17 tháng 6, 2014

VN trưng thêm bằng chứng xác thực khẳng định chủ quyền Hoàng Sa

Tin VN - Hồ sơ chiếc đèn biển xây trên Hoàng Sa (Pattle) hay giấy khai sinh “giấy trắng mực đen” của một người được sinh ra tại Hoàng Sa thời Pháp thuộc được trưng ra trong cuộc họp báo quốc tế lần thứ 5 của Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều qua là những bằng chứng lịch sử xác thực và đầy thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.


“Lý lịch” cây đèn biển trên đảo Hoàng Sa
Theo các tài liệu lịch sử, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa gồm nhiều bãi ngầm rất nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại trên Biển Đông. Chính quyền Pháp đã nhân danh Việt Nam thực hiện quyền quản lý đối với 2 quần đảo này đã quyết định xây dựng một chiếc đèn biển trên đảo Hoàng Sa để đảm bảo cho tàu thuyền qua lại, tránh được những tai nạn rủi ro.

Trong tập “Hồ sơ đèn biển ở miền Trung Việt Nam” - tài liệu gốc bằng tiếng Pháp, ghi năm 1950, nội dung ghi chép các tờ khai theo mẫu về thông số kỹ thuật của 33 phao tiêu và đèn biển thuộc 10 khu vực ở miền Trung Việt Nam đáng chú ý có trang số 306 ghi lại lý lịch và thông số kỹ thuật của đèn biển trên đảo Pattle (Hoàng Sa) được viết tay bằng mực tím. Tài liệu này có một sơ đồ chỉ rõ vị trí xây dựng đèn biển ở đảo Hoàng Sa và một bản đồ quần đảo Hoàng Sa, bên cạnh có hình vẽ thiết kế thể hiện hình dáng và chiều cao đèn biển Hoàng Sa. 

Đèn biển trên đảo Hoàng Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa đã được khởi công xây dựng từ năm 1937 và hoàn thành năm 1938. Hồ sơ nêu rõ, đèn biển trên được đặt tại vị trí có tọa độ 16032’2 Vĩ Bắc, 111035’8 Kinh Đông, phía Tây Nam của đảo Pattle (Hoàng Sa) thuộc nhóm Lưỡi Liềm, trong quần đảo Hoàng Sa. Đèn do Công ty Barbier, Bénard et Turenne, có trụ sở tại Paris xây dựng tháng 10-1937.



Giấy khai sinh mang tên Mai Kim Quy (SN 1939) được lập ở Hoàng Sa
Năm 1938, Pháp xây dựng xong trạm khí tượng thiên văn tại quần đảo Hoàng Sa. Nhân viên khí tượng tên là Mai Xuân Tập của Việt Nam khi nhận nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa đã đưa gia đình của mình ra đây sinh sống. Trong thời gian này, người vợ đã sinh hạ cho ông một người con gái tên là Mai Kim Quy. Ông Tập đặt tên con gái là Quy vì khi đó ở Hoàng Sa có rất nhiều rùa.

Phần chính của giấy khai sinh đặc biệt này ghi rõ họ tên Mai Kim Quy là con gái của ông Mai Xuân Tập (nhà khí tượng học) và bà Nguyễn Thị Thắng (nội trợ) sinh lúc 15h ngày 7-12-1939 tại đảo Hoàng Sa (Pattle), quần đảo Hoàng Sa. Có hai người làm chứng là bác sĩ Nguyễn Tăng Chuẩn và ông Đỗ Đức Mùi, Trưởng trạm vô tuyến của đảo. Phần phía dưới giấy khai sinh được ký bởi ông Chauvet (phái viên hành chính), xác thực tại đảo Hoàng Sa (Pattle) ngày 28-6-1940, kèm con dấu có dòng chữ “Chính quyền Bảo hộ An Nam. Phái đoàn tại nhóm đảo Lưỡi Liềm và các đảo phụ thuộc”.

Đặc biệt nhất là bản khai sinh bà Mai Kim Quy được đánh máy trên tập giấy pơ-luy bằng ruy băng hai màu đỏ và đen nên chữ tờ đầu trên giấy khai sinh có hai màu đỏ và đen, còn tờ sau in qua giấy than, chỉ có màu đen. Cả hai bản đều được đóng dấu đỏ của cơ quan hành chính Pháp ở Hoàng Sa tại thời điểm đó là chính quyền bảo hộ An Nam. Kỷ vật quý giá này đã được gia đình trao tặng cho Ủy ban Biên giới quốc gia và là một bằng chứng rõ ràng về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.
(Tin ANTD) Phú Khánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét