Theo thông tin đăng tải trên trang Wikipedia thì Võ Tánh sinh tại huyện Phước An, tỉnh Biên Hoà (nay thuộc tỉnh Đồng Nai), sau dời về huyện Bình Dương, Gia Định.
Không chịu thần phục nhà Tây Sơn, từ năm 1783- 1788, ông cùng với người anh là Võ Nhàn tập hợp lực lượng nổi dậy tại thôn Vườn Trầu (Hóc Môn), tự xưng là Nghĩa quân Kiến Hòa (sử gọi là Kiến Hòa Đạo), kéo quân chiếm giữ cả vùng Gò Công (Tiền Giang ngày nay).
Năm 1788, nhận lời mời của chúa Nguyễn Phúc Ánh, ông đến Nước Xoáy (Sa Đéc - thuộc Đồng Tháp ngày nay)) hội binh, được phong là Tiên phong dinh Khâm sai chưởng cơ, và được chúa gả cho em gái là Ngọc Du.
Năm 1793, ông được thăng chức Khâm Sai Quán Suất Hậu Quân Dinh Bình Tây Tham Thắng Tướng Quân Hộ Giá. Khi trấn thủ thành Diên Khánh (thuộc Khánh Hòa ngày nay), Võ Tánh dùng mưu đuổi quân Tây Sơn đến vây thành vào năm 1794. Sau đó ông được phong tước Quận Công kiêm Đại Tướng Quân.
Nhưng cuộc đời chiến công của vị tướng này chưa dừng lại ở đó.
Năm 1801, khi đại quân chúa Nguyễn rút về Gia Định, thành Bình Định được giao cho Võ Tánh và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ. Thành ngay sau đó bị đại quân Tây Sơn, dưới quyền chỉ huy huy của Thái Phó Trần Quang Diệu và tướng Võ Văn Dũng đến bao vây. Trần Quang Diệu sai đắp lũy chung quanh thành và chia quân vây bốn mặt, Võ Văn Dũng thì đôn đốc thủy quân phòng giữ cửa Thị Nại. Cuộc bao vây kéo dài đến 14 tháng.
Trong thành binh sĩ lâu ngày thiếu lương thực, có người khuyên Võ Tánh nên vượt vòng vây trốn thoát nhưng ông cương quyết ở lại "Không thể được. Ta phụng mạng giữ thành này, nên thề với thành cùng sống chết. Nếu bỏ thành mà hèn nhát trốn lấy một mình, thì sau này còn mặt mũi nào trông thấy chúa thượng?". Sau đó ông cho người trao cho Trần Quang Diệu một bức thư, xin tha chết cho quân sĩ trong thành rồi sai thuộc hạ lấy rơm củi chất dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng vào, rồi châm ngòi tự vẫn.
Khi chiếm được thành, Trần Quang Diệu sai người tẩm liệm thi hài hai ông tử tế, rồi theo lời yêu cầu của Võ Tánh, không giết hại hàng binh nhà Nguyễn.
Để tưởng nhớ công lao ông, vua Gia Long truy tặng Võ Tánh là Dực vận công thần Thái úy Quốc công. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), truy phong ông là Hoài Quốc công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét