 09/06/1966, biên đội 2 chiếc MiG-21 đã lập chiến công bắn hạ 2 chiếc tiêm kích F-4 Phantom, nhưng phía Mỹ không công nhận tổn thất này.
Từ nửa cuối năm 1966, thành tích chiến đấu của Không quân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa liên tục gia tăng. Tuy vậy, sự gia tăng thành tích này chủ yếu từ sự đóng góp của MiG-17. Các tiêm kích MiG-21 của Trung đoàn 921 đã xuất quân không chiến vài lần nhưng không bắn hạ được máy bay nào của Mỹ.
Quân chủng PK-KQ tiếp tục tổ chức những cuộc họp để tìm hiểu nguyên nhân chưa thành công của MiG-21 trên chiến trường Việt Nam. Kết quả phân tích cho thấy các phi công lái MiG-21 vẫn sử dụng chiến thuật vận động không chiến như những gì mà họ tập luyện thành thục với MiG-17 trong khi MiG-21 khác xa về tốc độ và khả năng cơ động.
Rõ ràng các phi công Việt Nam nắm giữ hai lợi thế lớn so với Không quân Mỹ là nắm rõ địa hình địa vật khu vực tác chiến và có sự hỗ trợ rất lớn từ hệ thống dẫn đường mặt đất rộng khắp. Quân chủng PK-KQ đã cho điều chỉnh căn bản chiến thuật chiến đấu của không quân tiêm kích. Sử dụng hiệp đồng biên đội chiến đấu giữa MiG-21 và MiG-17 nhằm bổ trợ cho nhau.
Trận đối đầu ác liệt giữa MIG -21 Việt Nam với không lực Mỹ - ảnh 3
F-4 và F-105 bị đẩy vào thế trận loay hoay chống đỡ những chiếc MiG-21 nhanh nhẹn cũng như hỏa lực phòng không mặt đất.
Theo đó MiG-17 sẽ đảm nhận việc chiến đấu ở độ cao dưới 1.500 mét, MiG-21 đảm nhận hoạt động chiến đấu ở độ cao từ 2.500 mét trở lên, khoảng độ cao từ 1.500-2.500 mét là vùng phối hợp không chiến chung. Với chiến thuật mới trong 2 ngày 07 và 11/07/1966 MiG-21 đã bắn hạ 2 chiếc F-105 Thunderchief.

Ngày 21/09/1966, MiG-21 tiếp tục bắn hạ thêm 1 chiếc F-105D khác của Không quân Mỹ. Đến ngày 09/10/1966, các phi công MiG-21 đã dành chiến thắng đầu tiên trước các tiêm kích của Hải quân Mỹ khi bắn hạ đến 2 chiếc F-4B thuộc phi đội tiêm kích VF-154 hoạt động chiến đấu trên tàu sân bay USS- Coral Sea hộ tống cho phi đội cường kích A-4 Skyhawk ném bom khu vực nhà ga Phả Lại, Quảng Ninh.
Đến cuối năm 1966, các tiêm kích MiG-21 đã lập chiến công bắn hạ thêm 2 chiếc F-4 Phantom và 5 chiếc F-105 Thunderchief. Bên cạnh đó, dưới sự cố vấn của các chuyên gia Liên Xô, MiG-21 đã chuyển sang sử dụng chiến thuật đánh chặn từ xa thay vì chỉ cất cánh nghênh chiến khi máy bay địch đã vào không phận như trước.
Với những chiến thuật mới cùng với việc tự rút kinh nghiệm sau mỗi trận đánh của các phi công, tiêm kích MiG-21 dần làm chủ bầu trời đẩy những chiếc F-4 và F-105 vào thế trận phải loay hoay chống đỡ những chiếc MiG-21 nhanh nhẹn cùng nỗi lo nơm nớp từ hỏa lực phòng không mặt đất.
Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn "Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ hai phía" - NXB Quân đội Nhân dân, 2013.
  
Theo Quốc Việt (Trí thức trẻ)

Về một người Mỹ đáng nhớ


 
blank
John McCain, anh hùng cả trong thời chiến lẫn thời bình của nước Mỹ, qua đời hôm thứ bảy 25 tháng 8 năm 2018 vì ung thư não tại thành phố nhỏ bé Cornville, tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ.

Cái tên John McCain quen thuộc với nước Mỹ, quê hương của ông, là một điều hiển nhiên. Vốn là một phi công của binh chủng Hải quân Hoa Kỳ, ông nối nghiệp cha và ông nội, hai người này đều là tướng 4 sao Hải quân. Sau chiến tranh, McCain giải ngũ, tham gia họat động chính trị cho đến ngày phải chịu thua bệnh tật. Ông đã lần lượt là dân biểu Hạ viện, rồi thượng nghị sĩ liên tiếp 6 nhiệm kỳ, từng 2 lần đại diện đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống Hoa Kỳ.
Cái tên John McCain cũng không xa lạ gì với người Việt Nam, miền Nam lẫn miền Bắc, cả trong nước lẫn hải ngọai. Là phi công, khi nước Mỹ tham gia trực tiếp vào chiến tranh Việt Nam năm 1965, ông tình nguyện đảm nhận các nhiệm vụ không kích. Tháng 10 năm 1967, trong một phi vụ gần Hà Nội, phi cơ của McCain bị bắn rơi xuống hồ Trúc Bạch. Ông bị bắt và sau đó, đưa về giam giữ ở trại giam Hỏa Lò, nơi bộ máy tuyên truyền của nhà cầm quyền miền Bắc  gọi mỉa mai là khách sạn Hin-Tơn (theo tên hệ thống khách sạn Hilton lớn nhất nhì thế giới của Mỹ). Dạo ấy, hình ảnh McCain bị lực lượng dân quân bắt giữ trên hồ Trúc Bạch được phổ biến khắp các hang cùng ngõ hẻm miền Bắc (cũng như thế giới).
 
blank McCain bị dân quân Hà Nội bắt giữ trên hồ Trúc Bạch Ảnh(Internet) 
 Tháng 4 năm 1968, cha của ông, viên tướng tư lệnh Hải quân bốn sao, được tổng thống Hoa Kỳ LB Johnson bổ nhiệm là tổng tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương, bao gồm cả bộ chỉ huy quân đội Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam. Với mục đích tuyên truyền chứ không phải vì nhân đạo, nhà cầm quyền miền Bắc lúc ấy có đề nghị phóng thích McCain, nhưng ông yêu cầu những tù binh Mỹ bị bắt trước ông phải được thả ra trước đã, theo đúng tinh thần “First In, First Out” của quân đội Hoa Kỳ. Tất nhiên, nhà cầm quyền miền Bắc từ chối lời yêu cầu của McCain, và ngay sau đó đã cho lệnh tống giam ông vào ngục tối kiên giam trong hai năm rưỡi để “trừng phạt”. Tháng 4 năm 1973, hai tháng sau khi hiệp định đình chiến Paris ký kết, McCain được thả sau hơn 5 năm bị bắt làm tù binh, trong đó có 3 năm rưỡi trong các phòng kiên giam.. Chính vì lý do “bị bắt” mà ông đã không được vị đương kim tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, một người có thành tích tìm mọi cách để tránh việc bị động viên trong thời chiến tranh (nói nôm na là trốn lính), công nhận là “anh hùng thời chiến tranh”. Trong chiến tranh, ngã xuống giữa chiến trường hay chẳng may lọt vào tay đối phương là những điều không một chiến binh nào mong muốn, dù cũng có rất nhiều người coi chuyện đó nhẹ như lông hồng, là cái giá của hy sinh, nhưng đâu có nghĩa cứ phải chết giữa chiến trường mới được coi là anh hùng. Thực ra, thái độ thẳng tay từ chối “sự phóng thích” của McCain cũng đã đủ chứng tỏ nhân cách, lòng can đảm và nghị lực khác thường của ông ngay từ những năm tháng tuổi trẻ kéo dài mãi sau này trong suốt hơn 60 năm ông cống hiến đời mình cho tổ quốc của mình. [Những ai đã từng ở tù cộng sản đều có thể cảm và hiểu thấu trọn vẹn sự can đảm rất đáng ngưỡng mộ của chàng thanh niên 32 tuổi McCain, cũng như nghị lực phi thường của chàng thanh niên Trần Hùynh Duy Thức từ nhiều năm nay bị ngược đãi trong nhà tù cộng sản, nhưng vẫn quyết không chịu nhận tội mình không làm để được thả tự do. Thậm chí, viên cựu doanh nhân thành đạt này còn không chấp nhận sống ngòai đất nước dù đó là điều kiện để ra khỏi nhà tù]. Cựu tổng thống Obama, từng là đối thủ với McCain trong cuộc chạy đua vào tòa bạch ốc năm 2008, khi nghe tin ông qua đời, đã bày tỏ sự ngưỡng mộ McCain một cách rất sâu sắc “Rất ít người trong chúng ta trải qua những gì mà John (McCain) đã từng bị thử thách hoặc bị buộc phải chứng tỏ lòng can đảm của mình như John đã từng chứng tỏ, nhưng tất cả chúng ta đều (qua sự can đảm của McCain-) được tiếp thêm ý chí để cố gắng hướng tới những điều tốt lành vượt lên trên cả chính mình. Và John, bằng khả năng tốt nhất của mình, đã cho chúng ta thấy ý nghĩa đích thực của đời sống. Vì thành quả ấy, tất cả chúng ta đều mắc với John một món nợ”. [Có lẽ, nếu chẳng may, chàng tuổi trẻ đáng dòng hào kiệt Trần Hùynh Duy Thức của chúng ta, bỏ thây trong nhà tù như ước nguyện của chàng, thì tất cả những người Việt Nam yêu chuộng tự do, dân chủ, công bằng  - đều sẽ như người dân Mỹ nợ McCain – chúng ta cũng sẽ nợ Trần Hùynh Duy Thức món nợ lớn về sự xác tín mạnh mẽ phẩm giá con người, thứ phẩm giá vượt lên trên sự chết, vượt lên trên sức chịu đựng hữu hạn của thân xác con người, vượt lên trên mọi cám dỗ đời thường mà những người trẻ khác cùng thời với chàng đã không thể vùng vẫy thóat ra được để dám sống một đời sống đích thực cho xứng tầm với chàng]. blank
Ảnh chụp đài kỷ niệm bắn rơi máy bay của John McCain trong Chiến tranh Việt Nam (Photo: Bởi Rolf Müller (User:Rolf mueller)

6 nhiệm kỳ là thượng nghị sĩ quốc hội Hoa Kỳ, McCain đã có nhiều dịp quay lại Việt Nam, chính thức làm việc với kẻ đã từng cầm tù mình, ngược đãi, sỉ nhục mình và đóng vai trò chiếc gạch nối quan trọng nhất trong nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai nước Mỹ và Việt Nam. Nơi máy bay của McCain bị bắn rơi bên bờ hồ Trúc Bạch, nhà cầm quyền Hà Nội đã cho dựng một đài “Tưởng Niệm” để ghi nhớ sự kiện này. Bức phù điêu được gọi là ‘tưởng niệm” có hình dáng một người quỳ gối, hai tay giơ lên với ý nghĩa xin đầu hàng và được chú thích là “phi công John Sidney McCain, thiếu tá không quân thuộc lực lượng Hải quân Hoa Kỳ”. Sự hiện hữu của bức phù điêu nhằm mang ý nghĩa gì, chính McCain trong một lần được hỏi cũng không biết rõ, dù ông đã từng đến đó, đã từng yêu cầu chỉnh sửa một chi tiết sai trong nội dung chú thích khắc trên bức tượng. Nếu mục đích của đài tưởng niệm là chứng tích tượng trưng cho sự đầu hàng của “đế quốc Mỹ” trước “nhân dân Việt Nam” thì thật là một sự mỉa mai và thậm chí vô ý thức vì chính McCain (cùng với TNS John Kerry) là hai nhân vật quan trọng nhất giúp Việt Nam có được sự bang giao (mà Việt Nam rất ao ước và cần đến) với kẻ thù cũ năm xưa. Hôm thứ bẩy 25 tháng 8, 2018, khi nghe tin ông qua đời, nhiều người dân đã đến đây thăm viếng và đặt hoa như một cử chỉ nhớ đến ông, một người Mỹ lịch sử đóng vai trò đáng ghi nhớ ở Việt Nam cả trước lẫn sau khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt. Còn nhớ vì mục đích gì, nhớ như thế nào lại là câu chuyện riêng tùy vào hòan cảnh lịch sử và xã hội của mỗi người.
Đối với người Việt ở hải ngọai, nhất là ở Mỹ, thì cái tên McCain gắn liền với một đạo luật về di dân có tên gọi là Tu Chính Án McCain. Qua nỗ lực không mệt mỏi của McCain, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua điều khỏan cho phép con cái trên 21 tuổi, chưa lập gia đình của các vị cựu tù cải tạo, các gia đình thuộc diện thân nhân bảo lãnh và các thành phần liên quan đến diện con lai Mỹ, được nhập cư nước Mỹ. Rất nhiều người Việt thuộc diện trên vẫn nghĩ mình mang ơn McCain về một cuộc sống tự do bên ngòai đất nước.

Người ta còn nhớ đến McCain ở cá tính độc lập, thẳng thắn, không bao giờ e ngại nói lên suy nghĩ thật của mình về bất cứ vấn đề gì. Trong chính trị (nuớc Mỹ), cá tính ấy đồng nghĩa với việc có nhiều kẻ thù. Cũng vì vậy, tuy cùng chung một đảng Cộng Hòa, nhưng McCain và viên tổng thống đương nhiệm Donald Trump thường xuyên có những xung đột về cách giải quyết những vấn đề quan trọng của nước Mỹ.. Là một người mang biệt danh “hùm xám cô đơn” (maverick), bất kể đa số các đồng sự trong đảng Cộng Hòa chọn con đường ủng hộ nghị trình (phù hợp với lập trường bảo thủ) của Trump mà cố tình bỏ qua cho ông này nhiều lầm lỗi cá nhân, McCain chọn ngược lại. Những xung đột giữa hai người có hai nhân cách hòan tòan đối nghịch nhau, đã đến lúc không thể cứu vãn. Kết quả, trước khi chết, McCain ngỏ ý không muốn có mặt Trump trong tang lễ của mình. Cá tính của McCain mạnh mẽ đến độ không suy xuyễn chút nào dù thân xác đang ở những giây phút sau cùng. Ông cũng đã tỏ ý muốn được hai vị cựu tổng thống  Obama và Bush (con), hai cựu đối thủ của ông trong hai cuộc tranh cử tổng thống, đọc điếu văn cho mình trong tang lễ. Quả là một nhân cách đáng phục!
Thế nên, sự ra đi của McCain, trong bối cảnh chính trị nước Mỹ hiện nay, là sự vắng mặt của một tiếng nói công bằng, chính trực, vượt lên trên những khác biệt về đường lối xây dựng đất nước, về đảng phái, về lập trường (bảo thủ hay tự do), về niềm tin vào xã hội, vào con người. Nói cách khác, theo TNS Jeff Flake, một đồng sự của McCain tại Thượng viện Hoa Kỳ, thì “McCain là lương tri của Thượng viện”. Hiểu rộng hơn, đó là  lương tri một nước Mỹ mà thế giới đã từng biết đến, mà nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới từng biết đến, mà bao kẻ khốn cùng ở bất cứ nơi nào trên thế giới từng biết đến. Nay, với sự ra đi của McCain, còn những ai đủ tầm vóc, đủ bản lãnh, đủ tự tin để tiếp bước ông đi con đường đầy gai góc này? Trong khi đó, nhiều chính trị gia chuyên nghiệp chọn con đường thỏa hiệp, nín thở qua sông, giả ngơ giả điếc trước sự lộng hành của dối trá, bịa đặt, hy vọng một ngày trật tự cũ lại được tái lập, vì truyền thống dân chủ của nước Mỹ sẽ không bao giờ cho phép tình trạng như hiện nay kéo dài. Nhưng mức độ phá sản về đạo đức, về mối tương quan giữa con người không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo dường như đã vượt quá lằn ranh an tòan khiến người ta lo sợ về một viễn cảnh không lấy gì làm tốt đẹp lắm cho nước Mỹ.
Để vinh danh cuộc đời một con người lỗi lạc, ngòai việc linh cửu của McCain sẽ được quàn tại thủ đô tiểu bang Arizona theo nghi thức dành cho những người có công trạng đặc biệt cho tiểu bang, một nghi thức tương tự ở cấp liên bang (tòan nước Mỹ) tại thủ đô DC dành cho McCain cũng đã được lưỡng viện quốc hội Mỹ thông qua, một vinh dự mà từ trước tới nay chỉ có 30 người được hưởng. McCain sẽ là người thứ 31. Trước ông, có các tên tuổi như cố TT Gerald Ford, John F. Kennedy, Lyndon B. Johnson, D. Eisenhower, Herbert Hoover . . . Công chúng ngưỡng mộ ông sẽ có cơ hội đến căn phòng hình tròn (rotunda) có mái vòm, tọa lạc ở tòa nhà cao nhất của trụ sở quốc hội Hoa Kỳ (Capitol) để viếng linh cửu McCain, rồi sau đó quan tài sẽ được đưa đi chôn tại nghĩa trang học viện hải quân ở Maryland, theo đúng như ước nguyện của người quá cố.

Với người Việt Nam, hiếm khi có nhân vật quốc tế nào qua đời gây nên một xúc động lớn và rộng khắp như trường hợp cựu phi công chiến tranh Việt Nam - cố Thượng Nghị Sĩ John McCain. Điều đó chứng tỏ, một nhân cách lớn luôn có tác động đến người đương thời, đến các thế hệ tương lai, và là nguồn hứng khởi để người ta gắng vượt lên trên những giới hạn của chính bản thân mình.
T.Vấn

1978 - Bí mật trận đổ bộ lên bãi biển Tà Lơn của Hải quân Nhân dân Việt Nam

Ngày 22/12/1978, Hải quân Nhân dân Việt Nam nhận một nhiệm vụ quan trọng trong chiến dịch phản công ở biên giới Tây Nam: Tiến công từ hướng đông nam, đổ bộ đánh chiếm cảng Sihanoukville và quân cảng Ream.


Bí mật trận đổ bộ lên bãi biển Tà Lơn của Hải quân Việt Nam - ảnh 1
Sơ đồ (phỏng đoán) trận đánh đổ bộ và hải chiến đêm 6, rạng ngày 7-1-1979 của HQNDVN
Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126 đã tiến hành đổ bộ đánh chiếm bãi biển Tà Lơn, mở đầu cho các hoạt động tác chiến của Hải quân Nhân dân Việt Nam trên đất nước Campuchia, góp phần vào thắng lợi chung của quân tình nguyện Việt Nam trước quân đội diệt chủng Khmer Đỏ.

Khẩn trương chuẩn bị
Bãi đổ bộ Tà Lơn nằm ở phía bắc đảo Phú Quốc của Việt Nam, cách thị xã Kampot (Campuchia) 20km về phía đông, cách cảng Kampong Som 90km về phía tây. Phía bắc là dãy núi cao Tà Lơn, phía nam là biển. Đường quốc lộ số 3 nối với đường quốc lộ số 4 chạy sát ven biển là con đường duy nhất nối thị xã Kampot và cảng Kampong Som.
Đổ bộ thành công là Hải quân Nhân dân Việt Nam sẽ cắt đứt được con đường huyết mạch phía đông nam Campuchia. Phạm vi bãi đổ bộ Tà Lơn dài khoảng 300m, có nhiều bãi sú vẹt, cát, bùn, xen lẫn đá ngầm. Độ sâu sát mép nước trở ra không đồng đều từ 1m-2m, biên độ thuỷ triều chênh lệch từ 0,5-1m. Đây là những điểm gây khó khăn cho lực lượng tàu đổ bộ của ta.
Quân Khmer Đỏ đã bố trí phòng ngự rất kĩ lưỡng khu vực này. Khu vực bãi đổ bộ Tà Lơn (ngã ba Bokor) có 1 tiểu đoàn bộ binh, ngã ba Cocnút có 1 tiểu đoàn pháo binh. Trên quốc lộ số 4, phía bắc cao điểm 144 có một khẩu lựu pháo 105mm, phía đông bãi đổ bộ có 2 khẩu lựu pháo 105mm. Từ bãi đổ bộ đến cảng Kampong Som có nhiều trận địa pháo địch, được trang bị tổng cộng 6 khẩu lựu pháo 105mm, 17 khẩu pháo cao xạ 100mm, 20 khẩu pháo cao xạ 57mm và 9 khẩu pháo cao xạ 37mm. Ngoài hai trạm radar đối hải ở đỉnh núi Bokor và ở đảo Tang còn có một trạm radar phòng không ở cao điểm 140 KampongSom. 
Tóm lại, ngay khi đổ bộ lên bờ, hải quân đánh bộ của ta sẽ vấp phải hỏa lực dày đặc của quân Khmer Đỏ.
Đối thủ chính của Hải quân Nhân dân Việt Nam là sư đoàn hải quân 164 của địch. Chúng được huấn luyện tốt và trang bị nhiều vũ khí do Trung Quốc viện trợ. 
Ở quân cảng Ream có khoảng 1.100 quân, 2 trận địa phòng không với 8 khẩu pháo cao xạ 37mm hai nòng. Ngoài ra hải quân địch ở đây có khoảng 500 quân, bốn tàu tuần tiễu K-62, 4-8 tàu phóng lôi, hai tàu săn ngầm, bốn tàu tuần tiễu PCF và một số thuyền chiến đấu loại nhỏ. 
Ở Kampong Som, địch khoảng 2.400 quân, ngoài ra còn có 300 lính hải quân với bốn tàu phóng lôi, bốn tàu tuần tiễu PCF và một số thuyền chiến đấu. Để bảo vệ căn cứ, địch tổ chức tuần tra các cửa sông từ 18h - 23h hàng ngày nhằm theo dõi, trinh sát lực lượng ta. Trên bờ ngoài quân chính quy còn có lực lượng bán vũ trang bố trí bảo vệ các mục tiêu trong khu vực bãi đổ bộ.
Về phía ta, lực lượng chính tiến hành đổ bộ là Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126, vốn là Đoàn Đặc công Hải quân, đã lập nhiều truyền thống trong Kháng chiến chống Mĩ. Lữ đoàn đã được trang bị mạnh theo đủ biên chế, gồm tiểu đoàn đặc công hải quân 861, các tiểu đoàn hải quân đánh bộ 862, 863, 864, 865 và 866, tiểu đoàn tăng - thiết giáp hải quân 867 và tiểu đoàn hỏa lực 868, cùng 5 đại đội chuyên môn khác. Bảo vệ cho đội hình đổ bộ là các tàu chiến của Hạm đội 171 (giữ sườn phía tây) và của Vùng 5 Hải quân (giữ sườn phía đông). Ngoài ra, các trận địa pháo 105mm và 130mm của Vùng 5 Hải quân đóng ở Phú Quốc cũng sẵn sàng chi viện cho lực lượng đổ bộ.
Bí mật trận đổ bộ lên bãi biển Tà Lơn của Hải quân Việt Nam - ảnh 2
Hải quân đánh bộ Lữ đoàn 101 lên tàu
Theo kế hoạch, ta sẽ sử dụng đặc công hải quân bí mật tiềm nhập đánh chiếm bãi đổ bộ, thiết lập đầu cầu. Sau khi đổ bộ thành công, hải quân đánh bộ sẽ sử dụng tăng - thiết giáp và xe tải nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu trên quốc lộ và các mục tiêu được giao, phối hợp cùng Sư đoàn bộ binh 325 đánh Kampong Som.
Đặc công chiếm đầu cầu, đổ bộ thành công
Đêm 4-1-1979, phân đội đặc công đầu tiên gồm 33 chiến sĩ đã bí mật xâm nhập bãi đổ bộ thành công. Đêm 5-1-1979, phân đội đặc công thứ hai gồm 54 chiến sĩ cũng đã xâm nhập thành công. Trưa ngày 6-1-1979, một tổ chiến đấu của đặc công đã buộc phải nổ súng đánh địch, nhưng bí mật trận đánh vẫn được giữ kín.
19h ngày 6-1-1979, đội hình tàu đổ bộ của hải quân đã đến Mũi Chao, tiến thẳng vào bãi đổ bộ theo đội hình hàng ngang, lần lượt từ phải sang trái là các Hải đội 1, 2 và 3.
Hải đội 1 gồm 12 tàu xi măng (một loại tàu có vỏ bằng xi măng lưới thép, khá phổ biến trước đây), 4 tàu tuần tiễu PBR (lượng giãn nước 9 tấn, trang bị trọng liên 12,7mm, súng cối 81mm và có một số súng phóng lựu liên thanh 40mm) và 1 tàu đổ bộ LCU (lượng giãn nước 255 tấn, trang bị 2 trọng liên 12,7mm). Hải đội 1 chở theo tiểu đoàn 863, cùng các phân đội tăng cường, bao gồm: 25 chiến sĩ trong khẩu đội trọng liên 12,7mm, khẩu đội ĐKZ 75mm của tiểu đoàn 868, một trung đội công binh 24 chiến sĩ và 10 chiến sĩ trinh sát.
Hải đội 2 gồm 10 tàu đổ bộ LCM-8, 5 tàu tuần tiễu PBR và 1 tàu ATC, thuộc biên chế Hải đội 514 và của Vùng 5 Hải quân. Hải đội 2 chở theo tiểu đoàn 864 và các phân đội tăng cường, gồm: 1 trung đội công binh 24 chiến sĩ, một trung đội trinh sát 13 chiến sĩ, 11 xe tăng, 16 xe thiết giáp của tiểu đoàn 867, 13 xe ô tô, 2 đại đội hỏa lực của tiểu đoàn 868. Sở Chỉ huy Lữ đoàn 126 đóng trên tàu LCM-8 số 8587, bộ phận biệt phái của Quân chủng Hải quân đóng trên tàu LCM-8 số 8057.
Bí mật trận đổ bộ lên bãi biển Tà Lơn của Hải quân Việt Nam - ảnh 3
Hải quân đánh bộ cùng tăng - thiết giáp
Hải đội 3 gồm 7 tàu LCU có nhiệm vụ chở tiểu đoàn 862, tiểu đoàn 865 và các phân đội tăng cường. Tiểu đoàn 862 được tăng cường 20 xe ô tô, một trung đội công binh 34 chiến sĩ, tiểu đoàn 865 được tăng cường 13 xe ô tô. Sau khi hoàn thành đổ bộ, hải đội 2 và hải đội 3 sẽ quay về đưa tiểu đoàn 866 và một tiểu đoàn bộ binh của Vùng 5 Hải quân tiến hành đổ bộ đợt hai.
22h, quân Khmer Đỏ đã phát hiện ra đội hình đổ bộ của Lữ đoàn 126 và hạ nòng pháo cao xạ 100mm bắn trả. Ngay lập tức, đặc công hải quân ta mai phục sẵn đã tấn công dập tắt ngay hỏa lực địch, khiến chúng hốt hoảng phải bỏ pháo chạy trốn. Hai tiểu đoàn pháo tầm xa của Hải quân bố trí ở Phú Quốc và Hòn Đốc cũng đồng loạt khai hỏa, diệt trận địa pháo địch ở ngã ba Cócnút, cao điểm 162, sở chỉ huy địch, ngã ba Bokor và pháo ở quân cảng Ream, chế áp pháo binh địch trên các đảo Hòn Dự, Hòn Nước và một số mục tiêu khác
23h, các tàu của Hải đội 1 vào sát bờ nhưng gặp nhiều đá ngầm nên phải dừng lại ở ngoài để bộ đội lội xuống nước vào bờ. Một tiếng sau, tiểu đoàn 861 và tiểu đoàn 863 cùng một số bộ phận khác đã đổ bộ thành công, lập tức triển khai kế hoạch tác chiến. Đến 23h30, đến lượt các tàu của Hải đội 2 ủi bãi, nhưng cũng không vào sát bờ được. 3 xe tăng đã nhanh chóng rời tàu vượt lầy lên bờ và phát triển lên đường quốc lộ. Đến 3h30 sáng 7-1-1979, 28 xe tăng và xe thiết giáp đều vượt lầy lên bờ; còn lại 2 xe bị sa lầy. Hải đội 3 cũng bị vướng đá ngầm, phải dừng cách bờ 500m để bộ đội lội xuống nước vào bờ. Đến 5h sáng 7-1-1979, hải quân đánh bộ đã lên bờ, nhưng vẫn chưa được số xe tải lên. Bộ đội tích cực dùng cành cây, củi để chống lầy, dùng các xe tăng bị sa lầy để kéo ô tô lên bờ. Đến 18h ngày 8-1-1979 đã đưa được toàn bộ số xe tải lên bờ, hoàn thành đổ bộ.
Bí mật trận đổ bộ lên bãi biển Tà Lơn của Hải quân Việt Nam - ảnh 4
Tàu đổ LST HQ-403 đang đổ bộ xe thiết giáp BTR-50
Sau 6h đổ bộ, toàn bộ lực lượng hải quân đánh bộ cùng phần lớn xe tăng – thiết giáp đã lên bờ thành công. Nhưng số xe tải bị lầy phải mất hai ngày mới lên bờ được. Trong quá trình đổ bộ, bộ đội hải quân đã loại khỏi vòng chiến đấu 36 tên địch, phá hủy 2 khẩu lựu pháo 105mm, hai súng AK-47 và một súng B40.
Những tổn thất đau xót
Tuy nhiên, trong và sau quá trình đổ bộ đã có những sự cố xảy ra. Lúc 8h ngày 7-1-1979, một tàu xi măng đã va phải đá ngầm và bị chìm, 22 chiến sĩ hi sinh, 25 người bị thương. 
Sau khi đổ bộ lên bờ, lúc 1h sáng 7-1-1979, đội hình xe tăng - tăng thiết giáp của tiểu đoàn 867 tiến dọc quốc lộ về phía tây để đánh quân cảng Ream và Kampong Som. Sau khi đánh chiếm cảng Kampong Som, lúc 8h tiểu đoàn quay trở ra và đến 13h thì bị rơi vào ổ phục kích của quân Khmer Đỏ. Tiểu đoàn 867 bị địch vây đánh suốt từ chiều 7-1 cho đến 10h sáng ngày 9-1-1979, và đã bị thiệt hại nặng: 5 xe tăng PT-76 và 12 xe thiết giáp BTR-50K bị phá hủy, 34 chiến sĩ hi sinh, 37 người bị thương, 20 người mất tích, có chiến sĩ tự bơi về đảo Phú Quốc. 
Đến đêm 8-1-1979, tiểu đoàn chỉ còn lại hai xe tăng và 15 tay súng, bám trụ vào các mỏm núi, hốc đá để đánh địch, bảo vệ thương binh. Hai sự cố đáng tiếc kể trên đã gây ra nhiều tổn thất không đáng có cho lực lượng hải quân đánh bộ còn quá non trẻ của ta, đó là bài học kinh nghiệm trả bằng máu cho tác chiến của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong đổ bộ đường biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay.

26 tháng 8, 2018

Nguồn gốc món Phở

PHỞ
Không có văn bản thay thế tự động nào.


Nguồn gốc món Phở
* Trong Tự điển tiếng Việt - Bồ đào Nha - La tinh của Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651 không có từ "Phở". trong Tự điển Huỳnh Tịnh Của ( biên soạn năm 1895) và Tự điển Genibrel (biên soạn 1898) cũng không có từ Phở . Danh từ Phở được chính thức ấn hành lần đầu trong cuốn Việt Nam tự điển (1930) do Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo và giảng nghĩa : "Món ăn nấu bằng bánh bột gạo thái nhỏ với nước dùng bằng thịt bò hầm ".
* Nhà Văn Nguyễn Công Hoan từng viết : “ Năm 1913…tôi trọ số 8 Hàng Hài…thỉnh thoảng, được ăn phở (hàng Phở gánh rong). Mỗi bát 2 xu (có bát 3xu, 5 xu)”. Phở rong bắt đầu thịnh hành nên bị chính quyền đánh thuế: “…họ phải mua hai hào tem thuế mỗi ngày. như vậy có thể xem Phở xuất hiên khoảng giữa những năm 1900 đến 1913
* . Người Việt ngày xưa 99% là nông dân , họ coi Bò là loài gia súc thân thương và hữu ích ( Sức Kéo ) nên không ăn thit Bò ! vì thế nói quê hương Phở bò ở Nam định miền Bắc là không hợp lý
Chuyện là :
Năm 1910 , nhiều thanh niên Vietnam cả miền Bắc lẫn miền Nam đi lính cho Pháp. Họ phải sang mẫu quốc để phục vụ một thời gian, trong số đó có một người từng làm phụ bếp cho Toàn quyền Saigon tên Huỳnh. Đơn vị Ông Huỳnh đóng quân ở Marseille và Ông được giữ chức Bếp trưởng của binh đoàn toàn lính người An Nam . Sáng nào Ông Huỳnh cũng ra lệnh đốt bếp lò thật sớm bằng cách hô to : " Feu ! Feu ! " có nghĩa là nổi lửa lên ! để nấu súp thịt bò cho binh sĩ ăn điểm tâm với bánh mì khô . Thấy binh sĩ người Việt bỏ ăn sáng hơi nhiều Ông Huỳnh bèn nghĩ ra một món mới, hy vọng anh em binh sĩ An Nam sẽ cảm thấy dễ nuốt hơn, Sau khi được các "Xếp Tây " cho phép, Ông bèn lấy nước Súp bò của Tây... cho hầm chung với quế, hồi, gừng,. Riêng " bánh tài phảnh " mua của người Tàu bán ở Khu Chinois rồi Ông Huỳnh nêm thêm nước mắm vào Soupe cùng với hành... ngò rí.....hành tây ... cho hợp khẩu vị Việtnam Tuyệt vời thay, Ở xứ lạ quê người , buổi sáng trời lạnh như cắt da, mà lại được ăn một bát súp "hù tíu bò" nóng hổi ngào ngạt đậm mùi quê hương thay vì ăn bánh mì Tây quá ư nhạt nhẽo ! binh sĩ An Nam ủng hộ Chef Huỳnh hết mình .....Nấu bao nhiêu cũng hết ! Các Sĩ quan Pháp thấy vậy đòi ăn thử , ai cũng tấm tắc khen ngon rồi thắc mắc : " Tên món này là món gì mà sáng nào Monsieur Huỳnh cũng ra lệnh Feu Feu vậy ?" Không chần chừ Ông Huỳnh trả lời : Thưa Xếp tên nó là Phở (Feu) đấy !
".. PHỞ ra đời năm ấy - năm 1910 ...được Tây lẫn Ta yêu thích và chết tên "Feu" từ đó...Khi muốn ăn , Sĩ quan Tây chỉ cần nói " Feu Feu " là có tô phở bò hầm kiểu An Nam nóng hổi khói bốc nghi ngút..theo gió .thơm lừng cả doanh trại
Nhiều binh lính An Nam nhà ở Hanoi sau khi giải ngũ về đã lấy Phở gánh với tiếng rao : Feu....ớ ..làm kế sinh nhai, thực khách là lính Tây và kiều dân Pháp. Dân Hanoi cũng ăn thử và "mê tít" món Feu từ đó !
- Ở Dalat năm 1930 có phở Gare xe lửa là tiêm Phở Bò đầu tiên của Dalat do con Ông Huỳnh ( Chef ) làm chủ . chữ Tô Xe lửa ( Tô lớn ) từ đây mà ra . Phở Gare Dalat sau 1960 dời vế Phú Nhuận Saigon lấy tên là Phở Bắc Huỳnh
- Ở Saigon trước năm 1940 có tiệm Phở Turc là tiêm Phở đầu tiên Chủ tiệm cũng là dân đi lính Tây giải ngũ về , Ông này nói tiếng Pháp giỏi nên có nhiều khách Tây đến ăn ...
Viết theo lời kể của Ông Võ Văn Côn
Nguyên là Chef Bếp Việt của Vua Bảo Đại
Admin
****************************** ****************************** ****************************** *
Chú thích :
Kể từ đầu thế kỷ 20 đến nay đã có nhiều tranh cãi về nguồn gốc ra đời của Phở. Tuy vẫn còn bất đồng về nơi xuất xứ thực sự hay thời điểm ra đời nhưng hầu hết cùng chung quan điểm là Phở được khai sinh trong thời Pháp thuộc , ở giai đoạn người Pháp bắt đầu đẩy mạnh khai thác thuộc địa ở Việt Nam. Có thể xem Phở là một trong những ví dụ đặc trưng cho khái niệm Bricolage (lai ghép) mà các nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực dùng để chỉ món ăn thiên hướng lai ghép ( kết hợp, biến tấu từ nhiều nguồn thức ăn ngoại lai ) hơn là tự thân sáng tạo .
Hiện nay Phở đã theo chân cộng đồng người Việt có mặt ở nhiều nước trên thế giới.

23 tháng 8, 2018

Chiến dịch tình báo Mỹ đánh cắp trực thăng vũ trang Liên Xô năm 1988

Tình báo Mỹ tiến hành chiến dịch tuyệt mật để đánh cắp một trực thăng Mi-25 do quân đội Libya bỏ lại trên lãnh thổ Chad.

Trực thăng CH-47 kéo chiếc Mi-25 về căn cứ Mỹ. Ảnh: US Army.
Trực thăng CH-47 kéo chiếc Mi-25 về căn cứ Mỹ. Ảnh: US Army.
Trong thập niên 1980, Liên Xô từng bán nhiều loại vũ khí hiện đại cho các quốc gia châu Phi và Trung Đông. Một trong những vũ khí được Mỹ chú ý nhất là trực thăng tấn công đa năng Mi-25, mục tiêu của chiến dịch đánh cắp mang tên "Mount Hope III", theo WATM.
Trong thời Chiến tranh Lạnh, Mi-24 và bản xuất khẩu Mi-25 là mẫu trực thăng độc nhất vô nhị trên thế giới. Đây là loại trực thăng tấn công áp dụng thiết kế hoàn toàn mới, được trang bị nhiều vũ khí uy lực kết hợp với khả năng chở quân của trực thăng vận tải.
Điều này cho phép Mi-24/25 triển khai 8 binh sĩ được trang bị đầy đủ tới chiến trường và yểm trợ hỏa lực cho họ, hoặc độc lập tác chiến như một trực thăng tấn công thông thường. Trong khi đó, Mỹ phải đổ quân bằng trực thăng UH-1 và yểm trợ lực lượng mặt đất bằng trực thăng tấn công AH-1 Cobra.
Khi dòng Mi-24 được biên chế vào cuối thập niên 1970, tình báo Mỹ và Anh tìm mọi cách để nghiên cứu mẫu trực thăng độc đáo của Liên Xô. Sự hứng thú càng tăng cao khi những chiếc trực thăng này thể hiện được sức mạnh trên chiến trường Afghanistan hay Ethiopia.
Tình báo phương Tây đặc biệt chú ý tới thiết kế hỗn hợp của Mi-24, nhằm đánh giá nhu cầu phát triển và biên chế khí tài tương tự để khắc chế trực thăng Liên Xô. Cơ hội xuất hiện khi quân đội Libya bỏ lại một chiếc Mi-25 trên lãnh thổ Chad vào năm 1987.
Tháng 12/1986, Libya tấn công vào lãnh thổ Chad. Sau 9 tháng xung đột dữ dội, lực lượng Chad đẩy lùi toàn bộ đối phương về bên kia biên giới. Trong quá trình rút lui, quân đội Libya đã bỏ lại rất nhiều khí tài quân sự được mua từ Liên Xô. Vũ khí quý giá nhất trong số này là một trực thăng Mi-25 còn nguyên vẹn, nằm tại một sân bay cũ ở Ouadi Doum.
Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) nắm được thông tin về chiếc Mi-25 và nhanh chóng lên kế hoạch đánh cắp, đề phòng quân đội Libya tìm cách thu hồi khí tài. Chính phủ Mỹ đàm phán với các lãnh đạo Chad và được phép tiến hành chiến dịch chiếm trực thăng Mi-25. CIA cùng Lầu Năm Góc lên kế hoạch đưa trực thăng về một cơ sở của Mỹ, sau đó tháo rời và phân tích mọi chi tiết của chiếc Mi-25.
Chiến dịch được đặt tên "Mount Hope III" (Ngọn núi Hy vọng III). Mục tiêu đầu tiên là tìm kiếm những phi công đủ giỏi và dũng cảm để thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm này. Lầu Năm Góc quyết định lựa chọn Trung đoàn Không vận Đặc nhiệm số 160 (160th SOAR), một trong những đơn vị trực thăng thiện chiến nhất của lục quân Mỹ.
Lộ trình của trực thăng CH-47 với hai điểm tiếp dầu dã chiến (FARP). Đồ họa: Blogspot.
Lộ trình của trực thăng CH-47 với hai điểm tiếp dầu dã chiến (FARP). Đồ họa: Blogspot.
Quá trình chuẩn bị bắt đầu từ tháng 4/1987 tại bang New Mexico, Mỹ. Khí hậu sa mạc khô cằn tại khu vực này có nhiều nét tương đồng với Chad, giúp các phi công làm quen với điều kiện tác chiến thực tế.
CIA ước tính khối lượng rỗng của chiếc Mi-25 vào khoảng 8 tấn, đòi hỏi lục quân Mỹ phải chỉnh sửa trực thăng CH-47 Chinook để đủ sức tải. Quá trình này bao gồm gia cố các móc chịu tải, điều chỉnh động cơ và hộp số để tăng sức nâng, đồng thời kỹ thuật viên phải xác định vị trí treo chiếc Mi-25 để không làm mất cân bằng.
Các đợt diễn tập diễn ra trong điều kiện đêm tối và tầm nhìn thấp, mô phỏng chiến dịch trên sa mạc vào ban đêm. 6 thùng nước lớn được gắn dưới trực thăng Chinook để mô phỏng sức nặng của Mi-25. Đội bay của Trung đoàn 160 sau đó phải bay với khoảng cách tương đương hành trình thực tế, đòi hỏi trực thăng CH-47 dừng hai lần để nạp nhiên liệu.
Sau lần thử nghiệm đầu tiên diễn ra trơn tru, lục quân Mỹ quyết định diễn tập với khung máy bay tương đương chiếc Mi-25. Phi công Trung đoàn 160 tiếp tục thể hiện trình độ khi hoàn thành nhiệm vụ theo đúng kế hoạch. Quá trình chuẩn bị kết thúc với sự hài lòng của CIA và Lầu Năm Góc, cho thấy chiến dịch sẵn sàng được tiến hành.
Chiến dịch đánh cắp chớp nhoáng
Ngày 21/5/1988, lệnh thực thi chiến dịch Mount Hope III được Nhà Trắng đưa ra. Trung đoàn 160 tháo rời hai trực thăng CH-47, đưa chúng lên vận tải cơ chiến lược C-5 Galaxy để chuẩn bị xuất phát.
Lục quân Mỹ phải bố trí lực lượng trinh sát và do thám từ trước hai tuần, đề phòng quân đội Libya tấn công sang lãnh thổ Chad nhằm thu hồi trực thăng. Chính phủ Pháp cũng hỗ trợ bằng cách điều một đơn vị bộ binh và các tiêm kích Mirage F.1 làm nhiệm vụ yểm trợ. Vận tải cơ C-130 Hercules cũng tham gia với vai trò tiếp dầu cho những chiếc Chinook sau khi chúng đánh cắp được trực thăng Mi-25.
Lực lượng thực hiện chiến dịch đáp xuống sân bay Ndjamena, phía nam Chad vào ngày 10/6. Chiến dịch Mount Hope III được khởi động ngay trong ngày hôm sau.
Theo kế hoạch, phi đội Mỹ sẽ bay theo lộ trình dài 925 km trong đêm tối và thu hồi trực thăng Mi-25 trước khi trời sáng. Nhóm tiền phương sẽ tới Ouadi Doum trước để bảo đảm an toàn, sau đó đơn vị chủ lực mới xuất hiện để mang trực thăng Libya về căn cứ.
Nhiệm vụ phải tiến hành một cách bí mật do lực lượng Libya vẫn hoạt động ở cách đó chỉ vài km. Nếu bị phát hiện, một trận đánh lớn sẽ nổ ra, trở thành sự cố mang tầm quốc tế với việc Mỹ tìm cách đánh cắp trang bị quân sự của nước khác.
Chiếc Mi-25 được đưa lên vận tải cơ C-5 để mang về Mỹ. Ảnh: US Army.
Chiếc Mi-25 được đưa lên vận tải cơ C-5 để mang về Mỹ. Ảnh: US Army.
Hoạt động đánh cắp trực thăng Mi-25 diễn ra một cách chớp nhoáng theo đúng kế hoạch, tới mức quân đội Libya không hề biết chiếc trực thăng tấn công đã biến mất. Vấn đề duy nhất là một cơn bão cát lớn bất ngờ xuất hiện khi chiếc CH-47 mang chiến lợi phẩm đang quay lại căn cứ.
Phi công Chinook phải tăng tốc và bay trong điều kiện tầm nhìn gần bằng không. Trực thăng Mỹ hạ cánh xuống Ndjamena ngay trước khi bão cát đổ bộ. Tổ lái phải ngồi chờ hơn 20 phút để bão đi qua, trước khi tháo rời cả chiếc CH-47 và Mi-25, đưa chúng lên vận tải cơ C-5 và trở về Mỹ sau đó 36 giờ.
Mount Hope III kết thúc một cách chớp nhoáng, lực lượng Mỹ chỉ xuất hiện trên đất Chad trong vòng 67 tiếng. Trực thăng Mi-25 được Mỹ nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm tìm ra điểm mạnh và điểm yếu, cũng như cách đối phó trên chiến trường. Lầu Năm Góc cũng kết luận rằng quân đội Mỹ không cần phát triển mẫu trực thăng hỗn hợp như Mi24/25, đồng thời duy trì học thuyết sử dụng trực thăng vận tải và tấn công riêng biệt tới ngày nay.
Tử Quỳnh

Bí mật di chúc phân chia thừa kế 70 căn nhà của đại gia Bình Thuận

Trong bản phân chia thừa kế của ông Bát Xì, có gần 70 căn nhà phố ở các đường: Gia Long (Nguyễn Huệ ngày nay), Trưng Trắc… Riêng tại đường Ngô Sĩ Liên hiện nay, ông có nguyên dãy nhà phố 15 căn, ngó mặt ra chợ lớn Phan Thiết.

Tìm hiểu tại sao ông Trần Gia Hòa lại được người đời gọi bằng cái tên Bát Xì thì chúng tôi được người nhà ông cho biết, những người có tiền của thời đó nếu có đóng góp nhiều cho xã hội thì đệ đơn lên triều đình xin phong chức.
Ông Trần Gia Hòa đã được triều đình Huế phong chức Bát Phẩm (một tước phong như huân chương ngày nay).

Tên gọi Bát Xì là từ ghép của chức Bát phẩm và Xì là tên tục của ông (từ đây trở đi gọi ông Trần Gia Hòa là Bát Xì theo tên tục của ông).


Chân dung ông Bát Xì (Trần Gia Hòa).
Chân dung ông Bát Xì (Trần Gia Hòa).
Tại góc đường Lê Thị Hồng Gấm - Yersin (trước công ty lâm nghiệp Bình Thuận) có cây cầu bê tông nhỏ mà ngày nay người ta quen gọi là cầu Bát Xì là do ông bà Bát Xì xây dựng bắt qua con rạch từ phía Phú Tài chảy ra sông Cái (Cà Ty).
Nhiều tài liệu ngày nay có ghi nhận vợ chồng ông Bát Xì đã tham gia ủng hộ “Tuần lễ vàng” cho chính phủ Hồ Chủ tịch năm 1946. Đặc biệt ông Bát Xì là cổ đông lớn của Công ty Liên Thành, một công ty được thành lập từ ý tưởng của chí sỹ Phan Châu Trinh và vài công ty khác.
Lo cho mình và cho người
Năm 1941, Ông Bát Xì mua một thuộc đất khá lớn tại làng Ngọc Lâm (nay thuộc khu nghĩa trang Phan Thiết) để xây dựng khu mộ gia tộc.
Ông cho xây tường rào đá bọc quanh khu mộ và một ngôi nhà lầu đúc với đầy đủ vật dụng sinh hoạt của người dương thế: bàn ghế, tủ giường, hồ chứa nước...

Khu mộ gia tộc Trần Gia Hòa.
Khu mộ gia tộc Trần Gia Hòa.
Với quan niệm “sống cái nhà, thác cái mồ”, ông dặn con cháu thuê người giữ mộ... Tiền trả công giữ mộ, lấy từ hoa lợi 20 mẫu đất và ruộng tại làng Lại An, Thiện Mỹ của mình (nay thuộc Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc).
Những ngày cuối đời ông chọn một người đàn ông bị tật ở chân làm người giữ mộ. Biết người giữ mộ sau này cho mình đơn độc, ông tìm chọn một phụ nữ nhan sắc bình thường, nhưng hiền lành, hay lam hay làm rồi tác hợp cho họ.
Một gia đình nhỏ ra đời. Đôi vợ chồng ấy coi ông như người thân, nhiều năm sau khi ông qua đời họ vẫn bên cạnh ông cho đến lúc người chồng mất đi vào năm 1983.
Sau khi người giữ mộ ấy mất, em trai ông này thay thế, cho đến một ngày cuối năm 2011, người này lặng lẽ bỏ ra đi cùng với 2 cây sứ cổ mà theo ông Trần Phan Ung Hoàng Vũ - cháu đích tôn của dòng họ Trần (con ông Trần Ngọc Thành- liệt sĩ cách mạng) kể là rất quý hiếm.
Ông Hoàng Vũ nhớ lại: “ Trước đó mấy ngày, người này dẫn một người lạ đến nhà ngỏ ý hỏi mua 2 cây sứ với giá 400 triệu đồng. Gia đình không bán vì đó là kỷ vật của ông cố để lại. Chẳng ngờ…”

Mộ vợ chồng ông Bát Xì.
Mộ vợ chồng ông Bát Xì.
Di chúc - Vật gia bảo
Trong quá trình tìm hiểu tư liệu về ông Bát Xì, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi ông Trần Phan Ung Hoàng Vũ lấy từ két sắt ra một cuốn sách dày cũ kĩ.
Người cháu giải thích đây là cuốn phân chia tài sản của ông cố, là vật gia bảo của dòng họ. Người có thể mất nhưng gia bảo của dòng họ thì người họ Trần quyết tâm gìn giữ.
Ông Hoàng Vũ cẩn thận giở từng trang sách cho chúng tôi xem và quả thật bất ngờ là cuốn sách dày đến 32 trang, in rất đẹp trên khổ giấy A5, tại nhà in báo của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Huế.

Bản chúc thư vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay.
Bản chúc thư vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay.
Theo ngày tháng ghi trên chúc thư thì nó được lập vào năm 1933, đến nay 81 năm. Nội dung chúc thư chia làm 11 khoản. Trong mỗi khoản có nhiều mục nhỏ.
Có thể nói, toàn bộ tài sản nổi chìm, được ông liệt kê đầy đủ trong chúc thư, cũng như hoa lợi hàng năm có được.
Trong bản phân chia thừa kế của ông, có gần 70 căn nhà phố ở các đường: Gia Long (Nguyễn Huệ ngày nay), Trưng Trắc… Riêng tại đường Ngô Sĩ Liên hiện nay, ông có nguyên dãy nhà phố 15 căn, ngó mặt ra chợ lớn Phan Thiết.
Về ruộng vườn, ông bà có hơn 4.000 ha ở các làng: Đại Tài, Đại Nẫm, Tầm Hưng, Thiện Mỹ, Phú Lâm, Phú Hội, Lại An, Tỳ Hòa, Vĩnh Hòa, Phú Tài, Phú Long… Có thể nói từ thập kỷ 20 - 40 của thế kỷ XX, vợ chồng ông Trần Gia Hòa là người sản xuất nước mắm (hàm hộ) quy mô lớn nhất tại Bình Thuận.
Trong số tài sản đó, ông trích một phần hoa lợi; căn dặn con cháu dành cho việc hương hỏa cho cha mẹ ông, người thân của ông đã mất…
Phần còn lại ông chia hết cho tất cả con cháu, kể cả người ông chưa thật hài lòng trong cuộc sống. Ông cũng không quên phân chia một phần tài sản (nhà phố, sở lều,...) cho những người có công giúp ông gầy dựng cơ nghiệp.
Đặc biệt, trong chúc thư có một phần mà chúng tôi gọi là di huấn của người cha, người ông để lại cho thế hệ sau của mình.
Một di huấn đầy tình yêu thương, thấm đẫm chất nhân văn, là bài học làm người của con người đã kinh qua không biết bao nhiêu khổ nhọc, gầy dựng cơ nghiệp để lại cho con cháu họ:
“Này các con! Đạo làm người lấy hiếu để làm đầu, con có hiếu cha mẹ mới vui lòng, anh em có hòa thuận thì gia đình mới đầm ấm, mà lại còn vẻ vang lâu dài tổ tông nữa.
Cha mẹ hai bàn tay trắng mà làm nên sự nghiệp, đã hao biết bao nhiêu tinh thần, trải biết bao nhiêu khó nhọc mới có chút của này, để lại cho các con, của ít công nhiều, các con nên trân trọng công ơn, không nên so hơn tính thiệt. Anh em như tay chân, cũng một máu mủ, phải thương yêu nhau, phải đùm bọc nhau, phải nhường nhịn nhau, ...”.

Văn bia cuộc đời ông Bát Xì.
Văn bia cuộc đời ông Bát Xì.
Và ông phân tích: “... Cha mẹ đã suy cùng nghĩ kỹ, vẫn biết con nào cũng đồng con cả, lẽ phải chia đồng nhưng xét theo lẽ chí công thì đích mẫu các con là Phạm Thị Trí, từ lúc phối hiệp cùng cha, vẫn còn hàn vi, của tiền chưa có mấy, chẳng may người này đã qua đời, vợ nầy là Nguyễn Thị Trụ, là kế mẫu của các con, từ ấy đến nay, người cùng cha chịu bao khó nhọc, trải biết mấy tinh thần, mới có chút của này mà chia cho các con đây.
Cha nghĩ nếu đem của này mà chia cho đồng đều, thì mất lẽ công vì thế phần mấy em các con là Do, Ngẫu, Thành có phần lấn hơn chút đỉnh, để cho thỏa lòng người cha chịu đều cực nhọc trong mấy lâu. Nếu các con là con có hiếu của cha mẹ và là anh em hòa thuận cùng nhau, dẫu tiền tài có hơn kém nhau chút ít, cũng đừng tính toán thiệt hơn làm gì.
Này các con hãy nghĩ như thú rừng mấy của để lại mà cũng sống trọn đời huống chi loài người so hơn tính thiệt làm gì. Nếu các con biết giữ lời khuyên bảo đây, thì gia đình hạnh phúc biết dường bao. Dẫu cha mẹ có khuất mặt rồi cũng vui lòng hả dạ, ngậm cười nơi chín suối”.
Thời gian cùng bao biến cố của lịch sử, con cháu của ông Bát Xì đã không giữ lại được nhiều tài sản, nhưng lời khuyên trong di chúc của ông vẫn được họ làm theo và xem đó là một tài sản lớn.
Theo Lê Huân
VietnamNet