12 tháng 9, 2014

Nạn đói ở Thái Bình: Đãi phân ngựa tìm hạt ngô để ăn - Kỳ 2: Tấn thảm kịch không ai tưởng tượng nổi

– Hàng đoàn người lũ lượt bò đi, đói quá không ai đứng dậy nổi. Họ nằm la liệt chờ chết hai bên vệ đường.

Tháng 7-1992, Viện Sử học Việt nam cử đoàn về điều tra, khảo sát số người chết đói ở xã Tây Lương (Tiền Hải, Thái Bình). Giáo sư Văn Tạo đã kết luận trong bản tổng kết: Xã điểm Tây Lương có số người chết đói năm Ất Dậu (1945) bằng 2/3 dân số lúc ấy. Riêng Lương Phú là làng nghề, đời sống khá giả mà số người chết đói đã lên tới 594/1.374 người (bằng 43,07%). 

Nguyên nhân chính là do vụ mùa tháng 10/1944 mất sạch, các nhà giàu trong xã không cho dân vay thóc vì họ phải bán thóc tạ cho Nhật, rồi nhiều nơi phải nhổ lúa trồng đay. Mặt khác, phát xít Nhật đã cấm tiệt việc vận chuyển lương thực từ Nam ra Bắc cứu đói, mặc cho thảm cảnh diễn ra.
Nạn đói ở Thái Bình: Đãi phân ngựa tìm hạt ngô để ăn
Đoàn Viện Sử học điều tra nạn đói Ất Dậu 1945 tại xã Tây Lương 

Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Tây Lương ghi rõ: Gia đình bà Nhang Vui ở xóm Trại (Hoàn Khê) có 30 người thì tới 27 người chết đói. Gia đình ông Hoàng Bê ở thôn Hiên, có 5 người gồm 2 vợ chồng và 3 đứa con, chết sạch cả nhà mà không ai biết. Mãi sau này có mùi hôi thối bốc lên, người làng mới phát hiện, không mang đi chôn, họ đốt cháy ngôi nhà đó.

Hay gia đình cụ Hoàng Phúc, 4 thế hệ gồm bố, con, cháu, chắt, tổng số 31 người thì chết 26 người. 2 người đi xa đến giờ không rõ tung tích.

Một ngõ ở xóm giữa thôn Thượng, có 9 gia đình với 61 nhân khẩu, thì chết đói mất 59 người.
Bên cạnh đó, còn có nhiều gia đình cả con, cháu tới 23-24 người chết không còn một ai. Nhiều chi, cành chỉ còn một vài gia đình. Theo số liệu thống kê của các dòng họ, hậu quả của nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu khiến 3.968 người ở xã Tây Lương bị chết.
Nạn đói ở Thái Bình: Đãi phân ngựa tìm hạt ngô để ăn
 
Nạn đói ở Thái Bình: Đãi phân ngựa tìm hạt ngô để ăn
Những hình ảnh về nạn đói năm Ất Dậu Ảnh: Internet 

Đó là chưa tính đến những người do đói phải tha phương cầu thực và bỏ mạng ở những nơi khác. Trong khi dân chết đói thì các kho thóc của Nhật đóng chặt để phục vụ chiến tranh.

Thời điểm ấy, Tây Lương chìm trong cảnh xóm làng xơ xác, tiêu điều. Cỏ dại lút đầu gối mọc khắp đường đi. Sân nhà, ngõ xóm, tiếng trẻ con khóc như mèo hoang ai oán suốt đêm. Đến củ chuối, con gián, con chuột cũng không còn để ăn. Ở các làng, xóm, qua mỗi đêm lại có thêm hàng chục, hàng trăm người chết đói. Thậm chí người chết nhiều đến nỗi những người còn sống không chôn kịp.

Nhiều người trong lúc hơi tàn, sức tận vẫn cố lê lết đến trước cổng các nhà giàu có, địa chủ trong vùng, chờ chủ nhà mở cổng để xin ăn, và nếu có chết trước khi có miếng ăn vào bụng thì còn được chôn cất, vì chủ nhà sẽ thuê khoán người ở lôi đi chôn.

Từ thành phố Thái Bình chạy xe chừng hơn nửa giờ đồng hồ thì đến xã Tây Lương. Con đường phẳng rộng mênh mang, lúa chiêm non xanh trải từ bờ ruộng mải miết đến tận mãi chân trời. Tây Lương hiện ra với những nếp nhà còn thơm mùi sơn mới, làng mạc trù phú, điện, đường, trường, trạm khang trang, 2 bên đường trẻ em nô nức vui đùa.
Nếu không tìm hiểu những số liệu, sách báo, tranh ảnh... bản thân tôi cũng không bao giờ dám nghĩ 70 năm trước, đây là nơi kiệt cùng của nạn đói Ất Dậu.
Nạn đói ở Thái Bình: Đãi phân ngựa tìm hạt ngô để ăn
Không ai nghĩ, gần 70 năm trước, nơi đây là địa ngục trần gian 

Những nhân chứng sống sót trong thảm họa khủng khiếp ấy, giờ cũng trên 80 tuổi, và chỉ còn vài người.

Cụ Lại Văn Hằng ở thôn Trung Tiến, năm nay 86 tuổi. Cụ đã già yếu lắm, phải ngồi xe đẩy, đôi lúc hơi lú lẫn. Tuy nhiên, những ký ức về nạn đói 1945 vẫn còn hằn sâu, in đậm. Nhắc lại, cụ rơm rớm nước mắt, nấc lên khô khốc, tiếng nấc của nỗi đau khổ tột cùng.
Ngày ấy, cái bóng của đồn Tây và cổng đình bao năm đè nặng lên kiếp người. Cuộc sống lại càng thêm ngột ngạt khi đường làng in thêm dấu giày của phát xít Nhật. Bữa cơm hàng ngày bao gồm ít gạo, tấm, trộn với ngô, khoai, củ chuối... Mỗi bữa được một nắm nho nhỏ, mùi ngai ngái, nhưng gia đình cụ như vậy vẫn là khá giả ở trong vùng.
Nạn đói ở Thái Bình: Đãi phân ngựa tìm hạt ngô để ăn
Cụ Lại Văn Hằng: "Cái đói đã dày vò, đày đọa người Tây Lương đến cùng cực" 

Nạn đói ập đến vào năm cụ 17 tuổi. Trước đó gia đình thu hoạch được hơn 3 mẫu lúa, nhưng bị cướp sạch, còn sót lại một ít do cất giấu từ trước. 

Gạo hết, nhà cụ giết chó, giết gà, không chỉ để ăn, mà bởi cũng không còn gì để nuôi chúng. Hết gia súc, gia cầm, cụ Hằng theo mọi người trong làng đi bắt chuột, đào củ chuối, hái rau má, bẻ cây ngô... Cuối cùng tất cả cũng hết.


Có người ăn cả đất, có người ăn cả trấu, mùn cưa, lại có người thấy quan Tây cưỡi ngựa đi qua, họ liền đi theo hốt phân về đãi, hy vọng tìm thấy những hạt ngô chưa bị tiêu hóa hết để nấu lên ăn. 

Cụ bảo, cái đói dày vò, đày đọa con người đến cùng cực. Ở cái xóm này, họ Lại nhà cụ chết nhiều nhất. Cụ Hằng không nhớ rõ là bao nhiêu người, nhưng qua nạn đói, chỉ còn có cụ, bà, một cô em và một người chú họ là còn sống.

Cụ Hằng sống sót nên phải trực tiếp đi chôn cất người chết, toàn những thi thể cứng đờ, dúm dó, chỉ còn da bọc xương. Chẳng đêm nào cụ Hằng ngon giấc, bởi cứ thỉnh thoảng lại nghe tiếng khóc khô khản vẳng lên từ những ngôi nhà xung quanh.

Nạn đói Ất Dậu xảy ra khi ông Tô Minh Thuyết mới hơn 10 tuổi. Sở dĩ ông còn sống sót là vì có bố làm phu xe ở trên Hà Nội, đã dẫn cả gia đình đi lánh nạn. Khi không có người thuê xe nữa, bố ông quay về quê định bán nhà kiếm ít tiền, không có ai mua, cũng không còn gì ăn, cuối cùng bố chết đói ngay tại nhà.

Trong sâu thẳm ký ức, ông vẫn lưu giữ hình ảnh đoàn người lũ lượt bò đi, đói quá không ai đứng dậy nổi, nằm la liệt hai bên vệ đường.

Nạn đói ở Thái Bình: Đãi phân ngựa tìm hạt ngô để ăn
Ông Tô Minh Thuyết: "Tôi may mắn sống sót, nhưng bố tôi đã chết trong nạn đói" 

Ông Thuyết kể rằng, ở xã Tây Lương họ Tô là dòng họ lớn nhất. Nhưng trong nạn đói, dòng họ Tô ở xóm Trại, thôn Nghĩa chỉ còn duy nhất ông Tô Văn Nuôi sống sót. Lúc đó, ông Nuôi còn bé tý.

Nhà ông Nuôi có 1 bà cô làm dâu của một gia đình địa chủ khá lớn ở xã bên cạnh. Khi bà cô nghe tin cả dòng họ chết hết đã mò về tìm kiếm và thấy đứa cháu đang nằm khóc không thành tiếng. Cạnh đó là mấy người trong làng còn sống sót, họ đang đào hố, tìm chiếu, lá chuối, lá cói, bó xác người thân mình như bó giò, rồi mang đi chôn cất.

Bà cô đưa ông Tô Văn Nuôi về bên nhà chồng, nuôi cho đến năm 17 tuổi. Về sau, ông Nuôi xung phong đi bộ đội, ra quân lại trở về sinh sống ở quê hương, trên mảnh đất đau thương năm xưa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét