11 tháng 3, 2016

Nhiệm vụ tuyệt mật ngăn kim cương rơi vào tay phát xít Đức

Để ngăn phát xít Đức chiếm giữ lượng lớn kim cương công nghiệp có thể dùng để chế tạo vũ khí, một chiến dịch bí mật đưa chúng ra khỏi Hà Lan diễn ra gấp rút.
nhiem-vu-tuyet-mat-ngan-kim-cuong-roi-vao-tay-phat-xit-duc
Phát xít Đức chỉ mất 5 ngày để chiếm toàn bộ Hà Lan. Ảnh: Wikipedia
Theo We are the mighty, khi phát xít Đức bắt đầu tấn công Hà Lan ngày 10/5/1940, cộng đồng quốc tế không chỉ lo ngại về sinh mạng người dân nước này, mà còn e ngại một lượng kim cương công nghiệp khổng lồ tại Amsterdam có thể rơi vào tay quân Đức.
Kim cương công nghiệp được sử dụng cho nhiều mục đích sản xuất khác nhau, và quốc gia nào kiểm soát được lượng kim cương này có thể chế tạo nhiều vũ khí, phương tiện, cùng các công nghệ hiện đại như radar.
Đó là lý do hai nhà buôn kim cương tại Anh là Jan Smit và Walter Keyser đã tình nguyện phục vụ chính phủ Anh. Cha của Keyser điều hành nhiều hoạt động thương mại lớn tại Amsterdam và là bạn của nhiều nhà buôn khác. Smit thì đảm bảo rằng nếu được phép ra vào Amsterdam, ông có thể đưa rất nhiều kim cương ra khỏi thành phố trước khi chúng bị phát xít Đức thu giữ.
Đích thân thủ tướng Anh khi đó là Winston Churchill đã phê chuẩn nhiệm vụ trên. Churchill lệnh cho một sĩ quan quân đội tháp tùng hai người này và cho phép họ sử dụng một tàu khu trục cũ từ thời Thế chiến I, HMS Walpole, để nhanh chóng tới Amsterdam.
Tàu Walpole phải luồn lách qua những bãi thủy lôi của Anh và Đức, nằm cách nhau chỉ chừng 1,6 km, trong đêm tối mà hoàn toàn không bật đèn để vượt qua eo biển Anh, hay còn gọi là eo biển Manche.
nhiem-vu-tuyet-mat-ngan-kim-cuong-roi-vao-tay-phat-xit-duc-1
Chiến hạm HMS Walpole. Ảnh: Royal Navy
Trong chuyến đi này, tàu suýt nữa va chạm với một tàu Anh khác cũng di chuyển trong đêm tối. Nhiều năm sau, những người có mặt trên Walpole mới biết chiếc tàu họ bắt gặp đêm đó được dùng để di tản các thành viên Hoàng gia Hà Lan.
Keyser và Smit cập cảng lúc rạng sáng và suốt cả ngày hôm đó cùng phối hợp với cha của Smit để thuyết phục các nhà buôn khác giao kim cương cho mình. Từ lúc đến đất liền và trong suốt các chuyến đi quanh Amsterdam, cả hai được một phụ nữ Do Thái có tên là Anna dẫn đường. Người phụ nữ này canh chừng cho họ để đề phòng bị điệp viên Đức do thám.
Suốt ngày hôm đó, cảnh sát và binh sĩ Hà Lan phải cố gắng đẩy lùi những nhóm lính dù Đức đang cướp phá thành phố. Trên các khu vực khác của Hà Lan, quân phát xít đã nhanh chóng đánh tan các cuộc kháng cự. Nhiều cuộc họp của Keyser và Smit tại Amsterdam bị tiếng súng làm gián đoạn.
Rất nhiều nhà buôn kim cương ở Amsterdam là người Do Thái. Lẽ ra họ có thể hối lộ để rời Hà Lan cùng với hàng của mình và thoát khỏi nạn diệt chủng Holocaust. Nhưng thay vào đó, họ chọn cách cho người Anh chuyển số kim cương đi để tránh bị rơi vào tay quân Đức. Hầu hết những người này từ chối nhận biên lai, do lo sợ phát xít Đức sẽ truy ra lượng kim cương bị tẩu tán.
Dù nhiều kim cương được chuyển cho hai đại diện người Anh, các vụ tấn công của phát xít diễn ra vào đúng ngày cuối tuần, lúc các ngân hàng đóng cửa, khiến kim cương được cất trong các két sắt ngân hàng không thể lấy ra.
Rất may mắn là một đại diện khác của nước Anh, thiếu tá Montagu R. Chidson, đã tới được một hầm tiền khổng lồ tại Amsterdam Mart và phá cửa thành công sau nhiều giờ nỗ lực. Khi đó, lính dù Đức cũng xông vào tòa nhà. Chidson thoát được ra ngoài cùng số kim cương khi binh sĩ Đức đang tràn xuống theo lối cầu thang.
Cuối ngày hôm đó, Chidson một mình thoát thân còn Anna vội vã đưa Smit, Keyser cùng sĩ quan quân đội tháp tùng trở lại cảng, vừa kịp lúc để rời đi trên tàu HMS Walpole. Smit mang theo một bao lớn chứa đầy kim cương và đã phải dùng súng khống chế một người lái tàu để đưa họ ra nơi chiếc tàu khu trục Anh neo đậu.
Số kim cương Chidson giữ sau đó được bàn giao cho Nữ hoàng Hà Lan Wilhelmina, còn số kim cương do Smit và Keyser đưa về được giữ tại London trong suốt cuộc thế chiến.
nhiem-vu-tuyet-mat-ngan-kim-cuong-roi-vao-tay-phat-xit-duc-2
Một viên kim cương công nghiệp được gắn trên một loại vũ khí. Ảnh: Wikipedia
Hoàng Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét