1 tháng 10, 2019

Nguyễn Ái Quốc và tờ báo Le Paria (Người cùng khổ)


 Tháng 01/1922, Nguyễn Ái Quốc và Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Thuộc địa đã quyết định thành lập “Hội Hợp tác Người cùng khổ” và cho xuất bản tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) làm cơ quan ngôn luận của Hội.

Giải thích lý do đặt tên báo, Nguyễn Ái Quốc viết: “Người xứ Nghệ nhà choa hay chơi chữ. Nhân 
dân Pháp cũng thích chơi chữ. Nay ra tờ báo nhỏ ở ngay Pari tuy là tiếng nói đầu tiên của dân chúng thuộc địa, nhưng chưa có thanh thế, thì lấy tên báo là Paria là hay nhất! Paria nguyên là tiếng của Ấn Độ dùng để gọi những người đã mất hết quyền lợi về tôn giáo và xã hội. Nghĩa rộng người Pháp dùng để gọi những “Người cùng khổ”.

Nguyễn Ái Quốc và Báo Le Paria (Người cùng khổ).

Ngày 01/4/1922, báo ra số đầu tiên và được viết bằng ba thứ tiếng Pháp (chữ to đậm), tiếng Ả Rập và tiếng Trung Quốc (viết nhỏ hơn ở phía bên phải và bên trái). Từ số 01 đến số 20, báo có dòng tiêu đề “Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa” (Tribune des Populasions des colonial); từ số 21 đến số 35 có tiêu đề là “Diễn đàn của vô sản thuộc địa” (Tribune des proletariat colonial); số 36, 37 có tiêu đề “Cơ quan của nhân dân bị áp bức các thuộc địa” (Organe des Peuples Oppirimes des colonies); số 38 có tiêu đề “Cơ quan của Hội Liên hiệp thuộc địa” (Organe de L” Union Intercoloniale). 

Trên trang nhất số 1 đăng Lời kêu gọi của tờ báo: “...Báo Le Paria ra đời chính là do sự đồng cảm sâu sắc của các đồng chí Bắc Phi, Tây Phi thuộc Pháp, ở Mađagátxca, ở Đông Dương, ở Angti và ở Guyan... Báo Le Paria đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu, mục đích của nó chắc chắn sẽ đạt được: Giải phóng con người”.

Tùy vào từng thời gian và khả năng tài chính mà số lượng in báo Le Paria không cố định, dao động từ 1.000 đến 5.000 bản, cá biệt có những số in trên 5.000 bản. 50% số lượng báo in ra được lan truyền qua các nước thuộc địa của Pháp bằng nhiều con đường khác nhau, lúc đầu qua đường bưu điện sau chủ yếu là bí mật thông qua các thủy thủ bản địa yêu nước, góp phần thức tỉnh, cổ vũ, lôi cuốn các tầng lớp nhân đân đứng lên đấu tranh chống ách đô hộ của bọn thực dân, đế quốc.

Trong suốt thời gian tồn tại từ tháng 4/1922 đến tháng 4/1926, báo Le Paria ra được 38 số. Nguyễn Ái Quốc là người phụ trách chính trong việc xuất bản của báo, từ việc tổ chức ban biên tập, tòa soạn, viết bài, sửa chữa, đi in, đem báo về tòa soạn, cho đến việc gửi đi các thuộc địa. Mặc dù điều kiện sinh sống tại Pari rất khó khăn, thiếu thốn nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn ủng hộ đều cho báo mỗi tháng 25 phơ – răng. Người nói: “Chúng ta phải bằng bất cứ giá nào làm cho tờ báo sống. Nó mất đi sẽ là một thiệt hại to lớn đối với tổ chức và nhất là đối với công tác tuyên truyền lúc này cần thiết hơn lúc nào hết”. 

Tranh biếm họa của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Người cùng khổ.
Với 7 bút danh khác nhau, Nguyễn Ái Quốc viết bài thuộc nhiều thể loại như xã luận, bình luận, tin ngắn, tiểu phẩm, truyện ký, dịch thuật... đồng thời, vẽ cả tranh châm biếm. Nội dung chủ yếu của báo là tố cáo những hành động vô cùng tàn bạo của chính quyền thực dân tại các thuộc địa, nhất là ở Đông Dương. Bằng ngòi bút sắc bén, Nguyễn Ái Quốc đã vẽ lên một bức tranh toàn cảnh về chế độ thuộc địa của thực dân Pháp ở Đông Dương: “Chủ nghĩa tư bản Pháp đã vào Đông Dương... Chúng tôi không những bị áp bức và bóc lột một cách nhục nhã, mà còn bị hành hạ và đầu độc một cách thê thảm... Nhà tù nhiều hơn trường học, lúc nào cũng mở cửa và chật ních người... Ở Đông Dương, bọn thực dân tìm mọi cách để đầu độc chúng tôi bằng thuốc phiện và làm cho chúng tôi đần độn bằng rượu”.

Rất nhiều bài báo của Nguyễn Ái Quốc được người đọc đánh giá rất cao như: Viện hàn lâm Thuộc địa, Khai hóa giết người, Phụ nữ Việt Nam và sự thống trị của Pháp, Bức thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ thuộc địa ông A-xa-rô; Chê độ độc đoán ở Đông Dương, Ách áp bức không từ một chủng tộc nào; Sự phá sản của thực dân Pháp; Vẻ đẹp nền văn minh Pháp; Tình cảnh nông dân Việt Nam; Đông Dương và Thái Bình Dương...

Trong hồi ký của mình, luật sư Mác Clanhvin Blôngcua - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp thuộc địa đã viết: “Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp rất nhiều cho tờ báo... Tất cả những bài và tranh ký tên Nguyễn Ái Quốc trên báo Le Paria mang một màu sắc đặc biệt: đó là tinh thần đấu tranh cách mạng triệt để và quyết tâm chống chủ nghĩa thực dân. Xem, đọc bài và tranh đó người ta thấy rõ tác giả có một tinh thần tiến công rất chủ động và rất thông minh”.(1)

Tháng 6/1923, trước khi rời nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết thư gửi lại các đồng chí của mình. Người viết: “Hội Liên hiệp thuộc địa và tờ báo “Người cùng khổ” đã làm cho nước Pháp chân chính hiểu rõ những việc đã xảy ra trong các thuộc địa, làm cho nước Pháp hiểu rõ bọn cá mập thực dân đã lợi dụng tên tuổi và danh dự của nước Pháp để gây nên những tội ác không thể tưởng tượng được. Nó đã thức tỉnh đồng bào chúng ta. Đồng thời nõ cũng khiến cho đồng bào chúng ta nhận rõ nước Pháp tự do, bình đẳng và bác ái. Nhưng chúng ta còn phải làm nhiều hơn”.

Tháng 4/1926, báo Le Paria ra số 38 đăng lời giới thiệu cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc. Đây là số cuối cùng của báo.
Báo Le Paria – “Người cùng khổ” ra đời đã có nhiều cống hiến cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, góp phần tích cực trong việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam và một số thuộc địa khác, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức vùng dậy đấu tranh tự giải phóng./.
----------------
(1) Bác Hồ ở Pháp (Hồi ký), Nxb. Văn học, Hà Nội, 1980, tr.493 - 494

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét