Ông Nhu đang tiến gần đến tuổi ba mươi khi được giới thiệu với cô Lệ Xuân mười lăm tuổi vào năm 1940.
Ngôi trường của bọn trẻ ở Hà Nội nằm kế bên dinh thự của quan toàn quyền Pháp. Tòa nhà màu nghệ tây vẫn còn đến hôm nay nhưng được dùng làm văn phòng và phòng tiếp tân của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Vào thời Lệ Xuân, ngôi trường được đặt tên theo Albert Sarraut, Toàn quyền Đông Dương từ 1911 đến 1913. Mặc dù Sarraut được ca ngợi bởi việc thúc đẩy cải cách giáo dục, động cơ của ông, từ căn để, là một thí dụ khó chịu khác về sự thắng thế của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Ông tin rằng người Việt không thể được khai hóa cho đến khi tư tưởng, phong tục tập quán, và những thể chế của họ được phản ánh theo nước Pháp. Đối với Albert Sarraut, người chiến sĩ tự xưng của công cuộc cải cách giáo dục bản địa, người Việt Nam “sẽ xứng đáng được giải phóng khỏi sự cai trị của Pháp chỉ khi họ không còn khao khát là người Việt, nhưng là người Pháp da vàng".
Lệ Xuân được dạy nói, đọc, viết, và suy nghĩ như một nữ sinh Pháp bé nhỏ. Cô học thuộc thứ tự các vị vua nước Pháp và ngày tháng tất cả những cuộc chiến giữa Pháp và Anh. Cô có thể đọc vanh vách những cánh rừng và những ngọn núi tuyết phủ mà thậm chí chưa từng nhìn thấy chúng. Cô làm bài kiểm tra về thi ca và chính tả tiếng Pháp nhưng không được học về di sản của đất nước mình. Lệ Xuân có bổn phận phải quên cô là người Việt và được khích lệ để tin rằng định mệnh của cô là trở thành một phần của một nền văn hóa khác, ưu việt hơn.
Giờ đây khi gia đình đã trở lại Hà Nội và bọn trẻ bận bịu với trường lớp, người phụ nữ của gia đình, bà Chương, có thể tận hưởng chút ít tự do. Thoát khỏi miền thôn quê truyền thống, áp lực sinh con đẻ cái, và sự can thiệp của mẹ chồng, bà Chương có thể khám phá ý nghĩa của việc là một người phụ nữ Việt trong một kỷ nguyên của sự thể nghiệm và thậm chí buông thả. Là điều không thể tưởng nghĩ chỉ một thế hệ trước, phụ nữ Việt giờ đây có thể đứng cùng chồng ở những nơi công cộng như nhà hàng và vũ trường.
Bà Trần Lệ Xuân và chồng - ông Ngô Đình Nhu. Ảnh tư liệu.
|
Không phải bó chặt bộ ngực sau tấm áo chùng, bà Chương đã có thể trưng diện sắc vóc của mình. Bà có thể mặc những bộ quần áo đặt may, chạy theo những mốt mới nhất, như áo váy có viền ren. Cửa hàng bách hóa Godard ở góc phố Paul Bert bán bít tất lụa, mũ, và kẹp tóc. Sự thiên vị của người Pháp với gia đình ông Chương mang lại cho họ phương tiện kinh tế để theo đuổi tất cả những thú vui Âu châu ở Hà Nội. Một chiếc Mercedes có tài xế riêng đưa họ đi xung quanh thành phố; họ ăn trong những nhà hàng Trung Hoa trang nhã nhất thành phố và xem những bộ phim Mỹ và Pháp ở rạp xi nê. Rạp Palace hiện đại và đắt đỏ nhất trong số bảy rạp chiếu bóng ở Hà Nội, nhưng ngay cả người Việt nghèo nhất ở thành thị vẫn có thể xem phim. Có một rạp Trung Hoa bên kia thành phố, nơi mọi người ngồi xổm cùng nhau trên những thanh gỗ, vươn cổ ngoẹo đầu để nhìn rõ màn ảnh. Có một loại vé thậm chí rẻ hơn nữa dành cho những ai sẵn lòng đứng ở phía ngược màn hình và xem những hình ảnh lập lòe từ sau ra trước.
Vào những chiều thứ Ba, bà Chương mở tiệc chiêu đãi ở nhà. Khách là người Việt và người Pháp - và sau năm 1939 là người Nhật. Đàn ông và đàn bà thoải mái trộn lẫn vào nhau sau những tuần bánh và rượu cốc tai trong phòng khách. Tất cả những nhân vật quan trọng, hoặc một ngày nào đó sẽ quan trọng, đều tham dự. Tiếng cười và trò chuyện trôi lơ lửng trên những ngọn đèn chùm pha lê và cuộn lên cầu thang đến chiếu nghỉ nơi những đứa trẻ đang thu mình, nghe lỏm chuyện người lớn bên dưới.
Bà Chương đang thích nghi với truyền thống, có từ thời Cách mạng Pháp, của những phụ nữ tinh anh chủ trì những cuộc họp xa lông, nơi khách khứa có thể tham gia vào những cuộc tranh luận đầy trí tuệ về nghệ thuật, văn chương, và thậm chí chính trị. Những người đàn ông quyền thế luôn luôn có mặt trong những cuộc hội họp tại nhà bà Chương, nhưng những quan điểm về bình đẳng nam nữ và nữ quyền đã trở thành phương tiện biểu đạt để tranh biện về một đề tài khác, một đề tài quá nguy hiểm để bàn luận công khai: Giải phóng Việt Nam khỏi chủ nghĩa thực dân Pháp. Ở đó những cuộc tranh luận sôi nổi về vai trò thích đáng của phụ nữ, giá trị của giáo dục đối với nữ giới, và sự cân bằng giữa tổ ấm gia đình và đời sống công cộng, nhưng tại căn để của tất cả những câu hỏi này là một vấn đề lớn lao hơn nhiều: Làm thế nào để Việt Nam có thể trở nên hiện đại và tự do?
Tôi [1] đã kỳ vọng tìm được nhiều thông tin về những cuộc họp mặt thứ Ba của bà Chương trong những văn khố của French Sureté, hay mật vụ Pháp lừng danh, nhưng thay cho tin tức tình báo về những con người nguy hiểm bà đã tiếp đãi và những tư tưởng nguy hiểm đã luận bàn, tôi tìm thấy một sự mô tả thô tục về cuộc sống của vợ chồng ông Chương.
Không có gì trong những tập hồ sơ tiếng Pháp xác nhận ý tứ về “sự vinh quang” mà bản cáo phó của ông bà Chương mô tả rất nhiều năm sau. Sự thực hoàn toàn trái lại. Tướng quân đội Pháp Georges Aymé miêu tả cha bà Lệ Xuân, ông Chương, là “người khá còi cọc,” một khí lực ẻo lả không làm thỏa mãn được vợ mình. Lời tử tế nhất tôi có thể tìm thấy về ông Chương trong văn khố miêu tả ông “thông minh, đúng hơn là tinh tế”. Điều đó có vẻ khác xa bức chân dung về một nhà ngoại giao lỗi lạc vào lúc chết.
Nhưng mô tả về bà Chương làm tôi sốc nhất. “Vợ ông Chương đẹp và rất hấp dẫn. Giữa người An Nam với nhau, người ta biết rằng bà là người chỉ huy, điều khiển chồng mình". Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Ngay khi hai bên thái dương đã điểm hoa râm, bà Chương luôn trông có vẻ vương giả và tự chủ trong những tấm hình mà tôi đã xem. Nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy một tấm hình nào lột tả khía cạnh hoang dại trong tính cách của bà - mà theo mật vụ Pháp, "nổi tiếng khắp Đông Dương". Bà cũng nổi tiếng không kém với “tham vọng lì lợm cũng như tính cách coucheries utilitaires - lang chạ với những người có uy thế thuộc bất kỳ quốc tịch nào".
Những báo cáo tiếng Pháp đã điểm danh những tình nhân của bà, bao gồm một con người xuất chúng và nguy hiểm nhất. Một thời gian sau khi đến, vào năm 1939, nhà ngoại giao Nhật Bản Yokoyama Masayuki đã phản bội người vợ Pháp của ông vì bà Chương; đổi lại, bà đã được miêu tả là còn hơn cả nhân tình của ông. Bà Chương đã trở thành “cánh tay mặt” của lãnh sự Nhật ở Hà Nội. Đối với người Pháp, việc một phụ nữ thông minh và tham vọng như bà Chương lựa chọn người Nhật thay vì người Pháp là một dấu hiệu đáng ngại. Bà đang làm những gì có thể để giúp giữ vững vị thế tốt đẹp của gia đình trên cồn cát chính trị biến động không ngừng.
Đủ thứ luận điệu đã được truyền đến Paris trên những tờ giấy vỏ hành phai màu và được lưu trữ như những mẩu chuyện tầm phào của các nhà ngoại giao cho hậu thế. Theo một lời đồn thổi đã trở thành câu chuyện phiếm bên ly cà phê của nhiều người nhiều năm về sau, trong số nhiều nhân tình của bà Chương ở Hà Nội có một người đàn ông tên Ngô Đình Nhu.
Ông Nhu đang tiến gần đến tuổi ba mươi khi được giới thiệu với cô Lệ Xuân mười lăm tuổi vào năm 1940. Là một người đàn ông độc thân với gia thế tốt đẹp ở Huế, dáng vẻ điển trai của ông càng tăng thêm cùng với tuổi tác và trải nghiệm. Họ đã gặp nhau trong khu vườn nhà ông Chương ở Hà Nội. Ông Nhu vừa trở về Việt Nam sau gần một thập niên học hành ở Pháp. Tấm bằng đầu tiên ông có được là về văn chương. Sau đó, trong khi đang theo học ngành quản thủ thư viện, ông đã lấy một bằng cấp về cổ tự học, từ trường Pháp điển quốc gia danh giá ở Paris. Ông Nhu đang bắt đầu một vị trí tại cơ quan văn khố Hà Nội khi ông gặp Lệ Xuân.
Tất cả những điều đó có vẻ mang tính sách vở và nhỏ nhặt với một người giàu kinh nghiệm, nhưng với Lệ Xuân, bấy giờ vẫn đang học trung học và chưa bao giờ ra khỏi đất nước, trải nghiệm ở hải ngoại của ông Nhu mang lại cho ông một nét hấp dẫn kỳ lạ. Một cuộc hôn nhân sẽ giải phóng cô khỏi những nỗi bẽ mặt hàng ngày mà gia đình cô gây ra. Có vẻ như với Lệ Xuân, một người đàn ông ham mê sách vở hơn chính trị sẽ là nỗi khuây khỏa sau những trò chơi hai mặt và phản bội mà bà đã chứng kiến trong cuộc hôn nhân của chính cha mẹ mình. Việc ông Nhu mỉm cười nhiều hơn nói chuyện có vẻ là một biểu hiện tốt nữa. Kết hôn là bước tiếp theo với một cô gái có giáo dục, và Lệ Xuân không nghĩ cô hơn ông Nhu về điểm này.
Ngặt nỗi ông Nhu thuộc về một gia đình Công giáo kiên trung. Trong tầng lớp tinh anh Việt Nam thì người Công giáo chiếm thiểu số và có phần kỳ lạ. Tuy vậy, điều đó khá tốt với kỳ vọng của một người con gái thứ như cô.
Chú thích:
[1]: Tôi: là nữ tác giả Mỹ Monique Brinson Demery (chú thích của tòa soạn).
(Trích sách Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng, tác giả Monique Brinson Demery, dịch giả Mai Sơn, Phương Nam Book - NXB Hội Nhà Văn
)
)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét