Tình báo Mỹ tiến hành chiến dịch tuyệt mật để đánh cắp một trực thăng Mi-25 do quân đội Libya bỏ lại trên lãnh thổ Chad.
Trực thăng CH-47 kéo chiếc Mi-25 về căn cứ Mỹ. Ảnh: US Army.
|
Trong thập niên 1980, Liên Xô từng bán nhiều loại vũ khí hiện đại cho
các quốc gia châu Phi và Trung Đông. Một trong những vũ khí được Mỹ chú ý
nhất là trực thăng tấn công đa năng Mi-25, mục tiêu của chiến dịch đánh
cắp mang tên "Mount Hope III", theo WATM.
Trong thời Chiến tranh Lạnh, Mi-24 và bản xuất khẩu Mi-25 là mẫu trực
thăng độc nhất vô nhị trên thế giới. Đây là loại trực thăng tấn công áp dụng thiết kế hoàn toàn mới, được trang bị nhiều vũ khí uy lực kết hợp với khả năng chở quân của trực thăng vận tải.
Điều này cho phép Mi-24/25 triển khai 8 binh sĩ được trang bị đầy đủ tới
chiến trường và yểm trợ hỏa lực cho họ, hoặc độc lập tác chiến như một
trực thăng tấn công thông thường. Trong khi đó, Mỹ phải đổ quân bằng
trực thăng UH-1 và yểm trợ lực lượng mặt đất bằng trực thăng tấn công
AH-1 Cobra.
Khi dòng Mi-24 được biên chế vào cuối thập niên 1970, tình báo Mỹ và Anh
tìm mọi cách để nghiên cứu mẫu trực thăng độc đáo của Liên Xô. Sự hứng
thú càng tăng cao khi những chiếc trực thăng này thể hiện được sức mạnh
trên chiến trường Afghanistan hay Ethiopia.
Tình báo phương Tây đặc biệt chú ý tới thiết kế hỗn hợp của Mi-24, nhằm
đánh giá nhu cầu phát triển và biên chế khí tài tương tự để khắc chế
trực thăng Liên Xô. Cơ hội xuất hiện khi quân đội Libya bỏ lại một chiếc
Mi-25 trên lãnh thổ Chad vào năm 1987.
Tháng 12/1986, Libya tấn công vào lãnh thổ Chad. Sau 9 tháng xung đột dữ
dội, lực lượng Chad đẩy lùi toàn bộ đối phương về bên kia biên giới.
Trong quá trình rút lui, quân đội Libya đã bỏ lại rất nhiều khí tài quân
sự được mua từ Liên Xô. Vũ khí quý giá nhất trong số này là một trực
thăng Mi-25 còn nguyên vẹn, nằm tại một sân bay cũ ở Ouadi Doum.
Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) nắm được thông tin về chiếc Mi-25
và nhanh chóng lên kế hoạch đánh cắp, đề phòng quân đội Libya tìm cách
thu hồi khí tài. Chính phủ Mỹ đàm phán với các lãnh đạo Chad và được
phép tiến hành chiến dịch chiếm trực thăng Mi-25. CIA cùng Lầu Năm Góc
lên kế hoạch đưa trực thăng về một cơ sở của Mỹ, sau đó tháo rời và phân
tích mọi chi tiết của chiếc Mi-25.
Chiến dịch được đặt tên "Mount Hope III" (Ngọn núi Hy vọng III). Mục
tiêu đầu tiên là tìm kiếm những phi công đủ giỏi và dũng cảm để thực
hiện nhiệm vụ nguy hiểm này. Lầu Năm Góc quyết định lựa chọn Trung đoàn Không vận Đặc nhiệm số 160 (160th SOAR), một trong những đơn vị trực thăng thiện chiến nhất của lục quân Mỹ.
Lộ trình của trực thăng CH-47 với hai điểm tiếp dầu dã chiến (FARP). Đồ họa: Blogspot.
|
Quá trình chuẩn bị bắt đầu từ tháng 4/1987 tại bang New Mexico, Mỹ. Khí
hậu sa mạc khô cằn tại khu vực này có nhiều nét tương đồng với Chad,
giúp các phi công làm quen với điều kiện tác chiến thực tế.
CIA ước tính khối lượng rỗng của chiếc Mi-25 vào khoảng 8 tấn, đòi hỏi
lục quân Mỹ phải chỉnh sửa trực thăng CH-47 Chinook để đủ sức tải. Quá
trình này bao gồm gia cố các móc chịu tải, điều chỉnh động cơ và hộp số
để tăng sức nâng, đồng thời kỹ thuật viên phải xác định vị trí treo
chiếc Mi-25 để không làm mất cân bằng.
Các đợt diễn tập diễn ra trong điều kiện đêm tối và tầm nhìn thấp, mô
phỏng chiến dịch trên sa mạc vào ban đêm. 6 thùng nước lớn được gắn dưới
trực thăng Chinook để mô phỏng sức nặng của Mi-25. Đội bay của Trung
đoàn 160 sau đó phải bay với khoảng cách tương đương hành trình thực tế,
đòi hỏi trực thăng CH-47 dừng hai lần để nạp nhiên liệu.
Sau lần thử nghiệm đầu tiên diễn ra trơn tru, lục quân Mỹ quyết định
diễn tập với khung máy bay tương đương chiếc Mi-25. Phi công Trung đoàn
160 tiếp tục thể hiện trình độ khi hoàn thành nhiệm vụ theo đúng kế
hoạch. Quá trình chuẩn bị kết thúc với sự hài lòng của CIA và Lầu Năm
Góc, cho thấy chiến dịch sẵn sàng được tiến hành.
Chiến dịch đánh cắp chớp nhoáng
Ngày 21/5/1988, lệnh thực thi chiến dịch Mount Hope III được Nhà Trắng
đưa ra. Trung đoàn 160 tháo rời hai trực thăng CH-47, đưa chúng lên vận
tải cơ chiến lược C-5 Galaxy để chuẩn bị xuất phát.
Lục quân Mỹ phải bố trí lực lượng trinh sát và do thám từ trước hai
tuần, đề phòng quân đội Libya tấn công sang lãnh thổ Chad nhằm thu hồi
trực thăng. Chính phủ Pháp cũng hỗ trợ bằng cách điều một đơn vị bộ binh
và các tiêm kích Mirage F.1 làm nhiệm vụ yểm trợ. Vận tải cơ C-130
Hercules cũng tham gia với vai trò tiếp dầu cho những chiếc Chinook sau
khi chúng đánh cắp được trực thăng Mi-25.
Lực lượng thực hiện chiến dịch đáp xuống sân bay Ndjamena, phía nam Chad
vào ngày 10/6. Chiến dịch Mount Hope III được khởi động ngay trong ngày
hôm sau.
Theo kế hoạch, phi đội Mỹ sẽ bay theo lộ trình dài 925 km trong đêm tối
và thu hồi trực thăng Mi-25 trước khi trời sáng. Nhóm tiền phương sẽ tới
Ouadi Doum trước để bảo đảm an toàn, sau đó đơn vị chủ lực mới xuất
hiện để mang trực thăng Libya về căn cứ.
Nhiệm vụ phải tiến hành một cách bí mật do lực lượng Libya vẫn hoạt động
ở cách đó chỉ vài km. Nếu bị phát hiện, một trận đánh lớn sẽ nổ ra, trở
thành sự cố mang tầm quốc tế với việc Mỹ tìm cách đánh cắp trang bị
quân sự của nước khác.
Chiếc Mi-25 được đưa lên vận tải cơ C-5 để mang về Mỹ. Ảnh: US Army.
|
Hoạt động đánh cắp trực thăng Mi-25 diễn ra một cách chớp nhoáng theo
đúng kế hoạch, tới mức quân đội Libya không hề biết chiếc trực thăng tấn
công đã biến mất. Vấn đề duy nhất là một cơn bão cát lớn bất ngờ xuất
hiện khi chiếc CH-47 mang chiến lợi phẩm đang quay lại căn cứ.
Phi công Chinook phải tăng tốc và bay trong điều kiện tầm nhìn gần bằng
không. Trực thăng Mỹ hạ cánh xuống Ndjamena ngay trước khi bão cát đổ
bộ. Tổ lái phải ngồi chờ hơn 20 phút để bão đi qua, trước khi tháo rời
cả chiếc CH-47 và Mi-25, đưa chúng lên vận tải cơ C-5 và trở về Mỹ sau
đó 36 giờ.
Mount Hope III kết thúc một cách chớp nhoáng, lực lượng Mỹ chỉ xuất hiện
trên đất Chad trong vòng 67 tiếng. Trực thăng Mi-25 được Mỹ nghiên cứu
kỹ lưỡng nhằm tìm ra điểm mạnh và điểm yếu, cũng như cách đối phó trên
chiến trường. Lầu Năm Góc cũng kết luận rằng quân đội Mỹ không cần phát
triển mẫu trực thăng hỗn hợp như Mi24/25, đồng thời duy trì học thuyết
sử dụng trực thăng vận tải và tấn công riêng biệt tới ngày nay.
Tử Quỳnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét