Vua Thành Thái, vua Duy Tân, sau khi mất đi được con cháu đưa thi hài về chôn cất trong khu vực An Lăng nơi có lăng tẩm vua Dục Đức.
Nằm trên đường Duy Tân (phường An Cựu, TP Huế), An Lăng có diện
tích rộng gần 6 ha, bao gồm lăng vua Dục Ðức, hoàng hậu và 42 tẩm mộ ông
hoàng bà chúa cùng 121 ngôi mộ đất của những người thuộc Ðệ Tứ Chánh phái Nguyễn Phước tộc.
Đây cũng là nơi an nghỉ của vua Thành Thái và vua Duy Tân, hai vị vua
yêu nước bị thực dân Pháp phế truất và an trí ở nước ngoài.
Nhiều hạng mục đã xuống cấp ở Lăng vua Dục Đức. Ảnh: Võ Thạnh.
|
Theo chính sử triều Nguyễn, vua Tự Đức (1847 - 1883) qua đời truyền
ngôi lại cho người con nuôi của mình là Hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Ái, tức
vua Dục Đức. Nhưng vua Dục Đức chỉ trị vì được mấy ngày thì bị phế
truất và bị quản thúc tại Thái Y Viên, sau đó chết đói ở nhà ngục Thừa
Thiên để lại 8 bà vợ, 11 người con trai và 8 người con gái.
Giai thoại ở Huế lưu truyền rằng, vua Dục Đức mất, vợ vua đã thuê
người gánh thi hài vua từ ngục Thừa Thiên mang về chùa Tường Quan để
chôn cất với mong muốn ngày ngày tiếng kinh Phật sẽ siêu thoát linh hồn.
Nhưng chưa đến vườn chùa, thi hài nhà vua rơi xuống gần khe cồn Phước
Quả và được chôn cất tạm bợ tại đây. Mấy hôm sau triều đình
nhà Nguyễn mới cho người vợ chính là bà Từ Minh được phép lên thăm mộ
và làm lễ chịu tang ở chùa Tường Quang.
Vào năm 1889, con trai của vua Dục Đức là Nguyễn Phúc Bửu Lân được đưa
lên ngôi vua, lấy niên hiệu Thành Thái. Sau đó, vua Thành Thái cho xây
lăng mộ của cha đàng hoàng và đặt tên là An Lăng. Nơi thờ thì ở chùa
Tường Quang cách 200 mét.
Lăng vua Thành Thái trong khu vực An Lăng. Ảnh: Võ Thạnh.
|
Đến tháng 7 năm Thành Thái thứ 11 (8/1899), nhà vua cho xây dựng điện
Long Ân gần khu vực lăng mộ vua Dục Đức để thờ cha. Trong khuôn viên này
có xây dựng thêm một số nhà cửa dành cho 7 bà vợ thứ của vua Dục Đức ăn
ở để lo hương khói phụng thờ. Năm 1906, bà Từ Minh tạ thế, triều đình
cho quy hoạch lại khu vực lăng mộ vua Dục Đức, làm thành một khu lăng
kép, xây mộ bà gần mộ ông theo kiểu "song táng".
Cuối năm 1945, vua Duy Tân tử nạn máy bay ở châu Phi, một cuộc lễ truy điệu nhà vua được tổ chức tại điện Long Ân và thờ tại đây.
Đến năm 1954, khi vua Thành Thái mất, thi hài được đưa về chôn
cất trong khu vực An Lăng và cũng được thờ ở điện Long Ân. Năm 1987, hài
cốt vua Duy Tân được đưa về an táng cạnh lăng vua cha Thành Thái.
Gần hai bên lăng vua Thành Thái và Duy Tân còn có lăng mộ của 3
bà vợ vua Thành Thái và năm 1994, hài cốt bà Mai Thị Vàng (mất năm
1980), vợ vua Duy Tân được đưa về chôn gần lăng mộ của vua.
Phần mộ vua Duy Tân nằm cạnh mộ vua cha Thành Thái trong khu vực An Lăng. Ảnh: Võ Thạnh.
|
Lăng vua Thành Thái và vua Duy Tân nhỏ gọn, nằm ngay mặt tiền đường Duy
Tân, trong khi đó lăng tẩm vua Dục Đức đã xuống cấp nặng nề. Trung tâm
Bảo tồn di tích cố đô Huế, đơn vị quản lý An Lăng phải dùng các thanh
sắt để gia cố tạm bợ.
Hiện bài vị vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân đang được thờ trong
khu vực điện Long Ân. Hằng năm, dòng Nguyễn Phúc tộc thường tổ chức ngày
giỗ cho các vị vua ngay trong khu vực lăng.
Bìa vị vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân được thờ trong điện Long Ân. Ảnh: Võ Thạnh.
|
Trải qua thăng trầm của lịch sử, một phần khu vực An Lăng đã bị người dân lấn chiếm làm nhà cửa sinh sống.
Vua Dục Đức (23/2/1852 - 6/10/1883) là vị vua thứ năm của triều đại
nhà Nguyễn và là cha của vua Thành Thái, ông nội vua Duy Tân.
Vua Thành Thái (14/3/1879 - 24/3/1954) là vị vua thứ 10, tại vị từ 1889 - 1907.
Vua Duy Tân (19/9/1900 - 26/12/1945), tên là Nguyễn Phúc Vĩnh San,
vị vua thứ 11 của nhà Nguyễn, ở trên ngai vàng từ 1907 - 1916. Khi cuộc
khởi nghĩa Duy Tân thất bại, nhà vua bị thực dân Pháp đưa đi an trí ở
Châu Phi.
|
Võ Thạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét