Cuộc chạm trán vô cùng ác liệt với “Con Ma”
Sau chiến công bắn hạ các máy bay không
người lái của Mỹ, trong tháng 04/1966 các tiêm kích MiG-21 đã vài lần
xuất quân đánh chặn các tiêm kích của Không quân Mỹ nhưng thành công đã
không đến với các phi công Bắc Việt.
Trận không chiến với tiêm kích Mỹ đầu
tiên diễn ra vào ngày 23/04/1966, lúc đó biên đội 2 MiG-21 đã tấn công
phi đội tiêm kích chiến thuật F-4 Phantom (biệt danh Con ma). Mặc dù nắm
được yếu tố bất ngờ song các phi công MiG-21 đã không thể chiếm được vị
trí thuận lợi để phóng tên lửa.
Liên tiếp trong 2 tháng 04 và 05/1966 đã
có không dưới 14 lần các phi công MiG-21 phóng tên lửa về phía các tiêm
kích Mỹ nhưng không một tên lửa nào trúng mục tiêu. Trong khi chưa diệt
được tiêm kích nào của Mỹ, Trung đoàn 921 đã phải chịu những tổn thất
đầu tiên, một số phi công MiG-21 đã buộc phải nhảy dù do máy bay hết
nhiên liệu không kịp hạ cánh.
Ngày 26/04/1966, Không quân Mỹ xác nhận
việc bắn rơi 1 chiếc MiG-21 được ghi nhận cho một chiếc tiêm kích F-4
Phantom phi đội 480 thuộc đơn vị Không quân chiến thuật số 35. Trước
những tổn thất nói trên, Bộ chỉ huy Quân chủng Phòng không-Không quân đã
tiến hành họp khẩn cấp để phân tích các trận không chiến vừa qua để rút
kinh nghiệm.
Kết quả phân tích đã chỉ ra những hạn
chế lớn của MiG-21 trong việc tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu. Ban đầu các
phi công sẽ sử dụng radar để phát hiện mục tiêu, sau khi mục tiêu được
xác định các phi công phải chuyển sang dùng hệ thống quang học để khóa
mục tiêu và xác định cự ly bắn.
Ngay khi vào trận không chiến với các
tiêm kích Mỹ, MiG-21 đã bộc lộ khá nhiều hạn chế song đã được Việt Nam
khắc phục qua từng trận đánh.
Việc chuyển từ radar sang hệ thống quang
học tạo ra một độ trễ nhất định về thời gian, trong quãng thời gian đó,
các phi công đối phương sẽ tìm mọi cách cơ động để thoát khỏi tầm ngắm
của hệ thống quang học. Mặt khác, hệ thống quang học trên MiG-21 có phạm
vi hoạt động tương đối hẹp, đòi hỏi phi công phải điều khiển máy bay
một cách chính xác để duy trì mục tiêu trong phạm vi hoạt động của nó.
Với thời gian sử dụng MiG-21 vỏn vẹn
có vài tháng của các phi công Việt Nam thì việc duy trì mục tiêu trong
phạm vi của hệ thống quang học không phải là điều đơn giản trong năm
1966. Bên cạnh đó những chiếc tiêm kích MiG-21PF chuyển giao cho Việt
Nam không được trang bị pháo GP-9 làm giảm hiệu quả tác chiến. Từ kết
quả phân tích điểm yếu của MiG-21, Quân chủng Phòng không-Không quân đã
đề ra chiến thuật mới cho biên đội MiG-21.
Theo đó, biên đội MiG-21 làm nhiệm vụ
đánh chặn sẽ được trang bị vũ khí hỗn hợp. Một chiếc được trang bị tên
lửa không đối không tầm ngắn K-13 lắp đầu tự dẫn hồng ngoại, chiếc còn
lại lắp 2 khối phóng rocket không điều khiển S-5M để tấn công mục tiêu
trong trường hợp hệ thống quang học không thể khóa mục tiêu.
Với chiến thuật mới, thành công đã đến
với các tiêm kích MiG-21 của Việt Nam. Biên đội MiG-21 trang bị vũ khí
hỗn hợp đã dành chiến thắng đầu tiên trước tiêm kích của Mỹ vào ngày
07/06/1966, 2 chiếc MiG-21PF xuất kích đã tiêu diệt thành công một chiếc
tiêm kích-ném bom F-105 Thunderchief (Việt Nam gọi là Thần Sấm). Tuy
nhiên, việc bắn hạ chiếc F-105 trong ngày hôm đó không được phía Mỹ xác
nhận.
Nhằm tăng cường hiệu quả chiến đấu cho
các tiêm kích MiG-21, Quân chủng PK-KQ đã chỉ thị cho các phi công hoạt
động chiến đấu trong trình tự tương đối chặt chẽ. Cự ly giữa các máy bay
theo chính diện là 50 mét, theo chiều sâu là 200 mét, trong trường hợp
hoạt động theo biên chế phi đội, cự ly giữa các cặp MiG-21 là từ 300 đến
700 mét. Sau đó, các cự ly giữa các máy bay trong cặp sẽ tăng lên từ
500- 800 mét và 800 mét giữa các cặp. Thông thường, các máy bay MiG-21
hoạt động trên độ cao hơn 2.500 mét.
Những chiếc MiG-21PF chuyển giao cho Việt Nam không được trang bị pháo làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả tác chiến.
Trong tháng 06/1966 có thêm 13 phi công
Việt Nam hoàn tất quá trình chuyển loại sang sử dụng tiêm kích MiG-21
tại Liên Xô về nước bổ sung đáng kể cho lực lượng phi công lái tiêm kích
MiG-21. Ngày 09/06/1966, biên đội 2 chiếc MiG-21 đã lập chiến công bắn
hạ 2 chiếc tiêm kích F-4 Phantom, nhưng phía Mỹ không công nhận tổn thất
này.
Từ nửa cuối năm 1966, thành tích chiến
đấu của Không quân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa liên tục gia tăng. Tuy vậy,
sự gia tăng thành tích này chủ yếu từ sự đóng góp của MiG-17. Các tiêm
kích MiG-21 của Trung đoàn 921 đã xuất quân không chiến vài lần nhưng
không bắn hạ được máy bay nào của Mỹ.
Quân chủng PK-KQ tiếp tục tổ chức những
cuộc họp để tìm hiểu nguyên nhân chưa thành công của MiG-21 trên chiến
trường Việt Nam. Kết quả phân tích cho thấy các phi công lái MiG-21 vẫn
sử dụng chiến thuật vận động không chiến như những gì mà họ tập luyện
thành thục với MiG-17 trong khi MiG-21 khác xa về tốc độ và khả năng cơ
động.
Rõ ràng các phi công Việt Nam nắm giữ
hai lợi thế lớn so với Không quân Mỹ là nắm rõ địa hình địa vật khu vực
tác chiến và có sự hỗ trợ rất lớn từ hệ thống dẫn đường mặt đất rộng
khắp. Quân chủng PK-KQ đã cho điều chỉnh căn bản chiến thuật chiến đấu
của không quân tiêm kích. Sử dụng hiệp đồng biên đội chiến đấu giữa
MiG-21 và MiG-17 nhằm bổ trợ cho nhau.
F-4 và F-105 bị đẩy vào thế trận loay hoay chống đỡ những chiếc MiG-21 nhanh nhẹn cũng như hỏa lực phòng không mặt đất.
Theo đó MiG-17 sẽ đảm nhận việc chiến
đấu ở độ cao dưới 1.500 mét, MiG-21 đảm nhận hoạt động chiến đấu ở độ
cao từ 2.500 mét trở lên, khoảng độ cao từ 1.500-2.500 mét là vùng phối
hợp không chiến chung. Với chiến thuật mới trong 2 ngày 07 và 11/07/1966
MiG-21 đã bắn hạ 2 chiếc F-105 Thunderchief.
Ngày 21/09/1966, MiG-21 tiếp tục bắn hạ
thêm 1 chiếc F-105D khác của Không quân Mỹ. Đến ngày 09/10/1966, các phi
công MiG-21 đã dành chiến thắng đầu tiên trước các tiêm kích của Hải
quân Mỹ khi bắn hạ đến 2 chiếc F-4B thuộc phi đội tiêm kích VF-154 hoạt
động chiến đấu trên tàu sân bay USS- Coral Sea hộ tống cho phi đội cường
kích A-4 Skyhawk ném bom khu vực nhà ga Phả Lại, Quảng Ninh.
Đến cuối năm 1966, các tiêm kích MiG-21
đã lập chiến công bắn hạ thêm 2 chiếc F-4 Phantom và 5 chiếc F-105
Thunderchief. Bên cạnh đó, dưới sự cố vấn của các chuyên gia Liên Xô,
MiG-21 đã chuyển sang sử dụng chiến thuật đánh chặn từ xa thay vì chỉ
cất cánh nghênh chiến khi máy bay địch đã vào không phận như trước.
Với những chiến thuật mới cùng với việc
tự rút kinh nghiệm sau mỗi trận đánh của các phi công, tiêm kích MiG-21
dần làm chủ bầu trời đẩy những chiếc F-4 và F-105 vào thế trận phải loay
hoay chống đỡ những chiếc MiG-21 nhanh nhẹn cùng nỗi lo nơm nớp từ hỏa
lực phòng không mặt đất.
Bài viết có sử dụng tư liệu trong
cuốn "Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ
hai phía" - NXB Quân đội Nhân dân, 2013.
Theo Quốc Việt (Trí thức trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét