Editor-in-Chief: Chủ Biên LS Trịnh Quốc Thiên - trinhquocthien@gmail.com Trụ sở: 1701 Pennsylvania Avenue, NW Washington, D.C. 20006, VPU 200. Chủ bút Trịnh Quốc Thiên đã đoạt giải Hạng Nhất đồng hạng về BIÊN KHẢO VĂN HỌC SỬ, VÀO NĂM 2008, LỄ CÔNG BỐ TRAO GIẢI TẠI THÀNH PHỐ SAN JOSÉ CỦA HỘI Y NHA DƯỢC SỸ QUỐC TẾ. Chủ bút Trịnh Quốc Thiên, là chủ kênh "Từ Thủ Ðô" TiVi, https://www.youtube.com/trinhquocthien
29 tháng 5, 2024
Trận Điện Biên Phủ qua góc nhìn của báo Mỹ
Trận Điện Biên Phủ qua góc nhìn của báo Mỹ
Tháng 5/1964, khi người Mỹ chuẩn bị đưa quân vào miền Nam Việt Nam, tờ New York Times của Mỹ đã đăng bài viết “Dienbienphu: Battle to Remember” (Điện Biên Phủ: Trận chiến nên nhớ), cảnh báo Mỹ nên tránh xa vết xe đổ của người Pháp. Bài viết tường thuật chi tiết những diễn biến gay cấn của trận chiến, nêu bật những khó khăn, tổn thất, bế tắc mà ta đã gây ra cho quân Pháp, cũng như những tính toán sai lầm của phía Pháp, dẫn tới việc Tướng De Castries phải giương cờ trắng đầu hàng quân Việt Minh vào ngày 7/5/1954, kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ với chiến thắng vẻ vang cho dân tộc Việt Nam, tạo bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cục diện chiến tranh giữa ta và địch.
Ngày 7/5/1954, cuộc chiến giành căn cứ Điện Biên Phủ ở vùng rừng núi kết thúc, đặt dấu chấm hết cho những ảnh hưởng quân sự của Pháp ở châu Á, ở một mức độ nào đó cũng giống như các cuộc vây hãm ở cảng Lữ Thuận (Mãn Châu), Corregidor (Philippines) và Singapore đã từng phá vỡ thời kỳ bá chủ của Nga, Mỹ và Anh ở châu Á. Sau nhiều thế kỉ khuất phục, người châu Á đã đánh bại người da trắng trong cuộc chơi của chính họ. Và hôm nay, 10 năm sau Điện Biên Phủ, các du kích Việt Cộng ở miền Nam Việt Nam lại một lần nữa thách thức khả năng chịu đựng của phương Tây trước sự kết hợp mạnh mẽ giữa áp lực chính trị và áp lực quân sự trong một môi trường hoàn toàn xa lạ.
Được một sĩ quan gọi là “một tai nạn đáng tiếc”, trận Điện Biên Phủ đã kết thúc ảnh hưởng quân sự của Pháp ở châu Á.
Vào ngày tháng 5/1954 đó, đến 10 giờ sáng thì đã rõ là tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (của phía Pháp) đã rơi vào tình trạng vô vọng. Đại bác và súng cối của người Pháp đã dần bị chặn đứng bởi hỏa lực đại bác chính xác đến kinh hoàng của Việt Minh Cộng sản; những cơn mưa theo mùa đã khiến đồ tiếp tế chỉ còn được cung cấp nhỏ giọt và biến các hầm hào của người Pháp thành những vũng lầy không đáy. Các sĩ quan và binh lính còn sống sót đều đang trong tình trạng kiệt sức, nhiều người trong số họ đã sống với thực đơn chỉ gồm cà phê hòa tan và thuốc lá trong suốt 54 ngày qua.
Khi chỉ huy của họ, Chuẩn tướng Christian de la Croix de Castries, báo cáo tình hình qua điện thoại vô tuyến cho Tướng René Cogny – viên chỉ huy chiến trường của ông ta ở cách đó 220 dặm, tại Hà Nội – bằng chất giọng cao nhưng vô hồn một cách kỳ lạ, thì rõ ràng là pháo đài này đã đi đến hồi kết. De Castries đánh dấu vào bản danh sách dài gồm các tiểu đoàn 800 người đã bị giảm xuống thành các đại đội 80 người, và các đại đội đã giảm xuống quy mô của những trung đội yếu ớt. Tất cả những gì ông ta có thể hy vọng là cầm cự được đến đêm để những người còn sống sót dưới sự chỉ huy của mình có cơ hội chạy trốn vào rừng trong sự bao bọc của bóng đêm, trong khi bản thân ông ta sẽ ở lại với hơn 5.000 người đang bị thương nặng (trong tổng cộng 15.094 người đang ở thung lũng này), và đối mặt với kẻ thù.
Tuy nhiên, đến 3 giờ chiều thì rõ ràng là cứ điểm sẽ không thể tồn tại được cho tới khi màn đêm buông xuống. Các lực lượng cộng sản đang tràn qua những tuyến phòng thủ cuối cùng còn sót lại bằng các cuộc tấn công giáp lá cà ào ạt. De Castries đã thăm dò ý kiến các chỉ huy đơn vị còn sống sót mà ông ta còn tiếp cận được, và tất cả đều nhất trí rằng nếu phá vòng vây sẽ chỉ dẫn tới một cuộc thảm sát vô nghĩa trong rừng rậm. Họ quyết định chiến đấu đến cùng, chừng nào vẫn còn đạn, và sẽ để từng đơn vị riêng lẻ bị chiếm sau khi đã phá hủy các vũ khí hạng nặng. Phương thức hành động này đã được chỉ huy cấp cao ở Hà Nội chấp thuận vào khoảng 5 giờ chiều, nhưng với điều kiện “Isabelle”, cứ điểm ở điểm cực nam gần rừng nhất, và cũng gần nhất với các lực lượng cùng phe ở Lào, có cơ hội được trốn thoát.
Cuộc trao đổi cuối cùng của Cogny với De Castries xoay quanh vấn đề gay cấn là xử lý thế nào với những người bị thương đang “chất đống” lên trong những điều kiện tồi tệ đến khó tin ở nhiều cứ điểm và tại bệnh viện trung tâm của pháo đài – vốn ban đầu chỉ được dựng lên để chứa 42 người bị thương. Đã có ý kiến cho rằng nên thu xếp một cuộc đầu hàng có trật tự để cứu những người bị thương khỏi phải khổ sở thêm nếu rơi vào tay kẻ thù như những cá nhân biệt lập. Nhưng Cogny rất cương quyết về điểm này:
“Ông bạn tôi ơi, tất nhiên bây giờ cậu phải kết thúc mọi chuyện. Nhưng những gì cậu đã làm được cho đến thời điểm này chắc chắn là cực kỳ tuyệt vời. Đừng làm hỏng điều đó bằng cách giương cờ trắng. Cậu sẽ bị (kẻ thù) nhấn chìm, nhưng không được đầu hàng, không treo cờ trắng”.
“Thôi được, mon général (thưa vị tướng của tôi), tôi chỉ muốn cứu những người bị thương”.
“Tôi biết. Chà, hãy làm những gì tốt nhất có thể, cứ để các (tiếng bị nhiễu sóng: Đơn vị cấp dưới?) của cậu tự hành động. Những gì cậu đã làm quả thực quá tuyệt, không nên làm điều đó. Cậu hiểu mà, bạn của tôi”.
Có một khoảng lặng. Sau đó De Castries nói những lời cuối cùng: “Được, mon général”.
“Chà, tạm biệt, bạn tôi”, Cogny nói “Tôi sẽ gặp lại cậu sớm”.
Vài phút sau đó, nhân viên vận hành vô tuyến điện của De Castries đã đập nát bộ máy liên lạc một cách bài bản bằng báng súng Colt.45, và thế là những từ cuối cùng phát đi từ pháo đài chính, khi nó bị chiếm, là vào lúc 5:50 chiều, từ người vận hành máy vô tuyến của Tiểu đoàn Công binh Chiến đấu số 31, với tên mật mã theo quy định của anh ta:
“Đây là Yankee Metro. Chúng tôi đang cho nổ tung mọi thứ xung quanh đây. Hẹn gặp lại”.Cứ điểm “Isabelle” không có cơ hội nào. Trong khi các tuyến phòng thủ chính của Pháp ở Điện Biên Phủ đang bị quét sạch, các lực lượng cực mạnh của Việt Minh đã siết chặt vòng vây quanh hàng nghìn lính Lê dương, lính người Algerie và người Pháp đang chuẩn bị phá vòng vây. Lúc 9:40 tối, một máy bay giám sát của Pháp báo cáo về Hà Nội rằng nó nhìn thấy các kho hàng của cứ điểm bị nổ tung và có thể nhìn thấy hỏa lực pháo hạng nặng ở gần đó. Cuộc phá vòng vây đã bị phát hiện. Vào lúc 1:50 sáng 8/5/1954, thông điệp cuối cùng phát ra từ đơn vị đồn trú đã bị tiêu diệt, được máy bay giám sát chuyển tiếp về Hà Nội:
“Cuộc xuất kích đã thất bại – chấm – Không thể liên lạc thêm với các anh được nữa – Chấm và Hết”.
Trận chiến lớn ở thung lũng Điện Biên Phủ đã kết thúc. Gần 10.000 quân bị bắt sẽ bắt đầu cuộc hành quân nghiệt ngã đến các trại tù của Việt Minh cách đó 300 dặm về phía đông. Rất ít người sẽ sống sót. Khoảng 2.000 người đã nằm lại trên khắp chiến trường, trong những ngôi mộ không được đánh dấu cho đến ngày nay. Chỉ có 73 người trốn thoát khỏi các cứ điểm đã bị đập tan, sau đó được các đơn vị du kích thân Pháp đang chờ trong rừng rậm của Lào giải cứu. Cách đó tám nghìn dặm, tại Geneva, phái đoàn của miền Bắc Việt Nam và Trung Quốc Cộng sản tham dự hội nghị 9 cường quốc để giải quyết các cuộc xung đột ở Triều Tiên và Đông Dương đã ăn mừng sự kiện này bằng rượu sâm-panh màu hồng của Trung Quốc.
Những gì diễn ra tại Điện Biên Phủ chỉ đơn giản là một canh bạc lớn của Bộ Chỉ huy Tối cao Pháp và đã phản tác dụng một cách tệ hại. Cuộc chiến tranh Đông Dương – nổ ra vào tháng 12/1946, sau khi lực lượng Việt Minh của Hồ Chí Minh nhận thấy rằng Pháp sẽ không chấp nhận nền độc lập sau cùng của Việt Nam – đã dần sa lầy vào một trò bập bênh vô vọng.
Cho tới khi các lực lượng thắng thế của Trung Quốc Cộng sản đến biên giới Việt Nam vào tháng 12/1949, ít nhất người Pháp vẫn có một hy vọng mong manh rằng Chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc do Pháp hậu thuẫn của cựu hoàng Bảo Đại có thể chiếm được lòng trung thành mà phần lớn người dân Việt Nam đang dành cho Việt Minh. Nhưng với sự tồn tại của một “thánh địa” Trung Quốc cộng sản dành cho lực lượng Việt Minh, điều đó đã trở nên bất khả thi về mặt quân sự. Đến tháng 10/1950, 12 tiểu đoàn chính quy của Việt Minh, được trang bị đại bác vượt trội của Mỹ lấy từ các kho của Quốc dân Đảng còn sót lại ở Trung Hoa Đại lục, đã đập tan các tuyến phòng thủ của Pháp dọc biên giới Trung Quốc và khiến Pháp phải chịu thất bại lớn nhất ở thuộc địa kể từ sau khi Montcalm chết ở Quebec(1). Trong vòng vài tuần, vị thế của Pháp ở miền Bắc Việt Nam đã thu hẹp lại thành một vành đai kiên cố quanh châu thổ sông Hồng; một dải lãnh thổ liên tục do phe cộng sản nắm giữ kéo dài từ biên giới Trung Quốc tới vùng cách Sài Gòn chưa đầy 100 dặm. Về cơ bản thì Pháp đã thua trong cuộc Chiến tranh Đông Dương ngay từ lúc đó.
Điều làm thay đổi cục diện cuộc chiến trong một thời gian là dòng viện trợ của Mỹ, vốn khởi động từ khi Chiến tranh Triều Tiên bắt đầu. Chủ nghĩa Cộng sản giờ đây là mối đe dọa ở cả hai đầu vòng cung Viễn Đông, cuộc Chiến tranh Đông Dương – từ một cuộc chiến tranh thuộc địa đã trở thành một cuộc “thập tự chinh” – nhưng là một cuộc thập tự chinh không có căn nguyên thực sự. Nền độc lập, mà Pháp đã trao trả quá miễn cưỡng cho chế độ theo chủ nghĩa dân tộc của Bảo Đại, vẫn là khẩu hiệu của đối thủ.
Nhưng ít nhất thì về mặt quân sự, thảm họa đã tạm thời được ngăn chặn. Vùng châu thổ sông Hồng trọng yếu ít nhiều do người Pháp kiểm soát, ít nhất là vào ban ngày, còn đêm đến thì đối thủ ở khắp mọi nơi – và vùng đồng bằng sông Mekong trù phú lúa gạo ở miền Nam Việt Nam, nơi các giáo phái Phật giáo chống cộng đang chiến đấu cùng phía Pháp, thì vào giai đoạn 1963 – 1964 các lực lượng phương Tây nắm giữ không chắc chắn bằng thời điểm 1953 – 1954.
Ở Lào, tình hình lúc đó cũng nghiệt ngã như bây giờ(2): quân Lào và quân Pháp trấn giữ thung lũng sông Mekong và sân bay Cánh đồng Chum, còn đối thủ thì nắm phần còn lại. Chỉ có Campuchia là gần như hòa bình: Hoàng tử Sihanouk (khi đó là Quốc vương) đã nhận nền độc lập từ Pháp vào năm 1953 và thúc giục thần dân của mình chiến đấu chống quân du kích. Họ đã thành công tới mức, tại hội nghị ngừng bắn ở Geneva sau đó, Campuchia không phải giao nộp một tỉnh làm “khu vực tập kết” cho các lực lượng Cộng sản.
Tình huống hoàn toàn bế tắc này khiến người Pháp chỉ còn một lựa chọn duy nhất: Tạo ra một tình hình quân sự có thể cho phép đàm phán ngừng bắn trên cơ sở bình đẳng với kẻ thù. Để làm được điều này, Tổng tư lệnh Pháp, Tướng Henri Navarre phải giành chiến thắng trước lực lượng nòng cốt của phe Cộng sản là các sư đoàn chính quy; Việc các sư đoàn này tiếp tục tồn tại sẽ đặt ra mối đe dọa xâm lược thường xuyên đối với Vương quốc Lào và vùng đồng bằng sông Hồng trọng yếu, nơi có thủ đô Hà Nội và cảng Hải Phòng đang phát triển mạnh mẽ. Và để tiêu diệt các sư đoàn đó và ngăn chặn các cuộc xâm lược của họ vào Lào, người ta phải “tìm và diệt”, theo cách nói của quân đội Mỹ.
Tướng Navarre cảm thấy rằng cách để đạt được điều này là cung cấp cho Cộng sản một mục tiêu đủ hấp dẫn để các sư đoàn chính quy của họ tấn công, nhưng lại đủ mạnh để chống trả cuộc tấn công dữ dội khi nó ập đến. Đó là lý do để tạo ra Điện Biên Phủ và trận chiến ở đó.
Cũng có những cân nhắc khác nữa. Lào đã ký một hiệp ước với Pháp, trong đó Pháp hứa sẽ bảo vệ Lào. Điện Biên Phủ là ổ khóa trên cửa hậu dẫn vào Lào. Điện Biên Phủ cũng là phép thử cho một lý thuyết mới của Navarre. Thay vì bảo vệ các phòng tuyến bất động, ông ta muốn tạo ra trên khắp Đông Dương những “căn cứ kết hợp trên bộ và trên không” để từ đó các đơn vị cơ động cao sẽ xông thẳng ra tấn công và tiêu diệt kẻ thù ngay tại khu vực hậu quân, giống như cách du kích Việt Minh đang làm ở vùng hậu quân của Pháp. Tất cả phụ thuộc vào Điện Biên Phủ: tự do của Lào, danh tiếng của một chỉ huy cấp cao, sự sống còn của một số binh lính thiện chiến nhất nước Pháp – và trên hết, là cơ hội cuối cùng để thoát ra khỏi cuộc chiến mệt mỏi nơi rừng núi kéo dài suốt tám năm – với một thứ gì đó khác, chứ không phải một thất bại toàn diện.
Nhưng Navarre, một sĩ quan thiết giáp từng chinh chiến trên các chiến trường châu Âu, rõ ràng đã không nhận ra rằng “không có vị trí chốt chặn nào ở đất nước không hề có các con đường kiểu châu Âu” (đây là nhận định của ủy ban Chính phủ Pháp, cơ quan điều tra thảm họa Điện Biên Phủ sau đó). Vì Việt Minh chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực thồ hàng cho các đơn vị tiền tuyến, nên họ có thể dễ dàng vượt qua các nút thắt cổ chai như Điện Biên Phủ hay Cánh đồng Chum, đồng thời dễ tích lũy lực lượng trong các thành trì đó hơn.
Kết quả rất rõ ràng: Ngay sau khi quân Pháp đến Điện Biên Phủ ngày 20/11/1953, hai sư đoàn 10.000 quân chính quy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chặn đánh đồn Điện Biên Phủ, trong khi một phần ba vượt qua Điện Biên Phủ và đánh sâu vào Lào. Vào lễ Giáng sinh năm 1953, lần đầu tiên trong cuộc chiến kéo dài 8 năm, Đông Dương đã bị cắt đôi theo đúng nghĩa đen. Các cuộc tấn công (của Pháp) nhắm riêng tới Điện Biên Phủ đã trở thành những cuộc tấn công tuyệt vọng trước một kẻ thù vô hình. Vào thời điểm trận chiến bắt đầu đằng đẵng vào ngày 13/3/1954, đơn vị đồn trú đã bị thương vong 1.037 người mà không có kết quả rõ ràng nào.Bên trong pháo đài, ngôi làng xinh đẹp nằm bên sông Nậm Rốm của người dân tộc địa phương nhanh chóng biến mất cùng với tất cả các bụi rậm và cây cối trong thung lũng, để sử dụng làm củi hoặc làm vật liệu xây dựng các boong-ke. Ngay cả tư dinh của thống đốc Pháp cũng bị tháo dỡ để tận dụng gạch, vì vật liệu kỹ thuật đã thiếu hụt ngay từ đầu.
Thiếu tá André Sudrat, kỹ sư trưởng tại Điện Biên Phủ, đã phải đối mặt với một vấn đề mà anh ta biết là không thể giải quyết được về mặt toán học: Theo tiêu chuẩn kỹ thuật quân sự thông thường, các vật liệu cần thiết để bảo vệ một tiểu đoàn trước hỏa lực của pháo 105mm mà Việt Nam đang sở hữu lên tới 2.550 tấn, cộng với 500 tấn dây thép gai. Anh ta ước tính rằng để bảo vệ 12 tiểu đoàn ở đó (5 tiểu đoàn khác đã nhảy dù xuống trong trận chiến) ban đầu anh ta sẽ cần 36.000 tấn vật liệu kỹ thuật – nghĩa là sử dụng tất cả các máy bay vận tải hiện có trong thời gian 5 tháng.
Khi được thông báo rằng mình sẽ được cấp tổng cộng khoảng 3.300 tấn vật liệu bằng đường không vận, Sudrat chỉ nhún vai, “Trong trường hợp đó, tôi sẽ củng cố đài chỉ huy, trung tâm tín hiệu và phòng X-quang trong bệnh viện; và chúng ta hãy hy vọng rằng Việt Minh không có đại bác”.
Hóa ra, Việt Minh có hơn 200 khẩu pháo, được tăng cường bằng các bệ phóng tên lửa đa ống “Katyusha” của Nga trong tuần cuối cùng của cuộc vây hãm. Chẳng bao lâu, sự kết hợp giữa những cơn mưa theo mùa – thường bắt đầu vào khoảng giữa tháng 4 – và pháo binh của Việt Minh đã nghiền nát những ụ và chiến hào từng được sắp xếp gọn gàng cho các nhà báo và du khách nổi tiếng tới tham quan trong những ngày đầu của cuộc vây hãm. Về cơ bản, trận chiến Điện Biên Phủ đã biến thành một trận đấu pháo tay đôi tàn khốc, mà đối thủ sớm muộn cũng sẽ giành chiến thắng. Các đội súng và pháo của Pháp, hoạt động hoàn toàn ngoài trời để cho phép nổ súng mọi hướng trên khắp cánh đồng, đã lần lượt bị tiêu diệt; được thay thế, rồi lại bị tiêu diệt một lần nữa, và cuối cùng lặng câm.
Cuộc đấu pháo tay đôi đã trở thành thảm kịch lớn của trận chiến. Đại tá Piroth, viên chỉ huy vui tính cụt một tay của pháo binh Pháp bên trong pháo đài đã “bảo đảm” rằng 24 khẩu pháo 105mm của ông ta có thể sánh ngang bất cứ thứ gì mà Cộng sản có và khẩu đội gồm bốn khẩu pháo trường hạng nặng 155 mm của ông ta chắc chắn sẽ “khóa mõm” bất cứ thứ gì không bị phá hủy bởi các khẩu pháo hạng nhẹ hơn hay máy bay ném bom. Hóa ra, pháo binh Việt Nam được ngụy trang tuyệt vời đến mức cho đến ngày nay, người ta vẫn nghi ngờ liệu hỏa lực phản công của quân Pháp có thể làm câm lặng được chỉ vài trận địa của đối phương hay không.
Vào lúc 5:10 chiều ngày 13/3/1954, khi pháo binh của Cộng sản tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm “Beatrice” mà không bị thiệt hại đáng kể nào từ hỏa lực đối kháng của quân Pháp, Piroth biết chắc chắn rằng pháo đài sẽ bị diệt vong. Và với tư cách là phó tướng của De Castries, ông ta cảm thấy rằng mình đã góp phần tạo nên không khí tự tin thái quá và thậm chí là tự mãn ở thung lũng trước cuộc tấn công – nếu không thì De Castries đã không gửi một bức thư thách thức tướng Giáp của đối phương theo phong cách của các bậc công tước tổ tiên ông ta.
“Tôi có trách nhiệm. Tôi phải chịu trách nhiệm”, mọi người nghe thấy ông ta thì thầm. Trong đêm 14 – 15/3, ông ta đã tự sát bằng cách dùng lựu đạn tự nổ tung mình vì không thể sử dụng súng lục bằng một tay.Ban đầu, pháo đài được thiết kế để bảo vệ đường băng chính trước các đơn vị Việt Minh đang công phá, không phải để chống chọi với sự tấn công dữ dội của bốn sư đoàn Cộng sản. Chưa bao giờ có một chiến tuyến liên hoàn bao trùm cả thung lũng, như các bản đồ báo chí thời đó hiển thị sai. 4 trong số 8 cứ điểm nằm cách trung tâm từ một đến ba dặm. Hỏa lực liên hoàn của đại bác và súng cối, cộng thêm một phi đội gồm 10 xe tăng (được thả xuống từng mảnh và lắp ráp lại ngay tại chỗ) là để ngăn chặn chúng bị bắn hạ từng chiếc một.
Điều này cũng được chứng minh chỉ là một ảo tưởng. Tướng Võ Nguyên Giáp quyết định đánh chiếm Điện Biên Phủ bằng sự kết hợp cực kỳ hiệu quả giữa kỹ thuật vây hãm thế kỷ XVIII (ví dụ như đánh sập các hầm chứa đầy thuốc nổ TNT dưới boong-ke của Pháp) và các kiểu đại bác hiện đại, cộng với các đòn tấn công giáp lá cà. Các chốt bảo vệ sân bay ở phía ngoài đã bị đánh chiếm ngay trong vài ngày đầu của trận chiến. Tổn thất của quân Pháp lớn tới mức các lực lượng tiếp viện được thả dù sau khi sân bay bị phá hủy mãi mãi vào ngày 27/3 cũng không bao giờ đủ để thực hiện các cuộc phản công cần thiết để tái chiếm các chốt đó.
Từ đó, cuộc chiến giành Điện Biên Phủ trở thành một trận chiến nhằm tiêu hao lực lượng: Hy vọng duy nhất của đơn vị đồn trú Pháp là sự xâm nhập đột phá của một đội cứu viện từ Lào hoặc Hà Nội (một khái niệm vô vọng nếu xét về địa hình và khoảng cách liên quan) hoặc tiêu diệt lực lượng bao vây bằng các cuộc bắn phá trên không với quy mô lớn nhất. Một cuộc tấn công của Không quân Hoa Kỳ đã được cân nhắc, nhưng ý tưởng này đã bị loại bỏ vì những lý do giống với lý do khiến cho một cuộc tấn công tương tự nhằm vào miền Bắc Việt Nam ngày nay là một việc khá mạo hiểm.
Giống như ở trận Stalingrad, quân Pháp ở Điện Biên Phủ dần chết đói vì trọng tải không vận của mình. Khi cuộc bao vây bắt đầu, tập đoàn cứ điểm này có sẵn lượng tiếp tế cho khoảng 8 ngày và cần 200 tấn mỗi ngày để duy trì mức tối thiểu. Việc chuẩn bị một khối lượng quân nhu khổng lồ như vậy để thả dù xuống chỉ có thể được thực hiện bằng những chiến công siêu phàm của các đơn vị tiếp tế trên không ở bên ngoài – những nỗ lực còn hơn cả sự dũng cảm của những người lính bên trong thung lũng, những người phải bò ra ngoài, dưới hỏa lực, để thu thập các thùng hàng.
Nhưng khi địa bàn của Pháp bị thu hẹp mỗi ngày (cuối cùng chỉ bằng kích thước của một sân bóng), thì phần lớn hàng tiếp tế đã rơi vào tay phe Cộng sản. Ngay cả những ngôi sao khen thưởng của Tướng De Castries, được Tướng Cogny thả xuống cho ông ta cùng với một chai sâm-panh, cũng hạ cánh xuống lãnh thổ của đối phương.
Các đợt tiếp vận là một trải nghiệm khó khăn trong thung lũng hẹp, nơi chỉ cho phép tiếp cận theo hướng thẳng đứng. Pháo phòng không của cộng sản đã tàn phá các máy bay vận tải ì ạch khi chúng từ từ hạ tải. Một vài con số cho thấy cuộc không chiến ở Điện Biên Phủ tàn khốc như thế nào: Trong tổng số 420 máy bay Pháp có trên toàn Đông Dương lúc đó, 62 chiếc bị mất liên quan đến Điện Biên Phủ và 167 chiếc bị trúng đích. Một số phi công dân sự Hoa Kỳ đã bay khi đó nói rằng hỏa lực phòng không của Việt Minh dày đặc y như trong trận chiến ở Ruhr (Đức) trong Thế chiến thứ hai.
Khi trận chiến kết thúc, 82.926 chiếc dù được sử dụng để cung cấp cho pháo đài nằm bao phủ trên trận địa như tuyết vừa mới rơi. Hay như một tấm vải liệm.
—
Ảnh hưởng thực sự của trận Điện Biên Phủ đối với thế trận quân sự của Pháp ở Đông Dương không thể chỉ tính bằng tổn thất. Chẳng ích gì khi nói rằng Pháp chỉ mất 5% lực lượng chiến đấu; rằng những tổn thất về trang thiết bị đã được bù đắp nhờ nguồn tiếp viện của Mỹ khi trận chiến đang diễn ra ác liệt; và ngay cả những tổn thất về nhân lực cũng đã được bù đắp bởi quân tiếp viện từ Pháp và những đợt quân dịch mới của người Việt Nam. Ngay cả thực tế, mà sau này Navarre – vị tổng tư lệnh bất hạnh của Pháp – đã viện dẫn, rằng cuộc tấn công vào Điện Biên Phủ khiến đối phương thương vong gần 25.000 người và trì hoãn cuộc tấn công của họ vào vùng đồng bằng sông Hồng trọng yếu thêm bốn tháng, cũng chẳng mấy nghĩa lý trước làn sóng chủ bại không chỉ quét qua dư luận Pháp ở trong nước mà ở cả các nước đồng minh của Pháp.
Về mặt lịch sử, Điện Biên Phủ chỉ là một “tai nạn không may”, như cách dùng từ giảm nhẹ rất khôn khéo của một sĩ quan cấp cao Pháp. Nó không chứng minh được gì nhiều ngoài việc một lực lượng bị bao vây, dù dũng cảm đến đâu, cũng sẽ không chống chọi nổi nếu hệ thống hỗ trợ thất bại. Nhưng như các cuộc chiến tranh cách mạng khác đã thể hiện rõ – từ Algeria cho tới thất bại của Anh ở đảo Síp và Palestine: Để thua những cuộc chiến như vậy không cần đến những trận chiến “quyết định”. Họ có thể thua cuộc một cách rõ ràng thông qua một loạt các cuộc giao tranh rất nhỏ, chẳng hạn như những cuộc giao tranh hiện đang diễn ra ở miền Nam Việt Nam, nếu chính quyền địa phương và người dân mất niềm tin vào kết quả cuối cùng của cuộc chiến – và đó là trường hợp của cả người Pháp và các đồng minh Việt Nam của họ sau trận Điện Biên Phủ.
Nhưng như chính người Pháp đã chứng minh ở Algeria, nơi họ không bao giờ để mình bị điều động đến những ngóc ngách quân sự tuyệt vọng như vậy nữa, các cuộc chiến tranh cách mạng diễn ra vì các mục tiêu chính trị và trong trường hợp đó các trận đánh lớn mang tính quyết định không phải để giành chiến thắng hay thất bại. Giờ đây, dường như điều này cuối cùng cũng đã được hiểu rõ trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, và Bộ trưởng Quốc phòng McNamara có thể đã nghĩ đến Điện Biên Phủ khi tuyên bố trong bài phát biểu quan trọng của mình về chính sách ở Việt Nam vào ngày 26/3 rằng “chúng ta đã học được rằng ở Việt Nam, tiến bộ chính trị và kinh tế là điều kiện tiên quyết cho thành công quân sự…”. Người ta chỉ có thể hy vọng rằng bài học sẽ được đúc rút kịp thời.
Nhưng ngày 7/5/1954, cuộc đấu tranh giành Đông Dương gần như đã kết thúc cho phía Pháp. Khi một viên Đại tá Pháp nhìn ra chiến trường từ một khe hào gần đài chỉ huy của mình, một lá cờ trắng nhỏ, có lẽ là một chiếc khăn tay, xuất hiện trên đầu một khẩu súng trường cách ông ta khoảng 15m, theo sau là cái đầu đội mũ sắt của một lính Việt Minh.
“Các ông sẽ không bắn nữa chứ?”, Việt Minh hỏi bằng tiếng Pháp.
“Không, tôi sẽ không bắn nữa”, viên Đại tá trả lời.
“Vậy là kết thúc nhỉ?”, người lính Việt Minh nói.
“Vâng, kết thúc rồi”, viên Đại tá nói.
Và xung quanh họ, vào một ngày phán xét khủng khiếp nào đó, những người lính, cả người Pháp cũng như đối thủ của họ, bắt đầu bò ra khỏi chiến hào và đứng thẳng lần đầu tiên sau 54 ngày, khi khắp mọi nơi đều ngừng bắn.
Sự im lặng đột ngột đến chói tai.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét