13 tháng 3, 2016

Hải chiến Hoàng Sa 1974-Trận chiến Hoàng Sa và dư luận quốc tế

(Biển Đảo) - Thấm thoắt 42 năm đã trôi qua, lớp bụi thời gian đã phần nào làm lu mờ sự kiện hải quân Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 1/1974, song quá khứ đau thương ấy, mãi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc về một Hoàng Sa của Việt Nam bị kẻ thù chiếm đóng trái phép. Việc Trung Quốc đang đóng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
    Ngang nhiên xóa di tích lịch sử người Việt
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được Chính phủ bảo hộ Pháp trao trả chủ quyền trước khi rút khỏi Đông Dương vào tháng 10/1950. Ngay sau đó, chính quyền Bảo Đại cho quân đóng giữ và thực thi chủ quyền đối với quần đảo này. Đến năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Hoa Kỳ cho quân rút khỏi quần đảo Hoàng Sa. Việc phòng thủ Hoàng Sa bị suy yếu. Ngày 11/1/1974, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ của họ, mặc dù trên thực tế hai quần đảo này vào thời điểm đó đang được chính quyền Sài Gòn quản lý và thực thi chủ quyền. Ngay sau đó, hải quân Trung Quốc đưa nhiều chiến hạm và tàu đánh cá có vũ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa.
Ngày 12/1/1974, ngoại trưởng Vương Văn Bắc của chính quyền Sài Gòn cũ đã cực lực bác bỏ luận điệu ngang ngược và lên án hành động gây hấn của Trung Quốc, đồng thời Bộ Tư lệnh Hải quân của Việt Nam Cộng hòa đã đưa bốn chiến hạm ra vùng biển Hoàng Sa để bảo vệ lãnh thổ. Ngày 17 và 18/1/1974, Trung Quốc tăng cường lực lượng và cố tình khiêu khích, các chiến hạm của họ tiến sâu vào hải phận phía tây quần đảo Hoàng Sa. Sớm ngày 19/1, Trung Quốc ngang nhiên nổ súng tấn công đảo Hoàng Sa một cách trái phép.
Ngày 20/1, bốn phi cơ MiG-21 và MiG-23 của Trung Quốc oanh tạc các đảo Cam Tuyền, Vĩnh Lạc và Hoàng Sa… Tiếp đó, binh lính Trung Quốc đổ bộ tấn công các đơn vị đồn trú của Việt Nam Cộng hòa trên các đảo này, chiếm nốt phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa. 58 binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa. Sau khi chiếm được toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã cho đập phá các bia chủ quyền tại quần đảo, đào các mộ của người Việt đã chôn ở đây, xóa các di tích lịch sử của người Việt.
Phản ứng của phía Việt Nam
Ngày 20/1/1974, ngoại trưởng chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cử ủy ban đặc biệt tới kiểm tra và đề nghị có những biện pháp cần thiết trước tình hình khẩn cấp về việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa. Ngay sau đó, ngày 26/1/1974, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra tuyên bố phản đối hành động xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc và công bố lập trường “Về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Việt Nam. Mặc dù chính quyền cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay hành vi xâm phạm, song Trung Quốc không chỉ dừng lại mà còn tiến hành xây dựng và củng cổ phòng thủ bất hợp pháp trên quần đảo này.

Sau khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Ngày 5/6/1976, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ những thông tin xuyên tạc về Hoàng Sa – Trường Sa và khẳng định hai quần đảo này là thuộc chủ quyền Việt Nam, từ trước đến nay đều do người Việt Nam quản lý.
Sự kiện Hoàng Sa nhìn từ luật pháp quốc tế
Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm nốt phần phía tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hoàn toàn trái pháp luật. Nhìn nhận sự kiện này dưới bình diện của luật pháp quốc tế, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét sau:
Một là, những hành động đánh chiếm các đảo và quần đảo ở Biển Đông bằng vũ lực là một sự vi phạm nghiêm trọng điều 2 khoản 4 của Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác. Nội dung điều khoản này trong Hiến chương Liên hợp quốc là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước thành viên của Tổ chức Liên hợp quốc, trong đó có Trung Quốc, đều phải tuân thủ. Nguyên tắc này được phát triển và cụ thể hóa trong Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó quy định: “Các quốc gia có nghĩa vụ không đe dọa hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác (coi đe dọa hay sử dụng vũ lực) như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”.
Hai là, hành động Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm phần phía đông của quần đảo Hoàng Sa năm 1956 và chiếm nốt phần phía tây của quần đảo này năm 1974 thực chất là một hành động xâm lược lãnh thổ của Việt Nam.
Ba là, theo luật pháp quốc tế, việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không tạo ra được chứng cứ để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt. Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc được trích dẫn ở trên đã nêu rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe doạ hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.
Từ thực tiễn và minh chứng lịch sử, chiếu theo các quy định của luật pháp quốc tế, có thể nói rằng hành động của Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào các năm 1956 và năm 1974 là sự vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “cấm việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” và bị coi là “hành động xâm lược”. Dù có chiếm đóng thêm một trăm năm nữa thì Trung Quốc cũng không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam phải trả về cho Việt Nam. Đó là một sự thật lịch sử, không thể nào thay đổi.
(Theo Tin Tức)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét