13 tháng 10, 2014

Lui Binh 3/1975 - Tỉnh Phú Bổn

 3/1975 - Tỉnh Phú Bổn nằm ở cao độ từ 150 đến 1000 mét, núi rừng bao bọc chung quanh, về phía bắc giáp hai tỉnh Pleiku và Bình Định, phía đông giáp tỉnh Phú Yên, phía tây giáp tỉnh Pleiku, và giáp tỉnh Darlac về phía nam-tây nam. Diện tích toàn tỉnh là 4800 cây số vuông. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hậu Bổn (Cheo Reo). Tỉnh có 3 quận là Phú Thiện, Phú Túc và Thuần Mẫn. Trước năm 1975, dân số tỉnh Phú Bổn vào khoảng 70.000 người. (See map
Sông chính chảy qua địa phận Phú Bổn là sông Ba, phát nguồn từ núi Ngọc Rô, tây bắc tỉnh Kontum, chảy theo hướng bắc-nam. Khi tới Hậu Bổn thì gặp sông Ia Ayun. Sông này bắt nguồn từ chân núi Kon Lack, thuộc tỉnh Pleiku, chảy vào Phú Bổn song song với liên tỉnh lộ số 7. Vào mùa mưa, lưu lượng sông Ba chảy mạnh về phía đông nam, mang theo nhiều phù sa bồi đắp cho bình nguyên Phú Bổn.

Theo lịch trình triệt thoái của Quân khu 2, lực lượng đầu tiên của Quân đoàn 2 bắt đầu khởi hành khỏi Pleiku 8 giờ tối ngày 16 tháng 3/1975. Ngày 17 tháng 3, do dân chúng ùa theo nên cuộc di tản trở nên hỗn loạn và phức tạp. Ngày 18 tháng 3, khi đơn vị mở đường của đoàn quân di tản tại Phú Bổn là Liên đoàn 7 Biệt động quân qua đèo Cheo Reo thì Cộng quân dùng chiến xa tấn công và bao vây ở phía dưới chân đèo hướng Hậu Bổn, tỉnh lỵ tỉnh Phú Bổn. Các tiểu đoàn BDQ dàn đội hình chống trả quyết liệt. Trận chiến càng lúc càng khốc liệt. Trong khi LD 7 BDQ đang cùng với thiết giáp dẹp các chốt của Cộng quân mở đường thì bị Không quân VNCH oanh tạc lầm, làm nhiều binh sĩ thương vong. Sau vài giờ giao tranh, chiến trường tạm im tiếng súng. Đoàn quân tiếp tục di chuyển về hướng Phú Bổn, nhưng Cộng quân vẫn còn bám sát chung quanh tạo áp lực. Tướng Phú ra lệnh tạm ngưng tại tỉnh Phú Bổn lập phòng tuyến. Tuy nhiên quân dân tại Phú Bổn bị ảnh hưởng dây chuyền cũng hoảng hốt gia nhập cuộc di tản.

Ngày 18 tháng 3, Sư đoàn 320 CSBV truy kích đuổi theo đánh phá đoàn xe triệt thoái ở Phú Bổn rồi sau đó tiếp tục tấn công xuống Củng Sơn, tỉnh Phú Yên. Tối cùng ngày, Cộng quân lẻn vào khu vực tây nam của vòng đai Hậu Bổn, sử dụng súng cối pháo kích vào một số vị trí dừng quân của các đơn vị triệt thoái và vào thị xã Hậu Bổn làm cho nhiều thường dân vô tội bị chết oan uổng. Phi trường Hậu Bổn (Cheo Reo) cách Bộ Tư lệnh Tiền phương QD 2 chưa đến 2km bị Cộng quân chiếm. Liên đoàn 7 BDQ được điều động phản công, đẩy lùi Cộng quân. Kịch chiến diễn ra suốt đêm và kéo dài đến ngày hôm sau. Lúc đó các đơn vị CSBV đã tràn vào quận Phú Túc, nằm ở hướng nam Hậu Bổn.

Nhận được báo cáo về tình hình nguy khốn, chiều ngày 19 tháng 3/1975, Tướng Phú ra lệnh bỏ ngỏ Phú Bổn để rút về Tuy Hoà. Khoảng 6 giờ chiều, một trực thăng đáp xuống một sân trường tiểu học bốc Chuẩn tướng Phạm Duy Tất, Chỉ huy trưởng BDQ QK 2 kiêm Tư lệnh các lực lượng triệt thoái, và Đại tá Hoàng Thọ Nhu, Tỉnh trưởng Pleiku. Một số lớn chiến xa M-48 và M-41 của Lữ đoàn 2 Kỵ binh bị bỏ lại tại tỉnh lỵ Hậu Bổn và sau đó đã được các phi tuần A-37 phá hủy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét