11 tháng 11, 2017

Đằng sau người và việc trong bộ phim The Vietnam War - Đinh Từ Thức

Đinh Từ Thức

Inline images 1
Tổng Thống Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu (hình: gettyimages)

Món quà Trời cho
Các nhà làm phim The Vietnam War đã đưa lên màn hình loại nhân chứng có thành tích rất đáng phàn nàn, như nhà báo Neil Sheehan. Một trong những phát biểu của ông này là, tại một ngôi chùa thời Phật Giáo tranh đấu chống chính quyền Ngô Đình Diệm, ông thấy một phụ nữ cởi nhẫn trên ngón tay để cúng dường, và ông nói “chế độ này đã tiêu tùng rồi”, khiến người xem phim có thể hiểu ông Diệm bị lật đổ chỉ vì mất lòng dân. Sự thật không phải thế. Anh em ông Diệm đã có nhiều sai lầm, và họ đã phải trả bằng giá quá đắt. Nhưng yếu tố chính khiến họ bị lật đổ và chết thảm là vai trò của Mỹ. Không có yếu tố Mỹ, chắc chắn họ đã không bị lật đổ. Bằng chứng là ba năm sau, ông Kỳ dẹp Phật Giáo tranh đấu mạnh tay hơn cả ông Diệm, nhưng được Mỹ ủng hộ, nên chẳng hề hấn gì.
Khi được tin anh em ông Diệm bị giết sau cuộc đảo chánh ở Sài Gòn, ông Hồ Chí Minh tuyên bố ở Hà Nội, “Đây là món quà Trời cho!” Không mấy khi biết tên họ của Trời. Ở đây, Ông Trời tên John, họ Kennedy.
Không cần tìm hiểu đâu xa, chỉ căn cứ vào chính lời nói của ông Kennedy, đã đủ biết trách nhiệm của ông ta. Ngày 4 tháng 11 năm 1963, ba ngày sau cuộc đảo chánh tại Sài Gòn, tự mình đọc vào máy ghi âm tại Bạch Ốc để giữ làm tài liệu lịch sử, Tồng Thống Kennedy nói:
Cuộc đảo chánh đã xy ra tại Sài Gòn vào cuối tuần. Nó là cực điểm của cuộc thảo luận trong ba tháng về một cuộc đảo chánh, một cuộc thảo luận đã gây chia rẽ trong chính quyền ở đây và ở Sài Gòn…
Tôi cảm thấy chúng ta phải gánh vác rất nhiều trách nhiệm vì nó đã khởi sự bằng điện văn của chúng ta gửi vào đầu tháng Tám trong đó chúng ta gợi ý cuộc đảo chánh …
Tôi đã bị sốc về cái chết của Diệm và Nhu. Tôi đã gặp Diệm với Thẩm Phán Tối Cao Douglas nhiều năm trước. Ông đã là người có cá tính ngoại hạng và trong khi ông trở thành khó khăn vào những tháng vừa rồi nhưng trong khoảng mười năm qua ông đã giữ vững nước ông để duy trì được nền đôc lập dưới những nghịch cảnh rất khó khăn. Cách mà ông đã bị giết thật là kinh khủng. Vấn đề bây giờ là liệu các tướng có thể đoàn kết với nhau để cùng xây dựng một chính quyền ổn định hay là Sài Gòn sẽ bắt đầu, công luận tại Sài Gòn, trí thức, sinh viên, vân vân, sẽ chỉ trích chính quyền này như là áp bức và phi dân chủ trong một tương lai không xa.
Ông Kennedy đã cho biết vài điều quan trọng: Thứ nhất, cuộc đảo chánh đã được Chính quyền Mỹ thảo luận ở cấp cao nhất trong ba tháng. Trong thời gian này, chính ông Kennedy là người có quyền ngăn chặn bất cứ lúc nào. Nhưng ông đã không làm. Điều này có nghĩa, tuy có kẻ chống, người thuận, nhưng chính ông là người đã chấp thuận cho tiến hành.
Thứ nhì, tuy vấn đề đã được thảo luận trong ba tháng, có tranh cãi cả ở Washington và giới chức Mỹ cao cấp ở Sài Gòn, cuối cùng, tuy là vấn đề vô cùng hệ trọng, mặc dầu chưa nắm vững diễn tiến và hậu quả, ông vẫn OK cho tiến hành. Xong rồi, ông mới cảm thấy sốc, và hoang mang, không biết tương lai sẽ ra sao. Đó là lời tự thú của một người vô trách nhiệm.
Không cần đợi đến cuối tháng Mười 2017, tất cả hồ sơ về vụ ám sát Tổng Thống Kennedy được giải mật, dư luận mới được biết Tổng Thống Johnson đã từng nghi ngờ ông Kennedy ra lệnh giết ông Diệm. Trong cuốn The Triumph & Tragedy of Lyndon Johnson (Vinh quang và Bi thảm của Lyndon Johnson), xuất bản từ năm 1991, Joseph Califano, Jr., phụ tá thân cận nhất của Tổng Thống Johnson, đã viết rằng: “Ông (Johnson) tin khi đó, cũng như nói với tôi sau này, rằng chuyện John Kennedy đã cho lệnh ám sát Diệm được che dấu bằng những gì có thể phủ nhận được (nghĩa là không để lại dấu tích nào chứng tỏ đã được tổng thống Kennedy chấp thuận).”
Dù ông Kennedy có ra lệnh giết ông Diệm thật, như nghi ngờ của ông Johnson, hay vụ đảo chánh ông Diệm chỉ là do thái độ vô trách nhiệm của chính quyền Washington, hậu quả thực tế là, vụ đảo chánh đã là một món quà Trời cho phía Cộng Sản, như xác nhận của HCM, do đó tình hình Nam VN, cả chính trị lẫn quân sự, đã suy sụp mau lẹ. Về chính trị, Chính Quyền Sài Gòn mất tư thế hợp pháp, thay đổi nhiều lần trong một năm, sau những vụ đảo chánh, chỉnh lý, hay biểu dương lực lượng. Nỗ lực đối phó với chiến tranh hướng vào mục tiêu tranh quyền. Tình hình quân sự suy thoái mau lẹ, một phần vì thiếu phối hợp chỉ huy, phần khác do đối phương gia tăng hoạt động, nhờ cơ hội Trời cho. Bắc Việt được dịp hướng dân chúng vào mục tiêu hy sinh mới: Trước 54, chống Pháp dành độc lập; sau 54, chống Mỹ-Diệm không chịu thống nhất; bây giờ, Diệm đã bị giết, khẩu hiệu ăn khách là, Chống Mỹ Cứu Nước.
Như tài liệu lịch sử đã chứng minh, từ các Tổng Thống Truman, Eisenhower đến Kennedy, không ai muốn đưa quân Mỹ chiến đấu trên bộ vào VN. (Không nên lầm cố vấn quân sự với quân trực tiếp chiến đấu trên bộ). Do đó, không có chuyện Mỹ đảo chánh ông Diệm để có thể đưa quân vào VN, một xác định “lộng giả thành chân” vẫn được nhắc đi nhắc lại về phía người Việt. Với chính quyền Kennedy, đảo chánh không phải để đưa quân vào VN, mà để có thể thắng Cộng Sản (họ cho rằng anh em ông Diệm là trở ngại cho tiến trình đạt chiến thắng), hầu có thể sớm rút hết có vấn và chuyên viên Mỹ từ VN.
Sau đảo chánh, vì tình hình suy sụp quá mau, trong cuộc thảo luận giữa ông Johnson và đại diện Quốc Hội để tìm cách đối phó, Nghị Sĩ Mansfield, trưởng khối đa số Thượng Viện, đã trích lời Ngoại Trưởng Dean Rush, nhấn mạnh rằng: “Mỹ cam kết giúp Nam VN để họ tự vệ, không phải để nhận lấy trách nhiệm bảo vệ từ Nam VN”. Trong khi ấy, dư luận chung, còn đượm chút mầu sắc kỳ thị, cho rằng, trong hai trận Thế Chiến Một và Hai, thanh niên Mỹ đánh nhau ở châu Âu, là để bảo vệ dòng giống da trắng của họ. Đánh nhau ở Việt Nam là bảo vệ dân da màu, châu Á.
Vẫn theo Califano, ở địa vị tổng thống, trách nhiệm của ông Johnson nặng nề hơn. Câu hỏi đối với ông là: “Liệu Hoa Kỳ có thể dàn dựng vụ ám sát một nhà lãnh đạo quốc gia rồi bỏ mặc những cam kết của mình đối với nước đó, lấy cớ rằng người lãnh đạo hợp pháp của quốc gia đó không còn cầm quyền?” Với người viết bài này, bên cạnh lý do đạo đức trên nguyên tắc, còn lý do thực tế thầm kín khác, đó là, kế nghiệp Kennedy, ông Johnson không muốn dư luận đương thời và lịch sử sau này phán xét rằng ông kém cỏi hơn người tiền nhiệm, để mất Nam VN, giống như Truman đã để mất Trung Hoa. Nếu để chuyện này xảy ra, làm sao trả lời trước cử tri.
Thế là, tuy từng chống lại nỗ lực can thiệp vào VN đề cứu Điện Biên Phủ năm 1954, khi còn là lãnh tụ tại Quốc Hội, Tổng Thống Johnson đành vận động Quốc Hội chấp thuận cho ông gửi quân chiến đầu vào VN.
Mỹ trực tiếp tham chiến tại Việt Nam, ngoài việc giúp Cộng Sản Bắc Việt có cớ nêu cao khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước”, cuộc đảo chánh lật ông Diệm còn gây ra hậu quả tai hại khác, kể cả sau khi Nam VN đã có chính quyền hợp pháp, được thành lập qua bầu cử thời Đệ Nhị Cộng Hòa, với người đứng đầu là Tướng Nguyễn Văn Thiệu.
l-tong-thong-viet-nam-cong-hoa-nguyen-van-thieu-2
Tổng thống VNCH Nguyễn văn Thiệu
Bộ phim The Vietnam War trình bầy ông Thiệu như một người tham nhũng, mà không nêu chứng cớ rõ ràng. Khi còn tại chức, đáp lại tố cáo của phong trào chống tham nhũng, ông Thiệu nói “có ít xít ra nhiều.” Bao nhiêu là ít, bao nhiêu là nhiều, không phải là con số dễ xác định. Trong cuộc phỏng vấn ông Thiệu dành cho nữ nhà báo Ý Oriana Falaci, kéo dài nhiều tiếng đồng hồ tại Dinh Độc Lập vào tháng Giêng 1973, có bốn câu hỏi chót mà ký giả Falaci xếp vào loại “tàn bạo” (brutal). Câu thứ nhất về dư luận cho rằng ông Thiệu là bù nhìn của Mỹ. Câu thứ nhì nói rằng ông là người tham nhũng nhất VN. Câu thứ ba cho rằng ông là người rất giầu có. Câu thứ tư là “Ông có sợ bị giết không? Chẳng hạn như bị ám sát giống ông Diệm?” Dĩ nhiên ông Thiệu phủ nhận ba câu đầu. Về câu chót, ông nói ông không sợ bị giết, vì ông tin có Chúa phù hộ. Nhưng ông không tin một cách mù quáng là cứ đề mặc Chúa che chở, trong khi mình không làm gì cả để tự bảo vệ. Theo ông, mình phải làm bất cứ điều gì có thể để tiếp tay với Chúa và giúp Chúa bảo vệ mình. Trước đó, qua câu truyện trong bữa ăn sáng, bà Falaci đã chứng kiến vẻ buồn bất ngờ khi ông Thiệu nhắc tới cái chết của ông Diệm trong cuộc đảo chánh mà ông có tham dự. Ông nói những kẻ giết ông Diệm là đồ ngu. Bọn khùng vô trách nhiệm. “Điều này khiến tôi vẫn còn đau đớn, tại đây, giữa đầu và tim tôi. Mỗi dịp giỗ ông, tôi đều xin lễ, trong nhà nguyện của tôi ở đây. Và tôi luôn cầu cho ông, cho linh hồn ông.”
Về phương diện tiếp tay với Chúa để bảo vệ mình, phải công nhận ông Thiệu đã tỏ ra vô cùng xuất sắc. Trong mười năm, từ khi đạt địa vị nguyên thủ quốc gia đến khi từ chức, lo chống đảo chánh là mối quan tâm hàng đầu của ông. Ngoài chức Tổng Tư Lệnh Quân Đội do ông kiêm nhiệm theo hiến pháp, vai trò quan trọng nhất về quân sự là Chủ Tịch Bộ Tham Mưu Liên Quân, ông trao cho Đại Tướng Cao Văn Viên. Thành tích nổi tiếng của vị tướng này là trung thành với ông Diệm, đến nỗi suýt mất mạng. Nhiều phần chắc là ông Viên không đảo chánh, nhưng không thể bảo đảm các tướng tá khác cũng trung thành như ông. Thế là ông Thiệu phải tự lo giúp Chúa bảo vệ mình, ông trực tiếp nắm quyền chỉ huy về quân sự, cắt đặt mọi chức vụ quan yếu, “trung hơn chuyên”; anh nào có tí máu tham nhũng, càng dễ cầm chân, ít muốn làm phản, vì “có tật giật mình.” Thế là Tướng Viên ngồi chơi xơi nước. Xin từ chức, ông Thiệu không cho. Để người khác ngồi vào địa vị quan trọng đó, như ông Diệm dùng ông Đính, chỉ có sớm về chầu Chúa.
Hãy thử đọc quân sử khắp thế giới, có nước nào, trải qua một thập niên chiến tranh, thiệt hại hàng triệu sinh mạng, mà vị tướng ở địa vị cao nhất, rảnh rỗi đến nỗi, thay vì bận tâm giết thù, đã giết thì giờ bằng cách đi học Văn Khoa, và ngồi thiền!
Inline images 2
Đại Tướng Cao Văn Viên, quá nhàn rỗi trong thời chiến
Chưa hết chuyện ông Thiệu lo đảo chánh. Trong cuốn Tears Before the Rain (Nước mắt trước Mưa) của Larry Engelmann xuất bản năm 1997, Dân Biểu Pete McCloskey đã kể câu truyện đáng chý ý. Tháng 2, 1975, vào thời kỳ sắp bỏ phiếu quyết định viện trợ 300 triệu đô la cho VN, Tổng Thống Gerald Ford khuyến khích Quốc Hội cử một phái đoàn Lưỡng Viện sang quan sát tại chỗ tình hình Nam VN, vì có những điều “Chúng tôi biết mà Quốc Hội không biết.” Dân Biểu McCloskey là thành viên của phái đoàn 8 người. Sau khi gặp Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Khu Một (gồm 5 tỉnh vùng giới tuyến), trở về Mỹ, ông nói với các ông Ford và Kissinger rằng: “Bạn không thể thắng. Chúng có thể vượt qua bất cứ lúc nào chúng muốn.” Tướng Trưởng nói với Dân Biểu McCloskey rằng ông thiếu quân để ngăn chặn các sư đoàn Bắc Việt ngay tại biên giới. “Và ông ấy mới mất một đơn vị thiện chiến, bởi vì Thiệu đã hoảng hốt, và rút đơn vị này về phía Nam để phòng vệ chống một cuộc đảo chánh ở Sài Gòn.”
Vẫn chưa hết. Tối 26 tháng Ba, 1975, giữa lúc Huế bỏ ngỏ, Đà Nẵng hấp hối trong cảnh náo loạn, vào nửa đêm, cả một lữ đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến tan vỡ, lọt gọn vào tay khoảng một đại đội du kích Việt Cộng, bị bắt làm tù binh ở làng Cự Lại, miền Trung, như mô tả trong hồi ký Tháng Ba Gẫy Súng của Cao Xuân Huy. Tại Sài Gòn, ông Thiệu ngồi với các thân cận trong ngành Cảnh Sát ở một nơi bí mật gần Khách San Majestic, bàn kế hoạch và ra lệnh bắt mười người, gồm các nhà hoạt động chính trị và nhà báo, vì tình nghi họ âm mưu đảo chánh, theo ghi nhận của Frank Snepp trong Decent Interval.
Mỹ đã rao giảng các nguyên tắc căn bản về dân chủ cho cả thế giới noi theo. Trong ngôn ngữ của một nền dân chủ đích thực, không hề có hai chữ “đảo chánh.” Với tất cả những di hại của cuộc đảo chánh do Mỹ khuyến khích vào tháng 11 năm 1963, dù Đồng Minh không tháo chạy, chiến thắng cũng xa vời. Lỗi ấy tại ai? Ông Thiệu cũng chỉ là nạn nhân.
Inline images 3
Đài kỷ niệm Chiến Tranh Việt Nam tại Washington D.C.
***
Tuy có những khuyết điểm như đã trình bầy, ít nhất, bộ phim The Vietnam War đã nêu bật được sự vô lý và tàn ác của chiến tranh.
Vô lý vì, trong khi Mỹ nỗ lực phát huy dân chủ, đã không hề bận tâm trong việc khuyến khích đảo chánh, lật đổ chính quyền hợp pháp của Đồng Minh. Vô lý khi cho rằng, nếu không loại bỏ anh em ông Diệm thì sẽ thua Cộng Sản. Loại bỏ rồi, tình hình tệ hơn dự đoán, phải mang cả nửa triệu quân Mỹ vào cứu vãn, cuối cùng cũng vẫn thua Cộng Sản. Vậy thì, sự hy sinh của một chế độ cùng với nhà lãnh đạo, cộng với mạng sống của hàng triệu người từ mọi phía, và những di hại khác do chiến tranh gây ra đến nay vẫn chưa dứt, để làm gi? Được gì? Sinh mạng, tài sản và tương lai người dân các nước liên hệ chỉ là trò chơi của một nhóm người có quyền lãnh đạo?
Mặc dầu chiến tranh vô lý và tàn ác, như đã được chứng kiến qua phim ảnh, vẫn có người lớn tiếng chỉ trích những người làm phim là tay sai của khuynh hướng phản chiến.
Tàn ác như vậy chưa đủ sao?
Phải hiếu chiến bao lâu nữa mới là yêu nước?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét