28 tháng 6, 2012

Xiết cổ miền Nam - Tác giả: Trọng Đạt

Khúc quanh cuộc chiến
Kissinger nói về việc Quốc hội Mỹ bỏ rơi miền nam Việt Nam trong Years of  Renewal, trang 479. Ông đã dùng từ ngữ gợi hình “siết cổ” và cho biết Tướng Bắc  Việt Văn Tiến Dũng, người chỉ huy giai đoạn Tổng tấn công cuối cùng tại miền nam  VN kể lại họ đã đưa một khối lượng lớn xe tăng, thiết giáp, hỏa tiễn, đại bác,  phòng không vào Nam. Sự vận chuyển dễ dàng nhờ hệ thống đường xâm nhập chằng  chịt, kỳ diệu mà Dũng ví như những sợi dây thừng to quấn quanh cổ, chân, tay của  con quỉ từng ngày một, đợi lệnh xiết chặt kết liễu đời nó.

Ông cũng nói trong khi miền nam VN dần dần bị siết cổ, Hoa Thịnh Đốn không để ý tới nó vì chia rẽ nội bộ. Nhưng hơn bao giờ hết Hoa Thịnh Đốn đã chán vấn đề VN (Washington had grown tired of Vietnam). Trang 471, Kissinger nói Quốc hội  cắt giảm viện trợ cho miền nam VN từ 1973 mỗi năm khoảng 50%, trong khi Hà Nội  gia tăng xâm nhập cùng với xe tăng đại bác vào miền nam VN sau ngày ký Hiệp định  Paris. Hoa Kỳ đã xiết cổ miền nam VN và làm tê liệt khả năng tự vệ của họ. Người  ta không lấy làm ngạc nhiên tấn thảm kịch kết thúc với toàn bộ quân đội BV tràn  ngập miền nam VN trong khi Hoa Kỳ đứng nhìn, tê liệt vì chia rẽ nội bộ.

Như mọi người đều biết, sau Hiệp định Paris Quốc Hội Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự VNCH dần dần khiến cho khả năng tự vệ của ta không còn và sụp đổ vào  ngày 30/4/1975.

Ngược dòng thời gian, trận Mậu Thân 1968 trở thành một khúc quành quan trọng của cuộc chiến tranh VN cũng như cho cả Đông Dương. Mặc dù miền nam thắng lớn về quân sự, tài liệu Bộ Tổng tham mưu Quân đội VNCH cho biết BV đưa vào tổng cộng  84 ngàn cán binh vào trận đánh, 58 ngàn người bị giết, hơn 9 ngàn bị bắt, chạy  thoát 16 ngàn tên, chưa tới 20%, tổn thất CS gấp hơn mười lần VNCH, cơ sở nằm  vùng bị bại lộ. Tuy nhiên CSBV lại thắng lớn về chính trị, họ được món quà vô  giá: Mẫu thân đã đẩy mạnh phong trào phản chiến lên cao, người Mỹ không còn ủng  hộ cuộc chiến VN. Cuộc Tổng công kích đã khiến cho nhóm nghiên cứu của Bộ quốc  phòng Mỹ đề nghị hạn chế can thiệp vào VN để thay thế bằng VN hóa chiến  tranh.

Nhiều nhà bình luận phía Mỹ cũng như VN đã nhìn nhận trận Mậu Thân đã  khởi đầu một khúc quành bi đát cho số phận miền Nam. Phong trào phản chiến càng  lên cao dữ dội hơn, hành pháp đã nghĩ tới hoà giải, Việt Nam hóa chiến tranh,  rút quân về nước. … Hiển nhiên giới lãnh đạo Hà Nội đã đạt được một chiến thắng  vô giá mà họ không dự định. Chúng ta đánh thắng một trận lớn nhưng ta thua cuộc  chiến.

Trang 88 No More Vietnams, Nixon cho biết người dân Mỹ đã dành cho Johnson  một khoảng thời gian nhất định để thắng CS tại Việt Nam. Gần bốn năm trôi qua,  trận Mậu thân tháng 2/1968 đã khiến cho họ không còn kiên nhẫn vì quá mệt mỏi,  người ta không cho chính phủ thêm thời gian để giải quyết cuộc chiến mà họ chỉ muốn rút bỏ Đông Dương.
Năm 1965, thời cao điểm của thuyết Domino, theo thăm dò gần 80% người dân Mỹ, các Thượng nghị sĩ, Dân biểu thế lực đều ủng hộ chính phủ đưa quân vào để cứu  miền nam VN. Nhưng sau bốn năm, mặc dù quân tham chiến đã tăng hàng năm: 1965  có184,000 người, năm 1966 lên 385,000 người, năm 1967 lên 485,000 người, năm  1968 lên tới đỉnh cao 536,000 người.

Từ 1965 tới 1968, Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng McNamara đã không thắng được CS, số lính Mỹ bị giết ngày một tăng từ 1,863 người năm 1965 lên 6,143  người năm 1966 và 11,115 người năm 1967…Người dân không còn tin vào thuyết  Domino như trước. Khi ủng hộ chính phủ đưa quân cứu miền nam VN người ta nghĩ nó  sẽ được cứu với cái giá “vừa phải”, nay nó đã bị vượt quá lên trên 500 ngàn quân  thì số người ủng hộ tụt thang nhanh chóng.

Sau trận Mậu Thân tháng 2/1968 số người chống chiến tranh tăng vọt, ngược lại  số ủng hộ tụt thang nhanh chóng, người ta không còn tin chính phủ có thể thắng được cuộc chiến tranh Đông Dương. Từ cuối 1965 tới cuối 1966 số người ủng hộ giảm từ 61% xuống còn 51%, từ đầu 1967 tới cuối 1967 giảm từ 52% xuống còn 45%,  từ đầu 1968 tới tháng 10/1968 giảm từ 42% xuống còn 37%. Những người chống chiến  tranh cực đoan đã hô to những khẩu hiệu “Phải rút ra khỏi Đông Dương, Việt Nam  ngay”
Những sợi dây thừng
TT Nixon (No More Vietnams trang 152) cho biết suốt mấy năm đàm phán CS Hà  nội đòi những khoản chính như Mỹ rút đơn phương, thành lập chính phủ Liên hiệp,  TT Thiệu phải từ chức, Mỹ cắt viện trợ quân sự kinh tế cho VNCH.
TT Nixon cũng cho biết:
Từ năm 1969 chúng tôi đã phải đương đầu với nguy cơ Quốc Hội ra luật chấm dứt  chiến tranh. Các Thượng nghị sĩ và dân biểu phản chiến đang làm luật bắt chúng  tôi rút hết quân để đổi lấy tù binh. Năm 1972 Thượng Viện đã thông qua dự luật  này, tại Hạ viện số phiếu gần đủ. Chúng tôi đã tránh cho dự luật không thành  hình vì đã tuyên bố rút quân nên khiến những người ủng hộ cuộc chiến đã thay đổi  tình hình vì thấy rõ chính phủ đang dần dần chấm dứt sụ can thiệp- (No More  Vietnams trang 142)
(Since 1969, we had been faced with the danger of Congress legislating an end  to our involvement. Antiwar Senators and Congressmen had been introducing  resolutions to force us to trade a total withdrawal of our troops for the return  of our POWs. By 1972, the Senate was regularly passing these measures, and the  votes in the House were getting close. We were able to prevent the passage of  these bills only because our withdrawal announcements provided those whose  support for the war was wavering with tangible evidence that our involvement was  winding down – Page 142).

Khi Quốc Hội ra luật chấm dứt chiến tranh có nghĩa là họ thỏa mãn hai yêu cầu  của BV: rút quân về nước, cắt viện trợ quân sự kinh tế VNCH. Khi bị cắt viện trợ quân sự miền Nam sẽ sụp đổ rất nhanh. Tại Hoa Thịnh Đốn, ngày 2/1/1973 Ủy ban  bầu cử Dân Chủ tại Hạ viện bỏ phiếu nội bộ với 154 phiếu thuận và 75 chống để cắt hết viện trợ Đông Dương để lấy về tù binh và rút hết quân về nước. Sau này  Kissinger viết Quốc hội đe dọa bỏ rơi đồng minh ở Đông Dương. Quốc hội khóa 93  dự định họp hôm sau để ra quyết định ngay sau khi ép Tổng thống Mỹ chấm dứt tất  cả mọi hoạt động quân sự tại tại nam VN. Ngày 4/1 Ủy ban bầu cử Dân chủ Thượng  viện thông qua nội bộ dự luật giống như tại Hạ Viện với 36 phiếu thuận, 12 phiếu  chống. Dự luật chấm dứt chiến tranh đang tiến hành (Larry Berman No Peace No  Honor trang 221)

Như vậy những năm 69, 72… Quốc hội đã ra luật hoặc dự định  ra luật chấm dứt chiến tranh, cắt viện trợ miền nam VN để đổi lấy 580 tù binh  còn bị Hà Nội giam giữ . Cuối tháng 11/1972, Tòa Bạch Ốc tiếp ông Nguyễn Phú Đức đại điện TT Thiệu, Nixon nói cho NP Đức biết ông đã bị các vị trưởng ban Thượng  viện gồm John Stennis, Barry Goldwater và Gerald Ford … lưu ý nếu miền nam VN  gây trở ngại hòa đàm, Quốc hội sẽ ra luật đổi lấy tù binh bằng rút hết quân, cắt  viện trợ VNCH với tỷ lệ phiếu 2-1 tại Hạ Viện (Sách đã dẫn, trang 200).

Tiến sĩ Kissinger và Tướng Haig đã nhiều lần nhắc nhở ông Thiệu coi chừng nếu  không chấp nhận Hiệp định miền nam VN sẽ bị Quốc Hội cắt viện trợ để đổi tù  binh. Như vậy chủ trương cắt viện trợ quân sự miền nam VN đã manh nha từ 1969,  1972 không phải tới 1974, 1975 sau này họ mới siết cổ miền nam. Nixon kể lại (No  More Vietnams, trang 169-70) đầu tháng giêng 1973 ông được biết Quốc hội sẵn  sàng bỏ phiếu chấm dứt chiến tranh nếu Hành pháp không ký được Hiệp định ngưng  bắn, các phụ tá của ông tiên đoán sẽ có thử thách lớn nếu Quốc Hội nhóm họp trở lại . Ngày 12/1/1973 Hạ viện Dân chủ bầu nội bộ với tỷ lệ 154 thuận, 75 chống để cắt hết viện trợ mọi hoạt động quân sự ở Đông Dương sau khi rút quân và lấy tù  binh về. Nixon cho đấy là một cách đầu hàng hèn hạ nhất đối với những nhu cầu  cấp thiết nhất của BV.

Khi Hiệp định chưa thành hình, Quốc hội không cắt viện  trợ Đông Dương và VNCH vì sợ ảnh hưởng tới sinh mạng của lính Mỹ còn đóng tại đây, nhưng sau khi ký Hiệp Định, họ trở mặt rất nhanh và bắt đầu xiết cổ miền  nam VN từ từ. Hạ Viện Mỹ 1972 Dân chủ chiếm đa số 242 ghế, Cộng Hòa 192 ghế, đảng nọ phá đảng kia, Dân Chủ chống đối chiến tranh VN rất mạnh, nó nắm giữ túi  tiền, họ nắm đằng chuôi. Trước hết họ cắt giảm quân viện xương tủy mỗi năm  khoảng 50%: Từ 2,1 tỷ tài khóa 1973 xuống còn một tỷ tài khóa 1974 và xuống còn  700 triệu tài khoá 1975, con số này thực ra chỉ bằng 500 triệu vì dầu thô lên  giá, tiền mất giá (theo Henry Kissinger, Years of Renewal trang 471).
Tại Hạ viện những năm 1968, 1970, 1972 đảng Dân chủ luôn chiếm đa số
Năm  1968 Dân chủ 243 ghế (55.9%), Cộng Hòa 192 ghế (44.1%)
Năm 1970 Dân chủ 255  ghế (58.6%), Cộng Hòa 180 ghế (41.4%).
Năm 1972 Dân chủ 242 ghế (55.6%), Cộng  Hòa 192 ghế (44.2%)

Dân chủ có chính sách đối lập với Cộng Hòa hiện đang làm  chủ Tòa Bạch Ốc từ năm 1969, họ chống chiến tranh ngày càng mạnh hơn và được  phong trào phản chiến ủng hộ rất nhiều.
Chính phủ Nixon ngày một yếu hơn vì bị Quốc hội chống đối, theo Kissinger  (Years of Renewal trang 469) Nixon cho đường lối Dân chủ lật đỏ chính phủ đồng  minh là không có đạo đức trong khi phong trào phản chiến cho Nixon là trở ngại  hòa bình.
Trước ngày 27/1/1973, Nixon nghĩ nếu ông mang lại hòa bình, đem  quân về nước và lấy lại được tù binh thì phong trào phản chiến sẽ không chống đối. Trái với niềm mong đợi, sau khi ký Hiệp định họ lại chống đối mạnh hơn  trước
(I thought their opposition to our policy would end with the war end.  Instead, it increased- No More Vietnams, p. 182).
Hết chống chiến tranh nay họ quay ra chống thi hành cưỡng bách Hiệp định và  chống Nixon qua vụ Watergate, ông thú nhận ngay từ năm 1973 bị bất lực trước áp  lực của Quốc hội
“Khả năng trừng phạt Bắc Việt tiêu tan thành mây khói cuối tháng tư 1973.  Không phải tôi nản chí, tôi muốn trả đũa, nhưng sự ủng hộ của quốc hội ngày một  yếu. Mỗi lần tôi đề cập tới trả đũa thì một làn sóng phản đối nổi lên tại Quốc  hội, mỗi lần nhắc lại thì họ còn phản đối mạnh hơn nữa.
Tháng 5, tôi không còn đủ khả năng kiếm đủ số phiếu để yểm trợ cho những  lời hăm doạ của tôi bằng vũ lực và Quốc hội trong bất cứ trường hợp nào đã tước đoạt quyền hạn để hành động của tôi.”
No More Vietnams, trang 178
Từ tháng 4/1973 vụ Watergate ngày càng nặng hơn, Quốc hội thù nghịch, phong  trào phản chiến, đảng Dân chủ…đều nhận thức Nixon là trở ngại cho hòa bình mặc  dù đã ký kết Hiệp định. Họ thừa biết Nixon và Kissinger đã chuẩn bị kế hoạch đối  phó với sự vi phạm của Hà Nội, sẽ trả đũa nặng nề bằng sức mạnh của không lực Mỹ cũng như sự tiếp tục ủng hộ giúp đỡ Đông Dương . Nếu còn Nixon thì không thể có  hòa bình thực sự.

Hòa bình theo chủ trương của Dân chủ, của Quốc hội thù nghịch và phong trào  phản chiến có nghĩa là chấm dứt mọi sự yểm trợ quân sự cho Đông Dương bao gồm  cắt viện trợ, không cưỡng bách thi hành Hiệp định. Rõ ràng là đường lối của họ bỏ rơi Đông Dương đấu hàng Cộng Sản như Kissinger nói trong Years of Renewal,  trang 471
“Không trừng phạt vi phạm thì thỏa hiệp ngưng bắn chỉ là đầu hàng trá  hình
(Without a penalty for violations, a cease-fire turns into a subterfuge  for surrender)”
Nixon cũng nói tương tự
“Ngày 2 /1/1973 khối Dân chủ Hạ viện bầu nội bộ với tỷ lệ 154-75 để cắt  hêt viện trợ cho mọi hoạt động quân sự ở Đông Dương vừa khi đã đưa quân về nước  và lấy lại tù binh. Đó có thể là cách đầu hàng hèn hạ nhất đối với nhu cầu cấp  thiết nhất của BV. Hai ngày sau, bầu cử nội bộ Dân Chủ Thượng Viện cũng thông  qua dự luật tương tự tỷ lệ 36-12”
No More Vietnams trang 168
Tháng 6/1973 Quốc hội từ chối cấp ngân khoản cho Nixon mở chiến dịch oanh tạc  Khmer đỏ để yểm trợ chính quyền Lon Nol, họ còn bắt đầu soạn tu chính án cấm mọi  ngân khoản dành cho việc xử dụng không quân cũng như các hoạt động quân sự khác  tại Đông Dương. Nixon miễn cưỡng phải ký thành luật ngày 30/6, có hiệu lực ngày  15/8/1973. Theo đó nay không còn ngân khoản nào dùng trực tiếp và gián tiếp cho  các hoạt động quân sự tại Mên, Lào, Bắc và Nam VN hay ngoài khơi Mên, Lào, Bắc,  Nam VN. Nixon coi như thực sự không còn quyền hạn để gìn giữ hoà bình tại  VN.
Ngoài ra tháng 11/1973 Quốc hội lại ban hành luật War Powers Act, tên  chính thức là War Powers Resolution để hạn chế quyền Tổng thống, nó qui định  Tổng thống phải tham khảo ý kiến Quốc hội trước khi tham chiến.

Trong vụ đặt máy nghe lén đảng Dân chủ tại khách sạn Watergate Nixon bị báo  chí, Quốc hội chống đối dữ dội. Giữa năm 1974 Hạ viện ra những điều khoản để tố cáo, đàn hạch Tổng thống như cản trổ Công lý, lạm dụng Quyền lực. Ngày 8/8/1974,  lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ Tổng thống Richard Nixon tuyên bố từ chức.

Vụ tai tiếng Watergate đã mang lại thắng lớn cho đảng Dân chủ tại cuộc bầu cử Hạ Viện ngày 4/1/1974, họ lấy thêm được 49 ghế, trong đó 48 ghế là của đảng Cộng  Hòa và làm tăng thêm khối đa số của họ lên hơn hai phần ba tổng số Hạ Viện.
Nay Dân chủ tại Hạ Viện chiếm 291 ghế hay 66.9%, Cộng Hòa chỉ còn 144 ghế hay  33.1%. Cuộc bầu cử này chính là bản án tử hình cho miền nam VN, cho cả Đông  Dương. Những đảng viên Dân chủ mới vào Hạ Viện kỳ này đại đa số chống chiến  tranh Đông Dương hăng hái.
Kissinger nói.
“Một sự thúc đẩy mới thêm vào khi đảng Dân chủ thắng lớn trong kỳ bầu cử Hạ Viện 1974. Nó đã mang một khối những dân biếu mới tới Hoa Thịnh Đốn mà Lịch  Chính Trị Mỹ 1978, The Almanac of of American Politics, 1978 đã coi nó như một  khu vực chính trị trong đó việc chống chiến tranh Việt Nam là động cơ áp đảo  nhất.
Chỉ mới hai năm trước trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1972,  George McGovern đã bị đại bại trong khi đối thủ thắng cử lớn thứ nhì trong lịch  sử Mỹ về vấn đề Vietnam. Trong cuộc bầu cử 1974, những người ủng hộ xa xưa của  ông nay đạt thắng lợi trong vấn đề Watergate và xuất hiện trên một vị thế để đảo  ngược quyết định về Vietnam của những cử tri trước đây”
Years of  Renewal, trang 479
Sự thất bại nhục nhã của Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1972 đã  khiến họ vô cùng cay đắng. Nixon thắng 66.7% số phiếu phổ thông, hơn McGovern 18  triệu phiếu . Cộng hòa đã thắng tại 49 tiểu bang, điểm cử tri đoàn là 520 so với  17 của Dân chủ. Nixon đã đem quân về nước, lấy tù binh, không bỏ rơi đồng minh,  hòa được với Nga, bang giao với Trung Cộng…
Sau khi thắng lợi qua Watergate, đánh đổ chính phủ Nixon, đảng Dân chủ thừa  thắng tiến lên dành thắng lợi mới trong cuộc bầu cử Hạ Viện và có thừa điều kiện để trả thù Cộng hòa về vấn đề Việt Nam. Họ đi ngược lại hoàn toàn chính sách của  Nixon, chống chiến tranh Việt Nam tới cùng, xiết cổ đồng minh dần dần không  thương tiếc.

Hậu quả của cắt giảm viện trợ khiến cho Quân đội VNCH lâm vào tình trạng  thiếu thốn tiếp liệu đạn dược. Ông Cao Văn Viên trong Những Ngày Cuối VNCH trang  86, 87 cho biết không quân phải giải tán 200 phi cơ các loại chiến đấu, vận tải,  thám thính…nay chỉ cung ứng 50% yểm trợ hỏa lực so với giai đoạn 1973-1974. Trực  thăng vận bị cắt giảm 70%, các hoạt động hải quân bị cắt giảm 50%, tại sông ngòi  chỉ còn 28%, giải tán 600 giang thuyền. Từ trang 89 tới trang 94 tác giả đề cập  vấn đề đạn dược tiếp liệu, từ tháng 8/1974 tới tháng 2/1975 quân đội chỉ sử dụng  19,808 tấn đạn hàng tháng chỉ bằng 27% so với 73,356 tấn dùng hàng tháng trong  thời gian trước đó. Hỏa lực đã giảm 70%, trang 92 tác giả cho biết đạn tồn kho  các loại súng tháng 2/1975 chỉ còn đủ xài cho một tháng.
Cuối 1974 sau trận Thượng Đức, một sĩ quan cao cấp quân đội BV cho biết quân đội miên Nam đã suy yếu rõ rệt, thiếu phi cơ vận chuyển, sĩ quan này cho biết  CSBV nay mạnh hơn đối phương. Hà Nội phân tích về hậu quả của cắt giảm quân viện  tại miền nam VN.

Theo Kissinger tháng 1/1975 báo Học tập cùa CS viết.
“Hỏa lực và sự di động của quân Ngụy giảm mạnh trong quí ba 1974, hỏa lực  pháo binh hàng tháng của quân Ngụy giảm ba phần tư (3/4) so với 1973. Số phi vụ chiến thuật hàng ngày của Ngụy giảm chỉ còn một phần năm (1/5) so với năm 1972.  Số máy bay Ngụy so với thời ký chiến tranh trước đây giảm 70%, trực thăng giảm  80%…Kho bom đạn Ngụy giảm mạnh và gặp nhiều khó khăn về tiếp liệu, bảo trì, sửa  chữa các loại máy bay, xe tăng, tầu thuyền, vũ khí nặng
Years of  Renewal, trang 480
Dưới thời TT Nixon, chính phủ đã đề nghị Quốc hội cấp 1 tỷ 4 viện trợ quân sự cho miền nam VN, Ủy ban quốc phòng Thượng viện do Nghị sĩ John Stennis làm chủ tịch cắt bớt còn 1 tỷ, nay dưới thời TT Ford Ủy ban chuẩn chi Thượng viện do  Nghị sĩ John McClellan làm chủ tịch cắt 300 triệu còn 700 triệu (Years of  Renewal trang 472).
Vài tuần sau khi Ford lên nhậm chức thay Nixon, ông Thiệu cử Tổng trưởng  ngoại giao Vương Văn Bắc đi Hoa Kỳ hạ tuần tháng 9/1974 để vận động xin 300  triệu quân viện bổ túc để phục hồi 1 tỷ như cựu TT Nixon đã ký trước đây.
Ngày13/12/1974 Cộng quân mở cuộc tấn công qui mô Phước Long tới ngày 7/1/1975  họ làm chủ hoàn toàn thị xã. Mấy tuần sau, ngày 24 và 25 tháng 1/1975 TT Thiệu  gửi hai bức thư cho TT Ford phản đối CSBV tấn công chiếm Phước Long vi phạm  trắng trợn Hiệp định Paris. Ông Thiệu diễn tả cuộc tấn công này của địch rất qui  mô hùng hậu bằng hỏa lực mạnh và thiết giáp. Trái lại quân đội miền nam VN đã  phải đếm từng viên đạn pháo để tiết kiệm để còn đạn sử dụng.
(He described the intensity of the North Vietnamese attacks, backed by the “massive application of fire power and armor”. By contrast, the South Vietnamese  troops “had to count every single shell they fired in order to make the  ammunition last” – Years of Renewal, p. 490)”.
Mặc dù ban tham mưu tòa Bạch Ốc chống đối việc xin viện trợ này nhưng TT Ford  và Kissinger vẫn tiếp tục chính sách của Nixon ủng hộ đồng minh VNCH. Theo lời  kể của Kissinger trang 490 sách kể trên, bức thư của ông Thiệu đã khiến TT Ford  vượt qua chống đối của ban Tham mưu, ông đã họp với các vị Trưởng ban Quốc hội  ngày 28/1/1975 cho họ biết BV nay rất mạnh trong khi miền nam VN thiếu thốn  nhiều về đạn dược tiếp liệu. Ông nói cho Quốc hội biết ông đã nói với VNCH nước  Mỹ chỉ có thể gửi các phương tiện chiến đấu để họ tự vệ như đã ghi trong Hiệp định.
TT Ford cũng cho Nội các và nhiều viên chức thân cận biết đã lập hồ sơ đưa Hạ Viện để xin quân viện bổ túc cho Đông Dương, ông cho biết chính phủ Hoa Kỳ mạnh  dạn yểm trợ yêu cầu này. Ford cũng yêu cầu các cộng sự viên của ông hãy ủng hộ khoản viện trợ này vì nó là vấn đề sinh tử và hợp lý .
Với các vị trưởng ban tại Quốc hội, Hành pháp nhấn mạnh nếu ta không làm đầy đủ thì coi như chẳng làm gì cả. Chẳng lẽ ta từ bỏ tất cả những hy sinh ta đã làm  trước đây, ta đã hy sinh hơn 55 ngàn người, hy sinh tiền của để rồi không cấp đủ phương tiện cho họ tự vệ. VNCH đồng ý chiến đâu một mình trên căn bản ta cung  cấp cho họ phương tiện chiến đấu, họ vẫn còn cơ hội, họ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.
Lá bài duy nhất để cứu miền nam là xin viện trợ bổ túc nếu không  Sài Gòn sẽ sụp đổ, nhưng nếu viện trợ bổ túc kéo dài cũng không cứu vãn tình  hình được. Ai cũng biết con số 300 triệu không đủ nhưng nó tránh được các thủ tục vì nay chỉ xin lại khoản đã bị Ủy ban chuẩn chi Hạ viện cắt mà thôi.
Quốc hội lãnh đạm với những lời kêu gọi của TT Ford do Kissinger biên soạn.  Thượng nghị sĩ trưởng khối đa số Mansfield giải thích rằng ông bỏ phiếu chống  viện trợ vì bạn (tức lính chiến) của chúng ta hiện ở đây, không còn ở Á đông.  Phát ngôn viên Hạ Viện Carl Albert trước đây hay ủng hộ chính phủ nay phát  biểu:
“Tôi không nói tôi sẽ làm gì nhưng khi tất cả mọi người ở đây chống lại  ông thì ông làm gì được?” (Years of Renewal trang 491).
Thượng nghị sĩ Jackson cho biết năm ngoái ông bỏ phiếu cắt 300 triệu này và  năm nay ông không ủng hộ việc trả lại khoản này. Vấn đề cuộc chiến VN không thể giải quyết bằng cấp thêm 300 triệu về đạn dược.
Hố cách biệt giữa Quốc Hội và Hành pháp khó mà bắc cầu qua được. Khoản viện  trợ này cần phải được chấp thuận từ tháng 3/1975, chậm trễ sẽ khiến Quân đội  VNCH mất tinh thần vì thiếu thốn tiếp liệu đạn dược, tử thương lên cao. Khi Quốc  hội tỏ ra thờ ơ với khoản viện trợ bổ túc, Hà Nội biết là chắc ăn trong chiến  dịch tổng tấn công sắp tới. Quốc hội càng xa lánh VN, Sài Gòn ngày càng mất tinh  thần, Sài Gòn càng yếu thì Quốc hội càng chống đối và nhấn mạnh ở việc chấm dứt  chiến tranh, đó là cách nói bóng bẩy thực ra chỉ là “xiết cổ đồng minh” của  chúng ta.
(the more congressional oppposition insisted on the need to “end the war” – its euphemism for strangling our allies – Sách kể trên, trang 493).
Những người chống viện trợ nói chính phủ tìm giải pháp chính trị hơn là quân  sự nhưng thực tế cho thấy Hà Nội không bao giờ đếm xỉa tới ngoại giao mà chỉ có  quân sự, nếu ta không có sức mạnh thì không thương thuyết gì với họ được. Trong  khi Hà Nội chọn giải pháp chiến thắng quân sự tại miền nam, Hoa Thịnh Đốn vẫn  bàn vu vơ về số tiền viện trợ 700 triệu cho VNCH, thật ra nó chỉ bằng 1/4 của  năm 1973.
Ngày 20/1/1974 Bullington, viên chức ngoại giao đặc trách về VN sau khi viếng  Sài Gòn cho biết 300 triệu không thấm gì, không đủ thay thế sửa chữa các cơ phận. Nếu không được cấp thêm thì miền nam không hy vọng tồn tại. Theo Kissinger  khi Hà Nội tấn công Phước Long ồ ạt, Quốc hội không tỏ phản ứng, không thấy họ tỏ sự quan tâm nào về viện trợ bổ túc cũng như một hình thức giúp đỡ nào,  Kissinger cũng cho biết may mà có người trong hành pháp chia xẻ quan điểm cơ bản  với ông, người đó chính là TT Ford, rút lại chỉ còn Ford và Kissinger còn nghĩ tới việc yểm trợ đồng minh.
Dưới áp lực truyền thông và Ban Tham mưu khuyên nên từ bỏ VN và từ bỏ Kissinger. Ford bị các đồng viện cũ từ chối ủng hộ nhưng ông vẫn bình tĩnh và  kiên quyết nhưng cả hai Ford và Kissinger đều bất lực để ngăn cản bước tiến của  CSBV. Hành pháp gửi văn thư kêu gọi Moscow, Bắc Kinh, Hội đồng Bảo an và phản đối với 11 phe, nước đã ký bảo đảm Hiệp định Paris nhưng không có hiệu quả gì.  Chính phủ gửi thư cho những nước tham dự hòa đàm không phải VN và bốn nước trong Ủy ban quân sự bốn bên kiểm soát đình chiến Canada, Hungary, Ba Lan, Nam Dương  nhưng chỉ được vài nơi trả lời mơ hồ, họ chán chiến tranh VN, đa số thầm  lặng.
Những người lớn tiếng to mồm tại Quốc hội và giới truyền thông tạo ra cuộc  tranh luận và chống đối dữ dội những ý kiến đối lập. Họ chống liên hệ, chống  giúp đỡ đồng minh VN, cuộc chống đối lên tới đỉnh cao, họ mở chiến dịch qui mô  chống lại việc cấp phương tiện tự vệ cho các nước Đông Dương Việt, Mên Lào. Số báo Los Angeles Times ngày 6 tháng 3/1975 không những kêu gọi bỏ viện trợ bổ túc  mà còn đề nghị cắt bỏ thật nhiều số viện trợ 700 triệu đã được chấp thuận từ trước.
Họ lý luận ta cần phải đặt mức độ viện trợ cho miền nam VN để khuyến khích  Nguyễn Văn thiệu theo đường lối chính trị hòa giải và nhân nhượng chứ không phải để khuyến khích ông ta củng cố chế độ cá nhân của ông ấy.
Họ ngụy biện cho việc xiết cổ đồng minh đang cần giúp đỡ.
Quốc hội Mỹ trì hoãn viện trợ, thượng nghị sĩ Humphrey đề nghị cử một phái đoàn Quốc hội đi thăm Sài Gòn để được trợ giúp chính xác hơn , thực ra họ để cho  Sài Gòn từ từ tắt thở. TT Ford ngờ vực đó chỉ là cách từ chối khéo. Cuối cùng  một thượng nghị sĩ và bẩy dân biểu tới Sài gòn quan sát vào đầu tháng 3/1975 nói  là để thẩm định tình hình trước khi khi quyết định bỏ phiếu, sự thực họ chỉ làm  mất thì giờ vô ích trong khi VNCH đang ngắc ngoải. Họ rời Sài Gòn thì Cộng quân  tấn công Ban Mê Thuột ngày 10/3, mấy ngày sau 13/3 khi BV chiếm được Ban Mê  Thuột, Quốc hội Mỹ mà đa số là Dân chủ phản chiến đã chống mọi hình thức viện  trợ cho miền nam VN.
Một ngày sau khi mất Ban Mê Thuột, TT Thiệu bay ra Cam Ranh họp các Tướng Cao  Văn Viên, Trân Thiện Khiêm, Đặng Văn Quang, Phạm Văn Phú để bàn kế hoạch triệt  thoái Cao nguyên rút về Tuy Hòa theo đường số 7. Cuộc triệt thoái bị Cộng quân  truy kích gây thiệt hại nặng, tới cuối tháng 3/1975, một phần vì kế hoạch tái  phối trí sai lầm của TT Thiệu, một phần vì hỏa lực yếu kém của VNCH do cắt giảm  viện trợ đã khiến cho cả hai Quân khu tan rã trong vòng hai tuần lễ.
Siết chặt lần cuối cùng.
VNCH mất hai Quân khu Một và Hai, mất luôn hai Quân đoàn Một và Hai trong hai  tuần lễ từ 14/3 tới 30/3/75. Ta mất 5 Sư đoàn bộ binh (22, 23, 1, 2, 3), 11 liên đoàn Biệt động quân, mất gần hết 2 Sư đoàn tổng trừ bị, vũ khí đạn dược coi như mất hết.
Kissinger và Ford đã cử Tướng Weyand, Tham mưu trưởng tới Sài Gòn để thẩm định tình hình quân sự trong một tuần kể từ 28/3/1975, ông trở lại Hoa Kỳ ngày 4/4/1975. Weyand đề nghị cho oanh tạc bằng B-52 trở lại và đồng thời xin  viện trợ khẩn cấp722 triệu cho quân đội VNCH, điều xin tái oanh tạc sẽ trái  luật, khoản viện trợ trên đây rất lớn trong khi kinh tế đang suy thoái và chỉ có  một ít người tin là có thể giúp VNCH cầm cự được.
Tướng Weyand cũng như Kissinger dù không tin là Quốc hội có thể cấp cho khoản  tiền lớn này nhưng cũng đề nghị TT Ford đưa ra Quốc Hội để giữ uy tín cho Hoa Kỳ trên thế giới, chứng tỏ Hoa Kỳ không bỏ rơi Đồng minh.
“Ít ngày sau dân biểu Whitten thuộc tiểu bang Mississipi đã hỏi Tướng  Weyand
“Đề nghị của ông dựa trên cơ bản nào trừ việc chỉ làm cho có hình  thức, khi chúng ta đều biết chắc là sắp thua rồi?.
Tướng Weyand trả lời: “Thưa ông, cái cách mà chúng ta làm hay cái hình  thức như ông nói nó cũng quan trọng như thực chất của vấn đề vậy”
Walter  Isaacson, Kissinger A Biography trang 641.
Kissinger phản đối đề nghị xin tái oanh tạc của Weyand vì sợ người dân chống đối, xuống đường biểu tình. Đa số cố vấn của TT Ford đều chống đối đề nghị xin  viện trợ trước bầu không khí phản chiến của Lập pháp. Vả lại năm 1974, 1975 kinh  tế Mỹ bị suy thoái nặng, tỷ lệ thất ghiệp cuối năm 1974 lên 7.1, đầu năm 1975  lên 8.1 càng khiến cho việc xin cấp viện trợ thật mong manh.
Bộ trưởng quốc phòng Schlesinger cũng chống xin viện trợ, ông cho là tình  hình miền nam VN nay không hy vọng gì. Kissinger đồng ý tình hình không thể cứu  vãn nổi nhưng cho rằng đề nghị xin Quốc hội viện trợ 722 triệu là để cứu vãn  danh dự cho Hoa Kỳ. Ford đồng ý mặc dù không nhiệt tâm lắm.
Ngày 10/4/1975 Ford ra Quốc hội xin 722 triệu, Kissinger soạn diễn văn cho  Tổng thống, có ý chỉ trích Quốc hội đã hủy hoại Hiệp định Paris. Tại Quốc hội  không khí tiếp đón lạnh nhạt, không có có ai vỗ tay. Khi Tổng thống ngỏ lời xin  viện trợ thì có hai dân biểu Dân chủ bỏ ra khỏi phòng họp. Quốc hội lẫn người  dân đều không ai còn muốn ủng hộ cuộc chiến tranh VN, chỉ có TT Ford và Tiến sĩ Kissinger là hai người cuối cùng của guồng máy chính quyền còn muốn cứu miền nam  VN.
TT Ford yêu cầu Quốc hội chấp thuận ngân khoản 722 triệu và ấn định thời hạn  10 ngày để Quốc hội biểu quyết vì tình hình cấp bách của VNCH. Như Kissinger đã  nói, việc đưa ra Quốc hội ngân khoản này chỉ để cứu vớt chút uy tín cho Hoa Kỳ, chứng tỏ cho thế giới biết người Mỹ vẫn hết lòng để cứu Đồng minh. Chính  Kissinger cũng như Ford đều đã biết rõ thực trạng tình hình chống chiến tranh VN  của Lập pháp.
Ngày 18/4/1975 ngân khoản viện trợ khẩn cấp 722 triệu Mỹ kim đã  bị Quốc hội bác bỏ, Sư đoàn 18 rút bỏ Xuân lộc ngày 20/4. Hôm sau 21/4 /1975, TT  Thiệu từ chức. Cộng quân dốc toàn lực gần 20 Sư đoàn bao vây Sài Gòn với hỏa lực  áp đảo . Quân đội VNCH thiếu hụt nhân sự, đạn dược tiếp liệu kiệt quệ hầu như bất lực trước sức tấn công của địch và sụp đổ ngày 30/4/1975.
Nhiều người Mỹ và cả người Việt Quốc gia cho rằng TT Thiệu sai lầm trong kế hoạch tái phối trí lực lượng để mất miền Nam, thậm chí một vị Tổng thống Hoa Kỳ gần đây còn cho rằng VNCH thua trận vì họ không chịu đánh chỉ chờ Mỹ đánh dùm!!  Sự sai lầm của ông Thiệu khiến nhiều người Mỹ nhân cơ hội đổ trách nhiệm cho  miền Nam đã gây lên tấn thảm kịch 30/4/1975.
Nay sự thật đã rõ ràng, sự sai lầm của TT Thiệu chỉ là nguyên nhấn gần, thực  ra như đã nói ở trên ngay từ 1969, 1972 Lập Pháp Mỹ đã quấn dây thừng định xiết  cổ Đông Dương nhưng chưa thực hiện được. Dần dần đảng Dân chủ phản chiến ngày  càng củng cố quyền lực tại Quốc hội, họ ngày càng thắt chặt sợi dây thừng quấn  quanh chân tay, mình nạn nhân từ 1973 bằng biện pháp cắt giảm quân viện dần  dần.
Theo bản tin của BBC.com ngày 10/5/2006 một buổi hội thảo qui mô tổng kết  cuộc chiến tranh Việt Nam đã được tổ chức tại Sài Gòn trong hai ngày 14 và  15/4/2006. Trong số các bài đọc ở hội thảo, tác giả Trần Tiến Hoạt và Lê Quang  Lạng thuộc Viện Lịch sử Quân sự Cộng sản Việt Nam có bài tham luận về nguồn chi  viện của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa dành cho miền Bắc  trong cuộc chiến. Giai đoạn 1969-1972 BV được Nga, Trung Cộng viện trợ 684,666  tấn vũ khí trang bị kỹ thuật. Giai đoạn 1972-1975 họ nhận được 649,246 tấn hàng  vũ khí, số lượng hàng viện trợ của hai giai đoạn tương đương nhau.
Theo Kissinger (Years of Renewal trang 481) CSBV đã xin được viện trợ của Sô  viết tăng gấp bội. Thàng 12/1974, một viên chức cao cấp Nga viếng Hà Nội. Tổng  tham mưu trưởng Nga Viktor Kulikov tới tham dự họp chiến lược với Bộ chính trị BV, sau đó Sô Viết đã chở vũ khí viện trợ quân sự cho Hà Nội tăng gấp 4 lần  trong những tháng kế tiếp. Nga khuyến khích BV gây hấn.
Tại chính trường cũng như trên toàn nước Mỹ trước ngày TT Nixon từ chức  8/8/1974, số người ủng hộ cuộc chiến chỉ còn đếm trên đầu ngón tay ngoài Nixon,  Kissinger và một vài một vài phụ tá thân cận. Vào những ngày cuối cùng của miền  nam VN, khi mà người Mỹ đã chán ngấy cuộc chiến sa lầy, chỉ còn hai người có  chút tình với sự tồn tại của người bạn đồng minh, quanh quẩn chỉ có Ford và  Kissinger. Ngay cả Nội các, Cố vấn, Phụ tá… cũng đã can ngăn Tổng thống đừng  dính dáng vào cuộc chiến VN.
Quốc hội đã biết rõ lực lượng CSBV rất hùng hậu nhưng họ vẫn cắt giảm viện  trợ miền Nam cho tới khi bị đối phương đè bẹp. Những sợi dây thừng quấn quanh cổ miền nam VN từ 1973, 1974 không phải của Văn Tiến Dũng, của Hà Nội mà chính của  Lập pháp Hoa Kỳ. Từ sau Hiệp định Paris, sợi dây thừng trói chân tay miền nam VN  dần dần xiết chặt qua các đợt cắt giảm quân viện 1973, 1974, 1975, cuối cùng qua  bác bỏ các khoản viện bổ túc tháng 3/1975, viện trợ khẩn cấp tháng 4/1975.
Khi ấy sợi dây thừng đã siết cổ xong nước Việt Nam Cộng Hòa

© Trọng Đạt
© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét