1. Nam - Bắc phân tranh giữa chúa Nguyễn và chúa Trịnh
Sau
ngày sụp đổ thành Ðồ Bàn vào năm 1471, lãnh thổ Champa bị thu hẹp lại ở
tiểu vương quốc Panduranga, chạy dài từ Harek Kah Harek Dhei (Phú Yên)
đến biên giới Biên Hòa. Một mặt đối phó với đất đai eo hẹp và sự suy yếu
về mặt quân sự vì dân số quá ít ỏi, Champa phải đương đầu với tình thế
chính trị hoàn toàn mới lạ, đó là sự ra đời của triều đại nhà Nguyễn ở
Thuận Hóa (từ Quảng Bình đến Bình Ðịnh) và sự bùng nổ cuộc nội chiến
giữa chúa Nguyễn ở miền nam và chúa Trịnh ở phương bắc.
Vì
không đủ tiềm năng để tiến quân chống chúa Trịnh phương bắc, chúa
Nguyễn chỉ còn cách phát động phong trào Nam Tiến về phía nam, tức là về
phía lãnh thổ Champa để củng cố thế lực quân sự và kinh tế của mình. Kể
từ đó, Nam Tiến đã trở thành một công cụ của nhà Nguyễn nhằm phục vụ
cho chiến tranh chống nhà Trịnh bằng cách vơ quét tài nguyên ở Champa để
nuôi quân lính của mình, để giải quyết vấn đề kinh tế của dân tộc Việt
quá nghèo đói, vì đất đai của đồng bằng Thuận Hóa quá chật hẹp.
Và
Nam Tiến này càng tăng thêm tốc độ nhanh chóng hơn một khi chúa Nguyễn
không thể phát huy phong trào Tây Tiến được, một khu vực mà dân tộc
Champa sống ở Cao Nguyên không bao giờ chấp nhận bất cứ giá nào sự hiện
diện của người Kinh trong lãnh thổ của họ cho đến năm 1955.
Nói
tóm lại, sự hình thành một quốc gia có chủ quyền ở Thuận Hóa do nhà
Nguyễn sáng lập vào thế kỷ thứ 17 đã đưa chính sách Nam Tiến sang một
chiều hướng mới hoàn toàn khác hẳn với chính sách Nam Tiến của Ðại Việt
trước ngày sụp đổ thành Ðồ Bàn vào năm 1471. Kể từ đó, Nam Tiến của
triều Nguyễn đã trở thành một chủ thuyết đế quốc với mục tiêu duy nhất
là nuốt trọn vương quốc Champa để làm bàn đạp tiến quân sang Cao Miên.
Năm 1611 đánh dấu ngày xuất quân Nam Tiến đầu tiên của chúa Nguyễn. Hơn
40 vạn quân chính qui từ Thuận Hóa đưa sang với sự yểm trợ của đoàn quân
dự bị cộng thêm các cư dân Việt sống gần biên giới, vượt đèo Cù Mông ở
phía nam Bình Ðịnh để tấn công Aia Ru (Harek Kah Harek Dhei) của Champa
sau đó biến khu vực vừa mới chiếm đóng thành phủ Phú Yên.
Bốn
mươi hai năm sau, chúa Nguyễn lợi dụng thời điểm hòa bình với chúa
Trịnh trong vòng 7 năm, xuất quân xâm chiếm Nha Trang vào năm 1653 và
dời biên giới miền nam của mình đến Cam Ranh. Kể từ đó, Nha Trang trở
thành hai đơn vị hành chánh của người Việt, đó là Thái Khang và Diên
Khánh.
Ba
năm sau, tức là năm 1653, chúa Nguyễn xua quân xâm chiếm lãnh thổ Cao
Miên ở Biên Hòa. Thế là kể từ năm 1653, Champa trở thành một lãnh thổ
hoàn toàn bị bao vây, ở phía bắc giáp căn cứ quân sự nhà Nguyễn ở Cam
Ranh và phía nam giáp căn cứ quân sự nhà Nguyễn ở Biên Hòa. Sự cô lập
Champa trong đất đai của nhà Nguyễn kể từ năm 1653 đã giải thích phần
nào sự bại vong của Champa trong những năm kế đến.
2. Cuộc nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh
Hết
đương đầu với chiến tranh giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn, Champa bị lôi
kéo vào một cuộc nội chiến khác giữa dân tộc Việt, đó là sự bùng nổ
chiến tranh vào năm 1771 giữa phong trào Tây Sơn ở miền bắc và Nguyễn
Ánh trấn thủ ở Sài Gòn. Cuộc nội chiến này đã biến lãnh thổ Champa (khu
vực Phan Rang và Phan Rí) thành bãi chiến trường đẫm máu trong vòng 30
năm giữa hai thế lực thù địch của dân tộc Việt, một bên trung thành với
Nguyễn Ánh còn bên khác thì ủng hộ phong trào Tây Sơn.
Năm
1773, Tây Sơn xua quân chiếm đóng Panduranga, trong khi đó Nguyễn Ánh
rời bỏ ngai vàng vào năm 1775 chạy về miền nam lập mật khu ở Gia Ðịnh.
Suốt 30 năm nội chiến, Tây Sơn biến Nha Trang thành khu vực địa đầu quân
sự của mình, trong khi đó Nguyễn Ánh trấn thủ ở Gia Ðịnh. Hoàn cảnh địa
dư này đã biến Champa thành một khu vực nằm giữa hai gộng kìm biên giới
quân sự của Tây Sơn ở phía bắc và Nguyễn Ánh ở phía nam. Thế là vương
quốc Champa phải đón nhận hàng năm sự hiện diện quân đội viễn chinh của
Tây Sơn và Nguyễn Ánh trên lãnh thổ của mình. Lý do rất là giản dị, muốn
tấn công Nguyễn Ánh ở Gia Ðịnh, Tây Sơn phải làm chủ quân sự ở Champa
(khu vực Phan Rang và Phan Rí) trước. Về phía Nguyễn Ánh, muốn tấn công
Tây Sơn ở Bình Ðịnh, Nguyễn Ánh phải xua quân chiếm đóng Champa trước
tiên, sau đó mới có thể tiến quân đến Nha Trang được.
Năm
1776, với mục tiêu là tiến quân tấn công Nguyễn Ánh ở Gia Ðịnh, Tây Sơn
phải chiếm đóng Panduranga trước tiên để làm căn cứ hành quân. Năm
1779, Nguyễn Ánh chiếm lại Panduranga trước khi xua quân tấn công Tây
Sơn ở Nha Trang. Năm 1791, Tây Sơn trở lại chiếm đóng Panduranga và năm
1793 Panduranga lại rơi vào tay của Nguyễn Ánh. Một năm sau (1794), Tây
Sơn xâm chiếm lại Panduranga cho đến năm 1798.
Trong
suốt cuộc nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, biên giới của vương
quốc Champa hoàn toàn bị xóa bỏ trên bản đồ vì thiếu quân lực để phòng
thủ. Thêm vào đó, mọi cơ cấu tổ chức chính trị và xã hội Champa hoàn
toàn bị sụp đổ. Dân tộc Champa phải chấp nhận cúi lạy cả hai phe vừa Tây
Sơn lẫn Nguyễn Ánh để bảo tồn tánh mạng. Các tầng lớp lãnh đạo Champa
chia thành hai phe nhóm do hai thế lực thù địch người Việt tạo dựng ra.
Vì rằng, một khi đã xâm chiếm Champa để làm cứ điểm quân sự, Nguyễn Ánh
thành lập một chính quyền mới của vương quốc này tập trung những thành
phần lãnh đạo thân cận với mình. Một khi tiến quân vào Champa, Tây Sơn
lại ra lệnh thanh trừng gắt gao những phần tử người Champa theo Nguyễn
Ánh để rồi thành lập một chính quyền khác mà cấp lãnh đạo chỉ là thành
viên của Tây Sơn.
Sự
thay đổi liên tục chính quyền trong thời điểm đó đã đưa mọi cơ cấu tổ
chức quốc gia Champa đứng bên lề vực thẳm. Lợi dụng cơ hội này, hai phe
thù địch Tây Sơn và Nguyễn Ánh tung hoành cướp phá tài nguyên Champa để
phục vụ cho chiến tranh của mình và điều động thanh niên Champa xung
phong vào chiến trường đẫm máu mà mục tiêu của chiến tranh này không
liên hệ gì đối với họ. Trong khi đó, Champa lại đặt dưới quyền cai trị
của một tầng lớp lãnh đạo mang tính cách bù nhìn, vì vương chức của họ
hoàn toàn do Tây Sơn hoặc Nguyễn Ánh tấn phong. Sự kiện này đã chứng tỏ
rằng, mọi cơ cấu tổ chức chính quyền ở Champa hoàn toàn bị sụp đổ. Lãnh
thổ Champa chỉ là nơi đón nhận hàng ngàn quân lính của dân tộc Việt,
luôn luôn tự cho mình là kẻ chiến thắng, thẳng tay bốc lột nhân dân
Champa mà họ xem đó chỉ là những kẻ “man rợ” không cùng nòi giống với
mình.
Nói
tóm lại, Champa không còn tồn tại nữa với danh nghĩa là một quốc gia
độc lập và tự chủ trong suốt cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh kể từ
1771 đến 1802. Thế là định mệnh của sự sống còn Champa không còn nằm
trong tay của nhân dân Champa nữa, mà là tùy thuộc hoàn toàn vào kết quả
của chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh.
3. Mâu thuẫn giữa Minh Mạng và Lê Văn Duyệt
Năm
1802, Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, lên ngôi với tôn hiệu là Gia Long.
Ðể tri ân những chiến sĩ đã từng đấu tranh bên cạnh mình, Gia Long tái
lập lại vương hiệu Champa, sau đó phong cho Po Saong Nhung Ceng (tổ tiên
của gia đình hoàng gia Bà Thềm ở Phan Rí), một tướng lãnh gốc người
Chăm rất thân cận với Gia Long lên làm quốc vương Panduranga-Champa. Thế
là từ năm 1802, Champa không còn là một quốc gia độc lập nữa mà là một
lãnh thổ tự trị đặt duới quyền bảo hộ của triều đình Việt Nam và hưởng
quyền che chở rất là đặc biệt của hoàng đế Gia Long và tổng trấn Gia
Ðịnh Thành là Lê Văn Duyệt được xem như là một ông phó vương ở miền nam
thời đó.
Sau
ngày từ trần của Gia Long vào năm 1820, hoàng đế Minh Mạng đưa ra chính
sách cai trị hoàn toàn ngược lại với chủ trương của Gia Long tức là phụ
vương của ông ta. Minh Mạng là một hoàng đế có tư tưởng chính trị rất
là độc đáo dựa vào ý thức hệ trung ương tập quyền, luôn luôn chủ trương
Quốc Gia Việt Nam là “một” và nhân dân Việt Nam phải là dân tộc có cùng
với nền văn hóa và văn minh của người Việt.
Một
khi lên ngôi, Minh Mạng xóa bỏ hoàn toàn chính sách ưu đãi dành riêng
cho vương quốc Champa do phụ vương của ông ta để lại và tìm cách ngăn
chặn mọi ảnh hưởng của Lê Văn Duyệt ở vương quốc này.
Nhân
danh một nhà tướng có công trạng lớn lao trong chiến tranh chống Tây
Sơn và cũng là bạn thân của Gia Long, Lê Văn Duyệt vùng dậy phản đối
chính sách Minh Mệnh và nhất quyết đứng ra bảo vệ vương quốc Champa cho
tới cùng. Thế là sự khủng hoảng giữa Minh Mệnh và Lê Văn Duyệt bắt đầu
bùng nổ và vương quốc Champa lại trở thành nạn nhân lần thứ 3 của cuộc
chiến nội bộ giữa người Việt Nam thời đó.
Vì
quá thân cận với Tổng Trấn Gia Ðịnh Thành là Lê Văn Duyệt hay là vì quá
khiếp sợ trước uy quyền chính trị của ông ta, giai cấp lãnh đạo Champa
thời đó không phục tùng hoàng đế Minh Mênh nữa. Năm 1832, Lê Văn Duyệt
từ trần, Minh Mệnh xua quân xâm chiếm Champa và trừng phạt vô cùng dã
man giai cấp lãnh đạo Champa vì tội phục tùng Lê Văn Duyệt để rồi xóa
hẳn vương quốc này trên bản đồ Ðông Dương. Thế là năm 1832 đánh dấu ngày
sụp đổ hoàn toàn vương quốc Champa.
Nguồn: Trích từ sách "Lược sử văn hóa Champa" của tác giả Trà Thanh Toàn