13 tháng 10, 2014

Cuộc lui binh của Quân đoàn 2 trên liên tỉnh lộ 7B (part 01)

3/1975 - Sau khi CSBV tiến chiếm Ban Mê Thuột, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu họp cùng Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh QD 2-QK 2, tại Cam Ranh ngày 14 tháng 3/1975. Một lần nữa, cũng như trong cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia tại Dinh Độc Lập ngày 13 tháng 3/1975 để bàn về kế hoạch tái phối trí lực lượng trước tình hình mới, Tổng thống Thiệu cho Tướng Phú biết những điểm trọng yếu mà Quân khu 2 có nhiệm vụ phải bảo vệ. Nghĩa là lực lượng Quân đoàn 2 tại Pleiku-Kontum sẽ rút về khu vực Phú Yên-Khánh Hòa để tái phối trí lực lượng phản công chiếm lại Ban Mê Thuột. Sau đó, Tổng thống Thiệu hỏi Tướng Phú là sẽ bố trí lực lượng ra sao để chiếm lại và đường nào sẽ dùng để chuyển quân. Tướng Phú trình bày rằng quốc lộ 19 chạy từ Pleiku về hướng đông ra đến biển không thể dùng được vì SD 22 BB đã không khai thông được đoạn đường tại Bình Khê. Quốc lộ 14 nối liền Ban Mê Thuột và Pleiku theo trục nam-bắc cũng bị cắt tại Thuần Mẫn, tỉnh Phú Bổn. 


Tướng Phú nhận định rằng có thể giải tỏa đường này nhưng làm như vậy địch quân sẽ biết. Vì vậy, ông muốn dùng con đường liên tỉnh lộ 7B để triệt thoái (See map).
Đây là con đường đá dài 300km từ quốc lộ 14 đi Hậu Bổn (có đèo Cheo Reo) về Tuy Hòa sát biển. Đường này rất ghồ ghề, đá lởm chởm và bị bỏ hoang từ lâu không dùng đến. Theo phân tích của Đại tướng Viên, ngoại trừ khúc quốc lộ 14 từ Pleiku đi tỉnh lị Hậu Bổn (Cheo Reo) còn dùng được, đoạn còn lại không biết tình hình giao thông như thế nào. Năm 1963, Sư đoàn 9 Bộ binh dưới quyền Tư lệnh Đại tá Bùi Dzinh, có một lần mở cuộc hành quân từ Tuy Hòa lên thị trấn Củng Sơn, quận Sơn Hòa, đoạn đường này nhờ thế mà đã được Tiểu đoàn 9 Công binh Chiến đấu tu sửa và bắc một cây cầu qua sông Ba. Còn lại đoạn đường từ Củng Sơn tới Hậu Bổn thì đã từ lâu bị gián đoạn bỏ hoang hoàn toàn. Chiếc cầu bắc qua sông Ba phía nam Củng Sơn cũng đã bị phá hủy không thể sửa chữa được, và đoạn đường chót đến phía tây Tuy Hòa thì những năm trước, quân đội Đại Hàn hoạt động tại đây đã gài mìn dày dặc.

Thế nhưng Tướng Phú lại tin tưởng về kế hoạch chuyển quân theo lộ trình này. Giải thích về sự chọn lựa này, Tướng Phú nói yếu tố bất ngờ đã khiến ông có dự tính như thế. Tướng Phú chỉ yêu cầu Bộ Tổng Tham mưu cung cấp phương tiện cầu nổi để qua sông Ba mà thôi. Với quyền hạn của Tổng Tham mưu trưởng, Đại tướng Viên chấp thuận ngay lời yêu cầu của Tướng Phú.

Tướng Viên đã nhắc nhở Tướng Phú về những khó khăn và nguy hiểm sắp đến, cũng như biện pháp an ninh cần chuẩn bị. Ông đề cập đến sự thất bại của quân Pháp khi rút quân từ Lạng Sơn về đồng bằng Bắc phần trong năm 1947. Ông cũng nhắc cho Tướng Phú về hai cuộc chuyển quân của hai binh đoàn Pháp trước năm 1954, theo đó một binh đoàn từ Thất Khê lên hướng bắc và một binh đoàn từ Cao Bằng di chuyển về hướng nam, tất cả đều bị đánh tan nát tại chân núi xung quanh Đông Khê, dọc theo quốc lộ thuộc địa số 4. Về liên tỉnh lộ 7B mà Thiếu tướng Phú chọn để di chuyển thì vào tháng 6/1954, Lực lượng Cơ động 100 nổi tiếng của Quân đội Pháp tại Đông Dương đã bị thảm sát trên quốc lộ 19 gần An Khê và số sống sót còn lại cũng bị tiêu diệt tại đèo Chu-Drek trên quốc lộ 14. Theo Tướng Viên, đó là những bài học máu xương và thảm khốc nhất mà bất cứ vị chỉ huy nào cũng phải biết rõ vì địa thế hiểm trở của vùng Cao nguyên là vậy. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét