8 tháng 11, 2019

Ba vụ hạ sát 01-11-1963 - Lữ Giang

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, chưa có biến cố nào gây nhiều tranh luận bằng cuộc đảo chánh lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Các cuộc tranh luận vẫn đang tiếp tục và chưa biết bao giờ mới chấm dứt. 
 
LÝ DO TRANH LUẬN KÉO DÀI
Sở dĩ có nhiều tranh luận vì ba lý do chính sau đây:
1.- Về phía chính phủ Hoa Kỳ: Chính phủ Hoa Kỳ nhận ra rằng việc lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một sai lầm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ nên Bộ Ngoại Giao và CIA quyết định giấu đi nhiều tài liệu quan trọng liên hệ đến biến cố này. Một số tài liệu đã được tiết lộ dần dần khi tình hình lắng dịu qua thời gian, nhưng đa số đã bị cắt xén nhiều đoạn, nhiều câu hoặc nhiều chữ khiến những người tra cứu khó đoán biết được những gì đã thật sự xẩy ra. Đọc các bộ tài liệu liên quan đến biến cố này in trong các bộ “Foreign Relations of the United States” của Bộ Ngoại Giao, chúng ta sẽ rất bực mình về những sự kiểm duyệt này. Hiện nay, còn khoảng 17 văn kiện quan trọng liên quan đến vụ lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm vẫn chưa được giải mã, không kể các văn kiện linh tinh.
Riêng bản phúc trình của Phái Đoàn Liên Hiệp Quốc điều tra về vụ Phật Giáo thì không thể giấu được, vì nó đã được đệ nạn tại Đại Hội Đồng LHQ. Tuy nhiên, khi thấy bản phúc trình đó đã đưa ra những sự kiện bất lợi, Bộ Ngoại Giao đã ngăn chận không để Đại Hội Đồng LHQ thảo luận và tìm cách ém nhẹm đi.
2.- Về phía Việt Nam: Ngay chiều 2.11.1963, sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm vừa bị hạ sát, Đại Tá Đỗ Mậu, Giám Đốc An Ninh Quân Đội, đã ra lệnh cho đốt sạch các tài liệu về các cán bộ cộng sản nằm vùng bị bắt và lời khai của nhiều tăng sĩ Phật Giáo được lưu trử tại văn khố của Đoàn Công Tác Đặc Biệt ở trại Lê Văn Duyệt, vì sợ những tài liệu đó gây bất lợi cho Phật Giáo. Sau đó, các tờ khai và hồ sơ Phật Giáo trên toàn miền Nam cũng bị đốt sạch, chỉ còn lại tờ khai của Thượng Tọa Thích Tâm Châu, vì tờ khai này đã được đưa lên Bộ Nội Vụ để khai thác, nhưng Đỗ Mậu không biết. Ông Hà Thúc Ký, lúc đó là Tổng Trưởng Nội Vụ, đã lấy tờ khai đó bỏ vào hồ sơ cá nhân của ông.
3.- Về những người viết sử: Vì thiếu những tài liệu căn bản hay quan trọng nhưng được coi là “không có lợi” nên bị giấu đi, nhiều tác giả - Việt cũng như Mỹ - đã có những cách nhìn phiếm diện. Đáng tiếc hơn nữa, một số người đã cố tình xuyên tạc lịch sử để biện minh cho quan điểm sai lầm của họ. Sau đây là một vài thí dụ:
Năm 2000, hai ký giả Bradley S. O’ Leary và Edward Lee đã viết cuốn “The deaths of the Cold War Kings, the assassinations of Diem & JFK” (Những cái chết của các vua chiến tranh lạnh, cuộc ám sát Ngô Đình Diệm và Kennedy), đã dựa vào những tài liệu giả tưởng, cho rằng ông Diệm và ông Nhu tổ chức buôn lậu thuốc phiện nên bị Tổng Thống Kennedy ra lệnh giết. Sau đó, bọn buôn lậu đã trả đủa bằng cách ám sát Tổng Thống Kennedy!
Về vụ nổ trước đài phát thanh Huế tối 8.5.1963 đưa đền biến cố Phật Giáo: Bản cáo trạng đọc tại Toà Án Cách Mạng ngày 2.6.1964 khi xét xử Thiếu Tá Đặng Sỹ, đã nói rõ rằng 8 thiếu nhi bị chết trên thềm đài phát thanh Huế do một chất nổ chưa được xác định. Các cửa sổ đài phát thanh bị bể kính và một vài chỗ trên trần nhà bị sập xuống. Báo cáo của An Ninh Quân Đội do Đại Tá Độ Mậu ký, nói rằng đó là chất nỗ Plastic, thời đó chỉ có Việt Cộng mới xử dụng. Ủy Viên Chính Phủ tin rằng đó là MK.3, một thứ lựu đạn nổ không có mãnh được dùng để huấn luyện... Tuy nhiên, hầu hết các sử gia Phật Giáo, kể cả Thiền Sư Nhất Hạnh, đều viết rằng các nạn nhân đã bị xe tăng cán và súng bắn phân thây!
Có ba biến cố mà chúng tôi muốn bàn hôm nay, đó là vụ hạ sát ba sĩ quan cao cấp của VNCH.
Như mọi người đã biết, để thực hiện cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963, Tướng Dương Văn Minh đã đích thân ra lệnh giết 5 người: Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông Ngô Đình Nhu, Đại Tá Hồ Tấn Quyền, Đại Tá Lê Quang Tung và Thiếu Tá Lê Quang Triệu.
 
Vụ giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã được các sử gia bàn khá nhiều. Trong bài hôm nay, chúng tôi chỉ bàn đến vụ giết ba sĩ quan sau đây:
- Đại Tá Hồ Tấn Quyền, Tư Lệnh Hải Quân;
- Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt, và
- Trung Tá Lê Quang Triệu, Tham Mưu Trưởng Lực Lượng Đặc Biệt. 
 
VỤ GIẾT ĐẠI TÁ HỒ TẤN QUYỀN
Trong cuốn “Chín năm máu lửa dưới chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm”, một trong những cuốn sách viết về lịch sử đấu tranh của Phật Giáo năm 1963, hai tác giả Nguyệt Đam và Thần Phong đã nói về cái chết của Đại Tá Hồ Tấn Quyền như sau:
“Sau khi được lệnh của Nhu qua hệ thống “Điện thoại trắng”, Đại Tá Hồ Tấn Quyền, Tư Lệnh Hải Quân liền ra lệnh cho hai chiếc chiến hạm nhổ neo ra khơi với nhiệm vụ bắn máy bay của phe Cách Mạng.
“- Chính những phát đạn bắn lên những phi cơ bay lên nền trời chiều hôm ấy là từ hai chiến hạm này...
“Nhưng mọi hành động của vị Tư Lệnh Hải Quân này đều không lọt qua cặp mắt của những sĩ quan trực thuộc (có chân trong phe Cách Mạng) là Đại Úy Y. Nhiệm vụ của Đại Úy Y là hể thấy Đại Tá Quyền chống lại thì phải bắt giữ ngay.
“Do đó, khi hai chiến hạm vừa nhổ neo thì Đại Úy Y cùng với mấy quân nhân nữa lái xe díp đến tư dinh của Đại Tá Quyền để định bắt sống ông này. Nhưng khi vừa đến nơi, thì thấy Đại Tá Quyền lái xe ra khỏi cổng.
“Thế là một cuộc rượt bắt sôi nổi đã diễn ra trên xa lộ Biên Hoà, chiếc xe “Traction 15” chạy rất nhanh, nên Đại Úy Y cố rồ ga mà không sao qua mặt được. Khi còn cách ngả tư đường rẽ vào Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức độ 200 thước thì chiếc xe díp còn cách xe Traction vài chục thước.
“Đại Úy Y thấy không thể nào qua mặt xe của Đại Tá Quyền để bắt sống nên đành hạ sát bằng súng tiểu liên, vì nếu chậm 10 phút nữa đã đến khu vực Đại Tá X nói trên.” 
 
Sự thật như thế nào?
Chúng tôi viết bài này dựa trên tài liệu của ngothelinh.tripod. com, Wikipedia, cuộc phỏng vấn các nhân chứng và bà Hồ Tấn Quyền.
 
1.- Vài nét về Đại Tá Hồ Tấn Quyền.
 Đại Tá Hồ Tấn Quyền sinh năm 1927 tại Đà Nẵng, xuất thân từ Khóa 1 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang, có vợ và 8 người con. Ông được cử làm Tư Lệnh Hải Quân VNCH từ ngày 6.8.1959 cho đến ngày 1.11.1963 là ngày ông bị hạ sát, lúc đó ông mới 36 tuổi. Hai vị Tư Lệnh Hải Quân VNCH trước ông là Đại Tá Lê Quang Mỹ và Trung Tá Trần Văn Chơn. Trước khi được chỉ định làm Tư Lệnh, Đại Tá Quyền là Tham Mưu Trưởng Hải Quân cho ông Chơn.
Đại Tá Hồ Tấn Quyền được coi là người có lòng nhiệt thành và có nhiều công lao trong việc xây dựng binh chủng hải quân. Ông là người có sáng kiến thành lập Lực Lượng Hải Thuyền để ngăn chặn sự xâm nhập người và vũ khí của quân đội miền Bắc. Đặc biệt, ông rất trung thành với Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Trong cuộc đảo chánh ngày 11.11.1960 của nhóm Vương Văn Đông và Nguyễn Triệu Hồng, Đại Tá Quyền đã đích thân đem 2 đại đội của Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến vào dinh Độc Lập, hợp sức với Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống bảo vệ dinh.
Ngày 27.2.1962, khi hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc dùng máy bay dội bom dinh Độc Lập, Đại Tá Quyền chỉ đạo các chiến hạm Hải Quân bắn đạn bay đan kín vùng trời, bảo vệ dinh Độc Lập. Máy bay do Phạm Phú Quốc lái bị bắn rơi ở Nhà Bè, còn phi cơ do Nguyễn Văn Cử lái bay được qua Cao Mên.
2.- Việc hạ sát Đại Tá Quyền.
Để thực hiện cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm theo kế hoạch của CIA, các tướng Việt Nam phụ trách tiến hành cuộc đảo chánh đã gặp một trở ngại lớn là không thuyết phục được Đại Tá Hồ Tấn Quyền tham gia. Vì thế, Tướng Dương Văn Minh, người lãnh đạo cuộc đảo chánh, phải tìm cách loại Đại Tá Hồ Tấn Quyền và vô hiệu hoá lực lượng Hải Quân. Tướng Dương Văn Minh đã móc nối được với những sĩ quan Hải Quân sau đây chống lại Đại Tá Hồ Tấn Quyền:
- Trung Tá Chung Tấn Cang, Chỉ Huy Trưởng Giang Lực,
- Thiếu Tá Khương Hữu Bá, Chỉ Huy Trưởng Duyên Lực.
- Thiếu Tá Trương Ngọc Lực, Chỉ Huy Trưởng Vùng III Sông Ngòi.
- Đại Úy Nguyễn Kim Hương Giang, gốc Thủy Quân Lục Chiến, Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 24 Xung Phong, kiêm Chỉ Huy Trưởng Đoàn Giang Vận.
Thiếu Tá Trương Ngọc Lực và Đại Úy Nguyễn Kim Hương Giang là hai người được Đại Tá Hồ Tấn Quyền đặc biệt nâng đỡ và được coi là như người thân của Đại Tá Quyền, nên nhóm đảo chánh đã thuyết phục hai sĩ quan này gài mưu bắt giam hay giết Đại Tá Quyền.
Đại Úy Nguyễn Kim Hương Giang cho biết Thiếu Tá Lực đã nói với ông như sau:
“Ông Quyền trung thành với ông Diệm lắm, không cách nào thuyết phục ông ta theo phe cách mạng được đâu, mà có khi còn nguy cho tính mạng và đại cuộc. Ông Lực được ông Minh (Dương Văn Minh) cho biết là giữa Tổng Thống Diệm và ông Quyền có một kế hoạch di tản bí mật bằng tàu Hải Quân khi có biến, lánh nạn khi có đảo chánh. Chi tiết thế nào thì không được biết, chỉ nghe ông Lực nói lại mà thôi.”
Khoảng 10 giờ sáng hôm 1.11.1963, ngày lễ Chư Thánh được nghỉ buổi sáng, Đại Tá Quyền đã đi đánh tennis với Trung Tá Đặng Cao Thăng. Để thực hiện việc loại trừ Đại Tá Quyền, Thiếu Tá Lực đã đến sân tennis mời Đại Tá Quyền đi Thủ Đức ăn trưa, mừng lễ sinh nhật thứ 36 của Đại Tá Quyền, do một số anh em Hải Quân tổ chức. Đại Tà Quyền không muốn đi vì đã được điện thoại mời đến họp tại Bộ Tổng Tham Mưu vào buổi trưa. Thiếu Tá Lực năn nỉ mãi ông mới chấp nhận.
Đại Tá Quyền đã trở về nhà thay quần áo rồi lái chiếc xe citroen đen chở Thiếu Tá Lực và Đại Úy Giang cùng đi lên Thủ Đức. Đại Quyền cầm lái, Thiếu Tá Lực ngồi ở ghế trên, bên cạnh Đại Tá Quyền, còn Đại Úy Giang ngồi ở ghế sau. Khi xe từ xa lộ Biên Hoà rẽ vào đường đi Thủ Đức, xe nghiêng, Thiếu Tá Lực ngã vào Đại Tá Quyền rồi rút dao găm ra đâm Đại Tá Quyền. Đại Tá Quyền nhanh tay đỡ và giựt được cây dao găm, đâm vào tay Thiếu Tá Lực. Khi hai người giằng co nhau, xe ủi xuống lề đường. Đại Úy Giang ngồi ở ghế sau chồm lên dí súng vào vai phải Đại Tá Quyền và nổ súng. Đại Tá Quyền ngả gục trên tay lái, con dao găm đầy máu rớt xuống phía trước. Ngay lúc đó, một chiếc xe dân sự do tài xế của Thiếu Tá Lực lái từ sau chạy tới. Thiếu Tá Lực và anh tài xế bê xác Đại Tá Quyền bỏ vào thùng xe dân sự và cả ba lên xe này chạy về Sài Gòn.
Theo bà Đại Tá Quyền, bác sĩ bệnh viện Cộng Hòa cho bà biết ông Quyền bị giết khoảng 11 giờ trưa, nhưng được đưa về nhà Tướng Lê Văn Kim, đến 11 giờ 30 tối mới được đưa vào bệnh viện Cộng Hoà. Trung Tá Lực đã chiếm luôn chiếc xe citroen của chồng bà.
3.- Chiếm Bộ Tư Lệnh Hải Quân
Thiếu Tá Lực và Đại Úy Giang cấp tốc trở lại Sài Gòn, thay quần áo tác chiến Hải Quân và đến ngã ba bến Bạch Đằng và đường Nguyễn Huệ vào lúc 1 giờ trưa, để đón 2 đại đội khoá sinh từ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung lên, do Đại Tá Đỗ Kiến Nhiễu đích thân trao lại. Thiếu Tá Lực và Đại Úy Giang hướng dẫn đoàn xe chở 2 đại đội này chạy ào vào chiếm Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Quân nhân Hải Quân thấy sĩ quan Hải Quân hướng dẫn đoàn xe, nên không chống cự, vì thế việc chiếm Bộ Tư Lệnh Hải Quân không gặp trở ngại nào.
Trong khi Đại Úy Giang phân chia lính bộ binh tước khí giới và canh gác Bộ Tư Lệnh Hải Quân, Thiếu Tá Lực Lực chạy thẳng vào Văn Phòng Tư Lệnh Hải Quân, nói với Trung Tá Đặng Cao Thăng, Tham Mưu Trưởng Hải Quân: “Cách Mạng đem quân tới chiếm Bộ Tư Lệnh Hải Quân”. Sau này, Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng cho biết Tổng Thống Diệm có gọi ông. Hết sức bình tĩnh, ông Diệm hỏi Hải Quân ra sao, anh Quyền đâu. Ông chỉ thị phải đẩy quân của Thiếu Tá Lực ra. Nhưng lúc đó Bộ Tư Lệnh Hải Quân đã bị tước khí giới rồi, ông không làm gì được.
 Trong thời gian này, có 2 máy bay của Không Quân bay rất thấp quanh Bộ Tư Lệnh Hải Quân, có lẻ để uy hiếp Hải Quân. Các chiến hạm liền nổ súng dày đặc bầu trời. Đặc biệt, chiến hạm HQ-06 đậu tại cầu A, vị trí 1, do Đại Úy Đỗ Kiểm làm Hạm Trưởng, bắn lên rất dữ dội. Thiếu Tá Lực yêu cầu Trung Tá Thăng ra cột cờ trước Bộ Tư Lệnh ra lệnh cho các chiến hạm ngưng bắn. Người trực tiếp áp tải ông là Trung Úy Thái Quang Chức. em của Trung Tướng Thái Quang Hoàng, một sĩ quan thuộc đơn vị của Đại Úy Giang.
Lúc 1 giờ 30, Trung Tá Chung Tấn Cang đem đoàn chiến đĩnh sang chiếm Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Ông đứng trên chiếc Monitor Combat (Tiền Phong Đĩnh) do Trung Sĩ Thạch Sơn lái và ra lệnh cặp vào cầu tàu Tư Lệnh. Sau đó ông lên Văn phòng Tư Lệnh đảm nhiệm vai trò Tư Lệnh Hải Quân.
Hôm sau, 2.11.1963, Trung Tá Cang được thăng Đại Tá, Thiếu Tá Lực được thăng Trung Tá và Đại Úy Giang được thăng Thiếu Tá.
Sau này Thiếu Tá Giang cho biết một hôm Trung Tá Lâm Ngươn Tánh, lúc ấy là Tham Mưu Trưởng, đã kéo ông ra kè xi măng ở bờ sông trước cầu C và nói: “Tụi bây liệu đường đi đâu thì đi xa đi. Tụi nó dự trù giết mày và thằng Lực đó.” Ít lâu sau, Trung Tá Lực được cử đi làm Tùy Viên Quân Sự tại Hán Thành, còn Thiếu Tá Giang được đổi ra Phú Quốc, làm cố vấn cho vị chỉ huy Hải Quân tại đây.
4.- Tâm tình của bà Hồ Tấn Quyền
Trong một cuộc phỏng vấn của đài VNCR được thu lại bằng Video và phổ biến trên Website của Hải Quân VNCH, bà Hồ Tấn Quyền cho biết khi Đại Tá Quyền bị hạ sát, bà đang đi học về thẩm mỹ ở Nhật. Bỗng nhiên bà nhận được một công điện do Toà Đại Sứ Việt Nam ở Nhật trao lại, trong đó ghi vỏn vẹn chỉ có mấy chữ: “Tư lệnh bị thương nặng, bà về gấp.” Ở dưới ghi Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng nhưng không có ai ký tên.
Khi bà về tới phi trường, có một ông bác sĩ và mấy ông Hải Quân đi đón bà. Khi về tới nhà, đứa con nhỏ chạy ra cho biết chú Lực đã giết ba chết rồi. Bà rất ngạc nhiên. Sáng hôm sau, bà được đưa đến nhà xác bệnh viện Cộng Hoà để nhận xác Đại Tá Quyền. Bà thấy ông bị bắn ba viên đạn, một viên ở tay trái, một viên trên vai và một viên ngay tim. Bà không có tiền chôn cất nên ông bà Hà Kim đã cho bà muợn 30.000 đồng và sau đó cho luôn.
Bà có đến gặp Tướng Dương Văn Minh và hỏi tại sao đã giết chồng bà, tướng này nói “chúng nó làm bậy” và chỉ xin lỗi. Tướng Đôn cũng nói như thế. Nhưng về sau bà nghe nói chính Tướng Dương Văn Minh đã giao việc thanh toán Đại Tá Quyền cho Thiếu Tá Trương Ngọc Lực. Bà cho viết Đại Úy Trương Ngọc Lực mới được chồng bà thăng Thiếu Tá hôm 25.10.1963.
Theo bà Quyền, Đại Úy Nguyễn Kim Hương Giang vốn thuộc binh chủng Thủy Quân Lục chiến, nhưng Trung Tá Lê Nguyên Khang, chỉ huy trưởng Thủy Quân Lục Chiên không thích Đại Úy Giang. Lúc đó, vợ của Đại Úy Giang đang làm việc xã hội với bà nên đã năn nỉ bà nói với Đại Tá Quyền đưa ông ta về Hải Quân, vì lúc đó Đại Tá Quyền kiêm Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến. Đại Tá Quyền đồng ý và đưa Đại Úy Giang về Hải Quân. Không ngờ việc làm ơn này đã gây thảm họa cho ông. Về sau, Thiếu Tá Giang muốn gặp riêng bà để thanh minh về cái chết của Đại Tá Quyền, nhưng bà không muốn gặp. Hiện nay, Nguyễn Kim Hương Giang đang định cư tại San Diego, California.
Cũng theo bà Quyền, Trung Tá Trương Ngọc Lực khi làm tùy viên quân sự ở Toà Đại Sứ Việt Nam tại Hán Thành đã vi phạm lỗi nặng, bị triệu hồi về và bị đưa ra trước toà án quân sự. Đại Tá Lê Nguyên Khang có điện thoại cho bà biết sáng hôm sau ông sẽ ngồi xử Trương Ngọc Lực và tuyên án nặng. Nhưng sáng hôm sau, Đại Tá Khang cho bà biết người ta đã tìm cách thả Trương Ngọc Lực ra và đưa anh ta đi trốn qua Cao Miên. Nghe nói sau đó ông ta đã đi qua Pháp nhưng bị điên nên phải đưa vào nhà thương điên và chết tại đó.
Sau khi Đại Tá Quyền chết, bà phải nuôi 8 đứa con, đứa lớn nhất mới 9 tuổi và đứa nhỏ nhất mới 8 tháng. Vợ chồng bà để dành trong 10 năm được hơn 10.000 đồng. Số tiền này bà gởi ở ngân hàng Việt Nam Thương Tín, nhưng khi đến lấy tiền ra thì được cho biết Hội Đồng Cách Mạng đã tịch thu!
Bà cho biết thêm: Một số sĩ quan Hải Quân tới thăm và đốt hương cho chồng bà cũng bị cảnh cáo. Vì năm 1960 Đại Tá Quyền đã lập ra Hội Người Nhái nên có 6 anh em người nhái đến nói với bà rằng họ sẽ thanh toán tên Lực và tên Giang, nhưng bà khuyên họ: “Thôi để trời phạt mấy người đó, mấy anh đừng có làm bậy.” Một tuần sau, có 4 người nhái khác cũng đến nói như vậy, nhưng bà cũng bảo họ đừng làm.
VỤ GIẾT ĐẠI TÁ TUNG VÀ THIẾU TÁ TRIỆU
Trong cuốn “Nam Việt Nam 1954 – 1975, Những sự thật chưa hề nhắc tới”, hai tác giả Hoàng Lạc và Hà Mai Việt có ghi lại như sau:
“Cũng tại phòng họp, khi Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt, chửi lớn trước Hội Đồng “Chúng bây đeo lon, mặc áo, thụ hưởng phú qúy, lạy lục để được Tổng Thống Diệm ban ơn, mà nay lại dở trò bất nhơn bất nghĩa...” liền bị dẫn ra khỏi phòng và bị Đại Úy Lê Minh Đảo, Sĩ quan Tùy viên của Tướng Lê Văn Kim, đưa lên chòi canh trên sân thượng toà nhà chánh Bộ Tham Mưu hạ sát ngay đêm đó (Ngày lễ Mồ).
“Em của Đại Tá Tung là Thiếu Tá Lê Quang Triệu, Tham Mưu Trưởng Lực Lượng Đặc Biệt, khi nhận được tin liền chạy tới Bộ Tổng Tham Mưu, để xem hư thực cùng chịu chung số phận...”
Tướng Lê Minh Đảo phủ nhận lời tường thuật nói trên có liên hệ đến ông. Ông cho biết những người giết Đại Tá Lê Quang Tung và Thiếu Tá Lê Quang Triệu là Đại Úy Nguyễn Văn Nhung và lính của Đại Úy Nhung. Tướng Đảo kể lại rằng sau khi giết Lê Quang Tung, Lê Quang Triệu, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu xong, Nguyễn Văn Nhung có tường thuật lại câu chuyện giết Đại Tá Lê Quang Tung và Thiếu Tá Lê Quang Triệu như sau:
Khi Đại Tá Lê Quang Tung chống lại cuộc đảo chánh, Dương Văn Minh đã ra lệnh cho Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung, người cận vệ của ông ta đưa đi giết. Nguyễn Văn Nhung và hai binh sĩ phụ tá đã dẫn Đại Tá Lê Quang Tung ra nghĩa trang Bắc Việt Tương Tế ở sau Bộ Tổng Tham Mưu, đâm chết rồi vùi xác ngay trên đường bên hông nghĩa trang.
Thiếu Tá Lê Quang Triệu nghe tin anh mình bị bắt, chạy vào Bộ Tổng Tham Mưu hỏi thăm tin tức, cũng bị Tướng Dương Văn Minh ra lệnh cho Nguyễn Văn Nhung đưa đi thanh toán luôn. Nguyễn Văn Nhung và hai binh sĩ phụ tá cũng đưa Thiếu Tá Triệu vào nghĩa trang Bắc Việt Tương Tế và đâm chết tại đó rồi chôn gần chỗ chôn Lê Quang Tung. Nguyễn Văn Nhung cho biết Lê Quang Triệu rất khẻo, vùng vẩy rất dữ nên phải khó khăn lắm mới đâm chết được.
Theo Tướng Lê Minh Đảo, có thể tìm xác Lê Quang Tung và Lê Quang Triệu không có gì khó khăn. Hai người này đều có mang thẻ bài và được chôn ở cạnh đường đi từ Nghĩa Trang Bắc Việt Tương Tế ra Phú Nhuận, đoạn bên hông nghĩa trang. Tuy nhiên, ngày nay nhà cầm quyền đã cho san bằng nghĩa trang Bắc Việt Tương Tế rồi.
 
THỦ TIÊU NHÂN CHỨNG
Trong cuốn “Les Guerres du Vietnam” (Chiến tranh Việt Nam) xuất bản năm 1965, Tướng Trần Văn Đôn không hề mô tả gì đến cách giết ông Diệm và ông Nhu, mà chỉ mô tả về tên sát thủ Nguyễn Văn Nhung mà thôi. Tướng Đôn cho biết sở dĩ Nhung được Tướng Dương Văn Minh chú ý vì mỗi ngày hắn chặt vài ba cái đầu Việt Minh mang về. Tướng Minh sợ bị ám sát nên đã chọn một tên hung dữ như vậy làm cận vệ. Sau khi Tướng Ba Cụt bị xử tử và chôn tại nghĩa trang Cần Thơ, Dương Văn Minh đã ra lệnh cho Nhung đào mã lên, lấy xác chặt làm nhiều khúc và phân tán ra vì sợ người của Ba Cụt lấy xác ông ta đem về chôn ở chiến khu. Có người cho biết Nhung thích ăn gan nạn nhân vừa bị bắn chết.
Trong cuốn “Việt Nam nhân chứng” Tướng Trần Văn Đôn viết thêm về Nguyễn Văn Nhung:
“Tối ngày 2 tháng 11, Thanh, con trai nhỏ của tôi đang ở nhà ông Kim, có mặt ông Minh thì thấy Đại Úy Nhung đưa con dao găm ra khoe với mấy đứa nhỏ trong nhà:
- Đây là con dao găm lịch sử!
Tướng Đôn cho biết Tướng Minh đã nói với ông:
“Xưa kia Đại Úy Nhung ở trong đơn vị Commando Pháp, là đơn vị chuyên đi khủng bố giết người. Lúc Ba Cụt, tướng Hoà Hảo là Lê Quang Vinh bị án tử hình xử chém ở Cần Thơ, Đại Uùy Nhung lấy xác Ba Cụt chặt từ khúc, thả cùng mọi nơi để không toàn thây cho khỏi ai tìm xác xây mộ thờ cúng.”
Tướng Đôn nói thêm:
“Người ta cho rằng thủ phạm giết anh em Diệm Nhu chính là sĩ quan cận vệ của của Tướng Dương Văn Minh tên là Nguyễn Văn Nhung. Tướng Khánh sau này đã nói rằng Nguyễn Văn Nhung là kẻ giết người chuyên nghiệp, đã giết khoảng 40 người. Mỗi lần giết xong một người là Nhung lại khắc một dấu hiệu vào báng súng lục...”
Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa cho biết: Ba tháng sau, ngày 30.1.64, xảy ra biến cố chỉnh lý do Tướng Nguyễn Khánh cầm đầu, Thiếu Tá Nhung bị lực lượng của Tướng Khánh bắt và giao qua cho Lữ Đoàn Nhảy Dù ngay sáng hôm đó. Và ngày hôm sau, thi hài Thiếu Tá Nhung được giao trả về cho gia đình với vỏn vẹn một câu khám nghiệm “chết vì treo cổ tự tử” của một bác sĩ quân y Lữ Đoàn Dù. 
 
Lữ Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét