Hiệp sĩ cưỡi ngựa từng được coi là đội quân thống trị chiến trường Trung Cổ, nhưng cuối cùng bị xóa sổ khi các vũ khí mới ra đời.
Hiệp sĩ cưỡi ngựa từng được coi là đội quân thống trị chiến trường Trung Cổ. Ảnh: History.
|
Thời Trung Cổ, các hiệp sĩ cưỡi chiến mã oai dũng được coi là lực lượng
tinh nhuệ nhất trong quân đội của các vương quốc. Các hiệp sĩ này phần
lớn có xuất thân từ tầng lớp quý tộc, được huấn luyện rất kỹ lưỡng và
trang bị những vũ khí tốt nhất, tạo ra sức mạnh vượt trội so với lính bộ
binh.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của nhiều loại vũ khí mới đã giúp bộ binh nâng
cao khả năng tác chiến và lấy lại được ưu thế trên chiến trường, dần
chấm dứt thời kỳ thống trị của các hiệp sĩ, những người vẫn chỉ trung
thành với lối đánh cưỡi ngựa vung gươm, theo War History.
Nỏ
Các tài liệu lịch sử cho thấy nỏ bắt đầu xuất hiện ở châu Âu từ thế kỷ
1, dù nó đã được sử dụng ở Trung Quốc từ năm 600 trước Công nguyên. Tuy
nhiên, trong nhiều thế kỷ tiếp theo, nỏ chủ yếu được người châu Âu sử
dụng cho mục đích săn bắn, không được coi là một loại vũ khí trên chiến
trường.
Các hiệp sĩ châu Âu luôn khinh thường nỏ, vì họ cho rằng chúng là loại
vũ khí phi mã thượng, không phù hợp với phong cách chiến đấu quý tộc.
Một người bình thường được huấn luyện sơ qua là đã có thể dùng nỏ để hạ
một hiệp sĩ mặc giáp ở khoảng cách từ khá xa.
Nhận ra sự lợi hại của nỏ, các đội quân bộ binh châu Âu bắt đầu sử dụng
rộng rãi loại vũ khí này, tiêu biểu là trong trận vây hãm Senlis của
quân Pháp năm 947. Từ thế kỷ 11 trở đi, lính dùng nỏ trở thành lực lượng
có địa vị cao trong các đội quân châu Âu, ngoại trừ ở Anh.
Tranh vẽ trận đánh Crécy giữa quân Anh và Pháp trong thế kỷ 14. Ảnh: War History.
|
Vua John Lackland của Anh vào năm 1215 ra sắc lệnh cấm quân đội sử dụng
nỏ vì tính "bất công" của nó trong chiến đấu. Giáo hoàng Innocent II
(1130-1143) cũng ra lệnh cấm dùng nỏ. Tuy nhiên, những lệnh cấm này
không thể ngăn được sự phát triển và phổ biến của nỏ trên chiến trường
suốt nhiều thế kỷ sau, cho đến khi súng hỏa mai và đại bác ra đời.
Trường cung của Anh
Trường cung là dòng cung cổ của người Anh. Thân cung được làm từ gỗ
tùng, gỗ tro, hồng bì, dâu..., dây cung được làm bằng cây gai dầu, lanh,
hoặc lụa và gắn vừa vặn vào hai đầu của cánh cung, ban đầu được các thợ
săn sử dụng rộng rãi.
Khi được đưa vào chiến trường, trường cung trở thành vũ khí lợi hại của
người Anh để chống lại các hiệp sĩ cưỡi ngựa. Lực bắn rất mạnh của nó
kết hợp với đầu mũi tên nhọn bằng sắt có thể xuyên thủng áo giáp của các
hiệp sĩ từ khoảng cách xa, khiến họ gục ngã trước khi tiếp cận được đối
phương.
Trường cung kiểu Anh thời Trung Cổ. Ảnh: War History.
|
Trường cung là một vũ khí quan trọng trong trận Crécy năm 1346 giữa quân
Anh do vua Edward III chỉ huy và quân Pháp của vua Philip VI. Trong
trận chiến đó, các xạ thủ Anh dùng trường cung đã "vùi dập" các tay nỏ
Pháp, bởi nỏ có tầm bắn ngắn hơn rất nhiều so với trường cung.
Điểm hạn chế của trường cung là đòi hỏi xạ thủ phải mất rất nhiều thời
gian để thuần thục vũ khí. Ngoài ra, lực kéo của trường cung khá lớn,
lên tới 72,5 kg, nên đòi hỏi cung thủ phải có sức khỏe rất tốt.
Trường thương
Sức mạnh của các hiệp sĩ nằm ở khả năng cơ động của họ, khi đội hình
hiệp sĩ mặc giáp sắt, cưỡi ngựa có thể nhanh chóng xông thẳng vào bộ
binh đối phương, chia cắt quân địch và gây ra thương vong lớn. Nhưng từ
khi trường thương ra đời, các hiệp sĩ không còn có thể áp dụng chiến
thuật này thành công như trước.
Trường thương được thiết kế giống như một cây giáo dài với mũi nhọn bằng
sắt ở đầu trước, được dùng để đâm thẳng vào ngựa hoặc kỵ sĩ cưỡi ngựa
đang lao tới. Người ta bắt đầu nhận ra một lính bộ binh cầm thương dù
không mặc giáp trụ vẫn có thể đánh bại một hiệp sĩ cưỡi ngựa vũ trang
đến tận răng.
Chiến thuật sử dụng thương nổi tiếng nhất là đội hình bộ binh Phalanx
của người Macedonia dưới sự dẫn dắt của Alexander Đại đế (356-323BC).
Những cây thương chĩa ra từ mọi phía trong đội hình này khiến kỵ binh
không thể tiếp cận từ mọi hướng, giúp bộ binh chiếm lợi thế lớn hơn so
với các hiệp sĩ.
Người Scotland cũng áp dụng đội hình bộ binh dùng thương tương tự, nhưng
theo hình bầu dục có tên gọi "schiltron" trong Chiến tranh độc lập
Scotland (1296–1328) chống lại người Anh.
Quân Scotland áp dụng chiến thuật khi không có lực lượng bảo vệ bên sườn
hoặc phía sau. Khi đó, các hiệp sĩ Anh tấn công từ bất cứ hướng nào
cũng phải đối mặt với những cây thương tua tủa, không thể tìm ra điểm
yếu để tiến công vào đội hình.
Đội hình thương chống kỵ binh cuối thế kỷ 14. Ảnh: War History.
|
Năm 1302, tại trận Courtrai, người Flemish với trang bị trường thương và
một loại chùy lớn gọi là "goedendag" đã đánh bại quân đội Pháp đang
chiếm giữ vùng Flanders của Bỉ, diệt hơn 1.000 hiệp sĩ đối phương.
Bộ binh Thụy Sĩ sau này kế thừa đội hình Phalanx của người Macedonia và
phát triển thành chiến thuật hoàn hảo có tên "Đội hình thương thủ hình
vuông", gồm 100 người xếp thành hình vuông, chĩa mũi thương ra ngoài.
Đội hình này không có điểm yếu vì bốn mặt đều có thể tác chiến như nhau
và hỗ trợ lẫn nhau.
Quân đội Thụy Sĩ đã áp dụng chiến thuật này để đánh bại lực lượng hiệp
sĩ cưỡi ngựa của quận công Charles xứ Burundy trong trận Nancy năm 1477.
Thuốc súng
Thuốc súng được phát minh ở Trung Quốc từ thứ thế kỷ 9, sau đó được áp
dụng rộng rãi vào lĩnh vực quân sự ở châu Âu và trở thành thứ vũ khí gây
thương vong lớn nhất cho các hiệp sĩ cưỡi ngựa.
Các hiệp sĩ dù được vũ trang đến đâu, mặc áo giáp cỡ nào cũng đều có thể
bị hạ gục bởi những vũ khí sử dụng thuốc súng thô sơ nhất. Những cuộc
tấn công liều lĩnh của các hiệp sĩ xông thẳng tới đội hình bộ binh địch
dùng súng ngắn hay súng hỏa mai đều kết thúc trong thảm kịch. Tiếng nổ,
chớp lửa và khói tạo ra từ những khẩu súng này còn khiến các chiến mã
hoảng sợ và có thể hất ngã hiệp sĩ.
Từ thế kỷ 16, khi đại bác, súng hỏa mai phát triển cực thịnh, vai trò
của bộ binh cận chiến mất đi tác dụng và lính đánh thương chỉ còn nhiệm
vụ bảo vệ lính bắn súng khỏi kỵ binh đối phương.
Những pháo đài từng được coi là "bất khả xâm phạm" trước các cuộc vây
hãm cũng có thể sụp đổ trước sức mạnh của đại bác, khiến chúng không
còn là biểu tượng cho quyền lực tối cao của các lãnh chúa thời Trung Cổ.
Minh Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét