(Biển Đảo) - “Chúng ta không thể dùng nguyên tắc “im lặng là đồng ý” để giải thích hành vi của Hà Nội trong trận hải chiến Trung Quốc – Nam Việt Nam. Sự thụ động tạm thời của Bắc Việt phản ánh tính toán chiến thuật chứ không mang tính chiến lược hay pháp lý… Ngay sau khi chính quyền Ng.V.Thiệu sụp đổ, Bắc Việt không ngần ngại kêu đòi Hoàng Sa”.
Ngay khi Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa ngày 19/1/1974, chính quyền Sài Gòn lập tức họp báo tố cáo Bắc Kinh vi phạm chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cử ủy ban đặc biệt tới kiểm tra hành động xâm lược và chiếm đóng của Bắc Kinh. Nhân dân Việt Nam ở miền Nam rầm rộ xuống đường phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa.
Sau khi cho quân lén lút chiếm đóng trái phép nhóm phía đông của quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956, ngày 15/1/1974 Trung Quốc lại cho tàu cá chở quân lính giả dạng ngư dân đổ bộ lên chiếm một số đảo thuộc nhóm phía tây, rồi tăng cường lực lượng lên 11 tàu chiến. Nhận thấy tình hình bất ổn, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 duyên hải của quân đội Sài Gòn liền điều các tuần dương hạm và hộ tống hạm tức tốc tiến ra Hoàng Sa.
Cuộc đọ súng dữ dội xảy ra trong khoảng 30 phút sáng ngày 19/1/1974 (tức 27 tết). Nhiều chiến sĩ trong quân đội Sài Gòn đã phải vĩnh viễn nằm lại trong khi cố bảo vệ sự toàn vẹn biển đảo của Tổ quốc Việt Nam; 2 tàu HQ-4 và HQ-5 đều trúng đạn; HQ-16 bị hư hại nặng phải dần rút khỏi vòng chiến. HQ-10 là tàu nhỏ nhất bị chìm. Tuy cũng bị tổn thất với 4 tàu bị bắn hỏng và nhiều lính chết, nhưng Trung Quốc đã cưỡng chiếm được toàn bộ phần còn lại của quần đảo.
Sớm nhận biết diễn biến thái độ của phía Trung Quốc đối với Việt Nam kể từ chuyến thăm nước này của Tổng thống Mỹ – Richard Nixon ngày 27/2/1972 và việc Mỹ bỏ rơi chính quyền Sài Gòn trong sự kiện Hoàng Sa (19/1/1974), trong thư gửi đồng chí Phạm Hùng (tháng 10/1974), Bí thư thứ nhất Lê Duẩn nói rõ nhận định của Bộ Chính trị là “người ta đã mặc cả với nhau” về Việt Nam.
Đấy cũng là một trong những lý do Bộ Chính trị quyết định phải giải phóng miền Nam chỉ trong hai năm 1975 – 1976, sau rút xuống chỉ trong năm 1975, rồi chỉ còn trong tháng 4/1975, trước mùa mưa, vì: “Thời cơ này đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để, nhưng phải khôn khéo. Có như thế mới tạo được bất ngờ”.
Âm mưu
Sau hành động cưỡng chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực của nhà cầm quyền Trung Quốc, các học giả của nước này cố công tìm kiếm sách cổ, lượm lặt mọi chi tiết dù mơ hồ nhưng có liên quan đến biển Đông để nặn ra bằng chứng về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam).
Nhưng dù có cố gắng mấy đi nữa, Trung Quốc cũng không thể chứng minh được chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa. Vì về mặt bằng chứng lịch sử, các nguồn thư tịch của Trung Quốc tính cho đến cuối thế kỷ XIX và thậm chí cả những năm đầu thế kỷ XX đều phản ánh một thực tế hiển nhiên, xác thực, rõ ràng, không thể phản bác là vùng lãnh thổ, lãnh hải truyền thống của nước này chưa giờ vượt quá đảo Hải Nam. Trong khi đó, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc đang muốn dựa vào thời gian để một mặt chứng tỏ sự chiếm đóng liên tục, lâu dài của mình đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (kể từ năm 1974 trở đi) và cũng tìm mọi cách ngăn cản sự có mặt của Việt Nam trên vùng biển đảo này, ngõ hầu qua đó cho rằng Việt Nam đã từ bỏ chủ quyền. Nhưng họ đã không thể nào thực hiện được ý đồ của mình.
Bởi lẽ, Điều 2 của Hiến chương Liên hiệp quốc đã nói rõ, một hành vi xâm chiếm hay chinh phục không thể được coi là nguồn gốc tạo ra chủ quyền hay thay thế chủ quyền đã có trước đó. Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 24/10/1970 cũng nhắc lại việc cấm sử dụng vũ lực như một phương tiện giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và mọi sự thụ đắc lãnh thổ có được bằng sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp.
Mặt khác, dù tạm thời bị mất yếu tố vật chất nhưng Việt Nam không bao giờ từ bỏ yếu tố tinh thần là ý chí về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngay khi Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo ngày 19/1/1974, chính quyền Sài Gòn lập tức họp báo tố cáo Bắc Kinh vi phạm chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cử ủy ban đặc biệt tới kiểm tra hành động xâm lược và chiếm đóng của Bắc Kinh. Nhân dân Việt Nam ở miền Nam rầm rộ xuống đường phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa.
Im lặng không phải là đồng ý
Bấy giờ, do ở vào thời điểm nhạy cảm phải tập trung toàn lực cho giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, và cũng do theo điều khoản của Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 các quần đảo phía nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền tài phán của chính quyền Nam Việt Nam nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa không lên tiếng công khai. Chỉ có Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra tuyên bố khẳng định: Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là một vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc; vấn đề biên giới và lãnh thổ là vấn đề mà giữa các nước láng giềng thường có những tranh chấp do lịch sử để lại; các nước liên quan cần xem xét vấn đề này trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt và phải giải quyết bằng thương lượng.
Như vậy, về mặt phát ngôn ngoại giao, tuyên bố này cũng được hiểu là khẳng định chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia; đồng thời phản đối việc Trung Quốc sử dụng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa.
Tiến sĩ Balazs Szalontai, từng dạy ở Đại học Khoa học công nghệ Mông Cổ và hiện là một nhà nghiên cứu độc lập ở Hungary, trong bài viết “Im lặng nhưng không đồng tình” đăng trên trang web của Đài BBC vào tháng 3/2009 cho rằng “thời điểm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa cho thấy Bắc Kinh muốn hành động trước khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ – tức là trước khi Hà Nội có thể giành lấy các hòn đảo”. Ông cũng cho rằng, với tài liệu mà mình tìm thấy được từ Kho Lưu trữ quốc gia Hungary, sau vụ xâm chiếm của Trung Quốc, các cán bộ ngoại giao của miền Bắc nói với các nhà ngoại giao Hungary rằng Việt Nam có nhiều văn bản chứng minh chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa; xung đột giữa Trung Quốc với chính thể Sài Gòn chỉ là tạm thời, còn sau đó sẽ là vấn đề cho cả quốc gia Việt Nam. Và, “Khác với Bắc Kinh, Hà Nội không hề xem vụ việc đã khép lại.
Một Vụ trưởng của Bộ Ngoại giao Bắc Việt nói với Hungary rằng chính phủ miền Bắc dự tính sẽ họp với Trung Quốc để làm rõ vấn đề”. Từ những dẫn chứng này, Balazs Szalontai đi đến nhận định: “Chúng ta không thể dùng nguyên tắc “im lặng là đồng ý” để giải thích hành vi của Hà Nội trong trận hải chiến Trung Quốc – Nam Việt Nam. Sự thụ động tạm thời của Bắc Việt phản ánh tính toán chiến thuật chứ không mang tính chiến lược hay pháp lý… Ngay sau khi chính quyền Thiệu sụp đổ, Bắc Việt không ngần ngại kêu đòi Hoàng Sa”.
Hoàng Sa là của Việt Nam
Đúng như vậy, chỉ 5 tháng sau ngày giải phóng miền Nam, đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam do Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn dẫn đầu sang thăm Trung Quốc, và trong hội đàm với Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình ngày 24/9/1975 đã đặt vấn đề phải giải quyết về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Nửa tháng sau (10/11/1975), Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Từ đó đến nay, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này, như công bố sách trắng “Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và luật pháp quốc tế”, phản đối mọi lời tuyên bố chủ quyền và những hoạt động của Trung Quốc trên quần đảo; tăng cường công tác quản lý hành chính đối với quần đảo Hoàng Sa bằng việc thành lập huyện đảo vào ngày 9/12/1982 thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, sau đó đặt dưới quyền quản lý của TP. Đà Nẵng kể từ ngày 1/1/1997. Đồng thời, Nhà nước không ngừng thực hiện các hoạt động đấu tranh pháp lý, ngoại giao và trên mặt trận tuyên truyền nhằm khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa.
Nhìn lại lịch sử, sau 1.000 năm mất nước (43 – 938) người Việt Nam vẫn khôi phục được “nghiệp xưa họ Hùng”, bởi trong suốt 1.000 năm đó người Việt không hề mất ý chí về chủ quyền đất nước, và 1.000 năm Bắc thuộc cũng đồng thời là 1.000 năm chống Bắc thuộc. Điều đó cho chúng ta vững tin rằng, dù giải quyết vấn đề Hoàng Sa không thể một sớm một chiều, nhưng chắc chắn sẽ có ngày chúng ta thực hiện được sự quản lý thực sự trên quần đảo này.
Còn với Trung Quốc, tuy đã chiếm đóng Hoàng Sa suốt 40 năm qua, nhưng vẫn mãi mãi không thể nào có được một tư cách hợp pháp đối với vùng lãnh thổ cưỡng chiếm bằng vũ lực. Ferrier Jean Pierre tại trường Đại học Luật kinh tế và khoa học xã hội ở Paris thẳng thừng chỉ ra rằng: “Đó là hành động vi phạm trắng trợn các quy tắc ngăn cản việc dùng vũ lực và việc xâm chiếm lãnh thổ bằng vũ lực… Việc xâm chiếm này về nguyên tắc là phi pháp”.
Monique Chemillier – Gendreau, Chủ tịch Hội Luật gia châu Âu cũng căn cứ vào Điều 2, khoản 4 của Hiến chương Liên hiệp quốc khẳng định: “Sự chinh phục bằng vũ lực kéo theo một tình trạng chiếm đóng quân sự luôn luôn là trái phép và sự chiếm đóng quân sự này, trừ khi có một thỏa thuận giữa các quốc gia liên quan, không thể tự chuyển thành quyền, dù có thời gian dài”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét