14 tháng 8, 2018

Mở lại Hồ sơ Trung Tâm Văn bút Việt Nam Hải ngoại 1995-2002 (biến cố "vỡ làm đôi")- Nguyễn Tà Cúc

            Cách đây hơn 20 năm, tại một cuộc họp Đại hội đồng Đại biểu tại thành phố Edinburgh, Scotland,  Văn Bút Quốc tế tạm thời đình chỉ các hoạt động với Trung Tâm Văn bút Việt Nam Hải ngoại [từ đây sẽ viết tắt là Trung Tâm VBVNHN] (1). Đó là hậu quả tất yếu của một cuộc tấn công vào nhiều hội viên và thân hữu thuộc Ban Chấp hành trong nhiệm kỳ Chủ tịch Viên Linh như Nguyễn Ngọc Bích, Viên Linh, Trương Anh Thụy, Võ Kỳ Điền, Nguyễn Tà Cúc vv ...  mà hải ngoại thường biết đến qua biến cố "vỡ làm đôi", sau cuộc họp Đại hội đồng Lần thứ V được tổ chức vào hai ngày 25 và 26 tháng 11, 1995 tại Little Saigòn, Nam California.    

            Một nhóm hội viên  ly khai, với sự giúp sức của nhiều nhân sự không-hội viên, đã tổ chức một cuộc họp tại Houston, Texas vào 2 ngày 24 và 25 tháng 2, 1996, thành lập một đại hội khác. Đại hội này chính thức khởi đầu cuộc tấn công ào ạt bằng báo, báo chợ và bằng văn thư lên VBQT với những tên tuổi xem ra có uy tín như nhà văn Doãn Quốc Sỹ (thuộc Hội đồng cố vấn kiêm diễn giả trong  cuộc họp nói trên) và nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh. Một bản "Quyết nghị" được gửi đi khắp nơi vu báng Viên Linh "Nhận tiền cứu trợ của Văn Bút Quốc Tế giúp một số văn nghệ sĩ bị cầm tù nhưng không trao lại" (2)
            Nhưng Viên Linh chưa phải là tâm điểm:  Tất cả những hội viên nào không theo họ hoặc ở lại với Ban Chấp hành Đặng Văn Nhâm đều bị nhắc tới cách này hay cách khác. Nếu tiền bạc là một lối bêu xấu rất thịnh hành dành cho đàn ông hội viên thì những bài "thơ" và bài viết bịa đặt đê hạ về đời riêng một số phụ nữ hội viên bắt đầu xuất hiện nhan nhản, tràn ngập trên báo lá cải hay trong những điện thư với nhiều danh tính giông giống của nhà thơ Đỗ Quý Toàn hay Cựu Chủ tịch Chi Nhánh VBVNHN Miền Đông Hoa Kỳ Nguyễn Ngọc Bích vv.  Đó là một dấu hiệu cảnh cáo những hội viên còn lại về cái giá sẽ phải trả một khi không tuân phục. Cộng đồng hải ngoại chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng một bọn vô lại văn nghệ hoành hành ngang nhiên một cách không có giới hạn. Thí dụ của nhà văn Võ Kỳ Điền --thuộc Ban Chấp hành Chi nhánh VBVNHN Quebec--vẫn còn đó: Người vợ ông nhận được một bức fax đầy những tin tức nhơ bẩn gọi là liên quan đến chồng mình và một nhà văn nữ khác. Đó là "giọt nước làm tràn ly" dẫn đến sự đổ vỡ của gia đình Võ Kỳ Điền.

            Bởi thế, không những hội viên mà cả nhiều người trong cộng đồng tỵ nạn cũng không thể biết rõ tình trạng của Trung Tâm VBVNHN khi tin tức tệ hại chỉ di chuyển một chiều qua hệ thống Làng Văn với các báo vệ tinh và qua Saigon Nhỏ. Hậu quả khác của cuộc tấn công ấy cũng là, từ đó, hầu như  một phần của lịch sử Trung Tâm VBVNHN bị xóa bỏ rồi thay bằng cuộc tấn công thượng dẫn. Từ đó trở đi, một số nhân sự thuộc Ban Chấp Hành Trung Tâm VBVNHN Nhiệm kỳ 1993-1995 và một vài hội viên thuộc 4 Chi nhánh mới thành lập, không những trở thành mục tiêu tấn công mà còn bị gán cho trách nhiệm làm Trung Tâm VBVNHN "vỡ làm đôi" khiến tổ chức này phải đối diện với nguy cơ bị Văn Bút Quốc Tế trục xuất hay ngưng hoạt động..
            Nhưng nhóm Nguyễn Hữu Nghĩa không ngờ rằng lần này họ phải đương đầu với những người quốc gia đã tiên liệu được tất cả mánh khóe bài bản nặng tính cách đấu tố. Đối với chúng tôi, điều quan trọng là Ủy ban Văn nghệ sĩ-Bị cầm tù. Chúng tôi đã bảo vệ được Ủy ban này trong khi lưu lại được nhiều tài liệu cho thấy bộ mặt thật của họ. Một trong những tài liệu vô giá đó là một cuộn băng thu lại diễn tiến cuộc họp  Đại hội đồng Lần thứ V do Ban Chấp hành Viên Linh tổ chức vào hai ngày 25 và 26 tháng 11, 1995 tại Little Saigòn. Nhóm Nguyễn Hữu Nghĩa,  quá tự tin vào khả năng áp đảo, đã chấp thuận cho phép sự hiện diện của giới truyền thông báo chí Quận Cam. Đó là một thứ lỗi lầm mà họ sẽ không bao giờ gượng lại được. Dù có thắng nhất thời nhưng đa số hội viên thầm lặng --và mọi người khác-- đã có dịp chứng kiến nhỡn tiền cách hành xử của loại "cán bộ chính trị" chứ không phải của những người cầm bút. Đó cũng chính là cái mầm sau này sẽ nầy thành một  đại thụ đổ xuống đè xập họ khi các biến cố khác (như vụ Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyên Nghĩa vv...) lan dần ra. Nhà thơ Trần Nghi Hoàng, một chứng nhân độc lập, đã ghi lại cảm tưởng của ông, mà có lẽ cũng của bất cứ ai, khi được xem cuộn băng trên. Ông phát biểu như sau trong một bài tham luận đăng trên tạp chí Văn Uyển vào cuối năm 1995:
-"[...] Trước sau, tôi vẫn là người đứng ngoài những tổ chức, những hội đoàn - chính trị cũng như văn hóa. Đó là thái độ mà tôi chọn lựa. Cách đây gần mười năm, ông Đỗ Quý Toàn có viết thư mời tôi đi tham dự đại hội Văn Bút ở Canada, tôi từ chối. Và một tuần sau đó, có người mời tôi vào Hội Văn Nghệ Sĩ Tự Do, tôi đã trả lời: 'Tôi đang rất tự do, nếu vào Hội của mấy anh, tôi sẽ mất tự do.' Bởi vì, tôi nghĩ: dù là Hội Văn Nghệ Sĩ Tự Do, nhưng tất phải có những điều lệ qui ước cho một hội đoàn, mà các hội viên bắt buộc tuân thủ. Tôi chọn đứng một mình, tôi không thích trong 'phe' này hay ở 'phe' kia. Đứng một mình, rất dễ bị các 'phe' dù đang chống đối nhau, cũng đồng lòng trong cái chuyện cùng rủ nhau 'không ưa' tôi. Tuy nhiên, nhờ 'đứng một mình', tôi được khách quan trước mọi vấn đề cho những nhận định của tôi.[...]  Tôi muốn xác định thái độ của tôi về những quan điểm và nhận xét mà tôi sắp viết trong bài này. Tuy nhiên, có một câu tôi rất muốn nói với ông Văn Thanh về Văn Bút, mà tôi đã ghìm giữ được trong lần ông phỏng vấn tôi. Nhưng ở đây, bây giờ, tôi phải viết ra: 'Trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, những người thực sự làm công việc sáng tác, không tới một nửa!'
Tôi viết ra được câu vừa rồi một cách thoải mái mà không sợ bị "chụp mũ" là miệt thị hay cường điệu, bởi vì: Tôi tình cờ được xem cuốn phim video do anh Lê Đô, một thành viên trong Văn Bút, quay lại toàn bộ Đại Hội VBVNHN kỳ 5, họp tại Nam Cali hai ngày 25 và 26 tháng 11 năm 1995. Hai tập video dài hơn 6 giờ đồng hồ, ghi lại tất cả hành vi và ngôn ngữ của những thành viên VBVNHN hiện diện. Trong đó, là những âm mưu (tôi sẽ nói về điều này ở phần sau) và thái độ 'văn hay không bằng chai mặt' của rất nhiều nhà văn nghệ sĩ.. Đặc biệt nhất là phong cách rất ư tôm cá của bà Nguyên Hương (chủ nhiệm báo Làng Văn, Canada) và ông Phạm Quang Trình (Chủ tịch trung tâm Văn Bút Bắc Cali (!)) Từ bao lâu nay, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Nghĩa & Nguyên Hương đã dùng tờ Làng Văn để làm công việc 'chống Cộng' một cách rất ồn ào! Tôi xin thử đặt vài câu hỏi về công việc chống Cộng" này:
- Khoảng hơn mười năm trước, Làng Văn quy tụ rất nhiều những cây bút có tên tuổi. Càng ngày, những cây bút tên tuổi đã không kèn không trống rút êm. Lại có người bỏ hẳn viết. Vì sao?
- Ông Nguyễn Hữu Nghĩa chủ trương "chống Cộng, nhưng hầu như các bài viết của ông là để đánh phá cộng đồng người Việt đang ở hải ngoại, chứ không lý luận gì tới nhà cầm quyền CSVN trong nước. Chụp mũ Cộng Sản một cách bừa bãi là ngón nghề của Làng Văn. Rốt lại, công trình chống Cộng của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Nghĩa, xét ra chỉ có lợi cho nhà nước đương quyền VN. Tại sao?
[...] Xin trở lại với Đại Hội kỳ 5 của VBVNHN.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa và các tay chân của ông đã sử dụng một cách nhuần nhuyễn những phương pháp 'đấu tranh' của Cộng Sản Việt Nam thời Cách Mạng Mùa Thu 1945: 'Cướp tiếng nói trước, làm bàn đạp để cướp chính quyền sau.'
Trong Đại Hội, ông Viên Linh xem như một phe. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, bà Nguyên Hương và những tay chân như ông Sơn Tùng, ông Nguyên Nghĩa, ông Phạm Quang Trình v.v... là phe 'đảo chánh'. Bốn Trung Tâm tân lập chưa được chính thức công nhận, tạm cho là vô can. Suốt nửa ngày Đại Hội, Chủ Tọa Đoàn bị phe ông Nguyễn Hữu Nghĩa với sự tiếp sức của một trong ba vị Chủ Tọa là ông Từ Nguyên, đã hoàn toàn khuynh đảo mọi mục đích của Đại Hội. Đại Hội làm sao thành tựu khi phe ông Nguyễn Hữu Nghĩa thường trực đưa tay xin phát biểu để bài bác những biểu quyết và bầu cử. Thậm chí, bà Nguyên Hương có lúc đã đưa cả hai tay! Và có lần Chủ Tọa Đoàn chỉ định đến phiên ông Sơn Tùng nói, đã bị bà Nguyên Hương ra lệnh cho ông Sơn Tùng nhường lại micro cho bà ta. Khi ông Phạm Quang Trình dùng ngôn ngữ 'đường phố' để phát biểu, bà Nguyên Hương giật tay áo ông ngay lập tức, ông Phạm Quang Trình đã xin phép 'nuốt lại' những chất dơ mà ông vừa phóng vào đối phương là phía ông Viên Linh. Cuối cùng, Đại Hội VBVBHN đã thất bại thê thảm!  Ông Nguyễn Hữu Nghĩa tuyên bố, ông không thèm bất cứ chức vụ lớn nhỏ gì trong VBVNHN.
Tôi công nhận ông Nguyễn Hữu Nghĩa thành thật trong câu nói trên! Ông không thèm ngay cả chức Chủ Tịch Văn Bút. Cái ông muốn là chức 'bố già' của Trung Tâm Văn Bút, là 'kẻ đứng bên trong giật giây', như ông đã từng là với ông Nguyễn Ngọc Ngạn. Sau ông Nguyễn Ngọc Ngạn, từ nhiệm kỳ của ông Trang Châu qua tới ông Viên Linh, đều bị ông Nghĩa đánh phá. Tại sao? Câu trả lời đã có! Hai hình nộm Sơn Tùng và Tuệ Nga chỉ là những con chốt thí. Đã đến lúc ông Nguyễn Hữu Nghĩa ra tay triệt hạ VBVNHN. Ông Sơn Tùng và bà Tuệ Nga đóng trọn vẹn vai trò của chất xúc tác làm VBVNHN vỡ tan! (chứ không phải vỡ làm hai!) Vì sau sự việc xảy ra trong Đại Hội 5 VBVNHN, với những bản tường trình từ hai phía: Ông Viên Linh đương nhiệm Chủ Tịch VBVNHN và Nguyễn Hữu Nghĩa, Sơn Tùng nhóm đảo chính, đương nhiên văn phòng PEN International tại Anh và văn phòng Tổng Thư ký của PEN International tại Paris sẽ khuyến cáo 'Các Trung tâm VBVNHN nên về tự dàn xếp vgới nhau. Bao giờ chỉ còn một Trung Tâm thì tiếp tục sinh hoạt trở lại với PEN International.' Sự việc hẳn nhiên không bao giờ dàn xếp được, vì ông Nguyễn Hữu Nghĩa còn tiếp tục quấy phá. [...]  Tôi tự hỏi: "Sau VBVNHN, đoàn thể hay cá nhân nào là mục tiêu của nhóm ông Nguyễn Hữu Nghĩa?..." [Trần Nghi Hoàng, "Văn bút Việt Nam Hải ngoại đi về đâu?", Văn Uyển Bộ Mới, Năm thứ bẩy, Số 16-Số Mùa Thu, Hoa Kỳ trang 106-111)
            Là người có mặt suốt buổi họp đó, tôi phải công nhận Trần Nghi Hoàng diễn tả được cảnh "Đầu trâu, mặt ngựa ào ào như sôi" (Truyện Kiều, Nguyễn Du) của bọn "nạ dòng văn nghệ" nhấp nhổm chỉ chực cướp micro bên cạnh những bộ mặt đàn ông nhâng nháo như thể đây là lần đầu trong đời được ngồi bên cạnh mỹ nhân và văn nhân sau bao năm phải đối mặt với đám nạ dòng. Mà mỹ nhân và văn nhân thì không cách nào mà cũng không nên cho họ ngồi bên  lâu hơn cần thiết. Năm 2000, tôi rời Trung Tâm VBVNHN, chú tâm vào việc xây dựng tạp chí Khởi Hành cùng Viên Linh và sửa soạn trở lại Penn State University kết thúc việc học còn dở dang gần 30 năm trước. "Hội viên Văn bút" chỉ là một quãng đời, một công việc cần làm. Khi Khởi Hành chấm dứt cách đây vài tháng, tôi đã tiếp tục con đường nghiên cứu qua các ngả khác.
            Thế nên, từng là hội viên (lại là hội viên bị tấn công đê mạt và nhiều năm nhất) , tôi viết loạt bài này không nhắm tự bênh vực và bào chữa cho tôi hay các hội viên khác có tên trong danh sách bị tấn công. Danh sách rất dài này bắt đầu không bằng hội viên Văn Bút mà từ nhạc sĩ/nhà thơ/nhà văn  (Đại úy Hải quân) Hà Thúc Sinh. Ông sáng lập phong trào Hưng Ca, tiếp tay nhà văn (Trung tá Hải quân) Phan Lạc Tiếp trong Phong trào Báo nguy giúp người vượt biển. Chỉ một thời gian sau khi thu nạp Nguyễn Hữu Nghĩa, ông bị đẩy ra khỏi Phong trào do chính ông sáng lập và gầy dựng.
            Tôi đợi 20 năm mới cung cấp cho văn sử và lịch sử người tỵ nạn Việt Nam hải ngoại những tài liệu liên quan đến họ và chính tôi vì  tin tưởng hai điều. Thứ nhất, tôi coi Văn bút Quốc tế chỉ là một phương tiện để giúp người ở lại.  Tôi đã bắt đầu nghi ngờ bản lãnh của VBQT khi họ vi phạm Khuyến Nghị Edinburgh, 1997 bằng cách sẽ hiện diện làm bằng cho những người vu khống  một hội viên khác mà chính họ đã phải minh oan trước đó bằng một văn thư chính thức. Nghĩa là, theo tôi, không những họ đã can thiệp vào nội bộ của Trung Tâm VBVNHN mà lại còn chà đạp lên một trong 4 tôn chỉ (3) của chính cái hội của họ và của toàn thể các Trung Tâm khác trên thế giới. Sau nữa, tôi càng không muốn cống hiến hoạt động cho một tổ chức mà số phận tôi và các bạn cùng hội có khi nằm trong tay những kẻ bất tài nhưng được VBQT giao cho trách nhiệm "phân xử". Thứ hai, tôi càng không cần viết để "trả thù" khi những tin tức sau đây sẽ chứng minh sự không cần trả thù đó:

-Sau quãng thời gian này, nghĩa là sau khi chúng tôi rời bỏ, Trung Tâm Văn bút Việt Nam Hải ngoại sẽ còn phải đương đầu với nhiều biến cố khác (theo như tôi biết). Anh chị em hội viên hiện nay sẽ có thẩm quyền trình bày và xét đoán vì tôi đã không còn là hội viên từ năm 2000.
-Từ cuối  năm 2014, tờ báo (chợ) và hệ thống Saigon Nhỏ đã thuộc về tay Nhật báo Người Việt sau một vụ án không tiền khoáng hậu trong lịch sử người tỵ nạn nói chung và người Việt tỵ nạn nói riêng. Tờ báo này đã cho đăng suốt hơn 6 năm -- có khi  ròng rã trong hơn 2 năm liên tiếp--những bài đầy sai lầm và vô căn cứ, lại có tính cách phỉ báng mạ lỵ tôi và con cái vị thành niên, từ những tác giả vô danh tiểu tốt cho tới Kiều Phong Lê Tất Điều. Oái oăm thay, Saigon Nhỏ thua kiện một phần cũng vì đã can tội phỉ báng mạ lỵ bà Hoàng Vĩnh, một giám đốc của Người Việt: "Một người khác cũng bị nêu tên trong bài viết của báo Saigon Nhỏ là bà Hoàng Vĩnh, giám đốc tiếp thị của Người Việt. Bà Vĩnh bị chỉ trích “không phải là một người có khả năng học vấn hay báo chí. Bà lại là một người có nhiều tai tiếng về tình ái.” Trong hồ sơ kiện viết bằng tiếng Anh, tờ Người Việt cho biết bà Vĩnh bị chê là “mentally defective and known to have many scandalous affairs.” [http://www.viendongdaily.com/bao-nguoi-viet-thang-kien-saigon-nho-phai-boi-thuong-45-trieu-lMYctWVb.html].
-Loạt bài của Kiều Phong Lê Tất Điều trên Saigon Nhỏ [sau khi bị các nhà văn chủ bút/chủ nhiệm như Nguyễn Xuân Hoàng/Tạp chí Văn từ chối]  đã bị Hà Huyền Chi và nhiều tác giả khác trừng trị đích đáng trước khi gây thiệt hại trực tiếp cho nhà văn Võ Phiến. Điều đau đớn nhất có lẽ là trong bài phỏng vấn trên tờ Văn Học, Võ Phiến không hề có lời bênh vực Lê Tất Điều, người đã vì ông mà lộ ra lối viết đểu cáng hạ nhục chung nữ giới. Điều đáng chú ý ở đây, không chỉ một sự kinh ngạc trước những lời lẽ đê mạt ròng rã từ tuần này sang tuần khác mà còn một sự hăm dọa bằng võ lực của ông Lê Tất Điều với bản thân tôi (4).. Chẳng lẽ ông Lê Tất Điều--nhân viên của Sở Cảnh sát San Diego-- không biết tới luật lệ hiện hành? Chẳng lẽ ông không biết đang sống trong một xứ sở có pháp luật?  Nhưng quan trọng hơn, trường hợp Lê Tất Điều còn là một thí dụ điển hình cho thấy Văn học Miền Nam tại hải ngoại cần những nhà phê bình bản lãnh, có tài liệu và không khiếp sợ trước  kiểu tấn công đó.
-Tờ báo Làng Văn do Nguyễn Hữu Nghĩa và Nguyên Hương chủ trương-- có đăng quyết nghị vu khống Chủ tịch Viên Linh cũng như các bài báo bịa đặt đê hạ-- của "Sắc Không (Nguyễn Hữu Nhật") hay "Mõ (làng văn)"-- liên quan tới một số hội viên, trong đó có tôi, đã  ngưng xuất bản từ nhiều năm nay. Tôi tin rằng đó là hậu quả tất nhiên của cuộc phản công từ nạn nhân khi họ phổ biến rộng rãi những vu cáo này cho giới tác giả hợp tác và giới độc giả. 
            Bởi thế, loạt bài này sẽ trưng chứng cớ đã phổ biến trên báo chí hay tới giới văn nghệ và cộng đồng tỵ nạn để công luận xét đoán. Trước khi sang phần tài liệu, tôi sẽ giới thiệu qua về lược sử của Trung Tâm Văn bút Việt Nam Hải ngoại lúc đó và sự tham dự của tôi từ năm 1995 tới năm 2000.. Trung Tâm Văn bút Việt Nam Hải ngoại trước có tên Văn bút Việt Nam Lưu vong do nhà thơ Nguyên Sa và nhà văn (Trung tá) Trần Tam Tiệp sáng lập. Họ cử nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh tới Brazil thỉnh cầu Văn Bút Quốc tế cho Trung Tâm Văn bút Việt Nam (1957-1975) được duy trì tính cách hội viên dù Việt Nam Cộng hòa đã không còn hiện hữu trên bản đồ quốc tế. Được chấp thuận, Trung Tâm VBVNLV đã hoạt động hữu hiệu trong cuộc vận động lương tâm thế giới, bên cạnh các hội đoàn hay tổ chức quốc tế khác, để cứu giúp văn nghệ sĩ Miền Nam ra khỏi trại giam của người Cộng sản. Trần Tam Tiệp là người duy nhất giữ nhiệm vụ Trưởng Ủy ban Nhà văn-Bị Cầm tù từ 1978 cho tới đầu năm 1995 khi ông bị đột quỵ.
            Sau nữa, không những là một nhân chứng, tôi còn là một người phê bình chuyên nghiên cứu về Văn học Miền Nam. Tôi sưu tập tài liệu cũng để giải đáp thắc mắc của chính tôi cho cuốn sách thứ 2 cũng liên quan một phần đến Trung Tâm Văn bút Việt Nam [ sau 1975 ] sau khi xuất bản cuốn thứ nhất vào năm 2014 (5): Tại sao một số hội viên Trung Tâm VBVNHN, như đã kể trên, bị tấn công bằng nhiều trò bá đạo như thế? Tại sao một nhóm người lại có thể khống chế  tổ chức Trung Tâm VBVNHN trong nhiều năm, thậm chí tấn công (như tôi sẽ chứng minh) rất nhiều văn nghệ sĩ Việt tỵ nạn mà xem ra không phải chịu hậu quả nào, từ công luận tới pháp luật? Tại sao một vài nhà văn Miền Nam chịu cộng tác mặc dù đã được báo động về thành tích bất hảo của họ? Hơn thế nữa, tại sao có người đành lòng im lặng dù biết rõ, rồi chỉ chịu lên tiếng khi đến lượt bản thân trở thành nạn nhân? Tại sao nhiều hội viên lẳng lặng rút lui? Liệu có bàn tay của người Cộng sản trong những vụ  đó chăng?
 
             Tôi sẽ không đề cập đến lời giải đáp cho tôi trong loạt bài này nhưng hy vọng hai điều. Thứ nhất, thế hệ nghiên cứu tương lai và quý độc giả sẽ có giải đáp cho riêng mình. Thứ hai, tôi sẵn sàng hoan nghênh, thậm chí sửa chữa lỗi lầm nếu có, nhưng với điều kiện người muốn phản bác phải có tài liệu chứng minh. Tôi sẽ không tự hạ danh dự bằng cách đối thoại với  thứ loăng quoăng văn nghệ vốn là sản phẩm của loài ruồi muỗi vẫn sinh sôi nẩy nở ở vũng nước độc khóm phường.-[NTC]
CHÚ THÍCH
(1) Đây là một phần trong văn thư của Chủ tịch Đặng Văn Nhâm, Trung Tâm Văn bút Việt Nam Hải Ngoại Chính Thống (quy tụ những hội viên không theo nhóm Nguyễn Hữu Nghĩa). Ông tường trình về quyết định của VBQT tại phiên họp Edinburgh:
-" [...] Hội nghị Văn Bút Quốc Tế, kỳ 64, đã nhóm họp tại Edinburgh, thủ đô Tô Cách Lan, từ ngày 5. 8. 97 đến ngày 11. 8, 97. Vấn đề tranh chấp nội bộ, do nhóm Sơn Tùng khởi động, nay đã được Văn Bút Quốc Tế đem ra trước phiên họp đại hội đồng sáng ngày 11. 8. 97, để lấy quyết định. Sau khi đã nghe ông tổng thơ ký Văn Bút Quốc Tế Alexandre Block, ông Trần Thanh Hiệp , chủ tịch Ủy Ban Đặc Cử của Văn Bút Quốc Tế, và đại biểu các phe liên hệ tường trình, chủ tọa viên nêu nhận xét:
            *Vấn đề này thật tế nhị và phức tạp nên yêu cầu đại hội biểu quyết ' KHÔNG CAN THIỆP VÀO NỘI BỘ CỦA MỘT TRUNG TÂM THÀNH VIÊN. TRUNG TÂM NÀY NÊN TỰ GIẢI QUYẾT LẤY VẤN ĐỀ' "
Kết quả đại hội đã biểu quyết tán thành đề nghị này với 42 phiếu thuận. Có 2 phiếu chống, và 5 phiếu trắng. Tiếp theo, vị chủ tọa đọc một bản khuyến nghị đã thảo sẵn bằng Anh Ngữ, nội dung được dịch sang Việt Ngữ nguyên văn như sau:
-"Đại hội đồng đại biểu Văn Bút Quốc Tế họp trong kỳ hội nghị quốc tế thứ 64, từ ngày 5 đến ngày 11. 8. 1997, tại Edinburgh, Scotland:  Sau khi nghe trung gian trọng tài và 2 phía đối nghịch trình bày về vấn đề hợp pháp của ban chấp hành Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, và đại diện của tổ chức này trong Văn Bút Quốc Tế. Nay kêu gọi các bên giải quyết dị biệt trong tinh thần Hiến Chương Văn Bút Quốc Tế , và trong sự phù hợp với luật lệ điều hành nêng , phát xuất cũng như được bảo đảm từ đó thẩm quyền tự trị của chính trung tâm mình. Đại hội đồng tuyên bố rằng: kế từ nay cho đến khi các điểm dị biệt được giải quyết thỏa đáng theo như điều lệ vừa nêu trên và trong tinh thần của Hiến Chương Văn Bút Quốc Tế, Trung tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại được coi như lâm vào tình trạng * BẤT NĂNG ĐỘNG * ( NGỦ YÊN ) VÀ KHÔNG THỂ TIẾP TỤC GIAO DỊCH HOẶC THAM DỰ VÀO VĂN BÚT QUỐC TẾ NỮA ( nguyên văn Anh Ngữ như sau: SHALL BE CONSIDERED AS DORMANT AND WILL NOT BE ABLE TO HAVE ANY FURTHER RELATIONS WITH OR PARTICIPATION IN INTERNATIONAL P.E.N.).

(2) Tôi sẽ trưng bằng cớ đầy đủ về vài nạn nhân của cuộc tấn công này, và dĩ nhiên, về sự im lặng rất khó hiểu của Cựu Chủ tịch Trần Thanh Hiệp trước sự vu khống của nhóm Nguyễn Hữu Nghĩa.
(3) " [....]  And since freedom implies voluntary restraint, members pledge themselves to oppose such evils of a free press as mendacious publication, deliberate falsehood and distortion of facts for political and personal ends." [ https://pen-international.org/who-we-are/the-pen-charter] /Và vì sự tự do ngụ ý một sự tự chếhội viên PEN tự cam kết chống lại các tệ nạn của một nền báo chí tự do như: xuyên tạc, cố ý ngụy tạo  và bóp méo các sự kiện nhằm những mục đích chính trị và cá nhân
(4) Kiều Phong Lê Tất Điều đã viết hay đăng lời người khác (?)  hăm dọa tôi một cách cực kỳ thô bỉ và nhiều lần. Đây là 2 thí dụ điển hình:
-"Cô nhớ trữ sẵn một bộ răng giả ở nhà, để lúc về có cái mà nhai cơm..."  [KP Lê Tất Điều, "Chơi chữ",  ngày 4. 2. 2000, sđd]
-"...Còn không mở mắt, thì cứ ‘ấy’ vào mồm nó mấy cái cho nó gẫy mẹ nó hết răng, ...]  Ây đừng nhe, Lão Huynh mà nghe thằng cha Thô Bỉ Học "ấy" như thế, lỡ bị mụ thần nanh đỏ mỏ nó truyền nọc độc, hay bị nhiễm trùng đường tiểu thì chết...."[Lê Trí Thâm (cùng họ Lê với Lê Tất Điều) "Vừa uống vừa xem", đăng trong mục do KP Lê Tất Điều phụ trách, Saigon Nhỏ, ngày 23.6.2000, Số 726, trang 44]
           
(5) Cuốn thứ nhất Ủy ban Văn nghệ sĩ-Bị Cầm tù: Cánh chim phượng hoàng tái sinh từ Trung Tâm Văn bút Việt Nam Lưu Vong đã được Nhà Xuất bản MẸ & CON phát hành tại Hoa Kỳ, 2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét