13 tháng 3, 2018

Tình Báo Trong Chiến Tranh Việt Nam - Lâm Vĩnh Thế

pham ngoc thao
Phạm Ngọc Thảo (cầm micrô), tháng 2/1965. Ảnh: Tạp chí Life.
Lâm Vĩnh Thế
Tôn Tử (544-496 Trước Công Nguyên), binh gia nổi tiếng của Trung Hoa, đã dành hẳn một chương trong cuốn Binh pháp nổi tiếng của ông, Thiên thứ 13, để bàn về vấn đề tình báo trong quân sự, cụ thể là tầm quan trọng của việc sử dụng gián điệp trong chiến tranh. Hơn 2500 năm sau khi ông mất, những gì ông viết trong Thiên thứ 13 đó vẫn còn nguyên giá trị của nó. Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào trong thời cận và hiện đại, từ các Thế Chiến I và II cho đến các cuộc chiến tranh địa phương, cục bộ và giới hạn, tình báo đều đóng một vai trò quan trọng. Chiến tranh Việt Nam cũng không đi ra ngoài quy luật này. Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Ðồng Minh Hoa Kỳ cũng như phe Cộng sản đều sử dụng tình báo đến mức độ tinh vi. Bài viết này được thực hiện nhằm giúp bạn đọc có một cái nhìn tổng quát về hệ thống tình báo của cả hai phe lâm chiến, và một cái nhìn chi tiết hơn trong một vài trận đánh quan trọng của cuộc chiến.
Mục Tiêu và Chức Năng của Công Tác Tình Báo
Mục tiêu của công tác tình báo là cung cấp cho các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm về chính trị và quân sự những thông tin cần thiết về mọi khía cạnh, đặc biệt là về ý đồ, của phe địch để họ có thể kịp thời đối phó và chiến thắng đối phương. Do đó, chức năng chính yếu của công tác tình báo bao gồm 3 lãnh vực chính sau đây:
• Thu thập tin tức về địch
• Phân tích / tổng hợp và đánh giá tin tức về địch
• Khai thác tin tức: suy đoán ý đồ của địch và tiên đoán hành động của địch
Ngoài chức năng chính yếu vừa kể, công tác tình báo cũng bao gồm luôn cả các lãnh vực phản gián sau đây:
• bảo vệ an ninh, đề phòng sự xâm nhập của địch vào trong hệ thống của mình
• ngụy tạo tin tức để che dấu ý đồ và đánh lừa địch
Trong lãnh vực thu thập tin tức, có rất nhiều phương thức khác nhau, trực tiếp cũng có mà gián tiếp cũng có, nhưng nói chung, hai phương thức chính là:
• qua con người (thí dụ: các điệp viên), tức là tình báo nhân sự (tiếng Anh gọi là Human Intelligence hay HUMINT)
• qua máy móc, theo dõi các tin tức của địch, tức là tình báo tín hiệu (tiếng Anh gọi là Signal Intelligence hay SIGINT) 
HUMINT bao gồm công tác thu thập tin tức từ rất nhiều nguồn tin (loại người) khác nhau, nhưng quan trọng nhứt là những tin tức do điệp viên của phe ta cung cấp bằng nhiều cách thức khác nhau, cũng như tin tức thu thập được qua thẩm vấn các tù hàng binh, các cá nhân hoạt động cho địch bị bắt hay các điệp viên của địch đã về hàng.
SIGINT bao gồm tất cả các hình thức theo dõi, chặn bắt tín hiệu truyền thông và điện tử giữa người và người, cũng như giữa máy và máy, trong đó có rất nhiều trường hợp phải giải mã vì các thông điệp đã được đối phương ngụy trang bằng mã số trước khi truyền đi. 
Do đòi hỏi của các công tác chuyên môn phức tạp vừa kể trên, các hệ thống tình báo luôn luôn phải có các trung tâm huấn luyện để đào tạo nhân viên, các trung tâm thẩm vấn để khai thác tin tức từ các người của phe địch, và phải có đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để theo dõi và chặn bắt tín hiệu truyền thông và điện tử của phe địch. 
Hệ Thống Tình Báo của VNCH 
Những thông tin trình bày dưới đây phần lớn tập trung trong khung thời gian của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa, tức là trong thời gian cuộc chiến đã leo thang với sự tham gia của quân đội Mỹ. Trong thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, hệ thống tình báo của VNCH còn rất thô sơ, gần như chỉ là một bộ máy mật vụ với nhiệm vụ chính yếu là bảo vệ chế độ mà thôi. Cho đến cuối năm 1960, VNCH chỉ có 2 cơ quan sau đây:
• Sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội: thành lập năm 1956, trực thuộc Phủ Tổng Thống, do Bác sĩ Trần Kim Tuyến chỉ huy, có nhiệm vụ chính là công tác tình báo và bảo vệ chế độ. Họạt động của Sở bên ngoài lãnh thổ VNCH rất giới hạn, chủ yếu chỉ có tại Cao Miên.1 Sở này bị giải thể năm 1962, sau vụ ném bom Dinh Ðộc Lập của 2 phi công Không Lực VNCH là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc.
• Ðoàn Công Tác Ðặc Biệt Miền Trung: thành lập năm 1957, do Dương Văn Hiếu chỉ huy, có nhiệm vụ chính là công tác tình báo, phản gián, nhằm phá vỡ các tổ chức nội tuyến của Bắc Việt tại Miền Nam. Ðoàn này bị giải tán sau vụ đảo chánh ngày 1-11-1963 lật đổ chế độ Ngô Ðình Diệm.2 
Hệ thống tình báo của VNCH khá phức tạp, bao gồm một số cơ quan và đơn vị, với chức năng về an ninh và tình báo chồng chéo lên nhau, trong đó quan trọng nhứt là Khối Cảnh Sát Ðặc Biệt (thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia), Nha An Ninh Quân Ðội, Tổng Nha An Ninh Hành Chánh, Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo, Phòng 2 và Phòng 7 Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. 
Khối Cảnh Sát Ðặc Biệt (CSÐB)
Sắc Lệnh số 17A/TT/SL do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ký ngày 1-3-1971 cải tổ ngành cảnh sát công an, biến Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia (CSQG) thuộc Bộ Nội Vụ, thành Bộ Tư Lệnh CSQG trực thuộc Phủ Thủ Tướng.3 Khối CSÐB là một bộ phận quan trọng của Bộ Tư Lệnh CSQG, dưới quyền chỉ huy của 1 vị Trưởng Khối, Phụ Tá Tư Lệnh CSQG, Ðại Tá Huỳnh Thới Tây, về sau, ngày 1-2-1975, thăng cấp Chuẩn Tướng.
Nhiệm vụ của Khối CSÐB thuộc về 2 lãnh vực Tình Báo và Phản Tình Báo:
• Tình Báo: thu thập tin tức về phe Cộng sản và những tổ chức ngoại vi của Cộng sản thông qua 3 bộ phận là Tình Báo Diện Ðịa, Tình Báo Xâm Nhập, và Kế Hoạch Phượng Hoàng
• Phản Tình Báo: cài người vào các đoàn thể chính trị, tôn giáo, nghiệp đoàn, thanh niên, sinh viên, vv. để phát hiện các phần tử Cộng sản trà trộn vào các đoàn thể này.
Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ vừa kể trên, Khối CSÐB đã được quy định với một hệ thống tổ chức có quy mô toàn quốc như sau:
• Tại trung ương, đứng đầu là 1 vị Trưởng Khối được xếp ngang hàng với một Tổng Giám Ðốc, bên dưới gồm một số Nha do các vị Giám Ðốc chỉ huy; đó là các Nha Tình Báo, Nha Phản Tình Báo, Nha Ðiều Hành Công Tác, và Nha Yểm Trợ; dưới các Nha có các Sở (do Chánh Sở chỉ huy), Phòng (do Chủ sự chỉ huy), và Ban (do Trưởng Ban chỉ huy) đảm trách các công tác chuyên môn khác nhau
• Tại địa phương có các cấp:
   – Cấp Ðô Thành và các Khu: do một Giám Ðốc chỉ huy, với 4 Sở (Nghiên Cứu, Huấn Luyện, Công Tác và Yểm Trợ), bên đưới có các Phòng, Ban chuyên môn
   – Cấp Tỉnh và Thị Xã: do một Trưởng F chỉ huy, được xếp ngang hàng với một Chánh Sở, bên dưới có các Trưởng G điều khiển 4 Phòng (Nghiên Cứu, Công Tác, Yểm Trợ, và Thẩm Vấn)
   – Cấp Quận: do một Trưởng G chỉ huy, được xếp ngang hàng một Chủ Sự, bên dưới có các Trưởng Ban điều khiển 4 Ban (Nghiên Cứu, Công Tác, Khai Thác, và Văn Thư + Yểm Trợ) 5
Nha An Ninh Quân Ðội
Tên của cơ quan an ninh này được giữ như thế suốt thời Ðệ Nhất Cộng Hòa cho đến ngày 19-6-1965 thì đổi thành Cục An Ninh Quân Ðội, trực thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị.6 Nhiệm vụ chính yếu của Cục thuộc lãnh vực phản gián, nhằm chống lại sự xâm nhập của địch vào hàng ngũ quân nhân QLVNCH. 
Tại trung ương, Cục gồm có 5 Khối: Hành Chánh, Huấn Luyện, An Ninh, Phản Gián, và Tiếp Vận.
Tại địa phương, Cục có các đơn vị (Phòng, Ban) theo từng cấp:
• Khu: Thủ đô và tất cả 4 Vùng Chiến Thuật
• Tiểu Khu: tất cả các Tỉnh và Thị Xã
• Chi Khu: tất cả các Quận 
Ngoài nhiệm vụ chính là phản gián như vừa kể trên, Cục còn được giao một số nhiệm vụ khác về an ninh như:
• Nhận xét, cho ý kiến về các bổ nhiệm, thăng cấp trong QLVNCH
• Cấp thông hành về an ninh (security clearances) cho quân nhân và công chức
• Duyệt xét và chấp thuận cho các đơn xin xuất ngoại du học hay tu nghiệp của các quân nhân và công chức
Cục An Ninh Quân Ðội có một đội ngũ nhân sự gồm tất cả 4328 người, trong đó Tổng Hành Dinh tại Sài Gòn có 657 người, Biệt Khu Thủ Ðô có 221 người, mỗi Quân Khu có 50 người, mỗi Tiểu Khu (cấp Tỉnh) có 30 người, mỗi Chi Khu (cấp Quận) có 6 người; ngoài ra mỗi Quân Ðoàn có 20 người, và mỗi Sư Ðoàn có 25 người.7
Cục An Ninh Quân Ðội được quyền bắt giữ và thẩm vấn mọi công dân của VNCH, cả quân nhân lẫn dân sự. 
Tổng Nha An Ninh Hành Chánh
Năm 1971, sau vụ gián điệp Việt cộng Huỳnh Văn Trọng, một cơ quan an ninh tình báo cho phía dân sự, giống như Cục An Ninh Quân Ðội dành cho bên quân sự, được thành lập và mang tên là Tổng Nha An Ninh Hành Chánh.8 Tổng Nha này hình thành do quyết định nâng Nha An Ninh Hành Chánh của Bộ Nội Vụ lên thành Tổng Nha An Ninh Hành Chánh, đặt trực thuộc Phủ Thủ Tướng, với vị Tổng Giám Ðốc đầu tiên là Ðại Tá Nguyễn Văn Tuấn, và gồm có một số Sở. Sở đầu tiên được thành lập là Sở Huấn Luyện với vị Chánh Sở là Thiếu Tá Võ Thành Ðức (từ Khối CSÐB của Bộ Tư Lệnh CSQG đặc phái sang). Sở Huấn Luyện đã tổ chức được một vài khóa huấn luyện tại các Quân Khu cho các vị Phó Quận Trưởng Hành Chánh thuộc các tỉnh trong Quân Khu về các vấn đề An Ninh Cơ Sở, An Ninh Nhân Sự, và An Ninh Tài Liệu.9 Tổng Nha này vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển cơ sở khi Miền Nam thất trận nên chưa lập được nhiều thành tích như Cục An Ninh Quân Ðội. 
Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo
Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo (sau đây sẽ viết tắt là PÐU; tài liệu của Hoa Kỳ khi dịch sang tiếng Anh thường dùng từ Central Intelligence Organization, hay Central Intelligence Office = CIO) được thành lập bởi Sắc Lệnh số 109/TTP do Tổng Thống Ngô Ðình Diệm ký ngày 5-5-1961.10Tuy nhiên PÐU chỉ chính thức hoạt động từ năm 1962 sau khi hoàn tất cơ cấu tổ chức và bắt đầu tuyển dụng nhân viên và huấn luyện.11 Sau cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963, lật đổ chế độ Ngô Ðình Diệm, PÐU trải qua nhiều xáo trộn với 5 vị Ðặc Ủy Trưởng (toàn là quân nhân, 4 tướng lãnh và 1 đại tá) trong 4 năm liền (1963-1967).12 Ngày 7-5-1968, Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Ðặc Ủy Trưởng, bị thương nặng trong một cuộc đụng độ với Việt Cộng (trong đợt 2 của cuộc Tổng Tấn Công Mậu Thân) và được đưa ra nước ngoài trị thương. Tháng 9-1968, Trung Tá Nguyễn Khắc Bình (Bí thư của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu) được cử thay thế và PÐU được đặt trực thuộc Phủ Tổng Thống. Ðặc Ủy Trưởng Nguyễn Khắc Bình về sau thăng lên cấp Ðại Tá tháng 6-1969, thăng Chuẩn Tướng ngày 1-11-1972, và thăng Thiếu Tướng ngày 1-2-1975.13 Chính Ðặc Ủy Trưởng Bình là người đã lên kế hoạch và thực hiện việc cải tổ PÐU.
Sau khi hoàn tất việc cải tổ, PÐU có một cơ cấu tổ chức như sau: 14
SoDo_001.jpg
• Khối Kế Hoạch: bí danh là Ban A, có nhiệm vụ tổng hợp tất cả các tin từ 2 Khối Quốc Nội và Quốc Ngoại; 2 Ban quan trọng của Khối Kế Hoạch là:
– Ban A10: có nhiệm vụ soạn thảo bản tin tình báo hàng ngày để trình lên Tổng Thống vào mỗi buổi sáng 15
– Ban A8: phụ trách các công tác đặc biệt do Ðặc Ủy Trưởng giao phó
• Khối Tình Báo Quốc Ngoại: bí danh là Ban E, Khối này đặc trách công tác tình báo tại một số quốc gia như Lào, Kampuchia, Thái Lan, Nhật, Hong Kong và Pháp.
• Cục Tình Báo Quốc Nội: bí danh là Ban T, Cục này đặc trách công tác phản gián trong nước, với các 3 Phân cục được giao phó các công tác như sau:
   – Phân cục Ðiệp báo: bí danh là Ban K, thu thập tin tức của địch qua các đội công tác tại tất cả các tỉnh và thị xã.
   – Phân cục Phản gián: bí danh là Ban U, với công tác chính là cài người vào hàng ngũ địch và phát hiện những điệp viên của địch cài vào hàng ngũ của ta.
   – Phân cục An ninh Chính trị: bí danh là Ban Z, công tác chính là theo dõi, xâm nhập vào các chính đảng, phong trào, hội đoàn, nghiệp đoàn để phát hiện và phá vỡ các âm mưu xâm nhập của địch.
• Khối Yểm Trợ: bí danh là Ban Y, ngoài các công tác yểm trợ thông thường qua 2 Sở là Sở Nhân Viên và Sở Hành Chánh Tài Chánh, Khối này còn có Sở Kỹ Thuật, với bí danh là Ban M, phụ trách tất cả các công tác kỹ thuật chuyên môn trong ngành tình báo như chụp hình, quay phim, in ấn, truyền tin, nhận tin, giải mã, vv.
• Trung Tâm Huấn Luyện Tình Báo Quốc Gia: bí danh là Ban D, phụ trách huấn luyện nghiệp vụ tình báo cho tất cả nhân viên các cấp của PÐU
• Trung Tâm Quốc Gia Thẩm Vấn: bí danh là Ban Q, với nhiệm vụ chính là thẩm vấn các tù hàng binh và cán binh Cộng sản đã được chiêu hồi.
Từ tháng 11-1971, một ban mới được thành lập trong Khối Kế Hoạch với bí danh là Ban A17 do một Phụ tá Ðặc biệt của Ðặc Ủy Trưởng điều khiển, với nhiệm vụ chính là theo dõi và xâm nhập vào các phong trào và tổ chức thanh niên – học sinh – sinh viên, đặc biệt là Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn, để phá vỡ các âm mưu và hoạt động của các cán bộ và đoàn viên mà Thành Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh đã cài vào các phong trào và tổ chức đó.16
Tổng số nhân viên của PÐU là 1.400 người trong đó nhân viên cao cấp có trình độ tốt nghiệp đại học chiếm đến 60%, được hưởng các quy chế đặc biệt như được hoãn dịch (gốc dân sự) hay được giải ngũ (gốc quân nhân).17 
Tuy được tổ chức rất có quy củ với ngân sách dồi dào và một lực lượng nhân sự có trình độ cao, PÐU đã không hoàn thành tốt trong công tác tình báo chiến lược vì càng ngày càng nghiêng nặng về chính trị và sau cùng trở thành một “cơ quan tình báo của Phủ Tổng Thống”.18 
Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH
Bộ Tổng Tham Mưu (BTTM) QLVNCH là một cơ cấu quân sự khổng lồ của VNCH với nhiệm vụ yểm trợ và điều hợp hoạt động của tất cả các quân binh chủng và các đại đơn vị của QLVNCH qua rất nhiều Nha Sở và Phòng Ban, trong đó Phòng 2 là Phòng giữ nhiệm vụ về tình báo nhân sự (HUMINT), do một sĩ quan cấp Ðại Tá chỉ huy. Vị Trưởng Phòng 2 cuối cùng của BTTM là Ðại Tá Hoàng Ngọc Lung, xuất thân Trường Sĩ Quan Nam Ðịnh, Khóa 1 (năm 1951).19 
Phòng 2 BTTM có cơ cấu tổ chức như sau: 20
SoDo_002.jpg
Tuy không phải là cơ quan tình báo duy nhứt của QLVNCH (vì ngoài Phòng 2 BTTM còn có Phòng 7 BTTM, Cục An Ninh Quân Ðội, các cơ quan tình báo của Hải Quân và Không Quân), Phòng 2 BTTM là bộ phận quan trọng nhất chịu trách nhiệm về quân báo, đặc biệt là tình báo tác chiến (combat intelligence), của QLVNCH, với một hệ thống đơn vị trực thuộc trải rộng khắp các đơn vị từ cấp Quân đoàn xuống đến cấp Tiểu đoàn, và từ cấp Vùng xuống đến cấp Chi Khu (Quận). Tại trung ương, Phòng 2 BTTTM có 2 đơn vị là Ðơn Vị 101 phụ trách thu thập tin tức tình báo, và Ðơn Vị 306 tức Trung Tâm Quân Báo phụ trách khai thác tin tức tình báo. Sĩ quan Phó Trưởng Phòng 2 đương nhiên kiêm mhiệm chức vụ Chỉ Huy Trưởng Ðơn Vị 306. 
Ðơn Vị 101

Ðơn vị này đã được đổi tên nhiều lần như sau:
• 1961-1963: Biệt Ðội Sưu Tập
• 1964-1965: Biệt Ðoàn 300
• 1965-1968: Liên Ðoàn Yểm Trợ 924
• 1968-1975: Ðơn vị 101
Vị Chỉ Huy Trưởng cuối cùng của Ðơn Vị 101 là Ðại Tá Lê Ðình Luân tốt nghiệp Khóa 2 (tháng 4-1953) Trường Sĩ Quan Thủ Ðức.21 Tất cả các sĩ quan của đơn vị đều phải trải qua khóa huấn luyện tình báo tại Trường Tình Báo của Lục Quân Hoa Kỳ tại Okinawa (Nhật Bản).
Ðơn Vị 101 có tổ chức hàng dọc như sau: 22

• Ðoàn: ở cấp Vùng hay Quân Ðoàn, có tất cả 5 Ðoàn mang bí số 65, 66, 67, 68, và 69 (cho Biệt Khu Thủ Ðô), chỉ huy trưởng là một sĩ quan mang cấp bậc Trung Tá
• Toán: ở cấp Khu hay Sư Ðoàn, chỉ huy trưởng là một sĩ quan mang cấp bậc Thiếu Tá
• Lưới: ở cấp Tiểu Khu, chỉ huy trưởng là một sĩ quan mang cấp bậc Ðại Úy
Công tác thu thập tin của Ðơn Vị 101 bao gồm cả 2 lãnh vực: tình báo tác chiến và tình báo lãnh thổ (territorial intelligence) và phương thức thu thập chính được sử dụng là tình báo nhân sự (HUMINT) qua 2 lối:
• Công khai: thu thập và khai thác tin của các Phòng 2 và Ban 2 của các cấp đơn vị từ quân đoàn xuống đến tiểu đoàn, và các cấp lãnh thổ từ khu xuống đến chi khu, qua việc thẩm vấn và khai thác tin từ tù hàng binh, các tài liệu bắt được của địch, và việc chận bắt tín hiệu truyền tin của địch
• Bí mật: thu thập tin của mật báo viên của các Lưới được tổ chức cho xâm nhập vào các vùng xôi đậu, ngay cả trong hậu phương của địch 
Ðơn Vị 306 (Trung Tâm Quân Báo)
Dưới quyền chỉ huy của Phó Trưởng Phòng 2 BTTM, Ðơn Vị 306 thật ra gồm nhiều trung tâm quân báo với những chức năng khác nhau bao gồm: 23
• Trung tâm quân báo hỗn hợp: cung cấp tin tình báo tác chiến và lãnh thổ cho Phòng 2 BTTM QLVNCH, và Ban 2 của Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam (J2-MACV)
• Trung tâm khai thác tài liệu hỗn hợp: tập trung và khai thác tất cả các loại tài liệu (kể cả sách báo, phim ảnh chính thức của Bắc Việt) thu được của địch, và báo cáo cho Phòng 2 TTM và J2-MACV
• Trung tâm khai thác quân dụng hỗn hợp: tìm hiểu, khai thác tất cả các loại vũ khí, đạn dược, quân dụng tịch thu được của địch, và soạn thảo tài liệu Chiến cụ của Việt Cộng để phổ biến cho tất cả các đơn vị của QLVNCH học tập 
• Trung tâm thẩm vấn hỗn hợp: có nhiệm vụ thẩm vấn các tù hàng binh, hồi chánh viên quan trọng, từ cấp đại đội trở lên; khi tình hình chiến trường sôi động, có thể tăng phái người cho các đại đơn vị
• Trung tâm quản trị quân báo: quản trị toàn thể nhân viên quân báo tại trung ương cũng như tại địa phương.
Sau khi quân Mỹ rút khỏi VNCH, Ðơn Vị 306 được cải tổ thành các Khối như sau:
• Khối Quốc nội: gồm có các Ban như sau:
   – Ban quốc nội tại 4 Vùng Chiến Thuật
   – Ban ước tính: cung cấp các báo cáo định kỳ
   – Ban nghiên cứu: về tổ chức của địch 
• Khối Quốc ngoại: bao gồm các công tác:
   – Theo dõi tình hình Bắc Việt, đặc biệt là viện trợ của các nước Cộng sản
   – Theo dõi tình hình chính trị, quân sự của Lào và Kampuchia
   – Gồm các Ban: Bắc Việt, Ðông Nam Á, Nghiên Cứu, Liên Lạc Quốc Ngoại (phối hợp, khai thác các báo cáo của các Tùy Viên Quân Sự tại các Tòa Ðại Sứ của VNCH) 
• Khối Sưu tập: thu thập, lưu trữ, kiểm soát tất cả các loại tin thu thập được từ mật bào viên, tù hàng binh, hồi chánh viên, cũng như từ các bộ phận tình báo tín hiệu (SIGINT) 
• Khối Kế, huấn, tổ: phụ trách các lãnh vực kế hoạch, huấn luyện và tổ chức cho toàn ngành quân báo
Việc huấn luyện cho nhân viên Phòng 2 BTTM được thực hiện tại Trường Cây Mai. Trước năm 1961 Trường Cây Mai mang tên là Trường Quân Báo và Chiến Tranh Tâm Lý mà Chỉ Huy Trưởng là Thiếu Tá Phạm Văn Sơn. Từ đầu năm 1961, Trường Cây Mai đổi tên là Trường Quân Báo và bắt đầu cung cấp những khóa huấn luyện về tình báo chiến trường (Field Operation Intelligence, hay FOI) do Biệt Ðội Sưu Tập phối hợp tổ chức với các huấn luyện viên Hoa Kỳ, giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Việt. Khóa 1 gồm 16 sĩ quan, khóa 2 gồm 25 sĩ quan, và các khóa kế tiếp về sau được gửi đi học tại Okinawa, Nhật Bản.24 
Phòng 2 BTTM còn có 1 bộ phận nữa rất quan trọng, mặc dù không có hiện diện trong sơ đồ tổ chức: đó là Phòng Tình Hình (Situation Room). Phòng này được sử dụng như một trung tâm hành quân của Phòng 2 BTTM trong những thời điểm sôi động với những trận đánh lớn ngoài chiến trường, với những hệ thống truyền tin trực tiếp với các Quân đoàn, Sư đoàn, vv. để kịp thời trao đổi các tin tức về tình báo và chiến thuật với các đơn vị đang lâm chiến.25
Phòng 7 Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH
Phòng 7 BTTM QLVNCH chịu trách nhiệm về công tác tình báo tín hiệu (SIGINT) và các hoạt động về an ninh truyền tin. Về SIGINT, Phòng 7 đảm nhận cả 2 lãnh vực: Tình Báo Thông Tin (Communications Intelligence = COMINT) và Tình Báo Ðiện Tử (Electronic Intelligence = ELINT). Vị sĩ quan đã chịu trách nhiệm thành lập Phòng 7 vào năm 1964 và đảm nhận chức vụ Trưởng Phòng 7 cho đến tháng 4-1975 là Chuẩn Tướng Phạm Hữu Nhơn, tốt nghiệp Khóa Sĩ Quan Trừ Bị Nam Ðịnh (1951).
Phòng 7 BTTM được tổ chức như sau: 26
SoDo_003.jpg
Phòng 7 BTTM gồm có tất cả 3.500 nhân viên phục vụ tại các đơn vị ở trung ương và một số đơn vị tại địa phương. Tại trung ương, Phòng 7 được chia thành 3 Khối, 3 đơn vị đặc biệt và Biệt Ðội Kỹ Thuật. Tại địa phương, nhân viên của Phòng 7 hoạt động trong 4 Trung Tâm SIGINT tại Ðà Nẵng (Vùng I), PLeiku (Vùng II), Sài Gòn (Vùng III), và Cần Thơ (Vùng IV).
Khối I gồm có 3 Ban: 3, 4 và 5. Ban 3 phụ trách giữ liên lạc với các Phòng 2 (Tình Báo) và Phòng 3 (Hành Quân) của BTTM, cập nhật thông tin về tình hình địch, soạn thảo và phổ biến các báo cáo về tình báo kỹ thuật. Ban 4 soạn thảo các báo cáo về không thám và phát hiện điện đài, theo dõi các chuyến bay và báo cáo những thay đổi về kỹ thuật của các điện đài của địch. Ban 5 xử lý các cung từ của tù hàng binh liên quan đến tình báo tín hiệu, các bản tin của các đài bạn (BBC, VOA) và địch, soạn thảo các bản tin hàng ngày, và duy trì liên lạc với các cơ quan tình báo dân sự và quân sự khác về những vấn đề có liên quan đến tình báo tín hiệu.
Khối II gồm 2 Ban, Ban 6 và Ban 7, và phụ trách về an ninh truyền tin. Ban 6 xử lý các dữ liệu kỹ thuật và soạn thảo các báo cáo về an ninh truyền tin và đề nghị những biện pháp sửa chữa. Ban 7 nghiên cứu các biện pháp an ninh về mật mã, duy trì liên lạc với Phòng 6 (Phản Gián) của BTTM và tổ chức thanh tra về mật mã trong toàn quân.
Khối III, gồm 3 Ban là Ban 8, Ban 9 và Ban 10, chịu trách nhiệm về nghiên cứu, cải thiện, và phối hợp giữa yểm trợ và huấn luyện. Ban 8 lo về các vấn đề tổ chức, tuyển mộ, hoạt động, yểm trợ, bảo trì và vận chuyển. Ban 9 chịu trách nhiệm về kiểm tra các kế hoạch hoạt động ngắn hạn. Ban 10 lo về huấn luyện chuyên viên, theo dõi huấn luyện, và soạn thảo tài liệu huấn luyện.
Ðơn Vị 15, trong khoảng thời gian 1961-70, là đơn vị duy nhất chịu trách nhiệm về kiểm thính. Về sau công tác này được giao cho các trung tâm SIGINT tại các vùng chiến thuật, và đơn vị này được giao nhiệm vụ giải mã các thông địch được mã hóa của địch.
Ðơn Vị 16 chịu trách nhiệm về an ninh truyền tin cho QLVNCH và một số cơ quan trọng yếu của chính phủ, soạn thảo các báo cáo về các vi phạm an ninh truyền tin, thanh tra các cơ sở về mật mã và tài liệu mật, và phối hợp với Phòng 6 (Phản Gián) của BTTM để duyệt xét các thủ tục về mật mã trong QLVNCH.
Ðơn Vị 17, được thành lập vào năm 1970 để phối hợp với hai Phi Ðoàn 716 và 718 của Không Quân VNCH trong việc thiết lập các phi trình cho các phi vụ tình báo tín hiệu. Các Phi Ðoàn này là đơn vị của Không Ðoàn 33 thuộc Sư Ðoàn 5 Không Quân đóng tại căn cứ Tân Sơn Nhất. Phi Ðoàn 716 có 5 chiếc phi cơ U-6A, và Phi Ðoàn 718 có 33 chiếc phi cơ EC-47.
Bốn Trung Tâm SIGINT tại 4 vùng chiến thuật có trách nhiệm thu thập tin tức qua các công tác kiểm thính và khám phá địa điểm phát tuyến của các điện đài của địch. Ðể hỗ trợ cho hoạt động của các Trung Tâm này còn có thêm một số trạm kiểm thính tại Phú Bài (Vùng I), Sông Mao (Vùng II), Vũng Tàu (Vùng III) và đảo Côn Sơn. Tại các vùng chiến thuật, mỗi sư đoàn bộ binh đều có 1 đơn vị thuộc Biệt Ðội Kỹ Thuật chịu trách nhiệm về tình báo tín hiệu.
Hệ Thống Tình Báo của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ cũng có 2 hệ thống tổ chức tình báo song hành tại VNCH. Ðó là Trạm CIA Sài Gòn (CIA Saigon Station, Central Intelligence Agency = Cơ quan Trung Ương Tình Báo) nằm trong Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn và Ban 2 của Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam (J2-MACV).
Trạm CIA Sài Gòn
Trong thời gian Chiến Tranh Việt Nam, từ 1961đến 1975, Trạm CIA Sài Gòn đã trải qua các đời Trưởng Trạm (Chief of Station, hay COS) sau đây:
• 1961-1962: William Colby, về sau trở thành Giám Ðốc CIA (Director of Central Intelligence, hay DCI) 1973-1976
• 1962-1963: John Richardson
• 1963-1965: Peer de Silva
• 1965: John L. Hart
• 1966: John Lapham
• 1966-1968: Gordon L. Jorgensen
• 1968-1972: Theodore Shackley
• 1972-1975: Thomas Polgar 
Trạm CIA Sài Gòn không những thu thập tin tình báo về Việt Cộng mà còn theo dõi tất cả các hoạt động của chính phủ VNCH, và, sau khi Hoa Kỳ gửi quân tham chiến tại Miền Nam, soạn thảo và phổ biến những báo cáo hàng tuần về tình hình tại VNCH và cuộc chiến. Loại báo cáo hàng tuần này, với tựa đề là “Situation in South Vietnam,” thường gồm khoảng 20-30 trang với một số bản đồ và biểu đồ, và được thực hiện theo một dàn bài thống nhất như sau: 27
• Toát yếu
• Bản đồ Nam Việt Nam
• Tình hình Miền Nam Việt Nam
– Tình hình chính trị
– Tình hình quân sự
– Xây dựng nông thôn
• Bản đồ Bắc Việt Nam
• Các phát triển trong Khối Cộng sản
• Các phát triển tại các nước đệ tam
• Phụ đính:
– Thống kê chiến trường của QLVNCH: số thương vong
– Thống kê chiến trường của QLVNCH: số các cuộc giao tranh và tấn công của địch
– Các chỉ số kinh tế của VNCH
– Thống kê giá bán lẻ hàng tuần tại Sài Gòn
Ngoài ra, 
Trạm CIA Sài Gòn còn thực hiện rất nhiều công tác an ninh tình báo khác tại VNCH trong suốt thời gian chiến tranh. Công tác được nói đến nhiều nhất là Chiến dịch Phượng Hoàng nhằm nhận diện và tiêu diệt hạ tầng cơ sở của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (Việt Cộng) tại nông thôn Miền Nam. Từ 1965 cho đến 1972, Chiến dịch Phượng Hoàng đã “vô hiệu hóa” tổng cộng 81.740 cá nhân bị tình nghi là người của Mặt Trận,28 và “góp phần tiêu diệt và phá hoại đến 95% cơ sở cách mạng ở một số khu vực tại miền Nam Việt Nam.” 29
J2-MACV
Khi Bộ Tư Lệnh Viện Trợ Quân Sự của Hoa Kỳ tại VNCH (MACV = Military Assistance Command Vietnam) được thành lập vào tháng 2-1962, sau rất nhiều tranh cãi trong chính phủ của Tổng Thống John F.Kennedy, và đặt dưới quyền chỉ huy của một vị tướng 4-sao, Ðại Tướng Paul Harkins, vai trò của Hoa Kỳ tại Việt Nam trong việc giúp đỡ chính phủ VNCH chống lại phong trào nổi dậy (counterinsurgency) của Cộng sản tại Miền Nam được nâng lên một tầm quan trọng cao hơn. Lúc đó Phái Bộ Cố Vấn Viện Trợ Quân Sự của Hoa Kỳ tại VNCH (MAAG = Military Assistance Advisory Group dưới quyền chỉ huy của một vị tướng 3-sao, Trung Tướng Lionel C. McGarr) vẫn còn tiếp tục hoạt động thêm một thời gian gần một năm mới bị hủy bỏ và hoàn toàn sáp nhập vào MACV. Tuy nhiên, trong một thời gian hơn 3 năm (từ tháng 2-1962 đến tháng 3-1965), bộ phận J2-MACV chỉ làm nhiệm vụ cố vấn, hỗ trợ và huấn luyện cho hệ thống quân báo của VNCH mà thôi. Ðứng đầu J2-MACV lúc đó chỉ là một sĩ quan cấp Ðại Tá, Ðại Tá James M. Winterbottom, một sĩ quan Không Quân.30 Ðầu năm 1964, sau khi cuộc cải tổ cơ cấu chỉ huy của MACV được hoàn tất, do đề nghị của Tướng Harkins và được Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert S. McNamara chấp thuận, cấp số của chức vụ Phụ Tá Tham Mưu Trưởng MACV, Trưởng Ban 2 (Assistant Chief of Staff MACV, J2) được nâng từ cấp Ðại Tá lên cấp Tướng. Ngày 15-1-1964, Chuẩn Tướng Carl A. Youngdale, thuộc Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, được cử làm Trưởng J2-MACV và tổng số nhân viên của J2 tăng từ 76 lên 135 người.31 J2-MACV lần lượt hoạt động dưới quyền chỉ huy của các vị tướng sau đây:
• Từ 1-1962 đến 7-1965: Chuẩn Tướng Carl A. Youngdale, Thủy Quân Lục Chiến, hồi hưu với cấp bậc Thiếu Tướng
• Từ 7-1965 đến 5-1967: Thiếu Tướng Joseph A. McChristian, Lục Quân, hồi hưu với cấp bậc Thiếu Tướng
• Từ 5-1967 đến 5-1969: Thiếu Tướng Philip B. Davidson, Lục Quân, về hưu với cấp bậc Trung Tướng
• Từ 5-1969 đến 8-1972: Thiếu Tướng William E. Potts, Lục Quân, hồi hưu với cấp bậc Trung Tướng
Về phần MACV, vì không tán thành chủ trương lật đổ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, Tướng Harkins có mâu thuẫn lớn với Ðại sứ Hoa Kỳ lúc đó là ông Henry Cabot Lodge, Jr., và sau cùng bị thay thế bằng phó tướng của ông là Trung Tướng (3-sao) William C. Westmoreland, được thăng lên cấp Ðại Tướng (4-sao) vào cùng ngày 1-8-1964 khi được cử nắm giữ chức vụ Tư Lệnh MACV.
Sau khi Hoa kỳ ồ ạt đưa quân bộ chiến vào VNCH năm 1965 (vào cuối năm 1965, quân số Hoa Kỳ tại Miền Nam đã tăng từ 23.000 lên đến 184.000), nhu cầu về tình báo chiến trường (combat intelligence) của MACV gia tăng mãnh liệt. Cấp số của Trưởng Ban J2-MACV cũng được nâng thêm một bậc từ cấp Chuẩn Tướng lên cấp Thiếu Tướng. Thiếu Tướng Joseph A. McChristian được cử thay thế Chuẩn Tướng Carl A. Youngdale từ tháng 7-1965. Về sau những người kế nhiệm Trưởng J2-MACV đều mang cấp Thiếu Tướng: Thiếu Tướng Philip B. Davisdon và Thiếu Tướng William E. Potts. 
Cả 3 vị Thiếu Tướng vừa nêu tên bên trên tiếp tục mở rộng và phát triển J2-MACV về cả 2 mặt thu thập và khai thác tin tình báo, đồng thời phối hợp hoạt động rất chặt chẽ với phía VNCH.
Với đà phát triển mạnh mẽ đó, dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tướng Joseph A. McChristian, đến giữa năm 1967, J2-MACV đã có tổng số nhân viên trên 600 người.32 với một cơ cấu tổ chức như trong biểu đồ sau đây: 33 
SoDo_004.jpg
Thật ra, số người mà J2-MACV điều động còn cao hơn rất nhiều. Theo tường trình của chính Thiếu Tướng McChristian, các đơn vị tình báo thuộc Lục Quân Hoa Kỳ đặt dưới sự điều động của ông vào tháng 6-1967 đã có tổng số nhân sự từ 102 tăng lên đến 2.466, và tổng số cố vấn (cho các cơ quan tình báo của VNCH) đã từ 218 tăng lên đến 622. Các đơn vị tình báo thuộc Lục Quân Hoa Kỳ nói trên bao gồm các đơn vị sau đây: 34
• Ðoàn 525 Quân Báo (525th Military Intelligence Group) 
• Ðoàn 149 Quân Báo (149th Military Intelligence Group) có nhiệm vụ Thu Thập tin)
• Tiểu Ðoàn 1 Quân Báo (1st Military Intelligence Battalion; phụ trách Yểm Trợ Không Thám = Air Reconnaissance Support) có nhiệm vụ cung cấp không ảnh cho các đơn vị tác chiến)
• Tiểu Ðoàn 519 Quân Báo (519th Military Intelligence Battalion) cung cấp nhân sự và yểm trợ cho các Trung Tâm Hỗn Hợp)
Riêng Ðoàn 525 Quân Báo thì chịu trách nhiệm điều động các đơn vị quân báo sau đây:
• Một đại đội tín hiệu (a signal company) có trách nhiệm chận bắt truyền tin của các đơn vị địch
• Một phân đội không quân (an aviation detachment) có trách nhiệm thực hiện và diễn giải các không ảnh về hoạt động của các đơn vị địch
• Ðoàn 135 Quân Báo (135th Military Intelligence Group) phụ trách công tác phản gián, với các tổ phân phối khắp 4 Vùng Chiến Thuật bên cạnh các tổ của Cục An Ninh Quân Ðội VNCH) 
Phối Hợp Công Tác Tình Báo Giữa VNCH và Hoa Kỳ
Vì khối lượng rất lớn cũng như mức độ phức tạp của tin tức tình báo (cộng thêm sự khác biệt về ngôn ngữ Anh-Việt), và vì cùng chiến đấu chống lại một kẻ địch chung, Phòng 2 Bộ TTM QLVNCH và Ban J2-MACV đã đồng ý thiết lập một số cơ quan và đơn vị tình báo hỗn hợp để chia sẻ tin tức và phối hợp hoạt động. Vị sĩ quan QLVNCH đồng nhiệm với Thiếu Tướng McChristian, Trưởng J2-MACV, là Ðại Tá Hồ Văn Lời, Trưởng Phòng 2 BTTM QLVNCH. Ðại Tá Hồ Văn Lời, sinh năm 1928 tại Ðịnh Tường, là một sĩ quan hiện dịch thuộc Bộ Binh, tốt nghiệp Khóa 3 Trường Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt (Khóa Trần Hưng Ðạo, năm 1951).35 Sự thỏa thuận giữa hai nước đồng minh trong cuộc chiến đưa đến sự hình thành và hoạt động của 4 Trung Tâm Hỗn Hợp về tình báo: Trung Tâm Thẩm Vấn Quân Sự Hỗn Hợp (Combined Military Interrogation Center – CMIC), Trung Tâm Khai Thác Tài Liệu Hỗn Hợp (Combined Document Exploitation Center – CDEC), Trung Tâm Khai Thác Quân Dụng Hỗn Hợp (Combined Materiel Exploitation Center – CMEC), và Trung Tâm Tình Báo Hỗn Hợp Việt Nam (Combined Intelligence Center Vietnam – CICV). 
Trung Tâm Thẩm Vấn Quân Sự Hỗn Hợp
Công tác thẩm vấn các tù hàng binh và hồi chánh viên được cả 2 phía Việt Mỹ đặt ưu tiên cao trong công tác tình báo hỗn hợp. Các trung tâm thẩm vấn quân sự được thiết lập tại các quân đoàn và sư đoàn. Riêng tại các tiểu khu (tỉnh) thì các trung tâm thẩm vấn được đặt dưới quyền điều khiển CSQG (đơn vị CS đặc biệt của địa phương), nhưng khi cần thì các đơn vị quân báo Việt-Mỹ cũng được quyền sử dụng. Trung tâm thẩm vấn hỗn hợp trung ương (CIMC) được đặt tại Sài Gòn, dưới sự chỉ huy kết hợp của Trung Tá Frederick A. Pieper, Thiếu Tá Lawrence Sutton và Ðại Úy Lâm Văn Nghĩa.36 
Công tác thẩm vấn được thực hiện theo những quy định rất chặt chẽ. Trước tiên là sự phân biệt rõ rệt giữa tù hàng binh và hồi chánh viên. Hồi chánh viên luôn luôn được đối xử một cách thân thiện và đặc biệt hơn, với chủ đích tạo cho họ cảm giác ấm áp, và cho họ thấy rõ là sự “trở về” của họ rất được hoan ngênh. Trong thời gian thẩm vấn, hồi chánh viên cũng được thoải mái, có nhiều tự do hơn. Sau khi chấm dứt thẩm vấn, họ được quyền chọn trung tâm chiêu hồi mà họ muốn về làm việc. Một số hồi chánh viên quan trọng, như Thượng Tá Tám Hà, Chính Ủy Sư Ðoàn 5 (Việt cộng), hồi chánh tại Bình Dương năm 1970, hay Trung Tá Lê Xuân Chuyên, thuộc bộ đội chính quy của Bắc Việt, hồi chánh tại Bình Tuy năm 1967, đã được chính phủ VNCH cử nhiệm vào một số chức vụ quan trọng tại Bộ Dân Vận Chiêu Hồi hay Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị.37
Tuy có phân biệt đối xử, nhưng về nội dung thẩm vấn thì hoàn toàn giống nhau đối với tù hàng binh hay hồi chánh viên, với mục tiêu nhằm khai thác tin tức về 5 lãnh vực sau đây:
• Lực lượng địch bên ngoài lãnh thổ của VNCH, nghĩa là tại Bắc Việt, Miên, và Lào.
• Lực lượng địch bên trong lãnh thổ của VNCH.
• Chiến thuật, vũ khí, quân dụng, hạ tầng cơ sở và các hoạt động tâm lý chiến của địch.
• Phản gián: các kế hoạch và hoạt động phá hoại, cài người (nội tuyến) vào các cơ sở của VNCH và các quân đội đồng minh.
• Lộ trình, hành lang, và phương thức xâm nhập từ Miền Bắc.
Các báo cáo thẩm vấn thực hiện tại các trung tâm thẩm vấn địa phương phải được đánh giá về mức độ quan trọng của tin tức khai thác được, và sau đó chuyển về trung ương. Các đối tượng thẩm vấn cũng phải được xếp hạng về chức vụ của họ trong hệ thống của địch quân và tầm quan trọng của tin tức mà họ cung cấp. Tùy theo mức độ quan trọng, đối tượng thẩm vấn sẽ được bảo vệ và di chuyển nhanh hay chậm về các trung tâm thẩm vấn ở cấp cao hơn, hay có thể đưa về ngay Trung Tâm Thẩm Vấn Trung Ương tại Sài Gòn.
Sau khi thẩm vấn hoàn tất, các tù hàng binh sẽ được đưa ra giam giữ tại trại giam trên đảo Phú Quốc.
Trung Tâm Khai Thác Tài Liệu Hỗn Hợp
Tài liệu thu thập được của địch cũng là một nguồn tin tình báo rất quan trọng. Cả hai cơ quan quân báo của VNCH (Phòng 2 BTTM) và Hoa Kỳ (J2-MACV) đã đồng ý thành lập Trung Tâm Khai Thác Tài Liệu Hỗn Hơp, đặt trụ sở gần căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt và bắt đầu hoạt động từ ngày 24-10-1966, với trên 300 nhân viên quân sự và dân sự Việt Mỹ. 
Tiến trình khai thác tài liệu của địch gồm các giai đoạn sau đây:
• Phân loại tài liệu 
• Ðánh giá tài liệu
• Phiên dịch tài liệu
• Phân phối tài liệu
Trong công tác phân loại, tài liệu của địch được phân ra làm 5 loại như sau:
• Loại A: cần phải được xử lý ngay lập tức, ví du một bản kế hoạch của địch nhằm phục kích một đơn vị bạn, với kết quả được thông báo ngay bằng “đường dây nóng” (hot line) cho đơn vị bạn.
• Loại B: tài liệu có giá trị tình báo chiến lược, thí dụ như các giấy ban khen có ghi tên cá nhân và đơn vị phục vụ, hay các sổ sách ghi chép thành phần, quân số, vị trí đóng quân của các đơn vị địch; loại tài liệu này sẽ nhanh chóng được dịch sang tiếng Anh để phổ biến và đánh số tài liệu ngay; phần lớn tài liệu được xử lý tại Trung Tâm thuộc loại tài liệu này.
• Loại C: tài liệu không có giá trị tình báo, thí dụ một tấm bản đồ của Châu Phi; loại tài liệu này sẽ không được xử lý mà chuyển giao ngay cho phía VNCH để tùy nghi.
• Loại D: loại tài liệu tuyên truyền, thí dụ một tờ truyền đơn kêu gọi lính Mỹ viết thư cho một tổ chức phản chiến chẳng hạn; loại này bao gồm cả các loại giấy bạc của Bắc Việt; loại này cũng không được xử lý tại Trung Tâm, tài liệu tuyên truyền thì được chuyển giao cho các cơ quan chiến tranh tâm lý, giấy bạc thì chuyển cho các cơ quan thích hợp.
• Loại E: loại tài liệu về mật mã truyền tin, loại tài liệu này cũng sẽ không được xử lý tại Trung Tâm mà chuyển giao ngay cho các cơ quan về SIGINT. 
Sau đó, các tài liệu thuộc 2 loại A và B sẽ được chuyển đến một nhóm các chuyên viên cao cấp về tài liệu để họ viết ra các bản tóm lược nội dung cho từng tài liệu. Những tài liệu quá chi tiết sẽ được chuyển đến Ban Dịch Thuật để được dịch sang tiếng Anh toàn văn tài liệu. 
Trong suốt thời gian hoạt động, Trung Tâm đã xử lý một số lượng tài liệu rất lớn, lên đến hàng triệu trang. Xin đơn cử một thí dụ để minh họa: nội trong 2 tháng đầu năm 1967, với 2 cuộc Hành Quân lớn của quân đôi Mỹ (Cedar Falls, tháng 1-1967, trong Vùng Tam Giác Sắt; và Junction City, tháng 2-1967, tại Chiến Khu C ở Tây Ninh), gần một triệu trang tài liệu tịch thu được của địch đã được xử lý tại Trung Tâm. Khoảng 10% của tổng số tài liệu này đã được tóm lược hay chuyển dịch sang tiếng Anh và phân phối đến các cơ quan và đơn vị.
Với những trang thiết bị tối tân nhứt của thập niên 1960, trong đó có cả máy in có thể in đến 6.000 trang một giờ, Trung Tâm đã có thể cung cấp, ngay từ đầu năm 1967, mỗi ngày 1.400 cân anh (pounds) tài liệu đã được tóm lược, chuyển dịch và sao chụp. Tất cả các tài liệu đều được chụp vi phim, làm bảng dẫn (indexed) và đưa vào một hệ thống máy tính (IBM 1401) đặt tại Trung Tâm Tình Báo Hỗn Hợp Việt Nam (CICV).38
Trung Tâm Khai Thác Vũ Khí Hỗn Hợp
Ðối với giới quân sự, thông tin về tất cả các loại quân dụng do địch quân sử dụng được xem là rất quan trọng và cần thiết. Trung Tâm Khai Thác Quân Dụng Hỗn Hợp được thành lập để hai quân đội đồng minh Việt-Mỹ chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về vũ khí của địch.
Trung Tâm được giao cho nhiệm vụ thu thập và khai thác tất cả các loại vũ khí và quân dụng của địch. Công tác khai thác bao gồm các mặt: xem xét (observation), xác định (identification), phân tích (analysis), và đánh giá (evaluation). Mục tiêu của công tác khai thác là tìm hiểu cặn kẽ khả năng và giới hạn của vũ khí – quân dụng, thông báo các thông tin này cho các cơ quan và đơn vị có liên hệ để tìm biện pháp đối phó. 
Trung Tâm được tổ chức với các đơn vị chuyên môn như sau:39
• Ban Hình Ảnh (Graphics Section): thực hiện và cung cấp các ảnh vẽ và hình chụp
• Phòng Thí Nghiệm (Laboratory): thực hiện các phân tích hóa học cần thiết để xác định thành phần của các chất lạ
• Ban Truyền Thông và Ðiện Tử (Communications-Electronics Section): khai thác tất cả các loại quân dụng có liên hệ đến truyền tin, nhiếp ảnh, và điện tử
• Ban Cơ Ðộng (Mobility Section): phân tích và đánh giá tất cả các loại mìn bẫy cũng như các quân dụng và vật liệu về công binh, vận tải, và xây dựng 
• Ban Vũ Khí và Ðạn Dược (Weapons and Munitions Section): xem xét (tháo ra từng mảnh), phân tách và đánh giá tất cả các loại vũ khí và đạn dược tịch thu được của địch
• Ban Y Khoa (Medical Section): đánh giá các loại tiếp liệu, thiết bị, và khả năng về y khoa của địch
• Ban Tiếp Liệu và Thiết Bị Tổng Quát (General Supply and Equipment Section): phân tích và đánh giá các trang phục, vật dụng cá nhân, lương thực, các sản phẩm về dầu khí, và các thiết bị hóa học, vi trùng và quang tuyến của địch. 
Tất cả các loại vũ khí – quân dụng tịch thu được của địch từ các đơn vị chiến đấu đều được chuyển về các cấp lữ đoàn hoặc sư đoàn và từ đó chuyển về cho Trung Tâm để khai thác, ngoại trừ các trường hợp cần khai thác ngay tại chổ thì Trung Tâm sẽ gửi các toán cơ động (“Go” Teams) đến để thực hiện công tác này.
Trung Tâm Tình Báo Hỗn Hợp Việt Nam
Cả 3 Trung Tâm vừa kể trên đều có một mục tiêu chung là tạo ra một cơ sở dữ liệu trung ương (centralized database), tối cần thiết cho hoạt động hữu hiệu của Trung Tâm Tình Báo Hỗn Hợp Việt Nam (CICV).
Tòa nhà dành cho Trung Tâm được khánh thành ngày 17-1-1967 và Trung Tâm được đặt dưới sự chỉ huy của Ðại Tá Frank I. Schaf, Jr. và Thiếu Tá Cao Minh Tiếp, về nhân sự gồm có tất cả 651 nhân viên Mỹ và 164 nhân viên Việt, với sơ đồ tổ chức như sau:40
SoDo_005.jpg
Trung Tâm hoạt động 24 giờ mỗi ngày với các ca nhân viên luân phiên nhau. Mục tiêu của Trung Tâm là tập hợp, biên soạn và cung cấp tin tình báo về mọi lãnh vực (quân số, diện địa, không ảnh, mục tiêu, vv.) cho các Ban 2 (Tình Báo) của tất cả các đơn vị tác chiến Việt-Mỹ từ cấp Quân đoàn xuống đến cấp Tiểu đoàn. 
Với một lực lượng nhân viên đông đảo như vậy, cộng thêm một cơ sở dữ liệu trung ương được tự động hóa (của Bộ Phận Xử Lý Ðiện Tử, sử dụng máy tính tối tân nhứt của thời đó là máy INM 360-30) và chứa đựng các thông tin về mọi lãnh vực đã được thu thập từ những Trung Tâm Hỗn Hợp kể trên và đã được các chuyên viên phân tích và đánh giá, CICV đã có thể hoạt động với hiệu quả cao trong việc cung cấp một cách nhanh chóng và kịp thời tất cả các loại tin tức tình báo cần thiết cho các cơ quan an ninh cũng như các đơn vị tác chiến. 
Hệ Thống Tình Báo Của Phe Cộng Sản
Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, tại Bắc Việt, cơ quan tình báo chiến lược là Cục Tình Báo thuộc Bộ Tổng Tham Mưu của Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam. Cục Tình Báo, hay còn gọi là Cục 2, được thành lập ngày 10-6-1957 do việc hợp nhất 2 cơ quan là Nha Liên Lạc (thuộc Phủ Thủ Tướng, Giám Ðốc là ông Trần Hiệu) và Cục Quân Báo (Bộ Quốc Phòng), và vị Cục Trưởng đầu tiên cũng chính là ông Trần Hiệu (năm 1958, ông Trần Hiệu được phong quân hàm Ðại Tá).41,42 Về phía dân sự, sau sự hợp nhất này, Bắc Việt không còn có một cơ quan trung ương về tình báo nữa. Công tác tình báo dân sự được giao cho Bộ Công An với mạng lưới nhân viên dày đặc từ trung ương xuống đến tận các đơn vị cấp nhỏ nhất tại địa phương như Phường, Khóm, Xã, Ấp. Chính nhờ mạng lưới này, Bắc Việt đã ngăn chận được sự xâm nhập của các toán điệp viên của VNCH được gửi ra từ Miền Nam. 
Cục 2 có đầy đủ các Phòng, Ban chuyên môn phụ trách tất cả các lãnh vực chuyên môn về tình báo như thu thập tin (bao gồm cà tình báo nhân sự –HUMINT—và tình báo tín hiệu –SIGINT–, phân tích và đánh giá tin, truyền và thông báo tin, và cả phản gián. 
Cụ thể, Cục 2 gồm có tất cả 6 Khối với trách nhiệm như sau: 43 
• Khối Hành Chánh: lo về nhân viên, lý lịch, thăng thưởng, kỷ luật, vv
• Khối Kỹ Thuật: thu thập tất cả các loại tài liệu của VNCH như giấy căn cước, con dấu, chữ ký để làm căn cước giả, cũng như cung cấp mọi vật liệu và máy móc cần thiết cho các điệp viên xâm nhập vào Miền Nam
• Khối Truyền Tin: điều hành các hệ thống truyền tin giữa Cục 2 với các đơn vị phụ thuộc, với các cơ quan tình báo chiến lược khác, và với các điệp viên do Cục 2 điều động ở Miền Nam
• Khối Huấn Luyện: phụ trách huấn luyện nhân viên trong nước cũng như gửi đi học tại Liên Xô và Trung Quốc từ 6 tháng đến 2 năm
• Khối Bảo Vệ: lo mảng công tác phản gián, theo dõi các đối tượng tình nghi phản động, và ngăn chận người của VNCH xâm nhập và phá hoại
• Khối Thu Thập: được tổ chức thành nhiều Ban; mỗi Ban chịu trách nhiệm thu thập tin tại một quân khu ở Miền Bắc; đặc biệt 3 Ban quan trọng nhứt chịu trách nhiệm tại 3 vùng Chiến trường C (VNCH), B (Lào), và C (Kampuchia); có cả 1 Ban chịu trách nhiệm về Hoa Kỳ
Tại Miền Nam, vì Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (hay Việt Cộng) chỉ là một công cụ của Bắc Việt, mọi việc quan trọng về chính trị và quân sự đều do Trung Ương Cục Miền Nam quyết định. Trung Ương Cục Miền Nam (sau đây sẽ viết tắt là TUC; tài liệu của Mỹ thường gọi là COSVN = Central Office for South Vietnam) là cơ quan do Ðảng Lao Ðộng Việt Nam (tức Ðảng Cộng sản Việt Nam tạm thời đổi tên vào năm 1951) thành lập năm 1961 để thay cho Xứ Ủy Nam Bộ, với nhiệm vụ tiến hành cuộc nổi dậy tại Miền Nam với các Bí Thư liên tiếp sau đây: Nguyễn Văn Linh (1961-1964), Nguyễn Chí Thanh (1964-1967), và Phạm Hùng (1967-1975), tất cả đều là Ủy Viên Bộ Chính Trị của Ðảng Lao Ðộng Việt Nam. 
Về mặt công tác tình báo, TUC, thật ra, chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi lãnh thổ của Vùng III và Vùng IV của VNCH mà thôi (tức là 3 Quân Khu 7, 8, và 9 của Việt Cộng). Công tác tình báo tại các phần lãnh thổ còn lại của VNCH (tức là Vùng I và Vùng II) vẫn thuộc sự điều khiển của Bộ Tổng Tham Mưu, Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam (xuyên qua Cục Tình Báo, tức là Cục 2). Do đó, hệ thống tổ chức tình báo của phe Cộng sản có sơ đồ tổ chức như sau: 44
SoDo_006.jpg
Ghi chú: 
• Chiến trường B3 là mật ngữ của phe Cộng sản dùng để chỉ vùng Cao Nguyên Trung Phần của VNCH
• Quân Khu T.Thiên-Huế: gồm các tỉnh Quảng Trị, ThừaThiên và Thành phố Huế
• Quân Khu 5: gồm các tỉnh duyên hải Trung và Nam Trung Phần là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên và Khánh Hòa
• Quân Khu 6: gồm các tỉnh duyên hải Nam Trung Phần là Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy và các tỉnh phía Nam Cao Nguyên Trung Phần là Darlac, Quảng Ðức, Tuyên Ðức và Lâm Ðồng
• Quân Khu 7: gồm các tỉnh Miền Ðông Nam Bộ
• Quân Khu 8: gồm các tỉnh Tiền Giang
• Quân Khu 9: gồm các tỉnh Hậu Giang, Miền Tây Nam Bộ 
Với hệ thống tổ chức như trong sơ đồ bên trên, việc cung cấp tin tức tình báo cho các sư đoàn Bắc Việt đã xâm nhập vào Miền Nam và hoạt động trong Vùng I và Vùng II Chiến Thuật của VNCH hoàn toàn do Cục 2 đảm trách.
Trong khu vực trách nhiệm của mình, tức là 2 Vùng III và Vùng IV của VNCH, TUC có một bộ phận chuyên lo công tác an ninh và tình báo gọi là Cục An Ninh gồm có 3 bộ phận với các nhiệm vụ chính như sau: 45
• Ban Nội thám: với bí danh K-35, có nhiệm vụ duy trì và bảo vệ an ninh cho mật khu; có quyền theo dõi, bắt giam, hỏi cung, điều tra, giam giữ cán bộ chiến sĩ và thường dân; ngăn chận sự xâm nhập của các điệp viên của VNCH
• Ban Ngoại thám: có nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo qua hệ thống điệp viên và nội tuyến; cung cấp tất cả những dụng cụ, vũ khí cần thiết cho các điệp viên và nội tuyến
• Ban Bảo vệ: bảo vệ yếu nhân, lãnh tụ của TUC và Mặt Trận; đơn vị được chỉ định làm công tác này là Trung Đoàn Bảo Vệ 180 gồm 2 Tiểu Ðoàn D-1 và D-2; D-1 phụ trách bảo vệ lãnh tụ và cơ sở; D-2 phụ trách bảo vệ ngoại vi.
Ngoài các tổ chức, cơ quan, đơn vị chính thức như vừa trình bày bên trên, phe Cộng sản còn có được tai mắt trong dân chúng qua cái gọi là “hệ thống tình báo nhân dân” ở khắp nơi trong lãnh thổ của VNCH, điều mà VNCH không làm được tại Miền Bắc.
Hoạt Ðộng Xâm Nhập Của Hai Bên
Ngoài các hoạt động công khai của các cơ quan tình báo vừa kể trên, cả VNCH và Bắc Việt đều có thực hiện một số điệp vụ bí mật qua các công tác gửi người, cài người, kể cả trường kỳ mai phục, vào lãnh thổ, cơ quan, tổ chức của cả hai bên. 
VNCH Gửi Kiệt Kích Xâm Nhập Bắc Việt

Trong thời gian 300 ngày chuyển tiếp của việc thi hành Hiệp Ðịnh Genève 1954, một tổ CIA, dưới sự chỉ huy của Ðại Tá Edward Lansdale, đã tuyển mộ (từ các đảng viên của 2 chính đảng có chủ trương chống Cộng sản là Ðại Việt và Quốc Dân Ðảng), huấn luyện và gài đặt lại một số tổ tình báo ở Miền Bắc. Kế hoạch “trường kỳ mai phục” này của CIA tương đối thành công vì lúc đó Bắc Việt chưa kiện toàn bộ máy an ninh của họ. Các tổ tình báo này hoạt động được hơn một thập niên nhưng sau cùng cũng bị lộ, bị bắt giam, và đưa ra tòa xét xử. Vụ án xét xử 10 gián điệp (tất cả đều là đảng viên Quốc Dân Ðảng, với 2 bản án tử hình) tại tòa án Hải Phòng vào tháng 4-1965 đã làm chấn động Miền Bắc, như chúng ta thấy trong hình sau đây: 46
Anh_001
Tòa Án Hải Phòng Xét Xử Vụ Án Gián Ðiệp Tháng 4-1965 (Xuất xứ của ảnh: Lấy từ sách “Spies and Commandos,” tr. 13)
Trong thập niên 1960, VNCH, với sự yểm trợ tích cực về tài chánh và kỹ thuật của CIA, đã gửi nhiều điệp viên và các toán biệt kích ra Miền Bắc với mục đích thực hiện một số công tác về thu thập tin tức, tuyển mộ điệp viên, và phá hoại. Cơ quan của VNCH hợp tác với CIA trong kế hoạch này là một đơn vị tình báo lúc đầu trực thuộc Phủ Tổng Thống dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Lê Quang Tung (sau thăng lên cấp Ðại Tá, Chỉ Huy Trưởng Lực Lượng Ðặc Biệt), với tên gọi thay đổi nhiều lần: Phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống, Phòng 45, Sở Bắc, Sở Khai Thác Ðịa Hình. Sau cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963, Sở Khai Thác Ðịa Hình bị giải tán, và ngày 12-2-1965, Nha Kỹ Thuật được thành lập để đảm nhận công tác tình báo này và được đặt trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. 
Lúc đầu, kế hoạch này chỉ gửi từng điệp viên đơn độc ra nằm vùng tại Miền Bắc (trong ngữ vựng của CIA gọi là các “singletons”). Ðiệp viên đầu tiên được gửi ra Miền Bắc trong kế hoạch này là Phạm Chuyên, một cựu đảng viên Cộng Sản của tỉnh bộ Quảng Ninh, đã từ bỏ đảng và di cư vào Nam. Chuyên được huấn luyện rất kỹ trong hơn 1 năm và sau đó được bí mật đưa ra ém ở Cẩm Phả, trong vùng Vịnh Hạ Long, vào tháng 4-1961, với bí danh là ARES. Nhưng chỉ được hơn 2 tháng thì ARES đã bị bắt. ARES đã hàng địch, trở thành công cụ của địch, và gửi nhiều điện văn về để lừa CIA. Lúc đó CIA vẫn chưa biết sự phản bội của ARES, vẫn tiếp tục chương trình ”singletons” này. Kết quả là, cũng giống như ARES, các “singletons” kế tiếp, với các bí danh HIRONDELLE, HERO, TRITON, ATHENA, đều “biến mất” hết một cách bí mật. Sang năm 1962, tuy vẫn chưa nghi ngờ ARES, CIA đã bắt đầu không còn tin tưởng vào hiệu quả của chương trình “singletons” nữa và bắt đầu chuyển sang chương trình cho các toán biệt kích, từ 3 đến 8 người, nhảy dù xuống Miền Bắc. Riêng về “singleton” ARES, thì từ 1966 CIA đã bắt đầu nghi ngờ và khi họ bố trí cho ARES “trở ra” (exfiltrate) thì ARES không làm theo chỉ thị; lúc đó CIA mới biết chắc ARES đã trở thành công cụ của tình báo BẮc Việt và chấm dứt liên hệ với ARES. Tuy nhiên tình báo Bắc Việt vẫn tiếp tục sử dụng ARES và ARES vẫn tiếp tục gừi điện về cho mãi đến tận năm 1968.47 
Chương trình đưa biệt kích ra Miền Bắc chính thức bắt đầu bằng NSAM 28 (NSAM = National Security Action Memorandum No. 28, ngày 9-3-1961), theo đó Tổng Thống John F. Kennedy (1961-1963) ra chỉ thị cho CIA phát động chiến tranh du kích tại Miền Bắc. Trong tháng 4-1961 xảy ra vụ đổ bộ tại Vịnh Con Heo (Bay of Pigs) ở Cuba do CIA tổ chức bị thất bại nặng nề, Tổng Thống Kennedy mất tin tưởng vào khả năng tổ chức những công tác bán quân sự bí mật của CIA. Cuối tháng 6-1961, một loạt NSAM ra đời (NSAM 55, 56 và 57, cùng ngày 28-6-1961) nhằm chuyển giao loại công tác đó qua cho Bộ Quốc Phòng, với CIA trong vai trò yểm trợ mà thôi.
CIA, thật ra, đã chuẩn bị từ trước. Họ đã tuyển người (tất cả đều là người gốc Miền Bắc), huấn luyện (tại căn cứ huấn luyện ở Long Thành, về sau trở thành Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng) và chuẩn bị cho chuyến xuất phát đầu tiên vào ngày 27-5-1961. Toán biệt kích gồm 4 người này được đặt bí danh là CASTOR, với người chỉ huy là Trung sĩ Hà Văn Chấp, cùng 3 toán viên là Ðinh Văn, Quách Thưởng và Phạm Công Thương,48được thả xuống vùng đồi 828, thuộc tỉnh Sơn La. Người phi công lái chiếc máy bay C-47 chở toán CASTOR đó chính là Tướng Nguyễn Cao Kỳ (lúc đó ông còn mang lon Thiếu Tá và là Chỉ Huy Trưởng Liên Ðoàn Vận Tải của Không Quân VNCH). Toán CASTOR không tồn tại được lâu, họ bị Công An Vũ Trang của Bắc Việt phát hiện, bao vây và đã phải đầu hàng sau 3 ngày. Cũng như với vụ ARES, Bắc Việt cũng giữ kín vụ bắt được toán CASTOR. CIA hoàn toàn không nghi ngờ gì cả và tiếp tục gửi toán thứ nhì gồm 3 người với bí danh là ECHO vào ngày 2-6-1961. Còn tệ hơn toán CASTOR, cả toán ECHO 3 người này đều bị bắt vào ngay hôm sau. CIA không biết là toán ECHO đã bị địch bắt và 12 ngày sau lại gửi toán thứ ba, bí danh DIDO, gồm 4 người thuộc sắc dân thiểu số Thái Ðen, vào Lai Châu. Lần này, phi công của chiếc máy may C-47 vẫn là Thiếu Tá Nguyễn Cao Kỳ. Toán DIDO cũng không may mắn hơn toán ECHO. Họ bị bắt hết tại biên giới Việt-Lào vào khoảng 10 ngày sau. Khoảng hơn một tháng sau ngày toán CASTOR nhảy xuống Sơn La, ngày 29-6-1961, đài tiếp vận BUGS của CIA ở Phi Luật Tân nhận được điện của CASTOR. Không biết CASTOR đã bị bắt và hàng địch, CIA rất vui mừng và thông báo cho CASTOR biết 4 ngày sau sẽ gửi đồ tiếp tế cho CASTOR. Theo kế hoạch, chuyến bay này sẽ lại do Thiếu Tá Nguyễn Cao Kỳ điều khiển nhưng vào giờ chót đã có sự thay đổi và phi công là Trung Úy Phan Thanh Vân. Chiếc C-47 này đã bị đơn vị phòng không của Bắc Việt bắn hạ khi bay ngang không phận của Hòn Né, gần bờ biển của tỉnh Ninh Bình, và rớt trong một khu đồn điền cách bờ biển khoảng 20 km. Tất cả phi hành đoàn đều bị thương, sau đó có 4 người chết vì vết thương quá năng, 3 người còn sống bị đưa ra tòa xét xử vào tháng 11-1961. Ðể tiếp tục đánh lừa CIA và cơ quan tình báo của VNCH về CASTOR, Bắc Việt đã dàn cảnh cho 3 người này khai trước tòa là phi vụ của họ là để tiếp tế cho 1 toán biệt kích trong vùng tỉnh Hòa Bình (chớ không phải cho toán CASTOR ở Sơn La). Phòng 45 của Trung Tá Lê Quang Tung và CIA tin là toán CASTOR vẫn còn là phe ta, chương trình cài biệt kích này đã thành công nên lại tiếp tục gửi các toán biệt kích ra Bắc. Toán biệt kích kế tiếp mang bí danh là EUROPA và gồm 5 người gốc Mường. Lần này, phi cơ được sử dụng là loại C-54, phi công vẫn là ông Kỳ lúc này đã thăng lên cấp Trung Tá. Chiếc C-54 này bay thẳng từ Sài Gòn (không cần phải ghé để được tiếp nhiên liệu như chiếc C-47 của các lần trước) ra Bắc và thả toán EUROPA xuống vùng Hòa Bình. Ngày hôm sau cả toán EUROPA 5 người Mường này đều bị bắt. Lại dùng phương thức cũ, tình báo Bắc Việt lại để cho người của toán EUROPA gửi điện về. CIA và Phòng 45 lại tin là thêm một phi vụ thành công nữa.49 Việc đưa biệt kích ra Bắc lại được CIA tiếp tục với các toán ATLAS (tháng 3-1962), REMUS (tháng 4-1962), TOURBILLON (tháng 5-1962), và EROS (tháng 6-1962), và, cũng như các toán trước, các toán này đều bị Công An Vũ Trang của Miền Bắc phát hiện, truy lùng và bắt giữ hết. 
Kể từ mùa Hè năm 1962, thực thi các NSAM 55, 56 và 57, Chính phủ Hoa Kỳ giao lại công tác này cho Bộ Quốc Phòng, và CIA chỉ còn giữ vai trò yểm trợ mà thôi. Phái bộ quân sự Mỹ tại VN, MACV (thành lập ngày 8-2-1962 thay thế cho MAAG = Military Assistance Advisory Group) cho thành lập đơn vị SOG (lúc đầu mang tên là Special Operations Group, sau đổi tên lại là Studies and Observations Group). Thành viên của SOG hoàn toàn là người tình nguyện, phần lớn thuộc Lực Lượng Ðặc Biệt của quân đội Mỹ. Trong thời gian 1962-1963, VNCH trải qua nhiều xáo trộn chính trị nghiêm trọng. Vì những xáo trộn chính trị này của VNCH, nên mãi đến tháng 4-1964, SOG mới triển khai hoạt động với các đơn vị của cơ quan tình báo mới của QLVNCH là Nha Kỹ Thuật thuộc Bộ Tổng Tham Mưu. 
Vào đầu năm 1963, Sở Khai Thác Ðịa Hình được cải danh thành Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Ðặc Biệt (LLÐB) và vẫn do Ðại Tá Lê Quang Tung chỉ huy. Sau cuộc đảo chánh 1-11-1963, Lực Lượng Ðặc Biệt không còn đảm nhận công tác tình báo nữa. Sở Bắc (Phòng 45 đổi tên) được tách ra khỏi LLÐB, và cải danh thành Sở Khai Thác và trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu (BTTM). Sau đó Sở Khai Thác được đổi tên một lần nữa thành Sở Kỹ Thuật, và ngày 12-2-1965 được nâng cấp lên thành Nha Kỹ Thuật thuộc BTTM,50 với sơ đồ tổ chức như sau:
(Sơ đồ tổ chức này được trình bày dựa trên thông tin lấy ra từ tài liệu trực tuyến Nha Kỹ Thuật, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại địa chỉ Internet )
SoDo_007.jpg
Các công tác của Nha Kỹ Thuật được phân chia cho các cơn vị trực thuộc như sau:
• Sở Công Tác: đóng tại Sơn Trà, Ðà Nẵng; nhiệm vụ của các Ðoàn thuộc Sở này là xâm nhập bằng đường hàng không hay đường bộ vào lòng địch tại Miền Bắc hay các vùng biên giới với Lào và Kampuchia.
• Sở Liên Lạc: đóng tại Sài Gòn; nhiệm vụ của các Chiến Ðoàn (Biệt Kích Lôi Hổ) thuộc Sở này là xâm nhập vào hậu tuyến của địch trong lãnh thổ của VNCH từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam
• Sở Phòng Vệ Duyên Hải: đóng tại Tiên Sa, Ðà Nẵng; Lực Lượng Hải Tuần có trách nhiệm tuần tra, bảo vệ bờ biển, chận bắt tàu bè của địch xâm nhập vùng biển của VNCH; Lực Lượng Biệt Hải có nhiệm vụ huấn luyện và đưa người nhái xâm nhập Miền Bắc với phương tiện của Hải Tuần
• Sở Tâm Lý Chiến: đóng tại Sài Gòn; với nhiệm vụ tổ chức và điều hành hai đài phát thanh Tiếng Nói Tự Do và Gươm Thiêng Ái Quốc hướng về Miền Bắc.
• Sở Không Yểm: đóng tại Sài Gòn; có nhiệm vụ phối hợp các phi đoàn của Không Quân VNCH trong việc thả, rút, liên lạc và hướng dẫn các toán kiệt kích xâm nhập Miền Bắc và hậu phương địch. 
• Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng: đóng tại Long Thành; có nhiệm vụ huấn luyện cho các toán biệt kích.
Sự thành lập Nha Kỹ Thuật của BTTM với đầy đủ tất cả các đơn vị và phương tiện cần thiết cho việc xâm nhập Miền Bắc, với sự yểm trợ tích cực của SOG về phía Hoa Kỳ, thật ra không cải thiện được hiệu quả của công tác này.
Ngay từ cuối năm 1963, vào ngày 20 tháng 11, một cuộc họp hết sức quan trọng đã diễn ra tại Honolulu, Hawaii, với các giới chức cao cấp nhứt của chính phủ Mỹ, gồm Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert S. McNamara, Bộ Trưởng Ngoại Giao Dean Rusk, Thứ Trưởng Ngoại Giao George Ball, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của Tổng Thống Kennedy McGeorge Bundy, Tổng Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương (CINCPAC = Commander-In-Chief, Pacific) Ðô Ðốc Harry D. Felt, Giám Ðốc CIA John McCone, Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Henry Cabot Lodge và Tư Lệnh MACV Ðại Tướng Paul Harkins. Cuộc họp có mục đích thảo luận về việc chuyển giao công tác xâm nhập người của VNCH ra Miền Bắc từ CIA sang cho MACV-SOG. William Colby, cựu Trưởng Trạm CIA tại Sài Gòn, người từng chủ trương, cổ vũ, và đích thân thực hiện công tác này tại VNCH, lúc đó đã thăng cấp và đảm nhiệm chức vụ Trưởng Phân Bộ Viễn Ðông (Far Eastern Division Chief) của CIA, đã được Giám Ðốc CIA McCone chỉ định thuyết trình về công tác gửi người xâm nhập Miền Bắc. Ông đã tỏ ra rất bi quan khi ông cho biết phần lớn các toán biệt kích gửi ra Miền Bắc đều “đã bị bắt hay đã bị giết chết.” Trong phần kết luận, ông nói trắng ra như sau: “It isn’t working, and it won’t work any better with the military in charge.” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Chuyện đó không làm được, và cũng sẽ không làm được gì khá hơn với quân đội lãnh trách nhiệm”).51
Dĩ nhiên, lời cảnh báo này của Colby không được nghe theo và SOG cùng với các đơn vị của Nha Kỹ Thuật thuộc BTTM QLVNCH vẫn tiếp tục việc gửi các toán biệt kích xâm nhập ra Miền Bắc, với kết quả là “đem con bỏ chợ.” Tất cả biệt kích đều bị bắt, bị tra tấn tàn bạo, và bị giam cầm trong các trại lao cải ở Miền Bắc trong hàng chục năm trời. Gia đình của một số biệt kích quân được báo tin là họ đã tử trận, một số được lãnh tiền bồi thường tử tuất. CIA và quân đội Mỹ đã hoàn toàn bỏ rơi họ. Dân quân VNCH hoàn toàn không biết gì hết về số phận của những người lính biệt kích này. Mãi đến sau năm 1975, khi một số sĩ quan QLVNCH đi học tập cải tạo ở Miền Bắc được thả về, kể lại chuyện được gặp các biệt kích quân đó trong các trại cải tạo, dân chúng Miền Nam mới có những thông tin đầu tiên về số phận của các biệt kích quân này. 
Chương trình gửi người xâm nhập Miền Bắc để thực hiện các công tác tình báo của VNCH, trong một thời gian khá dài, với những chi phí rất tốn kém, đã thất bại hoàn toàn. Có 2 lý do chính cho sự thất bại này: 1) VNCH không có được một hạ tầng cơ sở tại Miền Bắc để hỗ trợ cho loại công tác này; và, 2) Hệ thống an ninh của Miền Bắc quá chặt chẽ khiến cho các biệt kích rất dễ bị phát hiện, truy lùng và bắt giữ. 
Miền Bắc Cài Người Hoạt Ðộng Tại Miền Nam

So với VNCH, Miền Bắc có nhiều thuận lợi hơn trong việc cài người ở Miền Nam. Có 2 lý do chính cho việc này: 1) Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, 1945-1954, Việt Minh nắm trọn quyền điều khiển Kháng Chiến; đảng viên Cộng sản có mặt khắp nơi trong Miền Nam; khi Hiệp Ðịnh Genève được ký kết, trong việc tập kết quân đội tại Miền Nam để chuyển ra Bắc, một số khá lớn đảng viên Cộng sản đã nhận được lệnh ở lại Miền Nam; và 2) Phong trào di cư của người Bắc vào Nam trong thời gian 100 ngày sau khi Hiệp Ðịnh Genève được ký kết vào tháng 7-1954 tạo cơ hội quá tốt cho Hà Nội cài người. Ðó là nguồn nhân lực rất quan trọng cho Cộng sản sử dụng trong việc cài người trong dân chúng cũng như bộ máy chính quyền (cả chính trị và quân sự) của VNCH. Phần lớn những người này đã có mặt, sinh sống, và làm việc như mọi người dân khác của Miền Nam, ngay cả trước khi VNCH được thành lập, nên họ đều có một vỏ bọc rất tốt, giúp họ dễ dàng xâm nhập, len lỏi, và “chui sâu, trèo cao” trong guồng máy chánh trị và quân sự của VNCH. Sau đây là một vài nhận vật thật nổi tiếng trong số những người này.
Trong số những người theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp nhưng đã không tập kết ra Bắc mà ở lại Miền Nam nổi tiếng nhất là Phạm Ngọc Thảo.52 Trong thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, ông đã xâm nhập được vào quân đội Miền Nam, được chế độ Ngô Ðình Diệm tin dùng và bổ nhiệm vào chức vụ Tỉnh Trưởng tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre) lúc ông đang mang cấp Trung Tá. Sau tháng 11-1963, ông thăng lên cấp Ðại Tá và đã tham gia vào cuộc đảo chánh ngày 19-2-1965 chống Tướng Nguyễn Khánh nhưng thất bại vì sự chống đối của các tướng trẻ. Sau vụ này ông bỏ trốn nhưng bị bắt và bị giết chết. Mãi đến năm 1987, phe Cộng Sản mới công khai xác nhận ông Thảo là người của họ, truy tặng ông cấp bậc Ðại Tá của Quân Ðội Nhân Dân và danh hiệu Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân. 

Phạm Ngọc Thảo
Phạm Ngọc Thảo-1965
Trong số những người Cộng sản lợi dụng phong trào di cư năm 1954 để vào Nam hoạt động nổi tiếng nhất phải kể đến Vũ Ngọc Nhạ, đảng viên Cộng sản từ năm 1947. Tên thật là Vũ Xuân Nhã, sinh ngày 30-3-1928 tại Thái Bình, Bắc Việt, xuất thân từ một gia đình theo Công giáo, sinh sống trong vùng Phát Diệm nổi tiếng chống Cộng dưới sự lãnh đạo của Giám Mục Lê Hữu Từ, bản thân có theo học mấy năm ở một chủng viện, và đã theo làn sóng người Công giáo di cư vào Nam sau Hiệp Ðịnh Genève 1954, và sau đó lại được Linh Mục Hoàng Quỳnh đỡ đầu, Vũ Ngọc Nhạ đã thoát được không bị kết án sau khi bị Ðoàn Công Tác Ðặc Biệt Miền Trung của Ngô Ðình Cẩn phát hiện và bắt giam tại Huế vào tháng 12-1958. Một thời gian sau, cũng lại với cái vỏ bọc Công giáo đó, cùng với bài viết vào cuối năm 1959 “Bốn nguy cơ đe dọa chế độ” dự đoán sẽ có đảo chánh và sau đó có đảo chánh xảy ra thật sự vào ngày 11-11-1960, Nhạ đã được Ngô Ðình Cẩn tin dùng và sau đó giới thiệu cho hai người anh là Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và Cố Vấn Ngô Ðình Nhu. Nhạ được hai anh em họ Ngô giao cho nhiệm vụ liên lạc với khối Công giáo di cư nhưng chưa lập được thành tích gì thì chế độ nhà Ngô sụp đổ. Sau đảo chánh 1-11-1963, Nhạ tiếp tục làm việc với cha Hoàng Quỳnh, và sau đó được cha Hoàng Quỳnh giới thiệu với Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu. Nhạ lại được Tướng Thiệu sử dụng trong việc móc nối với khối Công giáo. Khi Tướng Thiệu trở thành Tổng Thống, Nhạ thường được Tổng Thống Thiệu tham khảo về một số vấn đề chính trị có liên quan đến khối Công giáo. Nhạ được lệnh của Hà Nội tổ chức 1 cụm tình báo chiến lược với bí danh A-22, trong đó có Huỳnh Văn Trọng, lúc đó chính thức là Cố Vấn của Tổng Thống Thiệu. Cụm A-22 gồm một số những người đã từng bị Ðoàn Công Tác Ðặc Biệt Miền Trung phát hiện và giam giữ tại Huế. Ðây là một sơ hở của Nhạ khiến cho CIA phát hiện được cụm A-22 và lập hồ sơ chuyển giao cho Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam. Giữa tháng 7-1969, tất cả 42 người hoạt động cho Cụm A-22 đều bị bắt và đưa ra toà xét xử vào tháng 11-1969. Ðây là một vụ án gián điệp rất nghiêm trọng gây chấn động trong chính trường của VNCH vì các bị cáo đều là người có chức vụ khá cao trong chính phủ như sau:
• Vũ Ngọc Nhạ: “cố vấn” bán chính thức của Tổng Thống Thiệu
• Huỳnh Văn Trọng: cố vấn về đối ngoại của Tổng Thống Thiệu
• Vũ Hữu Ruật: Tổng Thư Ký của Ðảng Dân Chủ, Thành bộ Sài Gòn
• Lê Hữu Thúy: Công Cán Ủy Viên Bộ Thông Tin – Chiêu Hồi
• Nguyễn Xuân Hòe, Công Cán Ủy Viên Phủ Tổng Thống
• Hoàng Hồ, Dân Biểu Quốc Hội (đã bỏ trốn; sau đó Quốc Hội đã bỏ phiếu truất quyền) 
1427
Huỳnh Văn Trọng ( giữa ) và Vũ Ngọc Nhạ đùa vui sau khi lãnh án 20 năm
Vũ Ngọc Nhạ bị kết án tù chung thân và đưa ra Côn Ðảo. Năm 1973, sau Hiệp Ðịnh Paris, Nhạ được trao trả cho Cộng sản. Sau năm 1975, Nhạ công tác tại Cục 2 (cơ quan phụ trách tình báo của Việt Nam) với cấp bậc Thượng Tá và sau đó thăng lên Ðại Tá. Năm 1988, Nhạ được thăng cấp Thiếu Tướng. Nhạ mất ngày 7-8-2002 tại Thành phố Hồ Chí Minh.53
phamxuanan
Nhà báo Phạm Xuân Ẩn
Người điệp viên nổi tiếng nhất của Miền Bắc hoạt động tại Miền Nam là Phạm Xuân Ần. Khác với Phạm Ngọc Thảo và Vũ Ngọc Nhạ, Ần đã tạo được kỳ tích là hoạt động trong suốt mấy chục năm mà hoàn toàn không bị phát hiện hay tạo ra nghi ngờ gì cả trong giới tình báo Hoa Kỳ và VNCH. Ần sinh ngày 12-9-1927 tại Biên Hòa, học tiểu học tại Trường Tiểu học Marc Ferrando ở Sài Gòn, học trung học ở Cần Thơ. Năm 1954 ông bị động viên và làm việc cho quân đội Pháp một thời gian. Ông là điệp viên duy nhứt của Miền Bắc đã từng du học 2 năm (1957-1959) về ngành báo chí tại Ðại Học Cộng Ðồng Orange Coast College, thuộc thành phố Costa Mesa, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Nhờ vào đó, ông là một trong số rất ít người Việt Nam được nhận làm phóng viên cho các hãng truyền thông Anh Mỹ như Reuters, Time, Christian Science Monitor. Nhờ vỏ bọc này, Ần đã có giao thiệp rộng rãi với các nhà báo Mỹ, qua đó tạo được quan hệ rất tốt với nhiều giới chức Mỹ-Việt, và nhờ vậy đã cung cấp được cho Hà Nội nhiều tin tức tình báo chiến lược rất quan trọng. Sau năm 1975, ông được phong Thiếu Tướng, và được ban danh hiệu Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân. Ông mất ngày 20-9-2006 tại Thành phố Hồ Chí Minh.54 Cuộc đời ông đã được ghi lại trong một cuốn sách thuộc loại bán chạy nhất (Best-seller) tại Hoa Kỳ của tác giả Giáo sư Chính Trị Học Larry Berman thuộc Ðại Học California, Davis với nhan đề là: Perfect spy: the incredible double life of Pham Xuan An, Time Magazine reporter and Vietnamese Communist agent (New York: Smithsonian Books, 2007; 328 tr.). 
Một điều cũng đáng được lưu ý là cả 3 điệp viên nổi tiếng này của Miền Bắc, Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Xuân Ần, sau khi qua đời, đã được an táng gần nhau trong cùng nghĩa trang Lạc Cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài 3 điệp viên nổi tiếng trên mà phần đông mọi người đều có nghe nói đến, cũng nên kể đến một điệp viên thứ tư, ít người biết, là điệp viên H3, là một hạ sĩ quan, tên Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1933, tại Hưng Yên, vào Nam sinh sống từ lúc còn nhỏ), làm việc ngay trong văn phòng của Ðại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH. Sau năm 1975, H3 được phong quân hàm Ðại Tá, và ban danh hiệu Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân. (Sẽ đề cập đến H3 trong phần bên dưới của bài viết).
Nói chung, nhờ có được nhiều điều kiện thuận lợi hơn, Miền Bắc tương đối thành công hơn Miền Nam trong việc cài người xâm nhập vào hệ thống chính trị và quân sự của đối phương.
Tình Báo Trong Một Số Trận Ðánh Quan Trọng 
Trong suốt thời gian khoảng trên dưới 20 năm chiến tranh đó, hệ thống tình báo của cả 2 phe đã hoạt động rất tích cực và đạt hiệu quả khá cao nhưng vẫn không tránh khỏi có những thất bại rất nghiêm trọng. Phần này của bài viết cố gắng tìm hiểu, phân tích và đánh giá các hoạt động tình báo của cả 2 phe trong 2 trận đánh quan trọng và tiêu biểu của 2 giai đoạn trong Chiến tranh Việt Nam: 1) Cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân (tháng 2-1968) của giai đoạn có quân Mỹ tham chiến; và 2) Trận Ban Mê Thuột (tháng 3-1975) sau Hòa Ðàm Paris và quân Mỹ đã rút khỏi Miền Nam. 
Trận Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân (Tháng 2-1968)

Trận Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân bắt đầu vào ngày 31-1-1968 (mùng 2 Tết Mậu Thân) trên khắp các thành phố của VNCH là một bất ngờ rất lớn trong cuộc chiến tranh vì cả 2 phe lâm chiến đều đã đồng ý hưu chiến 3 ngày trong thời gian Tết. Phần lớn quân nhân, công chức của VNCH đều được nghỉ phép để về quê ăn Tết với gia đình (kể cả Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng về ăn Tết ở quê vợ là Mỹ Tho). Việc không tiên đoán được cuộc tấn công với quy mô lớn như vậy của phe Cộng Sản là một thất bại rất lớn về tình báo của cả VNCH và Hoa Kỳ. Câu hỏi cần phải đặt ra là tại sao VNCH và Hoa Kỳ, với một hệ thống tình báo to lớn, đầy đủ và tinh vi như vậy mà không phát hiện được sự chuẩn bị của phe Cộng sản cho cuộc tổng tấn công này. Ðể có thể trả lời câu hỏi quan trọng này, chúng ta cần phải tìm hiểu những diễn biến trong cuộc chiến từ sau khi Hoa Kỳ đưa quân bộ chiến vào Miền Nam từ tháng 3-1965.
Sau cuộc đổ bộ của 5.000 Thủy Quân Lục Chiến vào Ðà Nẵng ngày 8-3-1965, quân số Mỹ tại Miền Nam đã gia tăng một cách vô cùng nhanh chóng: 55
• Cuối năm 1965: tổng số quân Mỹ là184.300
• Cuối năm 1966: tổng số quân Mỹ là 385.300 
• Cuối năm 1967: tổng số quân Mỹ là 485.600 
Trong mùa khô 1966-1967, trong chiến lược “lùng và diệt địch” (search and destroy) của Tướng Tư Lệnh MACV Westmoreland, quân đội Mỹ đã tổ chức ít nhứt là 5 cuộc hành quân lớn (cấp sư đoàn) tấn công vào các mật khu, căn cứ an toàn, và các trung tâm hậu cần của phe Cộng sản: 56
• Hành quân Attleboro: tại Dầu Tiếng (Tây Ninh), từ ngày 14-9 đến ngày 24-11-1966
• Hành quân Paul Revere IV: tại Thung lũng Plei Trap (phía Tây Pleiku, gần khu vực ba biên giới), từ ngày 20-10 đến ngày 30-12-1966
• Hành quân Thayer II: tại BÌnh Ðịnh, từ ngày 25-10-1966 đến ngày 12-2-1967
• Hành quân Cedar Falls: trong khuTam Giác Sắt (Bến Cát, tỉnh Bình Dương ), từ ngày 8 đến 26-1-1967
• Hành quân Junction City: trong Chiến Khu C (Tây Ninh, nơi đóng tổng hành dinh của TUC), từ ngày 22-2 đến ngày 14-5-1967 (đây là cuộc hành quân trực thăng vận Việt-Mỹ lớn nhứt trong Chiến tranh Việt Nam, với tổng số 25.000 quân tham chiến) 
Các cuộc hành quân này, cùng với rất nhiều những cuộc hành quân khác của QLVNCH và các quân đội đồng minh trong thời gian 1966-1967 đã gây thiệt hại rất nặng nề về quân số (cả Việt cộng và Bắc Việt), tổ chức (mật khu, khu an toàn), và hậu cần (lương thực, vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng) của phe Cộng sản. Tổng hành dinh của TUC (COSVN) trong Chiến Khu C phải dời sang lãnh thổ của Kampuchia. Tinh thần cán bộ, binh sĩ Cộng sản bị dao động, sa sút rất nghiêm trọng; điều này thể hiện rất rõ trong các quyển nhật ký của binh sĩ Bắc Việt tịch thu được trong các cuộc hành quân Việt-Mỹ. Số cán binh Cộng sản về hồi chánh cũng gia tăng lên rất nhiều. 
Về mặt an ninh lãnh thổ của VNCH, chương trình bình định (Pacification) trong các vùng nông thôn cũng đang tạo được nhiều thành quả đáng kể từ giữa năm 1967 với những số thống kê như sau: 
• 67% dân chúng sinh sống trong các vùng do chính phủ VNCH kiểm soát
• 222 quận (trong tổng số 242) được xem là có an ninh
• 8.650 ấp (trong tổng số 12.600) đã được bình định xong
Robert W. Komer (1922-2000), đứng đầu Chương trình CORDS (Civil Operations and Revolutionary Development Support) của MACV phụ trách về bình định (gồm cả Chương trình Phượng Hoàng—Phoenix Program—với mục tiêu là tiêu diệt hạ tầng cơ sở của Mặt Trận Giải Phóng—VCI = Viet Cong Infrastructure), đã lạc quan báo cáo về tình hình Chiến tranh Việt Nam cho Tổng Thống Johnson vào ngày 28-2-1967 như sau: “…wastefully, expensively, but nonetheless indisputably, we are winning the war in the South.” 57 (xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “…phí phạm, tốn kém nhưng không thể chối cãi được, chúng ta đang thắng cuộc chiến tại Miền Nam”). 
Cũng trong thời gian này, về phương diện chính trị, VNCH đã vượt qua được thời kỳ hỗn loạn và đã thành công tạo được sự ổn định với Hiến Pháp 1967 đưa đến việc thành lập của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa vào cuối năm 1967.58
Tất cả các điều này đã tạo ra cho các cấp lãnh đạo Việt-Mỹ (kể cả các cấp lãnh đạo về tình báo) một tinh thần lạc quan quá trớn đưa đến sai lầm trong nhận định và đánh giá về quyết tâm và khả năng của phe Cộng sản.
Việc tiến hành cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân đã được lãnh đạo của Ðảng Lao Ðộng Việt Nam quyết định tại Hà Nội trong phiên họp của Bộ Chính Trị vào ngày 7-7-1967,59 và ngày khởi sự cuộc tấn công đã được định là ngày 29-1-1968, tức là ngày Mùng 1 Tết Mậu Thân, sau đó được dời lại một ngày, là ngày 30-1-1968, tức là Mùng 2 Tết Mậu Thân.60 Như vậy, VNCH và Hoa Kỳ đã có một khoảng thời gian gần 7 tháng mà vẫn không tiên đoán được về cuộc tấn công và hoàn toàn bị bất ngờ. Có đúng thật là hệ thống tình báo của VNCH và Mỹ đã hoàn toàn bất lực? Sự thật không phải như vậy. Cả VNCH và Hoa Kỳ đều có nắm được một số tin tình báo về cuộc tấn công này.
Về phía VNCH, Phòng 2 BTTM QLVNCH đã nhận được một số tin tức và tài liệu của phe Cộng sản như sau: 61 
• Tháng 3-1967: một tài liệu tịch thu được của Công Trường 5 (tức là Sư Ðoàn 5 của Việt Cộng) về một kế hoạch tấn công vào Sài Gòn
• Ðầu tháng 10-1967: tài liệu học tập về Nghị Quyết 13 của Trung Ương Ðảng Lao Ðộng Việt Nam, kêu gọi thực hiện một cuộc tổng tấn công để đạt chiến thắng nhanh chóng 
• Cũng trong tháng 10-1967: một tài liệu của Chiến Trường B-3 (mật danh của phe Cộng sản để chỉ vùng Cao Nguyên Trung Phần của VNCH), tịch thu được tại Dakto, đề cập đến những chuẩn bị với quy mô lớn cho Chiến dịch Ðông-Xuân 1968
• Cuối tháng 11-1967: một tài liệu đề ngày 1-9-1967, với tựa đề “Sứ mạng mới, công tác mới,” đề cập đến một cuộc tấn công lớn cùng với một cuộc tổng nổi dậy của dân chúng với tên tắt là “TCK-TKN” (viết tắt cho cụm từ Tổng Công Kích-Tổng Khởi Nghĩa) 
• Một số tài liệu lẻ tẻ đề cập đến cách tác chiến trong thành phố, một hình thức chiến thuật trước kia không bao giờ được đề cập đến trong các tài liệu tịch thu được
Như vậy, rõ ràng là tình báo VNCH có nắm được một số tin về ý đồ của phe Cộng sản cho một cuộc tấn công quy mô lớn vào các thành phố của VNCH. Vậy tại sao các cấp lãnh đạo của hệ thống tình báo VNCH đã không khuyến cáo chính phủ để chuẩn bị đối phó với cuộc tổng tấn công đó khiến cho VNCH hoàn toàn bị bất ngờ. Có hai lý do chính: 1) Cũng cùng tâm trạng lạc quan như các cấp lãnh đạo chính trị và quân sự, giới lãnh đạo tÌnh báo VNCH không tin là phe Cộng sản, trong tình trạng sa sút tinh thần trầm trọng của cán binh và sự thiệt hại nặng nề về vật chất (quân số, tiếp liệu, vv) trong các năm 1966-1967, có thể thực hiện nổi một cuộc tổng tấn công như vậy; nhận định và đánh giá của giới tình báo VNCH là: “Địch có ý đồ nhưng không có khả năng.” Giới tình báo VNCH tin rằng ngay như nếu họ có báo động thì các cấp lãnh đạo quân sự cũng sẽ không tin.62 2) Nhận định và đánh giá vừa kể cũng dựa trên tin tưởng là địch vẫn còn trong Giai đoạn 1 của Chiến lược mà họ đã theo đuổi từ lâu. Chiến lược này đã từng được áp dụng rất thành công trong Kháng chiến chống Pháp (1946-1954), nên lại được áp dụng một lần nữa trong cuộc chiến tranh này và gồm 3 giai đoạn: 1) Giai đoạn 1: Phòng ngự, 2) Giai đoạn 2: Chuẩn bị tổng tấn công, và 3) Giai đoạn 3: Tổng tấn công. Giới tình báo VNCH không tin là phe Cộng sản có khả năng tiến thẳng từ giai đoạn 1 sang ngay Giai đoạn 3
Về phía Hoa Kỳ, cách nhận định và đánh giá tin của giới tình báo có phần hơi khác với phía VNCH. Thời gian 7 tháng (từ ngày 7-7-1967 cho đến 30-1-1968) có thể chia làm 2 giai đoạn:
• Từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 11-1967: giới tình báo Hoa Kỳ, đồng quan điểm với giới tình báo VNCH, tin rằng phe Cộng sản vẫn còn trong Giai đoạn 1, nghĩa là không tin vào khả năng hiện thực của cuộc tổng tấn công
• Từ đầu tháng 12-1967: giới tình báo Hoa Kỳ, dựa trên những tin tức mới, đã tin là kế hoạch tổng tấn công của phe Cộng sản là có thật và họ đã có tiến hành việc chuẩn bị đối phó với cuộc tổng tấn công này

Chúng ta cố gắng tìm hiểu xem mọi việc đã xảy ra như thế nào về phía Hoa Kỳ trong giai đoạn từ đầu tháng 12-1967 trở đi.
Trước hết, trong tháng 12-1967, tình báo Hoa Kỳ đã ghi nhận một số lượng xe vận tải rất lớn di chuyển dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh: 6.313, so với 3.823 trong tháng 11-1967.63 Cũng trong tháng này, tình báo Hoa Kỳ, cả CIA lẩn J2-MACV, đều ghi nhận việc sử dụng nhiều loại vũ khí mới trong các đơn vị quân Cộng sản, như AK-47, RPG-7 (tức là súng phóng lựu chống xe tăng B-40), súng phóng hỏa. J2-MACV cũng phát hiện một số sư đoàn chủ lực của Bắc Việt, là các Sư Ðoàn 2, Sư Ðoàn 325, và Sư Ðoàn 304 (Sư Ðoàn 304 là sư đoàn đã từng tham gia trận Ðiện Biên Phủ vào năm 1954) tập trung lại chung quanh căn cứ Khe Sanh trong Vùng I. Tất cả những diễn tiến này khiến cho Tướng Westmoreland, Tư Lệnh MACV, tin rằng phe Cộng sản sẽ đánh lớn tại Vùng I và cuộc tấn công này sẽ xảy ra trong tháng 1-1968. Ông cũng nghĩ rằng phe Cộng sản cũng sẽ tấn công khắp lãnh thổ VNCH nhưng đó chỉ là nghi binh, để đánh lừa vì mục tiêu chính của cuộc tổng tấn công này sẽ là tại Vùng I, dọc theo Khu Phi Quân Sự, với trọng điểm là chung quang căn cứ Khe Sanh, và ông cũng không tin là phe Cộng sản sẽ tấn công vào Thủ đô Sài Gòn, và vì vậy ông đã đồng ý giao lại trách nhiệm bảo vệ Sài Gòn từ một đơn vị Hoa Kỳ cho Liên Ðoàn 5 Biệt Ðộng Quân của QLVNVCH tại một buổi lễ vào ngày 20-12-1967. Sau đó, ông đích thân bay ra Vùng I để thị sát và thảo luận với Thiếu Tướng Robert E. Cushman, Jr., Tư Lệnh Lưc Lượng Thủy Bộ số 3 của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ (3rd Marine Amphibious Force, 3rd MAF), về việc phòng thủ dọc theo Khu Phi Quân Sự mà nếu cần, ông sẽ cho tăng cường thêm cả Sư Ðoàn 1 Kỵ Binh Không Vận (1st Cavalry Division, phe Cộng sản thường gọi là Sư Ðoàn 1 Anh Cả Ðỏ).64 Sự tin tưởng về trọng điểm của cuộc tổng tấn công sắp đến của phe Cộng sản của Tướng Westmoreland xuất phát từ suy nghĩ của ông về Chiến tranh Việt Nam và dựa trên kết quả của các chiến lược mà ông đã áp dụng: “lùng và diệt địch” (search and destroy), và “hao mòn” (attrition) từ năm 1965. Ṓng tin rằng Bắc Việt quyết lòng đánh bại chiến lược tạo ra phòng tuyến bao che (shield strategy) mà ông đã xây dựng dọc theo biên giới của VNCH và đặc biệt là dọc theo phía Nam Khu Phi Quân Sự (vĩ tuyến 17) để ngăn chận sự xâm nhập của quân Bắc Việt vào Miền Nam. Căn cứ quan trọng của lực lượng Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ tại thung lũng Khe Sanh đóng một vai trò khá giống căn cứ Ðiện Biên Phủ của Pháp vào năm 1954. 
Ngày 30-12-1967, Ngoại Trưởng Bắc Việt Nguyễn Duy Trinh tuyên bố tại một buổi tiếp tân của Bộ Ngoại Giao tại Hà Nội là việc ngưng oanh tạc Bắc Việt sẽ đưa đến thương thuyết giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt. Ðây là một thay đổi quan trọng trong lập trường của Bắc Việt về thương thuyết vì trước kia họ chỉ nói là việc Hoa Kỳ ngưng oanh tạc có thể đưa đến việc thương thuyết. Ðiều này càng củng cố thêm sự tin tưởng của Tướng Westmoreland là Bắc Việt (qua sắp xếp của Tướng Võ Nguyên Giáp) đang tìm cách chơi lại ván bài mà họ đã chơi và thắng trong Hội Nghị Genève năm 1954, với Khe Sanh sẽ đóng vai trò Ðiện Biên Phủ trong ván bài lần này. Hai hôm sau, ngày 1-1-1968, Ðài Phát Thanh Hà Nội lập lại lời tuyên bố của Ngoại Trưởng Trinh, cho thấy đây quả thật đã trở thành lập trường chính thức của Bắc Việt. 
Qua tháng 1-1968, rõ ràng có những hoạt động của quân Bắc Việt nhắm vào Khe Sanh. Vào đêm 2-1-1968, TQLC Mỹ đi tuần tra đã bắn chết một số quân Bắc Việt (trong số này phát hiện có một sĩ quan Trung Ðoàn Trưởng) đang thám thính gần căn cứ hỏa lực tại Khe Sanh. Tướng Cushman tin rằng đó là bằng cớ chứng tỏ quân Bắc Việt sẽ tấn công Khe Sanh. 
Vì định kiến này, các cấp lãnh đạo tình báo và quân sự Hoa Kỳ đã coi nhẹ và bỏ qua rất nhiều tin tức liên quan đến các hoạt động quân sự của phe Cộng sản nhằm chuẩn bị cho cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân trong tháng 1-1968 như các vụ sau đây: 65
• Ngày 3-1-1968, J2-MACV đã có báo cáo về việc khám phá vụ chôn dấu vũ khí của Việt Cộng trong một nghĩa địa trong vùng ngoại ô Sài Gòn.
• Ngày 4-1-1968, QLVNCH khám phá một hầm chôn dấu vũ khí quan trọng tại Ðịnh Tường (Vùng IV), trong số này có cả 55 quả đạn bích kích pháo 55mm là loại vũ khí chưa từng được VC sử dụng trong Vùng IV; sau đó một cán bộ VC chỉ huy một đại đội vận tải bị bắt đã khai báo và hướng dẫn QLVNCH tìm thêm được 41 địa điểm chôn dấu vũ khí nữa trong vùng.
• Cũng trong ngày 4-1-1968, J2-MACV đã có báo cáo về việc một toán đặc công VC toan xâm nhập vào khu vực tổng hành dinh của MCV tại Tân Sơn Nhất bằng cách xin công việc làm tại sân bay.
• Ngày 5-1-1968, J2-MACV cũng có báo cáo về một tài liệu tịch thu được tại Pleiku mang tựa đề “Lệnh Tác Chiến Khẩn Cấp Số 1”; ngoài kế hoạch tấn công Pleiku, tài liệu còn bao gồm cả chỉ thị cho cán bộ trong việc kêu gọi dân chúng nổi dậy.
• Ngày 9-1-1968, tình báo Mỹ cũng tịch thu được một tài liệu trình bày việc tổ chức lại hệ thống chỉ huy của VC. 
Giới tình báo Mỹ chỉ thật sự quan tâm khi được giới tình báo VNCH cho biết họ thật sự rất lo lắng về tin VC đã có kế hoạch khủng bố lớn nhắm vào người Mỹ (cả dân sự lẩn quân sự) sinh sống và làm việc tại Sài Gòn.66 
Cho đến gần cuối tháng 1-1968, Tướng Westmoreland vẫn còn giữ nguyên định kiến của ông về ý đồ của phe Cộng Sản. Trong báo cáo đề ngày 22-1-1968 gửi cho Ðô Ðốc Ulysses S. Grant Sharp, Jr. (Tổng Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Thái BÌnh Dương, CINCPAC = Commander-In-Chief, Pacific, cấp chỉ huy trực tiếp của Tướng Westmoreland) và Ðại Tướng Earle G. Wheeler (Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ = Chairman of the Joint Chiefs of Staff), Tướng Westmoreland báo cáo như sau: “I believe that the enemy will attempt a country-wide show of strength just prior to Tet, with Khe Sanh being the main event. In II Corps, he will probably attack Pleiku and Kontum cities, and I expect attacks on the Special Forces camps at Da Seang, Duc Co, and Dak To. In III and IV Corps, province towns are likely targets for renewed attacks by fire. Terrorism will probably increase in and around Saigon.” 67 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Tôi tin rằng địch quân sẽ cố gắng thực hiện một cuộc biểu dương lực lượng trên toàn quốc trước Tết, với Khe Sanh là biến cố chánh. Tại Vùng II, có thể địch quân sẽ tấn công các thành phố Pleiku và Kontum, và tôi cũng nghĩ là họ sẽ tấn công các trại Lực Lượng Ðặc Biệt tại Dak Seang, Ðức Cơ và Ðắc Tô. Tại Vùng III và IV, các tỉnh lỵ có thể lại là mục tiêu cho các cuộc pháo kích. Hoạt động khủng bố có thể sẽ gia tăng tại Sài Gòn và các vùng phụ cận.”) 
Trong các ngày 23-26 tháng 1-1968, J2-MACV liên tục nhận được tin về các hoạt động khủng bố của địch nhắm vào thành phố của VNCH, đặc biệt là thủ đô Sài Gòn. Sáng ngày 27-1-1968, Tướng Davidson, J2-MACV, báo cáo tình hình cho Tướng Westmoreland, tiên đoán VC sẽ có tấn công lớn trên toàn quốc, và ông đặc biệt nêu tên 2 thành phố Pleiku và Kontum.68 Sáng sớm ngày 30-1-1968, tức Mùng Một Tết Mậu Thân, VC tấn công cùng một lúc 6 thị trấn tại các tỉnh Miền Trung. Ngay buổi sáng hôm đó, lúc 7 giờ, Tướng Davidson lập tức báo cáo cho Tướng Westmoreland về các cuộc tấn công này và tiên đoán VC sẽ tái diễn các cuộc tấn công này trên tất cả các vùng còn lại trên khắp lãnh thổ VNCH vào tối hôm đó. Tướng Westmoreland hoàn toàn đồng ý và lập tức ra lệnh báo động và thông báo cho tư lệnh các đơn vị quân Mỹ về khả năng địch sẽ tấn công lớn vào đêm đó.69
Kết luận: Về phương diện tình báo, đối với cả VNCH và Hoa Kỳ, việc không tiên đoán được cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân của phe Cộng Sản, không thể chối cãi được, là một thất bại hết sức nghiêm trọng. 
Về phía VNCH, rõ ràng là các cơ quan tình báo đã có nắm được một số tin tức khá rõ ràng liên quan đến kế hoạch của cuộc Tổng Tấn Công này nhưng việc phân tích, nhận định, và đánh giá tin của các cấp chỉ huy tình báo đã không chính xác, chủ yếu dựa vào sự lạc quan, tin tưởng là địch tuy có ý đồ nhưng không có khả năng thực hiện một cuộc tấn công với quy mô trên cả nước như thế. Nhờ thất bại này, giới tình báo VNCH đã học được một bài học lớn về quyết tâm của địch và vì vậy đã tiên đoán được rất chính xác đợt tấn công lần thứ hai vào Sài Gòn của VC vào tháng 5-1968. 
Về phía Hoa Kỳ, Hội Ðồng Cố Vấn Tình Báo Hải Ngoại của Tổng Thống (President’s Foreign Intelligence Advisory Board, viết tắt là PFIAB) đã thiết lập một ủy ban cấp cao để điều tra về công tác tình báo trong thời gian trước cuộc tấn công. Báo cáo của ủy ban, gồm 9 trang, với tựa đề là “Intelligence warning of the Tet Offensive in South Vietnam,” được hoàn thành trong tháng 4-1968. Trong phần kết quả điều tra (General Findings), ủy ban đưa ra một số kết luận như sau: “Although warning had thus been provided, the intensity, coordination, and timing of the enemy attack were not fully anticipated. … A second major unexpected element was the number of simultaneous attacks mounted. … Underlying these specific problems was a more basic one: most commanders and intelligence officers, at all levels, did not visualize the enemy as capable of accomplishing his stated goals as they appeared in propaganda and in captured documents. Prevailing estimates of attrition, infiltration, and local recruitment, reports of low morale, and a long series of defeats had degraded our image of the enemy. The general picture presented was an enemy unable to conduct an offensive of such scope and intensity.” 70 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Mặc dù đã có những báo động, cường độ, phối hợp, và thời điểm của cuộc tấn công của địch đã không hoàn toàn được dự đoán trước. … Một yếu tố quan trọng nữa đã không được đoán trước là con số những cuộc tấn công sẽ được thực hiện cùng một lúc. … Bên dưới những vấn đề cụ thể đó là một vấn đề căn bản hơn: phần lớn các cấp chỉ huy và các sĩ quan tình báo, ở tất cả mọi cấp, đã không hình dung ra được là địch quân có khả năng hoàn thành được những mục tiêu đề ra mà chúng đã tuyên truyền hay trong các tài liệu tịch thu được. Những ước lượng về địch quân đang thịnh hành về các mặt hao mòn, xâm nhập, và tuyển mộ tại địa phương, các báo cáo về việc xuống tinh thần, và một chuỗi dài những thất trận của họ đã làm cho chúng ta xem thường địch quân. Hình ảnh tổng quát được trình bày cho chúng ta là một địch quân không có khả năng thực hiện một cuộc tấn công với tầm vóc và cường độ như thế.”). Tướng Davidson, Trưởng J2-MACV trong thời gian Trận Mậu Thân, cho biết ông đồng ý với kết quả điều tra của ủy ban này, nhưng quan điểm của ông có khác biệt về mức độ. Ông cho rằng yếu tố quan trọng nhất trong bất ngờ về chiến thuật không phải là thời điểm của cuộc tấn công, mà là ở điểm địch quân đã tấn công vào quá nhiều thành phố và vào cùng một thời điểm.71 
Về phía phe Cộng sản, họ đã thành công trong việc tạo được bất ngờ nhờ họ đã rất tích cực trong các công tác bảo mật và phản gián (đánh lừa đối phương). Phe Cộng sản hiểu rất rõ là để có thể thành công trong kế hoạch tổng tấn công này họ phải giữ bí mật tuyệt đối về ngày giờ tấn công và địa điểm tấn công. Và họ đã làm được tốt công tác này trong cả hai lãnh vực bảo mật và đánh lừa đối phương. Trong lãnh vực bảo mật, vì tất cả các cấp chỉ huy quân sự của VC và quân Bắc Việt đều là đảng viên cộng sản, việc bảo mật không phải là một vấn đề vì họ đã quá quen thuộc với việc này. Mặc dù vậy, chỉ có cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên mới được học tập đầy đủ về kế hoạch này. Vì thế, nhân viên Việt-Mỹ của Chiến địch Phượng Hoàng ở khắp lãnh thổ của VNCH, nhưng chủ yếu nhắm vào hạ tầng cơ sở của VC, đã không phát hiện được kế hoạch này. Trong lãnh vực đánh lừa đối phương, phe Cộng sản đã thực hiện một số công tác quan trọng: 1) dùng chiêu bài hưu chiến trong thời gian Tết; 2) tấn công một số tiền đồn và căn cứ Việt-Mỹ ở biên giới, và, đặc biệt đe dọa căn cứ Khe Sanh của TQLC Mỹ; và, 3) dùng đòn ngoại giao của Ngoại Trưởng Nguyễn Duy Trinh để cho chính phủ Mỹ nghĩ và tin rằng họ đã không còn chịu đựng nổi việc oanh tạc liên tục của Hoa Kỳ và đã muốn thương thuyết.

Trận Ban Mê Thuột (Tháng 3-1975)
Trận Ban Mê Thuột diễn ra chỉ trong khoảng 1 tuần lễ ngắn ngủi (từ ngày 10-3 đến ngày 18-3-1975) nhưng có tầm vóc hết sức quan trọng trong cuộc chiến kéo dài gần 20 năm. Nó mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên của phe Cộng sản trực tiếp đưa đến quyết định tai hại của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu triệt thoái khỏi Vùng II và gián tiếp tạo ra sự sụp đổ của VNCH vào cuối tháng 4-1975.
Sau khi mất tỉnh Phước Long (vào đầu tháng 1-1975, mà chính quyền VNCH quyết định bỏ luôn, không tìm cách đánh chiếm lại như đối với tỉnh Quảng Trị trong Mùa Hè 1972), các nhà lãnh đạo quân sự của VNCH đều nghĩ và tin rằng phe Cộng sản sẽ tấn công mạnh ở Vùng II, tại Cao Nguyên Trung Phần. 
Thật ra, ngay từ trước khi xảy ra trận Phước Long, vào 2 ngày 9-10 tháng 12-1974, trong cuộc họp của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia, diễn ra tại Dinh Ðộc Lập dưới sự chủ tọa của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, để thảo luận về kế hoạch phòng thủ cho năm 1975, Ðại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH đã tiên đoán là Cộng sản sẽ không tiến hành một cuộc tổng tấn công như họ đã làm trong mùa Hè năm 1972, mà chỉ thực hiện những cuộc tấn công có quy mô lớn, khởi sự tại Vùng II và thời điểm sẽ là trong tháng 3-1975. Tại Vùng II, ông dự đoán là họ sẽ tập trung các cố gắng ở phía Bắc của vùng chiến thuật này, cụ thể là Kontum và phía Bắc của Bình Ðịnh.72 Chính vì vậy, dự kiến Cộng quân sẽ cắt đứt các quốc lộ chính từ duyên hải lên cao nguyên, từ cuối tháng 1-1975, BTTM đã cho chuyển lên Pleiku và Kontum một số lượng rất lớn về lương thực và đạn dược đủ để cho lực lượng phòng thủ Pleiku và Kontum (ước lượng khoảng 20.000 quân) sử dụng trong 60 ngày mà không cần tiếp tế.73 
Bản đồ dưới đây cho thấy rõ sự tập trung phòng thủ dày đặc của QLVNCH ở phía Bắc của Vùng II (Pleiku và Kontum) vào đầu tháng 3-1975 như sau:
Anh_002.jpg
Bản Ðồ Bố Trí CÁc Lực Lựợng Phòng Thủ Tại Vùng II 
Vào Ðầu Tháng 3-1975 (Trích từ trang 149 của sách Black April)
• 3 Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân (BÐQ) bảo vệ Kontum và 1 Liên Ðoàn BÐQ bảo vệ Quốc Lộ 14 (nối liền Kontum và Pleiku; chạy thẳng xuống phía Nam, đến Ban Mê Thuột)
• 2 Trung Ðoàn 44 và 45 của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh bảo vệ Pleiku
• 4 Trung Ðoàn 40, 41, 42 và 47 của Sư Ðoàn 22 Bộ Binh bảo vệ phía Bắc Bình Ðịnh và các đèo Mang Giang và An Khê trên Quốc Lộ 19 (nối liền Qui Nhơn–tỉnh lỵ của Bình Ðịnhh–với Kontum) 
Ðể bảo vệ Ban Mê Thuột chỉ có Liên Ðoàn 21 BÐQ đóng ở Buôn Hồ (một thị trấn nằm cách Ban Mê Thuột khoảng 40 km về hướng Ðông Bắc), các đơn vị cơ hữu của tỉnh Darlac, và Trung Ðoàn 53 của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh. Theo Ðại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Darlac, trên thực tế, Trung Ðoàn 53, đóng tại Phi trường Phụng Dực (cách Ban Mê Thuột khoảng 8 km về hướng Ðông), vào lúc đó chỉ gồm có bộ chỉ huy Trung Ðoàn và 1 Tiểu Ðoàn mà thôi.74 
Khi trận tấn công Ban Mê Thuột nổ ra vào ngày 10-3-1975, lực lượng hai bên được bố trí như trong bản đồ sau đây:
Anh_003
Bản Ðồ Trận Ban Mê Thuột (Trích từ trang 157 của sách Black April)
Nhìn vào bản đồ bên trên, chúng ta thấy rõ là địch quân đã tấn công vào Ban Mê Thuột từ 5 phía với các lực lượng như sau:
• Từ hướng Tây Bắc: với Trung Ðoàn 148, thuộc Sư Ðoàn 316
• Từ hướng Ðông Bắc: với Trung Ðoàn 95B, thuộc Sư Ðoàn 325
• Từ hướng Ðông Nam: với Trung Ðoàn 149, thuộc Sư Ðoàn 316
• Từ hướng Tây: với Tiểu Ðoàn 4, thuộc Trung Ðoàn 24, Sư Ðoàn F10
• Từ hướng Nam: với Trung Ðoàn 174, thuộc Sư Ðoàn 316 
Như vậy, lực lượng chính tấn công Ban Mê Thuột là Sư Ðoàn 316, với 3 Trung Ðoàn cơ hữu là 148, 149, và 174, tăng cường thêm với 1 trung đoàn của Sư Ðoàn 325 và 1 tiểu đoàn của Sư Ðoàn F10, và, dĩ nhiên, với các đơn vị pháo binh, chiến xa, và đặc công. Sư Ðoàn 316 trước đây chỉ hoạt động tại Lào và từ năm 1974 đã được lệnh quay trở về Bắc Việt. Sư hiện diện của sư đoàn này tại Miền Nam sẽ là một bất ngờ cho giới tình báo VNCH. 
Sau đây chúng ta cố gắng tìm hiểu sự sắp xếp và chuẩn bị cho cuộc tấn công của phe Cộng sản và những hoạt động tình báo của hai bên trước khi cuộc tấn công nổ ra.
Việc phe Cộng sản quyết định tấn công Ban Mê Thuột thay vì Pleiku một phần lớn là do họ đã nắm được tin tức về buổi họp của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia của VNCH vào 2 ngày 9-10 tháng 12-1974. Toàn bộ kế hoạch phòng thủ cho năm 1975 của Ðại Tướng Cao Văn Viên trình bày tại buổi họp đã được một điệp viên thuộc loại “trường kỳ mai phục,” làm việc ngay trong văn phòng của Tướng Viên tại BTTM QLVNCH, báo cáo đầy đủ về Hà Nội.75,76
Trong khi đó, nội bộ ban tham mưu của Quân Ðoàn II lại không đồng ý với nhau về mục tiêu tấn công của phe Cộng sản tại Vùng II: Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Ðoàn II tin rằng họ sẽ tấn công Pleiku, trong khi đó thì Ðại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 (phụ trách về tình báo) của Quân Ðoàn II thì lại tin là Cộng quân sẽ tấn công Ban Mê Thuột. Việc Tướng Phú không tin vào nhận định của Ðại Tá Tiếu có thể có một số lý do như sau: 1) Tướng Phú tin tưởng và dựa vào kế hoạch phòng thủ năm 1975 của BTTM như đã trình bày trên; 2) Sự tin tưởng này của Tướng Phú được tăng cường thêm sau buổi họp ngày 18-2-1975 tại Sài Gòn để duyệt lại kế hoạch phòng thủ 1975 này và chính Tổng Thống Thiệu lưu ý ông việc Cộng quân có thể sẽ đánh Pleiku; chính vì vậy ông đã một lần nữa, tại buổi họp ngày hôm sau, 19-2-1975, tại Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn ở Pleiku, bác bỏ báo cáo của Ðại Tá Tiếu về khả năng tấn công Ban Mê Thuột dựa trên những tin tình báo mới; và 3) Khi nhận chức Tư Lệnh Quân Ðoàn II, Tướng Phú không chọn được những sĩ quan thân tín của mình mà phải chấp nhận những sĩ quan đang phục vụ trong bộ tham mưu của Quân Ðoàn (trong đó có Ðại Tá Tiếu).
Về phía Cộng quân, dựa vào kế hoạch phòng thủ năm 1975 của VNCH mà họ đã nắm được cộng thêm việc bố trí lực lượng phòng thủ dày đặc của Quân Ðoàn II ở phía Bắc của Vùng II, họ thấy rõ là Tướng Phú tin rằng họ sẽ tấn công Pleiku. Do đó họ đã tập trung cố gắng làm mọi động tác giả để đánh lừa Tướng Phú, làm cho ông tin rằng ông đã tính toán đúng là họ sẽ đánh Pleiku chứ không phải Ban Mê Thuột.
Nhìn chung, phe Cộng sản đã lại áp dụng phương thức mà họ đã từng sử dụng trong lúc chuẩn bị trận Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân để đạt được mục tiêu này. Phương thức đó gồm 2 phần: 1) Bảo mật tối đa về mục tiêu thật của trận tấn công là Ban Mê Thuột; và, 2) Thực hiện môt số động tác giả để đánh lừa đối phương khiến cho đối phương tin là mục tiêu thật của trận tấn công sẽ là Pleiku-Kontum.
Bảo mật:
Về phương diện bảo mật, rút kinh nghiệm từ trận Mậu Thân, mục tiêu Ban Mê Thuột của trận tấn công được giữ kín tối đa. Các tư lệnh tại mặt trận chỉ được biết vào cuối tháng 1-1975, và tư lệnh các đơn vị sẽ tham gia tấn công chỉ được thông báo từ đầu tháng 2-1975. Hà Nội cũng quyết định giữ nguyên các đơn vị đang có mặt ở phía Bắc của Vùng II (Pleiku-Kontum) là các Sư Ðoàn 2, Sư Ðoàn 3, Sư Ðoàn F10 và 2 Trung Ðoàn độc lập 25 và 95A, và ra lệnh cho các đơn vị đó tăng cường các hoạt động đe dọa vùng này. Trong khi đó, các đơn vị sẽ tham gia tấn công Ban Mê Thuột đều là các đơn vị trừ bị đang đóng quân tại Lào hay tại Bắc Việt được bí mật di chuyển vào các vị trí chung quanh Ban Mê Thuột để chuẩn bị tấn công. Sư Ðoàn 316, đơn vị chủ lực của trận tấn công vào Ban Mê Thuột, trước kia chỉ hoạt động tại Lào, sau đó được điều dộng trở về Miền Bắc, đã nhận được lệnh di chuyển vào Nam vào ngày 15-1-1975, nhưng để lại bộ phận truyền tin tại Miền Bắc để tiếp tục gửi đi các báo cáo nhằm đánh lừa các đơn vị SIGINT của QLVNCH.77 
Ðánh lừa:
Ðầu tháng 2-1975, một đơn vị của Sư Ðoàn 22 Bộ Binh QLVNCH bắt được 1 binh sĩ Bắc Việt tại một địa điểm ở phía Tây tỉnh Bình Ðịnh gần đèo An Khê. Qua thẩm vấn được biết binh sĩ này đã tháp tùng viên tư lệnh của Sư Ðoàn 3 Bắc Việt đi thám sát đèo An Khê. Trong mình binh sĩ này có giữ một bản đồ ghi rõ các địa điểm mà Sư Ðoàn 3 dự định sẽ đóng chốt để cắt đứt Quốc Lộ 19 là con đường huyết mạch nối liền Qui Nhơn (tỉnh lỵ của tỉnh Bình Ðịnh) với Pleiku. Cùng lúc đó, Phòng 2 của Quân Ðoàn II cũng bắt được tin Sư Ðoàn 968 Bắc Việt đang đóng tại Lào đã di chuyển sang lãnh thổ VNCH. Tướng Phú tin rằng Cộng quân đang chuẩn bị tấn công Pleiku, và ông đã ra lệnh cho Trung Ðoàn 47 của Sư Ðoàn 22 Bộ Binh đến trấn giữ đèo An Khê.78 Lý do Trung Ðoàn 47 được giao cho nhiệm vụ này vì vị sĩ quan Trung Ðoàn Trưởng, Trung Tá Lê Cầu, là người rất quen thuộc địa hình vùng đèo An Khê vì ông đã từng chiến đấu tại đây trong trận Tổng Tấn Công Mùa Hè 1972. Trong suốt tháng 2-1975, các đơn vị Cộng quân hiện diện trong vùng liên tục pháo kích Kontum và Pleiku cũng như đánh phá các chốt bảo vệ đèo An Khê trên Quốc Lộ 19 của Trung Ðoàn 47.79 Các đơn vi này do 2 Sư Ðoàn F10 và 320 để lại để thực hiện kế hoạch nghi binh, còn toàn bộ 2 sư đoàn này đã di chuyển xuống phía Nam để chuẩn bị tấn công Ban Mê Thuột. Tất cả những hoạt động này của địch làm cho Tướng Phú càng thêm tin là Pleiku sẽ là mục tiêu chính của cuộc tấn công sắp tới của Cộng quân. 
Giữa tháng 2-1975, trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Nguyễn Tú của báo Chính Luận, Tướng Phú đã nói ra tất cả những gì ông suy nghĩ và phân tích về cuộc tấn công sắp tới của địch. Ṓng tin rằng địch sẽ sử dụng một lực lượng cấp sư đoàn để cắt đứt Quốc Lộ 19 trước khi tấn công Pleiku.80
Ngày 18-2-1975, Tướng Phú về Sài Gòn dự phiên họp với các tướng tư lệnh quân đoàn do Tổng Thống Thiệu triệu tập để duyệt lại kế hoạch phòng thủ cho năm 1975. Tại phiên họp này, chính Tổng Thống Thiệu tái xác định khả năng địch có thể tấn công Pleiku ở Vùng II. Ðiều này càng làm cho Tướng Phú thêm tin tưởng là ông đã nghĩ đúng về mục tiêu tấn công sắp tới của địch quân.81 Do đó, ông đã một lần nữa bác bỏ nhận định của Ðại Tá Tiếu về khả năng địch sẽ tấn công Ban Mê Thuột tại phiên họp của ban tham mưu Quân Ðoàn II ở Pleiku vào ngày hôm sau, 19-2-1975.
Ðầu tháng 3-1975, trước một số tin tình báo về các hoạt động của địch chung quanh Ban Mê Thuột làm Tướng Phú có phần nao núng. Ngày 4-3-1975, ông ra lệnh cho Trung Ðoàn 45 của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh di chuyển về Ban Mê Thuột. Việc di chuyển này sắp bắt đầu thì vào lúc 2 giờ trưa cùng ngày, Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II tại Pleiku bị địch quân pháo kích, Tướng Phú ra lệnh hủy bỏ việc chuyển quân này.82 Cùng ngày địch quân tấn công dữ dội vào các đơn vị của Trung Ðoàn 47 và cắt đứt Quốc Lộ 19 tại hai nơi. Tướng Phú tin chắc là địch quân đã bắt đầu chiến dịch tấn công vào Pleiku. 
Việc chuyển quân của Sư Ðoàn 316 từ Bắc vào Nam cũng như của Sư Ðoàn 968 từ Lào sang Việt Nam, mặc dù được ngụy trang rất kỹ như đã trình bày bên trên, sau cùng vẫn bị SIGINT của QLVNCH phát hiện. Sau khi phân tích tín hiệu, và đánh giá, Phòng 7 BTTM QLVNCH nhận định là Cộng quân sẽ tấn công Ban Mê Thuột. Ngày 7-3-1975, 3 ngày trước khi trận Ban Mê Thuột nổ ra, Chuẩn Tướng Phạm Hữu Nhơn, Trưởng Phòng 7, BTTM QLVNCH, cùng với Tom Glenn là Trưởng đơn vị của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia (National Security Agency – NSA) của Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã bay lên Pleiku để đích thân báo cho Thiếu Tướng Phú về nhận định của Phòng 7 là Cộng quân sẽ tấn công Ban Mê Thuột (cuộc họp này có mặt cả Ðại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 của Quân Ðoàn 2) nhưng Tướng Phú vẫn không tin.83 Ngay cả vào lúc 10 giờ sáng ngày 9-3-1975, sau khi Thuần Mẫn, thuộc tỉnh Phú Bổn, đã mất, và Ðức Lập, thuộc tỉnh Quảng Ðức cũng đã bị chiếm, ông bay xuống Ban Mê Thuột để họp với các đơn vị trưởng tại đây để duyệt xét tình hình, Tướng Phú vẫn còn tiếp tục nghĩ và tin là tất cả chỉ là nghi binh. Ông vẫn chờ cuộc tấn công vào Pleiku, một cuộc tấn công chẳng bao giờ xảy ra. Sáng sớm ngày hôm sau, 10-3-1975, trận tấn công vào Ban Mê Thuột nổ ra và chỉ trong 2 ngày toàn bộ thị xã này đã lọt vào tay Cộng quân.
Kết luận: QLVNCH thua trận Ban Mê Thuột không phải vì tình báo yếu kém mà rõ ràng là do Tướng Phú, Tư Lệnh Quân Ðoàn II bị định kiến quá nặng nề, Tuy nhiên, nghĩ cho cùng, với trách nhiệm phải bảo vệ một lãnh thổ quá rộng lớn như thế (gồm tất cả 12 tỉnh, 7 tỉnh cao nguyên là Kontum, Pleiku, Phú Bổn, Darlac, Quảng Ðức, Lâm Ðồng, Tuyên Ðức và 5 tỉnh duyên hải là Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận), thì Quân Ðoàn II, chỉ với 2 sư đoàn bộ binh (22 và 23) cùng một số liên đoàn BÐQ, cũng khó mà đương đầu nổi với một lực lương địch quân đông gấp 3,4 lần với các Sư Ðoàn 2, 3, F10, 968, 316, 320, và 325, và 1 số trung đoàn độc lập. Một bằng chứng rõ ràng là việc phản công tái chiếm Ban Mê Thuột đã không thể thực hiện được. Và đó là một trong những lý do đưa đến quyết định triệt thoái Quân Ðoàn II rất tai hại của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tại phiên họp định mệnh ngày 14-3-1975 tại Cam Ranh.
Thay Lời Kết
Không thể phủ nhận được vai trò hết sức quan trọng của tình báo trong Chiến Tranh Việt Nam, cũng như trong bất cứ cuộc chiến tranh nào. Và vì thế, dĩ nhiên, các quân đội của các phe lâm chiến đều phải tổ chức một hệ thống tình báo thật đầy đủ và tinh vi để có thể nắm được ý đồ và mục tiêu của đối phương cũng như che dấu và đánh lừa đối phương về ý đồ, mục tiêu của mình. Trong Chiến Tranh Việt Nam, VNCH và Ðồng Minh Hoa Kỳ đã tổ chức được một hệ thống tình báo rất hữu hiệu. Rất tiếc, trong một số trận đánh quan trọng, các cấp chỉ huy tình báo và quân sự của VNCH và Hoa Kỳ, vì định kiến quá nặng nề, đã không tin tưởng vào chính hệ thống tình báo của mình, và vì thế đã thất bại, không nắm được ý đồ và mục đích của địch quân.

GHI CHÚ:
1. Phan Công Tâm, “Testimony of a Senior Officer, South Vietnamese Central Intelligence Organization,” in Voices from the Second Republic of South Vietnam (1967-1975) / K.W. Taylor, editor. Ithaca, N.Y.: Cornell Southeast Asia Program Publications, 2014. (Studies on Southeast Asia Series; no. 65). Tr. 16.
2. Ðoàn Công Tác Ðặc Biệt Miền Trung, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90o%C3%A0n_C%C3%B4ng_t%C3%A1c_%C4%90%E1%BA%B7c_bi%E1%BB%87t_Mi%E1%BB%81n_Trung
3. Ngành Cảnh Sát Ðặc Biệt VNCH, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://kbchaingoai.wordpress.com/2011/05/26/nganh-c%E1%BA%A3nh-sat-d%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t-vnch/
4. Trần Ngọc Thống, Hồ Ðắc Huân, Lê Ðình Thụy, Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. California: Hương Quê, 2011. Tr. 500.
5. Ngành Cảnh Sát Ðặc Biệt VNCH, tài liệu trực tuyến và toàn văn đã dẫn bên trên.
6. Trần Ngọc Thống, Hồ Ðắc Huân, Lê Ðình Thụy, sđd, tr. 628.
7. Hoàng Ngọc Lung, Intelligence. Washington, D.C.: U.S. Army Center of Military History, 1982. (Indochina Monographs). Tr. 57.
8. Hoàng Ngọc Lung, sđd, tr. 53. Tác giả ghi như sau: “In order to control the ranks of the administration, particularly in the wake of the Huynh Van Trong espionage case in 1971, a new security organization was established which became known as the Directorate General for Administrative Security.” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Ðể kiểm soát hàng ngũ hành chánh, đặc biệt là sau vụ án gián điệp Huỳnh Văn Trọng năm 1971, một cơ quan an ninh mới được thành lập có tên là Tổng Nha An Ninh Hành Chánh”). 
9. Thông tin ghi nhận qua cuộc điện đàm với cựu Thiếu Tá Võ Thành Ðức, nguyên Chánh Sở Huấn Luyện của Tổng Nha An Ninh Hành Chánh, vào ngày 8-Sept-2016. 
10. Central Intelligence Office, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://en.wikipedia.org/wiki/Central_Intelligence_Office
11. Phan Công Tâm, sđd, tr. 16.
12. Phan Công Tâm, sđd, tr. 17.
13. Trần Ngọc Thống, Hồ Ðắc Huân, Lê Ðình Thụy, sđd, tr. 254.
14. Hoàng Ngọc Lung, sđd, tr. 46. Sơ đồ tổ chức của CIO ở tr. 46 được chuyển ngữ sang tiếng Việt.
15. Phan Công Tâm, sđd, tr. 20.
16. Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo Việt Nam Cộng Hòa, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://vnchtoday.blogspot.ca/2016/01/phu-ac-uy-trung-uong-tinh-bao-viet-nam.html
17. Hoàng Ngọc Lung, sđd, tr. 47.
18. Hoàng Ngọc Lung, sđd, tr. 48. Tác giả ghi rõ như sau: “… the CIO effectively turned into the intelligence agency of the President’s Office, …” Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “… PÐU thật sự trở thành cơ quan tình báo của Phủ TỔng Thống,…”. 
19. Trần Ngọc Thống, Hồ Ðắc Huân, Lê Ðình Thụy, sđd, tr. 522.
20. Hoàng Ngọc Lung, sđd, tr. 65. Sơ đồ tổ chức của Phòng 2 BTTM ở tr. 65 được chuyển ngữ sang tiếng Việt.
21. Trần Ngọc Thống, Hồ Ðắc Huân, Lê Ðình Thụy, sđd, tr. 521.
22. Vài nét đại cương tiểu sử Ðơn Vị 101 với phương châm sống để bụng chết mang theo, trong Ðặc san Hoa Tình Thương: tiếng nói của Ðơn Vị 101 / Unit 101 (1999-2000), tr. 3-5.
23. Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://tongthammuu.blogspot.ca/
24. Đơn Vị 101: Thề chết cho quê hương – Anh vẫn sống, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.viendongdaily.com/don-vi-101-the-chet-cho-que-huong-anh-van-song-jsJOKaZw.html
25. Hoàng Ngọc Lung, sđd, tr. 69.
26. Hoàng Ngọc Lung, sđd, tr. 58-60. Sơ đồ tổ chức của Phòng 7, BTTM, ở tr. 58 được chuyển ngữ và điều chỉnh sang tiếng Việt.
27. Lâm Vĩnh Thế, Tài liệu mật của CIA về Việt Nam Cộng Hòa, trong Bạch hóa tài liệu mật của Hoa Kỳ về Việt Nam Cộng Hòa (Hamilton, Ont.: Hoài Việt, 2008), tr. 252-277.
28. Phoenix Program, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://en.wikipedia.org/wiki/Phoenix_Program
29. Chiến dịch Phụng Hoàng, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_Ph%E1%BB%A5ng_Ho%C3%A0ng
30. Cosmas, Graham A., United States Army in Vietnam: MACV, the Joint Command in the years of escalation, 1962-1967. Washington, D.C.: U.S. Army Center of Military History, 2006, tr. 48. 
31. Cosmas, Graham A., sđd, tr. 128. 
32. Cosmas, Graham A., sđd, tr. 285.
33. McChristian, Joseph A., The Role of military intelligence, 1965-1967. Washington, D.C.: Dept. of the Army, 1994. (Vietnam studies). Tr. 15. Sơ đồ tổ chức của J2-MACV ở tr. 15 được chuyển ngữ sang tiếng Việt.
34. McChristian, Joseph A., sđd, tr. 19.
35. Thông tin nhận được từ điện thư ngày 25-9-2016 của Ðại Tá Trần Ngọc Thống, và điện đàm ngày 27-9-2016 với Thiếu Tá Hồ Ðắc Huân. Hai vị là đồng tác giả của sách “Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.”
36. McChristian, Joseph A., sđd, tr. 26.
37. Những Người Trở Về Với Đại Gia Đình Dân Tộc, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://batkhuat.net/tl-nn-trove-daigiadinh-dantoc.htm
38. McChristian, Joseph A., sđd, tr. 34-40.
39. McChristian, Joseph A., sđd, tr. 40-44.
40. McChristian, Joseph A., sđd, tr. 48. Sơ đồ tổ chức của CICV ở tr. 48 được chuyển ngữ sang tiếng Việt.
41. Tổng cục Tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.wikiwand.com/vi/T%E1%BB%95ng_c%E1%BB%A5c_T%C3%ACnh_b%C3%A1o_Qu%C3%A2n_%C4%91%E1%BB%99i_Nh%C3%A2n_d%C3%A2n_Vi%E1%BB%87t_Nam
42. Chuyện về Tổng Cục 2 – Kỳ IV: Cục trưởng Cục Tình báo đầu tiên, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://soha.vn/quan-su/chuyen-ve-tong-cuc-2-ky-iv-cuc-truong-cuc-tinh-bao-dau-tien-20151020165047274.htm
43. Hoàng Ngọc Lung, sđd, tr. 196-197.
44. Hoàng Ngọc Lung, sđd, tr. 200. Sơ đồ tổ chức hệ thống tình báo cua phe Cộng sản ở tr. 200 được chuyển ngữ sang tiếng Việt.
45. Hoàng Ngọc Lung, sđd, tr. 201-202.
46. Conboy, Kenneth và Dale Andradé, Spies and commandos: how America lost the secret war in North Vietnam. Lawrence, Kansas: University Press of Kansas, 2000. Tr. 1-15.
47. Schultz, Richard H., The secret war against Hanoi: the untold story of spies, saboteurs, and covert warriors in North Vietnam. New York : HarperCollins, 2000. Tr. 87.
48. Tư liệu về hoạt động của các toán biệt kích quân đội Sài Gòn được đưa ra Miền Bắc, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://phamthang-hue.weebly.com/–2182012/t-liu-v-hot-ng-ca-cc-ton-bit-kch-qun-i-si-gn-c-a-ra-min-bc
49. Conboy, Kenneth và Dale Andradé, sđd, tr. 36-45.
50. Lữ Triệu Khanh, Lịch sử Nha Kỹ Thuật, Bộ Tổng Tham Mưu, QLVNCH, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://lichsunhakythuat.blogspot.ca/
51. Kenneth và Dale Andradé, sđd, tr. 83.
52. Lâm Vĩnh Thế, Tài liệu mật của C.I.A. về Ðại Tá Phạm Ngọc Thảo, trong Bạch hóa tài liệu mật của Hoa Kỳ về Việt Nam Cộng Hòa (Hamilton, Ont.: Hoài Việt, 2008), tr. 12-26.
53. Vũ Ngọc Nhạ, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C5%A9_Ng%E1%BB%8Dc_Nh%E1%BA%A1
54. Phạm Xuân Ần, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%A1m_Xu%C3%A2n_%E1%BA%A8n
55. Vietnam War: allied troop levels 1960-73, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.americanwarlibrary.com/vietnam/vwatl.htm
56. Wirtz, James J., The Tet Offensive: intelligence failure in war. Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1991. (Cornell studies in security affairs). Tr. 42.
57. Wirtz, James J., sđd, tr. 44.
58. Lâm Vĩnh Thế, Việt Nam Cộng Hòa, 1963-1967: những năm xáo trộn. Hamilton, Ont.: Hoài Việt, 2010. Chương Mười: Tiến đến nền đệ nhị cộng hòa, tr. 167-205.
59. Wirtz, James J., sđd, tr. 140.
60. Davidson, Phillip B., Vietnam at war: the history, 1946-1975. London, U.K.: Sidgwick & Jackson Limited Publishers, 1988. Tr. 474. Trung Tướng Phillip B. Davidson chính là người đứng đầu J2-MACV (lúc ông còn mang cấp bậc Thiếu Tướng) trong thời gian trận Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân.
61. Hoàng Ngọc Lung, sđd, tr. 146-148.
62. Hoàng Ngọc Lung, sđd, tr. 150. Nguyên văn Anh ngữ như sau: “However, our military leaders would not have believed such a probability if they had been warned.” Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Tuy nhiên, nếu chúng ta có báo động về khả năng đó, các lãnh tụ quân sự của chúng ta cũng sẽ không tin.”)
63. Wirtz, James J., sđd, tr. 181.
64. Wirtz, James J., sđd, tr. 186.
65. Wirtz, James J., sđd, tr. 191-193.
66. Wirtz, James J., sđd, tr. 183. Tác giả ghi như sau: “ In a letter written on 19 December, MACV analyst James Meacham described the reaction of the U.S. Command and ARVN officers to the VC campaign: “The word is out that the VC are going to make an all out terrorist effort against Saigon Americans from now on throught Tet. Our ARVN counterparts at CICV are really concerned – the first time in living memory that they have been. This is a bad sign because they know the VC infinitely better than we.” ” Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Trong một bức thư đề ngày 19 Tháng 12, nhân viên phân tích tình báo của MACV James Meacham mô tả như sau phản ứng của Bộ Tư Lệnh Mỹ và các sĩ quan QLVNCH: “Tin cho biết là VC sẽ có cố gắng tấn công khủng bố rộng lớn đối với người Mỹ ở Sài Gòn từ đây đến qua Tết. Các đồng nhiệm của chúng ta tại CICV [chú thích cuả tác giả bài viết: CICV = Combined Intelligence Center, Vietnam, tức là Trung Tậm Tình Báo Hỗn Hợp Việt Nam] thật sự rất quan tâm – lần đầu tiên họ quan tâm mà tôi còn nhớ được. Ðây là một dấu hiệu không tốt bởi vì họ biết rõ VC hơn mình nhiều.”) 
67. Wirtz, James J., sđd, tr. 212.
68. Wirtz, James J., sđd, tr. 216.
69. Davidson, Phillip B., sđd, tr. 474. 
70. Intelligence warning of the Tet Offensive in South Vietnam, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://www.cia.gov/library/readingroom/docs/DOC_0000097712.pdf . Tr. 3-5.
71. Davidson, Phillip B., sđd, tr. 479. 
72. Veith, George J., Black April: the fall of South Vietnam, 1973-1975. New York: Encounter Books, 2012. Tr. 116-117.
73. Veith, George J., sđd, tr. 118.
74. Nguyễn Trọng Luật, Nhìn lại trận đánh Ban Mê Thuột 1975, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://googletienlang2014.blogspot.ca/2015/03/ai-ta-nguy-nguyen-trong-luat-nhin-lai.html
75. Veith, George J., sđd, tr. 124-125.
76. Giải mật về điệp viên H3: người khiến CIA kinh ngạc, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/giai-mat-ve-diep-vien-h3-nguoi-khien-cia-kinh-ngac-854914.tpo
77. Veith, George J., sđd, tr. 131.
78. VEith, George J., sđd, tr. 136-137.
79. Chiến dịch Tây Nguyên, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_T%C3%A2y_Nguy%C3%AAn#Nghi_binh
80. Nguyễn Tú, “Trận đấu trí tại Tây Nguyên,” Chính Luận, số, ra ngày 18-2-1975, tr. 1, 3, 6.
81. Veith, George J., sđd, tr. 143.
82. Nguyễn Trọng Luật, tài liệu trực tuyến đã dẫn.
83. Veith, George J., sđd, tr. 148, 150.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét