25 tháng 8, 2020

ANH HÙNG LIỆT SĨ LÊ ĐÌNH CHINH VÀ SỰ KIỆN NGƯỜI HOA Ở HỮU NGHỊ QUAN NĂM 1978. Hồi ký Khánh Văn.

 

CUỘC DI TẢN CỦA NGƯỜI HOA Ở VIỆT NAM NĂM 1977 VÀ 1978.

Cuối năm 1977 và đầu năm 1978, theo lời “kêu gọi của Tổ quốc”,, đông đảo người Hoa ở Việt Nam bắt đầu trốn khỏi nước ta và trở thành “ những người tị nạn” lênh đênh trên biển khơi. Cũng vào thời gian đó, Hoa Kiều ở miền Bắc Việt Nam bắt đầu vượt biên giới Việt- Trung và trở thành “ những người tị nạn” trên đất liền giống như bộ phận đang vượt biển.
 
Đến đầu tháng 6/1978, số người tị nạn tại Trung Quốc là 100.000; vào giữa tháng 7 là 160.000. Thành phố Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tiếp nhận người đi tản cao nhất trong một ngày hơn 1.900 người. Ở huyện Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây , Trung Quốc con số ghi nhận mỗi ngày là 4.000 người. Ở thành phố Móng Cái, Quảng Ninh, Việt Nam và các tỉnh lân cận người Hoa cũng ồ ạt rủ nhau vượt biên về Trung Quốc.
Tháng 2/1979, khi nhà cầm quyền Bắc Kinh tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, có tới 202.000 Hoa Kiều vẫn tiếp tục vượt biên trở về Trung Quốc. Vài tháng sau cuộc chiến, số Hoa Kiều tị nạn về Trung Quốc vẫn tăng lên mức 10.000 mỗi tháng. Có nguồn tin cho rằng, đến năm 1994, số Hoa Kiều và con cái họ tị nạn vào Trung Quốc là 288.000 người ?
 
Ngược dòng lịch sử, năm 1967, trong chuyến viếng thăm vài trường học người Hoa tại Hà Nội, một Bí thư đến từ đại sứ quán Trung Quốc đã nói rằng: “Người Hoa ở miền Bắc Việt Nam có quyền và nghĩa vụ đọc báo chí tiếng Hoa, nghe các chương trình phát thanh tiếng Hoa và thể hiện lòng trung thành với Chủ tịch Mao Trạch Đông như người Hoa vốn làm ở Trung Quốc, rằng cộng đồng người Hoa và đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam ràng buộc bởi tình máu mủ”...
 
Năm 1978, khi chính quyền Bắc Kinh khởi động cuộc khẩu chiến suốt ngày vu cáo Việt Nam bài xích xua đuổi người Hoa trên các phương tiện truyền thông, nhưng họ vẫn phải thừa nhận rằng, Hoa Kiều ở Việt Nam được đối đãi rất tốt. Một bác sĩ người Việt gốc Hoa cũng khẳng định rằng, bệnh nhân người Hoa được đối xử tốt hơn người Việt tại các bệnh viện ở Bắc Việt Nam.
 
Nếu năm 1955, có khoảng 800,000 người Hoa ở miền Nam Việt Nam, trong đó có trên 570.000 người sống ở khu vực Sài Gòn- Chợ Lớn, thì năm 1989, đã có 961.000 người Việt gốc Hoa đang sinh sống tại Việt Nam. Đến nay, tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng chắc chắn số người Việt gốc Hoa và người Trung Quốc bản địa đang làm ăn sinh sống tại Việt Nam đã tăng lên có số rất lớn!? Đây là lực lượng được Trung Quốc gọi là đội quân thứ 5. Đội quân này là lực lượng tại chỗ được sử dụng vào những nhiệm vụ cụ thể khi có chiến tranh xảy ra. Thực tế cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979 cho thấy, một số người Hoa ở Lạng Sơn đã được giao nhiệm vụ bí mật cắt dây điện thoại làm gián đoạn thông tin vào lúc nửa đêm 16/2, một số người Hoa khác thì dẫn đường cho quân đội đánh vào các điểm tựa phòng ngự của ta...Có thể nói, đội quân thứ 5 là lực lượng tại chỗ rất lợi hại luôn đe dọa đến an ninh đất nước.
TRUNG ĐOÀN 12 CANDVT ĐOÀN THÀNH XUYÊN VÀ SỰ KIỆN NGƯỜI HOA Ở HỮU NGHỊ QUAN.
Đầu tháng 6/1978, trước diễn biến phức tạp của sự kiện người Hoa ở Đồn biên phòng Hữu Nghị , tỉnh Cao Lạng , Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã điều động Trung đoàn 12 CANDVT( Đoàn Thanh Xuyên) từ thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Sơn Bình lên tăng cường cho tỉnh Cao Lạng . Tiểu đoàn 1 đóng quân ở xã Hồng Phong, huyện Văn Quan; Tiểu đoàn 2 đóng quân ở huyện Cao Lộc và sử dụng Đại đội 6 làm nhiệm vụ tại Hữu Nghị Quan ;Tiểu đoàn 3 đóng quân ở huyện Lộc Bình; Trung đoàn bộ đóng quân ở Hang Hủi , TP. Lạng Sơn.
Thời kỳ này, tại Cửa khẩu Hữu Nghị Quan thuộc Đồn biên phòng Hữu Nghị, có khoảng 4.000 người Hoa bị Trung Quốc đóng cửa biên giới đang kẹt lại tại km số O từ ngày 12/ 7/1978. Lạng Sơn đang vào mùa nắng nóng, dưới cái nắng của mùa hè nóng như đổ lửa, những chiếc lán dựng tạm lợp bằng ni lông được phủ lên mấy cành cây xanh không che được cái nóng như thiêu như đốt, vì vậy có rất nhiều người Hoa mà đa số là người già và trẻ em bắt đầu đổ bệnh. Người Hoa ở đây không có nhà vệ sinh nên tiểu tiện, đại tiện bừa bãi mùi bốc lên hôi thối làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng. Việc giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.
Để chăm sóc sức khỏe cho người Hoa ở Hữu Nghị Quan, tỉnh Cao Lạng đã tổ chức các đoàn cán bộ và nhân viên y tế hàng ngày đến khám bệnh và phát thuốc cho những người đau ốm. Phía Trung Quốc tổ chức phát cơm cho người Hoa Theo suất qua khai báo của từng hộ gia đình. Ngày ba bữa nắng cũng như mưa, khi đến giờ quy định những chiếc xe Giải phóng của Trung Quốc lại lùi đít tận km số O phát cơm cho người Hoa không thiếu một suất. Vào thời điểm ấy, có rất nhiều người Hoa nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc đã rời bỏ Việt Nam trở về nước bằng đường bộ qua Hữu Nghị Quan không thể nào cắt nghĩa được rằng, vì sao Tổ quốc Trung Hoa vĩ đại kêu gọi họ về nước lại đóng cửa biên giới để cho họ lâm vào cảnh “ màn trời chiếu đất “ và ốm đau bệnh tật triền miên!?
Từ chỗ bạn đầu lán trại chỉ lợp bằng những tấm ni lông tạm bợ ở hai bên quốc lộ 1A, dần dần được thay bằng những chiếc lán có cột, có kèo bằng gỗ thông lợp bằng lá cây rừng đủ che nắng che mưa. Nếu nhìn toàn cảnh ta sẽ thấy người Hoa bị kẹt lại tại đây đang lập ra một làng người Hoa mới trên lãnh thổ Việt Nam tại khu vực Hữu Nghị Quan ở km số O. Hiện tượng bất thường này không thể qua con mắt tinh tường của các chiến sĩ trinh sát Công an nhân dân vũ trang. Qua điều tra ta biết được biết, lực lượng người Hoa tại Hữu Nghị Quan và Công an biên phòng Trung Quốc ở đây có sự liên kết rất chặt chẽ. Đêm đêm, từ phía bên kia biên giới, Công an biên phòng Trung Quốc cải trang làm dân thường đã vận chuyển gỗ thông , dây buộc, lá cây rừng lên đỉnh đồi Pù Tèo Hào cho người Hoa đến lấy để làm lán trại. Do có sự hậu thuẫn như thế, nên người Hoa có ý định ở lại đây vô thời hạn là câu chuyện chỉ xảy ra trong một sớm , một chiều. Phải chăng, họ đang khổ nhục kế để thực hiện âm mưu theo chỉ đạo từ bên kia biên giới ?
VẬN ĐỘNG NGƯỜI HOA TRỞ VỀ NƠI Ở CŨ VÀ SỰ HY SINH CỦA LIỆT SỸ LÊ ĐÌNH CHINH.
Hôm ấy là ngày 25/8/1978, như thường lệ, đoàn liên ngành của tỉnh Cao Lạng mà nòng cốt là Hội phụ nữ tỉnh lại đến đồi Pù Tèo Hào ở km số o chăm sóc y tế cho số người Hoa bị ốm và vận động họ trở về nơi ở cũ làm ăn sinh sống. Để đảm bảo an toàn cho đoàn cán bộ liên ngành, 25 cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Hữu Nghị và 20 cán bộ chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12 CANDVT ( Đoàn Thanh Xuyên) cũng lên đường làm nhiệm vụ. Khác với mọi ngày, hôm ấy, khi đoàn cán bộ liên ngành của ta vừa lên đến đồi Pù Tèo Hào liền bị một nhóm côn đồ dùng gậy gộc, dao quắm, gạch đá xông vào hành hung. Trước tình huống bất ngờ ấy, các chiến sĩ CANDVT Đồn biên phòng Hữu Nghị và Đại đội 6, Trung đoàn 12 đã xông lên đánh trả bọn côn đồ để giải vây cho đoàn cán bộ liên ngành. Xung quanh đoàn cán bộ liên ngành lúc này là hàng trăm tên côn đồ nhưng thực chất là Công an biên phòng Trung Quốc mặc thường phục để cải trang đang bao vây và tấn công đoàn cán bộ liên ngành. Tương quan lực lượng lúc này đang bất lợi cho ta, tuy vậy, các chiến sĩ ta vẫn không hề nao núng. Một trận đánh giáp lá cà giữa một bên là bọn côn đồ được trang bị dao quắm, gậy gộc, gạch đá với các chiến sĩ ta chỉ có tay không dùng võ thuật để đánh lại đối phương đã diễn ra vô cùng quyết liệt.
Trong lúc đang giải vây cho một cán bộ y tế bị một nhóm côn đồ dùng dao đuổi chém, Lê Đình Chinh bỗng nghe tiếng kêu cứu của chiến sĩ Lê Xuân Tước vang lên bên cạnh, ngoảnh lại nhìn thấy Tước bị một nhóm côn đồ dùng dao đuổi chém. Ngay lập tức, Chinh chuyển hướng tạt sườn xông vào đám côn đồ giải vây cho Tước. Giữa lúc đang thừa thắng xông lên đuổi đánh bọn côn đồ tháo chạy ngay trước mặt, Chinh bị một tên côn đồ gần đó dùng đá ném trúng đầu và bị thương rất nặng. Mặc dù vậy, anh vẫn xông lên đuổi đánh tên côn đồ gần nhất. Khi tên côn đồ đã bị anh đánh gục, cũng là lúc một tên côn đồ khác dùng dao quắm chém lén vào đầu anh từ phía sau. Lê Đình Chinh đã anh Dũng hy sinh và vĩnh viễn nằm lại vùng biên cương của Tổ quốc, lúc ấy là 10 giờ 30 phút ngày 25/8/1978. Anh là người chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang đầu tiên hy sinh trên mặt trận đấu tranh chống chủ nghĩa bá quyền phương Bắc.
Sự ra đi của Lê Đình Chinh như dự cảm linh thiêng đã được anh biết trước trong bức thư viết cho người anh họ, nội dung bức thư có đoạn viết:
“Hữu Nghị Quan, ngày 22/8/1978.
Anh Thi kính mến.
... Em xác định rằng, trong cuộc chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc sẽ có mất mát, cái đó khó mà tránh khỏi. Nhưng em đã sẵn sàng. Em sẽ là người cầm súng để bảo vệ đất nước khi cần thiết. Chúng ta tin tưởng chính nghĩa sẽ thắng”...
Anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh, sinh năm 1960, quê xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Anh nhập ngũ vào Tiểu đoàn 12 Công an nhân dân vũ trang( sau này là Trung đoàn 12) ngày 16/2/1975 khi mới 15 tuổi và hy sinh tại biên giới Việt- Trung năm 18 tuổi. Sau khi anh hy sinh, ngày 30/8/1978, Đảng và Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Lê Đình Chinh. Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng đã phát động phong trào thi đua: “Sống chiến đấu rực lửa anh hùng như Lê Đình Chinh” trong cả nước.
KẾ HOẠCH GIẢI TOẢ NGƯỜI HOA TẠI HỮU NGHỊ QUAN CHƯA KỊP THỰC HIỆN.
Những ngày cuối tháng 8/1978, tình hình an ninh trật tự khu vực Hữu Nghị Quan bỗng trở nên phức tạp. Từ chỗ bị kẹt lại tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan do Trung Quốc đột ngột đóng cửa biên giới ngày 12/7, người Hoa chỉ làm lán đơn sơ tá túc qua ngày chờ Trung Quốc mở cửa biên giới rồi về phía bên kia theo lời kêu gọi của nhà cầm quyền Trung Quốc. Đến nay, số người Hoa ở đây hình như đã ý thức được rằng, họ sẽ còn phải ở lại khu vực km số O này để lập làng biên giới trên đất Việt Nam theo chỉ đạo của phía bên kia chắc còn lâu lắm? Vì thế, họ không còn rụt rè khúm núm hoặc im lặng không nói một lời khi đoàn cán bộ y tế của ta đến kiểm tra sức khỏe và cấp phát thuốc men. Giờ đây, những chiếc lán của người Hoa không còn nằm hai bên đường quốc lộ 1A như trước nữa, mà được chuyển lên chiếm gần hết sườn đồi Pù Tèo Hào giống như bản làng của người Hoa ở bên kia biên giới. Trong những chiếc lán của người Hoa, người ta thấy có cả dao quắm, gậy gộc và gạch đá...
Theo nguồn tin mà ta nắm được, nhà cầm quyền Trung Quốc đang có âm mưu dùng số người Hoa bị kẹt lại tại Hữu Nghị Quan lập làng người Hoa tại khu vực biên giới ở km số O. Đi cùng với âm mưu ấy là việc lấn chiếm lãnh thổ ở khu vực vốn rất nhạy cảm này về lâu dài. Từ nguồn tin tình báo nói trên, ta chủ trương phá âm mưu của địch bằng cách giải toả số người Hoa nói trên ra khỏi khu vực Hữu Nghị Quan đưa về các tỉnh phía sau cách xa biên giới Việt- Trung.
Để thực hiện kế hoạch nói trên, ta chủ trương dùng hàng trăm chiếc xe vận tải của tỉnh Cao Lạng và tỉnh Bắc Thái để chở người Hoa, mỗi xe chở từ 2-3 gia đình do một Tiểu đội Công an nhân dân vũ trang áp tải. Trước khi thực hiện kế hoạch giải tỏa, toàn bộ số xe vận tải nói trên sẽ được tập kết ở khu vực quy định từ đêm hôm trước để chờ đến giờ G là đồng loạt nổ máy tiến vào khu vực đồi Pù Tèo Hào bốc người Hoa lên xe chở về các tỉnh tuyến sau.
Việc giải tỏa người Hoa được lên kế hoạch rất cụ thể, thực hiện bằng phương pháp vận động quần chúng , đồng thời dự kiến những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Trường hợp người Hoa không chịu chấp hành và cố tình chống đối thì lực lượng giải tỏa chủ yếu là Trung đoàn 12 CANDVT ( Đoàn Thanh Xuyên) và lực lượng vũ trang địa phương sẽ dùng võ thuật khống chế kẻ chống đối bốc lên xe cùng người nhà của họ ở từng lán theo kế hoạch đã được vạch sẵn.
Ngày 15/8/1978, đoàn cán bộ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 12 CANDVT( Đoàn Thanh Xuyên) tổ chức đưa cán bộ từ Trung đội trưởng trở lên đi trình sát thực địa đồi Pù Tèo Hào ở Km số O để xây dựng phương án giải tỏa. Căn cứ vào mục tiêu đã được phân công tại thực địa, chúng tôi tổ chức huấn luyện bộ đội luyên tập phương án giải tỏa người Hoa tại địa điểm đóng quân, đồng thời tăng cường huấn luyện võ thuật để nâng cao khả năng chiến đấu. Vũ khí của chúng tôi khi đi làm nhiệm vụ là một đoạn gỗ dài khoảng 40 cm dấu trong thắt lưng để tự vệ khi cần thiết, một túi vôi bột bỏ trong túi quần dùng để ném vào mặt những tên côn đồ ngoan cố chống đối để khoá tay tống lên xe.
Ngày 20/8/1978,Đại đội 4, Tiểu đoàn 1 của tôi được lệnh cơ động lên Hữu Nghị Quan ém binh và mặc thường phục trà trộn vào đoàn cán bộ liên ngành của ta đi làm nhiệm vụ để trình sát mục tiêu và điều chỉnh phương án sử dụng lực lượng tại thực địa cho phù hợp với tình hình thực tế. Thời gian này tôi là Chính trị viên Đại đội 4 hỏa lực của Tiểu đoàn 1 , nên được cấp trên phổ biến nhiệm vụ rất cụ thể.
Từ sáng ngày 25/8/1978, chúng tôi được lệnh chuyển trạng thái chiến đấu và sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có lệnh của trên, vì thế, ngay sau khi Lê Đình Chinh hy sinh, chúng tôi đã nhanh chóng chuyển từ phương án giải tỏa người Hoa sang nhiệm vụ đánh đuổi bọn Công an biên phòng Trung Quốc mặc thường phục giả danh làm côn đồ sang bên kia biên giới. Nhiệm vụ đến với chúng tôi quá bất ngờ, vũ khí trong tay chúng tôi chỉ có một đoạn gỗ dùng để đánh gần và một túi vôi bột để chiến đấu với Công an biên phòng Trung Quốc giả danh côn đồ được trang bị dao quắm ,gậy gộc và gạch đá để chiến đấu với quân ta. Sở dĩ chúng tôi phải đánh địch bằng tay không vì đã được cấp trên quán triệt, lúc này đây, chỉ cần manh động làm nổ một phát súng sẽ chẳng khác gì chân mồi lửa vào thùng thuốc súng để chiến tranh biên giới xảy. Chiến tranh- hai chữ ấy đã gây ra cho dân tộc ta quá nhiều đau thương và chết chóc, không ai muốn nghĩ đến nó lúc này. Trong sự ám ảnh về chiến tranh, bất chấp hiểm nguy, tôi phát lệnh xung phong và xông lên đồi Pù Tèo Hào dưới làn mưa gạch đá của quân Trung Quốc. Vừa xung phong ,tôi vừa động viên bộ đội, ta đã có mũ sắt để bảo vệ đầu nên không sợ nguy hiểm, các đồng chí hãy dũng cảm xông lên .
Do bất lợi về địa hình ( địch ở trên đồi cao, ta ở dưới chân đồi)lại chỉ đánh giặc bằng tay không và lòng dũng cảm, nên trận chiến đấu với bọn côn đồ Trung Quốc của chúng tôi hôm ấy kéo dài từ 11 giờ đến 17 giờ ngày 25/8/1978 mới kết thúc thắng lợi. Đơn vị tôi có 5 chiến sĩ bị thương vì gạch đá của chúng ném vào người, còn tôi cũng bị hai cục đá ném vào lưng và hông sau này phải đi bệnh xá để điều trị. Bù lại, chúng tôi đã đuổi hết quân thù về bên kia biên giới, chiến lợi phẩm thu được là 3 chiếc máy điện thoại hữu tuyến điện chúng bỏ lại không kịp mang theo vì bị quân ta xông lên đánh giáp lá cà, 10 con dao quắm và hàng xe tải gạch, đá trên đồi Pù Tèo Hào.
Thắng lợi có ý nghĩa chính trị của trận đánh này là, tuy phải chuyển từ ý định giải tỏa người Hoa sang đánh đuổi bọn côn đồ sang bên kia biên giới. Nhưng nhờ trận đánh này mà đối phương phải mở cửa biên giới cho 4.000 người Hoa đang mắc kẹt tại Hữu Nghị Quan chạy sang Trung Quốc. Trút cho ta được gánh nặng và ẩn họa khôn lường nếu phải đưa số người Hoa này quay trở lại Việt Nam. Quan trọng hơn là chúng ta không phải hy sinh xương máu của cán bộ chiến sĩ nếu thực nhiệm vụ giải tỏa người Hoa như phương án ban đầu. Sau trận đánh này, nhiều cán bộ chiến sĩ Đại đội 4 của tôi đã được cấp trên khen thưởng, riêng tôi được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng “Huy chương Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc”.. Ngày 30/8/1978, tại TP. Lạng Sơn, trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đồ Đảng và Nhà nước truy tặng liệt sĩ Lê Đình Chinh, tôi còn vinh dự được thay mặt tuổi trẻ cả nước đọc lời tuyên thệ” Sống chiến đấu rực lửa anh hùng như Lê Đình Chinh”.
42 năm đã trôi qua, nhưng sự hy sinh của Anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh và trận đánh giặc tay không chiều 25/8/1978 tại km số O còn mãi mãi in đằm trong ký ức, mãi mãi trở thành niềm tự hào của người lính Trung đoan 12 CANDVT( Đoàn Thanh Xuyên) anh hùng trên Ải Bắc.
Bài viết này xin làm nén tâm hương tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày anh hy sinh tại Hữu Nghị Quan trên Ải Bắc( 25/8/1978-25/8/2020).
Hà Nội, ngày 23/8/2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét