18 tháng 10, 2019

40 NĂM! VẪN CHƯA THỨC TỈNH

  Kim Âu
 
 


Máu và tính mạng của những người lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam chúng còn không tiếc. Hà cớ gì chúng thương vay, khóc mướn cho dân Việt Nam?!!

Kim Âu


40 năm đã trôi qua, hồi tưởng lại những ngày tháng xa xăm trong quá khứ tràn đầy hy vọng và tuyệt vọng lẫn lộn. Từ buổi sáng ôm mớ hành trang tù nhếch nhác ra xe, rời trại Tân Lập chuyển về Bình Đà, Hà Tây qua Phủ Lý, Chin nê, Ba Sao, Kim Bảng, Nam Hà rồi những ngày bị đưa đi “cách ly”, nằm trong cấm phòng biệt giam ngăn cách hoàn toàn với những người tù của miền Nam VNCH đang ngóng đợi lọt vào danh sách trao đổi, trao trả theo như các bên ký kết trong “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam 27/1/1973”

Thoáng đó mà đã 40 năm, nay nhớ lại những cảm giác, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi được đọc những điều khoản của hiệp định trên báo Việt Cộng vẫn không có gì thay đổi về cơ bản. Xét về nội dung “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam 27/1/1973” là một bản hiệp định đình chiến tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại mà một bên tham gia thương thảo bị cả ba phía còn lại dồn ép ký vào một bản văn tự sát.
 
Thời gian đó, sau những đợt học tập để trao đổi, trao trả đã được bọn Công An Việt Cộng tổ chức từ cuối thu 1972. Những tiêu chuẩn sống cơ bản của chúng tôi được nâng lên nhằm cho những người tù binh có cơ hội sống còn, hồi phục sức khỏe để giữ thể diện cho Việt cộng một khi bị buộc phải giải quyết vấn đề tù binh theo hiệp định sẽ ký kết.
Nằm trong bốn vòng tường vây của nhà tù cộng sản, trước những hiện tượng thay đổi các chế độ giam giữ; chúng tôi vẫn lờ mờ thấy đây chỉ là những mưu mô dự phòng của bọn Việt Cộng nhằm cho chúng tôi yên tâm chờ đợi ngày về, tránh tình trạng tù binh nổi loạn vì tuyệt vọng.
 
Vào những ngày cuối năm dương lịch 1972, còn ở trại sơ tán vùng Tân Lập, Vĩnh Phú, chúng tôi đã nghe tiếng phi cơ B52 ầm ỳ bay qua bầu trời suốt mười mấy ngày đêm, những tưởng rằng đại quân Việt Nam Cộng Hòa bắc tiến. Nhưng sau đó đài Tiếng Nói Việt Nam phát qua loa phóng thanh và tin tức từ những tờ báo cho chúng tôi biết, Không Quân Chiến Lược Hoa Kỳ đã dùng B52 oanh tạc Hà Nội. Phố cô đầu Khâm Thiên là nơi bị tổn hại nặng nề nhất, báo chí ra sức tố cáo tội ác của bọn “Hung nô thời đại” là đế quốc Mỹ và kêu gọi nhân dân Việt Nam ghi tâm, khắc cốt mối thù này nhưng vài ngày sau; luận điệu sắt máu, hoảng hốt, căm thù  được thay bằng những lời lẽ rất là ngoại giao khi tại Paris,  hiệp định đình chiến đã được bối thư, chờ ký chính thức. Cái tên Henry Kissinger được nhắc đến kèm theo học vị Tiến Sĩ một cách trang trọng trên mặt báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, loa đài và lần đầu tiên sau khi ký kết “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam 27/1/1973”,  ông ta, Tiến sĩ Henry Kissinger ghé qua Hà Nội và chuyến đi này được “bonus” bằng một nhóm vài mươi phi công Mỹ bệnh gần chết được cho về sớm trước khi tiến hành trao đổi, trao trả chính thức.
 
Hơn tuần sau, chúng tôi từ trại Tân Lập xuôi xuống Bình Đà, Khúc Thủy, Hà Tây rồi sau đó chuyển vào trại Ba Sao, Kim Bảng, Nam hà.Tại đây khi được đọc một số văn bản của “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam 27-1-1973”, chúng tôi vẫn linh cảm không có ngày về dù điều 8a của hiệp định có đề cập đến việc trao đổi, trao trả những tù binh và nhân viên dân sự của các bên bị bắt trong thời kỳ tiền hiệp định.
Chúng tôi cũng đã nhận thấy bản hiệp định sẽ bị phá vỡ vì hơn 150,000 quân BắcViệt vẫn nằm lại trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa để chuẩn bị xé hiệp định, thôn tính miền Nam bằng sức mạnh quân sự, khi các lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh hoàn toàn rút khỏi miền Nam Việt Nam, không giống như cuộc đình chiến Bàn Môn Điếm ở Cao Ly.

Thực tế cho thấy những chữ ký trong bản hiệp định chưa ráo mực, súng đã lại nổ vang. Miền  Nam đã nảy sinh nhóm chữ “đình chiến da beo”, “cắm cờ giữ đất, giành dân”. Các phía tham gia hiệp định đều tố cáo đối phương vi phạm hiệp định và những cuộc tranh cãi giữa các Ủy ban bốn bên, Uỷ ban Quốc tề tràn đầy mặt báo. Khi chúng tôi đang hưởng chút thoải mái trong nhà tù Ba Sao, ở miền Nam thân yêu, những người lính Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục đổ  máu và hy sinh tính mạng chỉ để giành giật lãnh thổ nhưng không nhìn thấy chiến thắng chung cuộc vì Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không bao giờ ngừng chuyển quân viện và vũ khí vào miền Nam và Việt Nam Cộng Hòa hầu như không đủ sức Bắc Tiến.

Nếu cuộc chiến cứ kéo dài như thế liệu những cam kết của Hoa Kỳ với Việt Nam Cộng Hòa có vững bền không khi trong bản hiệp định đã cho thấy Việt Nam Cộng Hòa sẽ không tồn tại mà tình hình miền Nam sẽ được giải quyết bằng một cuộc hiệp thương giữa ba thành phần theo như ngôn ngữ của Chương IV, “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam 27/1/1973”.
 
Thấy được những hiểm họa đó, có nghĩa chúng tôi đã thấy được thể chế Việt Nam Cộng Hòa trên đường sụp đổ, bại vong. Trừ phi có một phép lạ, miền Nam nảy sinh một nhân vật kiệt xuất như Napoléon, De Gaulle có khả năng đưa mảnh đất cuối cùng của người Việt yêu tự do ra khỏi vòng nguy biến.
 
Chúng tôi trích dẫn toàn văn CHƯƠNG IV dưới đây để quý độc giả tham khảo, nhận định tại sao chúng tôi kết luận rằng Hoa Kỳ đã có ý xóa sổ Việt Nam Cộng Hòa:
 
TRÍCH:
 
Chương IV: VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN TỰ QUYẾT CỦA NHÂN DÂN MIỀN NAM VIỆT NAM
Điều 9:
Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa cam kết tôn trọng những nguyên tắc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam dưới đây:
a) Quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm và phải được tất cả các nước tôn trọng.
b) Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ, có giám sát quốc tế.
c) Các nước ngoài sẽ không được áp đặt bất cứ xu hướng chính trị hoăc cá nhân nào đối với nhân dân miền Nam Việt Nam.
Điều 10:
Hai bên miền Nam Việt Nam cam kết tôn trọng ngừng bắn và giữ vững hòa bình ở miền Nam Việt Nam; giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng thương lượng và tránh mọi xung đột bằng vũ lực.
Điều 11:
Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ:
– Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia;
– Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín nguỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh.
Điều 12:
a) Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính nhau để thành lập Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau. Hội đồng sẽ làm việc theo nguyên tắc nhất trí. Sau khi Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc nhậm chức, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương để thành lập các hội đồng cấp dưới. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ ký một hiệp định về các vấn đề nội bộ của miền Nam Việt Nam càng sớm càng tốt, và sẽ làm hết sức mình để thực hiện việc này trong vòng chín mươi ngày sau khi ngừng bắn có hiệu lực, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân miền Nam Việt Nam là hòa bình, độc lập và dân chủ.
b) Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc có nhiệm vụ đôn đốc hai bên miền Nam Việt Nam thi hành Hiệp định này, thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ. Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do và dân chủ như đã nói trong Điều 9(b) và quy định thủ tục và thể thức của cuộc tổng tuyển cử này. Các cơ quan quyền lực mà cuộc tổng tuyển cử đó sẽ bầu ra sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam thông qua hiệp thuơng mà thỏa thuận. Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc cũng sẽ quy định thủ tục và thể thức tuyển cử địa phuơng theo như hai bên miền Nam Việt Nam thỏa thuận.
Điều 13:
Vấn đề lực luợng vũ trang Việt Nam ở miền Nam Việt Nam sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam giải quyết trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, không có sự can thiệp của nước ngoài, phù hợp với tình hình sau chiến tranh. Trong số những vấn đề hai bên miền Nam Việt Nam thảo luận có các biện pháp giảm số quân của họ và phục viên số quân đã giảm. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hoàn thành việc đó càng sớm càng tốt.
Điều 14:
Miền Nam Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập. Miền Nam Việt Nam sẵn sàng thiết lập quan hệ với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị và xã hội trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và nhận viện trợ kinh tế, kỹ thuật của bất cứ nước nào không kèm theo điều kiện chính trị. Vấn đề nhận viện trợ quân sự sau này cho miền Nam Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền của chính phủ được thành lập sau tổng tuyển cử ở miền Nam nói trong Điều 9(b).
 
HẾT TRÍCH
 
 
Theo như  điều khoản thượng dẫn, sau khi ký kết hiệp định miền Nam Việt Nam trở thành một vùng sôi đậu, da beo giữa hai chính quyền trong khi trước đây sau Hiệp Định Geneve 20 – 7 – 1954 từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam là vùng tập kết của những người quốc gia, là lãnh thổ của Quốc gia Việt Nam, sau này chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thừa kế, tiếp nối.
 
Như vậy rõ ràng Hoa Kỳ đã thỏa hiệp với Việt Cộng để biến hành động xâm lăng, phá hoại miền Nam của chúng qua cánh tay nối dài là MTDTGPMNVN trở thành tranh chấp nội bộ của miền Nam. Thật là một sự phản bội trắng trợn khi mấy năm trước Hoa Kỳ tự nguyện đến Việt Nam để giúp Việt Nam Cộng Hòa dẹp bọn phiến loạn cộng phỉ nhưng đến khi cần kết thúc cuộc chiến, Hoa Kỳ thừa nhận bọn ăn cướp và bắt gia chủ phải bàn bạc chia gia sản với chúng. Không những thế, Hoa Kỳ lại còn gài thêm điều khoản  về “Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc” để giúp bọn Việt Cộng lấy hai chống một trong khi bàn bạc, dàn xếp phương cách giải quyết công việc ở miền Nam. Với những nội dung như vậy, về chính trị Việt Nam Cộng Hòa xem như đã bị loại ra ngoài vòng chiến.
 
Những ngày tháng ngắn ngủi gặp lại bác Nguyễn văn Đãi, Đại Biểu Chính Phủ vùng I và anh Bảo Lộc, Phó Tỉnh Trưởng Thừa Thiên, chúng tôi đã  bộc lộ suy nghĩ về mối hiểm họa này và các vị cũng biểu đồng tình, riêng vấn đề trao trả về miền Nam xem như một “tabou” (cấm kỵ) không người nào muốn bàn tới.
 
Cho đến ngày…..
 
Tôi không bao giờ quên khi anh chàng công an trại Ba Sao vào mời tôi ra gặp trưởng phái đoàn phụ trách việc trao đổi, trao trả ngay buổi trưa ngày 30 Tết.
Lúc đó, tôi vừa từ trong nhà bước ra sân, định đi đánh bóng bàn, gã thiếu úy công an tên Chung gọi tôi:
-Anh Sơn định đi đâu đấy.
- Qua chỗ đánh bóng bàn, chơi vài hiệp.
- Thôi để lúc khác, tôi sang mời anh lên văn phòng gặp Thủ trưởng Phái Đoàn Bộ.”

Tôi hơi ngạc nhiên thầm nghĩ “tết đến nơi rồi, gặp mấy thằng công an hãm tài này thêm bực mình.” tuy nghĩ vậy nhưng cũng phải làm ra cách vui vẻ đi cùng hắn.  

Khi tên Chung đưa tôi vào hội trường, tôi hơi ngạc nhiên thấy hầu như toàn bộ những người cán bộ trong phái đoàn đều có mặt. Hình như họ vừa kết thúc một cuộc họp. Thấy tôi bước vào, tất cả đều đứng dậy tản đi, còn lại ba người ngồi trước cái bàn lớn. Một người lên tiếng và chỉ vào chiếc ghế đối diện với họ:
- Anh Hà Văn Sơn! Mời anh ngồi đây. Năm hết tết đến, chúng tôi có vài câu chuyện muốn trao đổi với anh.
 
Tôi gật đầu lên tiếng :”Chào các ông” rồi chẳng chút e dè, đủng đỉnh tiến tới ngồi vào chiếc ghế đối diện, định thần nhìn thẳng vào mặt đối phương qua cái bàn hội họp. Mấy hôm nay đã có nhiều anh em đi gặp phái đoàn nhưng cuộc gặp của tôi xảy ra ngay giữa trưa 30 tết quả là một điều hơi khác lạ, không bình thường. Rồi lại gặp một lúc đến ba người đứng đầu của phái đoàn với sắc diện "lựu đạn" cho thấy tình thế của “cuộc gặp gỡ nói chuyện” này không khác gì một buổi thẩm cung tại trại giam Thanh Liệt trước đây.

Tên trưởng đoàn ngồi quan sát kỹ thái độ và cử chỉ của tôi rồi lên tiếng:
- Anh Sơn hút thuốc đi, rồi chúng ta nói chuyện.
 
Tôi bình thản cầm gói thuốc Điện Biên bao bạc trên bàn, rút một điếu châm lửa hút, rồi nhìn những người đối diện qua khói thuốc. Giác quan thứ sáu đã cho tôi thấy có một mối hiểm nguy nào đó đang tiềm ẩn.
Một câu hỏi vang lên:
- Sức khỏe của anh thế nào?
Tôi bình thản nhìn vào gã trưởng phái đoàn:
-Cảm ơn ông!Tôi không bệnh tật gì.
- Các anh trong nhóm vẫn khỏe và có tư tưởng tốt chứ?
Tôi thực sự cảm thấy khó chịu nên phản ứng:
- Tôi chỉ biết phần tôi chứ những người khác sức khỏe và tinh thần tư tưởng ra sao làm thế nào mà tôi biết được.
- Ấy! Anh không biết về người khác nhưng một số người trong các anh lại biết rất rõ về tư tưởng của anh.
Tôi muốn cười phá lên trước cái trò "tâm lý nhái"| kinh điển “cổ lổ sỉ” này nhưng phải cố nhịn để xem cuộc nói chuyện đi theo hướng nào.
- Tư tưởng con người thì thiên hình vạn trạng lúc vững vàng, khi giao động. Làm sao mà ai biết được kể cũng lạ.
- Anh không tin điều tôi nói ra hay sao. Đây nhé! Chúng tôi được biết rằng anh là người khuyên bảo họ cần phải thể hiện sự trung thành với chế độ bù nhìn, tay sai Thiệu Khiêm ở Sài Gòn và đế quốc Mỹ. Anh lầm rồi…
Không để cho hắn nói tiếp, tôi lập tức chặn lại :
-Thưa... ông không nên nặng lời vô lý như vậy. Dù tôi không hề tham gia bầu phiếu cho Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu và Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm nhưng họ là nguyên thủ của chúng tôi. Đề nghị ông trọng thị trong phát biểu nếu ông không muốn chúng tôi đáp trả bằng cách gọi ông Hồ Chí Minh là Cáo già, tay sai cộng sản Nga Hoa và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là bọn ngụy quyền đánh thuê cho Cộng Sản Quốc Tế.”
- Sinh mạng của anh còn nằm trong tay chúng tôi mà anh dám ăn nói như vậy sao?
- Trường hợp của tôi cũng không khác gì những người cán binh đồng chí của các ông đang nằm trong tay chính thể Việt Nam Cộng Hòa.
-Anh còn trẻ quá, đừng ngang bướng không có lợi cho anh. Chúng tôi đang nhận nhiệm vụ tìm mọi cách giúp các anh sau này về trong Nam trở thành người tốt, có thể giúp đỡ cho cách mạng khi cần thiết.
-Tôi là một tù binh chứ không phải là cán binh, cũng không là thuộc cấp của ông nên khỏi phiền ông có hảo ý. Còn trường hợp nếu như tôi được trả về với chính quyền Sài Gòn, đối với những người cách mạng gặp tôi sau này, tôi sẽ rất vui lòng giúp đỡ bằng cách đưa họ vào các Trung Tâm Chiêu Hồi để họ mau chóng giác ngộ trở về với chính nghĩa quốc gia, học tập nghề nghiệp và trở thành người công dân lương thiện.
-Anh nói với tôi như thế này! Anh có hiểu rằng vô cùng nguy hại cho bản thân anh không? Anh không muốn về với gia đình hay sao?
-Tôi đã nói, tôi và những người cán binh Việt Cộng bị giam giữ ở miền Nam đều là tù binh giống nhau. Người nào cũng mong mỏi sớm gặp lại gia đình nhưng quyết định cho những người tù gặp lại gia đình hay không, lại tùy thuộc ở tinh thần tôn trọng hiệp định của đối phương và sự đòi hỏi của chế độ mà mình phục vụ. Thể chế VNCH là một thể chế quốc gia tôn trọng công pháp quốc tế nên cư xử tốt với tù binh và chắc chắn sẽ tôn trọng hiệp định về khỏan trao trả.
-Anh đánh giá thế nào về phía cách mạng chúng tôi?
-Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy các ông đưa việc học tập chính sách của các ông làm tiêu chuẩn để xem xét việc trao đổi trao trả.  Các ông cố tình tạo áp lực để cưỡng ép người tù binh phải làm những chuyện không theo nguyên tắc nào cả.
- Anh cố tình không hiểu ý câu hỏi của tôi. Tôi muốn hỏi, anh có nghĩ rằng chúng tôi sẽ trả các anh cho phía chính quyền Sài Gòn hay không?
 
Tôi trả lời bốp chát:
- Theo suy nghĩ của tôi là không?
- Dựa trên điều gì mà anh nghĩ như vậy.
- Tại tôi đang nói mà ông chận lại nên tôi chưa nói hết. Tôi đã tự kết luận như thế để khi bị giữ lại cũng không tuyệt vọng vì tôi biết rõ câu chuyện về những người tù binh Đức Quốc Xã ở Siberia, những tù binh Pháp ở Mộc Châu, Sơn La nên chuyện trở về với gia đình của chúng tôi chỉ là hãn hữu.
Tên trưởng phái đoàn cười nham hiểm, mỉa mai:
-Anh giỏi thật cả những chuyện như thế mà anh cũng biết.. Nhưng thôi! Buổi nói chuyện hôm nay, thật tâm chúng tôi muốn tạo cho anh một cơ hội để sớm gặp lại gia đình… Anh nghĩ thế nào?
Tôi cười khinh bỉ, giọng riễu cợt:
-Tôi đang lắng nghe đây.
Tiếng của tên trưởng đoàn trầm xuống:
-Tôi chỉ yêu cầu anh làm hai điều rất dễ vì việc của anh làm không phương hại đến ai cả.
 
Hắn nói tới đó và ngừng lại một cách rất thủ đoạn, chờ sự chú ý của tôi. Tôi bình thản châm điếu thuốc thứ tư hay thứ năm gì đó, nhả khói lên trời. Cả hai phía đều im lặng, dọ xét lẫn nhau. Cuối cùng, tên ngồi bên tay phải gã trưởng đoàn lên tiếng:
-Anh Sơn nghĩ sao?
Tôi giả vờ thắc mắc:
- Tôi đã biết mình phải làm chuyện gì mà nghĩ hay không nghĩ.
 
Gã bên phải nói tiếp:
-Chúng tôi muốn anh viết hai văn bản thủ tục; trước đây trong khi học tập trao đổi trao trả những người khác đã viết nhưng anh từ chối không chịu viết.
 
- Các ông muốn tôi viết bản “Tố Cáo Tội Ác Đế Quốc Mỹ và Ngụy Quyền Sài Gòn” và “Đơn Xin Khoan Hồng”?
 
- Đúng thế! Chỉ có vậy thôi! Không hơn, không kém.
 
Tôi bực bội:
-Con người tôi không thể làm những chuyện phi lý như vậy được. Tôi là một tù binh chiến tranh không có lý gì phải làm đơn …..

Gã trưởng đoàn sẵng giọng:
- Hôm nay, không phải là lúc đấu lý. Đây là yêu cầu của chúng tôi đặt ra. Anh có đáp ứng, tuân phục hay không mà thôi. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho anh ở “cách ly” để suy nghĩ cẩn thận.
 
Nói xong, hắn đứng dậy. Tôi cũng đứng dậy, quay lại đã thấy anh chàng Chung cùng hai tên cảnh vệ đợi sẵn ở cửa phòng họp. Chung nói với tôi:”Anh Sơn đi với chúng tôi”.
Thấy hắn hướng về phía trại giam, tôi làm bộ hỏi: Tôi còn hành lý cá nhân .
-Khỏi cần, tôi sẽ lấy và đem lên tận chỗ anh ở.
 
Tôi bình thản móc túi bật diêm, châm thuốc hút vì biết bọn chó đẻ này đã quyết định có biện pháp xử trí tôi vì thái độ, chủ trương chống đối trong học tập trước đây. Buổi gặp gỡ hôm nay đã có quyết định từ trước và việc đưa tôi đi cách ly chỉ là đòn phủ đầu tung ra đúng thời điểm nhằm trấn áp tư tưởng phản kháng của tất cả những người còn lại. Vậy là định mệnh đã lên tiếng gọi.

Tôi bỗng thấy hình ảnh của chính mình qua  con sói già bị thương của Alfred de Vigny:
 
“Gémir, pleurer, prier est également lâche. - Fais énergiquement ta longue et lourde tâche - Dans la voie où le Sort a voulu t'appeler - Puis après comme moi souffre et meurs sans parler.”
 
Đêm giao thừa năm đó, tôi đón xuân trong khu biệt giam trại Ba Sao. Bọn công an trại gài một tên tù hình sự ở chung phòng để kiểm soát an ninh đồng thời báo cáo mọi hành động và suy nghĩ của tôi trong giai đoạn này.
 
Chúng tôi tự hào đã giữ được khí phách và liêm sỉ của người lính qua việc bác bỏ không làm bản “Tố Cáo Tội Ác Đế Quốc Mỹ và Ngụy Quyền Sài Gòn”, không chấp nhận đầu hàng viết ”Đơn Xin Khoan Hồng” để làm điều kiện tiên quyết cho chúng cứu xét trao đổi, trao trả. Chúng tôi giữ được quốc thể vì đã dám có thái độ dứt khoát khi đối phương có lời lẽ không tôn trọng thể chế và nguyên thủ của Việt Nam Cộng Hòa, chúng tôi không thừa nhận đảng Cộng Sản và cái gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là nhà nước cách mạng, đồng nghĩa với tổ quốc và dân tộc Việt Nam.
 
Suốt thời gian sau đó nằm trong khu vực biệt giam, hoàn toàn đứt liên lạc với số người cùng đến Ba Sao. Tôi khắc khoải đợi chờ phép lạ xảy ra.. cho đến ngày 19 – 5 – 1973, tôi bị tước bỏ mọi điều kiện sinh hoạt nhỏ nhoi của một tù binh, đưa thẳng lên cùm tại trại Cổng Trời để trả giá cho việc biết giữ gìn liêm sỉ và quốc sỉ.
 
Nằm trong xà lim như chôn sống trong huyệt mộ hơn hai năm. Tin cộng sản cưỡng chiếm miền Nam khiến tâm hồn tôi tan nát, tuyệt vọng  nhưng không làm cho tôi phải ngạc nhiên. Hai năm ngắc ngoải của tôi ở xà lim trại Cổng Trời là định mệnh của một con người nhỏ bé; trong bốn bức tường xà lim lạnh lẽo, hai chân bị cùm, tôi không thể làm gì hơn ngoài việc kiên trì chịu đựng sự hành hạ của đói rét, nhìn cái chết đến chầm chậm.
 
Hai năm chuẩn bị lâm chung của Việt Nam Cộng Hòa là vận mệnh của cả một dân tộc và đất nước nhưng không có nhân tài nào xuất lộ, tìm ra một kế sách cứu quốc hay phương cách vận động khắp năm châu bốn biển để cứu vãn tình thế, mà chỉ biết ôm chặt lấy bầu sữa của một mụ đồng minh phản bội. Bọn chính khứa xôi thịt và lũ cầm quyền "chó nhảy bàn độc" lót đường vinh hoa, phú quý bằng xương máu người lính đã chuẩn bị ra đi từ lâu.
 
Quả là vận nước đã đi vào thời quốc mạt.
 
Với một thế hệ lãnh đạo như vậy, chẳng trách nào đến ngày hôm nay, sau 40 năm vẫn có những bộ óc điên rồ, hoang tưởng đòi khôi phục lại “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam 27/1/1973”.
 
Những người này đều thuộc loại “học nhi bất thức” đến nỗi không hiểu được một nguyên tắc sơ đẳng: “Tất cả mọi hiệp định, hòa ước chỉ có giá trị thực tế khi các bên duy trì được sự thăng bằng trong cán cân quân sự. Nếu vì một lý do nào đó tương quan lực lượng mất thăng bằng, hiệp định lập tức không còn giá trị.”

Lịch sử thế giới cho thấy trong đệ nhị thế chiến, Hitler đã xé bỏ bao nhiêu hiệp ước để vẽ lại bản đồ châu Âu khi lực lượng quân sự Đức có sức mạnh vượt trội.
 
Lịch sử của dân tộc Việt Nam trên giải đất hình chữ S sau đệ nhị thế chiến đã có hai bản hiệp định có giá trị lịch sử nhưng đến nay không còn giá trị thực tế.
Đó là “Hiệp Định Geneve 20-7-1954” cắt đứt Việt Nam thành hai miền và Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam 27/1/1973” do chính Hoa Kỳ chủ trương để bàn giao toàn bán đảo Đông Dương cho Việt Cộng. 
Trong cuộc chiến tranh Đông Dương từ năm 1945 cho đến năm 1975, tài phiệt Hoa Kỳ đã đạt được mọi yêu cầu. Hoa Kỳ đã tiêu thụ hết những kho bom đạn thặng dư sau đệ nhị thế chiến ở cả hai phe Cộng Sản và Tư Bản. Vì tất cả những nhà máy vũ khí của Liên Xô cũng đều do tài phiệt ở Wall Street đầu tư. Bất nhân nhất là những phát minh khoa học kỹ thuật tân tiến của Hoa Kỳ đã được chuyển giao cho những nhà máy ở Liên Xô để chế tạo các loại vũ khí đặc biệt viện trợ cho Việt Cộng bắn vào các phi cơ và quân đội Hoa Kỳ chiến đấu ở Việt Nam.
Việc Hoa Kỳ bỏ tiền đồn Việt Nam Cộng Hòa cho Việt Cộng được bù lại bằng việc Hoa Kỳ chính thức bước vào thị trường Hoa Lục. Và cho đến nay, sau 40 năm, không chừng cả giải đất hình chữ S có thể sẽ trở thành tiền đồn chống Trung Hoa….
 
(trích Hận Cùng Trời Đất)
 
Kim Âu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét