Trích trong tác phẩm "Nước Mắt Trước Cơn Mưa." Chương 15: Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà
ĐẠI TÁ LÊ KHẮC LÝ
“Tôi là người độc nhất còn lại để kể chuyện cho quý vị.”
Vào
năm 1974 có lần tôi đến trình diện tướng Phạm Văn Phú tại tư thất của
ông ở Pleiku. Tướng Phú gọi tôi đến thảo luận một số kế hoạch. Điều đầu
tiên ông nói là ông muốn di chuyển Bộ Tư Lệnh Quân Khu II tại Pleiku
xuống Nha Trang. Ông hỏi tôi nghĩ thế nào? Tôi trả lời: “Tôi
nghĩ đây không phải là một ý kiến tốt. Tôi ở vùng này khá lâu, đủ để
hiểu tại sao chúng ta đóng Bộ Tư Lệnh tại đây. Chính Tổng thống Ngô Đình
Diệm là người đã cho khai phá và phát triển vùng này. Ông Diệm có nhiều
lý do chính đáng. Ông có ý đưa ảnh hưởng quân đội lên trấn ngự vùng cao
nguyên. Đây là một khu then chốt, một khu vực chiến thuật trọng yếu,
một khu vực canh nông với đất đai màu mỡ. Muốn đất nước giàu mạnh, phải
sử dụng vùng này. Nay nếu Thiếu tướng rời khỏi đây, dân chúng sẽ di
chuyển theo. Vùng này bỏ trống, Cộng sản sẽ đến. Khi kiểm soát được vùng
này, chúng sử dụng làm căn cứ thì chúng ta sẽ mất tất cả miền Nam. Vậy
nếu Thiếu tướng ở lại, dân chúng sẽ ở lại. Cộng sản có đến chăng nữa
cũng phải khốc liệt lắm mới lấy được vùng này khỏi tay chúng ta. Thiếu
tướng không thể cho không bọn Cộng sản vùng đất này!”
Quân
Khu 2 là một vùng rất rộng, trong đó chúng tôi có mười bốn tỉnh. Nhưng
chúng tôi chỉ có hai Sư đoàn, Sư đoàn 22 và Sư đoàn 23. Vùng bình nguyên
thuộc Quân Khu 2 cũng là một vùng rất trọng yếu về kinh tế và kỹ thuật.
Nhưng tướng Phú muốn di chuyển. Ông bảo: “Đóng ở đây là đóng Bộ Tư Lệnh quân đoàn ở tiền phương, mà binh đội lại đặt ở hậu cứ.” Tôi nói “Điều
ấy rất đúng! Nhưng bây giờ nếu Thiếu tướng rục rịch gì ở Bộ Tư Lệnh là
dân chúng cũng sẽ hoảng sợ mà di chuyển theo Thiếu tướng ngay.”
Sau
hiệp định Ba Lê 1973, dân chúng luôn xem chừng quân đội. Hễ quân di
chuyển đến đâu, dân di chuyển đến đấy. Họ thấy hiệp định Ba Lê không
phải là một hiệp định ngưng chiến. Có điều gì dối trá ẩn giấu đàng sau.
Dân Việt Nam biết kế hoạch của Kissinger. Họ biết tại sao Kissinger đã
ký hiệp định này, dù không có thuận ý của chính quyền miền Nam. Dân
chúng luôn tụ tập ở những địa điểm có đặt trụ sở các Bộ Tư Lệnh cao cấp.
Khi các Bộ Tư Lệnh cao cấp di chuyển, mặc dầu vẫn để lại các trụ sở cấp
dưới, nhưng đại đa số dân chúng sẽ vẫn cứ di chuyển theo bộ tư lệnh cao
cấp, bỏ địa điểm cũ thành những nơi gần như hoang vắng.
Cao
nguyên có một khối lượng dân đông đảo. Nếu họ di chuyển, Cộng sản sẽ có
nhiều cơ may tiến vào. Dân không muốn bị bỏ lại với Cộng sản. Họ xem
chừng và để ý tướng Phú rất kỹ. Nhưng tướng Phú thường hay ở Nha Trang.
Nhiều người bảo tôi rằng ông ấy sợ. Tôi nghĩ có lẽ đúng. Ông
từng bị bắt làm tù binh trong trận Điện Biên Phủ 1954, cho nên cứ nghĩ
đến Việt Cộng là ông ấy đã đủ sợ. Tôi không có lòng tin nơi tướng Phú
mỗi khi chúng tôi đụng trận.
Lúc
ấy, ông quyết định không rời Bộ Tư Lệnh Quân khu nữa, nhưng cá nhân ông
đã chuyển một số lớn của cải và đưa cả gia đình đi Nha Trang, hầu hết
nhân viên cũng đi theo với ông. Tôi là người phải điều động mọi việc ở
Pleiku. Đây là sự thực. Tôi không hề có ý khoe khoang.
Tướng
Phú có mâu thuẫn cá nhân với hai ông tướng khác: Tướng Trần Văn Cẩm,
trước là Tư lệnh Sư đoàn 23 dưới quyền tướng Nguyễn Văn Toàn. Khi tướng
Toàn đổi đi, ông Cẩm trở thành phụ tá hành quân cho tướng Phú. Một người
nữa là tướng Lê Văn Thân , trước là Sư đoàn Trưởng Sư đoàn 1. Sau trở thành phụ tá Bình Định ở Nha Trang . (*)
Tướng
Phú không thích cả hai ông này. Không có sĩ quan chấp hành, tướng Phú
bèn tự đặt ra một số nhân viên riêng. Trưởng phòng Tổng quản trị của
tướng Phú, Trung tá Trần Tích là người phụ trách bổ nhiệm sĩ quan vào
các chức vụ thân cận của tướng Phú. Trung tá Tích làm việc rất chặt chẽ
với vợ tướng Phú. Còn tôi chỉ biết lo điều động những chuyện hành quân,
tình báo và tiếp vận của vùng cao nguyên mà thôi.
Tôi
nghe quá nhiều dư luận về những chuyện bổ nhiệm này, trong ấy có điều
đúng, cũng có điều thổi phồng. Tôi đã nghe nhiều chuyện về việc người ta
đưa tiền cho vợ tướng Phú để mua chức vụ. Những chuyện này rất nản, làm
người ta xuống tinh thần, nhưng làm gì được bây giờ? Báo cáo cho Tổng thống Thiệu chăng, nhưng như thế cũng chẳng kết quả gì, vì lẽ chính ông Thiệu cũng đã bị mua chuộc. Tôi
bảo với các sĩ quan của tôi rằng tôi bịt miệng, che tai. Tôi chỉ cố làm
cho tròn bổn phận một cách tốt đẹp. Tôi không muốn quan tâm đến các
chuyện khác.
Về
vụ tấn công Ban Mê Thuột: Chúng tôi biết chuyện ấy sẽ xảy ra. Tuy không
biết đích xác lúc nào, và lực lượng Cộng sản có bao nhiêu, nhưng chúng
tôi biết chuyện ấy sẽ đến. Đại tá Trịnh Tiếu, sĩ quan tình báo của tôi –
hiện đang ở trong trại cải tạo tại Việt Nam – lúc ấy đã thảo luận với
tôi về sự kiện một sư đoàn Bắc Việt có mặt tại vùng cao nguyên đang di
chuyển. Chúng sẽ tấn công một địa điểm nào đó. Nhưng khi báo cáo tướng
Phú, ông cho rằng chúng sẽ tấn công Kontum hay Pleiku. Ông đã tập trung
quân lực để phòng vệ những vùng này. Ông Tất, Chỉ huy Biệt Động quân
Vùng II, bạn đồng khoá với tôi, hiện cũng đang ở trại cải tạo tại Việt
Nam, là người trách nhiệm phòng thủ Kontum và Pleiku. Kontum rất dễ tấn
công. Còn Pleiku là căn cứ Bộ Tư lệnh Quân đoàn. Tấn công những địa điểm
này sẽ là một chiến dịch tuyên truyền chính trị thuận lợi cho địch
quân. Tuy nhiên sĩ quan tình báo của tôi và cá nhân tôi hoài nghi giả
thuyết này. Nếu địch muốn tuyên truyền, họ sẽ tấn công vào các toà hành
chánh tỉnh. Nếu đánh Pleiku, họ không thể tấn công toà tỉnh. Và nếu họ
tấn công chúng tôi, là sẽ có ngay các lực lượng tăng cường đến từ
Sàigòn. Vì thế chúng tôi đặt Ban Mê Thuột lên đầu bảng liệt kê các mục
tiêu mà Cộng quân có thể tấn công tại vùng II.
Nhưng
khi tướng Phú quan sát Ban Mê Thuột, ông vẫn cho rằng Ban Mê Thuột có
thể giữ được nếu bị tấn công. Ông tin địch quân không thể vào tỉnh. Phần
tôi, không thấy có đặc công ở đấy. Còn chiến xa Bắc Việt, đối với chúng
tôi không quá quan trọng, vì lẽ chúng tôi có không quân, Bắc Việt thì
không.
Cuối
cùng khi Cộng sản tấn công Ban Mê Thuột, ai nấy hoảng hốt. Khi chúng
tấn công vào, tướng Phú đang ở Nha Trang. Vì thế tôi quyết định dàn quân
lên Ban Mê Thuột. Tại đấy chúng tôi đã có Trung đoàn 53, và chúng tôi
cho Biệt động quân tăng cường.
Trong
một cuộc không kích của phi cơ chúng tôi, chẳng may đụng lầm Bộ chỉ huy
tiền phương Sư đoàn 23, phá tan tất cả hệ thống truyền tin. Khi phải
tái phối trí trận truyến, chúng tôi chiếm được một nửa thành phố. Vì Bắc
quân quá mạnh trong thành phố, chúng tôi tiến chiếm thành phố một cách
chậm chạp. Chúng tôi sợ bị mai phục. Rồi chính lúc ấy Sư đoàn Trưởng Sư
đoàn 23 đã cho lính giữ an ninh để trực thăng đáp xuống bốc vợ ông và
gia đình ông. Thật sỉ nhục. Trách nhiệm ông là chỉ huy chiến dịch tái
chiếm Ban Mê Thuột, nhưng chỉ vì lo lắng cho sự an nguy của vợ mà ông đã
đặt bãi đáp, ra lệnh cho binh sĩ tấn công phải quay lại bảo vệ vùng này
trước! Quân Bấc Việt đã quan sát được. Khi ông ta làm thế thì Bắc quân
khép chặt thành phố. Ông đã cho địch quá nhiều thời gian. Ông cho chúng
một cơ hội tốt, rồi sau đó ông đã tiến quân rất chậm!
Đó
là một lỗi lầm đáng trừng phạt. Ông đã bất tuân thượng lệnh. Nhưng ai
sẽ là người quyết định về ông ta? Tướng Phú, hay Đại tướng Cao Văn Viên,
Tổng Tham mưu Trưởng liên quân? Sau này tôi đối diện với ông ta. Ông
bảo trực thăng của ông bị bắn tỉa, ông bị thương. Ông giải thích tất cả
binh sĩ đã ra khỏi trực thăng đi lo cho gia đình riêng của họ. Ông không
thể kiểm soát họ được. Chúng tôi là bạn lâu năm, tôi bèn nói: “Tướng
Tường, ông là Tư lệnh Sư đoàn, tại sao ông không bắn chúng nó?”. Ông ta
không trả lời.
Phần
Tướng Phú thì bay trở lại Pleiku quan sát tình hình. Lúc ông ở trong
trung tâm hành quân với tôi thì nhận được một cú điện thoại từ Sàigòn do
Tổng thống Thiệu gọi. Ông Thiệu bảo muốn gặp tướng Phú ngày hôm sau,
tức là 14 tháng 3/1975 tại Cam Ranh. Tôi bèn chuẩn bị các đồ biểu thuyết
trình, các bản báo cáo tình hình cho buổi họp. Chúng tôi nghĩ Tổng
thống Thiệu muốn biết diễn tiến các cuộc hành quân ra sao. Sáng hôm sau,
ông Phú bay xuống Cam Ranh gặp ông Thiệu.
Sau
khi gặp tổng thống, đêm ấy ông Phú trở về triệu tập một buổi họp tại
Pleiku. Hiện diện trong buổi họp gồm có: Tướng Phú, tướng Cẩm, tướng
Phạm Ngọc Sang Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân, ông Tất và tôi. Vừa bước
vào phòng họp, điều đầu tiên ông Phú nói là ông đã được ông Thiệu chấp
thuận thăng chức cho ông Tất. Ông gắn sao cho ông Tất. Chúng tôi vỗ tay.
Xong, ông loan báo: “Chúng ta sẽ triệt thoái khỏi Pleiku và Kontum!”
Nghe ông nói như vậy, tôi mở mắt thật lớn. Tôi nghĩ có lẽ mình nghe không rõ. Nhưng ông giải thích: Chúng ta rút lui chiến thuật để tái phối trí chiếm lại Ban Mê Thuột.
Ông Cẩm, ông Sang, ông Tất và tôi đều ngồi sững. Chúng tôi véo nhau.
Tôi tự nghĩ: “Cần phải hỏi xem chúng tôi sẽ triệt thoái cách nào.”
Tôi lên tiếng hỏi. Ông Phú đáp: “Quý ông sẽ sử dụng đường 7B.”
Phản ứng tức khắc của tôi là bảo: “Thưa Thiếu tướng, không thể được!”
Ông Phú bảo: “Tổng thống đã quyết định. Chúng ta không có sự lựa chọn, bởi vì chúng ta cần đạt yếu tố bất ngờ với địch quân.”
Tôi bảo: “Thưa
Thiếu tướng, tôi sống khá lâu ở đây. Tôi biết rất rõ vùng này. Đường 7B
đã bỏ phế từ lâu. Lực lượng Đặc biệt Mỹ, Lực lượng Đặc biệt Việt Nam,
và cả địch quân đều đã hành quân trong khu vực ấy. Họ đã gài mìn khắp
nơi. Nếu phải triệt thoái với các quân cụ quân dụng nặng nề, trước tiên
phải khai quang mìn trên đường, nay ai còn có thể biết mìn đặt chỗ nào?
Rồi lại phải sửa đường, làm gì có thời gian sửa chữa? Ngoài ra khi chúng
ta quyết định triệt thoái là mọi người sẽ biết, chẳng còn gì bất ngờ
nữa! Xin đề nghị Thiếu tướng nếu phải triệt thoái, hãy sử dụng quốc lộ
số 19 mà đi thẳng. Sẽ phải chấp nhận một số tổn thất, nhưng như thế
chúng ta mới có thể qua được.”
Tướng Phú bảo: “Không.
Tất cả quyết định rồi! Quý ông không lựa chọn gì nữa. Sáng mai tôi bay
đi Nha Trang. Quý ông sẽ có ba ngày để lo triệt thoái!”
Tôi bảo: “Thưa
Thiếu tướng, làm sao được? Chúng ta có bao nhiêu binh sĩ, bao nhiêu là
đồ tiếp liệu và quân cụ. Phải ít nhất ba tuần lễ chúng tôi mới hoạch
định nổi.”
Ông ấy bảo: “Tất cả những điều ấy cũng đã quyết định xong.”
Tướng Cẩm và tôi bèn hỏi thế còn Địa phương quân, Nghĩa quân, các nhân viên hành chánh xã, tỉnh và dân chúng thì sao?Tướng Phú nói: “Quý ông đừng phải lo gì cho họ cả. Quên đi!”
Tôi
hỏi ông ấy đã nói chuyện với người Mỹ, các nhân viên Trung ương Tình
báo và văn phòng Tùy viên Quân sự của Hoa Kỳ trong vùng chưa? Và tôi
không bao giờ quên điều này: Ông nhìn thẳng vào tôi mà bảo “Hãy quên bọn Mỹ đi. Đừng nói với gì với người Mỹ cả.” Đó
là đích xác những lời ông ấy nói. Tôi rất xấu hổ mà kể cho quý vị nghe
sự thực đã xảy ra ở Pleiku như vậy. Tôi không tin nổi chuyện ấy. Tướng
Phú đã dự định bỏ rơi cả những người Mỹ, không báo động cho họ biết về
cuộc rút quân này.
Lệnh
thực ra là từ Tổng thống Thiệu. Tất cả những gì tướng Phú nói với tôi,
ông bảo đều do ông Thiệu nói. Trong năm người tham dự buổi họp, giờ đây
chỉ còn lại một mình tôi để kể câu chuyện này tại Mỹ. Ông Phú tự sát.
Ông Sang, ông Cẩm, ông Tất giờ đây đều bị giam tại các trại cải tạo ở
Việt Nam. Còn lại tôi là người độc nhất để kể câu chuyện này cho quý vị.
Ông Phú nói ông phải làm như vậy vì ông tuân hành lệnh. “Quý vị khỏi lo lắng gì chuyện này,” ông nói. Ông có vẻ rất bối rối khi nói và hiện rõ vẻ bất đồng ý kiến với lệnh trên.
Tôi
được chỉ định làm sĩ quan chỉ huy triệt thoái. Ông Tất phụ trách các
lực lượng chiến thuật, toàn bộ hệ thống truyền tin và tiếp vận. Tôi tự
bảo “Trời! khổ cho tôi.”
Tám
giờ sáng hôm sau, tướng Phú ra đi. Ông dùng máy bay, bay đi. Còn lại
mình tôi lo liệu. Một lát sau, từ Sàigòn tướng Đồng Văn Khuyên, Tham mưu
Trưởng liên quân điện thoại, hỏi: “Tướng Phú đâu?” Tôi bật cười vì sự thể quá lố bịch. Tôi tự hỏi“Nói gì bây giờ? Nên nói thực hay nên chống chế cho ông Phú đây?”
Tôi bèn bảo: “Tôi không được rõ. Hiện tôi không có liên lạc gì với Tướng Phú cả.” Trung tướng Khuyên tiếp tục gọi nhiều lần nữa. Cuối cùng tôi đành bảo: “Vâng, xin Trung tướng cứ gọi Nha Trang để nói chuyện, ông ấy hiện ở đấy.” Tướng Khuyên hỏi:“Tại sao ông ấy lại ở Nha Trang.” Tôi bảo: “Thưa,
tôi không được rõ. Trung tướng cứ hỏi thẳng ông ấy. Tôi hiện đang trách
nhiệm điều động công tác ở đây, còn Tướng Phú đang ở Bộ Tư lệnh mới,
đặt tại Nha Trang.”
Nhiều
Tiểu đoàn Trưởng các binh chủng, nào Thiết giáp, Pháo binh, Quân vận
đều đến gặp tôi, họ kêu ầm lên: “Tại sao lại rút? Chúng tôi đánh được,
tại sao lại rút? Có việc gì xảy ra vậy?” Tôi chỉ còn có thể trả lời:
“Tôi đồng ý với các bạn. Nhưng đây là lệnh Tổng thống và Tổng Tham mưu.
Là quân nhân chuyên nghiệp, chúng ta làm gì được bây giờ? Bất tuân lệnh
hay sao? Tất nhiên là không. Tôi biết là sai, nhưng đây là lệnh. Chúng
ta muốn khởi loạn hay sao?”
Lúc
ấy tôi tin thượng cấp đã có một kế hoạch mật mà chúng tôi không được
rõ. Họ không thể ngu xuẩn đến như thế. Có lẽ đã có một sách lược mà vì
không ở cấp chỉ huy tối cao, nên chúng tôi không được biết. Tướng Cẩm và
tôi bàn bạc về cuộc rút quân điên rồ này. Chúng tôi ngồi cười. Ông Cẩm
bảo: “Tôi cá với ông: đã có thỏa thuận rồi, mình khỏi đánh giặc nữa. Tôi
cá là chiến tranh đã xong!” Tôi bảo: “Tôi ngờ lắm.” Nhưng ông ta nói:
“Tôi suy đoán như vậy vì ở đây dẫu xảy ra bất cứ một cuộc tấn công nào,
chúng ta cũng có thể đương đầu ít nhất ba tháng. Cho nên tôi cá với ông
là đã có thỏa thuận, lần này mình có hoà bình thực sự. Tôi không rõ,
nhưng tôi cũng cảm thấy như vậy.”
Tướng
Cẩm cũng dùng máy bay, bay đi. Chỉ còn ông Tất và tôi trong Bộ Tư lệnh.
Tôi tự nhủ người Mỹ đã là đồng minh chúng tôi trong bao năm trời. Diễn
tiến này rất trọng hệ, mà họ lại không được biết gì. Tại sao chúng tôi
không cho họ hay? Đó là lý do tại sao tôi đã gọi cho họ, bảo họ chúng
tôi sắp triệt thoái. Họ hoàn toàn không hay biết gì.
Tôi
báo cho các nhân viên Trung ương Tinh báo và Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ trong
vùng là chúng tôi sắp rút quân. Họ không tin nổi khi tôi nói với họ như
thế. Họ liên lạc Sàigòn, kiểm chứng, rồi tìm ra đó chính là sự thật. Nhờ
vậy, họ đi thoát bằng máy bay, nên tôi đã được coi là có công trạng với
Trung ương Tình báo Hoa Kỳ tại Sàigòn, tên tôi được lên đầu danh sách
những người sẽ được giúp đỡ nếu Sàigòn sụp đổ.
Cuộc
triệt thoái khởi đầu tiến triển tốt. Vào giây phút cuối, trực thăng của
tôi bị hỏng máy, nên tôi đã đi cùng với đoàn xe ra khỏi Pleiku. Triệt
thoái luôn luôn là một chiến dịch khó khăn, đòi hỏi nhiều tính toán cẩn
thận, tỉ mỉ. Tôi chỉ có ba ngày để rút 100,000 người, và tôi không thể
bỏ ai được. Dân chúng sinh sống chung quanh đáng được chúng tôi phải lo
lắng săn sóc cho họ. Và dù tôi không bảo vệ nổi, họ vẫn đi theo. Rồi chỉ
trong một thời gian ngắn, mọi sự bắt đầu ra ngoài khả năng kiểm soát
của tôi. Các Tiểu đoàn trưởng thuộc quyền tôi không thể nào kiểm soát
nổi tất cả mọi người được nữa. Đoàn người tan tành trên đường đến Tuy
Hoà. Với thời hạn ba ngày, chúng tôi không thể đủ thì giờ làm được gì.
Với thời hạn ngắn ngủi như thế, người ta chỉ còn có thể quyết định: Ai
đi trước, ai đi sau, ai đi kế tiếp, thế thôi.
Bây
giờ, hàng đêm tôi tưởng như tôi vẫn còn nhìn thấy cả đoàn xe ấy trước
mắt. Nào chiến xa, thiết vận xa, xe vận tải nối đuôi nhau, biết bao binh
sĩ với gia đình thân quyến vây quanh. Những cụ già ngồi lắc lẻo trên
mui xe, những bà mẹ, những trẻ thơ ngủ trong lòng mẹ, nằm duỗi trên tay
mẹ. Đôi lúc vài người xấu số chẳng may ngã xuống trong lúc đoàn xe tiếp
tục chạy. Họ kêu la thảm thiết, thân hình bị nghiền nát dưới bánh xe.
Tôi đã nghe những tiếng kêu la ấy. Tôi đã thấy một chiếc xe vận tải sức
chở chỉ có nửa tấn đã nhồi nhét đầy người nên bị lật, những con người bị
xe đè xuống nát xương. Tôi đã nghe tiếng xương gẫy. Tôi bất lực chẳng
giúp gì được họ. Tôi đã thấy những con người bỏ xác bên đường. Thực là
một cơn ác mộng kinh hoàng.
Đến
phía tây thị xã Cheo Reo, đoàn xe bị oanh tạc nhầm bởi chính không quân
chúng tôi, vô số người thiệt mạng. Tôi vừa vào được căn cứ Cheo Reo thì
quân Bắc Việt đã kéo đến vây quanh. Chúng rót trái phá vào. Chỉ còn mỗi
một máy truyền tin để gọi Nha Trang trong lúc tôi nằm dưới cơn mưa
pháo.
Đơn
vị truyền tin của tôi cố liên lạc với tướng Phú ở Nha Trang, thì ông
Phú lại đang đi loanh quanh đâu đó. Tôi sử dụng Anh ngữ nói trên máy
truyền tin với sĩ quan của tôi, vì lúc ấy địch quân chỉ còn cách căn cứ
chúng tôi có khoảng một cây số. Tôi bảo anh ta: “Trình với Thiếu tướng
là tình hình ở đây nguy kịch lắm. Hiểu tôi muốn nói gì khi tôi bảo tình
hình nguy kịch chứ? Thế thôi! Không thì giờ nói nhiều. Tôi sẽ cố sức.
Địch xiết chặt rồi.” Tướng Phú hiểu. Và hai mươi phút sau ông gọi tôi
trên máy truyền tin, báo động cho tôi biết một lực lượng địch tại Phú
Bổn đang khép chặt vòng vây. Ông Tất cùng với binh sĩ đang ở cách tôi ba
cây số. Không quân được lệnh mang tôi ra bằng trực thăng. Thiết giáp
được lệnh mở đường bất kể thiệt hại, và ông Tất sẽ đưa quân hỗ trợ.
Ông
Phú gửi hai trực thăng đến, để đưa chúng tôi ra Nha Trang. Hỏa lực địch
bắn lên dữ dội khi trực thăng hạ cánh. Chiếc trực thăng chở tôi tính ra
tổng cộng chở đúng hai mươi bảy người, trong khi chỉ được chế tạo để
chở mỗi lần bảy người. Chiếc kia gồm mười chín người. Rồi cũng cất cánh
lên được, bay thoát về Tuy Hoà. Chúng tôi rất may mắn đã thoát. Trong
lúc ấy tướng Phú vẫn ở Nha Trang.
Sáng
hôm sau, tướng Phú điện thoại ra lệnh gọi tôi vào Nha Trang. Tôi bay
vào, tổ chức lại Ban Tham mưu và ở đấy mười hai ngày. Rồi một lần nữa,
ông Phú lại bỏ tôi cuốn gói đi. Ông dọn sạch nhà cửa, lấy máy bay đưa
toàn gia đình đi, không hề nói với tôi một lời. Một hôm, viên Đại úy đến
văn phòng tôi gõ cửa nói: “Đại tá, chỉ còn có Đại tá và tôi ở đây!
Chẳng còn ai nữa cả!” Tôi bảo “Anh nói gì thế?” Lúc ấy vào buổi trưa,
tôi vẫn đang cắm cúi làm kế hoạch tái phối trí binh sĩ. Tôi rất mệt,
đang muốn ngả lưng. Nghe nói thế tôi bèn ra khỏi văn phòng, xuống thang
gác. Hai nhân viên của tôi đang làm việc, họ báo cáo cho tôi là tướng
Phú đã đi mất. Tôi lại nhà tướng Phú, không một ai. Nhà cửa trống rỗng.
Tôi hỏi một Thiếu tá Tiểu đoàn Trưởng đang ở đấy là tướng Phú đâu rồi?
Anh ta đáp: “Chẳng hiểu chuyện gì. Hiện nhà này không có ai cả, nhưng
binh sĩ của tôi vẫn phải giữ an ninh căn nhà. Tôi không biết làm gì đây
nữa.”
Tôi
tập hợp sĩ quan, binh sĩ vào năm cái xe jeep. Làm gì được bây giờ? Ai
nấy đều đã bỏ đi. Người ta bảo có người thấy tướng Phú ngoài phi trường.
Chúng tôi lái ra phi trường. Đầu tiên, quân cảnh không chịu cho tôi
vào. Sau, họ mở cổng. Khắp chung quanh tôi là lính không quân, tôi gặp
cả ông tướng không quân cũng đang dáo dác tìm tướng Phú. Ông ta bảo:
“Ông Phú đã đi, rồi ông Lý cũng đi thì tại sao chúng tôi còn ở lại đây.
Đi thôi!” Nhưng lúc ấy tôi nào có đi đâu. Tôi chỉ đi tìm người chỉ huy
của tôi thôi!
Rồi
tôi nhận điện thoại của đại tướng Cao Văn Viên tại phi trường. Ông bảo:
“Tướng Phú đâu?” Tôi nói “Tôi không được rõ, chính tôi cũng đang tìm
ông ấy!” Ông nói: “Vậy anh cứ ở lại phi trường để kiếm ông ấy cho tôi.”
Tôi bảo: “Vâng, tôi sẽ ở đây.”
Chúng
tôi đợi chờ trông ngóng mãi vẫn chẳng thấy tướng Phú đâu. Sau bảy ngày
không ăn không ngủ, tôi qụy xuống vì suy nhược. Lính và các sĩ quan của
tôi bèn đẩy tôi vào một chiếc máy bay trong khi các toán lính khác rút
đi. Chiếc máy bay thay vì đi Phan Rang để thiết lập bộ chỉ huy ở đấy, đã
bay thẳng về Sàigòn. Khi tôi tới Sàigòn thì tướng Phú đã ở đấy rồi. Tôi
về nhà. Hôm sau đi tiểu ra máu, sức khoẻ sa sút. Tôi đi khám bệnh. Bác
sĩ cho thuốc, bắt tôi nghỉ ngơi, nhưng tôi vẫn đi làm.
Một
lần nữa tôi cố liên lạc tướng Phú để xem phải làm gì. Câu đầu tiên ông
ấy bảo tôi là: “Lý ơi, chúng ta bị phản bội rồi.” Tôi hỏi: “Bởi ai vậy?”
Ông ta nói: “Bởi Thiệu. Thiệu đã cho chúng ta vào bẫy. Ông ta đã đẩy
mọi chuyện cho chúng ta. Ông ta bảo tất cả là lỗi chúng ta. Chính ông ấy
ra lệnh cho chúng ta rút quân, bây giờ ông ấy lại tuyên bố mọi sự đều
do lỗi chúng ta cả!” Ông Phú muốn chuẩn bị một tờ trình để chứng minh
chúng tôi chẳng có tội lỗi gì, để giải thích rõ chúng tôi đã điều khiển
các chiến dịch ấy như thế nào, tại sao chúng tôi không lấy lại Ban Mê
Thuột, tại sao chúng tôi triệt thoái. Vì thế tôi sửa soạn một tờ trình
dầy cộm cho tướng Phú.
Tôi
đến thăm tướng Phú và tướng Trưởng, Tư lệnh vùng 1, bấy giờ đang ở
trong bịnh viện. Tướng Trưởng ôm lấy tôi mà khóc. Ông bảo: “Lý ơi, chúng
ta mất hết fôi!” Tướng Trưởng yêu đất nước, yêu đồng đội và yêu Quân
đoàn I của ông. Nhưng bây giờ, tất cả không còn gì nữa.
Khi
gặp lại tướng Phú, tôi thấy ông đang giận dữ. Đây là lần đầu tiên tôi
chứng kiến ông giận dữ tổng thống. Sau khi trao cho ông tập báo cáo tôi
đã soạn xong, ông ký tên, tôi đi gặp tướng Khuyên để đưa tờ trình này
cho ông Thiệu và ông Cao Văn Viên. Nhưng sau đó, không bao giờ tôi nghe
nói gì về tờ trình này nữa.
Tôi
hỏi tướng Khuyên: “Chúng ta phải làm gì bây giờ. Chúng ta đã mất tất cả
chưa?”. Ông nói: “Không. Chúng ta sẽ tập trung lại, vạch lại ranh giới,
ông sẽ nắm lại Quân đoàn II.”
Nhưng
tôi tự nghĩ ông tướng này không nói hết sự thật. Bây giờ chúng tôi
không còn có thể làm như vậy được nữa. Nếu ông ấy bảo thế từ lúc tôi còn
ở Pleiku, thì còn có thể được. Bây giờ tôi chỉ huy được ai. Lính thì
không, địch đầy rẫy, chỗ nào cũng có địch quân.
Tướng
Khuyên hỏi: “Nếu ông ở địa vị tôi, ông sẽ làm gì?” Câu hỏi đột ngột làm
tôi chấn động, vì tôi nhận ra rằng tôi không còn có thể nghĩ được bất
cứ giải pháp khả thi nào để giải quyết vấn đề của chúng tôi lúc này nữa.
Khi
vê nhà, vợ tôi và tôi nghe tiếng phi cơ liên tục cất cánh mỗi đêm.
Chúng tôi biết văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ đang di tản người ra
khỏi xứ. Tin tức đưa đến chúng tôi mỗi ngày do đó chúng tôi đều biết
những ai đã ra đi. Tôi đến gặp một người bạn là Tư lệnh Sư đoàn 2(?) Ông
ta và tôi vẫn cố gắng thu thập lại lính tráng để tái tổ chức Sư đoàn 22
và Sư đoàn 23.(?) ()
Nhưng bỗng lúc ấy, chúng tôi lại nhận được những tin tức toàn là tin tổn thất. Tôi đi gặp tướng Hiếu một cấp chỉ huy cũ của tôi và là một tướng lãnh hết sức lương thiện trong quân đội.
Tôi
hỏi tướng Hiếu tình hình Quân khu III ra sao. Ông trả lời: “Chúng ta
phải tái tổ chức và nỗ lực mà chặn những cuộc tiến công chiến xa của
địch quân”. Vài ngày sau, ông bị giết.
Tôi
đi ra đi vào từ Vũng Tàu đến Sàigòn nhiều lần, cuối cùng liên lạc được
một số bạn hữu của tôi bên tòa Đại sứ Mỹ. Họ điện thoại bảo tên tôi đã
có trên danh sách những người ra đi. Tôi đến tòa Đại sứ Mỹ, vào bằng
cổng hậu vì người ta quá đông, họ đã để cho tôi vào. Tôi gặp tướng
Charles Timmes, một bạn rất tốt của tôi. Ông bảo ông đã nhận được lệnh
Hoa Thịnh Đốn đưa Cao Văn Viên đi, tên tôi được sắp kế tên ông Cao Văn
Viên, vì tôi đã cứu được nhiều người Mỹ trên cao nguyên.
Do
đó tôi đưa gia đình trực hệ, gồm vợ và các con đến đợi ở điểm hẹn, rồi
được đón vào Tân Sơn Nhứt bằng xe buýt tòa Đại sứ. Chúng tôi chờ ở phi
trường cho đến hôm sau.
Chúng tôi rời Việt Nam bằng chiếc máy bay C-130, bay đến trại tỵ nạn ở Guam. Đó là ngày 25 tháng Tư.
Khi
rời đi, tôi biết tất cả đã mất. Trước kia tôi nghĩ có thể Cộng sản và
Mỹ có thỏa thuận, nhưng điều ấy sai. Chúng tôi nghe nói người Mỹ đã bán
đứng chúng tôi để kiếm những đồng minh khác.
Tôi
nghĩ khi Kissinger đi Trung Quốc bắt tay với Mao Trạch Đông, đấy đã là
chung cuộc của Việt Nam. Tôi biết sau đó Việt Nam chẳng còn hy vọng gì.
Sau khi người Mỹ đi Bắc Kinh bắt tay với Trung Cộng, họ không cần Việt
Nam nữa.
Đối
với tôi, đấy là chuyện người ta đã bán đứng chúng tôi. Chúng tôi chẳng
có gì để nói về chuyện ấy cả. Tôi nghĩ đáng lẽ Tổng thống Thiệu phải
thấy được điều này mà chuẩn bị từ trước. Nhưng ông đã không thấy, do đó
đối với tôi, Thiệu không phải là một lãnh tụ giỏi.
Bây
giờ đây quý ông thử nghĩ: Nếu quý ông là người Việt Nam và quý ông yêu
quê hương xứ sở mình, tất nhiên sẽ phải hỏi tại sao người Mỹ hành xử như
thế? Đây chính là câu hỏi mà tôi đặt ra cho người Mỹ: Tại sao người Mỹ
đã đối xử với bạn hữu của mình như thế?
Nhiều người bảo chúng tôi đã bị bán đứng. Tôi đành phải buồn bã mà đồng ý đúng là như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét