Ảnh: Mao Trạch Đông trong cuộc Vạn lý Trường chinh.
Nguồn: “The Long March,” History.com (truy cập ngày 15/10/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1934, Hồng quân cộng sản Trung Quốc vượt qua giới
tuyến của quân đội Quốc Dân Đảng, bắt đầu một cuộc rút quân lịch sử từ
căn cứ bị vây hãm của họ ở miền Đông Nam Trung Quốc. Được biết đến dưới
tên gọi “Trường chinh,” cuộc rút lui này kéo dài 368 ngày (có tài liệu
tính 370 ngày hoặc hơn) trên hành trình dài hơn 9.000 cây số, gần gấp
đôi khoảng cách giữa bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ.
Cuộc nội chiến Trung Quốc giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản nổ ra
từ năm 1927. Năm 1931, nhà lãnh đạo Cộng sản Mao Trạch Đông được bầu làm
Chủ tịch nước Cộng hoà Xô viết Trung Hoa mới thành lập, đặt trụ sở tại
tỉnh Giang Tây ở miền Đông Nam Trung Quốc. Từ năm 1930 đến năm 1934, các
lực lượng Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch đã tiến hành năm chiến
dịch bao vây Cộng hòa Xô viết Trung Hoa.
Dưới sự lãnh đạo của Mao, Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật
du kích để chống lại thành công bốn chiến dịch đầu tiên, nhưng trong
chiến dịch tổng tấn công lần thứ năm, Tưởng đã tập trung đến 70 vạn
quân, xây dựng công sự xung quanh các căn cứ của quân Cộng sản. Hàng
trăm ngàn nông dân đã bị giết hại hoặc chết đói trong cuộc vây hãm, và
Mao bị Ủy ban Trung ương Đảng truất quyền Chủ tịch. Ban lãnh đạo Cộng
sản mới (lúc này Bác Cổ làm Tổng Bí thư) sử dụng nhiều chiến thuật chiến
tranh thông thường hơn, khiến lực lượng Hồng quân Cộng sản bị tiêu hao
đáng kể.
Trước thất bại sắp xảy đến, phe Cộng sản quyết định phá vỡ vòng vây
của Tưởng ở những điểm yếu nhất. Cuộc Trường chinh bắt đầu lúc 5 giờ
chiều ngày 16 tháng 10 năm 1934. Sự bí mật và chiến thuật quấy phá đã
khiến phe Quốc Dân phải mất vài tuần mới nhận ra lực lượng chính của
Hồng quân đã bắt đầu rút chạy. Lực lượng Trường chinh ban đầu gồm 86.000
lính, 15.000 nhân viên quân sự, và 35 phụ nữ. Vũ khí và lương thực được
vác hoặc chở trong xe ngựa kéo, dòng người rút lui trải dài đến hơn 80
cây số. Hồng quân thường nghỉ ngày đi đêm, và khi quân Tưởng không ở
gần, có thể thấy những ngọn đuốc xếp thành hàng ngoằn ngoèo qua các
thung lũng và núi đồi từ xa.
Thảm họa đầu tiên của cuộc Trường chinh đến vào tháng 11, khi các lực
lượng Quốc Dân chặn đường Hồng quân qua sông Tương Giang. Mất gần một
tuần lễ Hồng quân mới chọc thủng được phòng tuyến và thiệt hại gần
50.000 người – hơn một nửa quân số. Sau thất bại đó, Mao dần lấy lại
được ảnh hưởng của mình, và trong tháng 1 năm 1935 ông được bầu lại làm
Chủ tịch Đảng trong một cuộc họp của các lãnh đạo Đảng tổ chức tại thị
trấn Tuân Nghĩa.
Mao thay đổi chiến lược, chia lực lượng thành nhiều quân đoàn đi theo
nhiều hướng khác nhau để đánh lạc hướng quân địch. Đồng thời tránh tấn
công trực tiếp vào các căn cứ Quốc Dân. Điểm đến của cuộc Trường chinh
được chuyển sang tỉnh Thiểm Tây, ở tận miền Tây Bắc, nơi Hồng quân Cộng
sản hi vọng có thể đánh đuổi quân Nhật Bản xâm lược và giành được sự
kính trọng của quần chúng Trung Quốc. Sau khi trải qua nhiều cơn đói
khát, các cuộc đụng độ gần như hàng ngày với các lực lượng Quốc Dân
Đảng, các đoàn quân của Mao dừng chân tại Vạn lý Trường thành vào ngày
20 tháng 10 năm 1935. Cuộc Trường chinh kết thúc.
Trong cuộc Vạn lý Trường chinh, Hồng quân Cộng sản đã vượt qua 24 con
sông và 18 rặng núi, đa phần phủ tuyết trắng. Chỉ có 7.000 người hoàn
thành cuộc hành trình này. Đây là cuộc hành quân liên tục dài nhất trong
lịch sử chiến tranh và xác lập vai trò của Mao Trạch Đông như là nhà
lãnh đạo không thể tranh cãi của Cộng sản Trung Quốc. Noi gương chủ
nghĩa anh hùng và sự quyết tâm của những người cộng sản trong cuộc
Trường chinh, hàng ngàn thanh niên Trung Quốc đã tới Thiểm Tây để gia
nhập lực lượng Hồng quân của Mao. Sau khi chiến đấu với Nhật Bản trong
một thập niên, Nội chiến Trung Quốc tiếp diễn từ năm 1945. Bốn năm sau
đó, các lực lượng Quốc Dân Đảng bị đánh bại, Mao tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông tiếp tục lãnh đạo đất nước cho đến khi qua đời năm 1976.
Editor-in-Chief: Chủ Biên LS Trịnh Quốc Thiên - trinhquocthien@gmail.com Trụ sở: 1701 Pennsylvania Avenue, NW Washington, D.C. 20006, VPU 200. Chủ bút Trịnh Quốc Thiên đã đoạt giải Hạng Nhất đồng hạng về BIÊN KHẢO VĂN HỌC SỬ, VÀO NĂM 2008, LỄ CÔNG BỐ TRAO GIẢI TẠI THÀNH PHỐ SAN JOSÉ CỦA HỘI Y NHA DƯỢC SỸ QUỐC TẾ. Chủ bút Trịnh Quốc Thiên, là chủ kênh "Từ Thủ Ðô" TiVi, https://www.youtube.com/trinhquocthien
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét