26 tháng 9, 2019

35 năm cuộc chiến đấu bảo vệ Vị Xuyên (Hà Giang): Nằm lại núi đồi Vị Xuyên

3 Thanh Niên
Ngày 12.7 hằng năm cũng được coi là ngày “giỗ trận” chung cho những người đã nằm lại núi đồi Vị Xuyên.
12.7.1984 mở đầu chiến dịch mang mật danh “MB-84” nhằm phản kích lấy lại các điểm cao bị quân Trung Quốc đánh chiếm trên mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). Ngày 12.7 hằng năm cũng được coi là ngày “giỗ trận” chung cho những người đã nằm lại núi đồi Vị Xuyên.
35 năm cuộc chiến đấu bảo vệ Vị Xuyên (Hà Giang): Nằm lại núi đồi Vị Xuyên1
Vận chuyển vũ khí đạn dược lên biên giới Vị Xuyên
ẢNH: TƯ LIỆU

Súng nổ ngày mùng 3 tết

Sau thời gian vừa huấn luyện vừa làm kinh tế, tháng 11.1977, anh Trịnh Thành Tuyên ở H.Yên Sơn (Tuyên Quang) cùng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 122, Bộ Chỉ huy quân sự (BCHQS) tỉnh Hà Tuyên (nay là BCHQS Hà Giang) lên xã Thanh Thủy, H.Vị Xuyên (Hà Giang) làm đường. Đầu 1978, đơn vị chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, chốt dọc biên giới Xín Chải, Thanh Đức. “Đêm mùng 3 Tết âm lịch 1979, tổ tuần biên của Đại đội 9 chạm trán một trung đội lính Trung Quốc trên đồi Cây Xanh, điểm cao 1427. Ta hy sinh một chiến sĩ”, anh Tuyên nói và hồi tưởng: “Sáng 17.2.1979, Trung Quốc đồng loạt tấn công trên tuyến biên giới phía bắc nước ta. Ở Hà Tuyên (nay là Hà Giang), chúng tràn sang lấn chiếm vào hướng chốt giữ của Tiểu đoàn 3 và gọi pháo binh yểm trợ, chiếm các điểm cao 1800a, 1785, 1800b, 1688...”.
5 ngày sau, Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 122) chiếm lại các chốt dọc biên giới Vị Xuyên khiến phía Trung Quốc điên cuồng tìm mọi cách tái chiếm. Buổi sáng 11.3.1979, anh Tuyên đi cùng chỉ huy kiểm tra các chốt, cũng chính là lúc phía Trung Quốc mở đợt tấn công quy mô lớn chiếm các điểm cao do đơn vị phụ trách.

Giữ suối Thanh Thủy

35 năm cuộc chiến đấu bảo vệ Vị Xuyên (Hà Giang): Nằm lại núi đồi Vị Xuyên1
Bộ đội ta chốt giữ trên khu vực Bốn Hầm, 1987
ẢNH: THUẬN HÓA
Thiếu tướng Hoàng Văn Toái, nguyên Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 2, nguyên Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Hà Giang, nhớ lại thời điểm là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 14, Sư đoàn 313 của Quân khu 2: Tháng 3.1984, quân tình nguyện VN cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc truy quét lớn quân Khmer Đỏ. Ở biên giới phía bắc, Trung Quốc ráo riết chuẩn bị lấn chiếm lãnh thổ VN. Trên tuyến biên giới Hà Tuyên, địch tập trung nhiều sư đoàn áp sát Vị Xuyên, Yên Minh. Từ ngày 2 - 27.4.1984, phía Trung Quốc bắn hơn 11.000 viên đạn pháo sang Hà Tuyên. Sáng 28.4.1984 trên hướng Vị Xuyên, chúng bắn gần 12.000 viên đạn pháo chi viện cho bộ binh tiến công các điểm phòng ngự của ta ở phía bắc suối Thanh Thủy. 
 
Do tương quan lực lượng quá lớn, cuối ngày 30.4.1984, Trung Quốc đã đẩy bộ đội ta khỏi các điểm cao 1545, 1509, 772, 685, 226, 233 và bình độ 300 - 400. Phía ta, Trung đoàn 122 (thuộc Sư đoàn 313) bị tổn thất nặng, phải lui về phòng ngự ở các vị trí thấp hơn.
Chiều 30.4.1984, Trung đoàn trưởng Hoàng Văn Toái nhận lệnh: “Lập tức chiếm lĩnh trận địa phòng ngự, không để địch lấn chiếm sang phía nam suối Thanh Thủy”. Rạng sáng 1.5.1984, Trung đoàn 14 bám nắm các vị trí bắc suối Thanh Thủy; điểm nào đối phương chưa chiếm thì dâng đội hình lên chốt giữ (đồi Cô Ích, đồi Đá Pháp, đồn biên phòng cũ, lô cốt Gốc Gạo)... Thời điểm này, lính Trung Quốc đã chiếm giữ đỉnh A5, khiến đội hình 2 bên nằm xen kẽ nhau. Bộ đội phải bố trí phòng ngự vòng tròn khép kín, tăng cường cải tạo hang hốc thành trận địa vững chắc, không để đối phương đánh chiếm.

Giành giữ 233

Cuối tháng 5.1984, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 quyết định tập trung xây dựng lại trận địa phòng ngự; củng cố các đơn vị, từng bước đánh lấy lại các điểm tựa đã mất. Thiếu tướng Hoàng Đan, phái viên của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân VN, lên tận Vị Xuyên trực tiếp chỉ đạo rút kinh nghiệm cách đánh. Chiều 2.6.1984, Ban Chỉ huy Trung đoàn 14 (Sư đoàn 313) quyết tâm chiếm lại điểm cao chiến lược 233.
Rạng sáng 12.6.1984, pháo binh ta bắn trùm lên các điểm cao 233, 226 yểm trợ cho bộ binh vận động đánh chiếm mục tiêu. Tuy nhiên, khi bộ đội vừa rời khỏi vị trí xuất phát tiến công thì bị hỏa lực địch bắn trùm vào đội hình, gây tổn thất lớn. Mãi đến chiều tối, ở hướng chủ yếu mới chiếm được 2 công sự bê tông cách đỉnh 233 khoảng 50 m. Ở hướng thứ yếu nhiều vật cản, không đủ bộc phá để mở cửa, đội hình ùn lại bị thương vong nhiều... “Lệnh của trên là chuyển vào thế trận phòng ngự. Toàn Trung đoàn 14 của tôi dàn ra phòng ngự, hoạt động tác chiến chủ yếu là giữ vững các mục tiêu đã chiếm kết hợp tập kích hỏa lực, bắn tỉa. Công tác đảm bảo cho bộ đội vô cùng khó khăn, việc tiếp tế cơm, nước lên chốt phải đi vào mờ sáng và chiều tối”, thiếu tướng Toái nhớ lại và trầm giọng: “Đúng 1 tháng sau (11.7.1984), chúng tôi mới bàn giao trận địa cho Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316, Quân khu 2) để chuẩn bị tiến công vào hôm sau”.
Hôm sau là 12.7.1984 - ngày mở đầu chiến dịch mang mật danh “MB-84” với mục đích phản kích để lấy lại các điểm cao bị quân Trung Quốc đánh chiếm. Ngày 12.7.1984 cũng in dấu trong tâm trí mọi cán bộ chiến sĩ mặt trận Vị Xuyên và bây giờ, ngày 12.7 hằng năm được coi là ngày “giỗ trận” chung cho những người đã nằm lại núi đồi Vị Xuyên. (còn tiếp)
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viếng các anh hùng liệt sĩ tại Vị Xuyên
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viếng các anh hùng liệt sĩ tại Vị Xuyên
Chiều 11.7, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Giáo hội Phật giáo VN, Hội Cựu chiến binh VN, T.Ư Hội Chữ thập đỏ VN đã đến dâng hương, dâng vòng hoa, viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (ảnh). Tối cùng ngày, tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, T.Ư Giáo hội Phật giáo VN cùng tỉnh Hà Giang tổ chức đại lễ cầu siêu anh linh anh hùng liệt sĩ, cầu quốc thái dân an.
Nghĩa trang Vị Xuyên hiện có 1.797 ngôi mộ liệt sĩ và một mộ liệt sĩ tập thể cùng 330 mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Trong số đó, có hơn 1.500 liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc (1979 - 1989). Tới nay, sau gần 40 năm, vẫn còn hàng ngàn liệt sĩ hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên chưa được quy tập.
Tin, ảnh: Lê Hiệp - Lưu Gia
Theo thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh toàn quốc mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên, các sư đoàn trực tiếp chiến đấu là: 312, 313, 314, 356, 316, 325, 31, 3; các trung đoàn thuộc Quân khu 1, Quân khu Thủ đô, Đặc khu Quảng Ninh, các binh chủng của Bộ và Quân khu 2 (pháo binh, công binh, thông tin, hóa học, phòng không, đặc công) và các trung đoàn, tiểu đoàn, dân quân tự vệ tỉnh Hà Tuyên, Trung đoàn 754 Sơn La... Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh, phần lớn trên dưới 20 tuổi và hàng ngàn người bị thương. Đến nay còn hơn 2.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt.
Tóm tắt diễn biến chiến sự mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên
 
- Từ 2.4 - 28.4.1984: Địch tập trung pháo binh bắn phá khu vực Vị Xuyên, từ điểm cao 1545 đến điểm cao 1030.
- Từ 28.4 - 30.4.1984: Địch bắn pháo để chi viện cho bộ binh tấn công đánh chiếm các điểm cao 226, 233, bình độ 300 - 400, 1509, 772, 685. Trong 2 ngày địch đã chiếm được 226, 233, 772, 1509, bình độ 300 - 400, E1, 685 và lấn vào lãnh thổ VN khoảng 2 km.
- Ngày 15.5.1984: Địch mở đợt tiến công phía đông sông Lô và sau đó đã chiếm được các điểm cao 1030, Si Cà Lá, 1250, đài 2, M13 (như vậy, từ 28.4 đến 16.5.1984, địch chiếm 18 điểm, triển khai phòng ngự chốt giữ 29 điểm trên lãnh thổ VN. Trong đó có khu 1509, 772, Si Cà Lá 1030, 1250 Núi Bạc).
- Ngày 12.7.1984: Ta nổ súng tiến công giành lại các chốt bị chiếm đóng. Tuy đã chiến đấu rất quyết liệt nhưng đợt tiến công của ta đã không thành công.
- Bộ Tư lệnh mặt trận mở đợt tấn công vây lấn từ 18.11.1984 đến 18.1.1985. Dù chưa khôi phục hoàn toàn khu vực A5, 300 - 400, 685 nhưng ta đã giành được một số chốt, hình thành thế phòng ngự xen kẽ, bám sát địch.
- Trong 2 năm 1985 - 1986: Địch tiếp tục mở nhiều đợt tiến công lấn chiếm trận địa của ta. Chiến sự diễn ra khá quyết liệt, có những nơi như ở Bốn Hầm, ta và địch giành giật nhau tới 38 lần, điểm cao 685 tới 41 lần, đồi Cô Ích tới 45 lần.
- Từ năm 1987 trở đi: Chiến sự ở mặt trận Vị Xuyên dần lắng xuống. Từ năm 1989, địch giảm bắn pháo và rút khỏi một số điểm phía bắc suối Thanh Thủy.
- Ngày 13.3.1989: Địch rút khỏi 20 điểm chiếm đóng và đến tháng 9.1989, địch rút khỏi 9 điểm còn lại.
(Theo đại tá Bùi Thuận Hóa, nguyên Trưởng phòng, Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị)

Cao điểm Vị Xuyên: Thất trận, lính Trung Quốc nổi loạn bắn chỉ huy

 - Trận A6B (mặt trận Vị Xuyên) đã đi vào lịch sử hào hùng của quân đội ta như một trận phản kích, phòng ngự thắng lợi. Đối với đối phương, đây là một trận thất bại cay đắng, được nhắc đến nhiều, ngoài tổn thất lớn, cũng bởi sau trận này đã xảy ra vụ binh biến chưa từng có: lính vác súng bắn chỉ huy quân đoàn vì bất tài, nướng quân vô ích…

Trong 6 năm chiến đấu phòng ngự chống Trung Quốc lấn chiếm ở mặt trận Vị Xuyên đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, nhưng ít có trận nào được báo chí Trung Quốc nói đến nhiều như trận ngày 31/5/1985 trên cao điểm A6B (phía Trung Quốc gọi là cao điểm 211). Khu vực này cùng Bốn Hầm, 772… là nơi chiến sự diễn ra ác liệt nhất. Địch dội xuống đây hàng trăm ngàn quả đạn pháo khiến đỉnh núi bị bạt thấp đi mấy mét, đá trở nên trắng xóa vì đạn pháo, nên được lính ta gọi là “Lò vôi thế kỷ”. Nhưng chính tại nơi này, cán bộ chiến sĩ ta đã kiên cường tiến công giành lại trận địa, bám trụ cho đến khi đối phương phải rút quân về bên kia biên giới.
Cao điểm Vị Xuyên: Thất trận, lính Trung Quốc nổi loạn bắn chỉ huy
Vị trí đóng quân xen kẽ khu vực trước khi xảy ra trận đánh (chữ màu đỏ là quân Trung Quốc giữ, chữ màu đen là quân ta giữ). Ảnh do tác giả cung cấp.
Trận A6B đã đi vào lịch sử hào hùng của quân đội ta như một trận phản kích, phòng ngự thắng lợi. Đối với đối phương, đây là một trận thất bại cay đắng, được nhắc đến nhiều, ngoài tổn thất lớn, cũng bởi sau trận này đã xảy ra vụ binh biến chưa từng có: lính vác súng bắn chỉ huy quân đoàn vì bất tài, nướng quân vô ích…
Mạng Thiết Huyết (Tiexue.net) của Trung Quốc hiện vẫn đang đăng trên mục “Lịch sử Trung Quốc” của Diễn đàn lịch sử Thiết Huyết bài viết về trận huyết chiến A6B và chuyện xảy ra sau đó với nhan đề: “Hổ phụ sinh khuyển tử: Túc Nhung Sinh, con trai Túc Dụ và trận thảm bại ngày 31/5 của Quân đoàn 67” tại địa chỉ: http://bbs.tiexue.net/post _ 3404616_ 1. html. Ngoại trừ những chi tiết bịa đặt, phóng đại thắng lợi, che dấu thất bại, bài báo đã phản ánh phần nào thực tế cuộc chiến đấu ác liệt này. Xin lược dịch dưới đây để bạn đọc tham khảo (đề mục nhỏ do chúng tôi đặt).
Bất ngờ bị mất điểm cao 211

Cao điểm 211 (tức A6B) ở khu vực cửa khẩu Na La, mặt trận Lão Sơn (tức cụm cao điểm 1509, phía Tây sông Lô thuộc xã Thanh Thủy, Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) được Quân đoàn 1 (QĐ1) chiếm được ngày 11/2/1985.  
Cao điểm Vị Xuyên: Thất trận, lính Trung Quốc nổi loạn bắn chỉ huy
Một góc nhìn khác về A6B (cao điểm 211) với các trận địa 1, 2, 3 (chỗ khoanh đỏ là nơi hàng chục lính Trung Quốc bị chết). Ảnh do tác giả cung cấp.
Ngày 18/5/1985, Quân đoàn 67 sau khi ra luân chiến đã tiếp nhận bàn giao trận địa từ Quân đoàn 1. 13 ngày sau, vào lúc 5h10’ ngày 31/5/1985, Quân khu 2 Việt Nam nhân lúc QĐ67 đứng chân chưa vững đã phát động cuộc tấn công “M-1” pháo kích mãnh liệt toàn bộ mặt trận suốt 45 phút. Đến 5h55’, khi pháo binh chuyển làn, tiểu đoàn (d) 4 trung đoàn (e) 982 của Việt Nam đã chia làm hai hướng tiến công 3 điểm cao 211, 156 và 166; cùng lúc d5/e982 của họ nghi binh tiến công các cao điểm 140, 142. 
Dưới sự yểm hộ của pháo binh, quân đội Việt Nam đã lợi dụng ưu thế binh lực nhanh chóng đánh chiếm các chốt số 1. 2 của điểm cao 211, tiểu đội chốt giữ ở đó cơ bản chết hết, chiến sĩ Lý Lâm Hải ở chốt số 1 bị bắt làm tù binh; tiểu đội trưởng Bào Hổ Dân bỏ trận địa nhảy xuống thung lũng trốn sau 7 ngày mới tìm về được trận địa bên kia. Sau đó quân Việt Nam nhiều lần tổ chức tiến công các điểm cao 140, 156, 166 đến tận 9h30’ tối mới ngừng. Điểm cao 211 không rộng lắm, nằm kề điểm cao 227 (tức A6A) do quân Việt Nam chốt giữ. Toàn bộ 211 chỉ có 3 điểm chốt; nói cách khác, quân Việt Nam đã chiếm lại thành công toàn bộ cao điểm 211.
Bị mất trận địa nhưng báo cáo vẫn đang kiểm soát
Cao điểm Vị Xuyên: Thất trận, lính Trung Quốc nổi loạn bắn chỉ huy
Hình ảnh nơi xảy ra trận đánh ác liệt cao điểm 211 (A6B) phía bên phải. Ảnh do tác giả cung cấp.
Ngày hôm đó, QĐ67 khi báo cáo Quân khu Côn Minh và Bộ Tổng tham mưu Trung Quốc vẫn nói đang kiểm soát được 21; nhưng Trung tướng Ngôi Phúc Lâm, Cục trưởng Tác chiến/BTTM tỏ ý sẽ tự mình ra Lão Sơn kiểm tra công tác, yêu cầu QĐ 67 cho gọi chiến sĩ ở cao điểm 211 xuống báo cáo. Không còn cách nào khác, QĐ 67 ra lệnh bằng mọi giá phải chiếm lại các chốt số 1, 2 của 211.
Sư trưởng f199 khi đó là Thiếu tướng Trịnh Quảng Thần (sau này khi về hưu đang là Phó tư lệnh Quân khu tỉnh Sơn Đông) lên tiếng phản đối mạo hiểm xuất kích, cho rằng bộ đội vừa tiếp nhận trận địa, chưa thông thạo tình hình chiến trường, địa hình và tình hình bên kia, cần phải để quân lính có quá trình làm quen. 
Trịnh Quảng Thần nói: trận đầu rất quan trọng, không đánh thì thôi, nếu đánh phải thắng, chắc thắng hãy đánh. Ý kiến của Thần không những không được chấp nhận, mà còn bị Tham mưu trưởng QĐ67 là Túc Nhung Sinh phê bình là “sợ chiến đấu”, “dao động”. Túc Nhung Sinh báo cáo vấn đề của Trịnh Quảng Thần lên Tư lệnh quân đoàn. Tức giận, tư lệnh QĐ 67 đã bãi quyền chỉ huy của Trịnh Quảng Thần, giao Túc Nhung Sinh vượt qua mặt cơ quan f199, trực tiếp sử dụng cơ quan quân đoàn tổ chức cho e595/f199 tổ chức phản kích nhằm lấy lại trận địa. 
Túc Nhung Sinh là con trai của Đại tướng Túc Dụ (1907 – 1984, nguyên Ủy viên thường vụ Quân ủy, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc), mới được đề bạt làm sư trưởng của f200 được một năm, trước khi QĐ 67 ra biên giới nhờ chạy các mối quan hệ nên được đề bạt Tham mưu trưởng qđ67. Chuyến đi “tráng men” (nguyên văn: mạ vàng) này của Sinh đã khiến quân lính f199 rơi vào bi kịch.
Sau khi QĐ 67 thảm bại, Sinh ngồi im trên ghế Tham mưu trưởng quân đoàn 5 năm, đến 1990 bị điều ngang về Bộ TTM làm Cục phó Quân vụ (Quân lực), ngồi chơi xơi nước. Sau khi “Dương gia tướng” (ám chỉ anh em Dương Thượng Côn, Dương Bạch Băng) bị ngã ngựa, Trương Vạn Niên - bộ hạ cũ của ông Túc Dụ lên làm Phó chủ tịch Quân ủy đã đề bạt Túc Nhung Sinh làm Tư lệnh quân đoàn 24; tháng 11/1997 lại đề bạt Sinh làm Phó tư lệnh Quân khu Bắc Kinh phụ trách hậu cần, nội vụ, ngoại sự…Năm 1999, Sinh được phong hàm Trung tướng sau 11 năm ngồi im với lon Thiếu tướng.
Trở lại câu chuyện ở mặt trận năm 1985. Ngày 1/6/1985, tiểu đoàn 1, trung đoàn 595, sư đoàn 199, quân đoàn 67 do Túc Nhung Sinh tổ chức tập kết ở cao điểm 255 tiến hành phản kích định chiếm lại cao điểm 211; tiểu đoàn phó Vương Triều Đông phụ trách chỉ huy tuyến 1.
Sáng sớm, dưới màn mưa như trút, Đông dẫn phân đội xung kích xuất kích; cùng lúc mũi thứ hai do trung đội (b) trưởng b2/c1 Vương Trung Viễn chỉ huy cũng từ cao điểm 908 đánh xuống. Hai mũi đột kích vượt qua địa hình lồi lõm nhằm thẳng hai trận địa chốt số 1, 2 trên 211 xông tới. Lúc đó, quân Việt Nam trên 211 phát hiện 2 toán xung kích của ta (Trung Quốc), cuộc chiến lập tức bùng phát. Quân Việt Nam chiếm địa thế cao hơn ném lựu đạn và bắn quét như mưa, đồng thời gọi pháo binh tiến hành phong tỏa hỏa lực, pháo Trung Quốc cũng bắn chế áp lên 211.
Cao điểm Vị Xuyên: Thất trận, lính Trung Quốc nổi loạn bắn chỉ huy
Lính Trung Quốc sau trận đánh đẫm máu. Ảnh do tác giả cung cấp
Đạn pháo của cả hai bên cùng bắn trùm lên 255 và 211, mảnh đạn bay tứ tung. Hai tiểu đội trưởng lần lượt chết trên đường xung phong, dưới một mỏm đá cao 5m ở chân 211, hơn 10 lính xung kích tử trận, máu hòa vào bùn đất. Những người sống sót lui về chốt số 3 củng cố lại rồi xung phong tiếp. Quân Việt Nam ở 211 và 227 phối hợp đánh chặn. Sau khi quân Trung Quốc chiếm được trận địa số 1 và 2, quân Việt Nam ở 255 liền tổ chức bao vây, đẩy lui 8 lính còn sống sót trong đó 5 đã bị thương về trận địa số 3. Sau khi chốt giữ mấy ngày ở chốt số 3, 5 lính bị thương đều bị chết…
Trong máy Vô tuyến điện 861 không ngừng vang lên tiếng các mũi xung kích gọi nhau, nhưng đại bộ phận họ sau đó đều chết và bị thương. Dưới màn mưa và đạn pháo, đại đội (c) 3 tổ chức 3 đợt xung phong nữa, nhưng qua ngày thứ 2 chỉ còn sót lại 2 người… 
Trong các ngày từ 2/6 đến 11/6, các đội viên xung kích của quân  Trung Quốc cơ bản không có cách nào tiếp cận được cao điểm 211, mà các người chỉ huy ở Sở chỉ huy tiền phương vẫn cứ liên tục thúc giục xung phong. Trong tình hình không thể giành lại được 211, quân đoàn 67 vẫn ném nhiều binh lực và đạn dược, cố bằng mọi giá quyết giành lại cao điểm này. Trong chiến đấu, do hỏa lực pháo binh Việt Nam quá dữ dội, thi thể những lính xung kích bị chết không thể đem về được, cảnh tượng xác chết nằm phơi mình khắp nơi trôn rất thê thảm…f199 phải tổ chức mấy đợt tiến công có yểm hộ để lấy xác. 
Trong cuộc chiến đấu kéo dài 11 ngày đó, e595/f199/qđ67 bị tổn thất nghiêm trọng: 2 tiểu đoàn bị quân Việt Nam đánh tan, biên chế từ đại đội đến trung đoàn hoàn toàn bị xóa. Để tăng viện cho e595, đơn vị dự bị của sư đoàn là d3/e597 cũng tổn thất nghiêm trọng. Hơn 120 đội viên đột kích mãi mãi nằm lại 211, còn số bị thương thì không sao tính xuể; mấy trăm hầm hố, hang động lớn nhỏ xung quanh khu vực này chỗ nào cũng chật kín thương binh. Sau trận đánh, khi rút về tuyến sau, số người còn tự mình đi về trận địa xuất phát được chỉ chiếm không tới 1/10… Cả trung đoàn 595 đã mất sức chiến đấu, không thể đảm đương được nhiệm vụ tác chiến, phải đưa ra khỏi mặt trận để chỉnh đốn. Để thay thế e595, Quân khu Tế Nam phải khẩn cấp thành lập e598 từ 3 tiểu đoàn lấy từ các e598, 599,600 và đại đội pháo lấy từ f76 để đưa ra Vân Nam thay cho e595.
Cao điểm Vị Xuyên: Thất trận, lính Trung Quốc nổi loạn bắn chỉ huy
Mệnh lệnh của SCH quân khu yêu cầu từ 4/6 tổ chức các cuộc xung phong cấp trung đội, đại đội quyết giành lại chốt 1 và 2. Trong đó khoác lác trận 31/5 đã tiêu diệt hơn 700 quân Việt Nam. Ảnh do tác giả cung cấp.
Về mặt địa hình, cao điểm 211 không có giá trị quân sự gì lớn, nhưng vì nó được QĐ 67 nhận bàn giao từ quân đoàn 1 nên chỉ huy QĐ 67 nhận định không thể để mất, tung lực lượng lớn binh lực vào chịu trận dưới hỏa lực pháo của Việt Nam. Đó là nguyên nhân chủ yếu gây nên trận thảm bại 11/6. Sau khi tin tức về thất bại của e595/f199/qđ67 lan truyền, toàn quân Trung Quốc đều sửng sốt. Thế nhưng, đối với các quân binh e595 đã bỏ mình trong trận đó, điều đáng tiếc không chỉ có thế. 
Trong số họ, đại bộ phận sau đó đã không được tôn vinh đúng mức. Trong danh sách gần 100 liệt sĩ được khen thưởng huân chương, ngoài Giả Kha, không thấy có tên các quan binh của e595 chết trong trận 11/6. 
Quân lính phẫn uất bắn chỉ huy
Quân binh f199 từ trên xuống dưới cực kỳ phẫn nộ đối với thủ trưởng quân đoàn 67. Rất nhiều người viết đơn tố cáo, kiện lên tới Quân ủy và Tổng bộ, chỉ trích Tham mưu trưởng quân đoàn không nghe ý kiến bộ đội, đánh nhau trên giấy, gây nên thất bại nghiêm trọng ngay trận đầu ra quân. Bộ Tổng tham mưu Trung Quốc lần lượt cử các đoàn do Cục trưởng Quân huấn Thác Hiệp dẫn đầu xuống điều tra. Sau khi điều tra kết luận khẳng định không phải do lãnh đạo f199 sợ chiến đấu, mà do thủ trưởng quân đoàn khi đó không phán đoán chính xác tình hình địch, ta, chỉ huy vượt cấp, sau khi thất bại lại đùn đẩy trách nhiệm cho sư đoàn là không đúng, đề nghị “nghiêm khắc phê bình” quân đoàn 67. Túc Nhung Sinh cũng cảm thấy mất mặt, dẫn nhóm cán bộ cơ quan rút về Bộ Tư lệnh quân đoàn; sư trưởng Trịnh Quảng Thần được phục hội quyền chỉ huy, các trận sau đó lại do sư bộ f199 tổ chức chỉ huy.
Trận thảm bại 31/5 của quân đoàn 67 còn sinh ra một chuyện có một không hai trong cuộc chiến tranh  Việt Nam kéo dài 10 năm: một chiến sĩ quê Tảo Trang sống sót trên cao điểm 211, trong khi ăn sáng đã mang súng xông vào nhà ăn Sở chỉ huy quân đoàn nhằm Túc Nhung Sinh bắn quét. Sinh nhanh chóng chui xuống gầm bàn nấp tránh nên không bị thương, nhưng người cảnh vệ của Sinh bị bắn chết. Tư lệnh quân đoàn Trương Chí Kiên bị trúng vào vai, hơn chục quân binh khác cũng trúng đạn bị thương. Cảnh tượng khi đó rất hỗn loạn, mấy ngày sau vẫn không làm rõ được điều gì đã xảy ra. Người lính đã nổ súng sau đó rút ra ngoài an toàn, mấy ngày sau mới phát hiện anh ta đã tự sát chết dưới hồ nước phía sau Sở chỉ huy, tay vẫn ôm khẩu tiểu liên đã dùng gây án. Do chết đã lâu ngày nên thi thể đã thối rữa. Quân đoàn 67 lại được thông báo toàn quân thêm lần nữa…
Sau khi sự việc xảy ra, các đoàn của Quân ủy, Bộ Công an, Bộ An ninh quốc gia tới tấp về SCH quân đoàn 67 điều tra nguyên nhân sự cố. Khi Tư lệnh Trương Chí Kiên bị nhân viên điều tra thẩm vấn trong bệnh viện đã khóc, nói: “Tôi không thể nào nghĩ đến chuyện chiến sĩ của mình lại vác súng bắn tư lệnh quân đoàn của họ như thế!”.
Thu Thủy (chuyển ngữ từ Tiexue.net)

23 tháng 9, 2019

Ký ức về trận đánh ác liệt trên “đồi thịt băm” ở mặt trận Vị Xuyên

40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc:

Thứ Năm, 14/02/2019 16:12
|
(CAO) Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, Hà Giang là một trong những chiến trường trọng điểm. Đặc biệt, từ năm 1984 đến năm 1989, cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt ở phía Bắc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Tại mặt trận này đã có hàng chục Sư đoàn của các Quân đoàn, Quân khu tham gia chiến đấu, trên từng chiến hào, từng điểm cao để bảo vệ vững chắc mảnh đất thiêng liêng nơi biên cương Tổ quốc.
Sư đoàn 356 - đơn vị mà cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim (hiện ở P.Minh Tân, TP.Yên Bái) từng tham gia chiến đấu là một trong những đơn vị chịu tổn thất nặng nề nhất ở mặt trận này.

Những trận đánh ác liệt không thể quên
Anh Kim quê ở xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, nhưng lại sinh ra và lớn lên tại Lào Cai. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 3/1984, khi mới 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Kim lên đường nhập ngũ, sau đó được vào biên chế của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876 thuộc Sư đoàn 356 đóng tại xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, Lào Cai.
Đầu tháng 5/1984, Sư đoàn 356 được tăng cường lên chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên. Tại đây, anh Kim được phân công nhiệm vụ làm chiến sĩ truyền đạt kiêm bảo vệ chỉ huy tiểu đoàn. Trong cuộc chiến tại mặt trận Vị Xuyên, đơn vị của anh là một trong những đơn vị chịu tổn thất nặng nề nhất.
Anh Kim bồi hồi xúc động kể về trận đánh chiếm lại Đ3, điểm cao 772 Bắc Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.

“Vào tối 10/7/1984, đơn vị của chúng tôi hành quân từ làng Pinh đến chiếm lĩnh trận địa chân điểm cao 772. Chuyến hành quân vô cùng khó khăn và vất vả, cả đội hình đi mò trong đêm tối không có đèn, mang vác đủ cơ số đạn và các hàng hóa, quân tư trang bảo đảm khác, thi thoảng pháo binh địch lại bắn từng loạt dài vào các mục tiêu đã định vị sẵn.

Trời vẫn mưa không ngớt cho dù được trang bị áo mưa, tăng võng, nhưng chúng tôi ai cũng ướt hết. Trong đội hình hành quân dù thèm thuốc lá nhưng không ai dám hút, cũng không nói chuyện, đề phòng thám báo địch phát hiện.

Gần 5 giờ ngày 11/7, chúng tôi vào đến chân điểm cao 772. Trời sương mù và mưa vẫn dày đặc, đứng cách nhau có vài mét mà không nhìn thấy gì cả. Chúng tôi tranh thủ đào mỗi người một cái hầm, dùng tăng, áo mưa che tạm và chui vào đó chờ đợi...”.

Đến ngày 12/7/1984, đơn vị của các anh tổ chức tiến công đỉnh Đ3 hay còn gọi là “đồi thịt băm”. Trong trận đánh ác liệt này, gần 600 cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn 876 hy sinh anh dũng. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Nguyễn Hữu Thanh (quê huyện Bố Trạch, Quảng Bình) bị trúng đạn địch nên hy sinh cách anh Kim chỉ 15 mét…
Nguyễn Văn Kim (giữa) bên mộ người thủ trưởng của mình - liệt sĩ Nguyễn Hữu Thanh
Trận đánh chiếm lại đồi E2 và E5, điểm cao 685 vào ngày 11/3/1985 cũng khiến đơn vị của các anh tổn thất nặng nề. Khi đó, anh Kim nằm trong đội hình chiến đấu gồm 22 cán bộ, chiến sỹ do anh Phạm Khắc Mã, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3 chỉ huy. Trận đánh này diễn ra rất ác liệt.
Anh Kim kể lại: “Chúng tôi vừa xuất hiện ở hang Suối Cụt thì bị địch phát hiện, chúng dội pháo cấp tập xuống hang Suối Cụt, đất đá bay bụi mù. Theo phản xạ tự nhiên, tôi bật người lăn từ hang trên xuống hang dưới, người đau ê ẩm, bẹp cả bình tông đựng nước, rất may người không việc gì, nhưng 8 đồng đội của tôi người thì hy sinh, người thì bị thương”.

Đến đêm 11/3, anh Kim, anh Mã, và anh Bùi Minh Đệ (Tham mưu trưởng Trung đoàn 876) cùng một chiến sỹ thông tin và ba trinh sát lên khu vực E2 và E5 nắm tình hình địch; đội hình do anh Bùi Minh Đệ chỉ huy.

Đến nơi thì trời sáng, các chiến sỹ không thể về được bởi địa hình cơ động lộ rất rõ về hướng địch, chỉ một tiếng động nhỏ là địch sẽ nã pháo, đạn ngay lập tức.
Các anh phải nằm tại đây đến tận đêm 16, rạng ngày 17/3/1985. Trong khi đó, do lương khô và nước các anh mang theo cũng đã cạn, anh Bùi Minh Đệ ra lệnh tấn công mở đường máu rút xuống để không bị chết đói, chết khát...
Quân ta đánh trả địch lấn chiếm điểm cao biên giới ở huyện Vị Xuyên (Ảnh: Minh Lộc/TTXVN)
Nghĩa tình đồng đội trong thời bình
May mắn trở về lành lặn sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tháng 11/1987, anh Kim được xuất ngũ và tới năm 1998 anh xây dựng gia đình riêng. Hiện nay, anh đang ở cùng vợ và 2 con tại P.Minh Tân, TP.Yên Bái.
Mặc dù, chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng nghĩa tình đồng đội trong những năm tháng chiến đấu sống chết bên nhau luôn thôi thúc anh Kim tham gia nhiều việc làm cụ thể để kết nối, giúp đỡ những đồng đội còn sống và tri ân những đồng đội đã hy sinh.
Sau khi cuộc sống gia đình đã tạm thời ổn định, ước nguyện đầu tiên của anh Kim là quay trở lại chiến trường xưa để tìm hài cốt của các đồng đội. Đặc biệt, theo anh Kim, vị trí mà người thủ trưởng của anh là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Nguyễn Hữu Thanh đã hy sinh, anh chính là người nhớ rõ nhất.

Sau nhiều lần trở lại tìm kiếm và được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh cùng một số đồng đội và chị Lưu Thị Lan (vợ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Nguyễn Hữu Thanh) đã tìm kiếm được hài cốt của anh Thanh và đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc, huyện Bố Trạch, Quảng Bình.
Ngoài việc tìm kiếm được hài cốt của liệt sỹ Nguyễn Hữu Thanh, anh Kim và một số đồng đội còn lặn lội nhiều lần về lại chiến trường xưa để tìm được hài cốt của liệt sỹ Đình Văn Chung (quê ở Phú Diễn, Hà Nội) và đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Hà Nội.

Dù biết việc tìm kiếm hài cốt của các đồng đội gặp rất nhiều khó khăn, nhưng anh Kim vẫn khẳng định: “Nếu có điều kiện và được hỗ trợ của các cấp chính quyền, chúng tôi sẽ tiếp tục công việc tìm kiếm hài cốt của các đồng đội đã hy sinh để đưa họ về với quê hương, gia đình”.
Nhằm tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, anh Kim và một số đồng đội còn lên ý tưởng và thực hiện ước nguyện xây dựng một “Đài hương tưởng niệm” tại điểm cao 468 và “Nhà tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên 1979-1989”.

Sau nhiều nỗ lực, nhóm cựu chiến binh Sư đoàn 356 Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội… của các anh đã đại diện cho Cựu chiến binh Sư đoàn 356 trên cả nước xung kích thực hiện, để đến ngày 23/11/2013 hoàn thành Đài hương tưởng niệm tại điểm cao 468. Tháng 1/2017, sau khi được tôn tạo, nâng cấp, Đài hương được bàn giao lại cho xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, quản lý, trông nom.

Trận đánh đồi Đ3 vào ngày 12/7/1984 khiến gần 600 cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn 876 hy sinh là một trong những ký ức không thể nào quên đối với anh Kim và các đồng đội may mắn trở về sau cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 12/7 đã trở thành ngày “Giỗ trận” của Sư đoàn 356. Gần như năm nào vào dịp 12/7, anh Kim cũng đưa vợ con lên thăm lại chiến trường xưa, thắp nén hương tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh.
Những việc làm ý nghĩa của cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim đã góp phần tô thắm vẻ đẹp về tình đồng đội của những người lính đã từng cùng nhau vào sinh ra tử trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Tiếng súng giữ nước ở cả hai đầu biên giới Tổ quốc

Cuộc chiến khốc liệt ở Vị Xuyên: Tử chiến bảo vệ biên giới


Trong cuộc chiến biên giới 1979, chiến trường Vị Xuyên diễn ra cực kỳ khốc liệt. Các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam mà đa số là lính trẻ, đã anh dũng chiến đấu với tinh thần quyết tử, khiến quân xâm lược phải chùn bước.
Cuộc chiến bảo vệ biên giới Vị Xuyên bắt đầu từ cao điểm 1509, mà Trung Quốc thường gọi là cuộc chiến Lão Sơn, hay là trận chiến Núi Đất. Trung Quốc đã sử dụng một lực lượng khổng lồ tràn qua biên giới. Như một cựu binh Sư đoàn 313 từng nói: “Đó là kiểu lấy thịt đè người, lấy 10 đánh 1”. Đỉnh 1509 cùng một số điểm cao thấp hơn đã bị lấn chiếm. Đến tháng 9-1989, sau khi chiến sự 2 bên chấm dứt, quân Trung Quốc đã rút khỏi các cao điểm bị chiếm đóng này.
Điểm cao 1509
Điểm cao 1509 là một đỉnh nằm trong dãy núi chạy sát biên giới Trung Quốc, thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đường biên giới Việt – Trung chạy qua đỉnh núi này.  Đây là vị trí có khả năng khống chế khu vực bờ bắc suối Thanh Thủy cho đến cửa khẩu Thanh Thủy phía đông sông Lô.
Điểm cao này có 3 mỏm chính, mỏm 1 ở đỉnh cao nhất của ngọn núi, mỏm 2 còn gọi là đồi cây khô (các cựu binh kể lại, lúc chưa xảy ra chiến sự, từ cao điểm 468 mọi người đã có thể nhìn thấy một thân cây khổng lồ cỡ chục người ôm, sau đó đã bị đạn pháo gọt trụi), và mỏm 3 ở bình độ 1450. Phía nam của điểm cao này là các bình độ 1400, 1200, 1100, 1000, 900, 800. Phía đông nam là bản Nậm Ngặt, tây nam là điểm cao 1545, phía chính đông là cao điểm 772, nơi một thời từng được mệnh danh là “cối xay thịt”, hay “đồi thịt băm” trong cuộc chiến 1984-1989..
Sau chiến tranh biên giới 17/2/1979, ta đã đưa bộ đội lên chốt giữ trên 1509. Thời điểm quân Trung Quốc tràn sang lấn chiếm sáng ngày 28/4/1984, đơn vị phòng ngự là Đại đội bộ binh 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 122, Sư đoàn 313. Đối mặt với một lực lượng xâm lấn đông gấp 10 lần, các chiến sĩ trẻ đã tổ chức phòng ngự kiên cường, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. Tuy nhiên, vì quân Trung Quốc quá đông, hỏa lực bắn không tiếc đạn, chúng ta phải rút về phía sau phòng ngự.
Đây là một cuộc chiến thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của các chiến sĩ trẻ bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cuộc tử chiến trên đỉnh 1509 đã chặn đứng bước tiến công của sư đoàn 40, quân đoàn 14, đại quân khu Côn Minh, Trung Quốc, buộc quân xâm lược phải chững lại và thay đổi chiến lược, chiến thuật.
Bản thân cái tên “Núi Đất” hay Lão Sơn vốn cũng không có thật, chỉ là cách gọi của Trung Quốc, vì khu vực 1509 không có tên riêng, chỉ có số hiệu của các điểm cao trong một dãy núi dài chạy sát biên giới Trung Quốc của tỉnh Hà Giang.
Tuy nhiên, với những chiến sĩ trở về sau cuộc tử chiến, điểm cao 1509 còn được gọi với cái tên riêng trìu mến: “Đất Mẹ”. Với họ, đó là lãnh thổ Việt Nam, và một tấc đất cũng không thể để mất vào tay quân xâm lược. Và họ tự hào rằng, được tham gia cuộc chiến bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đó là niềm vinh dự của những người lính, dù phần lớn những người lính này tuổi đời còn rất trẻ, và tham gia quân ngũ chưa lâu.
Trên mạng, tài liệu ngụy tạo "của cục phòng vệ Nhật Bản" và một số bài viết khác nói rằng từ 1509 Trung Quốc có thể khống chế miền Bắc Việt Nam, gây suy nghĩ hoang mang cho nhiều người. Điều đó hoàn toàn giả dối. Thực tế thì phía nam suối Thanh Thủy, đối diện và cách 1509 chỉ 2-3km là dãy núi Tây Côn Lĩnh với độ cao trên dưới 2000m (cao nhất gần 2500m), không khác gì tấm lá chắn của Hà Giang. Với vị trí như vậy, dù Trung Quốc có mang gì lên 1509 cũng không có cửa với Hà Giang chứ đừng nói tới cả miền Bắc. Và cho đến hiện tại, điểm cao 1509 đã được khôi phục đúng như trạng thái vốn có trước năm 1979.
Cao điểm 1509 - núi Đất.  © Được VTC News cung cấp Cao điểm 1509 - núi Đất.  Tại sao quân Trung Quốc lại chọn mảnh đất biên cương Hà Giang, nơi chỉ toàn đá và đá, cheo leo hiểm trở, để làm mục tiêu xâm lấn lãnh thổ Việt Nam trong cuộc chiến 1984-1989, chứ không phải ở biên giới Lạng Sơn hay Cao Bằng như cuộc chiến tranh biên giới 1979?
Một số cựu binh từng trải qua cả 2 cuộc chiến chống lại quân xâm lược Trung Quốc cho rằng, Đặng Tiểu Bình vẫn chưa nguôi nỗi đau thất bại trong cuộc chiến 1979. Và sau quá trình 5 năm thực hiện chính sách hiện đại hóa quân đội, chúng lại quyết tâm xâm lấn lãnh thổ Việt Nam một lần nữa.
Đầu năm 1979, Đặng Tiểu Bình cùng phái đoàn Trung Quốc sang thăm Mỹ nhằm bình thường hóa quan hệ hai nước. Ngay sau đó, chúng chỉ đạo “dạy cho Việt Nam một bài học” vì đã đưa quân đánh đuổi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ ở Campuchia, một đồng minh thân cận của Trung Quốc.
Ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc ổ ạt tràn qua 6 tỉnh biên giới phía Bắc, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, đến ngày 4/3/1979, chúng đã phải nhanh chóng rút quân trở về nước sau những thất bại nhục nhã và trước sự chống trả quyết liệt của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cho đến đầu năm 1984, nhằm hỗ trợ cho các nhóm phiến quân Khmer Đỏ đang loay hoay tìm cách nổi lên tại biên giới Thái Lan Campuchia, và nhằm trả mối hận thất bại 5 năm trước, quân Trung Quốc lại tràn sang biên giới nước ta một lần nữa.
Nhiều cựu binh khẳng định, có khả năng là chúng chọn biên giới Vị Xuyên, Hà Giang, vì những địa điểm này xa các trục đường chính, việc vận chuyển đi lại của ta gặp nhiều khó khăn. Một mặt khác, về phương diện thông tin thì đây là một vùng biên cương xa xôi hẻo lánh, thời đó cũng ít người biết đến. Nếu không, chúng sẽ bị cả thế giới lên án.
Ngày 2/4/1984, quân Trung Quốc bắt đầu tiến hành bắn phá, trút xuống hàng chục ngàn quả đạn pháo xuống  toàn bộ khu vực biên giới Vị Xuyên, đặc biệt là các điểm 1545, 1509, 685, 772, 1030, 400… và một số cao điểm phía đông sông Lô. Suốt hơn 3 tuần lễ, ngày nào địch cũng bắn phá ác liệt, nặng nhất vẫn là trên điểm cao 1509.
Lính Trung Quốc chết như ngả rạ
Theo ký ức của cựu binh Đỗ Minh Sáng, Đường Minh Tuấn (Sư đoàn 313), thì những ngày đầu tháng 4, pháo Trung Quốc bắn lên điểm cao 1509 rát lắm. Các chiến sĩ chốt giữ phải ăn gạo sấy thay cơm. Không ai được tắm. Phải đi bộ gần tiếng đồng hồ mới xuống được phía dưới để lấy nước, mà trên đường đi mất mạng như chơi.
Pháo Trung Quốc từ biên giới bên kia bắn sang không theo một quy luật nào cả. Có ngày từ sáng đến trưa chúng bắn cầm canh từng quả một, nhưng đến chiều lại dội xuống một lúc cả ngàn quả, khói bụi mịt mù, các chiến sĩ chốt giữ ai nấy tai ù điếc đặc.
Cựu binh Đường Minh Tuấn (Hương Canh, Vĩnh Phúc) là một trong những người chốt giữ trên điểm cao 1509 từ năm 1981, có nhiệm vụ quan trắc tính toán tọa độ bắn cho cho pháo binh ta bắn yểm trợ bảo vệ cao điểm nếu bị Trung Quốc tấn công. Kể về câu chuyện pháo Tàu bắn ròng rã suốt hơn 3 tuần lễ lên các điểm chốt giữ của bộ đội ta, ông nhận định: “Bên cạnh mục tiêu phá hoại các trận địa, thì việc chúng bắn pháo liên miên, lúc nhiều lúc ít chính là để nhằm gây ức chế, căng thẳng tột độ cho tất cả mọi người”.
Da thịt đồng đội hòa vào với đất. © Được VTC News cung cấp Da thịt đồng đội hòa vào với đất. Cấp trên nhận định địch có thể tiến công bộ binh bất cứ lúc nào. Cả tháng trời, mỗi đêm ai nấy chỉ ngủ được tầm 2 tiếng. Trên đỉnh 1509, mọi người thay nhau canh gác, chia thành các tổ, chỉ cần nghe thấy có tiếng loạt soạt ở bất cứ đâu là được lệnh bắn liền, bởi bọn thám báo Trung Quốc trong những ngày này hoạt động liên tục, tìm mọi cách mò lên đỉnh núi nắm tình hình phòng thủ của Đại đội 22.
Đúng 5h sáng ngày 28/4/1984, pháo Trung Quốc bắn dồn dập lên cao điểm. Lần này, chúng bắn rát hơn hẳn, ai nấy chỉ còn nghe thấy tiếng "ục, ục", một mớ âm thanh hỗn tạp cùng đất đá, mảnh đạn ném rào rào vào trong hầm, khói bụi mù mịt. Dự đoán bộ binh Trung Quốc sắp tấn công, mọi người giữ vững vị trí sẵn sàng chiến đấu.  
Khoảng hơn tiếng đồng hồ, tiếng pháo thưa dần, Trung Quốc lại chuyển sang bắn pháo giấy (loại pháo chỉ có tiếng nố trên không, không gây sát thương, mục đích hù dọa để mở đường cho bộ binh tiến công). Cựu binh Đường Minh Tuấn chạy ra khỏi hầm quan sát, chỉ thấy pháo địch cày nát cả trận địa phía trước, khu rừng trúc trên đỉnh 1509 trước xanh mướt, giờ thì chẳng còn gì.
Bên phía mỏm 1 do trung đội 3 chốt giữ, nghe rõ tiếng của Trung đội trưởng Đỗ Minh Sáng quát rất rõ nhắc anh em vào vị trí chiến đấu. Bên mỏm Cây Khô có tiếng súng AK và tiếng đại liên, lựu đạn nổ liên tục, địch đã tiến đánh lên vị trí ấy.
Qua ống nhòm, phía trước mặt cựu binh Đường Minh Tuấn liên tiếp xuất hiện những tốp người lố nhố, đi theo đội hình kéo dài, thi nhau tràn lên đỉnh 1509.
“Chúng quá đông, chắc phải cỡ trung đoàn. Địa hình nhỏ bé thế mà cứ chen chúc, xô đẩy nhau kiểu như chạy loạn ấy. Chúng tôi thấy đi đầu là tốp áo đen của dân công, mãi phía sau mới thấy xuất hiện các tốp lính chuyên nghiệp với quân phục xanh lét, nhìn rất rõ. Kiểu như chúng đẩy các tốp dân công lên trước làm bia đỡ đạn hay sao ấy.
Trước khi xảy ra chiến sự, trên đỉnh 1509 nhìn qua đất Trung Quốc, chúng tôi thấy vẫn cực kỳ lặng lẽ, không có những trại lính, không thấy có nhiều phương tiện chiến tranh, dân cư bên ấy vẫn sinh hoạt bình thường, không xảy ra các cuộc tranh chấp lẻ tẻ về đường biên trên đỉnh núi. Có vẻ như quân Trung Quốc đã lặng lẽ đào hầm hào, công sự lên tới gần đỉnh núi để mở đường cho bộ binh lên xâm lấn”, ông Tuấn hồi tưởng.
Nói về cuộc tấn công lên đỉnh 1509 của quân Trung Quốc, cựu binh Nguyễn Văn Hùng (Sơn Dương, Tuyên Quang) nhớ lại: “Miêu tả thế nào nhỉ, không phải nói quá nhưng lính Trung Quốc đông như kiến cỏ, đến mức mà cứ mỗi quả ĐKZ tôi phóng xuống, phải dọn sạch cỡ một trung đội. Nhưng vừa bắn xong, xác lính Trung Quốc bị hất tung lên, còn chưa kịp rơi xuống thì ngay vị trí vừa bắn ấy, quân địch đã lại đông đặc bâu kín, lớp này lớp khác, như là sóng nước ấy”.
Cho đến hiện tại, các đồng đội vẫn gọi ông Hùng với cái tên thân mật "Hùng ĐK", vì thành tích bắn ĐKZ trên đỉnh 1509 vào những ngày 32 năm trước. Ông Hùng bắn cỡ vài chục quả, diệt địch nhiều quá, không đếm được.
Ở trên đỉnh núi, không thể kê súng lên kệ như cách thông thường, ông Hùng cứ thế bê ĐKZ lên vai bắn xuống, bắn đến nỗi 2 lỗ tai điếc đặc ngẩn ngơ. 32 năm sau, giữa thời bình, ảnh hưởng của cuộc chiến vẫn khiến các đồng đội nhiều lúc phải nói thật to bên tai, cựu binh Nguyễn Văn Hùng mới có thể nghe thấy.
Với ông Hùng, những ký ức trên 1509 vẫn còn ám ảnh, đến cả trong giấc mơ. Trở về sau cuộc chiến, nhiều đêm ông trằn trọc không ngủ được vì thương nhớ đồng đội, vì những ký ức bi hùng trong trận tử chiến. Có những khi, người nhà bỗng thấy ông Hùng bật dậy giữa đêm khuya, hô lớn: “Bắn, bắn đi, quân Trung Quốc đến rồi, bắn cho bằng hết bọn xâm lược hung bạo này…”.
Quay trở lại câu chuyện về cuộc tấn công đầu tiên lên đỉnh 1509, cựu binh Đường Minh Tuấn kể tiếp: Ngay khi thấy lính Tàu tràn sang, mọi vị trí chốt giữ thi nhau nhả đạn, phía dưới là những cột khói đen trùm lên, bốc cao nghi ngút, kèm theo đó là những bóng đen bị hất tung lên, rơi xuống nằm bất động. Lúc này, ở các trận địa phối hợp, ta cũng phát hỏa đánh trả, pháo 105 ly, cối 82 ly, H12 đồng loạt bắn tới tấp. Trận địa cối từ bình độ 1200 và của Trung đoàn 457 đặt ở Nậm Ngặt bắn vào đội hình địch rất chính xác.
Quân Trung Quốc thương vong vô số, kêu la náo loạn ở phía dưới. Những tốp đi đầu tập trung lại và tiến vào đường hào hình râu tôm có sẵn trên đỉnh 1509, nhưng ngay tức khắc tan xác do mấy quả mìn của một chiến sĩ tên Thủ cài sẵn, cộng thêm hỏa lực của các chiến sĩ khác, vài trung đội địch ra đi sạch sẽ.
Lính Tàu không dám xông lên nữa trước sự chống trả quyết liệt của bộ đội ta. Cuộc tiến công đầu tiên lên đỉnh 1509 thất bại thảm hại, chúng kêu la ầm ỹ, gọi pháo và các loại hỏa lực khác bắn trùm lên các trận địa chốt giữ, phía các chiến sĩ đã bắt đầu có thương vong.
Ký ức bi hùng
Nhắc lại đợt tấn công thứ 2 của quân Trung Quốc trên cao điểm 1509 (Vị Xuyên, Hà Giang) ngày 28/4/1984, cựu binh Đường Minh Tuấn (Trung đoàn 122, Sư đoàn 313) cho biết: “Hơn 9h sáng, chúng dội pháo như mưa, tưởng như sẽ san phẳng đỉnh núi, rồi kéo hết quân số lên từ mọi ngả định tấn công tổng lực”.
Chỉ 1 đại đội (quân số chưa đến 100 người) quyết đấu với một lực lượng gấp hàng chục lần tràn lên đỉnh núi, quá đông và hung hãn, nhưng các chiến sĩ chốt giữ không ai chịu lùi bước, quyết bắn đến viên đạn cuối cùng.
Cựu binh Đỗ Minh Sáng khẳng định: “Cuộc tấn công của quân Trung Quốc trong ngày 28/4/1984 trên đỉnh 1509 dù lấn chiếm được một số vị trí nhưng tổn thất về quân số thì không thể kể hết. Quân Trung Quốc đã phải kinh hoàng trước khả năng phối hợp chiến đấu và tinh thần kiên cường gan dạ của bộ đội Việt Nam”.
Ở đợt tấn công thứ 2, bên phía các chiến sĩ Đại đội 22 đã bắt đầu có thương vong. Khẩu đại liên do bộ binh tên Hải (Tuyên Quang) và trung đội trưởng Đỗ Minh Sáng đang bắn kịch liệt xuống phía dưới thì bị trúng đạn pháo của địch. Ông Hải hy sinh, ông Sáng bị mảnh đạn găm vào đầu. Ông Sáng băng bó và nén đau tiếp tục chỉ huy chiến đấu.
Mỏm 1 gần đỉnh 1509 vẫn còn nguyên vẹn, nhưng phía đơn vị chốt giữ trên mỏm Cây Khô quân Trung Quốc đã tràn sang lấn chiếm. Ông Sơn, Trung đội trưởng Trung đội 1 chốt giữ ở đó với hơn chục chiến sỹ đã hy sinh. Ngay sau đó, Đại đội 23 đã tiến lên hỗ trợ trên đỉnh. Địch co cụm lại, không còn tấn công ào ạt như lúc đầu nữa mà chia thành nhiều mũi đánh lên.
Hài cốt hàng ngàn người lính vẫn còn lẫn trong đất ở chiến trường Vị Xuyên.  © Được VTC News cung cấp Hài cốt hàng ngàn người lính vẫn còn lẫn trong đất ở chiến trường Vị Xuyên.  Cựu binh Đường Minh Tuấn đang xách khẩu AK tỳ vào vách chiến hào lia cả băng về phía trước, bỗng phát hiện ra một tốp 5 tên lính đang lom khom chui qua gốc cây đổ phía dưới, tức khắc chĩa AK bắn tới tấp. Tốp lính đang loay hoay ẩn nấp không ngóc đầu lên được, thì ở gần đó, một chiến sĩ tên Thạch phóng thẳng xuống quả đạn B41, để lại một luồng lửa, cả 5 tên tan xác.
Một quả ĐH 10 (mìn kleymo) bị pháo Trung Quốc bắn văng ra khỏi chiến hào. Chiến sĩ chốt giữ tên Thủ lặng lẽ bò ra lấy lại và cài sẵn trên miệng hào, nằm im chờ cho lính Trung Quốc bò lên đông, lại gần anh mới phát hỏa. Khi mìn nổ xong, mấy anh em chiến sĩ mò ra xem thì thấy sườn đồi không bóng giặc, chỉ còn nghi ngút khói đen.
Ông Tuấn nấp trên đỉnh 1509 bắn xuống hết cả mấy băng đạn, rồi lấy khẩu AK của đồng đội đã hy sinh gần đó bắn tiếp. Ngay lúc đó, chiến sỹ tên Khoát (Vĩnh Phúc) của Đại đội 23 vác khẩu đại liên vừa lên đến nơi, liền dõng dạc tuyên bố: “Vị trí này đẹp, đồng hương để cho tôi chỗ này”, rồi bóp cò liên hồi tưởng như chưa bao giờ được bắn.
Đợt tấn công thứ 2 của quân Trung Quốc bị chặn đứng, lính Tàu dù xua quân tổng lực nhưng vẫn không thể tiến lên nổi, chúng hô hào tản ra xung quanh và tiếp tục gọi pháo kích.
Một trận pháo ác liệt trùm lên đầu các chiến sỹ chốt giữ, những tiếng “xoẹt…oành…” nổ đinh tai nhức óc. Tiếng đạn ĐKZ và B41 của địch bắn trượt rít qua mặt mọi người, pháo nổ liên hồi, nhưng toàn bộ anh em vẫn không ai chịu vào hầm tránh đạn, giữ nguyên vị trí chờ quân Trung Quốc tiến lên để tiêu diệt.
Một quả cối 100 ly nổ ngay trên nóc chiến hào nơi cựu binh Đường Minh Tuấn đang ẩn nấp. Viên đạn nổ khiến ông Tuấn choáng váng, máu trong mồm và mũi chảy ra. Vị trí mà chiến sĩ Khoát đặt khẩu đại liên cách đấy tầm chục mét cũng bị đạn cày xới. Ông Khoát hy sinh khi bị một quả ĐKZ của quân Trung Quốc bên phía đồi Cây Khô bắn sang.
Trung đội trưởng Đỗ Minh Sáng tiếp tục bị thương lần thứ 2 khi đang chiến đấu cùng đồng đội trên mỏm 1. Ông bị một viên đạn xuyên qua bả vai. Chỉ còn một cánh tay lành lặn nhưng vẫn kiên quyết không lùi ra phía sau, tiếp tục chỉ huy anh em chống trả quyết liệt.
Quân Trung Quốc tiếp tục tổ chức đợt tấn công thứ 3 lên đỉnh 1509. Lần này, chúng đưa cả xe ô tô chở quân áp sát vào trận địa, quyết đánh bằng được. Chúng chia làm 2 mũi tấn công lên cao điểm 1509.
Bên phía Việt Nam, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 ra lệnh cho Đại đội 5 đưa lực lượng lên phối hợp phản kích. Hai bên quần thảo, giằng co nhau hàng tiếng đồng hồ trên đỉnh một ngọn núi nhỏ.
Lần này, quân Trung Quốc đã tràn lên được mỏm 2, các chiến sỹ chốt giữ trên mỏm lao vào đánh giáp lá cà với giặc. Đại đội trưởng Đại đội 6 Trần Ngọc Thông (Ý Yên, Nam Định) đang chiến đấu cùng với ông Đường Minh Tuấn và đồng đội ở mỏm 1, thấy mỏm 2 bắn nhau ác liệt quá, tức khắc lao xuống chỉ huy anh em chiến đấu.
Thấy quân Trung Quốc tràn lên đông quá, bên phía mình thương vong cũng khá nhiều, ông Thông ra lệnh cho các đồng đội rút xuống bảo toàn lực lượng, còn bản thân mình thì ở lại. Ông gọi lớn qua đường dây thông tin liên lạc: “Trận địa 105 cứ bắn vào đầu chúng tôi đi, địch ở xung quanh chúng tôi rồi”.
Lúc đó, ta có 2 khẩu cối 120 bố trí ở Bình độ 1200 bắn lên yểm trợ rất tốt, nhưng đến trưa thì không bắn được vì bàn đế bắn nhiều nên lún sâu xuống đất, nòng bị nóng. Pháo 105 của Trung đoàn 457 đặt ở Nậm Ngặt, không còn mãnh liệt như lúc sáng vì việc vận chuyển đạn dược cực kỳ khó khăn.
Đúng lúc ấy, quân Trung Quốc lại tập trung bắn cối 60 và ném lựu đạn như mưa. Đại đội trưởng Trần Ngọc Thông ngã xuống khi mới 27 tuổi. Ở gần đó, xạ thủ B41 Cao Xuân Chiêu bắn tới 17 quả đạn và cũng đã hy sinh tại trận địa.
“Cho đến quá trưa, quân Trung Quốc đã tràn hết lên mỏm 2 và mỏm Cây Khô trên đỉnh 1509, riêng mỏm 1 vẫn được giữ vững. Lúc đó, anh em chúng tôi chỉ còn một ít đạn AK, lựu đạn có mấy thùng đã quăng hết. Trong khi đó, hỏa lực chi viện của chiến trường không lên được đến đỉnh vì địch bắn chặn mọi ngả đường tiếp tế. Địch lại chuẩn bị mở một đợt tấn công mới. Trung đội trưởng trung đội 3 báo cáo xin lệnh của cấp trên và được đồng ý cho rút lui khỏi trận địa, chờ dịp phản kích”, cựu binh Đường Minh Tuấn nhớ lại.
Những âm mưu thâm độc
Nhớ lại thời khắc sinh tử trên điểm cao 1509, cựu binh Đỗ Minh Sáng cho biết, lúc ấy trên các mỏm, sau nhiều lần đánh bại các đợt tiến công của quân Trung Quốc, thì đến đầu giờ chiều, lính Tàu lại tiếp tục đưa xe tải chở quân đến, dồn quân số quyết tâm tràn lên đỉnh núi một lần nữa, bất chấp trước đó chúng đã bị thương vong như ngả rạ.
Sau khi kiểm tra lại lực lượng, nắm tình hình địch, được lệnh của tiểu đoàn, Đại đội 6 tổ chức rút quân về phòng ngự tại khu vực bình độ 1100, chờ lệnh phản kích. Quân Trung Quốc mặc dù tràn qua được 3 mỏm trên đỉnh 1509, nhưng ở những bình độ khác, các chốt phòng ngự của bộ đội Việt Nam vẫn vững như bàn thạch.
Còn cựu binh Vũ Tân Long (Sư đoàn 313, Bắc Quang, Hà Giang) cho biết: "Ngày đó, cả một dải bình độ từ 1509 trở xuống, anh em chúng tôi luân phiên canh giữ. Mặc dù hỏa lực địch bắn phá dữ dội, có thời điểm chúng dùng cả đầu đạn pháo đinh (loại đạn sát thương hàng loạt, bị quốc tế cấm), nhưng chúng tôi vẫn kiên trì bám trụ. Các bình độ sau này như 1100,1000, 800, 500, vô cùng khốc liệt, được diễn tả: đất tơi như bột, khi bị gió cuốn bay mù mịt. Mảnh đạn pháo nằm ngổn ngang, mìn gài ngoài bờ hào, sau trận pháo kích bay cả vào hầm, vào lòng hào. Sự ác liệt lên đến tột đỉnh".
 Đạn pháo vẫn còn đầy ở biên giới Vị Xuyên. © Được VTC News cung cấp  Đạn pháo vẫn còn đầy ở biên giới Vị Xuyên. “Từ sáng chúng tôi mải đánh nhau với địch, chống trả các đợt tiến công, nên cũng chẳng biết lúc đấy là mấy giờ, chỉ thấy ánh mặt trời đã chuyển sang phía tây điểm cao 1545, chắc cũng phải sang buổi chiều. Lúc đó quân Trung Quốc lại chuẩn bị tiếp một đợt tấn công mới, tăng cường quân đứng chen chúc dưới chân đồi. Được lệnh rút chờ phản kích, tôi thấy anh em vừa bắn vừa rút xuống phía dưới qua mỏm 2. Bên đó, anh Thọ, chính trị viên Đại đội là người rút cuối cùng. Khi địch tràn lên chiến hào, anh dùng AK quạt liên hồi bắn cản chúng lại.
Giặc tràn lên phía mỏm Cây Khô cũng bị 2 chiến sĩ đặt trung liên RPD bắn như mưa xuống phía dưới, những bóng người liên tiếp gục xuống, nhưng chúng cậy đông quân vẫn cứ tiến. Tôi và một người đồng đội tên Hùng lao vào vách chiến hào, thì một viên đạn sượt qua vành tai tôi xiên thẳng vào lưng bên trái của Hùng. Người đồng đội ấy hi sinh, nòng súng AK chống xuống đất, người quay lại hướng về trên đỉnh 1509. Có lẽ cậu ta muốn nhìn thấy đất mẹ, nơi mình đã sống, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”, cựu binh Đường Minh Tuấn ứa nước mắt khi kể về buổi chiều của 32 năm trước.
Trong những năm 1985-1986, quân Trung Quốc lần lượt mở thêm nhiều cuộc tấn công vào các điểm cao của ta ở mặt trận Vị Xuyên nhưng đều lần lượt bị đẩy lùi. Đầu năm 1987, Trung Quốc tiếp tục sử dụng lực lượng cấp sư đoàn mở chiến dịch tiến đánh 13 điểm tựa của ta ở cả phía đông và tây sông Lô. Chúng bắn cả trăm ngàn quả đạn pháo và chi viện bộ binh liên tục tấn công nhưng đều bị ta ngăn chặn ngay trước trận địa.
Từ sau thất bại đó, phía Trung Quốc giảm dần các hoạt động tấn công lấn chiếm. Từ cuối tháng 12/1988, Trung Quốc bắt đầu ngừng bắn phá và từ tháng 3 đến tháng 9/1989 lần lượt rút quân khỏi các vị trí chiếm đóng còn lại trên lãnh thổ Việt Nam.
Khi đường biên giới được trả lại nguyên trạng như ở thời điểm trước năm 1979, các cựu binh Đại đội 6 rất muốn được lên thăm lại chiến trường xưa, nơi mà mình đã trải qua những thời khắc sinh tử trong cuộc tử chiến bi hùng, tuy nhiên, người dân bản địa đã ngăn lại, một phần vì đồi dốc hiểm trở, phần khác còn rất nhiều bom mìn còn găm lại, chực chờ phát nổ, có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào.
Dân bản địa khi đi rừng, tìm lên đỉnh 1509, nhiều người đã bị trúng mìn, cụt tay, cụt chân, thương vong. Đỉnh 1509 đã phủ màu xanh, được khôi phục lại như trước khi có chiến tranh, và lãnh thổ Việt Nam vẫn được giữ vững.
Một số thông tin bịa đặt trên mạng kể rằng, Trung Quốc đã xây dựng một đài tưởng niệm những người lính hi sinh ngay trên đỉnh 1509 trong ngày 28/4/1984, và mở cửa cho du khách đến tham quan. Điều đó hoàn toàn giả dối, gây dư luận đồn đoán.
Chúng tôi đã tiến hành xác minh và biết rằng cái đài tưởng niệm đó là có thật, nhưng được xây lùi vào bên trong lãnh thổ Trung Quốc, dưới chân núi, và đó là việc riêng của họ.
Đứng ở bình độ 1100, 772, 685 nhìn lên, đỉnh 1509 vẫn lặng lẽ, phủ một màu xanh ngắt, không một bóng người. Nếu như chưa được nghe kể lại, có lẽ nhiều người sẽ khó hình dung về một trận tử chiến khốc liệt diễn ra trên đỉnh núi này 35 năm trước.
Điều mà các cựu binh Đại đội 6 luôn trăn trở, đó là số phận của những đồng đội mình đã bị thương trong trận đánh ngày 28/4 đó. Cựu binh Đỗ Minh Sang, Đường Minh Tuấn cùng các đồng đội kể lại, anh em chốt giữ bị thương và hy sinh cũng tương đối nhiều. Những chiến sĩ còn lành lặn đưa họ vào nằm ở hầm chỉ huy ở mỏm 2 trên đỉnh 1509, chờ quân tiếp viện đánh lên và đưa xuống hậu phương chữa trị, còn lại đều cầm súng chiến đấu chống trả các đợt tấn công của quân Trung Quốc. Tuy nhiên, khi quân tiếp viện chưa lên kịp, giặc đã tràn qua phủ kín mỏm 2, anh em thương binh không kịp di chuyển, vẫn còn nằm lại hết ở đó. Và cho đến giờ không một ai nhìn thấy họ nữa, được coi như đã mất tích. Đó vẫn luôn là nỗi đau khôn nguôi của những người lính trở về sau cuộc chiến.
Chỉ có duy nhất 1 người lính là còn gặp lại, đó là cựu binh Lê Trọng Tấn (Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội). Ông Tấn kể rằng, ông vốn ở đài trinh sát pháo binh, chiến đấu chống giặc ở mỏm 1 (mỏm cao nhất 1509). Nhưng buổi trưa hôm đó, thấy địch tràn lên mỏm 2 đông quá, ông Tấn vác súng nhảy xuống hỗ trợ đồng đội. Một quả đạn pháo nổ ngay bên cạnh hầm chỉ huy, mảnh đạn găm thẳng vào đùi khiến ông Tấn ngất xỉu.
Khỉ tỉnh dậy, ông Tấn mới biết mình đang nằm sâu trong nội địa Trung Quốc, tin tức về cuộc chiến và các đồng đội đều bặt tăm. Sau đó là 16 tháng ròng rã trong lòng địch, chịu đựng đủ các kiểu từ tra tấn đến dụ dỗ, cựu binh Lê Trọng Tấn ý chí vẫn giữ vững như bàn thạch.
Năm 1985, Trung Quốc trao trả ông Tấn ở biên giới Lạng Sơn. Trong khi cũng vào thời điểm đó, lính Tàu lại đẩy mạnh việc lấn chiếm các các điểm của biên giới Vị Xuyên, nhất là ở cao điểm 685 – được mệnh danh là "Lò vôi thế kỷ".
Đánh mãi không thể tiến lên nổi ở Mặt trận Vị Xuyên, lính chết lên đến con số hàng ngàn, lòng quân xao động trước sự dũng cảm kiên cường và mưu trí của các chiến sĩ, Trung Quốc lại bất ngờ đánh úp đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, đánh chìm tàu HQ604, 64 chiến sỹ hải quân đã nằm lại nơi biển đảo Tổ quốc không thể trở về.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, kể về trận tử chiến 32 năm trước trên đỉnh 1509, những người cựu chiến binh Sư đoàn 313, Mặt trận Vị Xuyên nói rằng: Cuộc chiến mà họ tiến hành chống lại âm mưu xâm lược của quân Trung Quốc, phải được mọi người dân Việt Nam biết đến. Điều đó như một lời nhắc nhở hãy luôn cảnh giác với kẻ thù bành trướng phương bắc.
(Tham khảo tài liệu ký ức Đất mẹ, lời kể của cựu binh Đỗ Minh Sáng, Đường Minh Tuấn, cùng các đồng đội Sư đoàn 313, Mặt trận Vị Xuyên)

18 tháng 9, 2019

Người được Hồ Chủ tịch ba lần viết thư mời tham gia chính phủ

Là người đứng đầu cơ quan lập pháp, cụ Bùi luôn sát cánh bên cạnh Chính phủ và Hồ Chủ tịch trong những thời khắc quan trọng của đất nước... 
Nhà yêu nước Bùi Bằng Đoàn, nguyên Trưởng ban Thường trực Quốc hội (1889 - 1955), sinh ra trong gia đình có truyền thống khoa bảng tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông (cũ).
Là người ham học từ nhỏ nên 17 tuổi (năm 1906), Bùi Bằng Đoàn đỗ cử nhân dưới triều vua Thành Thái. Trước làn sóng Tây học ở Việt Nam, năm 1907, ông khai tăng ba tuổi để vào học trường Hậu bổ (trường đào tạo viên chức hành chính thời Pháp thuộc) và tốt nghiệp thủ khoa bốn năm sau đó.
Ông bước vào con đường quan trường từ năm 1911 với chức tri huyện ở Xuân Trường (Nam Định) và trải qua nhiều chức vụ khác nhau như Án sát tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bố chính tỉnh Phúc Yên, Tuần phủ tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình. 
Ông nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, đức độ, chăm dân. Những nơi ông được cử về làm quan, trên công đường luôn treo biển "không nhận quà biếu" và nghiêm cấm người nhà nhận quà biếu.
Vì thông thạo cả Hán văn và Pháp văn, năm 1925, khi đang làm tri phủ Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định), ông được mời lên Hà Nội làm thông ngôn cho phiên tòa đại hình của Pháp xét xử nhà yêu nước Phan Bội Châu. 
Với quyết tâm khép Phan Bội Châu vào tội tội "chống lại Chính phủ Bảo hộ", chính quyền thuộc địa đặt ra gần 2.000 câu thẩm vấn. Để bảo vệ nhà yêu nước, ông Bùi Bằng Đoàn phiên dịch rõ ràng, đầy đủ những lý lẽ phản bác đanh thép của Phan Bội Châu đáp lại cáo buộc của chính quyền Pháp tại phiên toà. Vì vậy, dù rất muốn kết án chung thân với chí sĩ họ Phan nhưng toà buộc phải giảm án "đưa đi an trí ở Huế".
Năm 1933, khi mới 44 tuổi, ông đã giữ chức Hình bộ Thượng thư, tham gia Viện cơ mật, cơ quan cao nhất trong hệ thống triều đình thời vua Bảo Đại.  
Nguyên Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn. Ảnh tư liệu 
Nguyên Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn. Ảnh tư liệu
Với sự am hiểu về luật pháp và tư tưởng tiến bộ, trên cương vị mới, ông đưa ra nhiều sáng kiến cải cách hệ thống pháp luật. Một trong những việc đó là bãi bỏ những quy định không phù hợp ở các tỉnh, đạo Trung Kỳ. Ông còn là người chỉ đạo và trực tiếp soạn thảo các bộ luật mới của triều Nguyễn có nhiều nội dung tiến bộ như: Luật Hình sự (1933); Quy tắc tố tụng dân sự và hình sự (1933); Luật Dân sự (1936 và 1939). Ông cải tiến nhiều hoạt động của Bộ Hình, đặc biệt là những hoạt động của các toà án và nhân sự theo hướng tân tiến. 
Sau cách mạng tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ba lần mời ông Bùi Bằng Đoàn tham gia làm cố vấn cho chính phủ. Trong thư ngày 17/11/1945, Hồ Chủ tịch viết: "Tôi tài đức ít ỏi và trách nhiệm nặng nề, thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên tôi mời ngài làm cố vấn cho tôi để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ họa cho nước nhà, dân tộc". 
Với tấm lòng yêu nước, thương dân và nể trọng tài đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Bùi Bằng Đoàn nhận lời đi theo con đường cách mạng. 
Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 64/SL, thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Ông Bùi Bằng Đoàn được Hồ Chủ tịch tiến cử làm trưởng ban (nay là Tổng Thanh tra Chính phủ) vì là người có đạo đức cao, học vấn lớn. Dưới sự chỉ đạo của ông, Ban Thanh tra đặc biệt đã giải quyết nhiều vấn đề quan trọng để giữ bộ máy chính quyền trong sạch và uy tín cho Đảng. 
Tháng 11/1946, ông Bùi Bằng Đoàn được bầu làm Trưởng Ban thường trực Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội ngày nay) thay ông Nguyễn Văn Tố. Từ đó, với tư cách người đứng đầu cơ quan lập pháp, ông luôn sát cánh bên cạnh Chính phủ và Hồ Chủ tịch trong những thời khắc quan trọng của đất nước như quyết định toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946.
Để huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Quốc hội Bùi Bằng Đoàn thường xuyên viết thư và đến các địa phương thăm hỏi nhân dân. 
Trong thư gửi đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai, ông đã viết: "Hai mươi nhăm triệu đồng bào ta cùng chung Tổ quốc, cùng chung giang san, cùng chung vận mệnh, cuộc kháng chiến này là cốt bảo toàn vận mệnh của chúng ta, chúng ta có giữ được chủ quyền, có bảo vệ được hoàn toàn lãnh thổ của nước ta thì mới giữ được vận mệnh của dân tộc ta". 
Trong thời gian này, khi người Pháp và các đảng phái khác đặt vấn đề về tính hợp hiến, hợp pháp của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh đứng đầu, Chủ tịch Quốc hội Bùi Bằng Đoàn lên tiếng: "Quốc dân ta chỉ có một chính phủ là Chính phủ Hồ Chí Minh do Quốc dân công nhận tại kỳ họp tháng 11/1946". 
Cuối năm 1946, ông là một trong những người tham gia Ban vận động thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt) để mở rộng khối đại đoàn kết, tăng cường lực lượng cho kháng chiến. 
Từ năm 1947, khi Chính phủ lên chiến khu Việt Bắc, nhà yêu nước họ Bùi luôn ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, dự họp, góp ý và giám sát các hoạt động của chính phủ. Ông có nhiều đóng góp vào cải tổ nhân sự, thực hiện chính sách sản xuất tiết kiệm, chính sách ruộng đất, thuế nông nghiệp... 
Không chỉ đồng hành trong kháng chiến, kiến quốc,  Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Quốc hội Bùi Bằng Đoàn còn là hai người bạn tri kỷ. 
Năm 1948, Hồ Chí Minh tặng ông Bùi Bằng Đoàn bài thơ chữ Hán: "Khán thư sơn điểu thê song hãn/ Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì/ Tiệp báo tần lai lao dịch mã/ Tư công tức cảnh tặng tân thi". (Dịch: Xem sách chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn hoa núi chiếu nghiên soi/ Tin vui thắng trận dồn chân ngựa/ Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài).
Cụ liền hoạ lại tặng Hồ Chí Minh: "Thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc/ Giang sơn vạn lý thủ thành trì/ Tri công quốc sự vô dư hạ/ Thao bút nhưng thành thoái lỗ thi). (Dịch: Sắt đá một lòng vì chủng tộc/ Non sông muôn dặm giữ cơ đồ/ Biết Người việc nước không hề rảnh/ Vung bút thành thơ đuổi giặc thù).
Nhà yêu nước Bùi Bằng Đoàn suốt đời vì dân - 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (ngoài cùng bên phải) năm 1948 ở ATK Định Hóa, Thái Nguyên. Ảnh tư liệu

Cuối năm 1948, đầu năm 1949, được tin ông Bùi Bằng Đoàn bệnh nặng, Hồ Chủ tịch chỉ đạo đưa ông vào vùng tự do Thanh Hoá yên tâm chữa bệnh. Sau khi Hà Nội giải phóng (1954), ông được Trung ương đón về ở nhà số 10 Trần Hưng Đạo, gần bệnh viện quân đội 108 để tiện chăm sóc sức khoẻ. Cụ Hồ thường xuyên tới thăm, có hôm hai người đàm tạo đến khuya.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, tấm gương nhà yêu nước Bùi Bằng Đoàn tiêu biểu cho lòng yêu nước của mọi người Việt Nam trong những lúc đất nước đứng trước thời khắc lịch sử khó khăn.
Theo ông, điểm chung nhất giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Bùi Bằng Đoàn là đều nặng lòng vì nước, vì dân. Hồ Chủ tịch ba lần viết thư mời ông Bùi Bằng Đoàn ra giúp chính phủ, với lời lẽ khiêm nhường thể hiện tấm lòng trọng dụng nhân tài, không phân biệt hoàn cảnh xuất thân và quá khứ của họ. Chí sĩ họ Bùi, dù đã cáo quan về quê, nhưng vẫn cảm động trước những lời lẽ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận lời ra giúp cách mạng là một trí thức lớn, không câu lệ phục vụ chính quyền phong kiến hay chính quyền cách mạng, chỉ cần đó là công việc giúp ích cho dân, cho nước thì luôn sẵn sàng làm. 
"Dù khi đó chính quyền cách mạng còn non trẻ nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được nhiều trí thức, nhân sĩ, gồm những quan lại của nhà Nguyễn, nhà tư sản... giúp sức cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Đó là bài học còn nguyên giá trị thời sự trong việc thu hút nhân tài để xây dựng đất nước hôm nay", ông Quốc nói. 
Vì vậy, theo ông Dương Trung Quốc, tôn vinh nhà yêu nước Bùi Bằng Đoàn cũng là nhắc lại bài học việc phát huy lòng yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau của đất nước.

Viết Tuân (theo vnexpress)

17 tháng 9, 2019

Đồn biên phòng Hoa Lư (đồn 717) - Biên giới Tây Nam _Campuchia 1978

Biên giới Tây Nam _ campuchia 1978 .
"Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng, chúng tôi đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng. Hãy trả thù cho chúng tôi. Vĩnh biệt các đồng chí!”.
"Năm 1978, bầu trời sáng lóa, chớp giật bởi hàng loạt tiếng nổ rền vang, mặt đất rung chuyển dữ dội bởi hàng vạn quả cối 82, 60 & pháo 105, 130mm cùng hàng ngàn khẩu AK, B40, B41, M79, thủ pháo, lựu đạn... Đồn biên phòng Hoa Lư (đồn 717) nằm trên Quốc Lộ 13 giáp ranh Bình Phước – Krochie bị tấn công.

Gần 2.000 tên lính Polpot thiện chiến dồn dập đột kích vào đồn biên phòng bé nhỏ heo hút chỉ có 90 tay súng trấn giữ. Trận đánh dai dẳng từ 4 giờ sáng đến tối mịt, cách chục cây số mà vẫn nghe văng vẳng tiếng hô xung phong của bọn Polpot, tiếng súng chống cự yếu ớt dần, thưa dần cho tới khuya hôm sau.

Trận đánh dai dẳng từ 4 giờ sáng đến tối mịt, cách chục cây số mà vẫn nghe văng vẳng tiếng hô xung phong của bọn Polpot, tiếng súng chống cự yếu ớt dần, thưa dần cho tới khuya hôm sau Tổng cộng các chiến sỹ đồn Hoa Lư đã đẩy lui hơn 20 đợt tấn công ác liệt của địch trong tình trạng cạn kiệt vũ khí và lương thực.

Thượng úy Đồn trưởng Nguyễn Văn Vải (sinh năm 1935, nhập ngũ năm 1953) cùng 32 cán bộ chiến sĩ (gần một nửa quân số hiện hữu) của Đồn Biên phòng 717 Hoa Lư đã anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất biên giới Tây Nam thiêng liêng của Tổ quốc, còn lại 35 người trở về, có 23 người bị thương, trong đó 12 người bị thương nặng.Sau khi tràn vào đồn, bọn Khơ Me Đỏ cướp phá những gì còn sót lại sau đó gài mìn vào thi thể những chiến sỹ hy sinh để làm bẫy rồi mới rút đi.

Những người CBCS Biên phòng (CAVT cũ) là những người lính trên tuyến đầu biên giới, có nhiệm vụ chặn đánh bảo vệ từng tấc đất biên cương và sẵn sàng hy sinh để làm chậm thời gian quân địch tiến vào từ cửa ngõ biên giới. Và họ, những người lính biên phòng tự hào vì điều đó, những người lấy thân mình làm cột mốc biên giới Tổ Quốc.

Trên đoạn biên giới Lộc Ninh khi đó có các trung đoàn 88, 205, 174, Q16.. cùng 3 đơn vị pháo binh & 1 lữ đoàn tăng thiết giáp. Hơn 20.000 người lính ko ăn ko ngủ suốt 2 ngày đó. Tất cả nai nịt gọn gàng, súng ống lăm lăm trong tay, mắt quắc lên rực lửa. Tất cả các nòng pháo của pháo binh, xe tăng đều lấy sẵn tọa độ bắn, các pháo thủ ôm đạn đứng chờ mệnh lệnh. Tất cả chỉ chờ đợi mệnh lệnh xuất kích, các máy bộ đàm đều mở kênh liên lạc với đồn 717, từ trong đó vang lên tiếng gọi thống thiết của vị đồn trưởng:
“Các đồng chí hãy tập trung hỏa lực pháo bắn vào mục tiêu là chỉ huy sở của đồn. Chúng tôi sắp hết đạn, địch đang tràn vào sân đồn, anh em đang đánh giáp lá cà, tình thế nguy ngập rồi, làm ơn bắn đi!…”
- Mười phút sau, cũng tiếng nói ấy:
“Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng, chúng tôi đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng. Hãy trả thù cho chúng tôi. Vĩnh biệt các đồng chí!”.
Tất cả chúng tôi mắt nhòe lệ, những người lính già nghiến răng trèo trẹo, quai hàm bạnh ra, mắt trừng trừng như muốn nổ con ngươi. Nhưng là người lính, chúng tôi phải phục tùng mệnh lệnh cấp trên. Có lẽ chỉ có những người có hiểu biết và có trách nhiệm trước Tổ Quốc cao hơn chúng tôi mới hiểu và tin rằng họ cũng đau lòng như chúng tôi. Từ hôm đó những người lính trẻ ko còn bông đùa nghịch ngợm nữa, tất cả như già đi dăm tuổi. Chúng tôi ngồi lặng lẽ lau súng, chuốt lại lưỡi lê, thủ thỉ trò chuyện với những viên đạn. Ko ai bảo ai, trên vành mũ cối xuất hiện những khẩu hiệu:
“Ôi Tổ Quốc mà ta yêu quý nhất
Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi!”
Hoặc: “Hãy yên nghỉ, hỡi những người anh hùng. Chúng tôi sẽ trả thù!”..
Ngày tấn công được mòn mỏi trông chờ rồi cũng tới. Chúng tôi ào ạt xông lên tấn công vỗ mặt tiền duyên, thọc sâu – dùi xuyên hông, xẻ sườn phòng tuyến địch, vu hồi chặn đường chi viện/tháo chạy của chúng. Thê đội 1 tổn thất nặng thì thê đội 2 tràn lên như thác lũ, chúng tôi như dòng thép nung chảy tưới vào kẻ thù.
Tiếng chính trị viên sang sảng: “Đánh cho chúng biết thế nào là khí phách Việt Nam!”.
Chưa đầy 3 giờ, 2.000 tên đồ tể khát máu Polpot bị đẩy xuống địa ngục. Trận đánh đó ko hề có tù binh! Gần 1/3 trung đoàn tôi hy sinh trong trận đánh mở màn, có nghĩa hơn 800 chàng trai ưu tú của nước Việt nằm xuống ở tuổi đôi mươi..."
(Trích "Giấc mơ cao cả" - CCB Lê Văn Lực).
NGÔI SAO RỪNG DỪA
"Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng, chúng tôi đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng. Hãy trả thù cho chúng tôi. Vĩnh biệt các đồng chí!”.
"Năm 1978, bầu trời sáng lóa, chớp giật bởi hàng loạt tiếng nổ rền vang, mặt đất rung chuyển dữ dội bởi hàng vạn quả cối 82, 60 & pháo 105, 130mm cùng hàng ngàn khẩu AK, B40, B41, M79, thủ pháo, lựu đạn... Đồn biên phòng Hoa Lư (đồn 717) nằm trên Quốc Lộ 13 giáp ranh Bình Phước – Krochie bị tấn công.
Gần 2.000 tên lính Polpot thiện chiến dồn dập đột kích vào đồn biên phòng bé nhỏ heo hút chỉ có 90 tay súng trấn giữ. Trận đánh dai dẳng từ 4 giờ sáng đến tối mịt, cách chục cây số mà vẫn nghe văng vẳng tiếng hô xung phong của bọn Polpot, tiếng súng chống cự yếu ớt dần, thưa dần cho tới khuya hôm sau.
Trên đoạn biên giới Lộc Ninh khi đó có các trung đoàn 88, 205, 174, Q16.. cùng 3 đơn vị pháo binh & 1 lữ đoàn tăng thiết giáp. Hơn 20.000 người lính ko ăn ko ngủ suốt 2 ngày đó. Tất cả nai nịt gọn gàng, súng ống lăm lăm trong tay, mắt quắc lên rực lửa. Tất cả các nòng pháo của pháo binh, xe tăng đều lấy sẵn tọa độ bắn, các pháo thủ ôm đạn đứng chờ mệnh lệnh. Tất cả chỉ chờ đợi mệnh lệnh xuất kích, các máy bộ đàm đều mở kênh liên lạc với đồn 717, từ trong đó vang lên tiếng gọi thống thiết của vị đồn trưởng:
“Các đồng chí hãy tập trung hỏa lực pháo bắn vào mục tiêu là chỉ huy sở của đồn. Chúng tôi sắp hết đạn, địch đang tràn vào sân đồn, anh em đang đánh giáp lá cà, tình thế nguy ngập rồi, làm ơn bắn đi!…”
- Mười phút sau, cũng tiếng nói ấy:
“Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng, chúng tôi đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng. Hãy trả thù cho chúng tôi. Vĩnh biệt các đồng chí!”.
Tất cả chúng tôi mắt nhòe lệ, những người lính già nghiến răng trèo trẹo, quai hàm bạnh ra, mắt trừng trừng như muốn nổ con ngươi. Nhưng là người lính, chúng tôi phải phục tùng mệnh lệnh cấp trên. Có lẽ chỉ có những người có hiểu biết và có trách nhiệm trước Tổ Quốc cao hơn chúng tôi mới hiểu và tin rằng họ cũng đau lòng như chúng tôi. Từ hôm đó những người lính trẻ ko còn bông đùa nghịch ngợm nữa, tất cả như già đi dăm tuổi. Chúng tôi ngồi lặng lẽ lau súng, chuốt lại lưỡi lê, thủ thỉ trò chuyện với những viên đạn. Ko ai bảo ai, trên vành mũ cối xuất hiện những khẩu hiệu:
“Ôi Tổ Quốc mà ta yêu quý nhất
Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi!”
Hoặc: “Hãy yên nghỉ, hỡi những người anh hùng. Chúng tôi sẽ trả thù!”..
Ngày tấn công được mòn mỏi trông chờ rồi cũng tới. Chúng tôi ào ạt xông lên tấn công vỗ mặt tiền duyên, thọc sâu – dùi xuyên hông, xẻ sườn phòng tuyến địch, vu hồi chặn đường chi viện/tháo chạy của chúng. Thê đội 1 tổn thất nặng thì thê đội 2 tràn lên như thác lũ, chúng tôi như dòng thép nung chảy tưới vào kẻ thù.
Tiếng chính trị viên sang sảng: “Đánh cho chúng biết thế nào là khí phách Việt Nam!”.
Chưa đầy 3 giờ, 2.000 tên đồ tể khát máu Polpot bị đẩy xuống địa ngục. Trận đánh đó ko hề có tù binh! Gần 1/3 trung đoàn tôi hy sinh trong trận đánh mở màn, có nghĩa hơn 800 chàng trai ưu tú của nước Việt nằm xuống ở tuổi đôi mươi..."
(Trích "Giấc mơ cao cả" - CCB Lê Văn Lực).


 Dear Chú Levubinhdiamoc!

Lời đầu tiên cho phép cháu xin lỗi vì trong một comment hôm qua đã nặng lời. Câu đó thích hợp với một bạn trẻ trâu chứ không phải với chú. Sau khi  được biết là bài viết của chú (https://levubinhdiamoc.wordpress.com/tag/giac-mo-cao-ca/) thì cháu thấy mình có lỗi vì đã nói câu đó nhưng lại càng giận hơn vì một người lính, đã kinh qua cuộc chiến; một người đứng tuổi đã trải bao sự đời; một facebooker, blogger có tiếng, thu hút và nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ mà lại có những thông tin như vậy. Thật đáng trách. Cháu cũng rất tiếc rằng, “người nhà” lại đang đi nói “người nhà” nhưng cũng mong chú hiểu cho, sự thật vẫn cứ là sự thật – nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ mà thôi. Qua đây cũng gửi lời đến tất cả các bác, các chú CCB – xin đừng chém bão – hãy để lớp trẻ tin, yêu và đến với lịch sử một cách tự nhiên, chân thực nhất, khách quan nhất và đúng đắn nhất. Xin có vài dòng về bài viết trận đánh tại đồn biên phòng Hoa Lư tháng 2/1978 của chú như sau ạ:

1. Số lượng CBCS tại đồn:
- Theo bài viết của chú là 90 người;
- Thực tế không phải vậy ạ. Chú có biết không, ngay trong giai đoạn KCCM và nhất là sau 30/4/1975, ta đã triển khai ngay lực lượng CAVT để bảo vệ toàn tuyến biên giới phía Nam. Tháng 3/1976, tổ chức được kiện toàn và có tất cả 44 đồn, 12 trạm - mỗi đồn có từ 30-4- CBCS;
- Thế tổng cộng đồn biên phòng Hoa Lư tháng 2/1978 có bao nhiêu người. Xin thưa rằng, đứng trước tình hình mới, đồn đã được tăng cường thêm biên chế và có khoảng hơn 60 người.
Số lượng có thể nhớ nhầm, điều đó không quan trọng ạ.

2. Viết thế này có ý nghĩa gì?
"...Năm 1978, bầu trời sáng lóa, chớp giật bởi hàng loạt tiếng nổ rền vang, mặt đất rung chuyển dữ dội bởi hàng vạn quả cối 82, 60 & pháo 105, 130ml cùng hàng ngàn khẩu AK, B40, B41, M79, thủ pháo, lựu đạn.. Đồn biên phòng Hoa Lư (đồn 717) nằm trên QL 13 giáp ranh Bình Phước – Krochie bị tấn công. Gần 2.000 tên lính Polpot thiện chiến dồn dập đột kích vào đồn biên phòng bé nhỏ heo hút chỉ có 90 tay súng trấn giữ. Trận đánh dai dẳng từ 4 giờ sáng đến tối mịt, cách chục cây số mà vẫn nghe văng vẳng tiếng hô xung phong của bọn Polpot, tiếng súng chống cự yếu ớt dần, thưa dần cho tới khuya hôm sau. Trên đoạn biên giới Lộc Ninh khi đó có các trung đoàn 88, 205, 174, Q16.. cùng 3 đơn vị pháo binh & 1 lữ đoàn tăng thiết giáp. Hơn 20.000 người lính ko ăn ko ngủ suốt 2 ngày đó. Tất cả nai nịt gọn gàng, súng ống lăm lăm trong tay, mắt quắc lên rực lửa. Tất cả các nòng pháo của pháo binh, xe tăng đều lấy sẵn tọa độ bắn, các pháo thủ ôm đạn đứng chờ mệnh lệnh. Tất cả chỉ chờ đợi mệnh lệnh xuất kích, các máy bộ đàm đều mở kênh liên lạc với đồn 717, từ trong đó vang lên tiếng gọi thống thiết của vị đồn trưởng: “Các đồng chí hãy tập trung hỏa lực pháo bắn vào mục tiêu là chỉ huy sở của đồn. Chúng tôi sắp hết đạn, địch đang tràn vào sân đồn, anh em đang đánh giáp lá cà, tình thế nguy ngập rồi, làm ơn bắn đi!…” 10′ sau, cũng tiếng nói ấy: “Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng, chúng tôi đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng. Hãy trả thù cho chúng tôi. Vĩnh biệt các đồng chí!” Tất cả chúng tôi mắt nhòe lệ, những người lính già nghiến răng trèo trẹo, quai hàm bạnh ra, mắt trừng trừng như muốn nổ con ngươi. Nhưng là người lính, chúng tôi phải phục tùng mệnh lệnh cấp trên. Nguyên nhân vì sao mà tư lệnh quân khu ko cho động binh có lẽ chỉ có những người có hiểu biết & có trách nhiệm trước Tổ Quốc cao hơn chúng tôi mới hiểu & tin rằng họ cũng đau lòng như chúng tôi. Từ hôm đó những người lính trẻ ko còn bông đùa nghịch ngợm nữa, tất cả như già đi dăm tuổi. Chúng tôi ngồi lặng lẽ lau súng, chuốt lại lưỡi lê, thủ thỉ trò chuyện với những viên đạn. ...."

- Chú đã vào Page Tìm hiểu chiến tranh Việt Nam và một số diễn đàn, page, FB khác chưa ạ. Các em các cháu nó "đau" lắm: không ai cứu họ ư? họ bị bỏ mặc cho số phận? tốt thí ư? Nguyên nhân vì sao mà tư lệnh quân khu ko cho động binh là câu hỏi nhức nhối ám chỉ ai, điều gì? Tình thế lúc đó ra sau mà phải như vậy nhỉ?

Xin phép được "giải mã" vài điều:
- Trận tiến công đồn biên phòng Hoa Lư thuộc Sông Bé (cũ) không phải là trận đầu tiên Pôn Pốt tấn công tổng lực vào các đồn biên phòng của ta và không phải là ta không có cách đối phó. Ta thường mặc định trong đầu, những người CBCS Biên phòng (CAVT cũ) là những người lính trên tuyến đầu biên giới, có nhiệm vụ chặn đánh bảo vệ từng tấc đất biên cương và sẵn sàng hy sinh để làm chậm thời gian quân địch tiến vào từ cửa ngõ biên giới. Nếu xem phim Liên Xô, ta cũng thường thấy những người lính biên phòng Liên Xô đã kiên cường và quyết tử như thế nào trong những giờ đầu, ngày đầu của 1941 - họ tự hào về điều đó và dù sau này có thế nào họ vẫn đội mũ và mặc sắc phục biên phòng. Ở ta cũng vậy sao?

- Ngày 25/2/1976, lính Pôn Pốt lần đầu tiên tập kích vào đồn biên phòng số 8 tỉnh Đắc Lắc, mở đầu cho chuỗi hoạt động tấn công tổng lực chính thức vào các đơn vị CAVT tại các ĐBP phía Nam. Ngày 25/6/1976, địch tập kích vào chốt C3 nằm sát biên giới làm 3 chiến sỹ của ta bị thương. Bắt đầu từ đó địch cho máy bay trinh sát dọc biên giới, chở quân và xây dựng các khu xuất phát điểm trên toàn tuyến để đột phá và nhất là tăng cường tối đa các hoạt động đánh phá, bắt cóc, phục kích, bẫy mìn, dụ dỗ và mua chuộc,....=> gây căng thẳng tột bậc. Đứng trước tình hình mà ĐBP số 7 và số 8 báo về, BTL và BCH CAVT tỉnh đã quyết định cho mỗi đồn triển khai thêm một chốt phòng ngự; tăng cường biên chế mỗi đồn thêm từ 10-15 chiến sỹ; trang bị thêm vũ khí đạn dược - nhất là B40 và M79. Đỉnh điểm là trận đánh đêm ngày 13/1/1977 tại ĐBP số 7 và 8 làm 9 CBCS hy sinh, 15 bị thương và ta có tổn thất về nhà cửa, trang thiết bị. Sau trận này, BTL cử đ/c Tăng Liễu, Phó TMT vào trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo và xây dựng phương án chiến thuật trong giai đoạn mới với tình thế mới (Chỉ thị 06, Kế hoạch 13 và Mệnh lệnh 14). Từ đây, mỗi tỉnh đều xây dựng thêm điểm chốt với đồn để tạo thế chân kiềng; bổ sung và tăng số lượng các C cơ động nhanh lên từ 2 đến 4 đại đội; ....

- Tuy nhiên, nếu nói đến địch đánh cấp trung đoàn có tăng cường hỏa lực mạnh vào ĐBP thì phải nói đến trận đánh đêm 25/9/1977 vào ĐBP Xa Mát; địch không nhổ được đồn nên phải chuyển sang vây lấn, bao vây tiêu diệt. Thế nhưng, ĐBP Xa Mát đứng vững trong 11 ngày; tự tổ chức chiến đấu trước mọi tình huống, chiến thuật và thủ đoạn của kẻ thù. Có được điều này đâu phải đơn giản phải không ạ, đâu phải là dễ nếu không có các phương án, kế hoạch tổ chức và đảm bảo. Họ có bị bỏ rơi không ạ?