Trước khi nổ súng tấn công biên giới Tây Nam năm 1977, Pol Pot đã thực hiện rải rác các vụ sát hại người Việt từ năm 1972.
Chiều 28/12, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy An
Giang tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia "40 năm ngày chiến thắng
chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân
Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979-7/1/2019)".
Đại tướng Phạm Văn Trà phát biểu tham luận. Ảnh: Phước Tuấn.
|
Là người tham luận đầu tiên, Đại tướng Phạm Văn Trà (nguyên Bộ trưởng
Quốc phòng) khẳng định thực chất Pon Pot đã tiến hành các hoạt động
chống phá Việt Nam từ năm 1972.
"Tôi vào Quân khu 9 từ năm 1963, theo dõi kỹ nên biết tình hình này.
Không phải nghiễm nhiên Pol Pot chống chúng ta mà phải có một thế lực
bên ngoài đứng đằng sau mới có đủ sức", tướng Trà quả quyết.
Ông cho hay, khi đó, Việt Nam đang tập trung cho chiến tranh chống Mỹ
nên "chúng ta bỏ qua, cố gắng chịu đựng, thắng Mỹ rồi mới thương lượng
với họ".
Năm 1972, nhiều đội quân của Quân khu 9 sang Campuchia đã bị Pol Pot
giết hại. Sư đoàn 1 được tăng cường cho quân khu này, hoạt động chủ yếu ở
An Giang, Hà Tiên cũng bị Pon Pot cho phá hủy một bệnh viện của đơn vị
này ở Tà Keo.
Tướng Trà giải thích, đã hòa bình nhưng Bộ Tổng tham mưu quyết định
thành lập Sư đoàn 330 từ nhiều đơn vị khác (mà ông là Sư đoàn phó Tham
mưu trưởng) nhằm bảo vệ biên giới Tây Nam trước sự uy hiếp của Pol Pot.
"Năm 1972, tập đoàn giết hại nhiều người Campuchia vô tội và đánh chiếm
biên giới nước ta. Sau hòa bình, Pol Pot - Ieng Sary đã ra Thổ Chu, Kiên
Giang nói đưa gần 500 người dân vào đất liền. Nhưng sau đó chúng đã
giết chết hết rồi đánh đảo Phú Quốc", ông Trà khẳng định.
Đại đội 9 (Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18) phòng ngự tại chùa Xà Xía, Hà Tiên, Kiên Giang tháng 7/1978. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân.
|
Tham luận tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu sử học và quân sự cho biết,
từ những năm 60 của thế kỷ trước, Pol Pot - Ieng Sary từng bước thao
túng quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Campuchia. Sau 30/4/1975, Pol Pot -
Ieng Sary công khai coi Việt Nam là "kẻ thù số một, kẻ thù truyền kiếp",
họ vừa tập trung phát triển lực lượng, vừa triển khai hàng loạt hoạt
động gây hấn, thăm dò chiến tranh.
Đến cuối năm 1976, các cuộc tiến công của quân Pol Pot vào lãnh thổ Việt
Nam ngày càng tăng, quy mô ngày càng lớn, có nơi tiến sâu vào tới 15 km
(Kiên Lương, Kiên Giang), làm cho tình hình biên giới Tây Nam hết sức
căng thẳng. Chỉ tính từ tháng 4/1975 đến tháng 6/1977, Pon Pot đã xâm
phạm biên giới Việt Nam trên 2.000 lần, gây tổn thất hơn 4.000 người.
Những cuộc tiến công của quân đội Pol Pot không phải là hành động bột
phát mà được chuẩn bị kỹ lưỡng, mang tính hệ thống, hành động tàn bạo.
Chiến tranh biên giới Tây Nam chính thức mở đầu bằng sự kiện ngày
30/4/1977, quân Pol Pot sử dụng lực lượng cấp sư đoàn và lực lượng địa
phương các tỉnh biên giới, bất ngờ đồng loạt tiến công xâm lược toàn
tuyến biên giới của tỉnh An Giang.
Thiếu tướng Bùi Thanh Sơn, nguyên Trưởng Sư đoàn 320 (Quân khu 3) cho
biết phạm vi không gian cuộc chiến tranh diễn ra ở địa bàn các tỉnh biên
giới, nơi đối đầu trực tiếp giữa hai bên.
Pon Pot luôn luôn tập trung lực lượng mạnh, thời điểm cao nhất lên đến
23 sư đoàn bộ binh cùng các quân binh chủng mạnh, lực lượng các quân khu
và tỉnh trên tuyến biên giới giáp Việt Nam. Tổng số quân cao nhất lên
đến 120.000 với nhiều loại vũ khí hiện đại.
Thiếu tướng Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Phước Tuấn.
|
Không chỉ thực hiện quyền tự vệ, quân đội và nhân dân Việt Nam giúp
người dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng của Pon Pot - được đánh
giá là "tàn bạo và kỳ lạ nhất trong lịch sử loài người".
GS Võ Văn Sen (nguyên Hiệu trưởng Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP
HCM) cho rằng, 40 năm trôi qua nhưng khi nhắc lại thảm họa này, nhiều
người vẫn còn bàng hoàng, căm giận.
"Họ tự đặt câu hỏi vì sao từ nửa sau thế kỷ 20, khi nền văn minh nhân
loại đã đạt đến đỉnh cao lại có thể tồn tại một chế độ nô dịch, tự giết
hại chính dân tộc mình, phá nát chính đất nước mình", ông Sen nói và cho
biết đây vẫn là vấn đề mà giới chính trị và nghiên cứu thế giới tiếp
tục tìm kiếm, lý giải.
Theo số liệu thống kê của Hội đồng Mặt trận đoàn kết xây dựng và bảo vệ
tổ quốc Campuchia điều tra về tội ác của Pol Pot - Ieng Sary, từ năm
1975-1979, số người bị sát hại là hơn 2,7 triệu. Hàng nghìn trường học,
bệnh viện, hàng trăm nghìn ngôi nhà bị phá hủy.
"Nhà báo Wilfred G. Burchett đã thốt lên rằng xin hãy đừng bảo bất kỳ
đứa trẻ Campuchia nào vẽ lại bức tranh cuộc sống dưới thời Pol Pot theo
trí nhớ của nó. Thông thường, hình ảnh bao trùm bức tranh ấy là một gã
thanh niên trong bộ đồ đen đang dùng roi quất ai đó trên công trường
hoặc đang dùng gậy đập chết ai đó trên mép một hố chôn tập thể", Giáo sư
Sen nói.
Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói chỉ trong gần bốn
năm tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary đã xóa bỏ gần hết cơ sở, vật chất xã
hội và đẩy dân tộc Khmer trước thảm họa diệt vong. Sự giúp đỡ của Việt
Nam với Campuchia trước nạn diệt chủng này là "trong sáng, vô tư, chí
tình chí nghĩa".
"Cùng với thời gian, sự giúp đỡ và tình đoàn kết giữa Việt Nam -
Campuchia sẽ trở thành biểu tượng của tình đoàn kết quốc tế thủy chung,
trong sáng", ông nói.
Hội thảo cũng tập trung phân tích những điểm mạnh cũng như hạn chế về
mặt khoa học quân sự của Việt Nam trong chiến tranh biên giới Tây Nam,
đồng thời đúc kết những bài học kinh nghiệm nhằm vận dụng cho bối cảnh
hiện tại.
Huy Phong - Mạnh Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét