13 tháng 10, 2014

Cuộc lui binh của Quân đoàn 2 trên liên tỉnh lộ 7B (part 02)

● 3/1975 - Chiều ngày 14 tháng 3/1975, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 triệu tập các sĩ quan cao cấp để thông báo lệnh rút bỏ Cao nguyên theo lệnh Tổng thống Thiệu. Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2, ra lệnh cho LD 2 KB rút từ đèo Mang Yang về tăng phái cho LD 23 BDQ và Công binh để sửa chữa cầu cống, giữ an ninh trên liên tỉnh lộ 7B. Liên tỉnh lộ 7B từ ngã ba Mỹ Thạnh tới Tuy Hòa trước đây là một con đường trải đá, có ba cầu chánh là Phú Thiện (50 mét), Le Bac (600 mét) và Cà Lúi (40 mét). Đoạn cuối trên liên tỉnh lộ 7B trong địa phận Tuy Hòa, ở quận Củng Sơn, không an toàn cho sự lưu thông.


Thừa ủy nhiệm Tổng thống Thiệu, Tướng Phú đặc cách thăng cấp Chuẩn tướng cho Đại tá Phạm Duy Tất, Chỉ huy trưởng BDQ QK 2và được đề cử chỉ huy tổng quát cuộc rút quân. Theo đó, các liên đoàn BDQ đi tiên phong và đoạn hậu với những đơn vị thiết giáp để mở đường và bảo vệ cuộc rút quân, liên đoàn Công binh Chiến đấu sửa chữa những đoạn đường hoặc cầu cống hư hỏng. Riêng hai liên đoàn LD 4 BDQ và LD 25 BDQ đang trấn giữ phòng tuyến Pleime-Thanh An, nam Pleiku, sẽ đi sau cùng đoạn hậu.
Ngày 16 tháng 3/1975, đoàn quân xa di tản bắt đầu rời thị xã Pleiku dưới quyền chỉ huy của Chuẩn tướng Phạm Duy Tất. Đoàn xe được chia ra thành bốn phần, mỗi phần có khoảng 300 quân xa đủ loại và các xe dân sự. Ngày đầu tiên, đoàn xe di chuyển êm xuôi. 

Nhưng đến ngày 17 tháng 3/1975, càng có nhiều dân chúng ùa theo nên cuộc di tản trở nên hỗn loạn và phức tạp. Ngày 18 tháng 3/1975, trong khi LD 7 BDQ đang cùng với thiết giáp dẹp các chốt của Cộng quân mở đường thì bị Không quân VNCH oanh tạc lầm, làm nhiều binh sĩ thương vong. LD 6 BDQ được lệnh cho TD 51 BDQ tiến nhanh chiếm lĩnh cây cầu Phú Túc để Công binh sửa chữa. Tướng Phú ra lệnh tạm ngưng lui binh và lập phòng tuyến tại thị xã Hậu Bổn. Tuy nhiên quân dân tại tỉnh Phú Bổn bị ảnh hưởng dây chuyền cũng hoảng hốt gia nhập cuộc di tản. Tối đến CSBV lại pháo kích vào thị xã làm cho nhiều thường dân vô tội bị chết oan uổng.
Trong ngày 18 tháng 3/1975, Sư đoàn 320 CSBV truy kích đuổi theo đánh phá đoàn xe triệt thoái ở Phú Bổn rồi sau đó tiếp tục tấn công xuống Củng Sơn. Nhận được báo cáo, Tướng Phú ra lệnh cho Tướng Tất rút bỏ Hậu Bổn để về Tuy Hoà. Khoảng 6 giờ chiều, một trực thăng đáp xuống một sân trường tiểu học bốc Tướng Tất và Đại tá Hoàng Thọ Nhu, Tỉnh trưởng Pleiku. Liên đoàn 7 BDQ được điều động phản công cầm chân địch. Kịch chiến diễn ra suốt đêm và kéo dài tới sáng hôm sau thì đoàn quân đã di chuyển được 20km. Tuy nhiên, lúc đó một đơn vị CSBV khác đã tràn chiếm quận Phú Túc ở hướng nam Hậu Bổn. Đoàn xe di chuyển đến nhánh sông Ba phía nam Củng Sơn thì bị cát lún, phải chờ trực thăng chở vĩ sắt cho Công binh lót đường.
Các đơn vị Cộng quân từ Thuần Mẫn, Phú Bổn, đổ xuống tiếp tục thiết lập các chốt cản đường. Một tiểu đoàn Địa phương quân và một tiểu đoàn Biệt động quân được giao nhiệm vụ nhổ chốt. Ngày 22 tháng 3, hai tiểu đoàn Biệt động quân ở lại đoạn hậu đã đánh tan một trung đoàn CSBV, gây thiệt hại nặng cho đối phương. Tuy nhiên, lúc đó, các lực lượng CSBV từ Ban Mê Thuột được lệnh di chuyển gấp theo tỉnh lộ 287 để đổ xuống liên tỉnh lộ 7B chận cắt đoàn xe. Ngày 26 tháng 3/1975, đoàn xe di tản vẫn còn bị kẹt lại gần Phú Thứ (trên đường Củng Sơn về Tuy Hòa) vì các chốt chận của Cộng quân. Tính đến ngày này, theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Lữ đoàn 2 Kỵ binh, toàn bộ chiến xa M-48 và M-41 bị bỏ lại trên lộ trình và bị phá hủy hay trúng đạn pháo địch, ngoại trừ một chi đoàn thiết vận xa M-113. Tuy nhiên, chi đoàn này đã tách rời đoàn xe vượt qua một con sông nhỏ về Tuy Hòa ngày hôm trước. Tướng Phú ra lệnh cho Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, Tư lệnh phó QD 2 đặc trách Hành quân kiêm Tư lệnh Tiền phương QD 2- QK 2, bay chỉ huy lực lượng xung kích phối hợp với các phi đội trực thăng để giải tỏa áp lực địch. Tướng Phú cũng ra lệnh cho Chuẩn tướng Phạm Duy Tất điều động chi đoàn thiết vận xa M-113 trở lại Phú Thứ phối hợp cùng với LD 7 BDQ triệt hạ các chốt chận của Cộng quân. Với sự yểm trợ của các thiết vận xa M-113, lực lượng Biệt động quân đã dần dần dọn sạch các chốt chận. Sau khi TD 34 BDQ đã thanh toán các chốt sau cùng tại xã Mỹ Thạnh Tòng khai thông về Tuy Hòa, đoàn xe đầu tiên đã về được tới Tuy Hòa. Tổng kết, trong số 1.200 xe lúc bắt đầu khởi hành từ Pleiku thì bây giờ đến Tuy Hòa chỉ còn lại 300 chiếc mà thôi.
Cuộc lui binh của Quân đoàn 2 trên liên tỉnh lộ 7B được xem là một cuộc lui binh bi thảm nhất trong suốt cuộc chiến Nam Bắc. Liên tỉnh lộ 7B từ đó được mệnh danh là Hành lang máu, con đường đầy nước mắt, xương máu trong 9 ngày đêm.

Liên tỉnh lộ 7B
● Đại tá Lương Chi
Ðại tá Chi làm Tư lệnh LD 2 KB, thay Ðại tá Nguyễn Văn Đồng bị bắt trên liên tỉnh lộ 7B (3/1975)
● Đại tá Nguyễn Văn Đồng
Bị bắt trên liên tỉnh lộ 7B, gần thị trấn Củng Sơn, quận Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên (3/1975)
● Trung tá Vũ Mạnh Cường
Bị bắt khi triệt thoái trên liên tỉnh lộ 7B (3/1975)
● Đại úy Hồ Đăng Nhựt
Hy sinh trong lúc phá chốt trên liên tỉnh lộ 7B khi Chiến đoàn 2 di tản khỏi Ban Mê Thuột (10/3/1975)
● Chuẩn tướng Phạm Duy Tất
Đặc cách thăng cấp Chuẩn tướng chỉ huy lực lượng triệt thoái của QD 2-QK 2 trên liên tỉnh lộ 7B (14/3/1975)
● LD 22 BDQ
Tan hàng trên đường triệt thoái trên liên tỉnh lộ 7B về Tuy Hòa (3/1975)
● QD 2
Sau trận Ban Mê Thuột và cuộc rút lui thảm họa trên liên tỉnh lộ 7B, Quân đoàn 2 coi như tan hàng ngày 4 tháng 4/1975
● TD 1/44 BB
Tan hàng khi triệt thoái trên liên tỉnh lộ 7B (16/3/1975)
● TD 2/44 BB
Tan hàng khi triệt thoái trên liên tỉnh lộ 7B (16/3/1975)
● TD 62 BDQ
Tan hàng trên đường triệt thoái trên liên tỉnh lộ 7B về Tuy Hòa (3/1975)
● TD 95 BDQ
Tan hàng khi triệt thoái trên liên tỉnh lộ 7B (3/1975)


1 nhận xét:

  1. Rút lui khỏi vùng 2 CT và cả bỏ cả Vùng 1 CT là quyết định âm thầm của TT Thiệu, Quân Đội VNCH biết đó là sự hy sinh nửa lĩnh thổ nhưng làm sao Quân đội VNCH có thể chấp nhận được. Khi giặc đã đem chiến xa vào nhà thị mọi quyết định đã muộn màng. Giặc thành chủ nhà, Số tù cải tạo cả một quốc gia lớn khủng khiếp.

    Trả lờiXóa