Đang bị Mỹ và phương Tây cấm vận, đồng thời đánh
Pol Pot ở biên giới Campuchia, Việt Nam tiếp tục đương đầu với cuộc xâm
lăng từ phương Bắc.
Sáng 15/2, lần đầu tiên hội thảo cấp quốc gia về Cuộc chiến bảo vệ biên
giới phía Bắc (1979-2019) được Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Hội sử
học Việt Nam tổ chức. 300 đại biểu tham dự chủ yếu là các nhà khoa học
nghiên cứu lịch sử hiện đại, tướng lĩnh quân đội, cựu chiến binh.
Hơn 60 tham luận được chuẩn bị kỹ lưỡng, tập trung phân tích nguyên nhân
sâu xa và những toan tính của Bắc Kinh khi gây chiến, bài học từ cuộc
chiến. Hầu hết đại biểu đều thống nhất tính chất sự kiện lịch sử này
là cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân Trung Quốc xâm lược.
PGS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội sử học Việt Nam phân tích, sau năm
1975, Việt Nam bước ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mỹ với "thân mình đầy
thương tích khi hàng triệu người bị chết, bị thương, hàng nghìn thành
phố, làng mạc bị phá huỷ".
Vậy nên, cuộc tấn công xâm lược Việt Nam của Trung Quốc "đã đẩy
Việt Nam vào thế lưỡng đầu thọ địch", trong khi đang bị Mỹ và các nước
phương Tây cấm vận và tiêu diệt tàn dư Pol Pot ở Campuchia. Ông so sánh giai đoạn tháng 2/1979, nước VN rơi vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" không khác năm 1945-1946.
Cuộc xâm lược Việt Nam của quân đội Trung Quốc làm thế giới sửng sốt.
Bởi từ chỗ là đồng minh trong "chiến tranh lạnh", nhà cầm quyền Trung
Quốc đã coi Việt Nam là kẻ thủ.
"Người bình thường trên thế giới không ai nghĩ rằng một dân tộc vừa trải
qua 30 năm chiến tranh với thương tích đầy mình và có biết bao công
việc phải làm để xây dựng lại đất nước lại đi khiêu khích rồi xâm lược
một nước khác - lại là một nước lớn hơn, thậm chí từng là đồng minh
trong hai cuộc kháng chiến trước đó", ông Trần Đức Cường lập luận phản
bác quan điểm của nhiều học giả Trung Quốc cho rằng cuộc chiến tranh
chống Việt Nam chỉ là "phản công tự vệ".
PGS Trần Đức Cường. Ảnh: Gia Chính
|
Làm rõ hơn khó khăn của Việt Nam khi đó, PGS Nguyễn Văn Nhật (Hội sử
học) dẫn chứng, cuối năm 1978, đúng lúc quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
xấu đi thì Pol Pot bắt đầu leo thang quân sự, xâm lấn các tỉnh biên giới
Tây Nam. Trung Quốc còn tăng viện trợ, cung cấp vũ khí, xe tăng, gửi cố
vấn quân sự hỗ trợ Pol Pot.
Khi Việt Nam phản công Pol Pot ở biên giới Tây Nam thì Đặng Tiểu Bình
thăm các nước Đông Nam Á và tuyên bố "phải dạy cho Việt Nam một bài
học". Ngày 27/1/1979, Nhân dân nhật báo viết: "Sự thất thủ của Phnom
Penh không có nghĩa là chiến tranh chấm dứt mà chỉ là khởi đầu".
Để cô lập Việt Nam, tháng 1/1979, Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ rồi thăm Nhật,
thông báo ý định tấn công Việt Nam và mong muốn sự hỗ trợ tinh thần từ
các nước này.
"Hai tuần sau chuyến thăm, Đại sứ Mỹ Malcolm kín đáo khuyến cáo ngoại
trưởng Liên Xô Gromyko "tự kiềm chế trong trường hợp Trung Quốc tấn công
Việt Nam để không ảnh hưởng đến việc Quốc hội Mỹ thông qua hiệp ước cắt
giảm vũ khí chiến lược (SALT)", ông Nhật nói rõ hơn về tác động chuyến
thăm của Đặng Tiểu Bình tới Mỹ nhằm cô lập Việt Nam.
Tại hội thảo, GS Đinh Xuân Dũng có bài phát biểu cảm động về trăn trở thực hiện chế độ, chính sách với người có công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
"Trên đường quốc lộ lên Hà Giang, tôi thấy dọc hai bên đường là hai hàng
quan tài xếp dài đến hàng trăm mét. Đứng cạnh là người thân của những
người lính đã ngã xuống", ông kể lại nỗi ám ảnh trong một lần thực tế ở
Vị Xuyên.
Trên chiến địa, nhiều chiến sĩ trẻ cắm chốt nhiều ngày, chỉ mặc một cái
quần, râu tóc dài như "cụ non" vì chiến đấu không kịp cắt.
GS Đinh Xuân Dũng. Ảnh: Gia Chính
|
Ông vẫn nhớ mãi lời một chiến sĩ nói với ông: "Bọn em như những con thằn
lằn bám vào đá để sống và bảo vệ bằng được từng mỏm đá, mỏm núi của
biên cương Tổ quốc".
Đế nay, khoảng 4.000 hài cốt chiến sĩ chưa được tìm thấy hoặc không thể
quy tập bởi rất nhiều mìn còn găm lại chiến địa xưa. "Tôi day dứt vì còn
mắc nợ những người đã hy sinh ở chiến trường ác liệt, thầm lặng và dai
dẳng ấy", ông Dũng nói.
Theo ông, những năm qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách tri ân,
đền ơn những người đã chiến đấu ở biên giới phía Bắc. 250.000 người được
trợ cấp một lần và hơn 300 người được trợ cấp hàng tháng. Hơn 100.000
người là dân công hoả tuyến phục vụ chiến đấu ở biên giới phía Bắc đã
được giải quyết chế độ một lần. Hơn 30.000 người được thưởng huân chương
chiến công vì có thành tích tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc,
các bà mẹ Việt Nam anh hùng được nhà nước xây dựng nhà ở, tri ân...
Nhưng ông còn mơ ước Nhà nước có chính sách quyết tâm tìm kiếm, quy tập
hài cốt liệt sĩ ở biên giới phía Bắc. "Chúng tôi khát khao mong như
vậy", ông Dũng kết thúc bài chia sẻ.
Rạng sáng 17/ 2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới,
đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu)
đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200 km.
Theo Niên giám châu Á năm 1980, thời điểm Trung Quốc tấn công, tổng lực
lượng phòng thủ của Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc khoảng
50.000 quân. Trong khi đó, Trung Quốc sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và 32
sư đoàn bộ binh độc lập; 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn với khoảng
600.000 người, gấp hơn 10 lần lực lượng tham chiến thực tế của Việt Nam.
Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên toàn
quốc. Cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố "hoàn thành mục tiêu chiến tranh"
và rút quân. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chiếm đóng trái phép một số điểm
cao ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, thường xuyên gây xung đột vũ trang.
Đến năm 1989, cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược mới kết thúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét