Mục lục
Trước Cách mạng tháng Tám
Ban đầu gồm 34 chiến sĩ trong đó có 3 nữ với 34 khẩu súng các loại do Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung; Hoàng Sâm được chọn làm đội trưởng; Xích Thắng, tức Dương Mạc Thạch, làm chính trị viên, Hoàng Văn Thái phụ trách tình báo và kế hoạch tác chiến; Lâm Cẩm Như, tức Lâm Kính, phụ trách công tác chính trị; Lộc Văn Lùng tức Văn Tiên làm quản lý.
Ngày 15 tháng 4 năm 1945, Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ họp tại Hiệp Hòa, Bắc Giang quyết định Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sáp nhập với lực lượng Cứu quốc quân do Chu Văn Tấn chỉ huy, đổi tên thành Giải phóng quân, lực lượng quân sự chính của Việt Minh để giành chính quyền năm 1945. Lễ hợp nhất được tổ chức ngày 15 tháng 5 năm 1945 tại rừng Thàn Mát, xã Định Biên, huyện Định Hóa (Thái Nguyên).
Trận đánh đầu tiên của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là trận Phai Khắt, Nà Ngần ngày 25 và 26 tháng 12 năm 1944.
Ngày 16 tháng 8 năm 1945, trong Cách mạng Tháng Tám, khi tiến đánh Thái Nguyên, quân số Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã khoảng 450 người, biên chế thành một chi đội (tiểu đoàn), do Lâm Cẩm Như làm chi đội trưởng. Sau 7 ngày, quân Nhật ở Thái Nguyên mới chịu chấp nhận giao nộp vũ khí cho Giải phóng quân.
Kháng chiến chống Pháp
Từ năm 1945, Giải phóng quân của Việt Minh là lực lượng nòng cốt quân đội quốc gia của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 11 năm 1945 Việt Nam giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn, còn gọi là Vệ quốc quân. Lúc này quân số khoảng 50.000 người, tổ chức thành khoảng 40 chi đội ở hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Một số chi đội đã "Nam tiến" để giúp quân dân miền Nam chống lại quân Pháp đang tấn công trở lại ở Nam Bộ. Riêng tại Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ và cả Tây Nguyên cũng có những tổ chức vũ trang do các giáo phái hoặc các đảng phái quốc gia thành lập và lãnh đạo chống Pháp, một số hợp tác với Việt Minh, một số chống Việt Minh.Ngày 22 tháng 5 năm 1946, theo Sắc lệnh 71/SL của Chủ tịch nước, Vệ quốc đoàn đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam,[3] được đặt dưới sự chỉ huy tập trung thống nhất của Bộ Tổng tham mưu. Quân đội tổ chức biên chế thống nhất theo trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội... Cùng với việc xây dựng quân đội quốc gia, chính phủ đặc biệt coi trọng việc xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng, lực lượng bán vũ trang, bao gồm: dân quân ở nông thôn và tự vệ ở đô thị. Lực lượng này tồn tại trên toàn quốc, nhiều đội du kích nổi tiếng và còn dư âm đến tận bây giờ, tiêu biểu như du kích Nha Trang, du kích Ba Tơ, Bến Tre... Đến cuối năm 1946, có khoảng 1 triệu dân quân tự vệ đã được tổ chức và huấn luyện quân sự.[4] Ngoài lực lượng Quân đội Quốc gia Việt Nam, tại miền Nam thời điểm này còn có các đơn vị quân sự khác do các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên và các đảng phái quốc gia như Đại Việt, Việt Nam Quốc dân Đảng chỉ huy. Trong thời kỳ 1945 – 1950, có những người nước ngoài đã tình nguyện tham gia chiến đấu và các ngành khác như chỉ huy, tham mưu, kỹ thuật, huấn luyện, quân y, quân giới, tuyên truyền... được gọi là Chiến sĩ "Việt Nam mới". Nhiều người được giao trọng trách và phong quân hàm sĩ quan cao cấp. Họ đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng quân đội Việt Nam trong thời kì non trẻ.
Đầu năm 1950, bộ đội chủ lực đã có những trung đoàn hoàn chỉnh thành thạo việc đánh công kiên. Một vài trung đoàn trong số này còn tồn tại đến nay.[5] Cũng thời gian này, để chuẩn bị thời phản công, các sư đoàn quan trọng được thành lập, đến nay vẫn là khối cơ động chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhóm các đơn vị thuộc khối quân cơ động trung ương (thành lập 1950–1951) gồm các đại đoàn 304, 308, 312, 316, 320, 351. Sau này có thêm các đơn vị pháo binh, phòng không, pháo phản lực trong đại đoàn 351 như trung đoàn 237 (cối lớn), trung đoàn 367 (phòng không 37mm). Sư đoàn 351 còn được gọi là bộ binh nặng, công pháo (công binh, pháo binh). Đại đoàn Bình Trị Thiên (sư 325) do Trần Quý Hai chỉ huy được thành lập ở miền Trung.
Từ giai đoạn 1948–1949, một lực lượng bản xứ đã được thành lập trong chiến lược Da vàng hóa chiến tranh, cũng mang tên Quân đội Quốc gia Việt Nam. Quân đội này được thành lập dựa trên Hiệp định quân sự giữa Pháp và chính phủ Quốc gia Việt Nam (trực thuộc Liên hiệp Pháp) bằng cách đặt một số đơn vị quân đội Pháp tại Việt Nam dưới quyền chỉ huy của chính quyền Bảo Đại. Tuy nhiên, quyền quyết định tối cao trên chiến trường vẫn thuộc về người Pháp.[6] Quân đội Quốc gia Việt Nam tham chiến cùng quân đội Pháp chống lại quân đội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và đây chính là tiền thân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa sau này.
Để tránh nhầm lẫn với quân đội của Bảo Đại, bắt đầu từ giai đoạn này quân đội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dần chuyển sang sử dụng danh xưng Quân đội nhân dân Việt Nam. Mặc dù vậy danh xưng chính thức trên các văn bản hành chính vẫn sử dụng tên gọi Quân đội Quốc gia Việt Nam.
Đến cuối năm 1951, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thành lập được các sư đoàn sau[7]:
Đại đoàn 304 (gồm các trung đoàn 9, 57, 66 và tiểu đoàn pháo binh 345); Đại đoàn 308 (gồm các trung đoàn 36, 88, 102); Đại đoàn 312 (gồm các trung đoàn 141, 165, 209 và tiểu đoàn pháo binh 154); Đại đoàn 316 (gồm các trung đoàn 98, 174, 176 và đại đội vũ khí hạng nặng 812); Đại đoàn 320 (gồm các trung đoàn 48, 52, 64). Vào cuối năm đó, Đại đoàn 325 cũng được thành lập – ít nhất về mặt hành chính – từ các trung đoàn 18, 95 và 101 ở khu vực Thừa Thiên của Trung Kỳ.
Ngoài ra, còn có các trung đoàn độc lập tại Bắc Kỳ là: 148 (vùng trung du), 42, 46 và 50 (vùng châu thổ sông Hồng), 238 và 246 (bảo vệ các an toàn khu tại Việt Bắc); tại Trung Kỳ có các trung đoàn độc lập là 96, 108 và 803; còn tại Nam Kỳ có Trung đoàn Đồng Nai (các tiểu đoàn 301, 302, 303 và 304), Trung đoàn Đồng Tháp Mười (các tiểu đoàn 307, 309 và 311, hoạt động tại vùng Đồng Tháp Mười), Trung đoàn 300 (khu vực Phú Mỹ), Trung đoàn 950 (cho các chiến dịch đánh Sài Gòn), Trung đoàn Cửu Long (các tiểu đoàn 308, 310 và 312, hoạt động tại vùng Trà Vinh) và Trung đoàn Tây Đô (các tiểu đoàn 402, 404 và 406, hoạt động tại vùng Cần Thơ).
Đến năm 1953, các đơn vị của Đại đoàn Công pháo 351 gồm có: Trung đoàn Công binh 151, Trung đoàn vũ khí nặng 237 (cối 82mm), Trung đoàn pháo binh 45 (lựu pháo 105mm), Trung đoàn pháo binh 675 (sơn pháo 75mm và cối 120mm), và Trung đoàn phòng không 367 (pháo phòng không 37mm và súng máy cỡ đạn 50cal).
Năm 1954, với thắng lợi của trận Điện Biên Phủ, đây là đội quân đầu tiên của một đất nước thuộc địa đánh bại một quân đội thực dân cũ trong lịch sử thế giới của thế kỷ XX. Sau năm 1954, bộ phận Quân đội nhân dân Việt Nam tại miền Nam (dưới vĩ tuyến 17) cùng với thành viên Việt Minh (khoảng 140 ngàn người) tập kết về miền bắc Việt Nam, và được chính quy hóa. Cuối chiến tranh, Quân đội nhân dân Việt Nam có khoảng 24 vạn quân chủ lực và gần 1 triệu du kích.
Thiếu tá Bi-gia, đã có kinh nghiệm chiến trường chín năm liền ở Đông Dương, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ lúc xây dựng cứ điểm đến khi đầu hàng, đã bày tỏ sự kính trọng của mình đối với Quân đội nhân dân Việt Nam: "Tôi đã thấy họ khởi sự từ những khẩu súng bất kỳ như súng săn và sau đó, tháng này qua tháng khác, họ được tổ chức thành những nhóm nhỏ, rồi từ các nhóm nhỏ thành trung đội, từ các trung đội lên đại đội, từ đại đội lên tiểu đoàn và lữ đoàn và cuối cùng là thành các sư đoàn đủ quân. Tôi đã thấy tất cả những điều này và tôi có thể nói với các vị rằng họ đã trở thành những người lính bộ binh vĩ đại nhất trên thế giới. Những người lính dẻo dai này có thể đi bộ 50 km trong đêm tối bằng sức của một bát cơm, trên những đôi giày ba-ta và hát vang trên đường ra trận. Theo quan điểm của tôi, họ đã trở thành những người lính bộ binh ngoại hạng và họ đã đánh bại được chúng ta".[9]
Ngày 24 tháng 9 năm 1954, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Quyết định số 400/TTg quy định "Quân đội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ nay gọi thống nhất là: Quân đội nhân dân VIỆT NAM". Danh xưng này được sử dụng cho đến ngày nay.
Kháng chiến chống Mỹ
Sau 1954, Hoa Kỳ bắt đầu nhảy vào Đông Dương thế chân Pháp. Kế thừa chính sách Da vàng hóa chiến tranh của Pháp, Hoa Kỳ hỗ trợ chế độ Việt Nam Cộng hòa từ chối thi hành hiệp định Geneve, nhằm chia cắt lâu dài Việt Nam và ngăn chặn đến cùng sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản. Với mục tiêu "đánh đổ sự thống trị thực dân mới của Mỹ", ngày 15 tháng 2 năm 1961, tại Chiến khu Đ, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, gọi tắt là Giải phóng quân, được thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Trong thời kỳ đầu, hầu hết quân Giải phóng là người miền Nam, về sau được tăng viện thêm bộ đội hành quân từ miền Bắc vào.Với mục tiêu "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào",[13] Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã liên tiếp làm phá sản 3 chiến lược chiến tranh của Mỹ, bất chấp việc Mỹ vào lúc cao điểm đã huy động hơn một nửa lực lượng quân đội cho chiến trường Việt Nam. Sau nhiều năm sa lầy và chịu những tổn thất lớn về người và của, Mỹ buộc phải rút quân khỏi Việt Nam bằng việc ký kết hiệp định Paris năm 1973.[14] Mất đi sự tham chiến của quân đội Mỹ và viện trợ quân sự dồi dào, chỉ 2 năm sau, hơn 1 triệu quân Việt Nam Cộng hòa cũng bị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đánh tan chỉ sau vỏn vẹn 55 ngày đêm của chiến dịch Mùa Xuân 1975. Đây là lần đầu tiên và cũng là duy nhất cho tới nay, quân đội Mỹ phải chấp nhận thất bại trong một cuộc chiến tranh.
Tướng Lindsey Kiang là một nhà sử học Mỹ có nhiều năm công tác tại Việt Nam. Ông nhận xét: Trong mắt nhiều lính Mỹ, bộ đội Việt Nam là những người có kỷ luật, chiến đấu thông minh và rất gan dạ. Ông nói[15]:
- Đã gần 50 năm kể từ khi những người lính Mỹ đặt chân đến Việt Nam. Đối với nước Mỹ, đó là khởi đầu của một cuộc chiến dài, cay đắng và không nhận được nhiều sự ủng hộ. Đối với người dân Việt Nam, cuộc chiến còn tàn phá khủng khiếp hơn, nhưng cuối cùng họ đã thắng và giành được độc lập, thống nhất, điều mà họ khao khát đã quá lâu rồi.
- Tất cả những điều tôi đọc, tôi nghe được từ họ đều toát lên một sự tôn trọng dành cho các cựu chiến binh Việt Nam, bất kể đó là Giải phóng quân của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam hay quân chính quy từ miền Bắc vào. Những nhận xét đó thường là: Bộ đội Việt Nam thông minh, tiết tháo, có kỹ năng và lòng quyết tâm. Họ cũng là những người dũng cảm tuyệt vời trước hỏa lực khủng khiếp của pháo binh và không quân Mỹ. Nhiều cựu chiến binh Mỹ thường nhắc lại với niềm cảm phục sâu sắc khả năng chống đỡ của đối thủ dưới làn đạn mà những trận rải thảm B-52 là ví dụ điển hình.
- Ở miền Nam, lính Mỹ cũng đánh giá cao bộ đội của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Mặc dù có số lượng và hỏa lực áp đảo, có nguồn lực dồi dào và khả năng di chuyển cao nhưng lính Mỹ và đồng minh luôn vấp phải những khó khăn khi đối đầu với đối thủ, những người được quyết định đánh khi nào. Có thể thấy rằng, những người lính dũng cảm này đã tận dụng được yếu tố bất ngờ để giành chiến thắng trong những tình thế ngặt nghèo nhất
- Miền Trung Việt Nam là nơi những đội quân tinh nhuệ nhất của quân đội Mỹ đối đầu với quân chính quy Bắc Việt Nam... một trung sĩ lính thủy đánh bộ nói với bạn tôi rằng: “Thưa ngài, lính Bắc Việt Nam đánh giỏi như chúng ta". Nên biết rằng, lính thủy đánh bộ Mỹ là những chiến binh ưu tú nhất, được chọn từ bộ binh sang. Đó quả là một lời khen ngợi đối thủ. “Họ rất dũng cảm, rèn luyện tốt và có tinh thần chiến đấu cao" - Anh ấy nói.
Nhờ sự kiên trì xây dựng từng bước lực lượng cũng như viện hỗ trợ của các nước xã hội chủ nghĩa, năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam với 1,26 triệu quân chủ lực và địa phương, đứng thứ tư thế giới về số lượng (sau Liên Xô, Trung Quốc, Hoa Kỳ) và tương đương với các nước Đông Nam Á khác cộng lại, cùng với hàng triệu dân quân, du kích, tự vệ, so sánh với dân số Việt Nam lúc đó đứng hàng 15 trên thế giới. Quân đội cũng được tổ chức và xây dựng thành những quân đoàn chủ lực cơ động mạnh. Năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam có 4 quân đoàn chủ lực mang số thứ tự 1, 2, 3 và 4, gần 30 sư đoàn bộ binh, 40 trung đoàn pháo...
Chiến tranh biên giới (1975–1989)
Quân đội được tổ chức thành nhiều quân đoàn chủ lực, 8 quân khu và 2 bộ tư lệnh quân tình nguyện tại Lào và Campuchia. Thời kỳ này, chỉ riêng lực lượng cơ động chiến lược đã có 5 quân đoàn, mỗi quân đoàn bình quân có 4 sư đoàn. Lực lượng mỗi quân khu có ít nhất 5 sư đoàn, riêng quân khu I có trong tay 11 sư đoàn (gồm 2 quân đoàn và nhiều sư đoàn độc lập)... Lực lượng quân tình nguyện ở Campuchia thường xuyên ở mức từ 12 đến 16 sư đoàn, tại Lào thường có 4 sư đoàn. Các đơn vị bộ đội tại Campuchia thường chỉ được biên chế 60-70% quân số. Tổng cộng trong thời kỳ này, quân đội Việt Nam có trong tay từ 70-80 sư đoàn bộ binh, nhiều sư đoàn quân binh chủng.
Tuy vậy, thời kỳ này, một số đơn vị quân đội đóng ở Campuchia có hiện tượng duy trì kỷ luật không tốt, có những đơn vị để xảy ra tình trạng chiến sĩ đào ngũ hoặc bị kỷ luật khá phổ biến.
Theo C.Thayer, tổng viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam trong giai đoạn từ 1974–1989 lên đến chừng 14,5 tỷ đô la.[17] Nhờ đó, trang bị của quân đội Việt Nam rất dồi dào và tương đối hiện đại. Một số tài liệu đánh giá đến năm 1985, riêng không quân đã có đến 1.000 máy bay, lực lượng xe tăng, xe thiết giáp có 3.000 chiếc.
Đây là giai đoạn Quân đội nhân dân Việt Nam được đánh giá là mạnh nhất trong khu vực, có lực lượng thiện chiến, quân số đông, kỹ năng tác chiến cao. Tuy chính sách của nhà nước Việt Nam không tiến hành đe dọa an ninh với các nước trong khu vực nhưng việc quân đội Việt Nam có quân số đông cùng với việc đóng quân ở Campuchia và Lào đã khiến các nước Đông Nam Á nhất là Thái Lan lo sợ một cuộc xâm lược lớn từ Việt Nam. Tuy nhiên việc duy trì lực lượng quân đội lớn tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế Việt Nam. Giai đoạn này, quân đội Việt Nam tiếp tục tham chiến tiêu diệt tàn quân du kích Khmer Đỏ của Campuchia; đánh bại các cuộc tiến công lấn chiếm của Trung Quốc, đồng thời cũng có nhiều đợt xung đột với Thái Lan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét