25 tháng 8, 2017

THÀNH HUẾ XÂY KIỂU VAUBAN

Từ thuở Tam Quốc, người châu Á đã biết xây đồn lũy hình bốn cạnh, xung quanh có tường bằng đất hay đất nhồi rơm, mỗi cạnh có trổ cửa nhỏ, mỗi góc có chòi gác hai tầng với lỗ châu mai tứ phía. Trước đồn có thể thêm vài tiền đồn nhỏ gồm có phên giậu, cọc tre che kín,...Trong rất lâu, hệ thống nầy đủ để bảo vệ ngày nào khí giới tấn công chỉ là cung tên giản tiện. Khi thuốc súng được khám ra, nếu người Trung Quốc chỉ dùng làm pháo bông hay pháo lửa, người Ả Rập rồi người châu Âu phát huy sáng kiến quan niệm phóng đạn, mở ra kỷ nguyên pháo binh. Nhưng những súng ống người Âu mang sang lúc ban đầu là những khẩu thần công nhỏ chỉ có khả năng phóng ra những viên đạn 20-200kg thì những tường đất, xem như là những thành nuốt đạn, dễ dàng chống đở. Dần dần súng ống Tây phương phát triển, đặc biệt những súng thần công, súng cối, súng tàu biển đặt trên giá,...bắn những viên đạn vừa lớn vừa có tầm súng xa thì công sự buộc phải thay đổi. Đã từng tranh đấu cạnh những sĩ quan người Pháp, đã từng thấy thành tích xây dựng đồn lũy của họ ở miền nam, vua Gia Long không ngần ngại yêu cầu những kỹ sư trình bày một kiến trúc phòng thủ hằng hiệu nghiệm ở châu Âu. Từ cuối thế kỷ 17, qua nhiều thử thách, công sự kiểu Vauban (*) đã được thông dụng ở Pháp cũng như ở châu Âu. Dựa lên những nguyên tắc tấn công mà chính ông đã đề xướng, ông lập nền tảng cho việc xây cất công sự. Công sự phải là nơi chỉ huy trận địa xung quanh, nơi dễ quan sát chiến thuật quân địch, nhưng không nên ở ngay giữa đô thị. Theo ông, tuy cần nhưng không nhất thiết phải ở vị trí cao hơn địch quân, vì vậy công sự nên thấp xuống và có nhiều cạnh thay vì hình tròn để sự dụng tối cao súng pháo. Ông lại nhận xét đập đất chịu đựng đạn đại bác tốt hơn thành đá. Nguyên tắc cần yếu là mọi bộ phận trong công sự phải được bảo vệ ngang hàng nhau. Muốn vậy, mỗi bộ phận phải có những điểm mạnh ngay trước mặt những phần cần bảo vệ. Sau người Pháp là người YÙ sử dụng có kết quả tốt, người Hòa Lan thêm vào những mặt nước và những sườn dốc đất bảo vệ, hoàn hảo hệ thống Vauban. Dù sao, hình thức công sự phụ thuộc rất nhiều địa thế vì đồng bằng và đồi núi cống hiến những địa hình khác nhau, tất nhiên kiến trúc công trình mỗi nơi phải một khác. Vua Gia Long đã nghĩ đến việc xây cất kinh đô từ khi lên ngôi năm 1802. Nhưng phải đợi ba năm sau Kinh thành mới được bắt đầu xây dựng bằng đất, đến 1818 chuyển qua gạch, và trong suốt mấy chục năm cả Kinh thành, Hoàng thành, Tử cấm thành luôn được sửa sang, cải tạo, đặc biệt những năm 1838, 1842, 1848, 1884 để hoàn thành một hệ thống thành quách oai vệ, một tổng thể kiến trúc đặc sắc mà ta thấy ngày nay mặc dầu đã trải biết bao tang thương hỏa hoạn. Vào năm 1803-1804 chính vua và những quan Nguyễn Văn Yến, Đỗ Phuc Thạnh, Nguyễn Học, Nguyễn Thông, Trương Việt Súy,...đã tự đi khảo sát địa thế, thiết kế mặt bằng giữa Kim Long và Thanh Hà để chọn địa điểm và đưa ra kích thước, tầm vóc ngôi thành. Ai là người đã vẽ bình đồ ? Tên đưa ra là ông Trí Victor Olivier de Puymanel, một cận thần không rời vua từ mấy năm trước và đã tỏ ra có tài xây dựng pháo đài chiến lũy trong miền nam suốt mấy năm nhà vua đang còn là chúa. Nhưng Puymanel mất năm 1799, sáu năm truớc khi khởi công thì ông không thể tự mình đốc suất được công cuộc xây dựng. Đáng tin là những người có phận sự sau nầy đã dựa lên những khái niệm về thuật bảo vệ bằng công sự của ông để thiết lập bình đồ ngôi thành mới. Những chúa Nguyễn đã đóng đô quanh Phú Xuân từ 1687, một nơi rất thuận tiện để phòng thủ, gần núi để tiện bề rút lui thủ thế, xa biển để dễ tránh sự đột nhập của quân cướp cũng như sự tấn công của những tàu chiến nước ngoài, thì vua Gia Long không mất công tìm kiếm đâu xa. Đằng khác, những thuyền bè dễ dàng đi lại giữa cửa biển và Phú Xuân thì kinh đô có mọi lợi thế của một hải cảng mà không phải chịu đựng những bất tiện quân sự và chính trị. Hơn nữa, xê dịch ra xa cồn chùa Thiên Mụ - người Pháp gọi lầm Tháp Khổng Tử - và gò núi Ngự Bình, Kinh thành tránh được tầm súng đại bác mà địch quân có thể mang lên trên ấy. Vua còn có khả năng xích thành ra gần khuỷu sông phía đông Bao Vinh để sông bảo vệ hai mặt thành đồng thời dễ bề án ngữ cảng nầy, nhưng vì địa thế bắt buộc nếu xây ở đấy thành sẽ không cân đối nên giữ ý xây ở chỗ đã định. Để vẫn bảo vệ được Bao Vinh đồng thời kiểm tra toàn thể sông Đông Ba, năm 1836 những kỹ sư xây dựng sáng kiến ra một công trình nằm ngoài thành về mặt đông bắc, chu vi 1km, mang tên Thái Bình Đài, sau đổi thành Trấn Bình Đài, tục gọi Mang Cá vì trong đồn có hai cái hồ gần nhau hình chữ V giống hai mang con cá. Công trình đặc sắc có một không hai nầy chắc chắn không nằm trong hồ sơ ông Puymanel. Tuy có một số bất tiện trong việc sử dụng súng ống, đồn nầy đã được tính toán rất kỹ lưỡng về mặt sắp đặt lẫn mặt kích thước, phòng ngừa ngay cả phương cách phản kích lúc đồn bị quân địch chiếm đóng.
Trước khi xây dựng Kinh thành, một công tác cần thiết là cuộc bố trí sông ngòi, bắt đầu với vua Gia Long, được tiếp tục dưới thời vua Minh Mạng. Khoảng ba vạn dân và lính tráng các tỉnh miền trung đã được mộ về Huế. Từ Bao Vinh, hai chi lưu tách rời sông Hương để rồi đổ vào lại, cánh Tiễu Giang phía bắc đổ cạnh chùa Thiên Mụ, cánh Kim Long giữa Tiễu Giang và Hương Giang băng qua Thế Lại và Vạn Xuân rồi đổ vào gần Kim Long. Hai cánh sông nầy được đào bới, uốn nắn ra khỏi dòng nước thiên nhiên. Cánh Kim Long, sau nầy mang tên Ngự Hà, được cho chảy dọc theo Hoàng thành, cạnh những vựa lúa và kho hàng, chỗ đổ vào sông được đào thành liên tháp để thuyền đò có thể đi lại chuyên chở lúa gạo, hàng hóa. Cánh Tiễu Giang được uốn chảy ngoài Kinh thành, quanh đồn Mang Cá, dưới thời Minh Mạng mang tên Hộ Thành Hà, tục gọi nhiều tên : sông Kỷ Vạn mặt tây, sông An Hòa mặt bắc, sông Đông Ba mặt đông tùy tên làng xóm ven sông. Bắc qua sông có nhiều cầu, phần lớn lúc đầu xây bằng gỗ sau mới xây lại bằng sắt hay xi măng : Lợi Tế (tức Bạch Hổ), Cửu Lợi (nguyên Bạch Yến rồi Kim Long, nay mất tích), Trường Lợi (nguyên Huyền Yến), Tịnh Tế (nguyên Huyền Hạc, nay mất tích), Bao Vinh (xây ngay bằng xi măng), Đông Hội (nguyên Thanh Tước, nay đã phá), Thế Lại (tục gọi Kẻ Trài, nay mất tích), Đông Ba (hay Đông Gia), Gia Hội (nguyên An Hội, đầu cầu có chợ Được). Ngoài thành, còn có những cầu Hoằng Tế, Hàm Yên (hay Thăng Long) và cầu Trường Tiền xây năm 1887, gần xuởng đúc tiền, sửa lại năm 1906, mở rộng năm 1938. Ban đầu, thành sơ khởi bằng đất cao hơn 6m, rộng dưới 2m50, trên 2m, khi hai bên đất có ốp ngoài bằng gạch những năm 1818, 1822 thì bề rộng lên đến 21m. Lần nầy cũng khoảng tám vạn dân và lính được huy động xây cất dưới quyền đốc suất của các quan Hoàng Công Lý, Truơng Phúc Đặng, Nguyễn Đức Sĩ. Kinh thành có mười cửa chính, phần lớn xây năm 1809, mỗi cửa ba tầng cao khoảng 16m, vọng lâu năm 1829, trông như ngôi miếu, mái lợp ngói âm dương, góc hình con phụng, trong khoét hai chữ thọ lớn. Mỗi cửa có tên riêng : cửa Chính bắc, tục gọi cửa Hậu vì nằm ở phía sau ; cửa Tây bắc, tục gọi cửa An Hòa vì thông ra làng An Hòa ; cửa Chính tây ; cửa Tây nam, tục gọi cửa Hữu vì nằm ở bên mặt ; cửa Chính nam , tục gọi cửa Nhà Đồ vì có nhà để đồ binh khí ; cửa Quảng Đức, tục gọi cửà Sập, từ đây vua Hàm Nghi chạy trốn hồi thất thủ Kinh đô năm Ất dậu 1885 ; cửa Thể Nguyên đổi thành Thể Nhơn, tục gọi cửa Ngăn, cửa vua từ Hoàng thành đi ra sông Hương, hai bên có xây thành cao chia ngăn ; cửa Đông nam, tục gọi cửa Thượng tứ vì phía trong có viện Thượng kỵ và tàu ngựa Mã khái ; cửa Chính đông, tục gọi cửa Đông Ba vì thông ra xóm Đông Ba (chợ Đông Ba năm 1900 được dời ra ngoài giại trên bờ sông Hương nhưng vẫn giữ tên cũ) ; và cửa Đông bắc, tục gọi cửa Kẻ Trài vì thông ra xóm bán hàng trài là các thứ đồ đồng, đồ sơn, hàng lụa,...từ ngoài bắc đem vào. Từ Trấn Bình Đài thông ra ngoài có hai cửa không có vọng lâu, cao không quá thành : Trấn Bình Môn, sau đổi thành Thái Bình Môn và cửa Trường Định, tục gọi cửa Trít. Giữa mặt nam Kinh thành, thẳng đứng một Kỳ đài là cột cờ cao 30m, cũng bắt đầu xây năm 1809. Về sau, khi được xây bằng đá, Kỳ đài nầy, một phong cách kiến trúc độc đáo Việt lai Pháp, gốc lớn lên ba tầng 18m là nơi phất phới lá cờ đất nước, lại là một đài quan sát thuận lợi
Dựa lên nguyên tắc âm dương ngũ hành của Dịch học, những nhà kiến trúc đã cho hướng Kinh thành về phía nam vì theo Kinh dịch "vua quay mặt về phía nam để cai trị thiên hạ", tuy theo địa bàn phong thủy thành nghiên qua một chút trên trục tây bắc - đông nam. Thành dùng núi Ngự Bình ở phía nam để làm tiền án thần bí chống mọi ảnh hưởng tai hại , sử dụng Cồn Dã Viên và Cồn Hến ở thượng lưu và hạ lưu sông Huơng như hai thế "tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ", để ngăn chận mọi quyền lực vô hình. Trong thuyết chuyển động xoay chiều hô hấp toàn năng, luồng khí của những xung động động mạch được đắp hình trên mặt đất qua những đồi núi, dòng lưu thông thể hiện thành sông ngòi hay hệ thống những suối ngầm. Rồng xanh biểu thị hơi lành, cọp trắng hơi độc, nơi nào có rồng là nơi ấy có cọp và phải một cuộc trùng phùng phong thủy đặc sắc mới gây ra được vị trí rồng xanh bên trái, cọp trắng bên mặt. Trong phong thái ấy, Kinh thành Huế tọa lạc trên bờ bắc sông Hương, choáng địa phận của tám làng Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, An Vân, An Hòa, An Mỹ, Thế Lại và An Bửu, với một chu vi khoảng 10km, là một diện tích khá lớn và có thể xem như một công trình gia cố, bảo vệ hoàng triều. Kinh thành là một hình bốn cạnh rộng hơn 500ha, mỗi cạnh dài hơn 2200m là bốn chiến hào thẳng, cạnh thứ tư ngang cột cờ vòng về phía trước ở giữa. Trên mặt thành có đủ giác bảo, pháo nhãn, 24 khuôn cửa tương đương với 24 pháo đài trang bị mỗi khuôn từ từ hai đến chín khẩu ca nông. Dưới chân thành, một thảm đất thành giai rộng 70-90m nối liền với hào thành. Sau tường gốc, một lan can đất chiếm một khoảng gần 20m bên trên, 21m bên dưới. Đằng sau pháo đài, lan can thấp xuống dần đến tận đất, mỗi bên có đường mòn để dễ leo lên. Bên trong mỗi pháo đài là một kho súng đạn dấu dưới lan can đất. Tổ chức thành lũy xem như là đầy đủ, hoàn hảo.
Để bảo vệ kinh thành, ngoài thành lũy vừa thấy, còn có hai chướng ngại nữa là hào trong và sông ngoài. Hào thành với đá xây đắp thành tường, rộng từ 40m trước các pháo đài đến 60m trước các thành liên tháp, sâu 4m với 1m50 nước. Mặt cắt trước pháo đài trình bày khoảng 160 m2 trong lúc mặt cắt lan can chỉ có 120 m2. Đất đào để làm hào đã được đem lên đắp thành lan can trên thành. Các pháo đài thường được tổ chức để sử dụng đại bác, tuy nhiên một số đất đã được đem đến đắp vào hai bên và ở góc làm thành một ụ nấp cho những lính quỳ bắn. Sông ngoài mang tên Hộ Thành Hà từ 1821 dưới thời vua Minh Mạng, đến 1837 mới được đắp đá hai bên bờ. Sông bao bọc ba phía thành quách, liên lạc với các pháo đài đông-bắc, đông-nam và tây-nam, sông Hương chảy dọc theo thành nam phía thứ tư. Vào thời ấy, bốn cầu bắc ngang qua : cầu xe lửa ở góc tây-bắc, cầu lên chùa Thiên Mụ ở góc tây-nam, cầu Gia Hội ở góc đông-nam và cầu nhỏ Đông Ba trước cửa Chính đông. Sông Đông Ba là khúc sông sâu và rộng, thường được thuyền lớn sử dụng để tránh khuỷu sông ở Bao Vinh, nhưng rất khó vận dụng vào lúc thủy triều lên nên là một chướng ngại đáng kể. Tuy nhiên chuyên gia thấy ngay từ đấy rất dễ bắn vào thành lũy. Cũng may là những quân địch của vua Gia Long hồi ấy không có súng ống đủ mạnh để đánh sụp những thành đất có ốp ngoài bằng gạch. Kinh nghiệm nầy vua đã rút với những thành đã xây ở miền nam, cạnh biên thùy như Hà Tiên, Long Xuyên, Tây Ninh, hay trên những trục giao thông chính như Vĩnh Long, Mỹ Tho, Biên Hòa, nhất là với thành Gia Định được Puymanel xây năm 1790, công sự đầu tiên theo kiểu Vauban trước khi nhà vua lên ngôi. Thành nầy bị vua Minh Mạng san phẳng năm 1836 sau vụ Nguyễn Văn Khôi nổi loạn chiếm giữ từ 1833 đến 1835.
Thừa biết một công sự kiểm soát đất đai phụ cận, hay hơn nữa cả vùng xung quanh, sau nầy vua Gia Long rồi vua Minh Mạng cho xây công sự ở mỗi tỉnh lỵ miền trung và miền bắc, địa điểm không nhất thiết chọn lựa tùy theo địa thể mà còn quan trọng hơn là dựa lên những dữ kiện phong thủy. Công sự một tỉnh Bắc Ninh trên điểm gặp nhau những đường Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn, những thung lũng sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, xây năm 1805, đáng lý ra phải cất trên các đồi Thị Cầu là nơi đã có một đồn cũ, lại được kiến thiết giữa đồng ruộng vùng nước ngập sông Cầu. Có thể giải thích là vì ở đồng bằng dễ vẽ ra một hình nhiều cạnh hoàn hảo, rộng lớn, nằm ngang đúng theo bình đồ Vauban, đằng khác những đồi núi được xem như những bình phong bảo vệ chống những thế lực vô hình tai hại. Đồng thời với Huế, thành Hà Nội được xây năm 1805, hình vuông, mỗi cạnh có ba liên tháp và hai tháp đài lồi, mỗi tháp mở ra một cánh cửa gỗ và một cái cầu để vượt qua hào rộng 20-40m quanh thành. Thành Hà Nội được phá vỡ những năm 1896-97 vào lúc thành phố cần được mở rộng. Năm 1805, vua Gia Long bắt đầu cho cất thành Bắc Ninh bằng đất, năm 1824 cho xây lại bằng đá ong, đặc biệt sáu cạnh, thành dài 2300m, có bốn cửa mở ra bốn cái cầu vượt qua hào. Trong lúc đó, công sự Sơn Tây được xây năm 1822, hình vuông, thành có bốn cửa, ngoài có hào và thành giai bảo vệ. Đến lượt công sự Nam Định năm 1833, cũng hình vuông nhưng không có cửa, ra vào phải qua một liên tháp là một công trình phòng thủ chìa ra trước. Rồi một lượt các công sự khác, tương đối giản tiện hơn, trong mấy năm liền được xây thêm : Vinh (1831) theo mẫu Bắc Ninh, Hưng Yên và Hà Tĩnh (1833), Thái Nguyên, Đồng Hới và Quảng Trị (1837),...theo mẫu Nam Định. Tất cả các công sự đều là những đồn lính trang bị vũ khí, vừa là cơ quan hành chánh, biểu tượng chính quyền, vừa là trung tâm thương mãi, trao đổi hàng hóa của cả một vùng.
Trong số các công sự hai vua Gia Long và Minh Mạng không ngớt cho xây khắp các tỉnh trong nước, những công trình dựa lên phong thủy, bên ngoài Kinh thành địa thế, bảo vệ theo kiểu châu Âu, bên trong Hoàng thành, Tử cấm Thành kiến thiết, tổ chức theo lối Á Châu, để củng cố uy thế quyền lực đế vương, một chính quyền kéo dài từ 1802 đến 1945, thành Huế nay là kiệt tác độc nhất của nhà Nguyễn còn đứng vững và còn huy hoàng hơn nếu không có hỏa hoạn và chiến tranh tàn phá. Đặc biệt thành lũy Kinh thành, đặc biệt với đồn Mang Cá bên ngoài, phía nam có núi Ngự Bình làm bình phong án ngữ những thế lực nguy hại, hai bên Cồn Dã Viên và Cồn Hến ngăn chận mọi uy quyền vô hình, phía nam có sông Hương uốn lượn bảo vệ toàn một cạnh thành, là một thành công trong cuộc hỗn hợp kiến trúc Pháp và trí óc Việt tuy không có dịp phô bày hiệu lực trước một thử thách.
Xô thành tiết thu phân 2009
Huế Xưa và Nay 97 2010
(*) Chú thích Dù không trực tiếp chị huy cuộc xây đắp Kinh thành Huế, tên tuổi Vauban đã được gắn liền với thành lũy đế vương độc nhất còn đứng vững trên đất Việt nam. Sinh năm 1631 ở thành phố Saint-Léger tỉnh Yonne, đến 18 tuổi ông được tuyển vào quân đội Condé vào lúc đang chống lại vua Louis XIV và Mazarin. Rất mau ông được xem là một người can đảm và nhất là có tài xây dựng pháo đài. Bị bắt, ông được Mazarin đón nhận và thuyết phục ông nhập vào quân đội nhà vua. Từ đây bắt đầu năm mươi năm trung thành và tận tụy với Louis XIV. Đậu kỹ sư năm 1655, ông lần lượt thong thả được phong trung úy, đại úy, nhưng nhờ tỏ ra có tài năng trong thời gian thành phố Lille và một đồ án xuất sắc, ông được phong thống đốc thành phố Lille và từ 1668 chịu trách nhiệm mọi pháo đài của Pháp. Từ đây ông đi lại kiểm soát mọi nơi, dự mọi trận đánh, để lại câu truyền : Vauban đánh thành nào chiếm thành ấy, Vauban canh thành nào giữ thành ấy ! Vua rất bằng lòng, thưởng ông Croix de Saint-Louis, nhiều tiền để mua lâu đài Bazoches và thăng quan mọi trật trong quân đội đến thống chế năm 1703 vào lúc 70 tuổi. Vauban là một nhà binh rất sáng suốt, luôn coi trọng đời sống của quân mình. Đằng khác, ông hơn người ở chỗ nhận ra rất lanh địa thế và biết lợi dụng ngay điểm yếu của địch quân, khi tấn công cũng như khi thủ thế. Đồng thời với thái độ thường xuyên quấy rối địch quân, Vauban luôn coi trọng cuộc xây dựng một pháo đài và, dựa lên những công trình lý thuyết của bá tước Pagan, cuốn Chuyên luận về sự phòng thủmột cứ điểm của ông là cuốn sách đầu giường chiến lược của biết bao chuyên gia châu Âu thời ấy. Là một người hào hiệp, ông luôn lo cho người nghèo. Ông cũng là người tò mò, luôn đi lại để biết đây biết đó. Ngoài những thiên về đồn lũy, ông để lại những cuốn Chuyên luận về trồng rừng, Đi lại trên sông, YÙ niệm một quý tộc ưu tú,... và nhất là cuốn Nhàn rỗi kỳ lạ cho một người làm việc nhiều như ông, trong ấy ông bàn luận đủ mọi vấn đề, từ quân sự, canh nông qua kinh tế, chính trị,...Ngay sau cuốn Quyền thu tô phần mười của nhà vua viết năm 1707 đề nghị những biện pháp để nhà vua đạt lại tình yêu của dân chúng, đồng thời giải quyết vần đề tài chính, không được xuất bản lại bị cấm hai lần, nhà vua cũng mấy theo, ông buồn rầu từ trần năm 74 tuổi. Dù sao, ông có thể tự hào đã để lại tên tuổi cho hậu thế, ngay cả ở xứ Việt Nam xa xăm.
Tham khảo
- Lt-Colonel Ardant du Picq, Les fortifications de la Citadelle de Hué, Bulletin des Amis duVieux Hué (1924) 221-245
- H. Cosserat, La Citadelle de Hué : cartographie, Bulletin des Amis duVieux Hué (1933) 1-65
- Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Nha Văn hóa Bộ Quôc gia Giáo dục, Sài Gòn (1960)
- Robert Bornecque, La France de Vauban, Arthaud (1984)
- Phan Thuận An, Kiến trúc Cố đô Huế, Thuận Hóa(1997)
-Nicolas Micallef, Les citadelles dans le Viet-nam du XIXe siècle, www.net4war.com (1999)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét