11 tháng 3, 2016

Chiếc trống có chữ khắc duy nhất trong thành Cổ Loa

Mặt trong chân trống Cổ Loa có khắc chìm dòng chữ Hán, được dịch là 'Trống thứ 48 của bộ Tây Vu, nặng hai trăm tám mươi mốt cân'.
Trong số bảo vật quốc gia Bảo tàng Hà Nội đang lưu giữ, trống Cổ Loa thuộc hàng quý hiếm bởi kích thước lớn, hoa văn trang trí trên mặt và thân cầu kỳ. Trống được phát hiện ngày 21/6/1982 khi nhóm thanh niên giúp gia đình ông Tái Kim Quang, xóm Chợ, xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) hạ thấp thửa ruộng ở khu Mả Tre.
chiec-trong-dong-duy-nhat-phat-hien-trong-thanh-co-loa
Trống đồng Cổ Loa có niên đại 2000-2.500 năm thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Ảnh: Phương Hòa.
Chiếc trống nằm ngửa, chứa trong lòng 3 trống đồng bé hơn chỉ còn những mảnh nhỏ cùng hơn 200 hiện vật bằng đồng gồm lưỡi cày, rìu đồng, mũi tên đồng có niên đại trên 2.000 năm. Bộ sưu tập lưỡi cày đồng gồm 20 chiếc, chủ yếu có 3 kiểu chính là lưỡi cày hình tim, hình bầu dục và gần hình tròn. Trải qua hàng nghìn năm tuổi, những chiếc lưỡi cày màu xanh rỉ đồng có niên đại từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn cách đây 2.000-2.500 năm đã bị sứt mẻ, cong vênh phần nào.
Sau khi phát hiện, UBND xã Cổ Loa đã cùng Sở Văn hóa Hà Nội khảo sát lại nơi phát hiện và tổ chức nhiều đợt thu hồi hiện vật. Do tìm thấy ngẫu nhiên nên khu vực quanh chiếc trống nằm đã bị đào bới lộn xộn, các nhà khoa học không thể nghiên cứu được mối quan hệ giữa trống và lớp gốm Cổ Loa cũng như thứ tự sắp xếp các hiện vật ban đầu. Tháng 12/2015, trống Cổ Loa cùng 20 lưỡi cày đồng được công nhận bảo vật quốc gia.
Thuộc nhóm trống đồng Đông Sơn đẹp nhất, cổ nhất hiện nay ở Việt Nam, trống Cổ Loa xếp cùng nhóm với những chiếc trống bảo vật quốc gia khác như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà. Dù hoa văn trang trí trên trống Cổ Loa ít và giản đơn hơn nhưng họa tiết đặc trưng, không trùng lặp với hàng trăm chiếc trống đã phát hiện trước đó và sau này.
Chính giữa mặt trống là hình ngôi sao nổi 14 cánh, trang trí họa tiết lông công xen giữa các cánh. Băng hoa văn số 6 chia thành hai nửa giống nhau, mỗi nửa đều có khắc họa hình người hóa trang, mái nhà cong hình thuyền có chim đậu trên nóc, trong nhà có một cặp nam nữ ngồi đối diện nhau. Một đầu nhà có hình trống đồng đặt nghiêng, đầu kia có người ngồi co gối đánh trống, phản ánh lễ hội cầu mùa của cư dân nông nghiệp.
chiec-trong-dong-duy-nhat-phat-hien-trong-thanh-co-loa-1
Chính giữa mặt trống là hình ngôi sao 14 cánh và 15 băng hoa văn trang trí tinh xảo tính từ tâm. Ảnh: Phương Hòa.
Đặc biệt, đây là chiếc trống đầu tiên có minh văn (chữ khắc) được tìm thấy trong thành Cổ Loa. Mặt trong chân trống có khắc chìm một dòng chữ Hán, được phiên âm là "Tây Vu tập bát cổ, trọng lưỡng cá bách bát thập nhất cân". Dịch là "Trống thứ 48 của bộ Tây Vu, nặng hai trăm tám mươi mốt cân" (khoảng 72 kg).
Theo TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á thì chữ Tây Vu là cách ghi biến âm của Tây Âu, nhóm tộc người mà tương truyền Thục Phán An Dương Vương làm thủ lĩnh đã liên kết với Lạc Việt - Văn Lang của các vua Hùng thành nhà nước Âu Lạc ở cuối thế kỷ 3 trước công nguyên. Việc phát hiện trống Tây Vu trong thành Cổ Loa của An Dương Vương chứa đầy vũ khí và đồ đồng Đông Sơn của những người Tây Âu - Lạc Việt cũng là điều hợp lý.
Trống Cổ Loa cũng là chiếc đầu tiên có minh văn ở Việt Nam được tìm thấy trong khu vực thành Cổ Loa. Đây từng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương (thế kỷ 3 trước công nguyên) và của nước Đại Việt dưới thời Ngô Quyền (thế kỷ 10). Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là tòa thành cổ nhất, quy mô lớn bậc nhất, cấu trúc thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ. Mả Tre vốn là khu nghĩa địa nằm ở phía Tây Nam của cửa Nam thành Cổ Loa. Nhiều nhà nghiên cứu đi đến giả thuyết rằng Mả Tre có thể là kho chôn giấu tài sản trước biến động lớn trong xã hội hàng nghìn năm trước.
Ngoài trống đồng và các lưỡi cày đồng, Cổ Loa còn có hàng loạt di chỉ khảo cổ được phát hiện, phản ánh thời kỳ phát triển liên tục của dân tộc Việt từ sơ khai qua đồ đá, đồ đồng và đồ sắt mà đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn, vẫn được coi là nền văn minh sông Hồng thời kỳ tiền sử của dân tộc Việt Nam.
chiec-trong-dong-duy-nhat-phat-hien-trong-thanh-co-loa-2
Những lưỡi cày đồng được phát hiện cùng với trống Cổ Loa. Ảnh: Phương Hòa.
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học đánh giá, trống đồng Cổ Loa cùng bộ sưu tập lưỡi cày đồng là nguồn sử liệu bằng vật chất, phác họa phần nào cuộc sống sinh hoạt và trình độ khoa học của người Việt cổ cách đây hơn 2.000 năm, dưới thời kỳ nhà nước Âu Lạc mà trung tâm là kinh đô Cổ Loa. Từ công cụ sản xuất như lưỡi cày đồng, đến nhạc khí như trống đồng, hay mũi tên đồng để chiến đấu, phòng vệ, tất cả cho thấy sự hoàn hảo của kỹ thuật đúc đồng thời đó.
"Những hoa văn trang trí hình người, hình thuyền trên chiếc trống Cổ Loa cũng cho thấy thẩm mỹ của cư dân Đông Sơn rất cao, đời sống tinh thần phong phú. Chiếc trống được tìm thấy thuộc loại đẹp nhất, lớn nhất trong số trống đồng thời kỳ đông Sơn nên có thể tin tưởng rằng nó là của quý tộc. Nhưng ai là chủ sở hữu thì vẫn còn là một câu hỏi cần nghiên cứu thêm", PGS Tín cho hay.
Phương Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét