Sunday, 22 February 2009 09:03- |
2/21/2009 Sau năm 1975, Liên Sô giúp 500 triệu Mỹ kim cho ngân sách VN tài khoá 1976 và 3 tỷ đô la cho kế hoạch ngũ niên 1976-1980 của Hà Nội. Bắc Kinh, trong lúc đó, chỉ viện trợ tượng trưng 200 triệu, báo tin không cấp ngân khoảng mới cho 1977 và ngày 27-9-1976, tại diển đàn Liên Hiệp Quốc, Ngoại Trưởng Kiều Quán Hoa một mặt tố Liên Sô đang trám khoảng trống ở Á Châu và mặt khác, cảnh cáo các thành viên Đông Nam Á đừng bao giờ "đón cọp vào ngã sau trong khi đuổi chó sói ra cửa trước." Với ước mong được thu nhập vào COMECON, Hội Đồng Tài Trợ Kinh Tế Hỗ Tương CS, Hà Nội theo sát con đường Liên Sô chống Trung Quốc (Tàu). Cuối 1976, Đảng Lao Động VN nhóm Đại Hội lần thứ 4 tại Hà Nội, dưới sự giám sát của lý thuyết gia Mikhail A. Suslov, trưởng phái đoàn Sô Viết, thì đa số ủy viên trong bộ Chính Trị đã theo phe TBT Lê Duẫn (tức ngã theo Mạc Tư Khoa): Võ Nguyên Giáp, Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Linh, Tố Hữu, Đổ Mười. Những phần tử như Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, trước kia đứng giữa, nếu không nói là thiên Bắc Kinh, đều chuyển hướng. Phó Chủ Tịch Quốc Hội Hoàng Văn Hoan do thân Trung Quốc nên bị khai trừ, phải trốn sang Tàu và lãnh án tử hình khiếm diện. Nhiều người Việt đã chới với vì Trung Quốc quyết định chấm dứt tình anh em hữu nghị giữa hai nước. Một số không ít như TT Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Thanh Nghị, Võ Chí Công và Chu Huy Mẫn phải đổi phía để sống còn. Ngay cả Trường Chinh cũng tỏ ra ôn hòa hơn. Cuối 1977, sau khi tham khảo ý kiến Trung Quốc, Cam Bốt đoạn giao với VN. Đầu năm 1979, số cố vấn và chuyên viên Sô Viết tại VN tăng từ 5000 đến 8000. Nhiều diễn biến dồn dập xảy ra, khiến cho Bắc Kinh và Hà Nội không tránh được sự đụng độ trực tiếp. NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN ĐỤNG ĐỘ VIỆT-TRUNG 1. - Việt Nam cho phép Liên Sô sử dụng Vịnh Cam Ranh và ký Hiệp ước thân hữu với Liên Sô. Tháng 6-1978, không khí căng thẳng khi Phó Thủ Tướng Đặng Tiểu Bình báo tin hủy bỏ viện trợ cho VN, phản đối việc trục xuất 110.000 người Việt gốc Hoa và công bố Trung Quốc đã giúp cho CSVN hơn 20 tỷ Mỹ kim từ 1950 đến 1978. Hà Nội liền tố ngược các lãnh tụ Tàu là phản động hiện chủ nghĩa bành trướng bá quyền. Đồng thời, Phạm Văn Đồng lên tiếng xin bình thường hóa bang giao với Hoa Kỳ. Mười hôm sau, giới truyền thông Hà Nội rầm rộ tung tin Liên Sô được phép lập căn cứ quân sự tại Cam Ranh và Đà Nẵng. Sau đó, Liên Sô tăng thêm viện trợ dài hạn cho Hà Nội. 2. - Ngày 3-11-1978 Liên Sô và Việt Nam ký Hiệp ước thân hữu và hợp tác, trong đó điều 6 đặc biệt ghi rằng đôi bên sẽ áp dụng "các biện pháp thích nghi và hữu hiệu để bảo vệ hòa bình và an ninh " nếu một trong hai nước bị đe dọa hay tấn công. Về mặt chiến lược, Trung Quốc muốn thử nghiệm một cuộc chiến tranh biên giới có giới hạn để thăm dò khả năng tương trợ của Liên xô, sau khi Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế SEV, và ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên Xô (1978), trong đó có điều khoản về tương trợ quân sự . Nếu thảo ước này được tuân thủ nghiêm ngặt, theo nhận định của Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nó sẽ là hiểm họa quốc phòng lớn vì đặt Trung Quốc vào tình thế lưỡng đầu thọ địch khi xảy ra chiến tranh với Việt Nam hoặc Liên Xô. Trong dịp viếng Thái Lan, Đặng Tiểu Bình sỉ vả VN là "Cuba của phương Đông, bắt tay với đế quốc để xây mộng bá chủ và đe dọa Thái Bình Dương và Thế Giới!”. 3. - Tranh chấp Việt-Hoa về lãnh thổ. Từ lâu, 3 khu vực sau đây là đề tài tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc. a) Một biên giới chung dài trên 797 cây số (phần còn lại được phân giới bằng các con sông), được thực dân Pháp và Trung Hoa ấn định năm 1887 trong một thỏa ước và bổ túc năm 1895. Cuối thập niên 70, cả Hoa và Việt khiếu nại lẫn nhau về vị trí của 310 cột trụ phân ranh. b) Tranh chấp vịnh Bắc Việt, còn gọi là Beibu Gulf- Vịnh Bắc Bộ (Gulf of Tonkin). Hai Thỏa Ước vừa kể không nói rõ lằn ranh thuộc phần kiểm soát của mỗi nước. Tháng 10-1977, cuộc hội nghị tại Bắc Kinh không giải quyết được dứt khoát vấn đề. c) Gây cấn nhất là chuyện dành chủ quyền hai nhóm quần đảo Hoàng Sa (Paracels-Nam Sa-Nansha)và Trường Sa (Spratlys-Tây Sa-Xisha). Khu vực này hệ trọng cho cả Trung Quốc và VN về chiến thuật và dầu khí. Hoàng Sa, Trường Sa, cùng với một số đảo lân cận khác như Pratas Reef và Macclesfield là những trạm thông thương giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ngày 4-9-1958, Bắc Kinh công bố chủ quyền trên Trường Sa và Hoàng Sa. Mười hôm sau, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng gởi công văn cho Chu Ân Lai xác nhận chính phủ VN đồng ý. Năm 1977, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng nói trớ lại rằng công văn này vô hiệu vì ký trong thời chiến quân đội vN đã tái chiếm được 6 đảo nhỏ. Từ 1974 cho đến ngày 16-2-1979, theo Nhân Dân Nhật Báo (TQ), số ra ngày 14-5-1979 và bản ghi chép "SRV Memorandum" đề ngày 16-3-1979, có tất cả 3535 vụ xô xát Việt-Hoa tại biên giới (trong sổ sách Trung Cộng) và 4333 vụ (chiếu theo tài liệu Việt Nam). 4. - Hà Nội trục xuất Hoa Kiều làm cho tình hình căng thẳng tột độ. Đầu 1977, Việt-Hoa căng thẳng. Chính quyền Hà Nội đuổi người Tàu sống tại các tỉnh biên giới về Trung Quốc. Nhà nước CHXHCN còn công bố cho phép ra đi vĩnh viển những ai mang chiếu khán Hồng Kông, Đài Loan hay Pháp. Ngày 29 tháng 6, VN chính thức gia nhập COMECON, Bắc Kinh liền cúp viện trợ hoàn toàn, hồi hương 880 chuyên viên và đóng cửa Sứ Quán. Hà Nội ra lệnh cho Tòa Tổng Lãnh Sự Tàu ngưng hoạt động tại thành phố SG. Ba lãnh sự quán Việt ở Nam Ninh, Côn Minh và Quảng Đông cũng phải rút lui. Từ tháng 9-1978, trong tạp chí CS và tờ Quân Đội Nhân Dân, nhà cầm quyền VN bắt đầu kêu gọi dân chúng sẳn sàng chống lại "chủ nghĩa bành trướng của nước lớn và ý đồ bá quyền của bọn Đại Hán phong kiến Trung Hoa". Trung Quốc muốn đem Hoàng Văn Hoan về nước, lật đổ chính quyền Hà Nội và tiêu diệt phe chống Trung Quốc do Lê Duẩn lãnh đạo và dựng lên chính phủ mới do Hoàng Văn Hoan (thân Trung Quốc) đứng đầu. Đặng Tiểu Bình chuẩn bị chiến tranh: Thủ Tướng Chu Ân Lai qua đời đầu năm 1976 và Mao Trạch Đông, chín tháng sau. Nội tình Trung Quốc xáo trộn vì ba sự kiện hệ trọng: 1. Chiến dịch sôi nổi chống nhóm "bè lũ bốn tên" của Giang Thanh (Jiang Qing), vợ Mao Trạch Đông, đầu não xách động Cách Mạng Văn Hóa. 2. Việc thi hành chậm trể kế hoạch Bốn Hiện Đại Hóa do Chu đề xướng để canh tân kỷ nghệ, canh nông, quốc phòng và khoa học. 3. Sự tranh quyền ráo riết giữa Đặng Tiểu Bình và tổng Bí Thư Hoa Quốc Phong. Cuối năm 1978, sau hai lần bị khai trừ, Đặng phục hồi quyền lực, nắm lại đa số trong Bộ Chính Trị. Ngày 15-12-1978, Hoa Kỳ công nhận Trung Hoa vào Liên Hiệp Quốc. Đặng Tiểu Bình liền bay qua Hoa Thịnh Đốn hội kiến với Tổng Thống carter, báo tin riêng sẽ tấn công VN và trấn an Mỹ rằng nhà cầm quyền nước ông biết tự chế. Ngày 1-1-1979, hai nước bang giao chính thức. Đặng cũng viếng Nhật và một số quốc gia Đông Á để dò xét phản ứng. Tất cả đều lo ngại về ý đồ tương lai của Việt cộng, đồng minh của Liên Sô. Trở về Bắc Kinh, Đặng điều chỉnh kế hoạch. Thay vì gởi quân qua Cam Bốt giúp Khờ Me Đỏ và để tránh mang tiếng với Thế Giới là "mưu đồ bành trướng”, Trung Quốc quyết đánh thẳng vào VN dưới hình thức "phản công tự vệ", không dùng hải lực không quân, trong một thời gian giới hạn và chỉ nhắm vào vùng biên giới. Nhận thấy Việt Nam đưa quân vào Campuchia lật đổ chính quyền diệt chủng Khmer Đỏ do Trung Quốc bảo trợ trong cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Campuchia, Trung Quốc quyết định tấn công xâm lược Việt Nam với lý do "dạy cho Việt Nam một bài học đích đáng" (lời Đặng Tiểu Bình) nhưng mục đích chính là phân chia lực lượng quân đội của Việt Nam để giúp chính quyền diệt chủng Khmer Đỏ. Đồng thời, Trung Quốc muốn thử nghiệm chiến thuật quân sự phòng thủ chủ động, đưa cuộc phòng thủ biên giới vào sâu lãnh thổ Việt Nam. TÌNH HÌNH CHUNG của TRUNG QUỐC - VIỆT NAM THỜI 1979. Trước tháng 2-1979, Trung Quốc có 3,600,000 quân nhân tại ngũ và 175 sư đoàn tại 11 vùng chiến thuật. Võ khí gồm có 10,000 chiến xa, 20,000 giàn phóng hỏa tiển, 16,000 khẩu pháo và phương tiện chuyên chở rất lạc hậu. Hải quân có 30,000 thủy thủ, 75 tiềm thủy đỉnh. Hạm đội Bắc Hải có 300 chiến hạm, Đông Hải: 450 và Nam Hải: 300. Lực lượng không quân có 400,000 phi công, 5,000 chiến đấu cơ cũ và lỗi thời, loại Mig 15, 17,19 và 80 Mig 21. Đặng Tiểu Bình là Tổng Tư Lệnh Hành Quân, với 2 phụ tá Tướng Hứa Thế Hữu và Tướng Dương Đắc Chí. Để tiến công Việt Nam, Trung Quốc sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn), 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không. Lực lượng được huy động khoảng 60 vạn binh sĩ, 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1260 súng cối và dàn hỏa tiễn, chưa kể hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và 1700 máy bay sẵn sàng phía sau. Tướng Hứa Thế Hữu, tư lệnh Đại Quân khu Quảng Châu chỉ huy hướng tiến công vào đông bắc Việt Nam với trọng điểm là Lạng Sơn và Cao Bằng. Tướng Dương Đắc Chí, tư lệnh Đại Quân khu Côn Minh đảm nhiệm hướng tây bắc với trọng điểm là Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai). Đây là đợt huy động quân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên. Về phía VN, tổng quân số lên đến 600,000 binh sĩ phân chia 200,000 tại Cam Bốt, 100,000 tại Lào, 100,000 tại Nam Việt, và 200,000 ở Bắc Việt. Xung quanh Hà Nội, có 5 sư đoàn và 4 lữ đoàn. Do phần lớn các quân đoàn chính quy (3 trong số 4 quân đoàn) đang chiến đấu ở Cam Bốt nên phòng thủ ở biên giới với Trung Quốc chỉ có một số sư đoàn chủ lực quân khu (chủ yếu là tân binh) của Quân khu I và II cùng các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện, công an vũ trang (biên phòng) và dân quân tự vệ. Lực lượng biên giới có khoảng 70.000 quân, sau được hai sư đoàn từ miền xuôi lên tiếp viện. Quân đoàn 1 vẫn đóng quanh Hà Nội. Dài theo biên giới Trung Hoa, VN có 150,000 dân quân tổ chức thành 6 sư đoàn địa phương và một trung đoàn. Không lực CHXHCN Việt Nam có 300 chiến đấu cơ (70 Mig 19, 17 chiếc Mig 21, và một số F-5, A-37, C-130, UH-1A tịch thu của Mỹ-VNCH năm 1975). Hải quân Việt có 2 chiếc PETYA Sô Viết với hỏa tiễn chống tiềm thủy đĩnh, và 60 tàu tuần tiểu. Cuộc tấn công "dạy Việt Nam một bài học" kéo dài 16 ngày, chia thành ba (03) giai đoạn: A. Từ 17 đến 26-2-1979: Phá vỡ hàng phòng thủ đầu tiên của Việt Nam và chiếm Cao Bằng, Lào Cai, cùng hai thị trấn Cam Đường và Đồng Đăng, cửa ngõ dẫn vào Lạng Sơn. Ngày 17 tháng 2, lúc 5 giờ sáng, theo chiến thuật biển người, khoảng 10,000 binh lính Trung Quốc, được chiến xa Bát Nhất hỗ trợ, đã tràn vào Lạng Sơn, (phía Đồng Đăng), Cao Bằng, Đông Khê, Móng Cáy, và Lào Cai sau khi pháo kích mãnh liệt. Sự tiến quân, mau lẹ lúc đầu, lần hồi bị du kích địa phương quân Việt chận lại và bao vây. Các đơn vị chính quy VN tập trung về phía Nam Cao Bằng và Lạng Sơn để đánh tiêu hao những sư đoàn đối phương. Số tổn thương của hai bên đều nặng. Quân đội Trung Quốc áp dụng chiến thuật biển người bất kể tổn thất tiến công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Hướng Lạng Sơn có quân đoàn 43, 54, 55. Hướng Cao Bằng có quân đoàn 41, 42, 50. Hướng Hoàng Liên Sơn có quân đoàn 13, 14. Hướng Lai Châu có quân đoàn 11. Hướng Quảng Ninh, Hà Tuyên (nay là Hà Giang) mỗi nơi cũng có từ 1-2 sư đoàn. Tất cả các hướng tấn công đều có xe tăng, pháo binh hỗ trợ. Trong giai đoạn đầu đến ngày 28 tháng 2 năm 1979, quân Trung Quốc chiếm được các thị xã Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang và một số thị trấn. Các cơ sở vật chất, kinh tế ở những nơi này bị phá hủy triệt để. Tuy nhiên, do vấp phải sự phòng ngự có hiệu quả của Việt Nam nên quân Trung Quốc tiến rất chậm và bị thiệt hại nặng. Phía Trung Quốc chuẩn bị tấn công Lạng Sơn nhưng không có ý định tiến về Hà Nội. Ðặng Tiểu Bình lớn tiếng đe dọa "quân Trung Quốc sẽ ăn sáng ở Hà Nội, ăn trưa ở Huế và sẽ ăn tối ở Sài Gòn". Lúc này, Ban Bí Thư Trung Ương Đảng Cộng Sản được mật lịnh của TBT Lê Duẫn dời ra thành phố Nha Trang. Phía Việt Nam có các đại đơn vị sau đây tham chiến trong thế trận phòng ngự hai lớp: 1) Phòng tuyến lớp đầu gồm có sư đoàn 325B, sư đoàn 338, sư đoàn 3, sư đoàn 374, sư đoàn 304, sư đoàn 346 (trung đoàn 246, 677, 851 và trung đoàn pháo binh 188), trung đoàn 43, trung đoàn 244, trung đoàn 576, trung đoàn 49, và 6 tiểu đoàn dân quân tự vệ. Tổng quân số khoảng 70 ngàn quân. 2) Phòng tuyến lớp nhì gồm có: sư đoàn 312, sư đoàn 431, sư đoàn 327, sư đoàn 329, sư đoàn phòng vệ hải đảo 242, trung đoàn 196, lữ đoàn 38, lữ đoàn 98, và 27 đơn vị cảnh sát (khoảng 100 cảnh sát cho mỗi đơn vị). Quân đoàn 1 và 2 cùng đóng ở Hà Nội. Tổng quân số khoảng 88 ngàn quân. Ngày 19 tháng 2 năm 1979, nhóm cố vấn quân sự cao cấp của Liên Xô tới Hà Nội để gặp các tướng lĩnh chỉ huy của Việt Nam. Liên Xô yêu cầu Trung Quốc rút quân. Liên Xô cũng viện trợ gấp vũ khí cho Việt Nam qua cảng Hải Phòng, đồng thời dùng máy bay vận tải chuyển một số sư đoàn chính quy Việt Nam từ Cam Bốt về. Sau đó, Liên Sô đưa 7 chiến hạm tuần tiểu dài theo hải phận VN vào ngày 21 tháng 2, gởi tuần dương hạm Sverdlov và một khu trục hạm Krivak vào Nam Hải. Vũ khí Liên Sô được không vận từ Calcutta và một phía đoàn quân sự Sô Viết bay qua Hà Nội. Mạc Tư Khoa yêu cầu Bắc Kinh rút binh. Cùng một ngày, Hà Nội ra lệnh tổng động viên toàn quốc. B. Từ 27-2 đến 5-3: Tấn công Lạng Sơn và khu vực bao quanh ở phía đông, Sa Pa và Phong Thổ ở phía tây bắc. Chiến cuộc tiếp diển ở Lào Cai, Cao Bằng và Móng Cáy nhưng tập trung mạnh nhất vào Lạng Sơn, cách Đèo Hữu Nghị lối dặm và Hà Nội, 85 dặm. Với hai sư đoàn mới đến từ Đồng Đăng và Lộc Bình, Trung Cộng vất vả tấn công các ngọn đồi quanh tỉnh. Quân Việt chống cự mãnh liệt và còn đột nhập vào ba thị trấn Guangxi, Malipo và Ninping ở bên kia bên giới. Trong giai đoạn sau, cả hai bên đều tăng cường thêm lực lượng và cuộc chiến tiếp tục, trong đó quyết liệt nhất là hướng Lạng Sơn. Tại đây sư đoàn bộ binh 3 Sao Vàng, một đơn vị thiện chiến của Việt Nam cùng một số sư đoàn khác đã tổ chức phòng thủ chu đáo. Sau nhiều trận đánh đẫm máu bất kể tổn thất, quân Trung Quốc vào được thị xã Lạng Sơn chiều ngày 4 tháng 3 năm 1979. Đồng Đăng và Cẩm Dương bị san bằng nhưng các đơn vị Việt tiếp tục đánh tại Lộc Bình và Móng Cái. Các đơn vị kỹ thuật Công Binh Việt đã dùng các bom CBU 55 (Bom Con Heo -loại 7 tấn- đã dùng các mặt trận Xuân Lộc 1975- do Việt Nam Cộng Hòa để lại) để cầm cự với quân Trung Cộng. Do chỉ còn có 1 chiếc C-130 (do KQ VNCH để lại) và không còn bàn trượt (pallet) để đẩy bom ra khỏi máy bay nên không thể thả bom từ trên không được. Một sáng kiến được đưa ra là dùng xe Molotova chở thẳng các quả bom CBU 55 vào các cánh rừng gần nơi trú quân. Sau khi gài mìn kích nổ hẹn giờ, các lực lượng trú phòng Việt Nam rút về phía Nam. Quân Trung Quốc tràn lên chiếm đóng và kết cục là phải hứng chịu những trận nổ long trời lở đất gây thiệt hại nặng nề về quân số. Thật ra sáng kiến này cũng chỉ áp dụng lại kỹ thuật đánh hầm ngầm đồi A1 trong trận Điện Biên Phủ- trong đó quận Việt Minh đã cho nổ một khối thuốc nổ 1 tấn dưới chân đồi A1. Kết quả quân Trung Quốc bị thiệt hại khá nặng nề sau vài ngày tiến chiếm 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Ngày 5 tháng 3 năm 1979, Việt Nam ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Đồng thời phía Việt Nam cũng điều các sư đoàn chủ lực có xe tăng, pháo binh hỗ trợ áp sát mặt trận, chuẩn bị phản công giải phóng các khu vực bị chiếm đóng. C. Giai đoạn cuối: bình định và phá hủy các căn cứ quân sự ở khu vực biên giới với VN, trước khi rút về vào ngày 16 tháng 3. Ngày 5 tháng 3, do bị tổn thất nặng, không thể tiến quân tiếp tục, cộng với áp lực của Liên Xô và sự phản đối của quốc tế, đồng thời cũng đã gây thiệt hại nặng cho nhiều thị xã lớn của Việt Nam ở biên giới, Bắc Kinh tuyên bố đã "hoàn thành mục tiêu chiến tranh", chính quyền Bắc Kinh một mặt công bố đã chiếm được (do quân Việt rút lui) các tỉnh lỵ Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai và 17 quận, gây thiệt haị nặng cho 4 sư đoàn Việt và công bố sẽ rút quân "sau khi hoàn tất mục tiêu". Mặt khác, cảnh cáo Hà Nội không được cản trở sự rút lui của Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc. Ngày 07 tháng 3, VN xác nhận đồng ý cho đối phương rút quân "để tỏ thiện chí hòa bình". Tại Nga, Thủ Tướng Kosygin và TBT Brezhnev cực lực lên án Trung Quốc, tiếp tục cho không vận vũ khí và canh chừng hải phận VN. Ngày 16-3-1979, không còn đơn vị Trung Quốc nào ở VN. Dưới đây là bản kê khai thiệt hại của đôi bên căn cứ vào tài liệu mỗi phía, trích từ quyển sách "China's War with Viet Nam, 1979" của GS King G. Chen: Trung Quốc Việt Nam Tử thương: 26,000 30,000 Bị thương tích: 37,000 32,000 Tù chiến tranh: 6,000 2,380 Chiến xa, quân xa: 420 185 Bích kích pháo, súng: 66 200 Giàn hỏa tiển: 0 6 Trung Quốc lẫn Việt đều tuyên bố thắng trận nhưng không xứ nào hoàn thành mục tiêu chính yếu. Trung Quốc không hủy được sư đoàn Việt Nam nào, không chấm dứt được xung đột tại biên giới, không ép được các đơn vị Việt Nam rút ngay ra khỏi Cam Bốt và cũng không thuyết phục nổi VN thay đổi chính sách đối với Hoa kiều. Phía Việt Nam có hàng chục nghìn dân thường chết và bị thương. Trung Quốc cũng đã gây ra những tội ác và những thiệt hại nặng nề về kinh tế cho Việt Nam: 4/4 thị xã bị hủy diệt hoàn toàn, 320/320 xã, 735/904 trường học, 428/430 bệnh viện, bệnh xá, 41/41 nông trường, 38/42 lâm trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 80.000 ha hoa màu bị tàn phá, 400.000 gia súc bị giết và bị cướp. Khoảng 2,5 triệu dân bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã thành công trong việc chiếm thêm đất đai của Việt Nam. Trước năm 1979 chỉ có khoảng 30 điểm khu vực có tranh chấp lãnh thổ với Trung Cộng. Sau trận chiến 1979, số điểm tranh chấp và chiếm đóng trái phép lên đến hàng trăm điểm như khu vực Chi Ma (Lạng Sơn) và còn rất nhiều khu vực khác chẳng hạn như xã Thanh Lòa huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn, khu vực Hang Nà Cốc Pheo thuộc xã Cấn Yên, huyện Thông Nông tỉnh Cao Bằng, bản Nà Ke xã Bảo Lâm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Hoàn cảnh sau 03/1979 thật đúng theo tục ngữ "Nực cười châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã ai ngờ xe nghiêng". Trung Quốc tính dạy Việt Nam 1 bài học nhưng chính ra Việt Nam đã dạy lại Trung Quốc 1 bài học đích đáng. Trích chương 18 trong sách lịch sử "Những biến cố mất lãnh thổ-lãnh hải của Việt Nam từ 939-2002" của tác giả L/S Trịnh Quốc Thiên. Sách đã đoạt giải Biên Khảo năm 2008 của Hội Y Sĩ Quốc Tế - Việt Nam Tự Do (ngày 09 tháng 08 năm 2008 tại Thành Phố San José - Hoa Kỳ). Trinh Quoc Thien, Esq. P.O.Box 323 Annandale, Virginia 22003 U.S.A qttt@yahoo.com trinhquocthien@ gmail.com Tham khảo Tài Liệu Việt NgữHOÀNG DUNG, “Chiến tranh Đông Dương 3”, nxb Văn Nghệ, USA, 2000. Lâm Lễ Trinh, "Chiến Tranh Việt Trung năm 1979". Lưu Văn Lợi (1997), “Ngoại giao Việt Nam”. Lê Mậu Hãn (chủ biên). “Đại cương Lịch sử Việt Nam”, tập III, 1945-2000. Hà Nội: NXB Giáo dục, 2001. Lê Xuân Khoa, "Việt Nam 1945-1995". Bethesda, MD: Tiên Rồng, 2004. trang 211. Nguyễn Hữu Thúy (1979), Chinese Aggression : How and Why it failed", NXB QĐND (1980). Sách Trắng "30 Năm Quan Hệ Việt-Trung"-1979. “Tội ác chiến tranh của bọn bành trướng Trung quốc đối với Việt Nam”, NXB Sự thật, 1980. “Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc”, 1979. “Kiên quyết đánh bại chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa bá quyền Trung-Quốc”, Trường-Chinh, 1982. “Thất bại thảm hại của quân Trung Quốc xâm lược”, 1979. “Chống chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung-Quốc”, 1983. Tài liệu Anh-Ngữ"Sino-Soviet Relations and the February 1979 Sino-Vietnamese Conflict", Bruce Elleman, Tài liệu thư khố Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh Việt Nam, Texas Tech University. "The Sino-Vietnam War-1979: Case Studies in Limited Wars" Colonel G.D. Bakshi, Bharat Rakshak Monitor - Volume 3(3) November-December 2000. THE CHINESE PEOPLE’S LIBERATION ARMY: "SHORT ARMS AND SLOW LEGS", Russell D. Howard, Học Viện An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, Học viện Quân sự Hoa Kỳ ở Colorado. Howard W. French, "Was the War Pointless? China Shows How to Bury It", The New York Times, March 1, 2005. Howard W. French, "In China, a war's memories are buried", International Herald Tribute, March 2, 2005. |
“VN dạy bành trướng Trung Quốc 1 bài học năm 1979” |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét