11 tháng 12, 2019

Tản mạn về lịch sử Lào (Ai Lao)


Nhắc đến lịch sử thành lập nước Lào, có một nhân vật không thể không nhắc đến đó là Pha Ngừm. Ông không chỉ là Thái tổ khai quốc vương triều Lan Xang, một vương triều rất có số má với lịch sử Việt Nam, mà ông còn là người định hình cho sự ra đời chế độ quân chủ ở Lào với lãnh thổ trải rộng theo dòng sông Mê Kong, là tiền thân tạo nên nước Lào hiện nay. Giống như Thành Cát Tư Hãn ở Mông Cổ, ông được coi như là người khai sinh ra nước Lào

Trước thế kỉ XIV, vùng đất Thượng Lào ngày nay là địa bàn cư trú của người Lào. Người Lào và người Thái là những sắc dân bị lệ thuộc vào người Bạch Di chủ thể của nước Nam Chiếu và Đại Lý, sau khi Nam Chiếu diệt vong và Đại Lý bị Hốt Tất Liệt tiêu diệt thì họ di cư ồ ạt xuống vùng hạ lưu sông Mê Kong nhiều hơn- tức vùng Trung Lào ngày nay. Tuy nhiên các bộ máy tổ chức của người Thái và người Lào khá lỏng lẻo thành nhiều thực thể nhỏ gọi là muang (mường) hay mandalas. Họ bị ảnh hưởng nhiều từ những nền văn hoá văn minh hơn ở xung quanh: văn hoá Khmer ở phía đông nam, các văn hoá Hindu của Ấn Độ. Trong quá trình Nam Tiến của mình, người Thái đã gặp phải một địch thủ đáng gờm đó là đế quốc Chân Lạp của người Khmer ngăn cản họ tiến về vùng đồng bằng sông Chao Phraya tức sông Mê Nam hiện nay

Từ thế kỷ 12 đến hết thế kỷ 13 chứng kiến sự tồn tại ngắn ngủi của những tiểu quốc Lào vắn số, dưới hình thức bộ lạc chưa phát triển thành các quốc gia hoàng chỉnh, cùng với sự cạnh tranh mạnh mẽ của nhóm người Lào thiểu số, với những người Thái chiếm số đông. Sau khi Hốt Tất Liệt rút quân khỏi vùng hạ lưu sông Mê Kong, những người Thái kiến lập những vương quốc đầu tiên như Sukhothai và Lanna, là tiền thân của Ayuthaya sau này. Để đáp lại, những vị cai trị Thái-Lào ở Luang Pharbang lúc ấy được gọi là Xiang Dong Xiang Thong) lập nên một nhà nước mới, trong khi về danh nghĩa vẫn là nước phụ thuộc của nhà Nguyên (Mông Cổ) ở Trung Quốc, nhưng thực tế nó là lực lượng lãnh đạo các dân tộc Lào.

Pha Ngừm tên thật là Somdetch Brhat-Anya Fa Ladhuraniya Sri Sadhana Kanayudha Maharaja Brhat Rajadharana Sri Chudhana Negara, là cháu nội của Souvana Khampong, và là hậu duệ của Khun Lo, một trong những thủ lĩnh của bộ tộc Lào hùng mạnh đã chiếm được Luang Pharbang vào thế kỷ 12. Do phạm tội, cha con ông bị ông nội lưu đày sang làm con tin ở Chân Lạp, tại đây ông kết hôn với một công chúa của đế quốc Khmer. Cả tuổi trẻ cho đến lúc trưởng thành, Pha Ngừm gắn bó với đế quốc Chân Lạp .

Giai đoạn thế kỷ 14, chứng kiến sự suy vong của đế chế Khmer khi liên tục bị Ayuthaya của người Thái quấy nhiễu tấn công. Triều đình Angkor giao cho ông chỉ huy một đội quân phần lớn là tướng sĩ người Khmer để đi giành lại sự kiểm soát của Angkor ở miền bắc cao nguyên Khorat. Nhân cơ hội đó, Pha Ngừm chiêu mộ quân đội bao gồm từ các chiến binh Khmer với ý đồ tách biệt khỏi ảnh hưởng của Chân Lạp trở về quê cha đất tổ mưu nghiệp lớn. Càng chiến đấu, đội quân của ông càng đông và càng mạnh.

Trong trận giao chiến với châu mường vùng Viêng Chăn ngày nay, ông không thắng được. Nhưng một quý tộc ở Muang Phuan giúp đỡ ông chinh phạt Muang Phan và từ đó đánh tới Muang Sua. Chú của Pha Ngừm phải tự sát và Phà Ngừm trở thành thủ lĩnh Muang Sua vào năm 1353. Những chiến thắng của ông đã khiến các chẩu mường nhiều nơi phải thần phục. Sau đó, Pha Ngừm xua quân lên phía bắc tấn công các châu mường khác của các bộ tộc Lào còn sót lại, thậm chí đánh sang cả vùng biên giới dọc sông Mê Kong của người Thái. Pha Ngừm thậm chí còn tấn công người bạn quý tộc năm xưa đã giúp đỡ mình ở Muang Phan, và tấn công cả Đại Việt thời Trần ở vùng biên giới Thanh Hóa- Nghệ An nhưng chỉ cướp bóc rồi rút về. Pha Ngừm lên ngôi vua, kiến lập vương quốc Lan Xang hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của người Khmer, lúc đó Chân Lạp đang sấp mặt với Ayuthaya nên đành phải nhắm mắt làm ngơ

Pha Ngừm tiếp thu bộ máy cai trị kiểu trung ương tập quyền của Chân Lạp, khá trái ngược với hệ thống Mandala trước đó. Trong khi trị vì, Pha Ngừm dựa nhiều vào các tướng lĩnh người Khmer theo vợ chồng ông từ Angkor. Tuy nhiên, sau khi người vợ Khmer của ông qua đời, ông mất đi sự ủng hộ của các tướng lĩnh này. Năm 1374, Phà Ngừm bị các quý tộc nổi dậy phế truất do lạm quyền quấy rối thê thiếp của các quý tộc và bị đầy đi lưu vong ở Muang Nan (nay là tỉnh Nan) của Thái Lan và chết năm 1390 ở đây

Vương triều Lan Xang trong lịch sử đã có những vụ xô xát với Đại Việt, có thể điểm qua một số việc như quân Lan Xang nghe lời Phan Liêu và Lộ Văn Luật bơm kích đã trở mặt tấn công nghĩa quân Lam Sơn và giết chết tướng Lê Thạch , hoàng thân Lan Xang là Kha Lại hỗ trợ cho Đèo Cát Hãn nổi loạn ở Mường Lễ dưới thời vua Lê Thái Tổ, và cuối cùng là trận giao tranh giữa vương quốc Lan Xang với Đại Việt thời vua Lê Thánh Tông kết thúc bằng chiến thắng của Đại Việt và mảnh đất Trấn Ninh. Kể từ đó về sau vương triều Lan Xang ngày càng suy yếu, bị lệ thuộc vào Ayuthaya, thậm chí còn bị vương triều Taungoo của người Miến choảng vào thế kỉ 16. Kể từ đó, Lan Xang lại trở thành phiên thuộc của người Miến. Lan Xang sụp đổ năm 1707 do những khủng hoảng chính trị tranh chấp ngôi báu, kết quả phân rã thành 3 vương quốc Luang Pharbang ở Bắc Lào, Vientiane ở Trung Lào và Champasak ở Nam Lào. Cục diện này còn kéo dài cho đến khi Pháp vào xâm lược và đô hộ năm 1893.

Cuộc đời và số phận của Pha Ngừm có nét gì đó thú vị rất giống với Thành Cát Tư Hãn, mặc dù chiến công cũng như tầm vóc vĩ đại thì không bằng, như tuổi thơ lưu lạc khỏi quê hương, việc phản pháo lại đồng minh như cách mà Thành Cát Tư Hãn phản lại Trát Mộc Hợp, cuối cùng là việc tập hợp các bộ lạc Lào thành một quốc gia thống nhất như cách mà Thành Cát Tư Hãn tấn công quy phục các lãnh địa của bộ lạc du mục Mông Cổ, khai sinh ra đế quốc Mông Cổ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét