Thành Định Tường mới được xây dựng trên ranh giới 2 thôn Điều Hòa và Bình Tạo vào năm Bính Tuất (1826) đều thuộc H.Kiến Hưng, phủ Kiến An, trấn Định Tường (năm 1831 đổi thành tỉnh Định Tường).
Thành xây kiểu Vauban, đắp bằng đất, ngoài ốp gạch, 4 góc có 4 pháo đài hình hoa mai. Ngoài thành có hào, có lũy. Hào thành về sau được người Pháp cải tạo thành giếng nước Mỹ Tho hiện giờ. Thành có 4 cửa, cửa chính quay về hướng nam. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết chu vi thành 320 trượng, cao 9 thước, 5 tấc. Hào rộng 8 trượng, sâu 6 thước 5 tấc. Trong thành có cột cờ, hành cung, dinh Tuần phủ, Bố chánh, Án sát. Hai bên có 2 ty: Ty Phiên và Ty Niết, phía sau có doanh trại quân đội, các bộ phận chuyên môn: Y, Chiêm, Lễ. Phía đông thành, có ngôi chợ mới gọi là chợ Tân Thành được ông Dương Tấn Thọ đứng ra lập cũng vào năm 1826. Mấy năm sau trở nên sung túc, tức chợ Mỹ Tho ngày nay.
Vào tháng 6 năm Quý Tỵ (1853), Lê Văn Khôi nổi dậy chiếm thành Phiên An, sai Thái Công Triều dẫn quân xuống lấy thành Định Tường. Tổng đốc Long Tường là Lê Phước Bảo đánh nhau với giặc Khôi tại Sông Tra bị thua, mất cả chiến thuyền, lương thực, vũ khí, bèn chạy về Vũng Gù. Tuần phủ Tô Trân, Án sát Ngô Bá Tuấn để mất thành. Nhưng 2 tháng sau, Án sát Ngô Bá Tuấn đã tập hợp dân quân ứng nghĩa lấy lại thành.
Cổng thành Định Tường do người Pháp vẽ năm 1861 - Ảnh: N.P |
Tháng 4 năm 1861, quân viễn chinh Pháp đánh chiếm Định Tường, họ chia lực lượng làm 2 mũi: Đầu tiên một đoàn chiến thuyền của chúng đến vàm Vũng Gù, tấn công các đồn phòng thủ và phá các cản hàn trên kênh Trạm (kênh Bảo Định). Một đoàn chiến thuyền khác đánh phá phía cửa Tiểu và vượt qua các cản hàn Từ Linh, Kỳ Hôn... tấn công thành Định Tường từ phía sông Tiền. Vì liệu giữ thành không nổi nên quan quân nhà Nguyễn cho đốt hết kho tàng rồi rút lui, để toán quân này chiếm được thành vào khoảng trưa ngày 12.4.1861.
Trong khi đó, mũi quân thứ nhất bị đánh chặn ác liệt nên tiến rất chậm. Trung tá Bourdais bị trúng đạn thần công bỏ xác tại đồn Trung Lương (tài liệu Pallude ghi là Tam Leon và cho biết xác Bourdais được chôn vội trong ngày). Sau khi chiếm thành Định Tường, thực dân Pháp đã cải táng, đưa xác Bourdais vào chôn giữa thành để tôn vinh. Đến khi chỉnh trang đô thị, đắp đại lộ Bourdais (nay là đường Hùng Vương), ngày 24.6.1899, xác Bourdais lại được cải táng đưa ra đất “Thánh tây”. Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, mộ Bourdais đã bị tô trét sơn sửa thành mộ “Chiến sĩ vô danh”. Sau này, khi đất “Thánh tây” bị giải tỏa thì phát hiện nhiều ngôi mộ đều không có quan tài. Chính quyền thực dân đã xây mộ giả để đặt tràng hoa và mặc niệm trong các buổi lễ, còn thi hài có lẽ được đem về xứ.
Mặc dù chiếm được thành Định Tường, nhưng quân viễn chinh Pháp luôn lo sợ bị tấn công, vì vậy họ cho đắp một con đường phía đông tường thành, 2 bên trồng dừa nên gọi là đường Dừa, sau đổi tên là Avenue d’ Ariès, nay là đường Lê Lợi. Doanh trại quân viễn chinh Pháp đóng sát vàm Mỹ Tho. Phía trong là nhà của các quan chức người Việt, phía ngoài sát sông Tiền có sà-lúp chiến thuyền đậu, do đó, trong thành cũ chỉ có chuồng ngựa, kho cỏ, kho lương thực và doanh trại lính mã tà.
Khoảng năm 1883, thực dân Pháp phá thành Định Tường lấy đất san lấp những chỗ trũng, xây dựng dinh Tham biện, doanh trại quân đội, Trường trung học Mỹ Tho... Đến khoảng năm 1920, Pháp mới xây dựng ở cuối đại lộ Bourdais một “đài chiến sĩ”, kỷ niệm những thanh niên chết trận trong đệ nhất thế chiến (1914 -1918). Nhưng khoảng năm 1956, đài chiến sĩ này bị phá cùng lúc với việc đổi tên đại lộ Bourdais thành đường Hùng Vương. Ngày nay, tên “cầu Đài chiến sĩ” vẫn còn nhiều người gọi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét