Từ thời Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình, mỗi thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đều có dấu ấn tư tưởng chính trị của riêng mình.
5 thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc. Đồ họa: Tạ Lư.
|
Thế hệ Mao Trạch Đông
Thế hệ lãnh đạo thứ nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) kéo dài từ
năm 1949 đến 1976, với lãnh đạo trung tâm là Mao Trạch Đông, cùng với
một số lãnh đạo khác như Thủ tướng Chu Ân Lai, Chủ tịch nước Lưu Thiếu
Kỳ, Phó chủ tịch nước Chu Đức.
Hầu hết lãnh đạo trong thời kỳ này là đảng viên nòng cốt của CPC từng
tham gia Chiến tranh Trung - Nhật và là những người khai sinh ra Cộng
hoà Nhân dân Trung Hoa. Họ chủ trương phát triển Trung Quốc theo Chủ
nghĩa Marx và Tư tưởng Mao Trạch Đông.
Các nguyên tắc của tư tưởng Mao Trạch Đông xuất phát từ thực tiễn (tức
nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hành), đảng phải gắn bó với quần chúng
và Trung Quốc phải giữ vững độc lập, tự chủ. Ông Mao nhấn mạnh Trung
Quốc không thể tiếp tục cô lập với phần còn lại của thế giới, nhưng con
đường phát triển phải được dựa trên sự tự chủ, không cho phép quốc gia
bị thỏa hiệp bởi sức ép từ bên ngoài.
Mao Trạch Đông có một số câu nói nổi tiếng như: "Họng súng đẻ ra chính
quyền" hay "Chính trị là chiến tranh không có đổ máu, chiến tranh là
chính trị có đổ máu".
Thế hệ Đặng Tiểu Bình
Đảng Cộng sản Trung Quốc coi ông Đặng Tiểu Bình là lãnh đạo "hạt nhân"
của thế hệ lãnh đạo thứ hai trong giai đoạn 1976-1992, mặc dù ông Đặng
không giữ chức vụ nguyên thủ quốc gia hay người đứng đầu đảng.
Thế hệ lãnh đạo thứ hai của CPC tập trung vào việc phát triển kinh tế theo đường lối được đặt ra trong Lý luận Đặng Tiểu Bình. Chính
sách của ông Đặng Tiểu Bình chú trọng đặc biệt tới khía cạnh mở cửa nền
kinh tế, cụ thể là hướng tới các nước phương Tây.
Cuối năm 1978, nhà sản xuất máy bay Boeing công bố bán nhiều phi
cơ 747 cho các hãng hàng không Trung Quốc. Đồng thời, hãng Coca-Cola
thông báo mở nhà máy sản xuất ở Thượng Hải. Đây là dấu hiệu cho thấy
việc mở cửa diễn ra nhanh chóng.
Thế hệ này được coi là có công cải cách kinh tế để đưa Trung Quốc thành
đất nước phát triển nhanh nhất châu Á trong vòng hơn hai thập kỷ.
Đặng Tiểu Bình có câu nói được nhiều người nhớ đến là "mèo đen mèo
trắng không quan trọng, miễn là bắt được chuột". Câu nói ra đời trong
thời kỳ kinh tế Trung Quốc khó khăn, tại một số địa phương đã xuất hiện
các hình thức như khoán sản lượng đến từng hộ gia đình. Tuy hình thức
này giúp phần nào khôi phục sản xuất, được nhân dân ủng hộ, nhưng cơ chế
quản lý kinh tế quan liêu tập thể khi đó coi nó là "bất hợp pháp". Câu
nói sau này trở thành triết lý áp dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống.
Thế hệ Giang Trạch Dân
Thế hệ lãnh đạo thứ ba kéo dài từ năm 1992 đến năm 2003, với lãnh đạo
nòng cốt là ông Giang Trạch Dân. Thế hệ này tiếp tục giai đoạn bùng nổ
của kinh tế Trung Quốc được bắt đầu từ thế hệ thứ hai. Tư tưởng lãnh đạo
mới được phát triển trong giai đoạn này là Thuyết Ba đại diện của ông
Giang Trạch Dân.
Học thuyết có nội dung đảng Cộng sản Trung Quốc đại diện cho lực lượng
sản xuất tiên tiến, đại diện nền văn hóa tiên tiến và đại diện lợi ích
của đông đảo nhân dân Trung Quốc.
Theo ông Giang Trạch Dân, sau hơn 20 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc có
tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cao nhất thế giới, nhưng đảng Cộng
sản đứng trước thử thách mới: Đối nội có nhiều vấn đề nảy sinh mà nổi
cộm nhất là nạn tham nhũng đã trở thành "quốc họa". Về đối ngoại, sau
khi gia nhập WTO, Trung Quốc phải tuân theo các quy tắc cạnh tranh quốc
tế, các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa đều bị tác động. Do đó,
đảng Cộng sản Trung Quốc cần có một lý luận mới để duy trì địa vị đảng
cầm quyền, phù hợp với bối cảnh thế giới hiện đại.
Năm 2000, ông Giang có một cuộc phỏng vấn chưa từng có tiền lệ với nhà
báo Mỹ Mike Wallace trên CBS. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh: "Chúng
tôi muốn học hỏi từ phương Tây về khoa học và công nghệ và cách quản lý
nền kinh tế, nhưng những điều đó phải được kết hợp với các điều kiện cụ
thể ở đây. Đó là cách chúng tôi đạt được tiến bộ to lớn trong 20 năm
qua".
Thế hệ Hồ Cẩm Đào
Thế hệ lãnh đạo thứ tư kéo dài từ năm 2003 đến năm 2012, với người đứng đầu là ông Hồ Cẩm Đào. Tư
tưởng lãnh đạo của thế hệ thứ tư là học thuyết Quan điểm Phát triển
Khoa học để đạt được mục tiêu Xã hội hài hoà. Hai chủ đề chính của học
thuyết này là "nhân dân là cơ sở" và sự phát triển của Trung Quốc phải
"toàn diện".
Theo ông Hồ Cẩm Đào, xã hội hài hòa là xã hội dân chủ pháp trị, công
bằng chính nghĩa, ái hữu, tin tưởng, tràn đầy sức sống, ổn định có trật
tự, con người sống hài hoà với thiên nhiên.
Ông Hồ Cẩm Đào tập trung cải thiện đời sống cho các khu vực bị tụt hậu
sau cải cách kinh tế. Ông nhiều lần đến các khu vực nghèo khó và hẻo
lánh của Trung Quốc để hiểu các khu vực này hơn. Ông cũng quan tâm
đến việc phát triển mối quan hệ với các nước lớn, đồng thời mở rộng ảnh
hưởng đến các khu vực mà các nước lớn chưa để tâm hoặc chưa gây ảnh
hưởng tới như châu Phi, Trung Á.
"Chỉ có cải cách và mở cửa mới có thể phát triển Trung Quốc.
Chúng ta không được nao núng và sợ bất kỳ rủi ro nào", ông Hồ Cẩm Đào
nói.
Thế hệ Tập Cận Bình
Thế hệ lãnh đạo thứ năm sẽ dẫn dắt Trung Quốc từ năm 2012 đến năm 2022, với lãnh đạo hạt nhân là ông Tập Cận Bình.
Khi mới lên cầm quyền, ông Tập đã đề xướng khái niệm "Giấc mơ Trung
Hoa", với hai mục tiêu là xây dựng Trung Quốc trở thành một xã hội khá
giả về mọi mặt vào năm 2021 đạt mục tiêu phục hưng Trung Hoa vào năm
2049. Giới chuyên gia cho rằng mục tiêu của ông Tập có thể được
hiểu là tăng trưởng kinh tế và đưa Trung Quốc trở thành cường quốc có
ảnh hưởng với thế giới, theo China Focus.
Những chính sách đáng chú ý của ông Tập là cuộc chiến chống tham
nhũng đã kỷ luật hơn 1,3 triệu quan chức đảng trong 5 năm qua. Trên
trường quốc tế, ông dùng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc để gây ảnh
hưởng ở châu Á và nhiều nơi khác.
Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc đại hội đảng thứ 19, ông Tập
tuyên bố chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc đang bước vào "kỷ
nguyên mới". Ông nói rằng Trung Quốc đang có triển vọng tươi sáng nhưng
cũng đối mặt nhiều thách thức. Nhà lãnh đạo nhấn mạnh quyền lực mềm của
Trung Quốc và ảnh hưởng quốc tế của văn hoá nước này đã được gia tăng
rất nhiều.
"Vị thế trên trường quốc tế của Trung Quốc đã gia tăng ở mức chưa từng có", ông Tập nói.
Điều lệ hiện tại của CPC quy định rằng đảng tuân thủ Tư tưởng Mao
Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, Thuyết Ba đại diện và Quan điểm
Phát triển Khoa học như là kim chỉ nam cho mọi hành động. Tuy nhiên, tên
của hai nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào không được nhắc đến
trong điều lệ đảng.
Trong đại hội thứ 19, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ sửa đổi điều lệ để bổ sung thêm "tầm nhìn và tư tưởng mới" của ông Tập. Nhà
phân tích chính trị Zhang Lifan tại Bắc Kinh đánh giá "nếu tên ông Tập
được đưa vào điều lệ, vị thế của ông trong đảng sẽ sánh ngang với Mao
Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình".
Phương Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét