Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu
Phần I: Sách sử thời Trung cổ trở về trước
Phần II: Việc Nghiên Cứu Thời Cận Ðại (1800-1975)
Phần III. Việc nghiên cứu thời Hiện Ðại
Phần phụ lục
II. VIỆC NGHIÊN CỨU THỜI CẬN ÐẠI (1800-1975):
Giai đoạn trước 1975, việc nghiên cứu sử học đã có nhiều nguồn tư liệu hơn để làm việc. Tài liệu đáng tin cậy nhất, dĩ nhiên, là tài liệu văn khố. Nhiều nhà nghiên cứu sử học chuyên nghiệp đã sử dụng tài liệu văn khố Pháp, Mỹ và Liên Sô. Mới đây, văn khố Hội truyền giáo Hải ngoại cũng đã mở rộng, sau nhiều thập niên “cho người chết ngủ yên.” Ngoài ra, người ta có thể sử dụng các báo chí đương thời xuất bản tại Ðông Dương, Nga, Trung Qu ốc, Nhật, hay Hong Kong. Một số hồi ký bằng Hán ngữ, Pháp ngữ, Anh ngữ và Việt ngữ cũng có thể sử dụng.
A. TÀI LIỆU VĂN KHỐ:
Văn khố có nhiều loại. Chính yếu và quan trọng nhất là những tài liệu do chính quyền thu thập và soạn thảo, được lưu trữ và bảo quản để tiện theo dõi sự thi hành các chính sách hoặc kế hoạch hoạt động thuộc mọi ngành. Ðây là những tài liệu cực kỳ quan trọng cho các nhà nghiên cứu. Mỗi cơ quan chính phủ đều có một văn khố. Những tổ chức, hội đoàn có cấu trúc chặt chẽ như Hội Truyền Giáo, nghiệp đoàn hàng hải, v.. v... cũng có văn khố riêng. Mỗi nhân vật tên tuổi cũng vậy. Mặc dù các viên chức hành chính hay quân sự, hay các tác nhân có thẩm quyền, vì những lý do dễ hiểu, đôi khi chủ quan, hoặc vì áp lực thư lại, có thể không viết hết sự thực, nhưng những kẽ hở này có thể loại bỏ hoặc bổ túc bằng các tài liệu khác, theo phương pháp tỉ đối (tức so sánh) và tổng hợp.
Ngoài ra, còn những thủ bút của các tác nhân lịch sử mà tính chất khả tín khó ai có thể bài bác. Hai lá thư xin nhập học trường Thuộc Ðịa của Nguyễn Tất Thành năm 1911, hay thư Giám mục Ngô Ðình Thục gửi Toàn quyền Jean Decoux ngày 21/8/1944 van xin Decoux nghĩ đến công lao hãn mã của Ngô Ðình Khả và họ Ngô mà nhẹ tay với Ngô Ðình Diệm, Khôi, Nhu, v.. v.. chỉ là vài thí dụ cụ thể. Toàn bộ báo cáo của Giám mục Paul Puginier gửi các viên chức thuộc địa Ðông Dương tại Văn khố Hội Truyền giáo Hải ngoại Pháp là một thí dụ khác. Bởi thế, với những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, tư liệu văn khố được xếp loại ưu tiên và khả tín hàng đầu.
Văn khố Việt không được bảo quản cẩn thận. Bởi thế không những một số “Châu Bản” nhà Nguyễn bị mục nát dần, mà ngay tư liệu của các chế độ Quốc Gia Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa cũng chịu chung số phận. Những tư liệu của Ðảng CSVN, dĩ nhiên, chưa và có thể không bao giờ được giải mật. Thí dụ như những điện tín và văn thư giữa Bắc Kinh và Tuyên Quang-Thái Nguyên trong các chiến dịch Biên Giới (9-10/1950) hay Ðiện Biên Phủ (1953-1954) vẫn là tài liệu quốc cấm–và, sau hơn nửa thế kỷ, các nhà nghiên cứu mới chỉ có được những “hồi ký” của Trần Canh, Võ Nguyên Giáp, hay La Quí Ba , v.. v... Ðó là chưa nói đến những mật điện và tài liệu về những chuyến đi Nga 1950, 1952, 1954 của Hồ Chí Minh.
Mới đây đã có nỗ lực gửi các chuyên viên Việt ra ngoại quốc học tập thêm về kỹ thuật bảo quản và tổ chức văn khố. Hy vọng sẽ có những tiến triển tốt đẹp hơn. Ngoài ra, theo một học giả Nga, Anatoli Sokolov, văn khố Ðảng Cộng Sản Việt Nam làm được nhiều microfilm tư liệu tàng trữ tại các văn khố Nga và Pháp.
Do tình huống đặc biệt của Việt Nam, nơi nhiều siêu cường đã có mặt, tùy theo giai đoạn người ta có thể nghiên cứu thêm ở các văn khố Pháp, Mỹ, Bri-tên, Nga và Trung Qu ốc. Trong giai đoạn trước 1945, nguồn tư liệu quan trọng là văn khố Pháp, Nga, Trung Qu ốc, và Bri-tên.
Giai đoạn từ 1945 tới 1975 cũng vậy. Quan trọng nhất vẫn là tài liệu văn khố Pháp, Mỹ, Nga, Trung Qu ốc và Bri-tên. Tuy nhiên, một số tư liệu trong giai đoạn này vẫn chưa giải mật. Cho đến năm 2001, chẳng hạn, văn khố Mỹ mới chỉ mở tới năm 1971. Mặc dù mỗi năm đều có thêm tư liệu giải mật, nhưng có những tài liệu vẫn chưa được tham khảo. Thí dụ như tư liệu về cuộc đảo chính 1963 tại Thư viện John F. Kennedy chưa mở hết, đặc biệt là các công điện và báo cáo của Henry Cabot Lodge. Thư viện Gerald Ford đã giải mật một số hồ sơ về cuộc sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa–như báo cáo của Tướng Frederick Weyand ngày 9/4/1975, một số công điện của chiến dịch Frequent Wind—nhưng trên đại thể chưa đủ để dựng lại một bức tranh toàn diện. Văn khố Pháp thì nhiều tài liệu trong giai đoạn 1945-1954 phải chờ tới năm 2009-2010 hoặc có thể lâu hơn mới được tham khảo. Tài liệu Bộ Ngoại Giao cũng mới mở đến năm 1964. Tư liệu về Trần Ðình Lan chỉ giải mật năm 2029! Tài liệu Nga và Trung C ộng, vì được xếp hạng là liên quan đến an ninh quốc gia, hầu như không mở ra cho các học giả ngoại quốc.
Tại Mỹ, ngoài các Văn khố Quốc Gia, Văn khố các Bộ và nha sở, Văn khố các binh chủng, còn văn khố tại các thư viện Tổng thống Mỹ. Ðây là nơi tập trung các tư liệu có yếu tố quyết định cho chính sách ngoại giao cũng như nội trị của mỗi Tổng thống. Muốn có được một bộ sử chính xác về chiến tranh Việt Nam, không thể không làm việc tại các văn khố này; đặc biệt là các thư viện Dwight D. Eisenhower, John F. Kennedy, Lyndon B. Johnson, Richard Nixon, Gerald Ford và Jimmy Carter. Cho tới nay, tôi thường làm việc tại Văn khố Lyndon B. Johnson, trong khuôn viên Ðại học Texas ở Austin, Texas. Hầu như mỗi năm đều ghé qua một lần. Ðược tham khảo và làm phóng ảnh khá nhiều tư liệu đã từng công bố trong các tập Mậu Thân 68: Thắng hay Bại? (in lần thứ hai) và 55 Ngày & 55 Ðêm: Cuộc sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa (in lần thứ 5) dưới bút hiệu Chính Ðạo. Toàn bộ những tư liệu văn khố trên sẽ được phổ biến đầy đủ hơn trong tập Việt Nam Niên Biểu I-D: 1964-1968, và nhất là bộ The Vietnam War, 1945-1975: Lost or Won? [Chiến Tranh Việt Nam, 1945-1975: Bại Hay Thắng?] bằng Anh ngữ, hoàn tất đã lâu, nhưng còn cần những hiệu đính nho nhỏ về chi tiết mỗi khi có tư liệu mới giải mật.
Bất cứ ai muốn tái tạo lịch sử cận đại Việt một cách tương đối trung thực không thể không làm việc tại Thư viện LBJ. Theo sự hiểu biết của tôi, chỉ riêng cựu Ðại tá Phạm Văn Liễu, chẳng hạn, đã có hàng chục tư liệu chưa được bạch hóa. Có lẽ chính ông Liễu cũng chẳng rõ lý do khiến ông bị cách chức Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Quốc Gia vào ngày 8/4/1966 (dù mãi tới ngày 21/4/1966 mới được công bố): Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia đã buộc tội ông Liễu tiếp tay cho cuộc tranh đấu miền Trung của Phật Giáo và Lực Lượng Tranh Thủ Tự Do (3-6/1966) vì một công điện ký tên giả mà ông Liễu chẳng bao giờ nhận được. Lãnh tụ “Baby Turks” Nguyễn Ngọc Loan đã chết, nhưng Tướng Nguyễn Cao Kỳ, cựu Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (1965-1967), có thể giải thích thêm việc này.
Trường hợp hai Tướng Huỳnh Văn Cao và Tôn Thất Ðính cũng vậy. Tướng Cao không bị chỉ định mà tình nguyện ra Ðà Nẵng thay Tướng Ðính làm Tư lệnh Quân đoàn I. Tướng Ðính thì có những lời tuyên bố khiến ông phải hối hận, sau này. Riêng Thượng Tọa Thích Trí Quang, giống như tôi đã trình bày trong tập Tôn Giáo & Chính Trị: Phật Giáo, 1963-1967, là nạn nhân của chính ông. Người Mỹ hiểu rằng Thượng Tọa Trí Quang không là Cộng Sản, và cái mũ Cộng Sản đã bị những người Ki-tô cuồng tín–nhất là tàn dư Cần Lao-Nhân Vị của Ngô Ðình Nhu-Ngô Ðình Cẩn–và ngay cả các cán bộ Cộng Sản, chụp lên đầu ông. Thượng Tọa Trí Quang, qua những tin tình báo nhận được ở Tòa Bạch Cung, có tới ba loại người thù: Cộng Sản, Ki-tô cuồng tín hiếu chiến kiểu Trung C ổ, và phe kiêu binh, đại diện bằng những Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao K ỳ, Nguyễn Ngọc Loan, Nguyễn Bảo Trị. Khi chính phủ Johnson, qua đề nghị của nhóm Edward Lansdale và Bill Colby, quyết định cho giới Ki-tô trở lại thống trị chính trường miền Nam từ năm 1967-1968, ngày tàn giấc mộng kê vàng “quốc sư” của Thượng Tọa Trí Quang bắt đầu. Ngay đến Linh mục Hoàng Quỳnh, người chủ trương hòa đồng tôn giáo để chống Cộng, cũng bị nhóm Ðại Ðoàn Kết của Nguyễn Gia Hiến loại bỏ vì “đã già, mềm yếu với Phật giáo,” không còn xứng đáng cầm đầu các ủy ban “hành động” Ki-tô. Tướng Nguyễn Bảo Trị và Ủy viên Thanh niên Võ Long Triều cũng tự nhận đã ra công vận động giáo dân Ki-tô Hố Nai và Phú Nhuận xuống đường đương đầu với Phật giáo, ngăn chặn không cho Phật giáo thống trị các cơ quan dân cử và chính quyền. Niềm tin tôn giáo đã bị những kẻ tham vọng khai thác làm con đường tiến thân cho riêng họ. Những ai thích tin tưởng ở “thánh chiến” nên ghé văn khố LBJL ở Austin một lần, tìm đọc vài hộp tư liệu của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Mỹ [National Security Files (NSF), Vietnam Country File]. Từ những nhân vật như Ngô Ðình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao K ỳ, Trần Văn Ðôn, v.. v... tới các tác nhân hạng hai, hạng ba như Bùi Diễm, Trần Văn Ân, Tôn Th ất Thiện, Ðặng Ðức Khôi, v.. v... đều có dấu vết trong kho Tư liệu Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Mỹ dưới thời chính phủ Johnson. Phía sau sân khấu chính trị miền Nam, tại các tư dinh hay công sở Mỹ, các “lãnh tụ” Việt không cao lớn và uy quyền như họ muốn chúng ta phải tin. Bởi thế, mới có hai thành ngữ thời đại: sự “dốt nát hào nhoáng “ (the shining ignorance) và sự “lừa dối sặc rỡ” (the colorful lies).
Ðặc biệt có giá trị là những công điện trao đổi giữa Sài Gòn và Oat-shinh-tân trong giai đoạn 1964-1968. Một trong những tài liệu đáng chú ý là “sự hiểu ngầm” của Hà Nội trước khi Tổng thống Johnson tuyên bố ngừng oanh tạc Bắc Việt ngày 1/11/1968. Những báo cáo của Tướng Lansdale về các nhân vật Việt Nam cũng khiến cười ra nước mắt. Khó tin, nhưng có thực: Nhiều “lãnh tụ” đã lập công danh, kiếm tài lợi qua những “party” buổi tối hay giấc ngủ thiếp lả trên salon tư dinh Tướng Lansdale, với những “sứ mệnh” đủ loại. Nào là Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc, nào là đoàn thanh niên, hay trại hè thiện chí. “Lãnh tụ thanh niên”, chẳng hạn, từng giao nạp hồ sơ bốn học sinh tình nguyện cứu trợ nạn nhân chiến tranh cho cơ quan an ninh vì tình nghi họ là Cộng Sản. Nhưng ác độc nhất là việc diễn giải tấm biểu ngữ cứu trợ nạn nhân chiến tranh của Phật giáo là “có khuynh hướng thân Cộng.” Cũng may, sau đó người Mỹ quyết định bỏ rơi miền Nam Việt Nam, bằng không chẳng hiểu chuyện gì xảy ra với những “lãnh tụ ... cổng hậu tư dinh quan tướng tình báo ngoại quốc này!”
Các “lãnh tụ” miền Nam, như Bùi Diễm, trong hồi ký In the Jaws of History, Trần Văn Ðôn, trong Our Endless War, và Nguyễn Cao K ỳ trong Twenty Years and Twenty Days chẳng thấy đá động gì đến những chi tiết phía sau hậu trường, chỉ thấy khoe mình tài, mình giỏi, mình quân tử. Việc quá nhỏ để nhớ hay nhắc đến trong hồi ký chăng?
Huỳnh Văn Lang, trong hồi ký Nhân Chứng Một Chế Ðộ (3 tập), và Y sĩ Ðặng Văn Sung, qua buổi phỏng vấn riêng của tôi năm 1997, ít tháng trước ngày ông từ trần, tự chứng tỏ lương thiện hơn nhiều người đồng thời. Cả hai đều thú nhận hợp tác chặt chẽ với cơ quan tình báo Mỹ. Và không như nhiều người đóng vai ngụy quân tử, chụp mũ cho người khác là “CIA” hay “Xịa.”
Lật dở những trang tài liệu quản thủ kỹ lưỡng, khác hẳn với những hồ sơ dầy bụi thời gian của văn khố Pháp, hơn một lần tôi thoáng nhớ đến những chữ “Moise”, “Jacobs” và “giải phóng” trong thư “Petrus Key” gửi “Grand Chef” Jauréguiberry vào cuối tháng 3/1859 (do một linh mục ở Vĩnh Long chuyển) để thúc dục “những sứ giả của Thiên Chúa [Ki-tô]” này xâm lăng Ðại Nam cho nhanh; hay, ba chữ “bol de riz” (bát cơm) bảo hộ Pháp của dòng họ Ngô mà Ngô Ðình Khôi đã nhờ Ngô Ðình Nhu chuyển lời cho Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Paul Arnoux vào tháng 8/1944 trong các văn khố Pháp. (Xem Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, tập III)
Cơ trí, ắt cơ tâm. Những “lãnh tụ” của hạ bán thế kỷ 20 có vẻ khôn ngoan và thông minh hơn những người của thế hệ trước. Những tấm lòng yêu nước ... Pháp và Mỹ mới (ít nữa thì trên đầu môi chót lưỡi) chẳng hiểu nên nhớ hay quên? Ðây mới là những “bí ẩn” lịch sử mà người ta cố che đậy, dấu diếm, chẳng khác gì người Cộng Sản cố tình tô lục chuốt hồng cho Hồ Chí Minh ... suốt đoạn đường “cứu nước” và “yêu nước” ... chủ nghĩa xã hội!
Sự khác biệt giữa người học sử chuyên nghiệp và những người thích “bí ẩn” là người học sử cố gắng xuyên suốt những dữ kiện chính xác thành một diễn giải lịch sử khoa học, khách quan tối đa; những người thích công bố “bí ẩn” thường mang tư tâm “xây dựng kỳ đài” hay “đào mộ” nào đó. “Bí ẩn” bởi thế thường chỉ là những câu chuyện bên tách cà-phê, ly ruợu mạnh, hoặc bàn mạt chược, chiếu xóc đĩa, chắn cạ nhằm xuyên tạc, mạ lÿ kẻ thù, xưng tụng, bái lạy chủ cũ bằng thứ lý luận “rẻ rách ... sinh chuột con.” (Ðáng buồn hơn nữa là dăm ba người có đôi chút học thức chuyên đi ăn cắp công trình nghiên cứu của người khác–nhất là những tài liệu do tôi phát hiện tại các văn khố–in vào “sách” của họ, rồi cao giọng chỉ trích–nhưng chỉ phơi bày rõ ràng hơn sự ngu dốt và điêu ngoa hào nhoáng của loài tinh tinh tân thời).
Ðáng tiếc là văn khố LBJL vẫn chưa giải mật một số hồ sơ. Như tài liệu về buổi gặp mặt giữa Tổng thống Johnson và Giáo Hoàng Paul VI ngày 23/12/1967. Tài liệu về vụ bà quả phụ Anna Chennault móc nối Bùi Diễm cùng Nguyễn Văn Kiểu để làm gió cho ứng cử viên Richard Nixon của Ðảng Cộng Hòa trong cuộc tranh cử Tổng thống 1968 cũng chưa có tính cách thuyết phục, vì chỉ là những ý kiến riêng của các nhân vật như McGeorge Bundy, Nguyễn Cao Kỳ, Bùi Diễm, v.. v... Hai thư viện Tổng thống khác sẽ lôi cuốn nhiều nhà nghiên cứu trong những năm tới là Thư viện Richard Nixon và thư viện Gerald Ford.
B. BIÊN KHảO:
Ðặc biệt giai đoạn cận đại có nhiều biên khảo bằng Việt ngữ cũng như ngoại ngữ khá giá trị. Những học giả nổi danh về Việt Nam có David G. Marr, Pierre Brocheux, Nguyễn Thé Anh, v.. v... Về các học giả Việt trong nước, một số đã được ra ngoại quốc tu nghiệp hay khảo cứu tại các văn khố. Nhưng đa số biên khảo trong nước còn bị hạn chế về tài liệu, tức thiếu những chi tiết chính xác về thời gian cũng như dữ kiện. Dĩ nhiên, cũng có những biên khảo chẳng nhắm mục đích gì khác hơn tuyên truyền, lập danh, hoặc vì đôi chút tài lợi.
Vì trước năm 1975, hầu hết tác giả Việt không được sử dụng tài liệu văn khố hay tư liệu nguyên bản, nên thường có tình trạng sao chép giây chuyền lỗi lầm của người đi trước. Trường hợp các Thánh lệnh của Giáo hoàng Ki-tô trong việc phân chia thế giới cho Portugal (Bồ Ðào Nha) và Espania (Tây Ban Nha) trong thế kỷ XV chỉ là một thí dụ nhỏ. Hay việc Pháp đưa Ðồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Ðịnh, Bảo Ðại lên ngôi, v.. v... dưới “thiên mệnh Ðại Pháp.”
Ngoài ra, vì ảnh hưởng của chế độ Bảo hộ Pháp cũng như các thế lực bản xứ, các nhà nghiên cứu không được tham khảo các tư liệu bất lợi cho mục tiêu khai hóa của người Pháp (tức biến Việt Nam thành một nguồn cung cấp vật liệu thô và nhân công rẻ tiền, đồng thời cũng là một thị trường đóng kín cho hàng hóa Pháp, và vùng đất để rao giảng đạo Ki-tô Vatican). Bởi vậy, hầu hết sử sách viết về giai đoạn này hiện đang lưu hành–ngoại trừ các bộ quốc sử triều Nguyễn–đều ca ngợi công lao khai hóa của người Pháp. Vài dòng ngắn ngủi của Trương Vĩnh Ký để kết thúc bộ Bài giảng sử An-Nam-Mít [Cours d’histoire annamite] là một thí dụ tiêu biểu.[ Xem bài Petrus Key].
Bởi thế, người ta thấy xuất hiện những loại văn sử không những chỉ sai lầm về dữ kiện mà còn méo mó nguy hiểm về lối giải thích hay lập luận (vì tác giả thuộc giới trung gian bản xứ, hoặc vì không dám làm mất lòng các quan chức bảo hộ cùng những nhà truyền giáo và giáo dân nặng mang tinh thần Trung cổ, nếu không phải với chủ đích cung văn những tác nhân trên). Ngay đến vài sử gia cũng tìm cách tránh đối diện những sự thực gai góc về phong trào trào thực dân Ki-tô/vật bản từ thế kỷ XVI tới thế kỷ XX. Bất cứ ai dám công bố những sự thực lịch sử do mình dày công sưu tầm thì lập tức bị vu cáo có dụng tâm “nói xấu” cá nhân này, tôn giáo nọ, hay “sai lầm.” Nên chẳng có gì ngạc nhiên khi thấy những người như Petrus Key ( Trương Vĩnh Ký ) hay các công thần của chế độ Bảo hộ Pháp và con cháu họ (như Ngô Ðình Khả, Ngô Ðình Thục) thanh thản và mạnh bạo gọi những người chống lại chế độ Bảo hộ Pháp là “rebelles” (giặc hay phiến loạn). Giống như sáu trăm năm trước, Lê T ắc đã dùng những thuật ngữ “bản nghịch” (những tên phản loạn) hay “yêu đảng” để gọi hai Bà Trưng, Bà Triệu Ẩu, hay Lý Bí, Dương Thanh , v.. v...
C. BÁO CHÍ:
Các tài liệu báo chí cũng khá phong phú. Từ cuối thế kỷ XIX, báo chí đã lưu hành ở Việt Nam, đặc biệt là Nam Kỳ thuộc Pháp (Cochinchine). Những tựa báo quan trọng có Courrier Saigonais và Gia Ðịnh Báo. Ngoài ra, còn các báo tư nhân như L’Avenir du Tonkin. Người nghiên cứu cũng nên tham khảo các báo Pháp ngữ tại chính quốc (Pháp) và Trung Hoa (như tờ Gazette de Peking).
Qua thế kỷ XX, báo chí được chuyên nghiệp hóa ở cả ba miền. Người nghiên cứu ít nhất phải tham khảo các tờ báo chính như Trung Bắc Tân văn, Nam Phong, Thanh Nghị, Tri Tân ở miền Bắc; Tiếng Dân ở miền Trung; cùng các báo La tribune indigène, La tribune indochinoise, Nam Kỳ Lục Tỉnh, v.. v... ở miền Nam. Tuy nhiên, sử dụng các tài liệu này cần cực kỳ thận trọng. Nghề báo tại một nước bị Pháp xâm chiếm như Việt Nam khó thể nói đã trưởng thành và có được Ðệ tứ quyền. Ðó là chưa kể những dụng tâm chính trị của các chủ báo. Nên so sánh với các tài liệu văn khố của các cơ quan an ninh thuộc địa Pháp để hiểu thêm về chính sách truyền thông của người Pháp. Học giả David Marr là người đã sử dụng khá nhiều tư liệu báo chí.
D. HồI KÝ:
Hồi ký là một kho tài liệu khá có giá trị. Hầu hết các viên chức cao cấp Pháp đều viết về những sinh hoạt của họ tại Ðông Dương. Tác nhân Việt thì rất ít người viết hồi ký. Mở đầu phong trào này là hai cuốn nói về chuyến đi sứ Pháp và Espania của Phan Thanh Gi ản và Phạm Phú Thứ (1864). Rồi đến Chuyến đi Bắc Kỳ năm 1876 của Petrus Trương Vĩnh Ký , Ði Tây của Phạm Quỳnh. Phạm Duy Khiêm cũng có hai tập hồi ký nói về cuộc phiêu lưu sang Pháp làm thông ngôn cho lính thợ [ONS].
Hai cuộc chiến 1945-1954 và 1959-1975 sản xuất khá dồi dào hồi ký. Ða số nhân vật ngoại quốc (Nhật, Trung Qu ốc, Pháp, Mỹ, v.. v...) đều viết hồi ký. Nhiều tác nhân Việt cũng có hồi ký, đặc biệt là phe Cộng Sản.
Dĩ nhiên, hồi ký không hoặc chưa là lịch sử. Chỉ là lời chứng trước tòa án lương tâm và dân tộc. Hồi ký Nguyễn Xuân Chữ (1996), hay Một Cơn Gió Bụi của Trần Trọng Kim (1969) là những thí dụ. Tác nhân lịch sử có thể sai lầm, trong khi kể lại các sự việc hay lý luận, nhưng đó là những điều khó tránh. Ða số dùng hồi ký để biện minh tâm trạng mình như Linh mục Cao Văn Lu ận, qua cuốn Bên Dòng Lịch sử (Sài Gòn: 1984) hay ông Ðỗ Mậu với hai tập Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi (tái bản năm lần, từ 1987 tới 1993) và Tâm Thư (tái bản một lần).
Huỳnh Văn Lang, qua 5 tập hồi ký về đá gà, đi săn, và hoạt động chính trị cũng rọi sáng vài ba sự thực lịch sử về chính phủ Ngô Ðình Diệm (1954-1963) và tâm trạng người trí thức Ki-tô miền Nam trong cuộc đảng tranh sắt máu 1945-1975. Những hồi ký khác của Tướng Nguyễn Chánh Thi, Trần Văn Ðôn, Nguyễn Cao K ỳ, Tôn Th ất Ðính, Huỳnh Văn Cao, Lý Tòng Bá, v.. v... có những giá trị nhất định nào đó. Ngay đến cựu Hoàng Bảo Ðại cũng có một hồi ký do hai người Pháp viết, Le Dragon d’Annam (Paris: Plon, 1980). Hồi ký này đã được viết lại bằng Việt ngữ, nhưng nội dung chẳng mấy giá trị, nếu không phải chứa đựng nhiều tư liệu sai lầm. Và mục đích in hồi ký của Cựu Hoàng chỉ vì nhu cầu tài chính.
Trong số các hồi ký, tập Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi và Tâm Thư của Tướng Ðỗ Mậu là một hiện tượng. Tập VNMLQHT được in lại nhiều lần ở hải ngoại. Ngay nhà xuất bản Công An của CSVN cũng sửa chữa, cắt xén in lại trong nước. Tại hải ngoại, vì vạch trần những sự thực không đẹp của chế độ Ngô Ðình Diệm và hàng lãnh đạo Ki-tô, ông Mậu đã bị đả kích một cách tàn nhẫn và thô tục suốt nhiều năm.
Cá nhân tôi cũng bị lôi cuốn vào chốn “giang hồ gió tanh mưa máu.” Có kẻ tung tin tôi đã tiếp tay hoặc giúp Tướng Mậu hoàn tất cuốn Tâm Thư của ông, dù chính tôi chưa hề biết mặt ông Mậu, và cũng không hề quen biết ở trong nước. Tôi đã giữ thái độ im lặng, vì chửi bới, vu cáo trên các tờ báo chợ là một thông lệ hơn biệt lệ ở hải ngoại. Tôi cũng quá bận rộn, không có thì giờ. Hơn nữa, theo tôi, sự thực chỉ là sự thực. Những lời chửi bới, vu cáo “rất chợ búa” Tướng Mậu, hay những người có can đảm công bố sự thực về gia đình Ngô Ðình Khả-Ngô Ðình Diệm (như ông bà Nguy ễn Mạnh Quang) cùng những tập đoàn “trung gian bản xứ” khác chắc chắn không thể làm đẹp hơn cho họ. Và chắc chắn không thể làm giảm giá trị của những sự thực đã được công bố. Chẳng ai có thể gói lửa bằng giấy.
Riêng những hồi ký của các tác nhân Cộng Sản cũng không hoàn toàn vô giá trị như một số người muốn chúng ta phải tin và tuân lệnh. Các hồi ký của Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà, Lê [Trịnh?] Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Trần Ðộ, Phạm Khắc Hoè, Lê Tùng Sơn , Nguyễn Văn Trấn, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Thị Thập, Lê Văn Hi ến, Hoàng Văn Hoan–hay hồi ký của những người ngoài đảng như Vũ Ðình Hoè, v.. v...– đều có chỗ dụng của chúng, nếu biết loại bỏ những khía cạnh tuyên truyền quá lộ liễu. Với chế độ Cộng Sản, không cần sự thực. Chỉ cần những mảnh vụn sự thực phục vụ cho mục tiêu chính trị giai đoạn. Ngay đến những tài liệu tự ca ngợi mình của Hồ Chí Minh, như Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (ký tên Trần Dân Tiên), hay Vừa đi đường vừa kể chuyện (ký tên T.L.) ít nữa cũng cho người đọc thấy cách vận chuyển của hệ thống tuyên truyền Cộng Sản.
Tôi nhớ đến tiếng “Vẹm” mà dân chúng miền Bắc đã từng sử dụng để gọi tổ chức Việt Minh. Không chỉ có những lời dối trá hào nhoáng, mà còn có những lưõi mã tấu sỉn máu để bắt mọi người phải coi những lời dối trá đó là khuôn vàng thước ngọc, phải sủng kính như Thánh kinh.
Với cương vị chủ bút nhà Xuất bản và Phát hành Văn Hóa, tôi đã cùng ông Nguyễn Xuân Phác thực hiện một số cước chú cho bản thảo hồi ký còn dở dang của cụ Nguyễn Xuân Chữ, và góp ý với tất cả những tác giả từng muốn nhờ chúng tôi xuất bản hay phát hành. Tôi cũng từng chia xẻ cho một số tác giả tư liệu văn khố thu thập được trong các chuyến du khảo, với hy vọng giúp người viết cũng như người đọc thấy được những sự thật không thể chối cãi của một số tác nhân lịch sử bấy lâu được tô hồng chuốt lục cho những mục tiêu chính trị giai đoạn nào đó. Tham vọng nhỏ bé của tôi là trả sự thực cho lịch sử. Vì chỉ có sự thực lịch sử mới giúp người Việt thoát được những cơn giông bão triền miên của thế cờ chiến lưọc quốc tế, cùng những tham vọng ngoại cường. Cá nhân tôi không hề có tham vọng chính trị, trước cũng như sau năm 1975.
Những điều cần làm, đã, đang, và sẽ làm, chỉ hướng về một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước và dân tộc nói riêng, cũng như sự cảm thông của nhân loại nói chung.
III. NGHIÊN CỨU THỜI HIỆN ÐẠI
Việc nghiên cứu thời hiện đại, tức từ 1975 tới nay, vô cùng khó khăn. Các tư liệu thường rất hạn chế, phần lớn dựa theo tin tức tình báo và ngoại giao cùng báo chí.
Tuy nhiên, đôi khi, người nghiên cứu có được những tài liệu cực kỳ quí báu. Cuộc xâm phạm Việt Nam của Hồng quân Trung Qu ốc năm 1979, và cuộc chiếm đóng Kampuchea của Cộng Sản Việt Nam từ 1978 tới 1989 giúp người nghiên cứu nhiều tư liệu về liên hệ giữa Trung C ộng, Việt Nam và Kampuchea. Trong số những chi tiết đáng kể có việc Quân ủy Trung Cộng cùng các Tướng Trần Canh, Vi Quốc Thanh, v.. v... đã thực sự chỉ huy các trận đánh Cao Bằng-Lạng Sơn (1950) hay chiến dịch Ðiện Biên Phủ (1954); Chu Ân Lai ép buộc Hồ Chí Minh phải chấp nhận tạm thời chia đôi Việt Nam theo vĩ tuyến 17 tại Hội nghị Geneva (7/1954); hay, tháng 9 năm 1958, Hồ Chí Minh đã sai Phạm Văn Ðồng viết thư cho Chu Ân Lai , nhìn nhận lãnh hải do Bắc Kinh công bố để có quân viện đánh chiếm miền Nam.[ Xem Phụ Bản]
Nhưng cho tới năm 2009 này, các sử quan Cộng Sản hay “xã hội chủ nghĩa” vẫn nhất định nhắm mắt lại mà ca ngợi công ơn vĩ đại của những Karl Marx, Lenin, Stalin, Mao Trạch Ðông, Chu Ân Lai , hay Hồ Chí Minh. Các sử quan và văn nghệ sĩ trong nước từng được Trường Chinh Ðặng Xuân Khu nhiều hơn một lần dạy bảo rằng văn chương, thơ phú hay sử học phải bám sát và phục vụ mục tiêu chính trị giai đoạn của Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Bất cứ ai không nhìn thấy được sự vĩ đại của Liên Sô, Trung Qu ốc, hay tư tưởng Hồ Chí Minh (khi cần thiết) đều bị xếp hạng là kẻ thù của “nhân dân,” phản động, và ngay cả Việt Gian. Bởi thế, sử sách Việt Nam bị ô nhiễm bởi những lời xưng tụng Stalin như cha già của Hồ Chí Minh, hay ông nội của thanh thiếu niên Việt trong thập niên 1950. Thứ “tinh thần Hồ Chí Minh” này có đáng nuôi dưỡng, phát huy để soi sáng cho quốc dân Việt trong thế kỷ 21 hay chăng?
Chưa một ai, nhưng chắc chắn sẽ có người, làm một cuộc so sánh những văn thư ngoại giao thời Việt Nam phong kiến với thư từ trao đổi giữa Ðảng Cộng Sản Việt Nam và Liên Sô hay Trung Cộng.
Một triết gia Tây phương từng viết: “Không ai có thể tắm hai lần trong cùng một dòng nước.” Nhưng cổ nhân cũng dạy rằng: “Ði hỏi già, về nhà hỏi trẻ.” Ðại họa của thế nhân thường do không chịu học hỏi những bài học lịch sử. Ai nấy đều muốn quên đi những chuyện buồn dĩ vãng, gìn giữ những niềm vui, nỗi sướng cũ như một túi hành trang. Ðáng sợ hơn nữa là có nghĩ rằng mình đã “biết hết rồi!” những điều mà họ thực sự chẳng biết gì cả. Như huyền thoại người Mỹ đưa quân vào miền Nam để muốn độc chiếm quân cảng Cam Ranh, hay đào xới chất Uranium. Sự thực, từ những năm 1945-1946, Hồ Chí Minh nhiều hơn một lần “van nài” người Mỹ nhận hải cảng Cam Ranh, nhưng chính phủ Harry Truman (1945-1953) từ chối. [Xem Chính Ðạo, Việt Nam Niên Biểu, tập I-A & B] Cho tới đầu thế kỷ XXI, người Mỹ vẫn rất hững hờ trước lời mời gọi khai thác cảng Cam Ranh. Và, chưa một nhà khoa học Việt nào phát hiện mỏ Uranium ở Ðông Dương–ngoại trừ một quặng non ở Pia Ouac, do một chuyên viên “người Việt mới” gốc Nhật phát hiện trong giai đoạn 1947-1948. Mỏ Uranium này còn nằm trong lãnh thổ Việt, hay đã cắt nhượng cho Trung Cộng?
Với một dân tộc như dân tộc Việt–một dân tộc kiêu hùng bảo vệ sự sinh tồn của mình bằng máu và nước mắt từ nhiều ngàn năm qua–bài học dĩ vãng luôn luôn là tấm gương soi mặt ngàn năm. Nhờ vậy, dù không so sánh được với các cường quốc, tổ tiên ta đã để lại cho con cháu một giải giang sơn gấm vóc làm vốn liếng. Tàn phá những tư liệu lịch sử, hay không bảo quản đúng mức các kiến trúc cổ thời, các kho văn khố, là tội ác văn hóa khó tha thứ. Nói chi việc nổi lửa thiêu đốt văn hóa phẩm của miền Nam Việt Nam. Ðào xới các di tích khảo cổ đem bán làm đồng vụn, sắt vụn. Vì một chút tài lợi cỏn con mà ngụy tạo lịch sử, trắng đổi làm đen.
Một dân tộc thiếu sự lương thiện trí thức hẳn khó thoát cảnh nô lệ ngoại bang.
Houston, 11/2000-1/2/2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét