26 tháng 9, 2019

35 năm cuộc chiến đấu bảo vệ Vị Xuyên (Hà Giang): Nằm lại núi đồi Vị Xuyên

3 Thanh Niên
Ngày 12.7 hằng năm cũng được coi là ngày “giỗ trận” chung cho những người đã nằm lại núi đồi Vị Xuyên.
12.7.1984 mở đầu chiến dịch mang mật danh “MB-84” nhằm phản kích lấy lại các điểm cao bị quân Trung Quốc đánh chiếm trên mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). Ngày 12.7 hằng năm cũng được coi là ngày “giỗ trận” chung cho những người đã nằm lại núi đồi Vị Xuyên.
35 năm cuộc chiến đấu bảo vệ Vị Xuyên (Hà Giang): Nằm lại núi đồi Vị Xuyên1
Vận chuyển vũ khí đạn dược lên biên giới Vị Xuyên
ẢNH: TƯ LIỆU

Súng nổ ngày mùng 3 tết

Sau thời gian vừa huấn luyện vừa làm kinh tế, tháng 11.1977, anh Trịnh Thành Tuyên ở H.Yên Sơn (Tuyên Quang) cùng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 122, Bộ Chỉ huy quân sự (BCHQS) tỉnh Hà Tuyên (nay là BCHQS Hà Giang) lên xã Thanh Thủy, H.Vị Xuyên (Hà Giang) làm đường. Đầu 1978, đơn vị chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, chốt dọc biên giới Xín Chải, Thanh Đức. “Đêm mùng 3 Tết âm lịch 1979, tổ tuần biên của Đại đội 9 chạm trán một trung đội lính Trung Quốc trên đồi Cây Xanh, điểm cao 1427. Ta hy sinh một chiến sĩ”, anh Tuyên nói và hồi tưởng: “Sáng 17.2.1979, Trung Quốc đồng loạt tấn công trên tuyến biên giới phía bắc nước ta. Ở Hà Tuyên (nay là Hà Giang), chúng tràn sang lấn chiếm vào hướng chốt giữ của Tiểu đoàn 3 và gọi pháo binh yểm trợ, chiếm các điểm cao 1800a, 1785, 1800b, 1688...”.
5 ngày sau, Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 122) chiếm lại các chốt dọc biên giới Vị Xuyên khiến phía Trung Quốc điên cuồng tìm mọi cách tái chiếm. Buổi sáng 11.3.1979, anh Tuyên đi cùng chỉ huy kiểm tra các chốt, cũng chính là lúc phía Trung Quốc mở đợt tấn công quy mô lớn chiếm các điểm cao do đơn vị phụ trách.

Giữ suối Thanh Thủy

35 năm cuộc chiến đấu bảo vệ Vị Xuyên (Hà Giang): Nằm lại núi đồi Vị Xuyên1
Bộ đội ta chốt giữ trên khu vực Bốn Hầm, 1987
ẢNH: THUẬN HÓA
Thiếu tướng Hoàng Văn Toái, nguyên Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 2, nguyên Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Hà Giang, nhớ lại thời điểm là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 14, Sư đoàn 313 của Quân khu 2: Tháng 3.1984, quân tình nguyện VN cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc truy quét lớn quân Khmer Đỏ. Ở biên giới phía bắc, Trung Quốc ráo riết chuẩn bị lấn chiếm lãnh thổ VN. Trên tuyến biên giới Hà Tuyên, địch tập trung nhiều sư đoàn áp sát Vị Xuyên, Yên Minh. Từ ngày 2 - 27.4.1984, phía Trung Quốc bắn hơn 11.000 viên đạn pháo sang Hà Tuyên. Sáng 28.4.1984 trên hướng Vị Xuyên, chúng bắn gần 12.000 viên đạn pháo chi viện cho bộ binh tiến công các điểm phòng ngự của ta ở phía bắc suối Thanh Thủy. 
 
Do tương quan lực lượng quá lớn, cuối ngày 30.4.1984, Trung Quốc đã đẩy bộ đội ta khỏi các điểm cao 1545, 1509, 772, 685, 226, 233 và bình độ 300 - 400. Phía ta, Trung đoàn 122 (thuộc Sư đoàn 313) bị tổn thất nặng, phải lui về phòng ngự ở các vị trí thấp hơn.
Chiều 30.4.1984, Trung đoàn trưởng Hoàng Văn Toái nhận lệnh: “Lập tức chiếm lĩnh trận địa phòng ngự, không để địch lấn chiếm sang phía nam suối Thanh Thủy”. Rạng sáng 1.5.1984, Trung đoàn 14 bám nắm các vị trí bắc suối Thanh Thủy; điểm nào đối phương chưa chiếm thì dâng đội hình lên chốt giữ (đồi Cô Ích, đồi Đá Pháp, đồn biên phòng cũ, lô cốt Gốc Gạo)... Thời điểm này, lính Trung Quốc đã chiếm giữ đỉnh A5, khiến đội hình 2 bên nằm xen kẽ nhau. Bộ đội phải bố trí phòng ngự vòng tròn khép kín, tăng cường cải tạo hang hốc thành trận địa vững chắc, không để đối phương đánh chiếm.

Giành giữ 233

Cuối tháng 5.1984, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 quyết định tập trung xây dựng lại trận địa phòng ngự; củng cố các đơn vị, từng bước đánh lấy lại các điểm tựa đã mất. Thiếu tướng Hoàng Đan, phái viên của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân VN, lên tận Vị Xuyên trực tiếp chỉ đạo rút kinh nghiệm cách đánh. Chiều 2.6.1984, Ban Chỉ huy Trung đoàn 14 (Sư đoàn 313) quyết tâm chiếm lại điểm cao chiến lược 233.
Rạng sáng 12.6.1984, pháo binh ta bắn trùm lên các điểm cao 233, 226 yểm trợ cho bộ binh vận động đánh chiếm mục tiêu. Tuy nhiên, khi bộ đội vừa rời khỏi vị trí xuất phát tiến công thì bị hỏa lực địch bắn trùm vào đội hình, gây tổn thất lớn. Mãi đến chiều tối, ở hướng chủ yếu mới chiếm được 2 công sự bê tông cách đỉnh 233 khoảng 50 m. Ở hướng thứ yếu nhiều vật cản, không đủ bộc phá để mở cửa, đội hình ùn lại bị thương vong nhiều... “Lệnh của trên là chuyển vào thế trận phòng ngự. Toàn Trung đoàn 14 của tôi dàn ra phòng ngự, hoạt động tác chiến chủ yếu là giữ vững các mục tiêu đã chiếm kết hợp tập kích hỏa lực, bắn tỉa. Công tác đảm bảo cho bộ đội vô cùng khó khăn, việc tiếp tế cơm, nước lên chốt phải đi vào mờ sáng và chiều tối”, thiếu tướng Toái nhớ lại và trầm giọng: “Đúng 1 tháng sau (11.7.1984), chúng tôi mới bàn giao trận địa cho Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316, Quân khu 2) để chuẩn bị tiến công vào hôm sau”.
Hôm sau là 12.7.1984 - ngày mở đầu chiến dịch mang mật danh “MB-84” với mục đích phản kích để lấy lại các điểm cao bị quân Trung Quốc đánh chiếm. Ngày 12.7.1984 cũng in dấu trong tâm trí mọi cán bộ chiến sĩ mặt trận Vị Xuyên và bây giờ, ngày 12.7 hằng năm được coi là ngày “giỗ trận” chung cho những người đã nằm lại núi đồi Vị Xuyên. (còn tiếp)
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viếng các anh hùng liệt sĩ tại Vị Xuyên
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viếng các anh hùng liệt sĩ tại Vị Xuyên
Chiều 11.7, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Giáo hội Phật giáo VN, Hội Cựu chiến binh VN, T.Ư Hội Chữ thập đỏ VN đã đến dâng hương, dâng vòng hoa, viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (ảnh). Tối cùng ngày, tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, T.Ư Giáo hội Phật giáo VN cùng tỉnh Hà Giang tổ chức đại lễ cầu siêu anh linh anh hùng liệt sĩ, cầu quốc thái dân an.
Nghĩa trang Vị Xuyên hiện có 1.797 ngôi mộ liệt sĩ và một mộ liệt sĩ tập thể cùng 330 mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Trong số đó, có hơn 1.500 liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc (1979 - 1989). Tới nay, sau gần 40 năm, vẫn còn hàng ngàn liệt sĩ hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên chưa được quy tập.
Tin, ảnh: Lê Hiệp - Lưu Gia
Theo thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh toàn quốc mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên, các sư đoàn trực tiếp chiến đấu là: 312, 313, 314, 356, 316, 325, 31, 3; các trung đoàn thuộc Quân khu 1, Quân khu Thủ đô, Đặc khu Quảng Ninh, các binh chủng của Bộ và Quân khu 2 (pháo binh, công binh, thông tin, hóa học, phòng không, đặc công) và các trung đoàn, tiểu đoàn, dân quân tự vệ tỉnh Hà Tuyên, Trung đoàn 754 Sơn La... Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh, phần lớn trên dưới 20 tuổi và hàng ngàn người bị thương. Đến nay còn hơn 2.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt.
Tóm tắt diễn biến chiến sự mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên
 
- Từ 2.4 - 28.4.1984: Địch tập trung pháo binh bắn phá khu vực Vị Xuyên, từ điểm cao 1545 đến điểm cao 1030.
- Từ 28.4 - 30.4.1984: Địch bắn pháo để chi viện cho bộ binh tấn công đánh chiếm các điểm cao 226, 233, bình độ 300 - 400, 1509, 772, 685. Trong 2 ngày địch đã chiếm được 226, 233, 772, 1509, bình độ 300 - 400, E1, 685 và lấn vào lãnh thổ VN khoảng 2 km.
- Ngày 15.5.1984: Địch mở đợt tiến công phía đông sông Lô và sau đó đã chiếm được các điểm cao 1030, Si Cà Lá, 1250, đài 2, M13 (như vậy, từ 28.4 đến 16.5.1984, địch chiếm 18 điểm, triển khai phòng ngự chốt giữ 29 điểm trên lãnh thổ VN. Trong đó có khu 1509, 772, Si Cà Lá 1030, 1250 Núi Bạc).
- Ngày 12.7.1984: Ta nổ súng tiến công giành lại các chốt bị chiếm đóng. Tuy đã chiến đấu rất quyết liệt nhưng đợt tiến công của ta đã không thành công.
- Bộ Tư lệnh mặt trận mở đợt tấn công vây lấn từ 18.11.1984 đến 18.1.1985. Dù chưa khôi phục hoàn toàn khu vực A5, 300 - 400, 685 nhưng ta đã giành được một số chốt, hình thành thế phòng ngự xen kẽ, bám sát địch.
- Trong 2 năm 1985 - 1986: Địch tiếp tục mở nhiều đợt tiến công lấn chiếm trận địa của ta. Chiến sự diễn ra khá quyết liệt, có những nơi như ở Bốn Hầm, ta và địch giành giật nhau tới 38 lần, điểm cao 685 tới 41 lần, đồi Cô Ích tới 45 lần.
- Từ năm 1987 trở đi: Chiến sự ở mặt trận Vị Xuyên dần lắng xuống. Từ năm 1989, địch giảm bắn pháo và rút khỏi một số điểm phía bắc suối Thanh Thủy.
- Ngày 13.3.1989: Địch rút khỏi 20 điểm chiếm đóng và đến tháng 9.1989, địch rút khỏi 9 điểm còn lại.
(Theo đại tá Bùi Thuận Hóa, nguyên Trưởng phòng, Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét