1 tháng 12, 2019

LINH MỤC FRANCESCO DE PINA VÀ LINH MỤC ALEXANDRE DE RHODES VỚI VIỆC SÁNG TẠO CHỮ QUỐC NGỮ

Image may contain: 1 person, beard
Image may contain: 1 person, hat
 
 
Quyên Di
NHỮNG VỊ CÓ CÔNG ĐẦU TIÊN TRONG VIỆC SÁNG TẠO VÀ PHÁT TRIỂN CHỮ QUỐC NGỮ

Có rất nhiều người đóng góp công sức, trí tuệ vào việc sáng tạo và phát triển chữ Quốc Ngữ, trong đó, hai linh mục Francesco de Pina (người Bồ Đào Nha) và linh mục Alexandre de Rhodes (người Pháp) có những đóng góp rất lớn lao, đến độ có thể nói đây là những ông tổ của chữ Quốc Ngữ.
Linh mục Francesco de Pina là thầy dạy tiếng Việt đầu tiên của linh mục Alexandre de Rhodes. Nhưng linh mục Alexandre de Rhodes lại có công lớn trong việc chuẩn xác các mẹo luật của chữ Quốc Ngữ và giới thiệu thứ chữ này trên trường quốc tế, qua hai tác phẩm “Phép Giảng Tám Ngày” và “Tự Điển Việt-Bồ-La,” ấn hành tại Roma năm 1651.

Năm 1615, linh mục người Ý tên là Francesco Buzomi đến Cửa Hàn (Đà Nẵng.) Năm 1617, ông bị chúa Nguyễn trục xuất, lại lâm bệnh nặng, nằm tại Quảng Nam. Ông được quan trấn phủ Quy Nhơn là Trần Đức Hoà đưa về Quy Nhơn chữa bệnh. Quan trấn phủ Trần Đức Hoà là em kết nghĩa của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nên nhiều người tin rằng việc ông đưa linh mục Buzomi về Quy Nhơn không ngoài ý của chúa Sãi, nhằm tách linh mục ra khỏi những vị quan quá khích muốn trục xuất, cầm tù hoặc xử tử ông. Năm sau (1618), chính quan trấn phủ Trần Đức Hoà đã cùng linh mục Buzomi đến Cửa Hàn đón thêm những tu sĩ Công giáo khác về Quy Nhơn, trong đó có linh mục Cristoforo Borri (người Ý) và Francesco de Pina (người Bồ Đào Nha.) Sau đó, quan Trần Đức Hoà cấp cho nhóm giáo sĩ này một ngôi nhà đẹp ở Nước Mặn làm cơ sở truyền giáo và sáng tạo chữ Quốc Ngữ.
Có chỗ ở an toàn và tâm trí thảnh thơi, bộ ba Buzomi, Borri và Pina đã chú tâm vào việc phiên âm tiếng Việt và sáng tạo chữ Quốc Ngữ, dựa theo các mẫu tự La-tinh. Về sau, linh mục Buzomi, là bề trên, đã tình nguyện lãnh hết trách nhiệm truyền giáo, để cho hai linh mục cộng sự của mình là Borri và Pina dồn tâm trí vào việc sáng tạo chữ Quốc Ngữ.
Linh mục Pina có năng khiếu đặc biệt về ngôn ngữ. Ông có thể giảng đạo một cách trôi chảy bằng tiếng Việt mà không cần người thông ngôn.
Năm 1624, có bốn linh mục đến Đàng Trong. Hai linh mục Gaspar Luis (người Bồ Đào Nha) và Girolamo Majorica (người Ý) vào Nước Mặn học tiếng Việt với linh mục Buzomi. Trong khi đó, hai linh mục Alexandre de Rhodes (người Pháp) và Antonio de Fontes (người Bồ Đào Nha) đến Dinh Chiêm học tiếng Việt với linh mục Pina (lúc ấy linh mục Pina đã được thuyên chuyển về Dinh Chiêm.)
DẤU THANH, ĐẶC ĐIỂM CỦA CHỮ QUỐC NGỮ
Ban đầu, các nhà sáng tạo chữ Quốc Ngữ đều là những nhà truyền giảng đạo Công giáo người Âu châu: Bồ-đào-nha, Ý, Pháp, v.v… Họ có một khó khăn chung là làm sao nói được tiếng Việt cho người Việt hiểu. Họ bèn nghĩ ra phương pháp dùng những mẫu tự La-tinh để ghi âm tiếng nói của người Việt. Nhưng nếu có thế thôi thì thứ tiếng Việt này chỉ là một cái xác mà không có cái hồn. Ghi âm xong, đọc lên nó ngang ngang. Trong khi đó, theo họ “tiếng Việt nghe như hát, như chim hót,” tức là có nhiều thanh độ cao, thấp khác nhau. Thế là họ tìm những dấu thanh như những ký hiệu, giúp họ có thể “lên bổng xuống trầm” để nói tiếng Việt giống người bản xứ. Nếu ví chữ là “xác” thì dấu thanh chính là “hồn.” Có “hồn” nhập vào “xác” thì xác trở nên uyển chuyển, linh hoạt, duyên dáng hẳn ra.
Trong tác phẩm “Văn Phạm Việt Ngữ” (Roma, 1651) Alexandre de Rhodes viết: “Chúng tôi đã nói rằng trong tiếng này các thanh như là hồn của các từ ngữ, và bởi thế phải rất chuyên chú học hỏi.”
Trong hệ thống chữ Quốc Ngữ, dấu thanh dùng để ghi lại độ cao, thấp, uốn, gãy… của âm. Đây là một sáng kiến tuyệt vời của những vị sáng tạo chữ Quốc Ngữ. Tại sao? Thưa, vì ngôn ngữ nào cũng có thanh độ cao thấp, nhưng trong các văn tự dùng mẫu tự La-tinh, chỉ chữ Quốc Ngữ có những dấu thanh, giúp người đọc phát âm được những độ cao thấp đó. Lấy thí dụ tiếng “cám ơn.” Tiếng Anh là “thank you”; tiếng Pháp là “merci”; tiếng Tây-ban-nha là “gracias”; tiếng Nhật là “arigato…” Khi đọc những tiếng này bằng chữ viết trên giấy, chỉ có “cám ơn” trong chữ Quốc Ngữ là có dấu “sắc” trên chữ “a” khiến người đọc biết mà đưa cao giọng lên khi đọc chữ “cám.” Trong khi đó, “thank you” phải đọc cao giọng (như có dấu sắc) trên chữ “thank” và trầm giọng xuống (như có dấu huyền) trên chữ “you.” Nếu muốn đọc đúng những “merci, gracias, arigato…” người ta đều phải thêm những dấu thanh như thế. Nhưng chúng không có. Chỉ có chữ Quốc Ngữ là có dấu thanh ngay trên chữ viết. Chẳng phải là sáng kiến tuyệt vời thì là gì?
Đối với người mới bắt đầu học tiếng Anh, giảng viên phải vẽ những đường dây cao, thấp trên hàng chữ và chấm những điểm nhấn để tập cho người ấy đọc đúng. Như thí dụ trong "bức hình" bên dưới.
Đọc chữ Quốc Ngữ thì không cần phải căng dây, điểm chấm như thế; cứ nắm vững cách phát âm những dấu thanh là đọc đúng ngay.
LINH MỤC ALEXANDRE DE RHODES, CON NGƯỜI CẦU TIẾN VÀ THÀNH THỰC
Ngoài việc học chữ Quốc Ngữ với linh mục Francesco de Pina, linh mục Alexandre de Rhodes còn học tiếng Việt với một cậu bé Việt Nam mới 10, 12 tuổi. Ông thuật lại:
“Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ châu Âu, thế mà, cũng trong vòng 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời, cậu học đọc học viết tiếng La-tinh và đã có thể giúp lễ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu bé.”
Linh mục Alexandre de Rhodes không phải là người đầu tiên dùng mẫu tự La-tinh để ghi âm chữ Quốc Ngữ. Trong “Lời Mở Đầu” cuốn Tự Điển Việt-Bồ-La, ông xác nhận: “Trong công việc nầy, ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Cô-sinh và Đông-kinh, thì ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francesco de Pina người Bồ Đào, thuộc hội dòng Giê-su rất nhỏ bé chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng nầy, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều Cha khác cùng một Hội Dòng, nhất là của Cha Gaspa de Amaral và Cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu từ tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ-đào, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La-tinh…”
Một con người cầu tiến, thành thực và lương thiện như thế, chúng ta có thể tin được những gì ông nói.
SÁCH GIÁO LÝ “PHÉP GIẢNG TÁM NGÀY”
“Phép Giảng Tám Ngày” là một quyển toát yếu Giáo Lý Công Giáo. Tín lý Công giáo được thu gọn nhưng đầy đủ mọi điều quan trọng để trở thành những bài giảng, giảng trong tám ngày là hoàn tất. Đây là một sự sáng tạo tuyệt vời, vì quyển sách đáp ứng đúng nhu cầu giảng và học giáo lý trong buổi sơ khai của giáo hội Việt Nam. Nó dễ dạy, dễ hiểu, dễ học, dễ nhớ và dễ áp dụng.
Cuốn giáo lý Phép Giảng Tám Ngày trình bày những điều cần thiết để giúp các Thầy Giảng đọc trước, tìm hiểu thêm và rồi đem ra dạy dỗ những người dự tòng, cũng như dùng trong các lớp giáo lý khác. Hình thức và nội dung của nó ngắn gọn, có 8 ngày, đi từ những điểm giáo lý liên hệ tới con người, nguồn gốc, số phận và cùng đích của con người; rồi bàn về sự hiện hữu của Thiên Chúa; nói tới thiếu sót của một số nền luân lý và niềm tin của con người đương thời trong xã hội Việt Nam thời đó. Tiếp theo cuốn giáo lý trình bày về cuộc đời Chúa Cứu Thế. Sau cùng sách giáo lý trình bày về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi và các sự sau (tứ chung). Hình thức giảng trong 8 ngày, có lẽ là hình thức linh thao ngắn gọn mà mỗi tu sĩ Dòng Tên theo để cấm phòng mỗi năm. Linh mục Alexandre de Rhodes ưa dùng những hình ảnh, đi từ những sự kiện trong dân gian để rồi đưa tới giáo lý của đạo Công Giáo. Ngoài ra còn có thêm các điểm cụ thể của hoàn cảnh Việt Nam thời đó, như biện minh giáo lý Công Giáo trước các điều giáo huấn của Phật Giáo, Lão Giáo hay Khổng Giáo, hay niềm tin dân gian thường ngày.
Có những người “kết tội” hai linh mục Francesco de Pina và linh mục Alexandre de Rhodes là sáng tạo chữ Quốc Ngữ để truyền đạo. Thật ra, ngoài việc truyền đạo, hai vị này và rất nhiều vị thừa sai khác đã còn dùng chữ Quốc Ngữ làm phương tiện học hỏi và trao đổi văn hoá với người Việt.
Vả lại, dùng chữ Quốc Ngữ để giảng đạo thì có gì là sai, là xấu? Những người dùng chính chữ Quốc Ngữ để làm đơn, kiến nghị nhằm phủ nhận công ơn và kết tội những vị sáng chế ra chữ Quốc Ngữ ấy mới thật sự là sai, là xấu.
LINH MỤC ALEXANDRE DE RHODES VÀ VẤN ĐỀ TÔN TRỌNG VĂN HOÁ
Đối với linh mục Alexandre de Rhodes, khi mới tiếp xúc với miền Á Đông, mọi sự đều khác lạ. Một số người Tây phương đã tỏ thái độ miệt thị khinh bỉ dân bản xứ. Trái lại, với tâm hồn quảng đại, linh mục Alexandre de Rhodes đã quan sát kỹ lưỡng, tìm hiểu ý nghĩa cao đẹp của các tập quán. Ông đã cảm phục và nhìn nhận những tinh hoa, những điểm tốt đẹp trong thuần phong mỹ tục của Việt nam.
Linh mục rất am tường tinh thần đạo đức và tín ngưỡng đặc biệt của dân tộc Việt nam. Ông đề cao Niềm Tin cổ truyền ở một Vị Thần Siêu Việt hơn hết mọi người, mọi vật mà dân chúng thường kêu xin là “Ông Trời”. Linh mục cũng đã khen ngợi: lòng Hiếu Thảo của người Việt Nam hơn mọi dân nước trên thế giới. Có thể ông chưa có thời giờ đủ để tìm hiểu triết thuyết của Tam Giáo.
Dầu khen ngợi lòng sùng đạo của dân Việt, linh mục Alexandre de Rhodes đã chỉ trích những tập tục mang mầu sắc dị đoan mê tín như đốt vàng mã, hoặc làm tổn thương đến nhân phẩm, vi phạm quyền bình đẳng của phụ nữ, và di hại cho sự hợp nhất của gia đình, như tục đa thê.
Theo các lời tự thuật trong các sách Du Kí, linh mục Alexandre de Rhodes đã quan sát khá tinh vi về nếp sống của dân chúng Việt nam. Ông thấy phụ nữ Việt Nam thời đó bị nam giới chèn ép, không coi trọng. Do đó, để nâng cao nhân phẩm người phụ nữ, ông đã cương quyết rao giảng chế độ “nhất phu nhất phụ”, dầu bị vua chúa cấm cách, bỏ tù, trục xuất.

TẠM KẾT
Nói rằng linh mục Francesco de Pina và linh mục Alexandre de Rhodes sáng tạo chữ Quốc Ngữ để làm phương tiện cho người Pháp xâm chiếm Việt Nam, đó là chuyện nực cười. Chữ Quốc ngữ được sáng tạo năm 1618. 240 năm sau (gần hai thế kỷ rưỡi,) tức là năm 1858, lính Pháp mới tấn công cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm chiếm và đô hộ Việt Nam. Chẳng lẽ những vị này “nhìn xa trông rộng” đến độ sáng tạo chữ Quốc Ngữ với mục đích để hai thế kỷ rưỡi sau, người Pháp dùng nó mà đặt nền cai trị lên đất nước Việt Nam?
Chúng ta mắc nợ và mang ơn những vị sáng tạo chữ Quốc ngữ nhiều lắm, thứ chữ mà học giả Dương Quảng Hàm hết lời tán tụng: “Ở trên hoàn cầu không có thứ chữ viết nào tiện lợi và dễ học dễ biết bằng thứ chữ ấy.” (Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, 1944, trang 177).
Thế mà…
Thôi, chẳng muốn nói nữa!
__________________________
Đây là bài tổng hợp nhiều nguồn tài liệu, được trích dẫn, trích đoạn, hiệu đính. Ý kiến, nhận định là của người viết.
Các tài liệu tham khảo và trích dẫn, trích đoạn:
. Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, Alexandre de Rhodes – bản dịch của Hồng Nhuệ
. Hành Trình Truyền Giáo, Alexandre de Rhodes – bản dịch của Hồng Nhuệ
. Tự Điển Việ-Bồ-La, Alexandre de Rhodes
. Lịch Sử Giáo Hội, Linh mục Bùi Đức Sinh
. Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Dương Quảng Hàm
. Linh Mục Đắc Lộ, Vị Sáng Lập Chữ Quốc Ngữ Và Xây Dựng Thiên Chúa Giáo Tại Việt Nam, Linh mục Jos Cao Phương Kỷ
. Tiếp Nối Bước Chân Truyền Giáo, Lm Giuse Trần ngọc Liên & Lm Hướng Dương, Dalat
. Alexandre de Rhodes, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
. Việc dạy giáo lý thời cha Đắc Lộ, ĐÔ Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
. Cha Đắc Lộ với Xứ Thanh, Mạng lưới Giáo Phận Thanh Hoá
. Đường Lối Truyền Giáo của Cha Đắc Lộ tại Việt Nam, Mạng lưới Thánh Ca Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét