Kết quả cuộc chiến Mông Cổ - Đại Việt 1257-1258: bên nào thắng???
Gần đây có ý kiến (với những lý lẽ hơi buồn cười) cho rằng trong cuộc chiến lần 1 với Mông Cổ, phía Đại Việt là bên thua cuộc. Tuy nhiên, dù sao thì đây cũng là một chủ đề rất hay. Và để làm rõ việc bên nào thắng bên nào thua thì ta cần phải xem lại diễn biến của cuộc chiến trong các sử liệu mà ta hiện có được.
Đại Việt sử ký toàn thư: "Mùa thu, tháng 8, chủ trại Quy Hóa là Hà Khuất sai chạy trạm tâu [vua] là có sứ Nguyên sang. Tháng 9, xuống chiếu, lệnh tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, theo sự tiết chế của Quốc Tuấn. Mùa đông, tháng 11, lệnh truyền cả nước sắm sửa vũ khí.
Tháng 12, ngày 12, tướng Nguyên Ngột Lương Hợp Thai xâm phạm Bình Lệ Nguyên. Vua thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn. Quan quân hơi núng, vua ngoảnh trông tả hữu, chỉ có Lê Phụ Trần (tức Lê Tần) một mình một ngựa, ra vào trận giặc, sắc mặt bình thản như không. Lúc ấy, có người khuyên vua dừng lại để chỉ huy chiến đấu. Phụ Trần cố sức can vua:
"Nay thì bệ hạ chỉ đánh một ván dốc túi thôi! Hãy nên tạm lánh chúng, sao lại có thể dễ dàng tin lời người ta thế!".
Bấy giờ, vua mới lui quân đóng ở sông Lô. Phụ Trần giữ phía sau. Quân giặc bắn loạn xạ, Phụ Trrần lấy ván thuyền che cho vua khỏi trúng tên giặc. Thế giặc rất mạnh, [vua] lại phải lui giữ sông Thiên Mạc. Phụ Trần theo vua bàn những việc cơ mật, rất ít người biết được đều đó. Vua ngự thuyền nhỏ đến thuyền Thái úy Nhật Hiệu hỏi kế sách (chống giặc). Nhật Hiệu đương dựa mạn thuyền, cứ ngồi chứ không đứng dậy nổi, chỉ lấy ngón tay chấm nước viết hai chỉ "nhập Tống" lên mạn thuyền. Vua hỏi quân Tinh Cương ở đâu? (Tinh Cương là quân do Nhật Hiệu chỉ huy). Nhật Hiệu trả lời:
"Không gọi được chúng đến"
Vua lập tức dời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ, Thủ Độ trả lời:
"Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác"...
Ngày 24, vua và Thái Tử ngự lâu thuyền, tiến quân đến Đông Bộ Đầu, đón đánh, cả phá được quân giặc. Quân Nguyên chạy trốn về, đến trại Quy Hóa, chủ trại là Hà Bổng chiêu tập người Man ra tập kích, lại cả phá bọn chúng."
Một đoạn khác trong Toàn thư: "Khi vua thân hành thống lĩnh sáu quân đi chống giặc, quan giữ ấn vội vàng giấu ấn báu lên rường điện Đại Minh, chỉ đem ấn nội mật đi theo. Giữa đường, ấn ấy lại mất. Giấy tờ trong quân không có ấn. Vua sai thợ khắc gỗ làm ấn. Đến khi xa giá về kinh, lại có người đem dâng con ấn bị mất, ấn báu giấu đi vẫn còn nguyên ở chổ cũ."
Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng chép tương tự như Toàn thư.
Nguyên sử, An Nam truyện: "Nguyên Hiến Tông (tức Mông Kha) năm thứ 3, Quý Sửu (1253), Ngột Lương Hợp Thai theo Thế Tổ (tức Hốt Tất Liệt) bình định nước Đại Lý. Thế Tổ quay về, lưu Ngột Lương Hợp Thai lại để đi đánh các tộc Di chưa thần phục.
Năm thứ 7, Đinh Tỵ (1257), quân Ngột Lương Hợp Thai tiến đến phía Bắc Giao Chỉ, trước tiên sai sứ giả hai người đến dụ, không thấy quay về, bèn sai bọn Triệt Triệt Đô, mỗi người chỉ huy một nghìn quân chia đường tiến binh. Đến bờ sông Thao phía bắc kinh thành An Nam, lại sai con là A Truật đi chi viện, rồi xem An Nam thực hư ra sao. Người Giao cũng dàn quân đông đúc phòng vệ, A Truật sai người quay về báo tin. Ngột Lương Hợp Thai chia quân làm hai đạo cùng tiến, lệnh Triệt Triệt Đô làm tiên phong, A Truật ở phía sau làm hậu quân.
Tháng 12, hai quân hội hợp, người Giao kinh hãi. A Truật thừa cơ đánh bại thủy quân người Giao, bắt được thuyền chiến rồi về. Ngột Lương Hợp Thai cũng phá được quân bộ, cùng A Truật phối hợp đánh, địch đại bại, rồi tiến vào kinh thành chúng. Nhật Cảnh (tức Trần Thái Tông) chạy trốn ra hải đảo. Trong ngục tìm thấy hai sứ giả đã sai đi từ trước, đều bị trói bởi dây thừng tre, hằn sâu vào da thịt, lúc cởi trói thì một người đã chết. Vì vậy nên giết sạch dân trong thành. Quân Nguyên lưu lại ở đó 9 ngày, vì khí hậu uất nghiệt nên đem quân về. Lại sai hai sứ giả đến dụ cho quy hàng. Nhật Cảnh quay về, thấy quốc đô đều đã bị hủy hoại, rất căm phẫn, bắt trói hai sứ giả đuổi về."
Nguyên sử, Ngột Lương Hợp Thai truyện: "Mùa thu tháng 9, sai sứ giả chiếu hàng Giao Chỉ, không thấy báo lại. Mùa đông tháng 10, tiến binh đến sát biên cảnh. Quốc vương Trần Nhật Cảnh bày trận bên kia sông, quân tượng, kỵ, bộ rất đông. Ngột Lương Hợp Thai phân binh làm ba đội vượt sông, Triệt Triệt Đô theo hạ lưu sang sông trước, đại súy (tức Ngột Lương Hợp Thai) đi giữa, phò mã Hoài đô và A Truật ở phía sau, còn bày kế lược cho Triệt Triệt Đô rằng: "Quân nhà ngươi sang sông rồi, chớ đánh chúng vội, chúng tất đến chống lại ta, phò mã theo sau cắt hậu quân của chúng, ngươi rình cướp lấy thuyền, quân Man nếu tan vỡ chạy ra sông mà không có thuyền tất đều bị ta bắt." Quân vừa lên bờ, lập tức xông vào giáp chiến, Triệt Triệt Đô trái mệnh, quân Man tuy đại bại, nhưng lại leo lên thuyền trốn mất. Ngột Lương Hợp Thai giận nói: "Quân tiên phong không nghe theo sự sắp xếp của ta, ngươi chắc chắn phải chịu hình pháp." Triệt Triệt Đô sợ, uống thuốc độc tự tử. Ngột Lương Hợp Thai tiến vào Giao Chỉ, định trú lại lâu dài, quân lệnh nghiêm túc, không hề xâm phạm dân chúng. Quá 7 ngày, Nhật Cảnh xin nội phụ, vậy nên đặt tiệc rượu đại khao quân sĩ, đem quân quay về thành Áp Xích."
An Nam chí lược, quyển 4, Chinh thảo vận hướng: "Đời Hiến Tông Hoàng Đế, năm Canh Thân (1260), Thế Tổ lên ngôi, bàn bạc việc đánh Vân Nam, lưu Thái soái là Ngột Lương Hiệp Giải lại đặng kinh lược. Mùa đông năm Đinh Tỵ (1257), lệnh Thái soái xuất quân từ đường Vân Nam qua đến biên giới An Nam, muốn ra Ung Châu và Quế Châu , họp đại binh tại Ngạc Châu để đánh nhà Tống. Tháng 12, đại quân đóng tại Nỗ Nguyên, vua Trần sai quân lính cưỡi voi ra nghênh chiến. Lúc ấy có người con Thái soái tên A Truật, mới 18 tuổi, suất lính bắn giỏi ra bắn voi, voi kinh hoảng bỏ chạy, quay lại chà đạp quân lính, khiến cho quân Trần tan rã. Đến sáng ngày mai, vua Trần cắt đứt cầu Phù Lỗ, rồi thiết trận tại một bên bờ sông. Quân Nguyên muốn lội qua sông, nhưng không biết sâu cạn, mới đi dọc theo bờ sông mà bắn tên lên trời, tên rơi cắm xuống nước mà không nổi lên, biết là chỗ ấy cạn, bèn sai kỵ binh qua sông, ngựa nhạy lên đất, đánh tan rã cánh quân An Nam, tiếp đó, đại quân giết hàng muôn người, chém tôn tử An Nam là Phú Lương Hầu, vua Trần bèn chịu hàng, rồi quan quân lui về."
Rashid al-Din, Hốt Tất Liệt Truyện: "[...] Trước đó (năm 1259), Mông Kha đã phái một đội quân gồm 3 tumen vòng qua phía bên kia của Nam Tống, chỉ huy bởi Ngột Lương Hợp Thai, con trai của Tốc Bất Đài, cùng với y là Abishqa, cháu của Chagatai và 50 vương hầu, [...] đường xá khó khăn, thành trì khó lấy, chúng phải liên tục giao chiến [...] khí hậu không ổn [...] mất (hoặc chỉ còn lại) 5000 quân."
Xem xét các nguồn sử liệu trên, ta được rằng chắc chắn quân đội nhà Trần đã thua 2 trận đầu tiên và phải bỏ kinh thành Thăng Long, quân Mông Cổ chiếm được Thăng Long được khoảng 9 ngày thì phải rút. Tuy nhiên, lý do rút lui của chúng lại không thống nhất. Tổng hợp lại, có thể có 4 lý do như sau:
1. Quân Mông Cổ hết lương: có ý kiến cho rằng quân Mông Cổ không mang theo nhiều lương thực, lại gặp phải cảnh "vườn không nhà trống" nên bị đói ăn, phải rút về.
2. Khí hậu nóng bức: Nguyên sử, An Nam truyện ghi là quân Mông rút do khí hậu uất nghiệt.
3. Quân Mông Cổ đã đạt được mục đích: theo Nguyên sử, Ngột Lương Hợp Thai truyện và An Nam chí lược thì phía nhà Trần đã đầu hàng, xin nội phụ Mông Cổ. Như vậy thì Ngột Lương Hợp Thai có lý do rất hợp lý để tuyên bố chiến thắng và rút quân về.
4. Thất bại về quân sự: Các nguồn sử liệu của ta cho rằng ta đã đánh bại đối phương, buộc chúng phải rút lui.
Chúng ta hãy xem xét lại từng ý kiến một để đưa ra được lý do hợp lý nhất
Lý do 1 rõ ràng không hợp lý, bởi từ lúc giao chiến cho đến lúc rút quân là chưa đầy 2 tuần, quá ngắn để có thể dẫn đến việc quân Mông hết lương và rút quân. Chưa kể, thành Thăng Long sơ tán vội vã nên không thể di chuyển được hết người và lương thực đi, Nguyên sử đã xác nhận điều này.
Lý do số 2 cũng không đáng tin bởi thời gian là khoảng tháng 1 dương lịch, ở Bắc Bộ đang là mùa đông. Với một đội quân từng chinh chiến khắp thế giới thì việc không chịu nổi "mùa đông không lạnh" quả là hơi buôn cười.
Lý do số 3, ta phải xem mục đích chính mà Ngột Lương Hợp Thai sang lần này là gì. Toàn thư cho rằng quân Mông Cổ chỉ muốn cướp bóc chứ không đánh chiếm. Nguyên sử ghi rằng Thai muốn ở lại lâu dài, An Nam chí lược thì lại ghi là Thai muốn từ nước ta đánh ngược lên Ung Châu của Tống. Việc Triệt Triệt Đô phải tự sát vì làm lỡ kế hoạch tác chiến chứng tỏ ắt hẳn lần này Ngột Lương Hợp Thai đặt kỳ vọng rất lớn vào việc bắt sống vua Trần Thái Tông để kết thúc sớm chiến tranh. Thêm nữa Nguyên sử lại chép mâu thuẫn khi có đoạn thì ghi nhà Trần xin nội phụ, đoạn khác lại ghi Trần Thái Tông trói sử giả để trả đũa việc tàn phá thành Thăng Long. Vậy thì e rằng mục tiêu của ông ta không chỉ là cướp bóc mà phải lớn hơn và rõ ràng là mục tiêu ấy rõ ràng là không đạt được.
Thất bại về quân sự: các tài liệu của ta và Nguyên đều thống nhất rằng nhà Trần vẫn còn lực lượng sau trận Bình Lệ Nguyên (dù tổn thất nặng). Toàn thư ghi rõ là quân Trần rút về sông Thiên Mạc, cách Thăng Long khoảng 50km để tập hợp lực lượng. Sử liệu phía Nguyên không ghi chép gì về 2 trận Đông Bộ Đầu và Quy Hóa nhưng sử gia Rashid al-Din đã có một ghi chép quan trọng: quân Mông Cổ đã mất 5000 lính chết.
Số chết này là vì nhiều lý do không hợp khí hậu và chết trận và bao gồm cả số chết trên đường từ Vân Nam về hội quân với Hốt Tất Liệt (không có giao chiến). Theo phân tích về lý do 2 thì số chết vì không hợp thủy thổ hẳn là ít, đại đa số là chết trận. Nên nhớ là quân Mông Cổ sang lần này rất tinh nhuệ, việc mất 5000, tức gần 1 tumen quân tinh nhuệ là tổn thất lớn. Điều này chứng tổ nhà Trần đã thực sự thắng trận hoặc ít nhất là đã gây đủ thiệt hại cho đối phương để buộc chúng rút lui. Theo tôi, đây là lý do hợp lý hơn cả!
Và cuối cùng, điều quan trọng nhất là quân dân Đại Việt đã đánh đuổi được quân xâm lược, bảo vệ được nên độc lập của mình. Chúng tả hoàn toàn có đủ lý do chính đáng để tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến lần này!
Bài viết có sử dụng bản dịch Nguyên sử của bạn Cuong Vu, cảm ơn bạn đã chia sẻ!
Ảnh: bản đồ trận Bình Lệ Nguyên lấy từ sách Tống Nguyên Chiến Sử (宋元戰史), quyển 4 Phụ Đồ, của nhà sử học người Quảng Đông, nay cư trú ở Đài Loan, Lý Thiên Minh (李天鳴). Quân số nhà Trần có lẽ bị phóng đại rất nhiều
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét